Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, September 18, 2012

TẬN THẾ - Truyện ngắn của Lưu Quang Minh


Và ngày ấy cuối cùng đã đến. Chị thấy trời đất ngả nghiêng chao đảo, trên mặt đường lồi lõm những vết nứt từ đâu càng lúc càng toác ra, lan rộng. Anh ở ngay bên kia đường. Chị định thần, ráng nhấc chân chạy đến bên anh. Đột nhiên một cái hố vừa to vừa sâu hoắm xuất hiện ngăn giữa hai người, chỉ cách mũi chân chị vài mi-li-mét. Từ đầu này chị cố gọi vọng sang.
“Anh ơi! Em đây! Chồng ơi…”
Anh dường như không mảy may nghe thấy. Chị cố nhìn kỹ hơn. Anh đang nói chuyện điện thoại với ai đó, cười nói rất vui vẻ. Trời ơi, giờ này mà còn…
Đất trời vặn mình thêm lần nữa. Chị ngã nhào theo cơn rung lắc dữ dội của vạn vật.
* * *
            Ánh nắng chói chang rọi thẳng vào mặt làm chị bừng tỉnh giấc. Chị nhận ra sự êm ái từ cái giường đang nằm, chung quanh nhá nhem khung cảnh quen thuộc. Nhà mình đây mà. Chị đảo mắt một lượt. Căn nhà sao mà lạnh lẽo…. Bỗng nhớ ra. Anh đâu? Chị hoảng hồn, vội vã cất tiếng gọi:
            “Anh ơi! Chồng ơi!”
            Đáp lại chỉ một sự im lìm. Toàn thân bải hoải, chị ngồi dậy một cách khó khăn.
            “Chồng ơi… anh có sao không…”
            Đứng dậy, nhanh tay bám vào thành giường, chị men theo vách tường bước đi một cách khó khăn.
            Ra đến phòng khách, ti vi còn đang mở. Chị mừng rỡ.
            “Anh! Sao không trả lời em?”
            Chẳng có ai ở ngoài này cả. Ti-vi đang phát nhưng ở chế độ câm. Lập lòe trên màn hình nhiều cảnh tượng hệt như những gì chị đã trải qua, đổ nát và hoang tàn. Phim hay là thật đây? Chị rùng mình.
* * *
            Anh đứng đó, gọi tên chị đến khi cổ họng hoàn toàn khô khốc. Một tòa cao ốc nữa lại vừa đổ sụp ngay trên đầu. Thoát chết chỉ trong gang tấc, anh lao đi thật nhanh, tiếp tục tìm kiếm trong điên cuồng.
            “Em ơi! Vợ ơi…. Trả lời anh đi em!”
            Trong cảnh hỗn loạn này, đứng giữa sự sống và cái chết, tim anh đập mạnh từng hồi nhanh đến nỗi muốn nhảy tung khỏi lồng ngực. Nước mắt không gọi mà ứa ra, nhòe hoen mọi cảnh tượng kinh khủng chung quanh.
            Từ nơi xa xăm nào đó của ký ức, loáng thoáng cảnh chị và anh ngồi xem ti-vi bên nhau dần hiển hiện.
            “Anh yêu… Nếu ngày mai là tận thế, hôm nay anh sẽ làm gì?”
            Anh trầm ngâm trông vào màn hình ti vi to xộ trước mặt, tự cuốn mình vào khoảng không gian hun hút. Năm tháng trôi qua, hình như trong tim anh đã mất dần sự tươi mới của lãng mạng. Hình như bàn tay của thời gian rất dễ dàng làm người ta dửng dưng, thờ ơ, xóa nhòa ký ức và quên đi nhiều điều. Cuộc sống dưới một ngôi nhà của hai con người sao cứ êm đềm tới độ lặng lẽ chán chường đến thế. Đi vào rồi lại đi ra. Câu nói của ngày còn yêu nhau ngọt ngào khi chưa thành vợ thành chồng le lói định thốt ra nơi cửa miệng đành vội vã tắt ngóm.
            Đó là một bộ phim nói về ngày tận thế.
            Nhưng anh không nhớ anh đã trả lời chị như thế nào. Anh lục tung trí óc vẫn không sao nhớ nổi. Hai người ngồi xem phim, anh chỉ đột ngột nhớ chị đã từng hỏi anh như thế, từ một vùng thời gian nào đó rất xa.
            Phim chưa kết thúc, chị đã uể oải đứng lên, vào phòng. Chị có thói quen ngủ sớm, trước anh rất nhiều. Còn lại mình anh, trong rất nhiều đêm khuya, dõi theo những hình ảnh nhợt nhòe, cho đến khi thiếp đi rũ rượi trên ghế xô-pha.
            Với anh, những đêm khuya vắng xao xác lòng đó không khác gì tận thế.
            “Ầm!”
            Tiếng nổ long trời lở đất đập chan chát vào tai. Từ ti-vi, sự thực, hay là cơn ác mộng của mỗi anh thôi?
            “Em ơi! Em đâu rồi! Vợ yêu của anh ơi…”
* * *
            Dù không chứng kiến tận mắt, chị vẫn tin anh đã ngoại tình. Phải rồi, thật vậy rồi…
Ngày còn săn đón cho đến khi chính thức nhận lời yêu là biết bao nhiêu lời mật ngọt anh rót vào tai chị. Anh bảo chị là tất cả đối với anh. Không có chị anh làm sao sống nổi?
            “Thế lỡ ngày mai đã là tận thế, hôm nay anh sẽ làm gì?”
            Chị chuyên môn làm khó anh, đặc biệt thích nhất hỏi câu này. Nếu tận thế thật thì sao, anh nhỉ, chúng mình sẽ ra sao?
            Lẽ nào anh giờ đã dành trọn câu trả lời cho một ai khác, trẻ trung xinh đẹp hơn chị gấp nhiều lần.
            Cơn ghen chỉ ngấm ngầm như thế thôi. Chị không còn nói chuyện với anh nữa, từ khi nào chẳng rõ. Vì sao vậy, chị hết yêu anh rồi? Anh hết yêu chị rồi?
            Thật ra là cả hai…?
            Động đất. Một cái hố vừa to vừa sâu hoắm xuất hiện ngăn giữa hai người, chỉ cách mũi chân chị vài mi-li-mét. Từ đầu bên này chị cố hết sức gào vọng sang:
            “Anh ơi! Em ở đây! Chồng ơi…”
            Cái hố ngày một rộng ra, phút chốc đã kéo phăng hai bóng hình ra xa nhau tít tắp. Từ đầu bên này nhìn người bên kia chỉ còn một chấm đen nhỏ xíu xiu.
            Hết rồi. Không thể cứu vãn được nữa. Chấm dứt rồi.
            Tận thế của chúng ta.
* * *
            Sau tận thế, những gì của hiện tại đều biến thành quá khứ. Chẳng ai còn nhớ quá khứ đó có hình thù ra làm sao. Không chỉ một, nhân loại đã từng nhiều lần quên mất nó. Họ cứ ngơ ngơ ngác ngác, chứng kiến sự kỳ vĩ từ những kim tự tháp của người Ai Cập cổ đại lại qua đến người Maya. Làm sao tổ tiên ta xây dựng được những kiến trúc này, công nghệ ở đâu, kỹ thuật ở đâu?
            Ngay cả chuyện loài người từng đặt chân lên mặt trăng, sao Hỏa, sao Kim họ cũng quên béng rồi.
            Chị thì quên mất anh. Anh không còn nhớ chị. Anh chị quên mình từng có với nhau một điều vô giá.
            Lảo đảo, anh bước đi trong hoang mạc. Chẳng một bóng cây, nhà cửa, những tiến bộ thời công nghệ cao. Nước, ai cho tôi nước…. Làm ơn, cho tôi xin…
            Chị không thấy mặt trời ở đâu nữa. Nơi này quang cảnh toàn một màu tối tăm lạnh lẽo. Những núi băng trập trùng phủ tuyết quanh năm. Cơn rét căm chiếm trọn lấy bộ phận không rõ tên đập đều đặn trong lồng ngực trái của mỗi sinh vật còn tồn tại.
            Vì sao phải gắn bó với nhau? Sự hòa hợp trong tâm hồn, cảm xúc là của nhau… tất cả những thứ đó là thế nào? Người thời này không hiểu được tổ tiên họ muốn diễn đạt chuyện gì nữa. Điều quái quỷ chi đang xảy đến với những con người không có thực chỉ tồn tại trong cái gọi là “văn học”, “thi ca” vừa được khai quật kia?
            Đó là một trong vô số bí ẩn còn chờ khoa học giải đáp.
            Năm 2288, người ta tìm được cách du hành vượt thời gian, mở hé nhiều khả năng những bí mật sẽ được làm sáng tỏ.
            Họ tìm về vùng thời gian được cho rằng trước khi tận thế xảy ra. Vì lý do an toàn, tất cả nhà du hành thời gian đều được trang bị những máy “quên” để người thời đại này nếu bắt gặp sẽ không thể nhớ họ là ai. Hai con người trong một ngôi nhà được chọn lựa ngẫu nhiên để tiến hành thí nghiệm.
            Trên ti-vi là cảnh tượng hoang tàn đổ nát. Anh và chị đang chăm chú từng thước phim. Kinh khủng quá. Không kìm được, chị quay sang hỏi anh:
            “Anh yêu… Nếu ngày mai là tận thế, hôm nay anh sẽ làm gì?”
            Anh cười trìu mến nắm lấy bàn tay mềm mại của chị:
            “Nếu ngày ấy xảy ra thật thì anh sẽ…”
            Đột nhiên, đầu óc anh hoàn toàn trống rỗng. Anh buông tay chị ra, thật nhanh.
            Phim chưa kết thúc, chị đã uể oải đứng lên, vào phòng. Chị có thói quen ngủ sớm, trước anh rất nhiều. Còn lại mình anh, trong rất nhiều đêm khuya, dõi theo những hình ảnh nhợt nhòe, cho đến khi thiếp đi rũ rượi trên ghế xô-pha.
            Chị không còn nói chuyện với anh nữa, từ khi nào chẳng rõ.
            Thí nghiệm đã thành công hay thất bại? Nhà du hành thời gian đứng ngơ ngác. Hình như chỉ phút trước gã đã bấm nhầm vào công tắc “quên”. Một khi đã bấm nút thì không thể phục hồi. Gã thở dài ngao ngán, bước vào trong cỗ máy, quay trở về thời đại của mình.
            Rốt cuộc vẫn không thể biết, sau tận thế, nhân loại chúng ta đã quên mất cái gì.
            Và bí ẩn mãi mãi là bí ẩn. ./.
Lưu Quang Minh – 4/2011

Lưu Quang Minh
Sinh 18/05/1988 tại TP.HCM
Hiện là sinh viên ngành Đồ họa - Mỹ thuật công nghiệp
Đã có truyện ngắn đăng trên các báo: Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Văn nghệ quân đội, Tuổi Trẻ, Lao Động, Tiền Phong, Sài gòn giải phóng, Phụ nữ chủ nhật…
Thành viên bút nhóm thiếu nhi Nhiệt Đới
Giải nhì cuộc thi truyện cực ngắn Web Hội ngộ văn chương với truyện “Già trước tuổi”
Đã in: tập truyện ngắn đầu tay Gia tài tuổi 20 (NXB Văn Học – 3/2010)
Lưu Quang Minh
Đc: 63/14/4 Lê Văn Sỹ f 13, q Phú Nhuận, tp HCM. Đt: 0908018518 – 0822110885
READ MORE - TẬN THẾ - Truyện ngắn của Lưu Quang Minh

SƠ LƯỢC VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA TÔN GIÁO TRONG VĂN HÓA VIỆT - Trương Nguyễn

 
            Trong quá khứ các nhà nghiên cứu cho rằng, chủ trương Phật giáo chỉ hướng đến nhất tâm (Single – mind) trong mục tiêu nhắm vào Niết bàn (Nir và ra). Từ bỏ thế gian phàm trần như một trường hợp buông xuôi tuyệt vọng .Với ý niệm nguyên sơ đó, họ cho rằng đạo Phật rất ít tham gia vào sinh hoạt xã hội, để mặc xã hội đi theo chiều hướng của nó.

            So với thời đức Phật còn tại thế, hiện nay trong các tu viện, trường đào tạo tăng tài, hoặc ở trong các tổ chức Phật giáo hiện nay như Gia Đình Phật Tử, Tuổi trẻ Phật Giáo, Phân Ban Cư Sĩ, Đạo Tràng Tu Học, Đạo Tràng Niệm Phật v.v., người Phật tử có thể làm nhiều việc thiện hơn để giúp đỡ mọi người trong mọi thời điểm, ở mọi quốc gia khác nhau, tất cả mọi hình thái sinh hoạt của Phật giáo đã liên tục giúp đỡ con người bằng cách nhìn mà đức Phật gọi là (Trạch Pháp Nhãn). Dù bằng tư cách cá nhân hay tập thể thì mối tương quan này vẫn hòa quyện lẫn nhau như nước và sữa vậy. “Đạo Phật bất ly thế gian” lời Phật dạy cách đây mấy nghìn năm, câu nói ấy như vừa mới nghe xong tức thì, không bao giờ có tình trạng đạo Phật không quan tâm thế gian. Tự do và hạnh phúc của chúng sanh luôn luôn là lý tưởng rốt ráo là mục tiêu đích thực của người con Phật.


         Việt Nam ta đã trãi qua 4000 năm văn hiến trong đó còn tồn tại các hệ văn hóa tư tưởng như:

         1- Tư tưởng văn hóa bản địa:
          Con người khi sinh ra nguyên sơ, choáng ngợp với thiên nhiên bao la và sự hùng vĩ sông núi, vì vậy họ sống quấn quýt với nhau, họ nương tựa vào nhau và bắt đầu xây dựng cộng đồng để bảo vệ lẫn nhau trước mọi hiểm họa của thú dữ, trước sự đe dọa thanh toán  lãnh thổ, địa giới . Từ đó họ bắt đầu tin vào Núi , Sông, Gió, Lửa và coi đó như các vị Thần giúp đỡ, che chở suốt đời sống con người qua nhiều thiên niên kỷ, bởi vậy trong văn hóa tư tưởng Người Việt tồn tại” Tam Vị Chi Thần” là Tiên Sư,Thỗ Địa Và Ông táo .

        2- Nho giáo:
          Từ lâu sự ảnh hưởng Nho Giáo vào trong văn hóa việt nam với những điều răn dạy của Đức Khổng Tử là Tam cương – Ngũ Thường, sự kiện nầy được sử dụng rộng rãi từ trong tầng lớp Vua Chúa cho đến người dân để thiết lập trật tự xã hội theo chiều hướng tốt đẹp, nhưng vẫn chưa đủ thỏa mãn đối với các bậc Đại giác hoàn thiện nhân cách .sách Nho có dạy: làm điều nhân đức, trung với vua, đạo thầy – trò, hiếu  với cha mẹ , kính lão, thương  người và vật để tu nhân tích đức.

         3- Lão giáo:
          Ngài Trang Tử ra đời với Tam Nguyên ,Ngũ Khí mục đích cũng giống như Nho giáo nhằm hướng con người biết tu nhân tồn đức. Ngũ Kinh gồm có năm bộ kinh Thi,Thư, Lễ, Dịch, Xuân cũng đề huề trong văn hóa tư tưởng của Việt Nam vậy.

              4- Phật giáo
            Vào cuối thế kỷ thứ 2, Ngài Mâu Bác, cũng gọi là Mâu Tử (sinh vào khoảng năm 165 hay 170 , mất năm 230). Ngài tên là Dung tự Tử Bác, người gốc Thang Ngô (Thương Ngô) từ Trung Quốc sang Việt Nam truyền giáo vào khoảng năm 189. Ngài là người văn-võ song toàn, từ đó giáo lý Phật Giáo đến như thỏa cơn khát cho biết bao  thiên niên kỷ, từ các bậc Vua –Chúa,Vương Tôn - Công Tử cho đến người dân bình thường đều lĩnh hội toàn vẹn những giáo điều thật đơn giản như Tam Quy, Ngũ Giới và ý tưởng  cho rằng Tam Giáo Đồng Nguyên bắt đầu từ đây

              5 –Thiên Chúa Giáo:
          “Theo sử sách Đạo Thiên Chúa mới có mặt tại Việt Nam chưa đầy 5 thế kỷ, lại trải qua những năm tháng thăng trầm, đầy sóng gió.Thế nhưng tôn giáo nầy đã để lại dấu ấn khá đậm nét trong văn hóa nước nhà .

            Đạo Thiên Chúa ra đời ở vùng Tiểu Á nhưng lại được phát triển mạnh ở Châu Âu và mang đậm sắc thái Châu Lục nầy. Khi du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XVI, nó cũng mang theo cả nền văn minh tây phương, nhiều Giáo Sĩ khi đến Việt Nam đã được đào tạo trong các Học Viện, dòng tu danh tiếng va một số học giả danh tiếng họ là cầu nối giao lưu văn hóa Đông – Tây” .

            Nhưng trải qua một tiến trình khá dài thông qua các triều đại vua chúa thì Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng lớn nhất là Nho, Lão, Phật giáo đã có thời người ta cho rằng “Tam Giáo Đồng Nguyên” trong một số sách vở các nhà nghiên cứu xác định thế nào là đồng nguyên? Những điều răn dạy con người thông qua Nho giáo “tu nhân tích đức”, Lão giáo thì “tu nhân tồn đức”, Phật Giáo là “minh tâm kiến tánh” . Đặc biệt hơn là“minh tâm kiến tánh” của Phật giáo thì có ý nghĩa hơn nhiều. Trong bài 'Lý Sự Dung Thông” Thiền Sư Hương Hải đã lấy hình ảnh xe, thuyền làm ví dụ để so sánh hai khía cạnh phương tiện và công dụng của Tam Giáo trong đời. Sự kết luận Tam Giáo ví như ba cổ xe cùng đi đến một đích. Đối chiếu ba cặp phạm trù Tam Cương - Ngũ Thường (Đạo Nho) với Tam Nguyên-Ngũ Khí (Đạo Lão) và với Tam Quy – Ngũ Giới (Đạo Phật) Ngài có Bài thơ sau :

Trong nơi danh giáo có ba
Nho hay giúp nước,sửa nhà,trị dân
Đạo thời dưỡng khí an thần
Thuốc trừ tà bịnh,chuyên cần luyện đan(23)
Thích độ nhân miễn tam đồ khổ(24)
Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương
Nho dùng tam cương-ngũ thường
Đạo dùng ngũ khí,giữ giềng ba nguyên
Thích giáo nhân tam quy-ngũ giới
Thế một đường xe phải đụng ba(25)

               Thế nào là minh tâm? Theo tôi khi con người được giáo dục chu đáo và rèn luyện kỹ càng qua một quá trình sống xứng đáng với mọi người với xã hội để trở thành một  người cao thượng mới là một con người có “đức”. Đức ở đây chỉ là một phần của minh tâm. Khi thân, tâm, ý sạch làu mới là minh tâm, thì cần đến trí tuệ, mà trí tuệ không dững dững mà có, cũng không phải nhờ học vấn mà tựu thành, mà phải nhờ đến công năng tu chứng với một quá trình bền bỉ lâu dài thông qua Ngũ Giới mới diệt trừ “tam độc” khi con người đoạn trừ được tham, sân, si, Tâm đã sạch làu thì chính lúc ấy tuệ năng mới phát triển: Tuệ năng phát triển càng cao mới thấy được Phật tánh.

             Sự giáo dục ấy đã gắn liền với xã hội Việt Nam từ thế kỷ thứ hai. Vào năm 189 Ngài Mâu Bác đã truyền bá và từ ấy giáo lý Phật giáo đối với người Việt như cơm phải ăn hằng ngày, như nước phải uống hằng bữa vậy!

TRƯƠNG NGUYỄN
truongnguyen49@yahoo.com.vn
READ MORE - SƠ LƯỢC VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA TÔN GIÁO TRONG VĂN HÓA VIỆT - Trương Nguyễn

TRƯỜNG CA “VIỆT NAM TA” - CHƯƠNG 2: HAI VẺ CUỘC ĐỜI - Mai Thanh


Nhà thơ MAI THANH

Vài nét về nhà thơ MAI THANH:
- Quê Thanh Hóa, hiện làm việc Hà Nội. 
- Làm thơ, viết văn và viết phê bình văn học.
- Nguyên Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Lao Động.
- Hiện là chuyên gia về công tác xuất bản tại Cục xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Đã xuất bản 4 tập thơ: "Ánh mắt ngày xưa", "Sắc lá", "Tiếng chim" và "Cõi người".
- Sẽ xuất bản: Hai tập thơ "Trăng rơi" và "Mùa sang"; tiếp theo là tập truyện ngắn và tập phê bình-tiểu luận.
             


Chương 2

HAI VẺ CUỘC ĐỜI

Say vui nhưng chẳng quên buồn
Bởi đời luôn hai mặt
Như tự nhiên có mưa có nắng
Như vũ trụ có ngày có đêm
Vui hân hoan đại thắng Điện Biên
Buồn “quá tả” nông thôn cải cách
Vui trong hả hê dựng xây Miền Bắc
Buồn tư duy trói buộc tinh thần
Có những anh hùng-liệt sĩ vì dân
Không ít kẻ đào quân – trốn lính
Cơ chế hiện hành đất nước giàu lên
Cũng xót xa bởi hai đầu phân hóa
Một ít người giàu to, muôn vàn người  nghèo khổ
Có những tác phong năng nổ
Thúc thôi kiếm tìm
Để cái non tơ từng bước sinh thành
Lại có những cái đầu lạnh tanh
Trì trệ tư duy như kẻ dưới mồ
Để cho đời như ngọn gió khô
Khi tất cả nước chung tay
Tiến lên phía trước
Nhiều người xả thân hết mình vì nước
Không ít kẻ tha hồ đục khoét
Đẫy tay vơ đầy ắp “của chùa”
Ai đó hết lời lên án xưa
Mà không thấy nay đầy vấn nạn
Nhiều nếp nghĩ hồng tươi bừng sáng
Lắm tư duy rực rỡ mai hồng
Không ít kẻ nói có cho cái không
Cũng không ít kẻ nói không cho cái có
Khi thời vàng son thì xông lên hăm hở
Khi sa cơ thất thế ngả cờ
Khi vui thì múa miệng ngợi ca
Khi lỡ vận thì bĩu môi trở giọng
Một dân tộc đất dài biển rộng
Mấy ngàn năm bền vững cõi bờ
Khi bát ngát theo giấc mơ xa
Lúc rúm ro nhỏ nhoi thiển cận
Có tình thương mênh mông vô hạn
Là lúc “nhiễu điều phủ lấy giá gương”
Cũng có kẻ bo bo chỉ biết riêng mình
“Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”
“Sống chết mặc bay”                                                                  
Không chút mủi lòng chia sẻ dứt day
Trước đớn đau người khác

Chịu đựng hy sinh vì tình yêu đất nước
Bởi tính cách tiên phong gian khổ không nề

Nhưng tác phong nông nghiệp lề mề  
Và còn cả tư duy siêu hình méo mó...
Nói hết đi, những gì ta có
Và cả những gì ta hãy còn không
Cũng là chỉ một ước mong
Để ta xứng với Cha ông Cõi nhà
Để trở thành ta thật là ta.

Mai Thanh
maithanh40@gmail.com

READ MORE - TRƯỜNG CA “VIỆT NAM TA” - CHƯƠNG 2: HAI VẺ CUỘC ĐỜI - Mai Thanh

VUI NGÀY HỌP MẶT - Thơ Châu Thạch

Cựu học sinh Nguyễn Hoàng
             
(Tặng đồng môn Nguyễn Hoàng-Quảng Trị)


Ngày trường kỷ niệm 60 năm
Loanh quanh tìm bạn để chào thăm
Thật ra bạn chỉ vài ba đứa
Cứ ngỡ như nhiều đến mấy trăm.

Nhìn mặt đồng môn ai cũng quen
Thấy yêu, thấy mến giống như rằng
Đã từng tâm đắc bao năm trước
Đã sống chung vui, chung khó khăn.

Đúng thế, tuy chưa được biết nhau
Bảng tên trường cũ đã chung màu
Chung thầy cô dạy, chung đồng phục
Ly tán trường xưa chung nỗi đau.

Có ai họp mặt giống như ta?
Chốn cũ, tên trường đổi khác xa
Chỉ là danh nghĩa người cho mượn
Tề tựu nhau đây thế hệ già.

Tuy thế, thời gian quay trở lui
Biết bao xúc động, biết bao vui
Một thời dĩ vãng nay tìm lại
Trong mắt, tan đi những ngậm ngùi.

Tiếng hát ngày xưa vẫn cất vang
Chuyện xưa cười nói nổ như rang
Có ai tái ngộ bên người ấy?
Một khối tâm tư trút vội vàng.

Uớc một ngày kia vẫn Nguyễn Hòang
Tên trường treo lại cổng khang trang
Đồng môn có cả môn sinh trẻ
Họp mặt chung vui thật rỡ ràng.
                                          
Châu Thạch
truongvantran@hotmail.com
READ MORE - VUI NGÀY HỌP MẶT - Thơ Châu Thạch

MƯA SÀI GÒN - Thơ Hoàng Đình Chiến




Bên này nắng, bên kia mưa
                               
Ông trời sao khéo đong đưa phố dài
                               
Bên nắng thương ướt áo ai
                               
Bên mưa làm dáng, ô Sài Gòn nghiêng
                               
Giót tràn ly đế lung liêng
                               
Vui chung hong nắng, buồn riêng ướt thầm.

                                                              (Mùa mưa 6- 2012)


Hoàng Đình Chiến
hoangdinhchien48@yahoo.com
READ MORE - MƯA SÀI GÒN - Thơ Hoàng Đình Chiến