Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, June 23, 2023

NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (1)- Trương Ngọc Bỉnh



NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG

Trương Ngọc Bỉnh, 

Cựu học sinh Trường Trung học Công lập Hải Lăng, 

Khóa 5, 1964 – 1968


Để giải quyết nhu cầu học tập, mở mang dân trí, dưới chế độ Ngô Đình Diệm (1956 - 1963) ở miền Nam, chính quyền Tỉnh Quảng Trị bước đầu đã lần lượt xây dựng các trường Trung học Đệ nhất cấp tại các quận để thu hút số con em học sinh ở vùng nông thôn sau khi hoàn thành bậc tiểu học. Do ngân sách quốc gia chưa đáp ứng cho trang trải chi phí xây dựng, trang bị cơ sở vật chất, trả lương cho đội ngũ giáo giới và các bộ phận phục vụ trực thuộc ngành giáo dục; chính  quyền sở tại từng quận đã huy động nhân dân, phụ huynh đóng góp vào Ngân sách địa phương với việc con em nhập học phải đóng một khoản phí gọi là "kiến thiết". Trong những năm đầu sơ khai ấy, về sau, học sinh chúng tôi có nghe phong phanh từ ngữ "Bán công" (1958 - 1960),  bẵng đi một thời gian, rồi sau này có kẻ nhớ, người quên!

Vào đầu năm học 1960 - 1961, cùng thời điểm với một số trường trung học công lập trong tỉnh: Triệu Phong, Cam Lộ ..., Trường TRUNG HỌC CÔNG LẬP HẢI LĂNG  được cấp trên quyết định thành lập vào mùa thu 1960 và là ngôi trường công lập đầu tiên của Quận Hải Lăng.

Ngôi trường qua những tháng năm 

Ngôi trường được xây dựng trên đồi cát, chống chọi với nắng, gió nam Lào và rét buốt của hai mùa khắc nghiệt, nằm gối đầu bên Quốc lộ 1A, đối diện cơ quan hành chính quận, về sau là cơ quan quân sự: Chi khu Hải Lăng … sẵn sàng trong tầm ngắm, canh chừng, nuốt chững ngôi trường chúng tôi với đủ cỡ nòng đạn, pháo!

Trường có một dãy nhà trệt, nền cao với tường vôi vàng. Mái ngói đã sẫm màu. Một văn phòng có mái hiên hình bán nguyệt nhô ra trước sân - chính giữa các phòng học kiên cố với hai mảng ban công  chạy dài trước hành lang cửa lớp. Chung quanh khuôn viên  trường không xa, được chôn trụ bê tông, giăng mắc hai sợi thép gai, có nhiều đoạn chùng lại như cánh võng hoặc đứt quãng, chẳng ai thèm để ý đến mà căng lại. Sân và vườn trường chỉ toàn cát. Cỏ gấu trồi trồi rễ cong cong, cố đeo bám thân cây mẹ, cộng sinh mong manh vượt qua chảo lửa nắng hạ, chờ đông ... Lác đác mấy mống trâu của Phe Nhất, Phe Nhì  căng cộm, khoe trẻ mãng sườn, đưa mắt nhìn lơ láo, "ẹ! ẹ!" từ xa, đánh thức qua ô cửa... khi ai đó đang mơ mơ màng màng gật gù lúc Thầy, Cô đang lẫy lượn câu Kiều! Một dãy nhà vệ sinh được xây bề thế ở góc hàng rào phía hướng bắc, khoảng bốn phòng nhỏ, chia đều cho cả tiêu và tiểu, cũng được chăm chút mái ngói, trông vẻ hoành tráng  không kém mấy so với ngôi trường mẹ..., khiêm tốn nép mình dưới mấy cây dương liễu, nhìn có "máu mặt", xanh rì vút cao hơn so với mấy cây cùng trang lứa từng hứng chịu những cơn rét buốt cuối đông và gió Lào khô khốc đầu hạ.

   Phóng tầm mắt từ trong trường nhìn ra, khoảng sân rộng còn gồ ghề, nguyên sơ toàn cát. Nó tồn tại gần cả một thập kỷ! Bên trái, phía trong cổng trường, có một cái lô cốt rất kiên cố, chẳng biết có tự bao giờ! Dè chừng ai cũng đoán già đoán non là nó có mặt ở đây từ khi thằng Tây - bà Đầm của mẫu quốc "Lang sa" qua khai hóa nước An Nam (Lối nói dua nịnh của mấy tay bồi bút quen mùi phô mai). Mãi cho tới tận bây giờ, lô cốt vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt với rêu phong bao phủ kèm những vết bom cày, đạn xới loang lỗ, núp dưới lùm cây hoang dại che khuất mấy lỗ châu mai - như những con mắt chứng nhân thời gian qua bao vật đổi sao dời, dâu bể của thế sự! Là kẻ lữ thứ, xa quê trên 40 năm (và chắc sẽ gởi gắm thân tứ đại nơi xứ người), mỗi lần về thăm quê, ngang qua cố quận, lòng tôi tần ngần, ngẩn ngơ dừng lại nơi chốn tọa lạc của trường xưa với mấy dòng cảm xúc: 

      "Đá cuội nằm trơ cùng tuế nguyệt,

      Thế nhân hoài cổ, dạ u sầu.

       Rừng dương yên ắng ru hồn gió,

       Vương vấn trường xưa … thoáng bóng câu!"

   Nhắc đến và phải biết ơn cái giếng dù nó vô tri - nằm phía bên phải cổng trường - còn một bi nổi trên mặt đất, bên trong nước đen ngòm, rác rưởi lố nhố, bốc mùi ẩm mốc, ngột ngạt! Thế nhưng hồi đó nắp miệng giếng lại giúp lũ học trò chúng tôi tạm xài làm mặt bàn khi chưa kịp làm bài, soạn bài giảng văn... do đêm trước phải xuống hầm trú ẩn khi tầm pháo, cối vút qua, hoặc một cuộc so nòng AK giòn như bắp rang với M.16  lẻ tẻ, nghe "cà xịt, cà đùng", xẩy ra ở quanh đồn bót, làng quê nào đó trong quận!

   Vào kỳ nghỉ hè năm 1967, trường có xây một Thư viện - từ trong văn phòng nhìn ra, phía bên trái, hướng mặt vào giữa sân, đối diện trụ cờ. Vào đầu đệ nhị lục cá nguyệt của năm học 1967 - 1968, Thư viện mới hoàn thành phần thô, mái đã được lợp tôn kín nhưng nền phòng vẫn còn cát trắng, chưa cán vữa hồ. Phần tường trong và ngoài chưa tô. Có lẽ đây là lần cuối cùng của mùa đông năm 1967, giờ ra chơi, một số bạn lớp tôi đã chiếm lĩnh  phòng ấy, chơi đuổi bắt ... và tôi còn nhớ bạn  Hương "Trùm trưởng" lớp tôi đã cố tình cố sức đẩy tôi chạm vào bạn Ngọc... Rồi hỡi ôi! Thư viện cùng chung số phận vơí ngôi trường đồ sộ, đã tan hoang thành bình địa, chỉ còn lại đống bê tông hỗn độn, ngói gỗ ngổn ngang… cùng mớ bòng bong hồ sơ học bạ, tài liệu; chỗ thì cháy sém, có đống thì rách bươm xơ mướp. Vật dụng văn phòng bằng kim loại, thủy tinh thì loang lỗ vết đạn, biến dạng, vỡ nát tanh bành... sau một đêm Xuân "Mừng tuổi mới lên 8" của ngôi trường vào Tết Mậu Thân-1968!

Ngôi trường như vị trọng tài, đứng giữa để phân xử, bảo vệ hai đối thủ, ai ngờ … cuối cùng lại bị đo ván (knock out)! Trách ai bây giờ? Rồi lớp học trò chúng tôi như đàn con mất mẹ! Là lớp cuối cấp, được sớm gởi ra Trường Nguyễn Hoàng, ở Tỉnh lỵ Quảng Trị để tiếp tục chương trình đệ nhị lục cá nguyệt. Như một cú sốc đâu đời của đứa trẻ mồ côi: nhà trọ, nhà quen? Cái ăn, tiêu? Chi phí sinh hoạt ở  thành thị không như ở nhà mình: sáng dậy sớm, lục cơm nguội hâm, quệt ruốc kho; khá lắm thì cơm chiên tóp mỡ hoặc qua quýt vài củ khoai, sắn... giúp anh bao tử hơn mười tiếng ngấu nghiến đêm qua để cặp giò còn có sức đạp tới Diên Sanh trước giờ vào lớp!... Bao nhiêu câu hỏi cứ quay cuồng mà chưa tìm ra lời giải. Ai biết được hoàn cảnh này, phải tập sự tự lực sớm, sống xa nhà, cơm đùm gạo bới, ở trọ nhà người là chuyện như phim sắp chiếu! Vẫn biết thêm một người đơn giản là thêm cái chén, đôi đũa. Ai biết núp sau lời khiêm tốn ấy là cộng thêm cho chủ nhà: điện, nước, xà  phòng... Có những câu hỏi vu vơ, thách thức mà học trò đi ở trọ phải bấm bụng... Có lúc, có ý nghĩ buông xuôi như thân Kiều:

     "Cũng liều nhắm mắt đưa chân,

     Thử xem con tạo xoay vần đến đâu?"

     Càng tự nhủ lòng an ủi mình để vượt qua vì tương lai phía trước còn thăm thẳm!

   Kể chuyện lớp cuối cấp của mình mà quên mất mấy lớp dưới, cùng chung một mái trường với hai mùa khắc nghiệt đi  tìm con chữ khi ngôi trường sụp đổ thì thật không công bằng! Vậy, các bạn khối lớp sau (Khóa 6, 7 & 8 ) tiếp tục học ở đâu?  Rồi các lớp cũng được sắp xếp "yên bề gia  thất" ở những nhà Tộc, nhà Chùa, Đình Làng Diên Sanh và đặc biệt  cơ sở của  Trường Tư thục Bồ Đề (ở Sân vận động  xã Hải Thọ  trước 1975 ) qua Tết Mậu Thân vẫn không bị sứt mẻ  tí nào mặc dù nó chỉ có xây phần thô: các phòng học trong và ngoài chưa có một vết tô, chưa có một cánh cửa sổ hoặc cửa lớn để che chắn nắng và  gió! Các phòng học và hành lang còn nền đất. Bàn ghế học sinh, giáo viên và bảng lớp đầy đủ! Trường hướng mặt ra Quốc Lộ cũ. Sân trường vẫn còn cỏ lún phún không lên nổi vì lớp choai choai chiều chiều tan học ra đây tập bóng đá.Từ ngoài đường nhìn vào, góc trái tiếp giáp với nhà dân, có mấy thùng phuy chứa nước để trộn vữa hồ… bao bì xi măng ngổn ngang… Sau mấy tháng được gởi ra trường Nguyễn Hoàng, cuối cùng, lớp tôi cũng trở về gặp lại Thầy, Cô và bạn bè. 

Ngày Tổng kết năm học 1967-1968 của toàn trường, cũng là ngày Tốt nghiệp ra trường của lớp chúng tôi! Buổi mai hôm ấy, tôi hăm hở đạp xe ra trường, trên đường đi cũng chờ đợi bạn bè doc đường như lúc còn buổi học.Tất nhiên câu chuyện giữa chúng tôi làm cho quảng đường bị ngắn lại ... Vừa qua khỏi UBHC xã Hải Thọ, đã nghe tiếng nhạc và lời: "Mỗi năm đến hè, lòng man mác buồn... ngày mai xa cách hai đứa hai nơi..." lại càng làm ray rứt trong tôi:  Ít giờ nữa thôi, lớp chúng tôi như bầy chim non đứng trên vành tổ, nhìn khoảng trời rộng bao la, bốn phương tám hướng! Những cái nắm tay thật chắc, vỗ vai nhè nhẹ gói ghém lời chúc chân tình không sao quên được: - "Mi còn đi học tiếp, cố gắng nghe, tau nghỉ học...!" Cuộc đời xuôi vạn nẻo... Gần thì Đống Đa, xa vô Đồng Đế, rồi hải quân, chuyên viên không quân... đang chào mời bạn bè tôi lên đường một ngày không xa!

  Học sinh toàn trường đã ổn định trên sân. Chúng tôi ngồi bệt lên sân cỏ, đứa thì lót dép, có đứa may mắn vớ được cục gạch làm đòn. Tội nghiệp phái nữ, ngồi "chò hỏ", lấy vạt áo dài phủ lên đầu gối... Nắng sớm đã rải nhẹ lên sân trường. Các Thầy, Cô giáo đã ngồi vào vị trí ở hai bên cánh gà, giữa phông lớn màu trắng với mấy hàng chữ màu đỏ cắt bằng kéo. Phía trước tấm phông xếp hai bàn học sinh để đặt phần thưởng. Tất cả các bàn đều được phủ khăn tươm tất... Sau phần xướng ngôn của Thầy Liễn - làm ban tổ chức - giới thiệu Thầy Lợi - Hiệu trưởng đọc diễn văn tổng kết, có đoạn nổi trội là việc kể lể chạy vạy đi xin chỗ học, ổn định các lớp, kể cả  gởi ra trường Nguyễn Hoàng cho kịp chương trình với  gần 300 học sinh (Khóa 5 = 50, K.6 = 59, K. 7 = 100 Anh & Pháp , K.8 = 90) ... Nắng đầu hạ đã lên cao, bắt đầu thiêu đốt, nhìn đứa mô cũng mặt mũi lơ láo… mà đống phần thưởng chưa ai xử.Việc gì đến rồi cũng sẽ  đến! Lần lượt  từ khóa 8, 7, 6  lên nhận theo danh sách. Khóa 5 - lớp tôi, được gọi theo vị thứ  từ cao đến thấp mà tôi còn nhớ. Dân Trường Sanh quê tôi  ôm hai xuất là hai anh em ruột: Thứ nhất: Võ Hữu Lược, thứ ba:Võ Đình Chữ. Còn bạn Võ Đình Hương được phần thưởng thứ nhì! Có gì sai về vị thứ  xin các bạn đính chính, trí nhớ 54 năm rồi cũng bị mòn mờ như đá ở suối khe nằm ở dòng nước chảy... Rất tiếc khi nghe Thầy Liễn xướng ngôn  "...Và thứ ba, mời em Võ Đình Chữ!" Tôi không thể tin vào tai mình, dẫu sao, đó  vẫn là sự thật!

Tôi nghĩ lẽ ra nên có một phần thưởng khuyến khích đối với lớp cuối cấp mà người được sở hữu là tôi. Đó là ý nghĩ cá nhân. Danh sách khen thưởng và ngân sách đã được duyệt rồi! Cuối đời, ngẫm lại có những việc mà mình không ngờ tới!


(Còn tiếp)

Trương Ngọc Bỉnh

READ MORE - NHỮNG MÃNH GHÉP KÝ ỨC VỀ MỘT NGÔI TRƯỜNG (1)- Trương Ngọc Bỉnh