Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, November 5, 2017

HIÊN CHIỀU TRỞ GIÓ - Thơ Trương Đình Đăng



        Tác giả Trương Đình Đăng




HIÊN CHIỀU TRỞ GIÓ

Đã mấy đông rồi vắng biệt nhau
Người lên toa lạnh với con tàu
Ta chôn chân đứng chiều vơi nắng
Ruột tím gan bầm buốt lệ đau.

Đông nữa lại bào chốn thẳm sâu
Ngoài song bấc réo trút u sầu
Bờ nương mái trúc dầm sương giá
Lẻ bạn ai chờ phía tịch lâu.

Nhớ tháng năm dài chung mái rạ
Bốn mùa như chẳng thấy mùa đông
Tôm râu bầu ruột mà thơm thảo
Ấm áp đời vui tựa cõi Bồng.

Ơi đám cỏ non có phủ dày
Vươn cành mượt lá toả hương bay
Che dằm đất lạnh qua băng giá
Ủ nấm tình nồng giấc mộng say .

Dẫu biết trăm năm rồi mấy chốc
Phù sanh cuộc thế vẽ muôn màu
Tìm hơi trong áo, hình trong kính *
Luôn thấy bên đời ta có nhau !

                Trương Đình Đăng
                     05/11/2017 

* Ý câu thơ cổ của vua Tự Đức (Khóc Bằng Phi)

READ MORE - HIÊN CHIỀU TRỞ GIÓ - Thơ Trương Đình Đăng

ĐỌC MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO (Kỳ 2): Sự Hấp Dẫn Của Chữ - Nguyễn Đức Tùng

Tác giả Nguyễn Đức Tùng.


ĐỌC MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO:
Sự Hấp Dẫn Của Chữ
Nguyễn Đức Tùng

1. Ảnh hưởng của phương pháp siêu thực:
Chủ nghĩa siêu thực xuất hiện từ Pháp. Người đầu tiên đặt tên cho nó vào năm 1917 là Guillaume Apollinaire, nhưng người cổ vũ đến cùng là André Breton. Các nhà siêu thực nhấn mạnh đến phương pháp sáng tạo tự động (automatic writing), liên tưởng tự do (free association) và các giấc mơ. Rõ ràng là họ chịu ảnh hưởng của phân tâm học.
Breton kể một giai thoại rằng có một thi sĩ nọ, sống trong một ngôi biệt thự vùng Camaret, mỗi khi đi ngủ, ông lại cho treo trước cửa nhà mình tấm bảng đề: “nhà thơ đang làm việc”.
Thật đúng là:
Mía cứ ngọt âm thầm trong bóng tối
(Mai Văn Phấn)
Phương pháp siêu thực cho phép các nhà thơ đi xa trong liên tưởng, tạo ra các hình ảnh không có liên hệ thuần lý (disjunctive images). Các hình ảnh và các ý tưởng trong thơ có mối liên hệ khó giải thích, có thể gọi là vô thức. Cần chú ý rằng mặc dù phong trào siêu thực đã thúc đẩy những tiến bộ đáng kể trong văn chương, những người lập ra hay khai triển nó như Breton, Aragon, có lẽ với một ngoại lệ duy nhất là Octavio Paz - lâu về sau, đều có tính quá khích, phá hủy, thậm chí phá hoại, đồng bóng. Hầu hết các nhà thơ Việt Nam đều có sử dụng, không nhiều thì ít, hình ảnh siêu thực. Từ Bùi Giáng, Trần Dần, Dương Tường, Nguyễn Đức Sơn, Tuệ Sỹ trước đây…đến Thường Quán, Đỗ Kh., Lê Thị Huệ, Nguyễn Quang Thiều, Bùi Chát, Lý Đợi, Nguyễn Bình Phương, Lưu Hy Lạc, Nguyễn Đăng Thường... hiện nay chẳng hạn đều có khuynh hướng vô thức. Trong âm nhạc, có một người chịu ảnh hưởng sâu đậm của phương pháp siêu thực khi viết lời, nhưng điều này hình như chưa được ai nói tới, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Nhờ phương pháp siêu thực, cách sử dụng các ẩn dụ trở nên giàu có, gần như phóng túng, bất tận.
Nhưng bao giờ cũng thế, cái dễ là cái bẫy chết người.
Ngày nay, chủ nghĩa siêu thực không còn tồn tại như một phong trào văn học, nhưng vẫn tiếp tục sức mạnh của nó như một phương pháp sáng tác, mà tôi cho rằng sẽ còn lâu dài. Người đại diện xứng đáng đầu tiên của nó ở Việt Nam là Thanh Tâm Tuyền vào những năm 1960 ở miền Nam, mặc dù tôi tin rằng lúc đó ông còn khá xa lạ với phân tâm học. Do áp lực của thời cuộc, chiến tranh trở nên khốc liệt, du kích đánh phá các thành thị, lính Mỹ đổ bộ vào miền Nam, cuộc sống gấp rút, người đọc thơ chưa có thời gian để trang bị cho mình kiến thức để sẵn sàng tiếp nhận thơ Thanh Tâm Tuyền, các nhà phê bình ở miền Nam lúc đó cũng không có đủ sự chuẩn bị về lý luận để đánh giá nó. Các nhà phê bình miền Bắc cùng thời dĩ nhiên là không hay biết hay là không được phép tiếp cận phong trào này, cũng như với các vận động văn học từ phương Tây. Gần bốn mươi năm sau, chủ nghĩa siêu thực trở lại Việt Nam, lần này đơn giản như một phương pháp. Nó chinh phục một số không ít các nhà thơ trẻ trong nước cũng như hải ngoại, và trong khi hào phóng khơi nguồn ở họ những dòng chảy năng lượng sáng tạo dồi dào, không biết vung phí vào đâu, thì lại dẫn họ vào các khu rừng rậm đầy gai của thơ ca, bỏ mặc họ ở đó, không có một viên sỏi nào, và nhiều người viết hiện nay mãi mãi không tìm thấy lối ra.
2. Ngôn ngữ và vài dòng tự sự về việc chọn chữ:
Trên Talawas, độc giả Quỳnh Thi hỏi như sau:
“Anh lật trái lá sen hồ
Thấy đề mấy chữ
Lên chùa
Vậy là anh lên chùa
Thăm Phật
(NĐT)
Theo tôi hiểu, người Phật tử lên chùa là để lễ Phật hay là để cúng Phật. Không ai nói là để thăm Phật.”
Người đọc thơ đọc như Quỳnh Thi là rất kỹ, tinh ý. Đúng là Phật tử lên chùa là để lễ Phật hay là để cúng Phật. Vấn đề là tôi không biết chắc Chế Lan Viên có phải là Phật tử hay không? Nhưng quan tâm của chúng ta không dừng ở đó. Bất cứ nhà thơ nào khi viết cũng dụng công rất kỹ về từ ngữ. Tôi cũng thế. Nhiều người tìm cách định nghĩa thơ, nhưng không ai định nghĩa được trọn vẹn. Dù định nghĩa như thế nào thì có một điều chắc chắn là thơ gồm có…những chữ. Các loại thơ không có chữ là những ngoại lệ mà chúng ta chưa bàn ở đây.
Khi viết câu trên tôi đã chọn một số chữ sau đây, các nhà văn còn gọi là “thao tác chữ”: lễ Phật, cúng Phật, lạy Phật, viếng Phật, tìm Phật, hỏi Phật, thỉnh Phật. Thậm chí còn nghĩ đến những chữ rất táo bạo nhưng… không dám viết xuống. Không dám đây là không dám vô lễ với Chế Lan Viên, chứ không phải với Phật (Mô Phật!).
Cuối cùng, tôi đã chọn chữ nào?
Robert Frost, nhà thơ hàng đầu của Mỹ, có một lời khuyên dành cho những người làm thơ và cả những người đọc thơ, đó là đọc to các câu thơ để xem chúng vang lên như thế nào?
Tôi cũng tin là tai của chúng ta sẽ bắt được những chữ mà mắt của chúng ta bỏ sót.
Đọc như thế vài lần thì tôi chọn chữ thăm.
Đối với nhiều nhà thơ, âm nhạc của bài thơ là quan trọng nhất. Nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Một số thể loại thơ không đặt nặng nhạc tính nhiều như một số thể loại khác. Thơ Đường rất mạnh về nhạc tính nhưng thơ Haiku Nhật Bản coi trọng hình ảnh hơn, mặc dù không phải là họ không chú ý vần điệu. Thơ Haiku vốn có vần điệu chặt chẽ. Thơ hiện đại và hậu hiện đại ngày càng xa rời nhạc tính, và đây có lẽ là điều đáng tiếc chăng?
Thật ra, trong bài thơ Chùa, yếu tố quan trọng nhất để người viết quyết định chọn chữ “thăm” không phải là nhạc điệu, mà là ý nghĩa của chữ. Chữ “thăm” dĩ nhiên rất khác với chữ “lễ”, chữ “cúng”. Tôi chọn chữ này để mô tả tính cách của Chế Lan Viên là người mà tôi đề tặng. Đúng ra không phải là tính cách mà là thái độ của ông trước một số vấn đề. Đó là một thái độ, theo tôi, vừa sang cả siêu hình vừa lưu manh phi trí thức đối với các vấn đề siêu hình và tôn giáo. Cho đến cuối đời Chế Lan Viên vẫn nằng nặc đẩy xa các câu hỏi siêu hình nhưng tôi nghĩ trong các nhà thơ hiện thực xã hội chủ nghĩa chính thống, chính ông mới là người bị nó ám ảnh nhiều nhất, như trong ví dụ lát nữa đây.
Chúng ta bàn tiếp chuyện chọn chữ. Các nhà thơ ngày càng có khuynh hướng sử dụng ngôn ngữ của đời sống hàng ngày, vì vậy có một hiện tượng hiểu lầm đáng tiếc. Có nhiều thi sĩ ngày nay cho việc chọn chữ khi làm thơ cũng hệt như việc chọn chữ khi viết văn xuôi, “cả hai đều như rứa”. Vì vậy họ làm cho các độc giả yêu thơ rất đáng yêu của chúng ta vô cùng bối rối, nhiều khi như kẻ lạc đường. Không trách họ bỏ các nhà thơ, cầm tập thơ lên rồi bỏ xuống, không mua, là phải. Bạn có thể tìm thấy vô số những thí dụ như vậy trên các trang web và báo chí, nên tôi thấy tạm thời không cần phải trích ra.
Tôi sẽ trích thơ dở trong các bài sau.
Nhưng hãy xem ngôn ngữ của một số nhà thơ khác. Từ các bài thơ tôi đang có sẵn trên bàn, lấy tiện tay, nhưng dĩ nhiên không chỉ giới hạn trong số họ.
Có hơi hướm của văn xuôi:
Một ngày loáng thoáng một ngày qua
(Nguyễn Bắc Sơn).
Chạm nhẹ vào văn xuôi:
Đom đóm chữ tụ về
Từ các bãi tha ma văn học
(Đỗ Quyên)
Rõ hơn nữa:
Nghệ thuật cũng vậy thôi. Cao siêu thường bị chối.
(Nguyễn Trọng Tạo)
Giễu nhại và rất thực:
Ở đâu có mùi thối là ở đó có hoa cứt lợn
Bởi vì hoa cứt lợn là một loại hoa rất bẩn
(Lý Đợi)
Nghi thức và rất… sạch:
Em tắm rất kỹ và rửa sạch tay mỗi khi ngồi trước giấy
(Vi Thùy Linh)
Dung dị:
Mẹ tôi chưa từng ăn một cọng bún
Một tô phở một tô bánh canh
Một hột vịt lộn
Một miếng cá chiên
(Du Tử Lê)
Còn Chế Lan Viên thì sao?
Bây giờ mà anh cứ lai nhai lải nhải
Tồn tại hay không tồn tại
Thì ai nghe anh?
Rõ ra là lối nói có chất ngôn ngữ đường phố. Thoải mái, thêm mấy chữ thì, mà…buông thả.
Có vẻ như ai cũng viết được.
Không phải thế. Chỉ có cỡ Chế Lan Viên mới viết thế. Hay Minh Đức Hoài Trinh, lát nữa.
Chúng ta cùng đọc lại xem: các chữ đi với nhau rất khéo- bây, lai, nhai, lải, nhải, tại, hay, tại, ai. Đó là các vần trùng điệp liên tiếp mô tả một anh chàng đúng là lai nhai, lải nhải. Tôi chắc chắn rằng ông đã chọn chữ rất kỹ.
Kỹ thuật lập lại sẽ rất đắt nếu bạn muốn nhấn mạnh:
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
(Minh Đức Hoài Trinh)
Càng nhấn mạnh, càng phân vân. Đúng không?
Khi phỏng vấn loạt bài Thơ Đến Từ Đâu, tôi phải đọc nhiều thơ và trường ca của các nhà thơ đi từ miền Bắc, vốn xa lạ với nhiều người đọc hải ngoại. Ngoài Bắc gọi đó là các nhà thơ thế hệ “chống Mỹ” (Xin dùng chữ này với nghĩa quy ước, vì ngày nay hầu hết họ đã thôi chống Mỹ, vì thấy chơi với Mỹ, như các nhà thơ miền Nam trước đây, vui hơn). Tôi nhận ra rằng các nhà thơ này (Thu Bồn, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Hoàng Hưng, Trần Nhuận Minh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Trọng Tạo … ) có thể so sánh với các nhà thơ miền Nam cùng thời hay trước họ một thế hệ thơ (Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Quách Thoại, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Thiên Thư, Du Tử Lê, Viên Linh, Nguyễn Tất Nhiên, Luân Hoán…) xét riêng về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, và chỉ riêng về mặt này mà thôi, trong những thời điểm chiếu sáng nhất của họ, và chỉ trong những thời điểm đó mà thôi, đạt đến mức tài hoa điêu luyện, mà các nhà thơ trẻ hiện nay, muốn chạy đuổi theo họ cũng còn hơi bị lâu.
Vậy tôi đề cập đến họ trước.
Thí dụ, Hữu Thỉnh. Nhà thơ này, điều hành Hội nhà văn thì dở tệ, bị một số hội viên chê là bảo thủ giáo điều, nhưng làm thơ không tệ chút nào. Trong một trường ca, tôi quên mất tên, mở đầu, Hữu Thỉnh viết:
Đường xuống bến có mười sáu bậc
Mẹ nhớ thương đã bạc mái đầu
Quê tôi bên dòng nước trong xanh (nhưng nhiều cá!), mỗi ngày vào mùa hạ bọn học sinh đều xuống bến sông tắm rửa. Đó là nói trước chiến tranh, trước khi quân đội miền Bắc tiến vào, theo chân… nhà thơ Nguyễn Thụy Kha. Trước chùa sư nữ Long An gần bến đò Thạch Hãn có một tam cấp dẫn xuống nước. Tôi đã từng đếm đúng mười ba bậc. Vì vậy tôi tự ý sửa lại như sau:
Đường xuống bến có mười ba bậc
Nhưng đọc lại, tôi thấy nó… kỳ kỳ. Tức là không hay. Ba chữ b đi trong một câu là quá nhiều. Tôi thử các phép khác: mười một, mười hai, mười bốn, mười lăm, mười sáu, mười bảy, mười tám, mười chín. Đọc đi đọc lại chỉ có mười sáu là hay nhất. Tôi không biết quê ngoài Bắc của nhà thơ Hữu Thỉnh có thật là có bến sông mười sáu bậc hay không? Nếu cử người về điều tra thì chúng ta có thể biết được sự thật, nhưng các nhà phê bình không ai dại dột làm điều đó. Tại sao thế?
Vì sự thật văn chương không phải là sự thật thông thường. Nếu là văn chương đích thực, nó phải cao hơn. Và đúng hơn. Và kiểu khác.Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài viết khác.
Tôi xin kể tiếp. Trong các chữ còn lại, tôi thấy chữ mười tám là khá hơn cả:
Đường xuống bến có mười tám bậc
Mười tám là thanh xuân. Mười sáu cũng thanh xuân. Nhưng con gái ngày xưa mười tám thì có… hơi già.
Nhưng, khoan đã anh, sao lại con gái?
Vì, mẹ tôi.
Vậy mười sáu đẹp hơn. Về âm, nghe kỹ thấy mười sáu đi với nhiều thứ. Này đây: chữ sáu bậc phát âm dễ hơn chữ tám bậc hay bốn bậc. Cũng như mười ba, chữ bốn bậc, bảy bậc có quá nhiều vần bờ, trong khi chữ sáu lại vần với âm cuối của câu sau (bạc mái đầu). Bạn thử phát âm xem.
Tất nhiên điều này chỉ đúng cho câu thơ nói trên, vì sự lập lại các âm tương tự (repetition) vốn là một thủ pháp quen thuộc của các nhà thơ bậc thầy.
It bleeds the black blood from the blueberries
(Warren)
Tôi có đang vượt qua lãnh vực của ngôn ngữ học không?
Nhưng mười sáu thanh xuân mà đi với bạc mái đầu thì đối xứng lắm.
Trăng mười sáu tuổi, em mười sáu
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa
(Trần Dạ Từ)
Tôi không cần phải bình nữa.
Đọc lên thơm cả không gian.

Nguyễn Đức Tùng

(Revised, 2012. Còn tiếp).
*****
Nguồn: Facebook Tung Nguyen.
READ MORE - ĐỌC MỘT BÀI THƠ NHƯ THẾ NÀO (Kỳ 2): Sự Hấp Dẫn Của Chữ - Nguyễn Đức Tùng