Lê Hứa Huyền Trân
Bất giác lục lại tấm
ảnh cũ ngày xưa chụp…cái cổng trường Quốc Học, tôi chú ý đến một quán nước nhỏ
nằm cạnh cổng, dẫu cũng ngót nghét mấy năm tròi nhưng bức hình hãy còn rõ lắm,
trong bức hình vẫn in đậm nét bóng dáng một bà cụ đang lom khom bán nước cho mấy
đứa học sinh rảo bước tới trường…
Thế là cũng mấy năm đã trôi qua, không hiểu tại
sao tôi lại muốn về trường sau thời gian lang bạt tứ xứ, phần vì nhớ thầy cô, bè
bạn, nhớ những nơi mà khi mình đi thì “đất đã hóa tâm hồn”. Và cũng có lẽ vì cả
bức ảnh xưa kia đã gợi lại trong tôi những kí ức khó quên về một bà cụ mà tôi
muốn gặp cho kì được, người đã mang cho tôi nhiều hoài niệm đẹp. Tất cả tạo
thành sự thôi thúc khiến lần trở về Quy Nhơn này, nơi đầu tiên tôi đến là Quốc
Học, xưa kia ôm trọn tôi suốt thời cấp 3…
Gặp lại thấy cô
xưa, trao nhau những vòng ôm thắm thiết, trò chuyện hàng giờ liền, rảo bước khắp
khoảng sân rộng với rất nhiều những dãy nhà đang được xây mới, bất giác nhìn ra
cổng, tôi hỏi thăm về bà cụ bán nước. Tôi có ngờ đâu cụ đã không còn nữa, ừ nhỉ,
ngày tôi bước vào trường cụ cũng đã già lắm rồi, cũng trên dưới 70 rồi mà… Thế
là cụ đã ra đi. Thưở nhỏ tôi hay nghe ba kể về ngôi trường nơi ba học, lúc ấy
hãy còn mang tên Cường Để, ba kể về thầy cô, bè bạn nhiều lắm, rồi ba kể về cụ
bà bán nước hiền hòa với chiếc xe đẩy cọc cạch đã bao năm không đổi. Tôi còn nhớ
như in ngày ba đón tôi đi học về, khá bất ngờ khi thấy cụ vẫn khỏe,
vội lên tiếng chào cụ: "Cụ vẫn khỏe ạ?” Cụ có phần hơi nghễnh ngãng nhưng vẫn ghé
mắt qua xe nước nhìn ba rồi trả lời: "Cái cậu này quen lắm, có phải hồi trước học
rồi hay ăn quỵt tiền nước bà không?” Nói rồi cả ba và cụ đêu cười nắc nẻ, còn tôi
không hiểu mô tê gì. Rồi trên đường về ba kể cho tôi nghe về bà nhiều lắm.
Nhưng kí ức của
tôi về cụ thì phải nói đến khoảng giữa học kì, lần đầu tiên nói chuyện cũng là
lần tôi học được bài học đầu tiên từ “người thầy trường đời” của mình. Cụ có một
cái xe nước nhỏ sát cổng trường, chung quanh để mấy cái ghế nhỏ, có một tấm bạt
cũng nhỏ nốt che ngang đầu. Chiếc xe nước cũ kĩ dường như chỉ còn thấy trong
các bức ảnh xưa thật xưa vẫn được cụ trưng dụng dùng tới tận bây giờ, trên đó
bày đủ thứ nước nhưng chủ yếu là nước chè, thi thoảng có thêm vài chai nước ngọt.
Bài học đầu tiên cụ dạy cho tôi đó là “sự kính trọng và thông cảm”. Hôm ấy mưa
rất to, lại trúng thứ hai tôi phải mặc áo dài, ba đưa tôi đi học nhưng khi ra về
lại không thấy ba đâu cả. Chiếc dù không đủ che cho cả người tôi, nước từ mấy
chiếc xe hơi đi ngang qua bắn cả lên người tôi làm tôi thêm bực bội, phần vì ướt
mưa, phần vì lạnh, phần vì áo dài lấm lem cả nên tôi có phần…giận ba khi người
lâu đến. Cụ thấy tôi ướt cả thì kéo vào quán ngồi cho khỏi lạnh, thi thoảng lại
hỏi tôi vài chuyện cho tôi mau quên thời gian. Trong cái quán nhỏ, chỉ có hai
người, mái che không khỏi ướt nhưng có một chỗ trú phần nào làm tôi bớt lạnh.
Chờ cả tiếng đồng hồ tôi bắt đàu cồn cào đói, tôi tự nhiên ức phát khóc, giận dỗi
ba, lúc này cụ hỏi tôi rất nhẹ nhàng: "Ba ở đâu mà chưa đến?” "Ba con đi làm?” "Ba có nói khi nào đón con không?” "Ba nói tầm giờ này mà chưa thấy ba tới,
con giận ba.” Cụ nhìn tôi cười mỉm: "Con à, trên đời này yêu thương con nhất
luôn là ba mẹ, bà có thể chắc chắn một điều là con luon là ưu tiên của ba mẹ,
và dù họ có bận rộn thế nào họ cũng sẽ tới ngay bên cạnh con, con phải thông cảm
cho họ chứ?” Cụ vừa nói xong thì xe của ba trờ tới, người ba ướt sũng vì mưa nhưng
vẫn vội lục cốp lấy áo mưa trùm cho tôi:
“Ba xin lỗi con gái nhé, ba mới từ trên công ty xuống, chạy vội quên cả
áo mưa, phải quay lại lấy không thì lát con ướt mất.” Nhìn bàn tay thoăn thoắt
trùm vào người tôi, nhìn vết bùn đất dính đầy trên người ba, bùn đất chỗ ba
làm, và ba cứ vuốt mắt liên tục vì mưa ướt, tôi cúi đầu rưng rưng: "Con đợi được
mà, nhưng lần sau ba phải mang áo mưa cho cả ba nữa.” Tôi cúi đầu chào cụ, lên
xe ba…
Từ đó tôi năng nói
chuyện với cụ hơn, khi nào rảnh tôi lại tíu tít ra chơi kể cụ nghe những chuyện
trường lớp. Bài học thứ hai cụ dạy cho tôi là về “tình bạn”. Phải nói thời cấp
3 của tôi rất vui nhộn. Lớp chúng tôi thuộc dạng nhất quỷ nhỉ ma, bày đủ trò
tinh quái khiến nhiều thầy cô đau đầu. Tôi vẫn hay kể cụ nghe những lần chúng
tôi nghịch dại lấy cây mắt mèo chà xát lên ghế cô, làm cô ngồi phải thế là nhảy
cẫng lên vì… ngứa. Rồi cả những lần cả lớp lì lợm không chịu mặc áo dài làm bị
phạt kiểm điểm cả lớp ngoài sân. Lớp chúng tôi đoàn kết cho tới khi xảy ra sự vụ
mất tiền. Số tiền quá lớn khiến cả lớp dù tin tưởng nhau cách mấy đều đổ vấy
cho nhau hòng thoát tội. Tôi hãy buồn lắm, nhưng cả tôi cũng bị nghi ngờ biết
tính sao? Tôi kể với cụ, cụ ôn tồn bảo tôi: "Bây giờ bà cũng chỉ ở bên ngoài
này, không thể biết rõ việc trong lớp được, người trong cuộc phải sáng suốt
lên, chuyện gì cũng có lí do cả mà, nhưng đừng quá hồ đồ vội vã buộc tội một ai đó, cần phải căn cứ thời gian, mục đích, sau đó xem thử ai ở lớp thời gian đó,
ai có hành động đáng ngờ. Bạn bè lúc này cần phải đoàn kết hơn, đừng để ai nói
ra nói vào mất hay.” Nghe cụ khuyên chí lí, dù bản thân cũng đang là người “bị
nghi ngờ” nhưng tôi vẫn tổ chức họp lớp phân tích thiệt hơn, ngăn chặn những tin
đồn lan tới lớp khác, cũng như xác định xem ai có thể là người lấy. Cuối cùng
chúng tôi đã tìm ra được người lấy cắp, một đứa lớp bên, nó thú nhận, tôi vừa
vui vì không phải người trong lớp, vừa thấy may mắn khi lớp không bị chia rẽ mà
đoàn kết hơn, tin nhau hơn, cũng như biết giải quyết tình huống đúng đắn chứ
không mù quáng.
Tôi học hỏi được rất
nhiều từ cụ suốt những năm cấp 3. Và bài học cuối cùng cụ dạy tôi là bài học về
“quy luật cuộc sống”. Tôi vẫn hay uống nước chè cụ bán, mùa lạnh cụ nấu tách
chè thơm, bỏ thêm cam thảo và chút sấu chua, chúng tôi vẫn xì xụp uống hay mua
về trong những ngày mưa. Mùa nắng lên thì cụ nấu chè đặc thêm để bỏ đá không bị
loãng. Chiếc xe nước cũ kĩ bán rất ít nước nhưng đã thành quán quen suốt bao
năm qua của bao thế hệ học sinh, thế rồi lại bị cạnh tranh bởi vô số hàng quán
mở ra bên cạnh, đối diện. Đôi khi tôi thấy cụ ngước nhìn những chiếc xe nước to
gấp đôi, gấp rưỡi xe cụ, trên bày đủ thứ nước xanh, đỏ hồng mà chớm buồn. Thấy
cụ buổn, tôi cũng buồn, tôi góp ý để cụ mua nhiều thứ nước bán nữa cho đa dạng
nhưng cụ lắc đầu: "Trước giờ cụ chỉ bán nước chè thôi. Mấy thứ nước ấy phẩm màu
không không tốt.” Dù tôi có nói bao
nhiêu lần cũng không lay chuyển được cụ, học sinh cứ đi dần theo những thứ nước
hoa mĩ màu mè, gánh nước cụ mãi trông đợi vào một điều cổ tích, nhưng cổ tích
mãi không xuất hiện. Lần cuối tôi gặp cụ, cụ nắm tay tôi: "Cái gì cũng có quy luật
cả, cái cũ phải qua đi để cái mới hình thành, bà cũng già rồi, thôi thì về hưởng
phúc cùng con cháu.” Đó là lần cuối cùng tôi gặp cụ, bài học cụ dạy cho tôi
không phải về sự thất bại mà cụ muốn tôi dù có thất bại hay không cũng phải đi
theo con đường mình đã chọn. Rồi đây có như thế nào thì tất cả cũng theo quy luật
cuộc sống nhưng mình không bao giờ nản lòng..
Và thế là tôi bước
vào đại học, tôi học thật xa, tốt nghiệp xong tôi học cao lên nữa, rồi lấy chồng,
bất giác trong những tấm ảnh xưa tôi lục ra được tấm hình chụp cụ.. Tôi mãi mãi
không bao giờ được gặp cụ nữa, chỉ một cánh cổng, bên trong giảng đường là những
thầy cô dạy tôi kiến thức sách vở, còn ngoài kia, một bà cụ bán nước dạy tôi những
kiến thức của trường đời, cụ cũng như là người thầy, người cô dìu dắt tôi suốt
một quãng đời đầy kỉ niệm. Người tôi đã hứa sẽ về thăm nhưng đã không còn cơ hội
gặp được nữa…
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân
Hội viên Hội VHNT
Tỉnh Bình Định
******
Minh họa của Đỗ Đức từ Quechoablog.
Minh họa của Đỗ Đức từ Quechoablog.
No comments:
Post a Comment