Lời giới thiệu:
Alice Munro sinh ngày 10 tháng Bảy năm 1931 ở Wingham,
Ontario, Canada, với tên khai sinh là Alice Ann Laidlaw. Cha của bà là chủ nông
trại, mẹ là cô giáo. Bà trải qua tuổi thơ ở thị trấn Clinton , nơi bà cũng thường trở về sau này.
Theo học đại học Western Ontario , nhưng rời
trường sớm khi lập gia đình năm 20 tuổi. Bà và gia đình sống ở một đảo ngoài
khơi Vancouver
nhiều năm nay, coi sóc tiệm sách có tên là Munro. Hai ông bà có với nhau ba đứa
con, hôn nhân của họ thời trẻ có một thời kỳ tan vỡ ngắn. Sinh quán của Alice
Munro, Ontario, là tỉnh bang lớn nhất Canada, gần bên Ngũ Đại Hồ. Vùng phía nam
của tỉnh là vùng có khí hậu ôn hòa, cảnh sắc xinh đẹp, đất nông nghiệp bằng
phẳng, nhiều sông hồ. Trong truyện của Munro, có cảnh vật của Ontario
hoặc thiên nhiên hoang dã trên đảo Vancouver .
Truyện của bà viết về đời sống những người bình thường, với
văn phong giản dị, trong trẻo và đẹp. Nhưng đó là bề ngoài dễ gây ngộ nhận.
Thật ra văn của Alice Munro không dễ hiểu. Người đọc cần chú tâm đến từng chi
tiết mà bà để lại dọc đường. Bên trong là sức mạnh của sự mô tả chính xác, phân
tích sắc bén các xung đột, sự nghiêm khắc với thói dung tục và a dua, tính hài
hước, và lòng trắc ẩn. Alice Munro nhận nhiều giải thưởng, trong đó ba lần giải
General Governor, giải thưởng danh giá nhất Canada, và giải Man Booker
International năm 2009. Dù sức khoẻ yếu, bà có khả năng làm việc đều đặn, bền
bỉ. Tác phẩm (tạm dịch): Vũ Điệu Những Cái Bóng Hạnh Phúc (Dance of The Happy
Shades)(giải GG), Cuộc Đời Những Cô Gái và Đàn Bà (Lives of Girls and Women),
Bạn Nghĩ Bạn Là Ai Kia? (Who Do You Think You Are), Những Mặt Trăng Của Mộc
Tinh (The Moons Of The Jupiter), Tiến Triển Của Tình Yêu (The Progress of Love)
(giải GG), Chạy Trốn (Runaway). Năm 80 tuổi, xuất bản tập Quá Sức Hạnh Phúc (Too
Much Happiness). Tiếp sau đó, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, tác phẩm mới
Cuộc Đời Yêu Dấu (Dear Life). Một truyện của bà, Gấu Về Qua Núi (The Bear Came
Over The Mountain), một chuyện tình cảm động, đã được Sarah Polley chuyển thành
phim với các tài tử Julie Christie và Gordon Pinsent. Truyện ngắn sau đây,
nguyên văn tiếng Anh “Miles City, Montana” rút từ tập The Progress of Love,
1985, NXB Alfred A. Knoft. Miles City là tên một thị trấn nhỏ, dân số không quá một
ngàn người, Montana là một tiểu bang ở vùng
Tây Bắc nước Mỹ, sát biên giới Canada .
Kín đáo, khiêm cung, Alice Munro không phải là người của
công chúng, và ít khi xuất hiện trên báo chí, ngoại trừ tác phẩm của mình. Cách
đây bốn năm, khi tôi đến nghe một buổi hội thảo ở Vancouver sau giải Man Booker
International, với nhiều nhà văn nổi tiếng như Margaret Atwood đọc những tham
luận xúc động, đầy yêu mến, nhằm tuyên dương tác phẩm của bà, Alice Munro đã
không có mặt. Trên thế giới nhiều người vẫn không biết đến tên bà- mặc dù năm
2005, tuần báo Time đã chọn bà là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất- cho
đến ngày 10 tháng 10 năm 2013 vừa qua. Ngày hôm đó, Ủy ban giải thưởng Nobel đã
không thể liên lạc được với nhà văn để báo tin vui. Các độc giả cũng không tìm
đọc bà như tìm đến các tên tuổi văn học khác, đôi khi họ bắt gặp bà một cách
tình cờ trên kệ sách, và tự hỏi: bà này là ai?
Tôi chọn truyện “Miles City, Montana” vì đó là truyện ngắn
đầu tiên của bà mà tôi được đọc, cách đây mười bốn năm, trong một thời kỳ hỗn
loạn. Truyện của bà đã giúp tôi đứng lại, nhìn xuống, thấy được chính thật tình
trạng của mình. Tôi dịch truyện ngắn này như một lời cám ơn lặng lẽ.
***
Cha tôi băng qua cánh đồng ôm xác một đứa bé trai bị chết
đuối. Họ có nhiều người, trở về sau cuộc lùng kiếm, nhưng ông là người mang xác
thằng bé. Những người đàn ông mình mẩy đầy bùn, mệt lả, bước đi đầu cúi xuống,
như thể họ là những người có lỗi. Ngay những con chó cũng chán nản, lông nhểu
nước từ con sông lạnh giá. Thế mà vài giờ trước đó khi khởi sự, chúng còn tỏ ra
bồn chồn, chạy quanh sủa ăng ẳng, những người đàn ông quyết tâm, căng thẳng, và
có một không khí kích động bị kìm nén lại, không diễn tả được, bao trùm toàn bộ
khung cảnh. Lúc đó ai cũng biết rằng có thể họ sẽ tìm thấy một điều gì khủng
khiếp.
Tên của thằng bé là Steve Gauley. Tám tuổi. Tóc và quần áo
nó nhuốm bùn, bê bết cỏ, cành vụn và lá chết. Nó là nỗi cự tuyệt được gởi lại
từ mùa đông. Mặt nó úp vào ngực cha tôi, nhưng tôi vẫn còn thấy được một lỗ
mũi, một vành tai nhét đầy bùn xanh lợn cợn.
Tôi không nghĩ thế. Tôi không nghĩ rằng tôi đã thực sự trông thấy những điều ấy.
Có lẽ tôi đã thấy cha tôi mang xác thằng bé, thấy những người khác đi theo ông,
những con chó, nhưng tôi không thể nào được phép đến gần tới mức nhìn thấy một
thứ gì như bùn trong lỗ mũi. Chắc là tôi đã được nghe ai đó kể lại và tự mình
tưởng tượng ra. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của nó không thay đổi trừ những vết bùn
– khuôn mặt quen thuộc của thằng Steve, mặt nó nhọn, vẻ lém lỉnh – và thật ra
không thể nào như thế được; nó phải sưng phồng lên chứ, phải biến dạng và dính
bùn khắp nơi sau nhiều giờ ngâm trong nước.
Việc mang về một tin như thế, một bằng chứng như thế, cho
một gia đình mỏi mắt trông chờ, nhất là người mẹ, khiến cho những người đi lùng
kiếm đứa bé cử động nặng nề, nhưng điều đang xảy ra ở đây còn tệ hại hơn nữa.
Rõ ràng là có một nỗi xấu hổ (nghe người ta nói thế) rằng thật ra chẳng có một
người mẹ nào cả, chẳng có một người phụ nữ nào hết – không bà nội không bà
ngoại không cô không dì không chị không em - đứng chờ thằng Steve và trao cho
nó nỗi đau buồn thương tiếc xứng đáng kia. Cha của Steve là một người làm công,
hay uống rượu nhưng không phải là kẻ say sưa, một người đàn ông được chăng hay
chớ nhưng không phải quá ham chơi, một kẻ không thân thiện mấy nhưng không làm
phiền ai. Mối tình phụ tử xem ra cũng ngẫu nhiên, và vì đứa bé bị người mẹ ra
đi bỏ lại, và hai cha con vẫn tiếp tục sống với nhau, xem chừng càng có vẻ tình
cờ. Họ sống trong ngôi nhà với mái nhọn lợp gỗ xám ở xó núi quê mùa, trông chỉ
khá hơn túp lều chút đỉnh - người cha sửa chữa mái nhà và dựng những cái giá đỡ
ở bên dưới, cũng vừa đủ thôi và cũng đúng lúc cần thiết – và cuộc đời của hai
cha con cũng dựa dẫm vào nhau tương tự như thế; tức là cũng tốt vừa đủ để cho
cơ quan can thiệp vì quyền lợi của trẻ em không can dự vào gia đình của họ. Hai
cha con không ăn chung với nhau, không ai nấu cho ai, nhưng nhà vẫn có thức ăn,
đôi khi người cha cho con một ít tiền để mua thức ăn ở tiệm và người ta thấy
thằng Steve tới đó mua những thứ xem ra cũng cần thiết như bột làm bánh hay bữa
ăn tối kiểu bột mì có thịt.
Tôi biết rõ Steve Gauley. Tôi cũng thích nó, nhưng phần
nhiều là không thích. Steve lớn hơn tôi hai tuổi. Nó đến chơi ở chỗ chúng tôi
vào các ngày thứ bảy, ra vẻ coi khinh những trò của tôi nhưng lại không thể bỏ mà
đi được. Tôi cũng không thể ngồi lên ghế xích đu mà không có nó khởi động và
khi tôi có muốn bỏ cuộc nó liền chạy tới đẩy một cái khiến tôi hoảng lên co rúm
người lại. Nó chọc ghẹo những con chó. Nó làm cho tôi phiền bực – có tính toán
và rất quỷ quái, sau này tôi nghĩ lại - bằng cách khiến tôi làm những việc mình
không tự nghĩ ra: đào khoai lên để xem chúng lớn cỡ nào khi còn nhỏ xíu, chất
củi lên thành đống để chúng tôi nhảy từ trên đó xuống. Ở trường chúng tôi chẳng
bao giờ nói chuyện với nhau. Steve cô độc nhưng không đau khổ. Nhưng vào những
buổi sáng thứ bảy, khi chợt nhìn thấy cái dáng của nó điềm tĩnh, gầy gò, xuyên
qua hàng rào dương liễu, tôi biết là tôi sắp tham dự một điều gì đó và Steve sẽ
quyết định điều ấy. Đôi khi chúng cũng êm xuôi. Chúng tôi giả đò làm cao bồi
huấn luyện những con ngựa hoang. Chúng tôi chơi đùa trên cánh đồng cỏ gần bờ
sông, không xa lắm chỗ Steve bị chết đuối. Chúng tôi giả đò làm ngựa và kỵ sĩ,
la hét, mang dây nhợ, vung vẩy những ngọn roi làm bằng cây lá, ở trên bờ con
sông không tên chảy xuôi xuống vùng Saugeen ở phía Nam tỉnh Ontario.
Đám tang được tổ chức trong nhà chúng tôi. Nhà của Steve
không đủ chỗ cho đám đông đến dự bởi tình cảnh đặc biệt. Tôi vẫn còn lưu giữ ký
ức về căn phòng đầy người nhưng không nhớ là có tấm hình nào của thằng Steve
trên quan tài của nó hay có linh mục nào đến làm lễ, hay có những tràng hoa
được gởi đến. Tôi chỉ nhớ rằng tôi cầm một bông hoa, loại thủy tiên màu trắng,
chắc là ngắt từ chậu bông ai đó đẩy vào cửa, vì lúc ấy chưa phải là mùa của
liên kiều trổ bông hoặc hoa huệ và cúc vạn thọ hay gặp trong rừng. Tôi đứng
trong hàng của những đứa trẻ, mỗi chúng tôi cầm một bông thủy tiên. Chúng tôi
đồng ca bài hát của trẻ con, có một người nào đó chơi đàn cương cầm: “Khi Người
Đến, Khi Người Đến, Làm Nên Châu Ngọc Rạng Ngời”. Tôi mang đôi tất màu trắng,
chúng ngứa kinh khủng, đầy những nếp nhăn ở đầu gối và mắt cá chân. Cảm giác
đối với những đôi tất này trên chân tôi lẫn lộn với cảm giác trong ký ức của
tôi. Thật khó diễn tả. Chắc là chúng có liên quan gì đó tới cha mẹ tôi. Liên
quan tới người lớn nói chung nhưng đặc biệt là cha mẹ tôi? Cha tôi người là
mang xác Steve từ bờ sông lên, và mẹ tôi là người gần như đã làm tất cả các
việc thu xếp cho tang lễ này. Cha tôi trong bộ đồ vest màu xanh sậm và mẹ tôi
trong chiếc áo đầm nhung nâu với cái viền cổ sa-tanh kem. Họ đứng bên nhau mở
miệng ra khép miệng lại trong bài nguyện ca, và tôi đứng xa, giữa những đứa trẻ
khác, nhìn chăm chú. Tôi có cảm giác ghê tởm điên cuồng và đau đớn. Trẻ con đôi
khi có cảm giác bực bội căm ghét như thế đối với người lớn. Kích thước, những
cái bóng lổn nhổn, sức mạnh bồng bềnh. Hơi thở, sự thô ráp, lông lá, sự chế
tiết khó chịu. Nhưng còn hơn thế nữa. Và cơn giận đi kèm chẳng có gì rõ ràng và
đúng mức. Không có một việc gì làm thoải mái hơn và cuối cùng tôi gập người lại
nhặt một hòn đá ném về phía Steve. Không thể nào hiểu được hay diễn tả được,
mặc dù cảm giác ấy dần biến thành một thứ nặng nề, thành mùi vị trên lưỡi, một
mùi vị tình cờ - loãng, đầy nghi hoặc hay quen thuộc.
Hai mươi năm sau hoặc lâu hơn nữa, năm 1961, chồng tôi,
Andrew, và tôi mua được một chiếc xe mới toanh, cái xe đầu tiên – tức là cái xe
mới đầu tiên. Hiệu Morris Oxford, màu vỏ hàu (người bán xe gọi nó bằng một cái
tên thú vị hơn) - một chiếc xe loại nhỏ khá bự, với nhiều chỗ ngồi đủ cho chúng
tôi và hai đứa trẻ. Con bé Cynthia lên sáu và Meg ba tuổi rưỡi.
Chồng tôi chụp một bức ảnh tôi đứng bên xe hơi. Tôi mặc quần trắng, áo cổ cò
màu đen, và mang kính râm. Tôi đứng dựa vào cửa xe, nghiêng hông để làm mình
gầy đi.
“Tuyệt vời,” chồng tôi nói. “Hay lắm. Nhìn em giống Jacky
Kennedy.”
Thời ấy khắp nơi những phụ nữ trẻ tuổi, tóc đen, mảnh mai,
đều được bảo rằng, khi họ diện đồ sành điệu, hoặc khi chụp hình, trông giống đệ
nhất phu nhân Jacky Kennedy.
Andrew chụp nhiều hình cho tôi và những đứa trẻ, nhà chúng
tôi, khu vườn, đồ đạc, kỷ vật. Anh chụp hình, ghi chú tỉ mỉ lên đó, gởi về cho
mẹ của anh và dì của anh và cậu của anh ở Ontario . Anh cũng đưa những bức hình để tôi
gởi cho ba tôi, cũng đang sống ở Ontario ,
và tôi cũng làm thế nhưng không đều đặn như anh. Khi nhìn thấy những bức ảnh lẽ
ra tôi phải gởi đi rồi hãy còn nằm lăn lóc, Andrew bối rối bực bội lắm. Anh
muốn những thứ kỷ vật này được chuyển đi hết.
Mùa hè năm đó chúng tôi về thăm nhà thật, chứ không phải chỉ
những bức hình. Chúng tôi lái xe từ Vancouver ,
nơi đang sinh sống, về Ontario ,
nơi chúng tôi cũng gọi là nhà, trên chiếc xe hơi mới toanh. Năm ngày đi đường,
mười ngày ở đó, năm ngày trở về. Lần đầu tiên Andrew được nghỉ làm trong ba tuần
lễ. Anh làm việc trong bộ phận pháp luật của công ty thủy điện tỉnh bang British Columbia .
Buổi sáng thứ bảy, chúng tôi mang vali, hai bình thủy - một
cà phê, một nước chanh đường – trái cây, bánh mì, sách ảnh, vở tô màu, bút chì,
giấy vẽ, thuốc diệt côn trùng, áo len (phòng khi trời lạnh ở trong vùng núi),
và hai đứa con gái của chúng tôi lên xe hơi. Andrew khóa cửa lại và Cynthia nói
kiểu cách: “Chào giã biệt, nhà ta ơi”.
Meg nói: “Chào giã biệt, nhà” rồi nó nói thêm “Thế bây giờ
chúng ta sống ở đâu?”
“Không phải chia tay mãi mãi,” Cynthia nói “Chúng mình sẽ
trở về. Mẹ ơi! Con Meg nghĩ là chúng ta sẽ không bao giờ về đây nữa.”
“Em có nói thế đâu,” Meg bảo, lấy chân đá vào sau lưng chiếc
ghế ngồi của tôi. Andrew và tôi mang kính râm lên và chúng tôi lái xe vượt qua
cầu Sư tử xuyên qua cửa ngõ Vancouver .
Chúng tôi rũ bỏ ngôi nhà của mình, hàng xóm của mình, thành phố của mình, và -
ở biên giới giữa tiểu bang Washington và tỉnh British Columbia - đất
nước chúng tôi. Chúng tôi lái xe về phía Đông đi xuyên qua nước Mỹ, dọc theo xa
lộ cực Bắc, con đường này sẽ chạy trở vào Canada
lần nửa ở Sarnia , Ontario . Tôi không biết chúng tôi đã chọn
con đường này vì thời ấy quốc lộ xuyên Canada chưa xây dựng xong hay vì chúng
tôi muốn có cảm giác lái xe qua một nước khác, chỉ hơi khác một chút thôi - một
chút đỉnh của sự thú vị và phiêu lưu.
Ai cũng phấn chấn. Andrew khoái chí hoan hô chiếc xe hơi
nhiều lần. Anh nói anh thấy rõ là nó chạy ngon hơn chiếc xe cũ của chúng tôi,
một cái xe Austin
đời 1951 bò chậm như rùa khi lên dốc và mang hình ảnh một bà già rầu rĩ. Andrew
bảo thế.
"Thế chiếc xe mới này có hình ảnh của cái gì?"
Cynthia hỏi. Nó lắng nghe chúng tôi chăm chú và thích tập nói những chữ mới lạ
như chữ hình ảnh. Thường nó nói cũng đúng.
“Sống động,” tôi bảo “Giống kiểu xe thể thao. Nhưng không
khoe mẽ.”
“Nó tiện lợi, nhưng vẫn có đẳng cấp riêng,” Andrew bảo.
“Giống như hình ảnh của anh.” Cynthia ngẫm nghĩ về điều ấy và nói với sự tự hào
thận trọng “Thế nghĩa là giống như ba muốn ba cũng y vậy, phải không ba?”
Tôi thật hạnh phúc vì cảm giác rũ bỏ. Tôi muốn rũ bỏ hết.
Trong ngôi nhà của mình dường như lúc nào tôi cũng tìm chỗ để trốn – đôi khi
trốn mấy đứa trẻ nhưng nhiều hơn là công việc cần làm, tiếng điện thoại reo và
giao thiệp với hàng xóm. Tôi muốn chạy trốn, ẩn núp để có thể tập trung vào
công việc thật sự của mình, một thứ gì như gợi lại quá khứ xa xăm. Tôi đã sống
trong tình trạng bị vây hãm, khi nào cũng đánh mất một điều gì tôi đang giữ
trong tay. Nhưng cuộc du hành mới dễ dàng làm sao. Lúc này tôi có thể trò
chuyện với chồng, với các con và quan sát những điều chúng muốn tôi quan sát –
một con lợn ở trên bảng chỉ đường, một con ngựa non trên cánh đồng, một chiếc
xe hơi Volkswagen nằm trên xe tải lớn – và đổ ly nước vào những chiếc tách
nhựa, và những thứ này thứ kia bay hòa quyện trong nhau suốt ngày trong tôi.
Một sự kết hợp quan trọng mà tôi có thể đạt tới. Điều này làm tôi đầy hy vọng,
thấy tâm hồn thanh thản, nhẹ nhõm, mà một người quan sát bàng quan mới làm
được. Một người quan sát chứ không phải một người canh giữ.
Chúng tôi rẽ về phía Đông ở Everett và vượt lên vùng Cascades. Tôi chỉ
cho Cynthia lộ trình trên bản đồ. Trước hết tôi chỉ cho con bé bản đồ của toàn
nước Mỹ, đồng thời cũng thấy được phần cực Nam
của Canada .
Tôi dở qua trang khác của cuốn bản đồ gồm những tiểu bang mà chúng tôi đi qua. Washington , Idaho , Montana , North Dakota , Minnesota , Wisconsin .
Tôi chỉ cho Cynthia những vạch đứt quãng xuyên hồ Michigan , cũng là đường của chuyến phà chúng
tôi sẽ qua. Kế đó chúng tôi sẽ lái xuyên Michigan
đến cây cầu nối liền Hoa Kỳ và Canada
ở vùng Sarnia , Ontario . Về nhà.
Bé Meg cũng muốn nhìn.
“Mày đâu có hiểu gì,”Cynthia bảo. Nhưng nó cũng lôi tập bản
đồ ra băng ghế sau.
“Ngồi xuống đi,” nó bảo em “Ngồi yên. Chị chỉ cho mà xem.”
Tôi có thể nghe tiếng động những ngón tay Cynthia chỉ đường
cho Meg rất chính xác, như tôi vừa mới làm với nó. Nó coi hết bản đồ các tiểu
bang, biết cách tìm chúng theo mẫu tự.
“Mày có biết cái vạch kẻ này là đường gì không?” Cynthia
hỏi. “Cái đó kêu bằng xa lộ. Đó là nơi mà chúng ta sẽ lái xe đi. Chúng ta đang
đi trên chính cái vạch này đây.”
Meg chẳng nói gì cả.
“Mẹ ơi, chỉ cho con chúng ta đang ở chỗ nào lúc này,”
Cynthia nói.
Tôi lấy tấm bản đồ lên, chỉ con đường đi xuyên qua núi, và
nó lấy lại bày cho Meg. “Có thấy vạch kẻ này không, nó rất là ngoằn nghoèo. Nó
ngoằn nghoèo bởi vì có nhiều lối vòng quanh. Những chỗ ngoằn nghoèo là những
khúc quanh." Nó lật một trang rồi chờ một lát. “Bây giờ chỉ cho chị xem
chúng ta đang ở đâu”. Rồi nó kêu lên với tôi “Mẹ, Meg hiểu. Nó chỉ ra được cái
chỗ đó. Meg cũng hiểu bản đồ!”.
Đối với tôi có vẻ chúng ta bịa tạc ra các phẩm chất của trẻ
con. Chúng ta xếp đặt chúng sao cho mọi thứ vận hành êm thắm. Cynthia thì sáng
láng và cần cù, nhạy cảm, nhã nhặn, cẩn thận. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn trêu
đùa nó về việc quá chú ý, chuyên tâm làm bằng được những điều thật ra thâm tâm
chúng tôi cũng muốn. Bất cứ cái gì chậm chạp, bị thất bại, bị cự tuyệt, đều làm
nó xúc động sâu xa. Con bé có mái tóc mượt, làn da đẹp nõn nà, nhưng dễ bị ăn
nắng, dễ ngấm mùi của gió, của lòng tự hào, của cả sự tủi hờn. Meg thì cứng rắn
hơn, kín đáo hơn – không nổi loạn nhưng đôi khi ương ngạnh, bí ẩn. Sự lặng lẽ
của nó gây cảm giác về sức mạnh của tính cách, trong khi sự ương ngạnh lại là
dấu hiệu của tính độc lập điềm tĩnh. Tóc nâu, và cắt thành những lọn thẳng. Mắt
vàng sẫm, trong veo, chói sáng.
Chúng tôi hài lòng với những tính cách của con mình, thích
thú với vẻ trái ngược nhau và vẻ xác định của từng cá tính. Chúng tôi không
thích lắm quan điểm nặng nề, bảo thủ của cha mẹ. Tôi sợ cảm giác trở thành kiểu
bà mẹ thân thể thì chảy xệ xuống, người nặng mùi vải bông, mùi sữa, nghiêm khắc
với ba chuyện vặt vãnh. Tôi tin rằng tất cả những nỗi lo lắng quá mức của người
mẹ, nhu cầu của họ vác lên vai vai trò của mình, chính là nguyên nhân của chứng
đau khóc dạ đề ở trẻ con, chứng đái dầm, chứng hen suyễn. Tôi thích nuôi dạy
con kiểu khác - sự liều lĩnh đầy giễu cợt, tính chế nhạo của những bà mẹ có
trình độ chuyên môn thường viết bài cho các tạp chí. Trong các tạp chí ấy,
những đứa trẻ tự mình lớn lên, sắc cạnh, bất thường, không bị bẻ gãy. Có những
bà mẹ, với sự hóm hỉnh thông minh của họ, đã cứng cỏi được như thế. Những người
mẹ trong đời thật làm tôi thích thú là những người có thể nhấc phone lên và thản
nhiên nói, “Liệu cái bào thai Hitler của tôi có vô tình chạy qua nhà chị
không?” Họ có thể cười hăng hắc trên đám sương mù đặc như sữa.
Tôi nhìn thấy một con nai chết cột trước chiếc xe tải nhỏ.
“Có ai đã bắn hạ nó,” Cynthia nói, “Những người thợ săn bắn
mấy con nai.”
“Mùa săn đã tới đâu,” Andrew trả lời. Chắc là họ tông phải
nó trên đường. Con có thấy bảng báo hiệu vẽ nai băng qua đường không?”
“Con sẽ khóc nếu chúng ta tông phải một con nai,” Cynthia
nói nghiêm nghị.
Tôi làm những cái bánh mì kẹp với bơ, đậu phụng, mứt cam và
quýt cho mấy đứa trẻ và món cá hồi sốt cà chua cho chúng tôi. Nhưng tôi không
bỏ rau diếp xà lách vào và Andrew tỏ ra thất vọng.
“Nhưng em chẳng có miếng nào,” tôi bảo.
“Thế em chẳng có cách nào kiếm được à?”
“Em đã mua cả một bó cải xà lách vừa đủ cho bánh mì xăng
uých, nhưng rồi em nghĩ không cần.”
Thật ra tôi nói dối, tôi đã quên mất.
“Có rau diếp xà lách thì ngon hơn,” anh nói.
“Em thì thấy chẳng có gì khác nhau,” sau một hồi tôi nói.
“Đừng có cáu kỉnh như thế chứ.”
“Anh không cáu, anh chỉ thích xà lách ở trong món bánh mì
kẹp mà thôi.”
“Em chẳng nghĩ chuyện đó quan trọng chi.”
“Thế nếu anh quên đổ xăng thì sao?”
“Hai chuyện đó khác nhau chứ.”
“Thôi hãy hát một bài ca,” Cynthia bảo. Rồi nó bắt đầu hát.
Năm chú vịt nhỏ một
ngày đi ra
Đi lên ngọn đồi và đi thật xa
Một chú vịt nhỏ đi qua và kêu
Quác quác quác
Bốn con vịt nhỏ lúc lắc quay về
Andrew siết chặt tay tôi, bảo “Thôi mình đừng cãi nhau nữa.”
“Anh nói đúng. Lẽ ra em cần phải mua cải xà lách.”
“Thôi chuyện đó có chi quan trọng đâu.”
Tôi ước gì tôi có thể hướng những cảm giác về Andrew thành
những cảm hứng có ích và đáng tin cậy. Tôi đã cố gắng viết hai danh sách, một
là những thứ mà tôi thích về anh, cái kia là những thứ tôi không thích – trong
đời sống thân mật vợ chồng có những thứ tôi thích, những thứ tôi ghét – như thể
tôi hy vọng rằng điều này có thể mang lại một chứng minh nào đó, một kết luận
nào đó. Nhưng rồi tôi lại bỏ cuộc vì thấy những điều ấy tôi biết rồi - rằng tôi
có nhiều mâu thuẫn không sửa được. Đôi khi tiếng bước chân của anh ấy đối với
tôi cũng có vẻ độc tài chuyên chế, cái miệng của anh ấy cũng có vẻ bần tiện và
tự mãn, thân thể của anh cứng rắn thẳng thớm như một rào cản - một cách đầy ý
thức, đầy bổn phận, sự hài lòng đáng ghét của quyền lực đàn ông - ở giữa tôi và
niềm vui sướng hay nhẹ nhõm mà tôi có thể đạt được trong đời mình. Thế rồi
không hề báo trước anh bỗng trở thành người bạn tốt, một người bạn đường quan
trọng nhất trên đời. Tôi cảm nhận sự ngọt ngào của thân xác thanh thản, ý tưởng
nghiêm nghị, sự yếu đuối dễ vỡ của tình yêu của anh, mà tôi hình dung ra là nó
thuầm khiết hơn và trong sáng chân thật hơn so với tình yêu của tôi. Tôi có thể
khi thì xúc động sâu xa vì sự cứng cỏi, tính khuôn phép đúng mức, khi thì chế
nhạo chúng. Tôi nghĩ chồng tôi thật là khiêm tốn khi đứng ngay ngắn vào vị trí
của người chồng đã mặc định, vai trò của người cha, một người đi làm việc mang
tiền về, và khi tự so sánh với những người đàn ông như vậy, tôi thấy mình là kẻ
ích kỷ đáng ghét bí mật. Cũng không hẳn bí mật lắm, không phải nhìn từ phía
anh.
Từ dưới sâu xa những cuộc cãi lộn giữa hai vợ chồng, chúng
tôi lột hết những sự thật xấu xa nhất. “Anh biết có một điều gì đó rất ích kỷ
và rất giả dối ở nơi em,” Andrew có lần nói, “Anh lúc nào cũng biết chuyện đó.
Anh cũng biết rằng chính vì vậy mà anh yêu em.”
“Đúng thế,” tôi trả lời. Cảm thấy đau buồn nhưng tự mãn.
“Anh biết rằng em sẽ sống tốt hơn nếu chẳng có anh.”
“Đúng, em có thể như thế đấy.”
“Mà anh cũng hạnh phúc hơn nếu không có em.”
“Đúng chứ.”
Và rồi cuối cùng - cuối cùng – xô đẩy nhau, hành hạ nhau, chúng tôi lại
vỗ tay và cười phá lên, cười vào mặt
những kẻ ngốc khờ kia, tức cũng là chúng tôi. Sự đau khổ của họ, sự nhớ tiếc
của họ, khả năng tự bào chữa cho mình của họ, chúng tôi đã vượt qua những điều
ấy, chúng tôi tuyên bố họ là những kẻ nói dối. Chúng tôi uống rượu vang trong
bữa tối hay quyết định tổ chức những bữa tiệc.
Đã nhiều năm tôi không gặp lại Andrew, không biết anh còn
giữ dáng người thanh mảnh, hay tóc anh đã bạc, vẫn thói quen lúc nào cũng đòi
ăn rau diếp xà lách, thích nói thật, hay vẫn nồng nàn và thất vọng như xưa.
Chúng tôi qua đêm ở Wenatchee, Washington, nơi nhiều tuần lễ
không mưa. Chúng tôi ăn tối trong một nhà hàng dựng bên thân cây- không phải
cây ghép trong chậu mà cây bông gòn mạnh mẽ cao lớn. Sáng sớm khi mặt trời mọc,
chúng tôi lái xe ra khỏi thung lũng có nước tưới, leo lên những ngọn đồi khô
cằn, sỏi đá, dốc đứng, mỗi ngày một thêm nhiều đồi cho đến khi tới một cao
nguyên rộng xuyên qua bởi sông Spokane và sông Columbia. Trung du và thảo
nguyên, dặm đường này đến dặm đường kia. Rồi có những con đường thẳng tắp,
những thị trấn nông trại nhỏ, những kho tồn trữ lúa mì. Một cái bảng trên đường
ghi rõ vùng chúng tôi đi vào, hạt Douglas, là nơi sản xuất lúa mì lớn thứ hai ở
Mỹ. Có những thị trấn trồng nhiều cây xanh bóng mát. Hoặc ít ra tôi nghĩ chúng
được trồng, bởi vì không thấy những cây lớn như thế ở vùng quê lân cận.
Tất cả khung cảnh ấy chào đón tôi một cách huy hoàng. “Vì
sao em yêu chúng đến vậy?” Tôi bảo Andrew. “Chẳng phải vì nó hấp dẫn hay sao?”
“Vì nó gợi nhớ tới quê nhà của em,” Andrew nói. “Một nỗi
hoài hương khẩn trương bi thiết”.
Nhưng anh nói thế với giọng tử tế.
Khi nói đến chữ "quê nhà" và ám chỉ Ontario, hai
chúng tôi nghĩ đến những vùng khác nhau. Cố thổ của tôi là một nông trại nuôi
gà tây, nơi cha tôi sống như người đàn ông góa vợ, và mặc dù đó là ngôi nhà mẹ
tôi hằng sống, bà đã từng dán giấy lên tường, sơn phết dọn dẹp, sắp đặt bàn
ghế, vẫn thấy rõ dấu hiệu của điêu tàn, của cuộc sống bắt đầu hoang dại. Một
đời sống tiếp tục kiểu mà mẹ tôi không thể đoán trước hay tha thứ. Có những
buổi tiệc của những người thợ làm gà tây, thợ máng nước, thợ nhổ lông gà, đôi
khi có một hai chàng trẻ tuổi sống tạm vài ngày như quán trọ, rủ rê bạn bè tới
tiệc tùng vui nhộn. Đời sống ấy, tôi nghĩ tốt hơn nhiều cho cha tôi so với cuộc
sống cô đơn lặng lẽ, mà tôi cũng không bài bác và chẳng có quyền gì để phê
phán. Andrew hoàn toàn không thích tới đó, cũng dễ hiểu thôi, bởi vì anh không
phải loại người có thể ngồi lòng vòng quanh bàn bếp với những người thợ làm gà,
kể chuyện chọc cười vui vẻ. Những người thợ ngượng ngùng khi có mặt anh, cảm
thấy như bị coi thường, và đối với tôi thì cha tôi, những khi họ ở đó, cần đứng
về phía họ. Và không chỉ Andrew là bực bội. Tôi chịu được chuyện pha trò của
đám thợ, nhưng cũng phải cố gắng lắm.
Tôi ước những ngày nhỏ dại, trước khi gia đình có trại gà
tây. Trước đó chúng tôi nuôi bò sữa và bán sữa cho hãng phô-mát. Trại gà không
thể nào sánh được với trại nuôi bò hay nuôi cừu. Bạn có thể thấy những con gà
tây nằm trên một băng dài nối tới những thùng đông lạnh và thịt chuẩn bị ăn
được. Chúng không có vẻ giả tạo của đời sống thanh bình trong trại gia súc,
những con lợn trong vườn cây râm mát. Chuồng gà là một dãy nhà dài, tiện lợi,
làm bằng tôn. Không có những cái túi hay cỏ hay chuồng. Ngay mùi phân gà tuy
loãng hơn nhưng lại khó chịu hơn phân bò. Không có một hình ảnh nào về cuộn cỏ,
hàng rào hay chim chóc ca hát hay bụi mận gai trổ bông. Những con gà tây để đầy
trên mặt đất nhưng chúng đã được rửa sạch. Chúng trông không giống những con
chim lớn mà giống một thứ đồ đem giặt biết đập cánh.
Một lần nọ, ít lâu sau khi mẹ tôi qua đời và khi tôi đã lập
gia đình - thực tế là tôi đã gói đồ đạc chuẩn bị về ở với Andrew ở Vancouver –
tôi ở lại nhà vài ngày với cha tôi. Trời mưa lớn khác thường suốt đêm. Sáng
sớm, trại nuôi gà ngập lụt. Ít nhất là những chỗ thấp bị ngập nước- trông như
cái hồ với những hòn đảo nhỏ. Những con gà đứng xúm xít lại trên các hòn đảo
ấy. Gà tây là thứ rất ngốc. Cha tôi vẫn nói, “Con có biết gà không? Có biết
chúng xuẩn ngốc cỡ nào chưa? Vậy mà gà vẫn còn là Einstein nếu đem so với bọn
gà tây này". Nhưng chúng vẫn biết tụ lại trên cao để tránh chết trôi. Bây
giờ chúng xô đẩy nhau đến ngạt thở, run lạnh và chết. Không thể chờ nước rút.
Chúng tôi kiếm chiếc xuồng cũ, tôi chèo còn cha tôi nắm những con gà lôi chúng
lên xuồng, mang chúng vào trại gia súc. Trời vẫn còn mưa lai rai. Công việc
thật vất vả, nhàm chán và khó chịu. Chúng tôi cười phá lên. Tôi cảm thấy hạnh
phúc có dịp làm việc với cha tôi. Tôi cảm thấy gần gũi với thứ công việc nặng
nhọc, lập đi lập lại, kinh khủng, khi thân xác bạn rã rời, trí óc chìm nghỉm
(dù đôi khi tinh thần khinh khoái), và lòng tôi chưa chi đã nảy sinh mối hoài
niệm lạ lùng về nơi chốn đây, cuộc sống này, trong những ngày sắp tới. Tôi nghĩ
là nếu Andrew nhìn thấy tôi trong hoàn cảnh như thế, trong mưa, lòng bàn tay đỏ
ửng lên, người đầy bùn, vừa cố nắm chặt chân gà vừa chèo thuyền, chắc anh chỉ
muốn lôi tôi ra khỏi chỗ này và làm tôi quên bẵng đi mọi việc ở đây. Cuộc sống
thô sơ như nhiên này làm anh tức giận. Sự gắn bó của tôi với nó càng làm anh
giận dữ. Tôi nghĩ lẽ ra tôi không nên lấy anh. Nhưng lấy ai bây giờ? Một trong
những người thợ làm gà tây chăng?
Và tôi cũng không muốn ở đây lâu. Có lẽ tôi sẽ buồn khi bỏ
đi, nhưng còn tệ hơn nếu có ai đó khiến tôi phải ở lại.
Mẹ của Andrew sống ở Toronto trong một căn hộ chung cư nhìn
ra công viên Muir. Khi Andrew và người chị của anh còn ở nhà, mẹ họ ngủ ngoài
phòng khách. Chồng của bà, một bác sĩ, qua đời khi những đứa trẻ còn nhỏ dại
chưa đến tuổi tới trường. Bà học một khóa huấn luyện thư ký và bán căn nhà của
mình với giá rẻ mạt, dọn vào cư xá, nuôi dạy con cái tươm tất, với sự giúp đỡ
của vài người thân- người chị của bà tên Caroline, người anh rể tên Roger.
Andrew và chị đi học trường tư và đi cắm trại mùa hè.
“Thế mà em cứ tưởng là nhờ quỹ tương tế xã hội kia chứ?” Có
lần tôi bảo thế, chế nhạo anh về việc anh tự cho mình là một người nghèo. Trong
trí tôi, đời sống thành thị của Andrew an toàn quá mức, cầu kỳ kiểu cách. Mẹ
của anh về nhà ôm lấy đầu sau một ngày làm việc đầy tiếng động, ánh sáng chói
chang của văn phòng tiệm tạp hóa, nhưng đối với tôi đời sống của bà không có gì
khó khăn hay đáng thán phục. Tôi không nghĩ bản thân bà tin rằng mình là một
người đáng thán phục - chỉ là không may mắn. Bà lo lắng về công việc của mình ở
văn phòng, quần áo, việc bếp núc, con cái. Bà lo âu gần như về tất cả những gì
mà Roger và Caroline có thể để mắt tới.
Caroline và Roger sống ở phía đông của công viên, trong một
ngôi nhà đá đẹp tuyệt. Roger cao, hói đầu, da mặt tàn nhang, có cái bụng lớn
nhưng rắn chắc. Cuộc giải phẫu ở vùng họng làm ông nói giọng khó nghe – như
tiếng thì thào thô ráp. Nhưng ai cũng chú ý nghe cả. Có lần trong bữa ăn tối ở
ngôi nhà bằng đá kia – tất cả những bàn ghế đồ đạc trong phòng ăn đều lớn, màu
tối lộng lẫy, nguy nga – tôi hỏi anh một câu. Tôi nghĩ là có liên quan đến
Whittakers Chambers, câu chuyện của ông ta xuất hiện trên báo Bưu Điện Chiều
Thứ Bảy. Tôi hỏi nhẹ nhàng thôi nhưng anh nghĩ là có dụng ý khiêu khích và gọi
tôi là bà Gromyko, ý muốn nói người mà tôi cùng chia sẻ quan điểm. Có thể anh
cần một đối thủ nhưng chẳng tìm thấy ai. Trong bữa ăn tối, tôi nhìn thấy tay
của Andrew run lên khi anh bật lửa châm thuốc cho mẹ anh. Dượng Roger trả tiền
cho việc học hành cho Andrew, và có chân trong ban giám đốc của một số công ty.
“Dượng ấy chỉ là một người có quan niệm ương bướng,” sau này
Andrew bảo tôi. “Làm gì mà em cứ phải tranh cãi với ông?”
Trước khi chúng tôi rời Vancouver, mẹ của Andrew viết thư,
Roger có vẻ tò mò về ý định của con muốn mua một cái xe hơi loại nhỏ! Dấu chấm
than của bà diễn tả lo ngại. Vào thời đó, đặc biệt là ở Ontario, việc mua một
chiếc xe hơi nhỏ kiểu châu Âu thay vì xe Mỹ cỡ bự trông như là một bản tuyên bố
- một tuyên bố về lập trường mà Roger đánh hơi được từ lâu.
“Nhưng xe này không thuộc loại xe nhỏ,” Andrew nói bực bội.
“Đó không phải là
điểm chính,” tôi bảo anh. “Điểm chính là, mắc mớ chi tới dượng ấy!”.
Chúng tôi qua đêm thứ hai ở Missoula. Người ta bảo chúng tôi
trong một trạm đổ xăng ở Spokane, là có chỗ sửa chữa xe cộ phụ tùng dọc theo
tuyến đường cao tốc số 2 và chúng tôi đã lái qua những dặm đường nóng nực đầy
bụi bặm, những thời gian chờ đợi rất dài, vì vậy chúng tôi rẽ về xa lộ liên
tỉnh, băng qua Coeur d’Alene và Kellogg để vào Montana. Qua khỏi Missoula chúng
tôi hướng lên phía nam về phía Butte, nhưng rồi vòng lại để thăm Helena, thủ phủ
của tiểu bang Montana. Trên xe hơi chúng tôi chơi trò Tôi Là Ai?
Cynthia đóng vai một người Mỹ, một người đã chết, và có thể
là bé gái. Có thể một phụ nữ. Cô ấy không có mặt trong câu chuyện. Cô không hề
xuất hiện trên tivi. Cynthia cũng không đọc gì về cô ta trong sách. Cô không
phải là người đã từng tới thăm lớp mẫu giáo hay bà con gì của bạn bè của
Cynthia.
“Cô ta có phải là người không?” Andrew hỏi một cách tinh ý
đột ngột.
“Không! Đó là thứ mọi người quên hỏi!"
“Một con vật,” Tôi nói sau khi đã suy nghĩ.
"Có phải đó là một câu hỏi không? Có mười sáu câu hỏi!”
“Không, đó không phải là một câu hỏi. Mẹ đang suy nghĩ. Một
con vật đã chết.”
“Đó là con nai,” Meg nói, nhưng nó không phải là người chơi.
“Không công bằng!” Cynthia nói. “Meg không chơi.”
“Con nai nào?” Andrew nói.
Tôi bảo, “Ngày hôm qua”
“Ngày hôm trước,” Cynthia nói. “Meg không chơi. Không ai
đoán được.”
“Con nai trên xe tải,” Andrew bảo.
“Đó là một con nai cái, vì nó không có gạc, và đó là một con
nai Mỹ, và nó đã chết rồi,” Cynthia bảo.
Andrew nói, “Cha nghĩ đó là ý tưởng bệnh hoạn, đóng vai một
con nai chết.”
“Con hiểu rồi,” Meg nói.
Cynthia bảo, “Con nghĩ con biết bệnh hoạn nghĩa là gì. Đó là
một thứ sầu muộn.”
Helena, một thị trấn khai mỏ bạc cũ, trông hoang vắng ngay
trong ánh nắng bình minh. Rồi đến Bozeman và Billings, không tiêu điều chút nào
–sống động mạnh mẽ với nhiều dặm dài lóng lánh kim tuyến của bãi bán xe hơi cũ.
Chúng tôi mệt lử và cảm thấy nóng ngay cả khi chơi trò Tôi Là Ai? Những thành
phố bận rộn và tẻ nhạt nhắc tôi nhớ tới những địa điểm khác ở Ontario, và tôi
sực nghĩ, điều gì thực ra đang chờ đợi mình ở đó – những đồ đạc bia đá trong
phòng ăn của dì dượng Caroline và Roger, những bữa ăn tối khiến tôi phải ủi
những bộ trang phục của trẻ con, nhắc chúng về những cái nĩa và một cái bàn ăn
khác một trăm dặm xa, những trêu đùa chọc ghẹo của đám thợ làm gà tây của cha
tôi. Niềm vui thú tôi hằng nghĩ tới – thả mắt nhìn ra xa vùng quê êm ả hay uống
một chai Coke trong tiệm tạp hoá cũ với những cây quạt trần và mái tôn cao – đã
bị những thứ ấy giựt phăng mất.
“Meg buồn ngủ,” Cynthia nói. “Nó nóng quá. Làm con ngồi gần
cũng nóng lây.”
“Mẹ hy vọng là nó không bị sốt,” tôi bảo, không ngoảnh lại.
Chúng tôi làm những chuyện này vì cái gì, tôi nghĩ thầm, và
câu trả lời đến ngay – để khoe thôi. Để cho mẹ của Andrew và cha tôi niềm vui
gặp cháu của họ. Đó là bổn phận. Nhưng đằng sau cái đó chúng tôi còn muốn khoe
một điều gì khác nữa. Thực là những đứa trẻ hăm hở biết bao, tôi và Andrew,
những kẻ lúc nào cũng đi tìm sự tán đồng ở người khác. Như thể vào một lúc nào
đó ở một điểm nào đó chúng tôi đã nhận được những thông điệp khó nuốt không thể
nào quên – rằng chúng tôi đã đi quá xa, và rằng sự thành công thông thường
trong đời đã ở sau lưng chúng tôi quá lâu. Dượng Roger đã phát đi những thông
điệp ấy, tất nhiên theo cách của ông – nhưng mẹ của Andrew, mẹ tôi và cha tôi,
cũng không ai khác biết cách phát đi thông điệp. Tất cả họ đều muốn nói với
chúng tôi rằng “ Cẩn thận đấy, phải hoà hợp với mọi người thôi”. Cha tôi khi
tôi còn ở trung học đã từng chế nhạo rằng tôi nghĩ mình quá thông minh nên chắc
không bao giờ có một đứa bạn trai. Rồi ông quên bẵng điều ông nói trong một
tuần, nhưng tôi thì không bao giờ quên. Andrew và tôi không quên điều gì cả.
Chúng tôi dễ bị tổn thương.
“Con ước có một bãi biển,” Cynthia nói.
“Có lẽ có một cái,” Andrew bảo. “Ngay phía sau đường lượn
vòng.”
“Không có đường vòng nào cả,” Cynthia bảo, giống như tức
tối.
“Mẹ cũng muốn nói thế đấy.”
“Con ước gì có một ly chanh đường.”
“Mẹ thì muốn có cây đũa thần và biến phép một ly chanh
đường,” tôi nói. “Được thôi, Cynthia? Hay là một ly nước nho vắt? Rồi mẹ hoá
phép một bãi biển ở đó nữa”
Cynthia im lặng và
tôi cảm thấy hối hận ngay. “Có thể trong thị trấn trước mặt sẽ có một bể
bơi,” tôi nói. Tôi nhìn bản đồ. "Ở thị trấn Miles City. Dù sao chúng ta sẽ
có một thứ gì đó mát để uống.”
“Xa hay gần hả em?” Andrew hỏi.
“Không xa lắm đâu,” tôi nói, “Ba mươi dặm, cỡ đó.”
“Ở thị trấn Miles City,” Cynthia nói, giọng trầm xuống như
đang niệm chú, "sẽ có một bể bơi xanh ngắt đẹp tuyệt dành cho trẻ con và
một công viên cây cối mơ màng.”
Andrew bảo tôi, “Em có thể bắt đầu vài thứ em thích”.
Nhưng quả thật có một bể bơi. Một công viên nữa, mặc dù nó
không giống ốc đảo trong mơ của Cynthia. Những cây cối thảo nguyên có lá mỏng –
cây bông gòn và cây dương – cỏ uá, và hàng rào thép bao quanh bể tắm. Bên trong
hàng rào ấy, một bức tường chưa xây xong gồm những tấm xi măng ghép. Không có
tiếng cười đùa, tiếng giỡn nước; xuyên qua lối vào tôi nhìn thấy tấm bảng ghi
bể bơi tạm đóng cửa từ mười hai giờ trưa đến hai giờ chiều. Lúc đó là mười hai
giờ hai mươi lăm phút.
Nhưng tôi vẫn gọi, "Có ai đó không?" tôi nghĩ có
người quanh đây, vì một chiếc xe tải nhỏ đỗ trên lối vào. Trên thành xe có tấm
bảng ghi: Chúng tôi có mưu lược để sửa chữa ống nước. (Chúng tôi cũng có dịch
vụ hút cầu Roto- Rooter).
Một cô gái chạy ra, mặc áo cứu hộ màu đỏ bên ngoài bộ đồ
tắm. "Xin lỗi, chúng tôi đóng cửa."
"Chúng tôi vừa lái xe ngang qua," tôi nói.
"Chúng tôi đóng cửa mỗi ngày từ mười hai giờ trưa đến
hai giờ chiều. Trên bảng có ghi rõ." Cô
ta đang ăn bánh mì xăng uých.
"Tôi có thấy tấm bảng," tôi nói. "Nhưng đây
là nơi đầu tiên có nước tắm rửa sau nhiều ngày đường, mà các cháu thì nóng nực
quá sức, và tôi mong chúng có thể nhảy ùm xuống nước một lát- chỉ năm phút thôi
mà. Chúng tôi sẽ canh chừng chúng.'
Mộ cậu trai trẻ xuất
hiện sau lưng cô gái. Chàng trai mang quần jeans và áo thun in hàng chữ Roto- Rooter.
Tôi định kể chúng tôi đi từ British Columbia đến Ontario
nhưng chợt nhớ đối với nhiều người Mỹ mấy cái địa danh Canada này chẳng gợi lên
điều gì nên thôi."Chúng tôi lái xe xuyên liên bang," tôi nói.
"Chúng tôi không có thời giờ để chờ bể bơi mở cửa. Chỉ hy vọng là các cháu
có cái gì tắm mát một chút."
Cynthia chạy chân không tới đằng sau tôi."Mẹ. Mẹ ơi, bộ
đồ tắm của con đâu?" Rồi nó dừng lại, nhận ra tính nghiêm trọng trong cuộc
thương lượng của hai chúng tôi. Meg đang trèo ra khỏi xe hơi- vừa thức giấc, áo
kéo lên đầu, quần tụt xuống bẹn, bày cái bụng hồng hồng.
"Chỉ có hai đứa
bé này thôi à?" cô gái hỏi.
" Chỉ hai cháu này thôi. Chúng tôi sẽ canh chừng chúng
ạ."
"Tôi không thể cho người lớn vào đây. Nếu chỉ có hai
đứa, tôi nghĩ tôi có thể coi được. Tôi đang ăn trưa." Cô ta hỏi Cynthia,
" Cháu có muốn xuống hồ bơi không?"
"Dạ có ạ," Cynthia trả lời rõ ràng.
Meg nhìn xuống đất.
"Chỉ một lát thôi, vì hồ bơi đã đóng cửa," tôi
nói." Chúng tôi thực cám ơn cô lắm lắm," tôi bảo cô gái.
"Thôi vậy, tôi có
thể ăn trưa ngoài ấy, nếu chỉ có hai cô bé này." Cô nhìn ra xe
chúng tôi như thể bỗng dưng tôi có thể lôi ra thêm vài đứa trẻ nữa.
Khi tôi tìm ra bộ đồ
tắm của Cynthia, nó mang ngay vào phòng thay đồ. Nó không muốn ai, ngay cả Meg,
nhìn thấy nó ở truồng. Tôi thay đồ cho Meg, nó đứng trên ghế trước trong xe. Nó
có bộ đồ tắm bằng vải hồng với dây buộc và nút cài. Có giải rút ở đũng quần.
"Người cháu nóng lắm," tôi nói." Nhưng tôi
nghĩ không phải bị sốt đâu."
Tôi thích giúp Meg mặc hay cởi áo quần, vì cơ thể nó còn
chưa tự ý thức về mình, với tính thờ ơ ngọt ngào, một cái gì như mùi sữa, của
trẻ sơ sinh. Cơ thể của Cynthia thì từ lâu đã được gọt giũa, tạo hình và thay
đổi, để trở thành chính Cynthia. Ai cũng
muốn hôn lấy hôn để, quệt mặt vào người Meg. Đôi khi nó nhăn nhó bực
bội, đánh lại chúng tôi, và tính tự lập quyết liệt, sự ngượng ngùng giận dữ
này, càng làm nó thêm hấp dẫn, khiến người ta cứ muốn ôm nghiến lấy, thọc lét,
kiểu người thân trong nhà.
Andrew và tôi ngồi trong xe hơi, cửa kính hạ xuống. Tôi nghe
được tiếng nhạc vẳng ra từ radio và nghĩ đó là máy của cô gái hay bạn trai cô
ta.Tôi khát quá, ra kỏi xe, tìm một chỗ mát mẻ, hay một cái máy bán thức uống,
đâu đó trong công viên. Tôi mang quần đùi và sau hai bắp chân ướt lẫm mồ hôi.
Tôi thấy một vòi nước uống bên kia công viên và đi tới đó bằng lối vòng dưới
bóng hàng cây. Không có gì là có thật cả cho đến khi bạn bước ra khỏi xe. Lừ đừ
vì nóng, vì mặt trời trên các ngôi nhà bỏng rộp lửa, hè đường, cỏ cháy, tôi
bước đi chậm chạp. Tôi chú ý đến một chiếc lá bị dẫm nát, bóp vụn một que khuấy
cà phê dưới gót giày, nheo mắt nhìn thùng rác cột vào thân cây. Đó là cách bạn
quan sát những vật hèn mọn nhất bỗng trồi lên bề mặt thế giới, sau khi bạn đã
lái xe đi thật lâu- bạn cảm nhận được tính chất riêng biệt của chúng, nơi cư
ngụ chính xác và nỗi trùng hợp tình cờ đáng thương của việc bạn cũng có mặt nơi
đây để nhìn ngắm chúng.
Những đứa trẻ đâu rồi?
Tôi xoay người lại, bước rất mau, không hẳn là chạy, tới bên
một đoạn hàng rào nơi bức tường bên trong chưa xây xong. Từ đây tôi có thể nhìn
thấy hồ bơi. Tôi thấy Cynthia, đứng ngâm mình trong nước ngang thắt lưng, vung
tay đập nước và chăm chăm nhìn một vật gì phía cuối hồ bơi, nhưng tôi không
thấy được. Căn cứ vào dáng đứng của nó, sự chăm chú, vẻ mặt, tôi nghĩ nó đang
coi mấy trò của cô gái cứu hộ và gã bồ cô ta. Tôi không thấy Meg. Nhưng tôi
nghĩ nó đang chơi ở chỗ nước cạn- cả hai đầu nước cạn và nước sâu tôi đều không
nhìn thấy.
"Cynthia!" Tôi phải gọi hai lần con bé mới nhìn ra
chỗ đứng của tôi."Cynthia! Meg đâu rồi?"
Có vẻ Cynthia, bất cứ khi nào tôi nhớ lại cảnh này, quay
mình duyên dáng về phía tôi, rồi xoay cả người trong nước- làm tôi nghĩ tới một
vũ điệu ba lê - và dang tay ra như đứng trên sân khấu. "B- i- ế- n- m- ấ-
t!"
Cynthia vốn có tính duyên dáng tự nhiên, mà con bé lại học
múa, vì thế những động tác này có thể đã xảy ra đúng như thế thật. Nó quả thật
có nói "Biến mất!" sau khi đã nhìn quanh mặt hồ một lượt, nhưng điệu
bộ và cách nói giả tạo này, cái kiểu không hề khẩn trương chi, thì chắc là do
sự tưởng tượng thêm của tôi. Nỗi sợ hãi xâm chiếm lập tức khi không tìm thấy
con bé Meg- ngay cả khi tôi tự bảo mình có lẽ nó đứng phía nước cạn- đã là
nguyên cớ khiến những cử chỉ của Cythia trở nên quá chậm chạp, quá vô lý đối với
tôi, và giọng điệu của chữ "Biến mất" ngay trước khi hàm ý của nó kịp
xuất hiện (hay là con bé che giấu, ngay tức thì, cảm giác tội lỗi của nó?) trở
nên một lời nói ích kỷ không chịu nổi.
Tôi la lớn lên gọi Andrew, và cô gái coi hồ bơi lập tức xuất
hiện. Cô chỉ tay về phía vùng nước sâu và nói, "Cái gì kia kìa?"
Ở đó, ngay trước mắt tôi, một nhúm giải rút hồng hồng phồng
lên, trông như một bó hoa, ngay dưới làn nước. Làm sao một nhân viên cứu nạn
lại có thể đứng dừng lại và chỉ tay, sao cô ta lại có thể hỏi như thế, sao
không nhảy ùm xuống nước và bơi về phía ấy? Cô ta không bơi; mà chạy dọc bờ
nước. Nhưng lúc ấy Andrew đã leo lên hàng rào. Bao nhiêu thứ xảy ra không thể
giải thích chút nào- cử chỉ của Cynthia rồi đến điệu bộ của cô nhân viên cứu
nạn- và bây giờ tôi lại có cảm giác rằng Andrew nhảy phóc một cái đã qua được
hàng rào cao bảy bộ. Chắc anh phải trèo nhanh lắm, túm chặt hàng rào dây thép.
Tôi không thể nhảy hay leo gì cả, tôi chạy về phía lối vào,
ở đó có một cái cổng kiểu mắt cáo, khoá chặt. Cái cổng không cao lắm, và tôi đu
người trèo qua. Tôi chạy dọc theo hành lang xi măng, tới sát mép nước.
Bi kịch kết thúc.
Andrew nắm được Meg đầu tiên, và kéo nó lên khỏi mặt nước.
Anh chỉ cần vươn tay ra là nắm lấy nó, vì Meg phần nào đang tự bơi, nhưng đầu
đã hụp sâu trong nước - nó lặn ngụp về phía thành hồ tắm. Anh bồng nó đi, và cô
cứu hộ bước nhanh phía sau. Cynthia vừa trèo ra khỏi nước và chạy về phía họ.
Chỉ một người thờ ơ với toàn bộ sự việc là gã bạn trai của cô nhân viên, cứ
ngồi trên ghế dài phía nước cạn, uống một thứ nước pha sữa. Anh ta còn mỉm cười
với tôi, và tôi nghĩ thật kẻ là vô cảm, mặc dù nguy hiểm đã qua. Cũng có thể
anh ta có hảo ý. Tôi để ý thấy anh ta không tắt radio đi, chỉ vặn nhỏ xuống.
Meg không uống nước đầy bụng. Con bé thậm chí chưa kịp sợ
hãi. Tóc dính bết vào đầu và mắt mở to, vàng long lanh.
" Con muốn xuống lấy cái lược," nó nói."Con
không biết nước sâu thế."
Andrew nói,"Meg vẫn tự bơi! Nó bơi mình nó. Anh thấy bộ
đồ tắm của con trong nước rồi anh thấy nó bơi”
“Nó sắp chìm nghỉm luôn rồi,” Cynthia nói. “Không phải vậy
sao? Meg sắp chết đuối.”
“Tôi không biết mọi chuyện có thể xảy ra như thế.” Cô cứu hộ
nói. “Con bé vừa mới ở chỗ này, chỉ một thoáng đã không còn đó nữa.”
Chuyện xảy ra là Meg đã lên khỏi nước ở phía nước cạn và
chạy dọc theo bể bơi đến đầu kia, chỗ nước sâu. Nó thấy một cái lược người nào
đánh rơi dưới đáy. Nó khom người cúi thật sát để lượm cái lược lên, tưởng là
nước không sâu. Nó chồm người lên nữa và trượt chân xuống hồ, rơi bõm một cái
nhưng không ai nghe được tiếng động- kể cả cô gái cứu hộ, đang bận hôn anh bồ
của mình, hoặc Cynthia đang đứng mãi nhìn hai người. Đó đúng là lúc khi tôi đứng
dưới bóng cây và chợt nghĩ, Bọn trẻ đang ở đâu vậy? Đó cũng là lúc, Meg trượt
chân, lấy làm ngạc nhiên, xuống làn nước trong xanh dễ đánh lừa người ta.
“Mọi chuyện ổn rồi,” tôi bảo cô nhân viên, lúc ấy gần sắp
khóc. “Con bé bơi rất nhanh.” (Mặc dù thường chúng tôi không nói về Meg như
thế. Chúng tôi nói nó ngẫm nghĩ mọi chuyện trước đã rồi mới thong thả làm.)
“Em đã bơi, Meg”, Cynthia nói, kiểu như chúc mừng. (Sau này
nó kể cho chúng tôi nghe về việc hai người kia hôn nhau.)
“Con không biết là nước sâu thế,” Meg bảo. “Con đã không bị
chết đuối.”
Chúng tôi ăn trưa ở một tiệm bán thức ăn mang đi, có bánh mì
kẹp thịt heo hamburger và khoai tây chiên, ngồi quanh một cái bàn ngoài trời
không xa lắm xa lộ cao tốc. Quá vui mừng, tôi quên bẵng mua cho Meg một cái
bánh mì kẹp không mùi, và phải cạo bỏ dưa và mù tạt bằng muỗng nhựa, rồi lau
miếng thịt với tấm giấy chùi miệng, trước khi đưa cho con bé ăn. Tôi lợi dụng
cái thùng rác gần đó để lau chùi xe hơi. Rồi chúng tôi lại lên đường lái xe về
phương Đông, cửa kính xe hơi phía trước mở hết ra. Cynthia và Meg ngủ thiếp đi
trên băng ghế sau.
Andrew và tôi thầm thì trò chuyện về những điều vừa xảy ra.
Giả sử tôi không linh cảm vụt chạy đi tìm những đứa trẻ vào lúc ấy? Giả sử
chúng tôi đi vào thành phố để uống một cái gì, như dự định ban đầu thì sao? Làm
thế nào Andrew có thể nhảy qua hàng rào? Anh ấy trèo lên hay thực sự đã nhảy
qua? (Anh không thể nào nhớ nổi.) Làm cách nào anh đã chạy tới và chụp lấy Meg
nhanh đến thế? Và nghĩ đến chuyện cô nhân viên cứu hộ không hề nhìn nhỏi gì đến
con bé. Rồi Cynthia đứng trân trân nhìn hai người kia hôn hít nhau. Nó chẳng
nhìn thấy gì khác nữa. Không nhìn thấy Meg rơi khỏi mép nước.
Biến mất.
Nhưng nó còn bơi. Nó nín thở và tiếp tục bơi.
Một chuỗi những biến cố may mắn.
Đó là tất cả những gì chúng tôi trò chuyện- may mắn. Nhưng
tôi không thể ngừng mà không nghĩ đến chuyện tệ hại xảy ra theo hướng ngược
lại. Vào lúc này đây, chúng tôi đã có thể phải ngồi điền những tờ đơn khai báo.
Người ta mang Meg khỏi vòng tay của chúng tôi, cơ thể nó được quấn lại chuẩn bị
chở đi xa. Về lại Vancouver- nơi chúng tôi chẳng bao giờ lưu ý đến một thứ gì
như là nghĩa địa- hay tới Ontario? Những bức tranh nguệch ngoạc mà Meg vẽ sáng
nay chắc vẫn còn nằm lại trên ghế ngồi của nó sau xe. Làm thế nào tất cả những
điều này có thể chịu đựng được, làm sao con người có thể đương đầu nổi với
những câu chuyện như thế? Đôi vai và hai bàn tay và hai bàn chân ngọt ngào,
tròn trịa, mái tóc nâu óng ả, vẻ mặt hài lòng và bí ẩn - tất cả đều giống hệt
như lúc nó còn sống. Một bi kịch hết sức đời thường. Một đứa trẻ chết trôi
trong một bể bơi vào buổi trưa một ngày mùa hạ sáng lòa. Mọi việc sẽ thu gọn
lại mau chóng. Hồ bơi sẽ mở cửa lại lúc hai giờ chiều. Cô nhân viện cứu hộ sẽ
run rẩy một lúc và xin phép nghỉ việc chiều hôm đó. Cô sẽ lái xe ra đi cùng với
người tình trên chiếc xe tải nhỏ hút cầu Roto-Rooter. Cái xác của đứa bé sẽ
được khâm liệm trong chiếc quan tài nhỏ để chở đi. Thuốc an thần, những cuộc
gọi điện thoại, những thu xếp này nọ. Sự trống rỗng bỗng nhiên ập tới, nỗi chìm
khuất và dịch chuyển mù tối. Thức giấc choáng váng vì thuốc ngủ và an thần,
trong một lát chợt nghĩ thầm ồ đó là điều không thật. Rồi nghĩ rằng giá như
chúng tôi không dừng lại bên đường, giá như chúng tôi đừng đi con đường này,
giá như họ không cho phép chúng tôi dùng bể bơi. Có lẽ sẽ không một người nào
biết gì về cái lược im lặng nằm dưới đáy hồ kia.
Có một điều gì đó tồi tệ đối với trí tưởng tượng kiểu này,
phải không? Một điều gì như sự xấu hổ. Đặt ngón tay của bạn lên hàng rào thép
gai, nhận một cú sốc điện, biết được cảm giác ấy thế nào, rồi giựt tay lại. Tôi
tin là Andrew còn tỉ mỉ hơn tôi về những điều này, và vào lúc ấy anh cố tình
nghĩ đến việc khác.
Khi đứng tách khỏi cha mẹ tôi trong tang lễ của Steve Gauley
và quan sát họ, tôi đã bắt gặp cảm giác mới mẻ này, không thoải mái chút nào về
họ, tôi nghĩ rằng tôi bắt đầu thấu hiểu một điều gì đó về cha mẹ, lần đầu tiên
trong đời. Một điều gì nghiêm trọng chết người. Tôi hiểu ra rằng họ có dính líu
tới tai nạn này. Thân thể cao lớn, cứng nhắc, trong y phục nghiêm trang, vẫn
không thể nào chắn ngang giữa tôi và cái chết đột ngột kia, hoặc bất kỳ một cái
chết nào khác. Họ đã tán thành tai nạn ấy. Có vẻ như vậy. Họ đã cho phép cái
chết của những đứa trẻ và cái chết của tôi nữa, xảy ra, không phải bởi lời nói
hay hành động của họ, mà bởi vì chính họ đã sinh ra những đứa trẻ ấy trên đời -
họ đã sinh ra tôi. Họ đã tạo ra tôi, và vì lý do đó cái chết của tôi - bất kể
họ khóc thương thế nào, bất kỳ họ chịu đựng ra sao - đối với họ cũng đều không
phải là thứ không tự nhiên hay không thể xảy ra được. Đó là một điều có thật,
dù ngay lúc ấy tôi cũng biết rằng thật ra họ không đáng trách.
Nhưng tôi đã trách họ. Tôi đã buộc tội họ về sự trơ tráo,
thói đạo đức giả. Thay mặt cho Steve Gauley, cho tất cả những đứa trẻ khác,
những kẻ biết rằng chúng có quyền vươn thẳng lên tự do, được sống cuộc đời mới,
tuyệt diệu, không bị mắc vào những cái bẫy của người lớn với đời sống thất bại,
tình dục và các tang lễ của họ.
Steve đã chết đuối, người ta bảo thế, bởi vì nó gần như là
một đứa trẻ mồ côi và được phép rong chơi tự do tha hồ. Nếu nó được nhắc nhở
kịp thời, giao cho công kia việc nọ để làm, được giám sát kỹ càng, nó đã không
thể nào tuột tay từ một cành cây mỏng mảnh không đáng tin cậy chút nào mà rơi
xuống ao nước mùa xuân, rơi vào một cái hố đào sỏi gần bờ sông – nó đã không
chết đuối. Nó đã bị bỏ rơi, nó đã được thả rong tự do, và nó đã chết. Và cha nó
vẫn thấy đó là một tai nạn, như thứ có thể xảy ra cho một con chó. Ông ta không
có cả một bồ đồ lễ tử tế để mặc trong ngày đám tang của con, cũng không cúi đầu
khi cầu nguyện. Nhưng ông ta là người lớn duy nhất mà tôi không thèm trách cứ.
Ông ta là người duy nhất mà tôi không thấy rõ sự tán thành. Ông ta đã không thể
ngăn ngừa một điều gì, nhưng ông ta cũng không dính líu đến tai nạn – không
giống như những người lớn khác trong khi cầu nguyện lời Chúa với giọng trầm
trọng không mấy tự nhiên, làm rỉ ra thứ tín ngưỡng và thứ mất danh dự đáng hổ
thẹn.
Khi tới vùng Glendive, không xa biên giới North Dakota,
chúng tôi có một chọn lựa - hoặc là tiếp
tục đi theo xa lộ liên tỉnh, hoặc là
hướng về Đông Bắc, phía Williston, rẽ vào đường số 16, vài đường khác,
và trở lại với xa lộ cao tốc số 2.
Hai chúng tôi đồng ý rằng đường liên tỉnh thì nhanh hơn, và
quan trọng nhất là không nên chạy xe quá nhiều– tức là xài tiền –trên đường.
Cuối cùng chúng tôi quyết định rẽ vào xa lộ số 2.
“Em thích thế hơn,” tôi nói.
Andrew bảo, “Đó là vì chúng ta đã định như thế từ đầu.”
“Chúng ta sẽ không được gặp Kalispell và Havre. Và Wolf
Point nữa. Em thích cái tên đó.”
“Chúng ta sẽ gặp chúng trên đường trở về nhà.”
Andrew nói câu “trở về nhà” với một vẻ vui sướng đáng ngạc
nhiên đối với tôi. Tất nhiên tôi hoàn toàn nghĩ rằng chúng tôi sẽ quay về nhà
sau chuyến đi, với chiếc xe của chúng tôi và cuộc đời của chúng tôi và gia đình
của chúng tôi nguyên vẹn, sau đi đã đi qua biết bao dặm đường, đã trải qua biết
bao chuyện trung thành và rắc rối, xích lại gần nhau hơn, nhìn xuống con đường
liều lĩnh của mình. Nhưng vẫn thật là an ủi khi nghe anh ấy nói thế.
“Điều anh không thể nào hiểu được,” Andrew nói, “là làm sao
em nhận được tín hiệu ấy. Phải là một thứ linh cảm mà chỉ những người mẹ mới
có.”
Phần nào tôi cũng muốn tin thế thật, tự sưởi ấm mình trong
khả năng linh cảm ngoại cảm kia. Phần khác tôi muốn cảnh báo Andrew - cảnh báo
tất cả mọi người - đừng bao giờ dựa dẫm vào những thứ ấy.
“Điều mà em không hiểu,” tôi nói “là làm sao anh có thể nhảy
qua hàng rào.”
“Anh cũng đâu có biết.”
Chúng tôi tiếp tục trò chuyện như thế, với hai đứa trẻ trên
băng ghế sau, đặt hết tin tưởng vào chúng tôi, bởi chúng cũng chẳng có chọn lựa
nào khác, và chúng tôi thì tin rằng mình sẽ được tha thứ, cùng với thời gian,
về tất cả những điều mà trẻ con nhìn thấy và lên án trước tiên: bất cứ điều gì
vô cảm, tùy tiện, bất cẩn, nhẫn tâm - những lỗi lầm vừa tự nhiên vừa cá biệt
của chúng ta.
Alice Munro