Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, January 30, 2017

SỬ DỤNG SO SÁNH TU TỪ BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG TRONG “HUYNH ĐỆ” CỦA DƯ HOA -TS. Nguyễn Ngọc Kiên


             


SỬ DỤNG SO SÁNH TU TỪ BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG
            TRONG “HUYNH ĐỆ” CỦA DƯ HOA 
                                        TS. Ngữ văn Nguyễn Ngọc Kiên

Dư Hoa sinh ngày mồng ba tháng tư năm 1960 tại Hải Diêm, Hàng Châu, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, quê hương của đại văn hào Lỗ Tấn. Dư Hoa từng là thầy thuốc nha khoa, nhà sưu tầm văn học dân gian, và đã qua lớp nghiên cứu sinh do Viện Văn học Lỗ Tấn và Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh phối hợp tổ chức. Dư Hoa thuộc nhà văn thế hệ tiên phong lớp thứ hai, hiện nay chuyên sáng tác tại Bắc Kinh.
         Dư Hoa bắt đầu sáng tác từ năm 1983. Những tác phẩm chủ yếu của nhà văn là: Sao trời, Một loại hiện thực, Chuyện đời như khói, Sai lầm bên sông, Số kiếp khó tránh, Chuyện đã qua và hình phạt, Mười tám tuổi ra khỏi nhà đi xa, Sự kiện ngẫu nhiên, Gào thét trong mưa bụi, Sống, Chuyện Hứa Tam Quan bán máu, Liệu tôi có tin ở chính mình… Truyện của Dư Hoa kỳ lạ, khác thường, phương thức kể chuyện độc đáo có một không hai.
        Nhà phê bình văn học Lý Cật đã nhận xét về Dư Hoa bằng những lời ghê gớm như sau: “Trong sáng tác tiểu thuyết thuộc trào lưu mới, thậm chí trong toàn bộ nền văn học Trung Quốc, thì Dư Hoa là một người kế thừa và phát triển tinh thần Lỗ Tấn tiêu biểu nhất”.
                                                       (Theo sachxưa.vn)
Tiểu thuyết “Huynh đệ” hai tập của ông do dịch giả Vũ Công Hoan dịch sang tiếng Việt và do NXB Công an Nhân dân ấn hành cách đây chừng mươi năm. Xung quanh tác phẩm này còn có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng điều đó không làm chúng tôi quan tâm mà điều chúng tôi quan tâm là gía trị nghệ thuật trong tác phẩm.
1. Khái niệm về khoa trương
Trong tiếng Hán, khi cần nhấn mạnh làm nổi bật đặc trưng, tính chất của đối tượng, người ta cố tình nói quá sự thật; việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối tượng cần miêu tả. Lối  nói này được gọi là khoa trương. Khoa trương không phải là nói khoác hay nói dối để đánh lừa người nghe. Tác giả Đào Thản cho rằng, nó không làm cho người ta tin vào điều nói ra, mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều nói lên [2, tr.1].
Theo chúng tôi, khoa trương là cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng miêu tả. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách và dấu ấn của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn, Dư Hoa viết về mông đàn bà:
(1) 现在 女人的光屁股不值钱,揉一揉眼睛就会看到,打一个喷题就会撞上,走路拐个弯就会踩着。
(Mông của đàn bà thời nay đã mất giá, dụi mắt một cái là trông thấy, hắt hơi một cái là đụng phải, rẽ ngoặt một cái là dẵm phải)
2. So sánh tu từ biểu thị khoa trương trong “Huynh đệ”
(1) Khái niệm so sánh và các kiểu quan hệ so sánh      
So sánh theo cách hiểu phổ thông là “nhìn vào cái này mà xem xét cái kia để thấy sự giống nhau hoặc khác nhau hoặc sự hơn kém”.[79, tr. 861]
Theo Đinh Trọng Lạc, Cù Đình Tú thì: “So sánh tu từ là sự đối chiếu về hai sự vật (về tính chất, trạng thái sự việc) A và B cùng có một dấu hiệu chung nào đó giống nhau. A là sự vật chưa biết, nhờ qua B mà người đọc biết A hoặc hiểu thêm về A. So sánh tu từ còn gọi là so sánh hình ảnh, đó là một sự so sánh không đồng loại, không cùng một phạm trù chung, miễn là một nét tương đồng nào đó về mặt nhận thức hay tâm lí”.[ tr.14]
Căn cứ vào ý nghĩa có thể chia so sánh tu từ biểu thị khoa trương trong “Huynh đệ” ra thành so sánh ngang bằng và so sánh không ngang bằng. 
(2) Cấu trúc của跟 /  像so sánh ngang bằng biểu thị khoa trương
Biểu thức: “X跟 /  像 Y一样  P”. 
Biểu thức này được dùng để diễn đạt so sánh ngang bằng biểu thị khoa trương: X giống với Y ở một khía cạnh nào đó.
Có mấy trường hợp sau:
(a) “X跟 /  像Y一样  P” (P là vị ngữ) độc lập tạo thành câu. 
Trong trường hợp này, X đóng vai trò là chủ ngữ, “Y一样 P” là vị ngữ trong câu, P là kết quả so sánh có thể xuất hiện hoặc không xuất hiện.    
  + Thành tố P không xuất hiện. Ví dụ:
(2) 这时候赵诗人和刘作家不让李光头往前走了,他们揪着李光头的衣服,把他押送到了那个倒霉的丈夫面前,就像是把肉骨头押送进狗嘴里一样。
(Lúc này nhà thơ Triệu và nhà văn Lưu giữ Lý Trọc đứng lại. Hai người túm cổ áo Lý Trọc, đến trước mặt ông chồng xúi quẩy, giống như đưa khúc xương vào mồm con chó)
(3) 当进站口的大铁门关上后,她的脑袋里像是被掏空了一样,站在那里仿佛失去了知觉。(余华《兄弟》)
(Khi cánh cổng sắt to đùng ở cửa vào đóng lại, đầu chị như bị móc trống rỗng, chị đứng bất động như mất hết tri giác)
(4) 宋钢觉得林红就像是天上的月亮和星星一样可望而不可即
(Tống Cương cảm thấy Lâm Hồng như trăng sao trên trời, nhìn được nhưng không với tới.)
+ Thành tố P xuất hiện.
 Trong trường hợp này X vẫn là chủ ngữ, P là thành phần chính của vị ngữ và “跟 /  像Y一样”  làm trạng ngữ bổ sung ý nghĩa cho P. 
Giữa “跟 Y一样” và P có thể dùng hoặc không dùng trợ từ kết cấu 地. Ví dụ:
 (5) 宋钢走上大街以后就站主了,他心如刀绞看着林红垂着头双手抱着自己的肩膀走去,林红走在湿漉漉的街道上,细雨在路灯像雪花一样纷纷扬扬。(Làm trạng ngữ trong câu)
(Khi bước ra đường lớn, Tống Cương đứng lại. Trái tim anh quặn đau như dao cắt, nhìn Lâm Hồng cúi đầu hai tay ôm vai bước đi. Trong ánh sáng đèn đường, mưa bụi bay lất phất như mưa tuyết)
(b) X跟 /  像 Y一样 (P) làm định ngữ
Trong trường hợp này, giữa “跟 /  像Y一样” và danh từ trung tâm bắt buộc phải dùng trợ từ kết cấu 的.
 Biểu thức: “X跟 /  像Y一样 (P) 的 N”. Ví dụ: 
(6) 宋钢每次都是卖力地打出了像街道一样长的铃声来。(余华《兄弟》)
(Lần nào Tống Cương cũng bóp mạnh một hồi chuông dài bằng dãy phố.) 
 (2) Các biến thể của “X跟 /  像 Y一样  P”
“一样” có thể bị thay thế hoặc tỉnh lược. 
Trường hợp “一样” bị thay thế. Ví dụ:
(7) 随着中午的临近, 她的激动和亢奋也达到了顶点, 她的目光看着那些往来的男人时, 像是钉子似的仿佛要砸进那些男人的身体。(余华《兄弟》)
(Khi nhìn những người đàn ông qua lại, ánh mắt chị cứ chằm chằm như đóng đinh vào thân người ta.)
Trường hợp “一样” bị tỉnh lược
Trong “Huynh đệ” chúng tôi sưu tập được, biểu thức so sánh biểu thị khoa trương chủ yếu tập trung vào mấy tiểu loại sau đây:
(1) Biểu thức: X 像 (是) / 就像Y.  Ví dụ:
(8) 宋钢涨红了脸,嘴里咝咝响个不停,李光头不知道他在说些什么,李光头说:“别咝咝啦,像蚊子放屁,像臭虫撒尿。”
(…Lí Trọc bảo: - Đừng thì thào như muỗi đánh trung tiện, như rệp tiểu tiện)
  (9) 守候在外面的李光头看到宋钢脸色惨白地跑了出来,那模样像是死里逃生.
(Lý Trọc đứng chờ bên ngoài thấy Tống Cương chạy ra mặt tái mét, như trở về trong cõi chết)

 (10) 邻居们都听到了李光头失恋的哭声,他们说李光头的哭声里有七情六欲,有时像是发情时的猫叫,有时像是被宰杀时的猪嚎,有时像是吃草的牛哞哞地叫,有时像是报晓的雄鸡咯咯叫。(余华《兄弟》)
(Bà con hàng xóm đều nghe thấy tiếng khóc thất tình của Lý Trọc. Họ bảo trong tiếng khóc của Lý Trọc có cả thất tình lục dục* có lúc như mèo kêu tìm bạn, có khi như lợn bị chọc tiết, có lúc như trâu bò ăn cỏ tống nghé ọ, có khi như gà trống gáy sáng ó ò o.)
 (11) 宋凡平也向这些人挥动着手,就像毛主席在天安门城楼上的手。
(Tống Phàm Bình cũng vẫy bàn tay hộ pháp chào mọi người, giống như bàn tay Mao chủ tịch trên thành lầu Thiên An Môn)
 (2)  Biểu thức : X (就)是 Y. Ví dụ:
(12) 后来李光头在厕所里偷看女人屁股被生擒活捉,用现在的时髦说法是闹出了绯闻,李光头在厕所里的绯闻曝光以后,他在我们刘镇臭名昭著以后,才知道自己和父亲真是一根藤上结出来的两个臭瓜。
(Sau khi tai tiếng Lý Trọc trong nhà vệ sinh bị vỡ lở, tiếng xấu loang ra cả thị trấn chúng tôi, Lý Trọc mới biết mình và bố đúng là hai quả dưa thối đậu trên một dây dưa)
(13) 你是癞蛤蟆想吃天鹅肉!
(Mày là cóc muốn xơi thịt thiên nga!)
(14)李光头小小年纪就知道了自己的价值所在,他明白了自己虽然臭名昭著,可自己是一块臭豆腐,闻起来臭,吃起来香。
(Thằng nhóc Lí Trọc tuy ít tuổi, cũng biết giá trị của mình là thế nào, cậu hiểu tuy tiếng xấu loang xa, mình là miếng đậu phụ thối, ngửi thì thum thủm, nhưng ăn thì thơm ngon.)
Ở đây, (就)是vốn là một động từ phán đoán, cho nên khi được sử dụng trong cấu trúc này, cả cấu trúc còn mang sắc thái khẳng định vốn có của động từ. Tuy nhiên, hình thức so sánh tu từ dùng “(就)是” cũng khác với phán đoán logic có công thức “S是 P” (S là P). Chính vì vậy, có người không cho rằng “是” là thành tố trong phép so sánh. Tuy nhiên căn cứ vào ngữ nghĩa chúng tôi cho rằng “是” không những có khả năng biểu đạt so sánh mà còn có khả năng biểu đạt khoa trương.  Ví dụ:
(15) 她的脸上始终挂着经松的微笑。城里的老人们伸手指点着她, 说这是个泡在密罐。(余华《兄弟》)
(Nụ cười tủm tỉm nhẹ nhõm luôn nở trên môi. Ông già bà cả trong thành chỉ Lâm Hồng nói, đây là cô gái ngâm trong thùng mật.)
(3) Biểu thức: X 仿佛 Y. Ví dụ:
“他睡得时候觉得昏昏沉沉,仿佛是在水中;醒着的时候觉得喘不过气来,仿佛胸口压了一块大石头。
(Trong giấc ngủ chập chờn, anh thấy mình như đang chìm nổi trong nước. Khi thức anh cảm thấy tức thở, y như có một hòn đá to đè lên ngực.)
(2) So sánh không ngang bằng với “比” biểu thị khoa trương
+ Ý nghĩa của cách so sánh dùng giới từ “比” 
Thông thường khi cần biểu thị sự hơn kém nhau về trình độ, tính chất của hai sự vật, hiện tượng hoặc hai người thì có thể dùng giới từ “比” để chỉ ra đối tượng so sánh, sau đó dùng vị ngữ để chỉ ra kết quả so sánh. Tuy nhiên, bài báo  này chỉ quan tâm tới những cấu trúc so sánh có sự tham gia của giới từ “比” biểu thị khoa trương, vì cách dùng “比” để biểu thị khoa trương cũng không nằm ngoài qui luật hoạt động của “比”  nói chung. 
+ Cách sử dụng giới từ “比”
+ Giới từ “比” và đối tượng so sánh kết hợp với nhau tạo thành kết cấu giới từ và phải đặt trước vị ngữ để làm trạng ngữ. 
Biểu thức: X (S) 比 Y (Adj) + P  
Trong biểu thức này, X có vai trò là chủ ngữ, Y là trạng ngữ trong câu. Ví dụ:      
(16) 这时的李光头破衣烂衫,头发比马克思长,胡子比恩格斯多,昔日威风凛凛的光头不知去向,露出了一副要饭的乞丐模样
 (Lý Trọc lúc này quần rách áo vá, tóc dài hơn Mác, râu rậm hơn Ăngghen. Dáng vẻ uy phong lẫm liệt ngày nào đã tan biến, bây giờ nom anh ta như thằng ăn mày.)
+ Thành phần sau Y do tính từ / ngữ tính từ đảm nhiệm. Ví dụ:
(17)  “全中国只有一个人吃过的三鲜面比我多。(余华《兄弟》)
(Cả nước Trung Quốc chỉ có một người ăn mì Tam tiên nhiều hơn em.)
+ Sau kết cấu giới từ “比” và trước vị ngữ có thể sử dụng phó từ 更,还, 还要 làm trạng ngữ biểu thị mức độ tăng lên một bậc. Ví dụ:
(18) 读书好啊,一天不读书,比一个月不拉屎还难受。读书好啊,可以一个月不吃饭,不能一天不读书。
(Đọc sách rất tốt, một ngày không đọc sách còn khó chịu hơn một tháng không đi đại tiện. Đọc sách rất tốt, có thể một tháng không ăn cơm chứ không thể một ngày không đọc sách.)
(19) 李兰的嘴巴始终挂着骄傲的微笑,虽然和宋凡平只有短短的一年零两个月的夫妻生活, 可是在李兰的内心深处比一生还要漫长。(余华《兄弟》) (vị ngữ là ngữ tính từ “漫长”)
(Mép Lí Lan lúc nào cũng mỉm cười kiêu hãnh, tuy chỉ sống với chồng có một năm hai tháng ngắn ngủi, nhưng trong sâu thẳm của trái tim chị, còn dài hơn cả cuộc đời.)
 - Cấu trúc so sánh này có thể làm định ngữ cho danh từ; trong trường hợp này bắt buộc phải dùng trợ từ kết cấu “的” giữa định ngữ và trung tâm ngữ. Xét về ngữ nghĩa, trung tâm ngữ chính là thành tố X, thành phần đứng sau “比” chính là thành tố Y. 
Biểu thức: “比Y还要 /  更 Adj 的 X”.  Ví dụ:
(20) 没有人知道李兰对宋凡平的感情有多深,那时比海洋还要深的爱。(余华《兄弟》)
(Không ai biết tình cảm của Lí Lan đối với Tống Phàm Bình sâu nặng như thế nào, đó là mối tình sâu nặng hơn biển cả)
(3) Sử dụng phủ định “不如” (không bằng)
(21) 李光头呜咽地唱了起来:“天大地大不如党和你们的恩情大,爹亲娘亲不如毛主席和你们亲,千好万好不如社会主义和你们好,河深海深不如你们的阶级友爱深……”
(- Lý Trọc nghẹn ngào cất tiếng hát - Trời to đất to không to bằng ân tình của Đảng và bà con, bố thân mẹ thân không thân bằng Mao chủ tịch và bà con, ngàn tốt vạn tốt không tốt bằng chủ nghĩa xã hội và bà con, sông sâu biển sâu không sâu bằng tinh hữu ái giai cấp có bà con.)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Đinh Trọng Lạc (2005), Phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, Nxb   Giaó dục.
5. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. 黄伯荣,廖序东 (2002)“现代汉语”,高等教育出版社。
7. 王希杰 (2007)“汉语修辞学”,商务印书馆。
8.张挥之(2002)“现代汉语” 高等教育出版社。
           余华 - 兄弟  - 小说在线阅读- 努努书坊

READ MORE - SỬ DỤNG SO SÁNH TU TỪ BIỂU THỊ KHOA TRƯƠNG TRONG “HUYNH ĐỆ” CỦA DƯ HOA -TS. Nguyễn Ngọc Kiên

CHÙM THƠ HOÀNG YÊN LYNH



          Hoàng Yên Lynh



Đầu Năm Uống Rượu Ở Rừng.
                                                 
Bạn tôi cạn ché rượu này
Núi rừng cũng đã ươm đầy sắc xuân
Buồn vui rồi cũng là xuân
Phong trần thôi đã phong trần bạn ơi
Bên rừng,bên rượu... bạn tôi
Có đàn chim én bên trời xuân sang
Bạn tôi đã úa thời gian
Rượu cần xin cạn,gian nan cũng rồi
Uống đi vật đổi sao dời
Chỉ còn trăng suối bạn tôi... với rừng
Ừ thì cũng đã xuân sang...

Đam B'Ri 30.01.2017
HOÀNG YÊN LYNH

Ngày Tết 
       Thơ Xuân
 Gởi Chu Vương Miện.

                                         
Tết đến rồi anh đôi bờ xa ngái
Có mừng xuân bên chung rượu vơi đầy
Khúc xuân xưa chạnh lòng người xa xứ
Bao vần thơ anh trang trải cho đời.

Tôi cũng đã bao mùa xuân lưu lạc
Đón giao thừa bên chung rượu vần thơ
Bao mùa xuân cũng đã mòn nỗi nhớ
Vọng quê nhà lê bước chốn sơn khê.

Ngày tết đến gởi anh dòng tâm sự
Tôi và anh phiêu bạt chẳng lối về
Ơi đất nước mùa xuân xa vời vợi
Chung rượu này ta gói trọn tình quê...

   Đam B'ri, ngày 01 tết Đinh Dậu
          HOÀNG YÊN LYNH


READ MORE - CHÙM THƠ HOÀNG YÊN LYNH

BẾN TIÊU TƯƠNG - Thơ Nguyễn Khôi

 
                       Nhà thơ Nguyễn Khôi


 BẾN TIÊU TƯƠNG
(Tặng BNN & Tiểu muội)
                     ---
Về làng ra bến Tiêu Tương (1)
Ngó trăng, ngó gió... chàng Trương đâu rồi ?
Đò thì một lá chơi vơi
Sáo thì vi vút lưng trời lửng lơ...
                     
Tìm Mỵ Nương giữa bến bờ 
Ai đang giặt yếm ngồi hơ lửa lòng ?
Tiêu Tương trăng gió mịt mùng
Để cho Thi sĩ đau từng dòng Thơ...
                     
"Sông Tương một dải nông sờ..."

 Quê mồng 1 tết Đinh Dậu - 2017
             NGUYỄN KHÔI

---------

(1) Sông Tiêu Tương xưa ở vùng quê Quan Họ (Bắc Ninh)
gắn với chuyện tình Trương Chi/ Mỵ nương nổi tiếng, khởi nguyên từ đầm làng Phù Lưu (Oa hồ) nối với sông Ngũ Huyện Khê, chảy lòng vòng qua Đình Bảng- Tiêu Sơn- Lim  ra Ngòi Tào Khê/ sông Cầu...
        
READ MORE - BẾN TIÊU TƯƠNG - Thơ Nguyễn Khôi

GỬI KHA TIỆM LY - Thơ Chu Vương Miện



         Nhà thơ Chu Vương Miện


GỬI KHA TIỆM LY

Xưa Kinh Kha, con chủy thủ đất Tần
Coi cái chết tựa như rượu đắng
Cao Tiệm Ly một đời chơi sáo trúc
Đánh vào đầu Tần Doanh Chính
hụt tan thây...
Trời bốn miền nam bắc đông tây
bạn cũng múa may giang hồ tứ hải? 
Kha Tiệm Ly xỉn rồi đành đứng đái
Thiên hạ nháng qua đôi mắt dửng dưng
Cõi trần hoàn trước có sau không?
Thân cát bụi lại trở về cát bụi
uống rượu giang hồ mà lòng tê tái

Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như
Danh Tương Như bất thực Tương Như
rượu vào lời không ra, cứ gật cứ gù
nghĩ một đàng viết thì một nẻo
anh hùng rơm vùng vẫy chả anh hùng?
nợ áo cơm vẫn trói chặt đôi chân
chả khác Lý Thừa Ân cho ký kỳ vào rọ
nghĩ thì quá dễ viết thì quá khó?

buồn trăm năm à hỡi buồn nghìn năm? 
gối đầu lên chai rượu rỗng không?

                      Chu Vương Miện

READ MORE - GỬI KHA TIỆM LY - Thơ Chu Vương Miện

KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2017 - thơ Hoàng Anh 79


Ảnh tác giả


KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2017

Cạn đi chén rượu ân tình
Còn chờ ai nữa - chỉ mình - mình ta
Một năm tình cũ chưa già
Một năm em cũng đi xa thật rồi

Có gì trong trái tim côi
Mùa xuân mới đến bên đồi quạnh hiu
Nghiêng vai sợi nắng lệch chiều
Tấm thân cô lữ ít nhiều gió sương

Thì thôi chớp bể mưa nguồn
Đi đi phía trước con đường phù vân
Trả em một chút lỡ lầm
Yêu trong tiền kiếp từ trăm tuổi đời

Giao thừa uống rượu lẻ loi
Sáng mai đón tết bờ môi cay nồng
Mùng hai làm xị ấm lòng
Mùng ba hết tết túi không có tiền

Xuân về từ độ tháng giêng
Cám ơn em một chút duyên hững hờ
Tội ta yêu đến ngẫn ngơ
Đầu năm khai bút làm thơ để dành !

Mùng 3 tết  2017

HOÀNG ANH 79
READ MORE - KHAI BÚT ĐẦU NĂM 2017 - thơ Hoàng Anh 79

THI HOÀNG, BUỔI TRƯA TRONG THƠ - Nguyễn Đức Tùng



Nhà thơ Thi Hoàng


THI HOÀNG, BUỔI TRƯA TRONG THƠ
Nguyễn Đức Tùng

Trong thơ trữ tình, lịch sử không tồn tại. Trường ca làm chúng tồn tại.
Thi Hoàng viết cả hai. Anh dừng lại trong một buổi trưa: nhiều thi sĩ từng nói đến nó. Buổi trưa nông thôn:
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Không gian của Lưu Trọng Lư rộng rãi, câu thơ bảy chữ giãn ra. Trong bài Tiếng Trưa của Thi Hoàng, hầu hết sáu chữ, tiến độ dồn dập, không gian nén lại. Việc sử dụng nhiều hình ảnh, các hình ảnh gác lên nhau, là đặc điểm của thơ Thi Hoàng. Sự kết hợp của chúng khác với thơ thời trước: hình ảnh càng nhiều thì sự kết hợp càng lỏng lẻo, thơ dễ làm, khó hay.
Một buổi trưa nắng vàng in trên tóc
Mây trên trời xuống phủ ở trên vai
Màu phương cảo pha mờ trên nét ngọc
Bước ngại ngùng nẻo mộng mấy lần sai
Tám chữ. Không gian mênh mông, thời gian thảnh thơi. Có lẽ Bùi Giáng đang đứng trong ngày thanh bình an lạc, thiên nhiên hòa làm một với con người, đi vào cõi người, bởi vì nắng thì in lên tóc, mây thì phủ xuống vai, thân thể thì mờ phương cảo, đến nỗi người thơ bước dẫm phải mộng, lạc nẻo mông lung.
Tôi vừa nhắc đến thanh bình. Bài thơ của Thi Hoàng có lẽ viết trong hòa bình. Nhưng hòa bình và thanh bình là hai chuyện khác nhau. Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng mà vẫn sôi động bi kịch.
Có hai loại bi kịch: Kiều là bi kịch ngoại cảnh.
Such blue, such quiet blue, it troubled me
Màu xanh, màu xanh im lặng thật, làm tim ta giật thót rối bời
Là nội tâm. David Constantine, một lần tới Vancouver, đọc bài thơ, nói về buổi trưa trữ tình triết học. Màu xanh im lặng làm ta kinh ngạc. Tiến độ của câu thơ không chỉ được xác định bởi số chữ trong câu mà còn do nhiều yếu tố trong đó có các chữ quan trọng. Khi đọc lên, các chữ quan trọng trong một câu được nhấn mạnh hơn chữ khác, có thể gọi là các chữ đệm hay phụ thuộc.
Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Các chữ nắng, hắt, song là quan trọng, được trải đều trong câu, nằm xen kẽ giữa các chữ đệm.
Nắng gió vun cao từng đống
Các nhóm chữ nắng gió, vun cao, từng đống đều quan trọng như nhau, ở giữa chúng không có các chữ đệm , ngay cả chữ vun và chữ từng .

Tiếng Trưa
 Nắng gió vun cao từng đống
Trời xanh nhìn thẳng vào tim
Chuông chùa rung như áo mỏng
Dậu thưa văng vẳng hoa bìm


Tiếng ve luồn qua trôn kim
Hương thơm vào không khép cửa
Tình thương ủ chín nồi cơm
Lòng tốt đang cho con bú

Quả đắng muốn trèo cao thế
Mùi hôi đòi vẽ chân dung
Thông không sao, không sao cả
Trước sau còn có vô cùng

Có một con kiến ung dung
Chững chạc bò qua vất vả
Có một thảnh thơi chiếc lá
Bâng khuâng chán rồi bâng quơ

Ai như chiếc kẹo vàng mơ
Ngọt sắc giữa trưa thăm thẳm
Thịt da nhòa vào im ắng
Khoảng không gõ cùng kêu mà.
Khuôn mặt tráng lệ của thiên nhiên là trung tâm của hạnh phúc. Những phẩm chất cao quý, bền vững hơn sự phá hủy, bạo động, làm nên ý thức tự do. Phẩm chất quan trọng của con người là biết thưởng thức, khả năng rung động trước hòa điệu. Bạn nghe được âm thanh gì ở đây?
Dậu thưa văng vẳng hoa bìm
Tiếng động của hoa bìm như những cái chuông nhỏ. Hay hoa bìm như những vành tai lắng nghe. Hay cả hai? Số chữ trong câu thơ của Thi Hoàng ít thay đổi. Câu của anh đều đặn, theo luật, không bứt phá, thiếu tự do. Nhưng bù lại, anh thay đổi cấu trúc trong từng câu, dồn năng lượng nhiều hơn cho trật tự của chúng.
Nếu được ví như sợi dây đàn, sức căng của một câu thơ nằm trong các vần nội tại: điều này đúng cho mọi trường hợp.
Ngay từ những câu đầu tiên của bài Tiếng Trưa, nhà thơ đã đưa chúng ta vào khung cảnh của anh, bầu trời mở rộng, mây và nắng, cỏ và hoa, trộn lẫn với những quan niệm và ý tưởng.
Nắng gió vun cao từng đống
Không có mây mà như có mây. Nét vẽ trầm tư, nhịp đi nhanh mà không vội vàng, như thể thế giới đang chờ đợi chúng ta, đang trò chuyện với chúng ta, bạn phải đi tới đó.
Tới một miền quê yên tĩnh. Trong khi các nhà thơ thời kỳ lãng mạn xem thiên nhiên là nơi trở về, là phản ứng chống lại quá trình đô thị hóa, thì các nhà thơ sau đó không có khuynh hướng lý tưởng như thế, đối với họ thiên nhiên không được thuần hóa, không được văn minh hóa, nhưng cũng không hoàn toàn hoang dã, chống lại con người. Sau những thế kỷ ánh sáng, sự tin tưởng vào văn minh cơ khí, xem xét vạn vật như một guồng máy đã dần lụi tàn, nhưng tâm hồn Việt Nam chưa hề là một tâm hồn sầu lụy. Người phương Tây có chứng bệnh văn chương sầu cảm (melancholy) mà tôi không mấy khi tìm thấy ở nhà văn Việt Nam. Sự quan sát, sự lắng nghe, sự trầm tư dịu dàng, là những điều chúng ta nhìn thấy được ở bài thơ này, đó chẳng qua là phương châm của đời sống. Trước thiên nhiên, người phương Tây vẫn có ý thức rõ ràng hơn về sự hiện hữu của mình, giới hạn của mình, trong khi người Việt Nam thường vô phân biệt, do đó tìm thấy sự cân bằng dễ hơn.
Hương thơm vào không khép cửa
Phải đi đến gần đoạn cuối, bài thơ mới thay đổi tâm trạng của nó, chuyển qua một nhân vật, cất lên tiếng nói khác. Trong nhiều bài thơ khác, Thi Hoàng cũng lập lại cách lập tứ này, anh không có nhiều thay đổi trong một bài thơ, và những thay đổi diễn ra khá muộn nếu chúng xảy ra. Tuy thế, sự muộn màng ấy một mặt là khuyết điểm kỹ thuật, mặt khác lại tạo ra giọng thong thả, khí hậu huyền ảo riêng biệt.
Ai như chiếc kẹo vàng mơ
Ngọt sắc giữa trưa thăm thẳm
Về mặt ngôn ngữ, thể sáu chữ là một thể đặc biệt trong thơ Việt. Không nhiều chỗ như trong thơ bảy chữ, tám chữ, không quá chặt chẽ như thơ năm chữ, các câu thơ sáu chữ ít khi trở nên xuất sắc đặc biệt nhưng cũng ít khi là những câu quá dở. Tôi nghĩ sự ngắn gọn tương đối của chúng đã tạo ra tính nước đôi này. Chất giọng của anh vẫn xuyên suốt, thong thả, đều đặn, nhưng không gian khác, khí hậu khác. Bằng cách nào?
Sự phá vỡ nhịp.
Hoa mẫu đơn cũng tưng bừng í ới
Khói hương bài thơm tỉ tê lân la
Cây vun tán lên vun xôi đóng oản
Gió liu riu cho thấm tháp chan hòa
Câu thứ hai của Thi Hoàng ra khỏi nhịp thông thường.
T B B B T B B B
Chữ thứ 5 và thứ 6 đổi chỗ cho nhau.
Các câu thơ Thi Hoàng không lập lại hoàn toàn, nhưng gây cảm giác trùng điệp. Người ta thường nói về cảm hứng, nhưng tôi nghĩ cần nhấn mạnh đến khả năng làm chủ ngôn ngữ như một kỹ thuật có thể học tập. Sự chọn lựa thể sáu chữ trong bài thơ Tiếng Trưa là một chọn lựa thành công. Cấu trúc gọn ghẽ, phân đoạn mỗi đoạn bốn câu, chọn cách viết đối xứng, làm cho bài thơ trở thành một cấu trúc cân đối. Bài thơ không điển hình cho một bài thơ trữ tình - thiên nhiên, tuổi thơ, con người lớn lên, tình yêu đầu đời, tan vỡ, thương tiếc. Trong bài thơ không có thời gian, mọi vật vận động mà vẫn như đứng lại, như hình ảnh trong một bức tranh hơn là một động lực. Bài thơ không nói về số phận một người mà nói về vị trí của con người, về nghệ thuật nhìn và nghe, về khả năng hóa thân vào ngoại cảnh, trở thành một với vạn vật: khả năng biến mất. Biến mất là một đức tính. Hầu hết những câu thơ đều có một chủ từ, một trạng từ: tất cả đều hành động. Sự biến đổi trong im lặng, sự biến đổi không thông qua thời gian. Sự dừng lại, tỉnh thức. Nhưng đó không phải là loại thơ triết lý. Thi Hoàng cố gắng đẩy lùi biên giới của thơ trữ tình, không phải chỉ bằng việc làm mới ngôn ngữ, mà còn, và trước hết, bằng cách mở rộng bài thơ vào bối cảnh văn hoá, xã hội.
Thi Hoàng nổi tiếng hơn về trường ca (*). Nhưng trong thể loại thời thượng ấy, anh lại chưa hoàn toàn ra khỏi chất sử thi, cái cao cả, tính điển hình là những đặc tính của dòng văn chương "chính thống", chúng kìm hãm thơ đương đại; tuy vậy, ở đó anh có nhiều cơ hội hơn để suy tư về lịch sử.
Sáng lên trong khoảng trống không tuyệt vời
Bông hoa sớm nay anh trao em rồi
Hoa chưa kịp nói nên lời
Hoàng hôn đã thở dài khe khẽ
Ẩn ra sự nóng sôi có một ông mặt trời
Nghiêm khắc và lạnh lùng quá thể
Em có còn tươi mát nữa không em?
Trường ca Thi Hoàng có những dẫn dắt đưa tới mối quan hệ thiên nhiên và văn hóa. Đó là quan tâm lâu đời của văn học và các khoa học như xã hội học, nhân chủng học. Thiên nhiên tạo ra những thay đổi ở con người, cảm giác vui sướng, sự buồn bã, khả năng cảm kích. Khuynh hướng sinh thái trong thơ ca thế giới những năm gần đây cũng bắt nguồn từ thơ về thiên nhiên, khởi đi từ những nhà thơ như Wordsworth, các truyền thống thơ ca Nhật Bản từ Basho. Sự phối hợp Đông và Tây ở nhiều nhà thơ hiện nay cũng xảy ra trên tấm thảm của thiên nhiên. Thơ Thi Hoàng kêu gọi sự tỉnh thức đối với sự vật và sự thức nhận đối với lề lối suy nghĩ. Giúp thoát khỏi lối nghĩ cứng cỏi, sự lầm đường, trạng thái mê lẫn, mời gọi sự buông thả, đến gần trạng thái không biết, trạng thái không chắc chắn, cảm giác tri ân.
Tôi đã ghé tai nghe miệng vết thương
Tưởng có tiếng thơ ngân lên ở đó
Thiên nhiên đã có sẵn ở đó rồi, vai trò của nhà thơ là chọn một góc đứng, một cách đi qua, một cách nhìn trong không gian ấy. Anh từng có cái nhìn chiếm lĩnh:
Chỉ mai đây nhà máy dựng xong thôi
Ý nghĩ thấm trong mồ hôi nhỏ giọt
Giữa không gian và thời gian hồi hộp
Một huy hoàng từ nền móng đang lên
Hầu hết các nhà thơ cùng thế hệ và hoàn cảnh như Thi Hoàng đều đã nghĩ và viết như thế. Đó là năm 1975 ở miền Bắc. Sau đó có người đã vượt qua giấc mơ công nghiệp hóa sơ khai, có người không. Thi Hoàng cố gắng vượt qua.  Vì vậy, cảnh vật của thơ anh là cảnh vật nội tâm, chữ của Trần Phong Giao là tâm cảnh, buổi trưa ấy là buổi trưa Việt Nam.
Tiếng ve luồn qua trôn kim
Sự tưởng tượng cụ thể hóa, chứ không trừu tượng hóa, như phương Tây:
Sự vắng mặt của em đi xuyên qua anh
Như chỉ luồn qua kim
Your absence has gone through me
Like thread through a needle
( W.S. Merwin)
Bài Ngưỡng Mộ Hoa Sen của Thi Hoàng là một trường hợp khác. Lối nói trực tiếp hơn: sự cao quý của cảnh vật, cây cối, chính là nội dung của đời sống. Văn chương có thể không làm được nhiều, nhưng có thể mang người đọc lại gần với phẩm chất cao quý của vạn vật, nâng đỡ tinh thần họ lên đến một cấp độ mà năng lượng của trời đất chạm tới, và do đó, chuyển giao.
Ngưỡng Mộ Hoa Sen
Bùn non ngoan ngoan
Và đờ đẫn và im lìm và nhuần nhuyễn
Nước trong sáng cứ như muốn vùng vằng mà không dám
Bởi hương sen quá đỗi dịu dàng.

Hoa sen không định thơm
Không định thơm thì mới thơm như thế
Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ
Mẹ quá xa rồi!

Để ta thành con cái của làn hương.
Ta ra điên hay trời bỗng khác thường
Không có hương sen thì trời sẽ sập
Không có hương sen thì ta thối nát
Song, đấy là điều không dễ có ai tin!
Thực ra các nhà thơ vẫn có quyền dùng cách nói tuyên bố, thậm chí kêu gọi, nhưng không dễ. Ở Thi Hoàng, cách nói cũ này khá tự nhiên, tuy vẫn dễ rơi vào cái sáo. Thơ đôi khi cho phép vượt qua, nhờ mối quan hệ giữa nhà thơ và người đọc, giữa người đọc và khung cảnh: bài thơ vượt ra ngoài cấu trúc ngôn ngữ. Con đường bài thơ Ngưỡng Mộ Hoa Sen dẫn ta đi là từ cõi vắng lặng tinh thần đến mối quan hệ thân mật. Cõi vắng lặng và những quan hệ nhân gian mới nhìn như thể là hai khái niệm đối lập. Trong tương tác bất ngờ, mà một số bài thơ có thể làm được, người đọc bỗng thấy mình di chuyển dễ dàng từ hai phía, vừa là sự tịch lặng thuần khiết, thiêng liêng, vừa là sự giao hòa gần gũi, giản dị, thường, thực, chạm được tay. Thật ra, Thi Hoàng cũng có những câu lắm dễ dãi, đọc câu trước đoán được câu sau:
Để được yêu thành thật cuộc đời thường
Yêu háo hức tới chừng như vật vã
Yêu bãi cát chiều long lanh vảy cá
Yêu đá khô khan cho núi thêm già
Tuy có thể được công chúng yêu thích. Mà công chúng nào chẳng thích sự trơn bóng. Thi Hoàng có nỗi phân vân giữa nhu cầu giao tiếp vốn phổ biến ở những người cùng thời và nhu cầu giữ kín thông tin. Nhu cầu của im lặng, các yếu tố khách quan như lịch sử, môi trường được anh đưa vào một cách rộng lượng, đặc biệt trong trường ca vì dung lượng của chúng, thực ra đã không ngăn anh giữ lại cho mình một thẩm mỹ bền bỉ, kín đáo, dành cho thơ trữ tình, giữa một bên là nhu cầu biểu hiện và một bên là chủ nghĩa tối thiểu. Cảm nhận của anh về tính đa nguyên của sự vật, tính đa cực của thế giới, giúp tạo ra những khoảng cách trong thơ, về mặt ngôn ngữ là sự xếp đặt phi cổ điển, các chữ và các câu bất ngờ, ra ngoài ngữ pháp. Sự liên tưởng là một quá trình linh cảm của tâm trí trong việc tạo dựng các ý tưởng và hình ảnh, các sự kiện và ngôn ngữ, tuy thường căn cứ vào những nguyên mẫu văn hóa (archetypes), nhưng thật ra vẫn cá nhân. Sự liên kết này, khá tự nhiên, ở Thi Hoàng có tính phim ảnh (associative cut), tức là mang tính ráp nối, cắt rời, chồng chéo, sắp xếp và sắp xếp lại, làm biến đổi một câu chuyện (story) thành một cốt truyện (plot).
Không định thơm thì mới thơm như thế
Những nghĩa khác của một chữ trong thơ. Nghĩa của chữ không phải là cố định. Nếu các lý thuyết tham chiếu (referential theory) đặt căn bản trên quan niệm rằng ngôn ngữ được dùng để chỉ một vật nhất định, thì lý thuyết hành vi (behavioral theory) cho rằng chữ chỉ có nghĩa như chúng có vì có người dùng chúng như thế, nói cách khác, nghĩa thay đổi. Thoạt nhìn, Thi Hoàng là người có ý tưởng độc đáo, và cách nói lên những ý tưởng ấy, một cách trực tiếp, mới lạ.
Lòng tốt đang cho con bú
Đó là khả năng gọi ra những nghĩa khác, tiềm ẩn, của ngôn ngữ tiếng Việt. Về nguyên tắc, số lượng các nghĩa "tiềm ẩn" ấy là vô tận. Tiếng trưa là một bài thơ về thiên nhiên mà thực ra là về nghệ thuật. Không có nhân vật, hay có vẻ như không có nhân vật, không có cái tôi, gần như không có điểm nhìn, nhưng vì vậy mà điểm nhìn di chuyển khắp nơi, nhân vật có thể là nhiều người, một chàng trai, chắc thế, một cô gái đẹp như cái áo, hay là dậu thưa, hay trôn kim, hay tất cả chỉ là hoàn cảnh, là nghệ thuật sắp xếp.
Trời xanh nhìn thẳng vào tim
Chúng ta được dịp nhìn thẳng vào tâm trí của nhà thơ. Cái đẹp trở thành hiện thực. Hiện thực không có cứu cánh, cũng như số phận không có mục đích. Nghệ thuật làm cho hiện thực trở nên có cứu cánh, sự đau khổ trở nên có mục đích. Suy nghĩ, như chúng ta thường hiểu, dựa trên lý trí, không được tách rời kinh nghiệm sống. Sự xuất hiện của nhà thơ đã làm biến đổi không gian ấy, cảm xúc được ngân lên trong tâm hồn anh chính là cảm xúc của vũ trụ. Bài thơ trữ tình nhưng không hẳn là nói về một nhân vật. Tác giả như một cây đàn rung những nốt nhạc đã có sẵn trong trời đất. Một thôn quê Việt Nam, miền Bắc, hiện ra đầy đủ trong thứ âm nhạc ngân vang ấy. Sự chọn lựa nhiều lần giữa cách nói quen thuộc và cách nói mới cũng thể hiện sự phân vân của anh.
Sao chiều nay ta muốn tốt lên nhiều
Thiên nhiên ở với mình cao cả quá
Bài thơ đương thời thường bị ám ảnh bởi nỗi im lặng. Sự im lặng thanh sạch, hầu như không mang ý nghĩa, bởi vì ngôn ngữ trở nên bất lực ở khoảng trống rỗng. Bài thơ là điểm dừng của ngôn ngữ trong quá trình vận động của nó. Nói cách khác, thơ chính là bản thân ngôn ngữ, được bộc lộ trần truồng trước thực hữu. Bài thơ chính là hình thức của ý tưởng, hay nói như Rimbaud, là một ý tưởng được hát lên và được hiểu bởi ca sĩ. Những bài thơ hay bao giờ cũng có một giây phút đầy năng lượng ở đó tự nhiên và văn hóa hòa lẫn vào nhau, trở thành một.
Dù không gian có thể rạo rực hơn:
Trưa vàng cỏ biếc vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa
(Trần Dạ Từ)
Nhờ nhịp lục bát gấp.Trước, người ta thong dong hơn, mà vẫn đầy ắp lứa đôi:
Một buổi trưa không biết ở nơi nào,
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.
(Huy Cận)
Hay thời kháng chiến:
Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt
Đường xa xa mờ núi và mây
Buổi trưa của Quang Dũng thật buồn mà thật đẹp. Cảnh đâu có gì mà đẹp? Chỉ có đường xa, chỉ có núi mây và nắng lóa. Gian khổ thì đúng hơn. Nhưng tôi vẫn thấy đẹp. Thì ra cái đẹp của xã hội, của tình người. Chúng ta tiếc không khí ấy. Tiếc thì tiếc, nhà thơ bây giờ không có tâm trạng khấp khởi nữa: họ sâu sắc hơn, họ đa nghi hơn, họ kém tha thiết hơn thì phải. Vì xã hội nó nhạt đi, con người nó tầm thường đi, chứ đâu phải tại họ. Biết sao? Mỗi nhà thơ đều có một sợi dây cầm trên tay, đi theo con đường của mình, sự chọn lựa của mình, nhưng tới đâu chúng ta không biết. Cho đến một ngày, bạn dừng lại.
Thơ trữ tình là sự dừng lại.
Trước sau còn có vô cùng
Trước sau gì một số điều trong đời bạn cũng đứt đoạn: người thân, công việc, danh vọng, tự phụ, niềm tin. Trước sau gì bạn cũng đứng đó một mình, lột bỏ xiêm y bao phủ châu thân, bạn nhận ra rằng chỉ có bạn và thiên nhiên gặp lại nhau. Con người có bốn lần trần truồng: khi sinh ra, khi làm tình, khi bị hạ nhục, khi chết. Khi đời sống trở nên trống rỗng, và bạn không biết bắt đầu từ đâu, và chiến thắng và thất bại chỉ là ảo tưởng, và đúng và sai và bạn và thù, chỉ là ảo tưởng. Dưới sức nặng của các tình huống ấy, nếu may mắn, bạn sẽ nghe tiếng nói thì thầm, như tiếng sóng qua sông, hay tiếng buổi trưa ngào ngạt nắng. Và bạn đứng yên, cảm giác êm ả choáng ngợp, và lúc ấy bạn hòa tan vào thiên nhiên, chính bạn là thiên nhiên, chính bạn trở thành con đường.
Nguyễn Đức Tùng
(Đọc Thơ 2)


Chú thích:
(*) Nhà thơ Mai Văn Phấn:
"Nhà thơ Thi Hoàng khá mạnh về trường ca, đó là sở trường của ông. Với trường ca, ông mở đầu giai đoạn hướng nội, thiết lập cho thơ mình không gian riêng biệt với những phức điệu, phối bè hấp dẫn. Với hai trường ca lớn, “Ba phần tư trái” đất (Nxb Hải Phòng, 1989) viết 1981 – 1984, “Gọi nhau qua vách núi” (Nxb Quân đội nhân dân, 1996) viết năm 1987 – 1994 và một sốtrường ca “mini”, “Oản tù tì, ra…” in trong tập “Bóng ai gió tạt” (Nxb Hội Nhà văn, 2001), “Bóng tối dưới chân đèn” in trong tập “Cộng sinh với những khoảng trống” (Nxb Hội Nhà văn, 2005)..., Thi Hoàng đã dành được “đất” cho mình ở thể loại này. Khác với những trường ca mang tính sử thi đơn tuyến, có cốt truyện, trường ca của Thi Hoàng có cấu trúc hiện đại với đa giọng điệu. Các chương/ phần trong đó có thể đứng độc lập như một bài thơ dài, nhưng khi đặt trong“tổng phổ”, chúng được phối ngẫu, đan xen, bổ sung cho nhau, giống như cách hòa âm, phối khí trong giao hưởng."
(maivanphan.vn/maivanphan/...van.../hanh-trinh-tho-thi-hoang--phe-binh----mai-van-phan.aspx)

READ MORE - THI HOÀNG, BUỔI TRƯA TRONG THƠ - Nguyễn Đức Tùng