Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 29, 2017

TÌM CHÚT THU XƯA - Thơ HoànhTrần


             
       Tác giả Hoành Trần


TÌM CHÚT THU XƯA

Đưa tay muốn níu giữ mây trời.
Ngăn làn gió thổi lá thôi rơi,
Để cho thu vẫn mùa thu cũ,
Bên mẹ bên cha thuở ấu thời!


Tôi muốn là tôi một thuở nào,
Đầu trần chân đất đuổi bắt nhau,
Rủ nhau băng ruộng qua Trầm Lý,
Kết nhóm ra sông tập nhảy rào.

Đường làng Thạch Hãn nắng xôn xao,
Bụi dứa mâm xôi vẫy nhẹ chào,
Thù lù,dái mít ,,thêm nhiều nữa,
Trèo hái,chui hang để được vào.

Bỗng dưng nhớ đến sáng hôm xưa
Cô bạn thiếu thời nhìn dễ ưa
Hây hây đôi má như đào chín,
Hết cả hồn nhiên tuổi mới vừa,

Bắt đầu biết dệt những vần thơ,
Ghét ghét yêu yêu với thẩn thờ,
Em vẫn xem nhau là bạn hữu,
Chẳng hiểu lòng nên cứ mãi mơ!

Chỉ rứa mà thôi vẫn nhớ hoài,
Bao mùa thu đến bóng hình ai,
Vẫn đôi mắt hạnh cười trong nắng
Má núm đồng tiền chẳng nhạt phai.

Viết nốt câu thơ bỏ giữa chừng,
Nhớ người lòng bất chợt rưng rưng,
Thu xưa nhòa nhạt hình em gái,
Và thấy thương thương một thuở từng!

                                        Hoành Trần
                                          30/10/17

READ MORE - TÌM CHÚT THU XƯA - Thơ HoànhTrần

THI CA THI NHÂN: LA THỤY - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện giới thiệu

    
Bút hiệu : LA THUỴ            
Tên thật :  Đoàn Minh Phú.
Hội viên Hội VHNT Bình Thuận
Email :  phudoan223@yahoo.com.vn  và phudoan56@gmail.com

THI CA THI NHÂN: LA THỤY 
 M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện 



          Nhà thơ Chu Vương Miện


Quảng Trị đường xưa ươm kỷ niệm
La Gi phố mới vắng tâm giao
Ly hương khắc khoải thương mưa Bấc
Biệt xứ bâng khuâng nhớ gió Lào ?
                       (Vọng Cố Hương)

Chỉ cần 4 câu thơ thôi, cũng là một trường ca bi thương thống khổ! Năm 1972 ở Quảng Trị thành phố địa đầu của miền Nam và mùa hè đỏ lửa, bà con cô bác dân Quảng Trị, ai còn may mắn sồng sót lặng lẽ ra đi, đi nhiều nơi nhiều xứ, có nghĩa là bất cứ nơi nào "đất lành chim đậu" chả khác nào bài hát của nhạc sĩ Đinh Miên Vũ:

Tôi lớn lên bởi Tam Giang nước mặn
Những chiều không mây trắng lững lờ trôi
Rồi xuôi ngược theo dòng đời năm tháng
Ơn quê người mà chẳng nhớ quê tôi
Quê tôi từ thủa nào
Tháng ngày đời gieo neo
Con chim kêu chiều chiểu
Nghe vời vợi hắt hiu
Câu hò sâu lắng
Ru đời mình nghĩa nặng
Ơi hò, ơi ơi hò!
                    (Hai Quê)

Nhà thơ La Thụy vừa là đồng hương, đồng khói, vừa là đồng môn trường Nguyễn Hoàng vừa là đồng nghiệp thơ văn với kẻ viết bài này, và cũng có thời gian say mê truyện võ hiệp kỳ tình, truyện chưởng Kim Dung và Cổ Long. Nhà văn Kim Dung "Cấm Dùng" được chế độ Hoa Lục công nhận là một trong 4 nhà văn lớn nhất Trung Quốc của thế kỷ thứ 20, chỉ đứng sau Lỗ Tấn, Ba Kim... Còn  nhà văn Cổ Long là bạn thân thiết nhất của Kim Dung, sau năm 1972 thì Cổ Long được Kim Dung ủy nhiệm cùng 10 nhà văn nữa toàn quyền sửa chữa lại 14 danh phẩm của Kim Dung, bắt đầu từ Hồng Hoa Kiếm đến tác phẩm sau cùng là Liên Thành Quyết.

Vô tình kiếm, bên hông đa tình khách
Có bừng lên sát khí chấn đêm trường
Chừ phóng kiếm ném tung vào tuyệt cốc
Dạo sông hồ khinh khoái gót Lưu Hương
                             (Hoài Cổ Long)

Chừ đây mình thả hương nồng
Phiêu phong hoài vọng rêu rong cõi người
Mai kia thả nốt tuổi trời
Thời gian cuốn hút phận đời mong manh.
Sắc không ừ thả bồng bềnh
Mộng lòng dù đã ươm xanh... thả dần.
                                                  (Thả)

Ừ thì mê lộ dặm dài   
Sắc không hư ảo gót hài in rêu
Tình trần lơ lửng phong phiêu
Nghiệp duyên cởi buộc sớm chiều tụ tan
Am thiền Tiếp Hiện: vấn, nan?
Thì ừ, buông xả tâm an gột phiền
Toạ thiền quán tưởng diệu sinh
 Sát na đốn ngộ sắc hình giai không
                  (Công án thiền về Du)

Quay đầu thị ngạn, đời là vậy và đời là thế! Trong cái cuộc đời nhiều hệ lụy đa đoan, chỉ hai đoạn thơ ngắn của La Thụy cũng làm cho chúng ta bừng tỉnh, chả khác nào những bức tranh thủy mặc, đơn sơ chấm phá vài nét bằng mực tàu, về cái nỗi về cái cảnh "Quẳng Gánh Lo Đi" hoặc giản dị hơn là "ôm rơm rát bụng" bao nhiêu hư danh "phù danh" chỉ làm mệt con người. Đâu có khác gì một đoạn thơ Thiền sau đây :

mưa trong trăng
trăng trong mưa
mưa trên trời
mưa trên sông
mưa ngoài kia
mưa trong lòng
thuyền trên nước
nước trên dòng
trăng còn đó
trời mênh mông

Thơ La Thụy vừa đủ diễn tả những tâm tình, không ngắn quá và cũng không dài quá, đầy đủ dàn trải những cảm nghĩ của mình về cuộc đời, về cuộc sống về thân phận, về những hạt cát ven sông Hằng. Lời thơ rất lạ và trau chuốt, xin có lời chúc mừng nhà thơ.


THƠ TRÍCH


 


CÔNG ÁN THIỀN VỀ DU

Là Du… nhưng không là Du
Đắm trong yêu nhớ trầm phù si tâm
Hoa kia sắc tướng bụi lầm
Hồng nhan họa thủy? Án nhầm*… thiện tai!
Ừ thì mê lộ dặm dài   
Sắc không hư ảo gót hài in rêu
Tình trần lơ lửng phong phiêu
Nghiệp duyên cởi buộc sớm chiều tụ tan
Am thiền Tiếp Hiện: vấn, nan?
Thì ừ, buông xả tâm an gột phiền
Toạ thiền quán tưởng diệu sinh
Sát na đốn ngộ sắc hình giai không

                                      La Thụy
                                      8/5/2015
* Chuyện “Chú Tiểu Bị Oan”


HOÀI CỔ LONG*

Trong bóng thâm u núi đồi hoang dã
Bước chân yêu run rẫy mỗi đêm về
Ta lạc bước giữa hoa ngàn cỏ lạ
Gió muôn trùng âm vọng phủ lời mê

Lá tương tư vẫy vầng trăng khuyết sử
Rêu xanh rì mềm ướt, đẫm sương giăng 
Tay vuốt nhẹ lòng đàn reo tở mở
Muôn tơ huyền rung động khúc hòa âm

Em kiều mị bất ngờ ta choáng váng
Phút giây nào thảng thốt đến mê si
Từng ép xác dưng không chừ thoáng đãng
 Lòng Tiểu Phi* đồng vọng viễn khúc gì?

Ừ, Mai Hoa Đạo* mỹ nhân kỳ ảo
Kiếm ngây tình, lãng tử muốn Tầm Hoan*
Lâm Tiên Nhi* từng đêm về cởi áo
Dợn sóng tình mê mải cõi hồng hoang

Vô tình kiếm, bên hông đa tình khách
Có bừng lên sát khí chấn đêm trường
Chừ phóng kiếm ném tung vào tuyệt cốc
Dạo sông hồ khinh khoái gót Lưu Hương*...

* Cổ Long (1937- 1985)  là nhà văn Đài Loan viết tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng. Ông cũng là nhà biên kịch, nhà sản xuất và đạo diễn. Các tác phẩm của ông đã được chuyển thể nhiều lần trên phim truyền hình cũng như điện ảnh.
* Lý Tầm Hoan, Tiểu Phi, Mai Hoa Đạo, Lâm Tiên Nhi, Sở Lưu Hương... : Tên nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp của Cổ Long


DÁNG HOA

Thuỳ mị trong chiều 
Bên cầu soi bóng
Ta như lóng ngóng
Tim đập liên hồi
Thoáng nhìn đôi môi
Thắm trời hạ đỏ
Rặng mi biếc cỏ
Khoé mắt hồ thu
Hồn ta vỗ sóng
Chiều đông gió lộng
Đồng vọng âm ba
Diễm tuyệt dáng hoa
Bến bờ viễn mộng
Trùng khơi tình động
Man mác u hoài
Trầm mặc liêu trai ...

                                               
THẢ

Chừ đây mình thả hương nồng
Phiêu phong hoài vọng rêu rong cõi người
Mai kia thả nốt tuổi trời
Thời gian cuốn hút phận đời mong manh.
Sắc không ừ thả bồng bềnh
Mộng lòng dù đã ươm xanh... thả dần.


VỌNG CỐ HƯƠNG

Mây trời dõi bóng dạ nao nao
Hồi ức miên man cuộn sóng trào
Quảng Trị đường xưa ươm kỷ niệm
La Gi phố mới vắng tâm giao
Ly hương khắc khoải thương mưa bấc
Biệt xứ bâng khuâng nhớ gió Lào
Trở gối chập chờn chao cánh mộng
Vọng về quê cũ dấu yêu trao   
                                       

BIỂN MAI HỒNG

 Hòn Bà ngắm sóng trầm tư
 Đồi Dương ửng nắng liễu ru ven bờ
Sương lam sực tỉnh hồn mơ
Chao mình theo gió lượn lờ cùng mây
Cỏ xanh, mượt trải đất dày                   
Dã tràng se cát lạnh gầy dấu chân  
Bay cùng cánh mộng bâng khuâng 
Tình thơ ý nhạc như lần tuôn ra
Tiếng lòng xưa vẫn mặn mà 
Ồ sao gờn gợn âm ba nỗi mình                                         
Lặng lờ rùa biển đinh ninh 
Nghìn năm hóa kiếp đọng tình rong rêu                           Dạt dào biển dậy niềm yêu                                             Lung linh khói sóng phiêu diêu mộng lòng
                                                                                

BƯỚC THỤY DU

Đêm lặng thầm bên biển vắng
Mơ hồ vẳng trong gió thoảng
Tiếng người yêu dấu gọi tên
Bâng khuâng xao xuyến niềm riêng

Sóng miên man ru bờ cát
Mây trời mờ lan khói nhạt
E ấp quyện ánh trăng tà
Dịu dàng gửi nụ hôn xa

Ngọt đôi môi, lòng rung động
Bờ thuỳ dương ru tình mộng
Hồn phiêu phong trong sương mù
Lãng đãng từng bước thuỵ du

(Biển Hòn Rơm, Phan Thiết, 2015)
                               La Thụy

READ MORE - THI CA THI NHÂN: LA THỤY - M.Loan Hoa Sử & Chu Vương Miện giới thiệu

BÀ BÁN NƯỚC TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân



BÀ BÁN NƯỚC TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG
Lê Hứa Huyền Trân



Bất giác lục lại tấm ảnh cũ ngày xưa chụp…cái cổng trường Quốc Học, tôi chú ý đến một quán nước nhỏ nằm cạnh cổng, dẫu cũng ngót nghét mấy năm tròi nhưng bức hình hãy còn rõ lắm, trong bức hình vẫn in đậm nét bóng dáng một bà cụ đang lom khom bán nước cho mấy đứa học sinh rảo bước tới trường… 
Thế là cũng mấy năm đã trôi qua, không hiểu tại sao tôi lại muốn về trường sau thời gian lang bạt tứ xứ, phần vì nhớ thầy cô, bè bạn, nhớ những nơi mà khi mình đi thì “đất đã hóa tâm hồn”. Và cũng có lẽ vì cả bức ảnh xưa kia đã gợi lại trong tôi những kí ức khó quên về một bà cụ mà tôi muốn gặp cho kì được, người đã mang cho tôi nhiều hoài niệm đẹp. Tất cả tạo thành sự thôi thúc khiến lần trở về Quy Nhơn này, nơi đầu tiên tôi đến là Quốc Học, xưa kia ôm trọn tôi suốt thời cấp 3…
Gặp lại thấy cô xưa, trao nhau những vòng ôm thắm thiết, trò chuyện hàng giờ liền, rảo bước khắp khoảng sân rộng với rất nhiều những dãy nhà đang được xây mới, bất giác nhìn ra cổng, tôi hỏi thăm về bà cụ bán nước. Tôi có ngờ đâu cụ đã không còn nữa, ừ nhỉ, ngày tôi bước vào trường cụ cũng đã già lắm rồi, cũng trên dưới 70 rồi mà… Thế là cụ đã ra đi. Thưở nhỏ tôi hay nghe ba kể về ngôi trường nơi ba học, lúc ấy hãy còn mang tên Cường Để, ba kể về thầy cô, bè bạn nhiều lắm, rồi ba kể về cụ bà bán nước hiền hòa với chiếc xe đẩy cọc cạch đã bao năm không đổi. Tôi còn nhớ như in ngày ba đón tôi đi học về, khá bất ngờ khi thấy cụ vẫn khỏe, vội lên tiếng chào cụ: "Cụ vẫn khỏe ạ?” Cụ có phần hơi nghễnh ngãng nhưng vẫn ghé mắt qua xe nước nhìn ba rồi trả lời: "Cái cậu này quen lắm, có phải hồi trước học rồi hay ăn quỵt tiền nước bà không?” Nói rồi cả ba và cụ đêu cười nắc nẻ, còn tôi không hiểu mô tê gì. Rồi trên đường về ba kể cho tôi nghe về bà nhiều lắm.
Nhưng kí ức của tôi về cụ thì phải nói đến khoảng giữa học kì, lần đầu tiên nói chuyện cũng là lần tôi học được bài học đầu tiên từ “người thầy trường đời” của mình. Cụ có một cái xe nước nhỏ sát cổng trường, chung quanh để mấy cái ghế nhỏ, có một tấm bạt cũng nhỏ nốt che ngang đầu. Chiếc xe nước cũ kĩ dường như chỉ còn thấy trong các bức ảnh xưa thật xưa vẫn được cụ trưng dụng dùng tới tận bây giờ, trên đó bày đủ thứ nước nhưng chủ yếu là nước chè, thi thoảng có thêm vài chai nước ngọt. Bài học đầu tiên cụ dạy cho tôi đó là “sự kính trọng và thông cảm”. Hôm ấy mưa rất to, lại trúng thứ hai tôi phải mặc áo dài, ba đưa tôi đi học nhưng khi ra về lại không thấy ba đâu cả. Chiếc dù không đủ che cho cả người tôi, nước từ mấy chiếc xe hơi đi ngang qua bắn cả lên người tôi làm tôi thêm bực bội, phần vì ướt mưa, phần vì lạnh, phần vì áo dài lấm lem cả nên tôi có phần…giận ba khi người lâu đến. Cụ thấy tôi ướt cả thì kéo vào quán ngồi cho khỏi lạnh, thi thoảng lại hỏi tôi vài chuyện cho tôi mau quên thời gian. Trong cái quán nhỏ, chỉ có hai người, mái che không khỏi ướt nhưng có một chỗ trú phần nào làm tôi bớt lạnh. Chờ cả tiếng đồng hồ tôi bắt đàu cồn cào đói, tôi tự nhiên ức phát khóc, giận dỗi ba, lúc này cụ hỏi tôi rất nhẹ nhàng: "Ba ở đâu mà chưa đến?” "Ba con đi làm?” "Ba có nói khi nào đón con không?” "Ba nói tầm giờ này mà chưa thấy ba tới, con giận ba.” Cụ nhìn tôi cười mỉm: "Con à, trên đời này yêu thương con nhất luôn là ba mẹ, bà có thể chắc chắn một điều là con luon là ưu tiên của ba mẹ, và dù họ có bận rộn thế nào họ cũng sẽ tới ngay bên cạnh con, con phải thông cảm cho họ chứ?” Cụ vừa nói xong thì xe của ba trờ tới, người ba ướt sũng vì mưa nhưng vẫn vội lục cốp lấy áo mưa trùm cho tôi:  “Ba xin lỗi con gái nhé, ba mới từ trên công ty xuống, chạy vội quên cả áo mưa, phải quay lại lấy không thì lát con ướt mất.” Nhìn bàn tay thoăn thoắt trùm vào người tôi, nhìn vết bùn đất dính đầy trên người ba, bùn đất chỗ ba làm, và ba cứ vuốt mắt liên tục vì mưa ướt, tôi cúi đầu rưng rưng: "Con đợi được mà, nhưng lần sau ba phải mang áo mưa cho cả ba nữa.” Tôi cúi đầu chào cụ, lên xe ba…
Từ đó tôi năng nói chuyện với cụ hơn, khi nào rảnh tôi lại tíu tít ra chơi kể cụ nghe những chuyện trường lớp. Bài học thứ hai cụ dạy cho tôi là về “tình bạn”. Phải nói thời cấp 3 của tôi rất vui nhộn. Lớp chúng tôi thuộc dạng nhất quỷ nhỉ ma, bày đủ trò tinh quái khiến nhiều thầy cô đau đầu. Tôi vẫn hay kể cụ nghe những lần chúng tôi nghịch dại lấy cây mắt mèo chà xát lên ghế cô, làm cô ngồi phải thế là nhảy cẫng lên vì… ngứa. Rồi cả những lần cả lớp lì lợm không chịu mặc áo dài làm bị phạt kiểm điểm cả lớp ngoài sân. Lớp chúng tôi đoàn kết cho tới khi xảy ra sự vụ mất tiền. Số tiền quá lớn khiến cả lớp dù tin tưởng nhau cách mấy đều đổ vấy cho nhau hòng thoát tội. Tôi hãy buồn lắm, nhưng cả tôi cũng bị nghi ngờ biết tính sao? Tôi kể với cụ, cụ ôn tồn bảo tôi: "Bây giờ bà cũng chỉ ở bên ngoài này, không thể biết rõ việc trong lớp được, người trong cuộc phải sáng suốt lên, chuyện gì cũng có lí do cả mà, nhưng đừng quá hồ đồ vội vã buộc tội một ai đó, cần phải căn cứ thời gian, mục đích, sau đó xem thử ai ở lớp thời gian đó, ai có hành động đáng ngờ. Bạn bè lúc này cần phải đoàn kết hơn, đừng để ai nói ra nói vào mất hay.” Nghe cụ khuyên chí lí, dù bản thân cũng đang là người “bị nghi ngờ” nhưng tôi vẫn tổ chức họp lớp phân tích thiệt hơn, ngăn chặn những tin đồn lan tới lớp khác, cũng như xác định xem ai có thể là người lấy. Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra được người lấy cắp, một đứa lớp bên, nó thú nhận, tôi vừa vui vì không phải người trong lớp, vừa thấy may mắn khi lớp không bị chia rẽ mà đoàn kết hơn, tin nhau hơn, cũng như biết giải quyết tình huống đúng đắn chứ không mù quáng.
Tôi học hỏi được rất nhiều từ cụ suốt những năm cấp 3. Và bài học cuối cùng cụ dạy tôi là bài học về “quy luật cuộc sống”. Tôi vẫn hay uống nước chè cụ bán, mùa lạnh cụ nấu tách chè thơm, bỏ thêm cam thảo và chút sấu chua, chúng tôi vẫn xì xụp uống hay mua về trong những ngày mưa. Mùa nắng lên thì cụ nấu chè đặc thêm để bỏ đá không bị loãng. Chiếc xe nước cũ kĩ bán rất ít nước nhưng đã thành quán quen suốt bao năm qua của bao thế hệ học sinh, thế rồi lại bị cạnh tranh bởi vô số hàng quán mở ra bên cạnh, đối diện. Đôi khi tôi thấy cụ ngước nhìn những chiếc xe nước to gấp đôi, gấp rưỡi xe cụ, trên bày đủ thứ nước xanh, đỏ hồng mà chớm buồn. Thấy cụ buổn, tôi cũng buồn, tôi góp ý để cụ mua nhiều thứ nước bán nữa cho đa dạng nhưng cụ lắc đầu: "Trước giờ cụ chỉ bán nước chè thôi. Mấy thứ nước ấy phẩm màu không  không tốt.” Dù tôi có nói bao nhiêu lần cũng không lay chuyển được cụ, học sinh cứ đi dần theo những thứ nước hoa mĩ màu mè, gánh nước cụ mãi trông đợi vào một điều cổ tích, nhưng cổ tích mãi không xuất hiện. Lần cuối tôi gặp cụ, cụ nắm tay tôi: "Cái gì cũng có quy luật cả, cái cũ phải qua đi để cái mới hình thành, bà cũng già rồi, thôi thì về hưởng phúc cùng con cháu.” Đó là lần cuối cùng tôi gặp cụ, bài học cụ dạy cho tôi không phải về sự thất bại mà cụ muốn tôi dù có thất bại hay không cũng phải đi theo con đường mình đã chọn. Rồi đây có như thế nào thì tất cả cũng theo quy luật cuộc sống nhưng mình không bao giờ nản lòng..
Và thế là tôi bước vào đại học, tôi học thật xa, tốt nghiệp xong tôi học cao lên nữa, rồi lấy chồng, bất giác trong những tấm ảnh xưa tôi lục ra được tấm hình chụp cụ..  Tôi mãi mãi không bao giờ được gặp cụ nữa, chỉ một cánh cổng, bên trong giảng đường là những thầy cô dạy tôi kiến thức sách vở, còn ngoài kia, một bà cụ bán nước dạy tôi những kiến thức của trường đời, cụ cũng như là người thầy, người cô dìu dắt tôi suốt một quãng đời đầy kỉ niệm. Người tôi đã hứa sẽ về thăm nhưng đã không còn cơ hội gặp được nữa…


Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định

******
Minh họa của Đỗ Đức từ Quechoablog.



READ MORE - BÀ BÁN NƯỚC TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG - Truyện ngắn Lê Hứa Huyền Trân

TRAI ANH HÙNG GÁI THUYỀN QUYÊN - Nguyên Lạc




TRAI ANH HÙNG GÁI THUYỀN QUYÊN
 Nguyên Lạc      
                                                                   
Lời nói đầu: Xin được thưa cùng quý bạn: Các bài viết của Nguyên Lạc tôi không văn chương cao xa, không triết lý hiện đại gì cả. Các bạn có thể tìm điều đó ở các bài đầy sáng tạo của các tác giả trí thức khác. Các bài viết của tôi chỉ giành cho đa số người bình thường, sau những giờ cơ cực vì cơm áo, có chút thời giờ rãnh rỗi tìm chút ít nụ cười, quên đi nỗi mệt nhọc, rồi an giấc cho ngày sau tiếp tục công việc hàng ngày.
Nếu bài tôi viết có gì khó hiểu, nhạt nhẽo xin các bạn cho biết, tôi sẽ chỉnh sửa hoặc bỏ nó. Chủ ý là đem lại vài nụ cười, chút niềm vui cho các bạn thôi. Nguyên Lạc tôi xin từ chối những trách nhiệm ngoài chủ ý của mình. 
Trân trọng,
NL
                                                                                ***

Trong Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam có câu:
Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận lên rừng đốt than
Đốt than thì phải sàng than
Làm sao đừng để lấm gan anh hùng...
(Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam )
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, lúc Từ Hải cùng Kiều gặp gỡ, có câu:
Trai anh hùng gái thuyền quyên
Phỉ nguyền bói phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.
 (Truyện Kiều)

Để giúp các bạn hiểu rõ về từ "Anh hùng" và  "Thuyền quyên" có ý nghĩa gì, Nguyên Lạc tôi sưu tầm và viết ra bài này.

I. ANH HÙNG
1. PHÂN TÍCH TỪ
"Anh" trong "anh hùng' có nghĩa là tốt đẹp, tài hoa hơn người, kiệt xuất, xuất chúng. Nghĩa gốc của chữ "anh" là loài hoa đẹp nhất.
Còn "hùng" trong "anh hùng" có nghĩa là người dũng mãnh tài giỏi, siêu quần, kiệt xuất.
Anh hùng: Nhân vật phi phàm xuất chúng, chỉ người có kiến giải, tài năng siêu quần xuất chúng.
2. LUẬN ANH HÙNG
     a. ĐỊNH NGHĨA
“Anh hùng là hành động của một người vì đại cuộc, không xem sự sống chết của mình là quan trọng tuyệt đối, sống vì tha nhân, hy sinh vì dân tộc, cho dù có phải chết thì vui lòng đón nhận. Khi bàn đến hai từ “anh hùng” thì ý niệm thành công không nằm trong thuộc tính định nghĩa cho từ đó. Thử tra hai từ Heros trong các bộ Encyclopedia thì biết. Đông Tây đều định nghĩa như thế”  (Laiquangnam)(*)
     b. LUẬN ANH HÙNG
Ta thử luận về vài nhân vật nổi tiếng:
b1. KINH KHA
Nhân vật KINH KHA này ai cũng biết qua việc hành thich TẦN THỦY HOÀNG ĐẾ.
Suy gẫm chuyện  KINH KHA, ta thấy ông ta đâu phải là người anh hùng.
 Nguyễn Du đã chê bai: Kinh Kha đi thích khách Tần Thủy Hoàng chỉ vì có người biết đến mình và vì sự đối đãi thừa mứa. Kinh Kha chỉ là một con rối, hành động không vì tấm lòng trung dũng  (diệt kẻ tàn bạo, phò người đức độ), đâu có hy sinh vì dân tộc, mà hành động chỉ vì sự mua chuộc và kích động của người khác.
Tại sao ông ta  lại được nhiều người làm thơ, hát ca để ca tụng, vinh danh?!
Anh hùng là như Đặng Dung của VIỆT NAM ta đây,  ta hãy thử luận về nhân vật này.
b2. ĐẶNG DUNG
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
(CẢM HOÀI - Đặng Dung)
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Các vị anh hùng (dưới sự lãnh đạo của Đặng Dung) đã đánh nhau ròng rã trên dưới bảy năm (1407-1413) với một binh lực hơn hẳn mình. Có lúc họ cũng đã thắng nhiều trận lẫy lừng, tưởng chừng như đã thắng, nhưng dài hơi thì cuộc đọ sức đã không cân sức. Than ôi! họ đã bại trận!. Trên đường bị bắt đưa về Yên Kinh ( Bắc Kinh ngày nay) để làm nhục, vua tôi Đặng Dung đã ca hát như không có chuyện gì xảy ra, thắng bại là lẽ thường tình đối với người tráng sĩ một khi họ đã toàn tâm toàn ý , hết lòng, hết sức vì dân tộc. Đặng Dung, trong vai trò lãnh đạo cuộc kháng chiến, đã ngâm cho vua tôi nghe khúc ca cảm khái này, vừa ngâm vừa gõ nhịp xuống ván gỗ thuyền, cùng vui và sẵn sàng đón nhận mọi sự trả thù tàn bạo của kẻ thù.
Đây là  bài thơ CẢM HOÀI (Nỗi niềm hoài bão) của Đặng Dung ngâm
CẢM HOÀI
Thế sự du du nại lão hà
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu  thành công dị
Vận khứ  anh hùng ẩm hận đa
Trí chúa hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
Tạm dịch nghĩa:
NỖI NIỀM HOÀI BÃO
Thế sự mang mang lại tuổi già
Thiên hạ thì vô cùng hãy nhập vào mà hát hàm ca
Thời đến bọn đồ tể, bọn câu cá cũng thành công dễ dàng
Thời qua anh hùng cũng đành nuốt hận
Hết lòng vì chúa có hoài bão xoay trục đất
Rửa giáp binh không lối kéo ngược dòng sông ngân hà
Thù nước chưa báo thì đầu bạc trước
Bao thời qua đội trăng mà mài kiếm long tuyền.

Bài thơ này là một bản anh hùng ca mang tâm trạng về thế sự, trong ấy thể hiện rõ phong cách của người tráng sĩ, người anh hùng trong cơn quốc nạn.
Vua Lê Thánh Tôn có tặng cho dòng dõi họ Đặng hai câu thơ:
Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ
Anh hùng bất nhị, nhị anh hùng
b3. HAI BÀ TRƯNG / MÃ VIỆN.
Vì Chùa thờ Mã Viện (Phục Ba Tướng Quân hay Mã Phục Ba - ở Hội An /QN) được báo kê bởi chính vị vua  thời Nguyễn Gia Long (năm 1838 Vua Mình Mạng), thế nên Lê Ngộ Cát mới viết Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca (tác phẩm trường thi, sử thi, diễn đạt Việt Sử bằng thơ Lục Bát, từ đời Hồng Bàng đến cuối đời Tây Sơn.) ngợi ca Mã Viện, đánh giá thấp Hai Bà Trưng. Trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca có 22 câu thơ nói về cuộc khởi nghĩa của hai bà Trưng  (Bà Trưng quê ở Châu Phong…)  Câu thứ 16:  “Nữ nhi sánh với anh hùng được sao?”
Trong câu này, có 2 danh từ chung kép :  “Nữ nhi” và “Anh hùng”. Điều chắc chắn rằng người đọc ai cũng hiểu:  “Nữ nhi” chỉ HAI BÀ TRƯNG, còn  “Anh hùng” chỉ viên tướng Tàu tên MÃ VIỆN.
Ta thử luận về việc "ANH HÙNG" của nhân vật MÃ VIỆN mà ông Lê Ngộ Cát ngợi ca:
Như chúng ta đã biết trong sử Việt: Tô Định  (nhà Đông Hán) sang xâm lấn Việt Nam; đụng phải sự khôn ngoan, kiên cường  của hai bà: Trưng Trắc, Trưng Nhị; hắn phải bỏ của chạy lấy người, chui vào ống đồng trốn thoát , vọt về lại Phương Bắc.
Hai Bà đuổi xâm lăng, dành độc lập dân tộc trong 3 năm {40 – 43) Hai Bà Trưng cầm quân khí thế đến nỗi Nhà Hán đă thống nhất nước Tàu , thâu tóm nước Ngô Sở, sau thâu tóm các giòng Việt thuộc Việt Câu Tiển, trừ đất Lĩnh Nam của dân Lạc đă có văn hóa riêng. Hai Bà đánh đau và dữ dội đến nỗi mà các tỉnh lân cận đều sợ. Vua Hán phải điều Mă Viện và các tưởng dạn dày chinh chiến ở chiến trường Tây Bắc, lính chính quy, lực lượng tống trừ bị mang quân qua đàn áp.  Mã viện phải gần ba năm (40 – 43) chuẩn bị, huấn luyện đánh phổi hợp thủy bộ với đạo quân nữ giới này.
Không những thế mà họ huy động đạo quân đông đảo và đã để lại đất Lĩnh Nam 20 ngàn dân công đầu trộm đuôi cướp. Cứ trung bình một dân công phục vụ cho 10 người lính. Tính ra thì đạo quân này ít nhất trên dưới 20 vạn quân (hai trăm ngàn). Đông hơn dân Lạc thuở ấy.
Hai nữ Anh hùng đang đánh với quân chủ lực của một nước Tàu xem như Đại Cường trên thế giới, bên cạnh dế quốc La Mã (Roma). Hai Bà thua trận vì tiềm lực quốc gia ta nhỏ bé quá, trong khi Tàu quyết tâm huy động toàn lực lượng dân tộc Hán.
Mã Viện anh hùng chỗ nào?
Anh hùng là hai Bà đấy, dám lấy sức “châu chấu đá  voi”.
Và những người xứng đáng với chữ ANH HÙNG là các vĩ nhân VN: Lý Thuờng Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ...
II. THUYỀN QUYÊN
1. NGUỒN GỐC CHỮ THUYỀN QUYÊN
Thuyền Quyên là một học trò nữ của nhà thơ Khuất Nguyên (Trung Quốc). Khi Khuất Nguyên định can Sở Hoài Vương không nên nghe theo thứ phi và Thượng quan Ngân Thượng (quan đại phu nước Sở), đang thông đồng với giặc mưu chiếm nước Sở, thì bị bà thứ phi này dùng tiền, vàng mua chuộc triều đình phao tin rằng Khuất Nguyên phát điên. Từ đó, không ai nghe lới Khuất Nguyên cả. Khuất nguyên bất lực , quẩn trí và trầm mình tại sông Mịch La . Về sau vua Sở bị cầm tù nơi Tần . Và nước Sở tiêu . (**)
Lúc nhà thơ bị mọi người tránh xa, chỉ có Thuyền Quyên một lòng hầu thầy, vì nàng cũng đã yêu thầy. Thuyền Quyên chịu đựng biết bao áp lực của dư luận để trọn tình! Do đó, đời sau, thấy cô gái nào lận đận trong tình yêu thì nói rằng "đó là phận gái Thuyền Quyên", nghĩa là thân phận giống nàng Thuyền Quyên ngày xưa. Như nàng Kiều trong "bài ca mới đứt ruột" (Đoạn Trường Tân Thanh) của Nguyễn Du.
2. GÁI THUYỀN QUYÊN
Chữ "thuyền quyên" trong cụm từ "gái thuyền quyên" là một danh từ được sử dụng như tính từ. Hiện tượng này rất hay gặp trong tiếng việt: Khi danh từ được phổ biến rộng rãi thì trong khi nói hoặc viết, nó có thể thay thế cho động từ, tính từ. Hoặc tính từ dùng như danh từ và động từ hoặc động từ dùng như danh từ và tính từ.
Chữ thuyền quyên xuất phát từ danh từ riêng, rồi được dùng như tính từ để chỉ người con gái công, dung, ngôn, hạnh. Trong Truyện Kiều có câu:
Trai anh hùng gái thuyền quyên
Phỉ nguyền bói phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.
Xưa ở Hà Nội cũng có một ông cụ tên là Phúc Hậu. Ông hay đi tìm giúp trẻ lạc rồi đưa về trả lại cho bố mẹ chúng - nói chung là tốt tính. Sau này, trong dân gian  hay dùng từ Phúc Hậu để chỉ tính cách của những người tốt bụng.
 Học trò ngày nay cũng sáng tác ra nhiều thể loại văn thơ nghịch ngợm, không biết là tốt hay xấu. Đây là một câu tìm được trên blog, xin đưa lên đây để các bạn cùng cho ý kiến:
"Trai ăn cắp, gái giang hồ
Chung tay xây dựng cơ đồ lưu manh"

Nguyên Lạc, 8/2017.                   
(Bài tiếp: Đẹp duyên cưỡi rồng)


Tham khảo:  Sử Ký Tư Mã Thiên (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), Đại Việt sử ký toàn thư, Laiquangnam, TS Phạm Trọng Chánh, Thi Viện, Wikipedia, Net, FB...
(*) LUẬN ANH HÙNG
http://www.art2all.net/tho/laiquangnam/lqn_luananhhung1.htm
(**) Nguyễn Du làm bài thơ "Phản chiêu hồn" (chống lại việc chiêu hồn) trong một chuyến đi sứ Trung Quốc vào đầu thập niên 10 của thế kỷ 19,; khi đi ngang qua sông Mịch La, người nhớ tại nơi đây Khuất Nguyên đã trầm mình.
Đây là bốn câu cuối của bài "Phản chiêu hồn"
Hậu thế nhân nhân giai Thượng Quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La,
Ngư long bất thực, sài hổ thực,
Hồn hề! Hồn hề! nại hồn hà?

Người người đời này đều họ Thượng Quan
Nơi nơi đất đều là sông Mịch La
Cá rồng không ăn, thì lang sói ăn
Hồn ơi hồn, hồn tính sao ?
- Thượng Quan là họ của Ngân Thượng, ông là quan đại phu nước Sở đã dâng đất cho Tần (China là từ chữ Tần mà ra ), xúi vua xa lánh Khuất nguyên, Ngự sử đại phu. Thượng quan Ngân Thượng và đồng bọn thao túng vua Sở, làm khổ dân để vinh thân phì gia. Vua Sở dại nghe theo. Vua sở bị cầm tù nơi Tần . Và nước Sở tiêu .
- Mịch La  là vị trí hợp lưu của hai nguồn sông là Mịch và La (tỉnh Hồ Nam), nơi đây Khuất nguyên bất lực, quẩn trí và trầm mình.




READ MORE - TRAI ANH HÙNG GÁI THUYỀN QUYÊN - Nguyên Lạc

DÒNG MỘNG - Chùm thơ ngũ ngôn của Mặc Phương Tử





DÒNG MỘNG
(Trích)

Con sông nào

Tháng ngày xuôi dòng chảy
Chở bao nỗi đời đau
 Âm thầm trôi đi mãi,
Từ vạn cổ xưa sau.

Con thuyền nào

Ngàn phương về bến đổ
Ngừng nhịp sóng thời gian
Vầng trăng tròn gương cổ
Mưa gió tạnh tràng giang.

Lênh đênh

Lênh đênh thuyền một chiếc
Sông dài, bể rộng thênh
Giữa sắc màu sinh-diệt
Từng ý niệm lênh đênh.

Rẻ sóng

Con thuyền rẻ sóng nước
Dòng trôi xanh tự tình
Mái chèo khua nhịp nước
Bỏ sau mùa tử-sinh.

Hướng phương

Đường mây xuôi dòng sông lạ
Hỏi chi nhánh cỏ, cành lau
Giọt lệ từ khi hoá đá,
Người về từ cõi chiêm bao.
  
Bến xưa

Bến xưa, thuyền đổ bến
Chèo xưa, gát mái chèo
Bóng chim cùng bóng nước
Nơi nào không trăng theo !

Bến đổ

Bình yên sau cơn sóng gió
Thuyền về với ánh trăng khuya
Mái chèo thôi chao nhịp nước,
Trong ngần nỗi nọ, niềm kia.

Trong hồ

Con cá quẩy đuôi hớp nước
Nước tung trắng bọt theo dòng
Vẫn ta giữa đời đếm bước
Vẫn ta giữa đời đục trong.

Vũng nước

Gió ru mây ngàn soi bóng
Râm râm giọt nắng giao mùa
Thanh âm rơi vào tĩnh lặng
Chim về tắm mát ban trưa.

Nghiêng

Quán chiều nghiêng sóng bụi
Sông chiều nghiêng khói sương
Đò chiều nghiêng mây nổi
Ta chiều nghiêng vô thường.
  
Như dòng trôi

Đi như dòng trôi mây nước
Bình yên như cỏ, như hoa
Bỏ sau những gì mộng ước
Thênh thang đời vẫn muôn nhà.
  
Cái bóng

Bóng mây cùng bóng nước
Bóng ảo khói sương mù
Bóng vô thường thoáng trước
Bóng ta, người
Thực-hư.


Vẫn còn

Ai theo lời mây nước
Từ buổi hồng sơ nguyên
Nước mây trôi chảy miết
Còn lại cõi bình yên.
  
Cõi thực nào

Không là vầng trăng diệu pháp
Tìm chi vết nhạn qua sông
Ngàn năm tỉnh lòng hạt bụi
Cành sương chợt nắng mai hồng.


                                    MẶC PHƯƠNG TỬ
READ MORE - DÒNG MỘNG - Chùm thơ ngũ ngôn của Mặc Phương Tử