Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 18, 2020

QUÊ TÔI ƠI - Thơ Đàm Ngọc Năm

 

Tác giả Đàm Ngọc Năm

QUÊ  TÔI  ƠI

 

Ôi quê mình

Khổ từ xưa nên thấm vào tiềm thức

Người con của Cha một đời mẫu mực

Của Mẹ ngấm cảnh sáng nắng, chiều mưa.

 

Ôi quê mình

Sáng bình minh lên, chiều bỗng đổ mưa

Hạt muối vừa kết tinh trở nên vội vã

Sợ tan vào trong cơn mưa xối xả

Buồn sau những chiều vị mặn miền Trung.

 

Ôi quê tôi

Khi mưa trắng ngập cả cánh đồng

Nhưng hạ về lại khát từng giọt nước

Cây héo khô, lá trên cành không xanh được

Phải đợi mùa sau, chờ Xuân về...

 

Đành chịu thôi

Đã quen rồi nắng thì nóng, lạnh lại tái tê

Nhưng nào mấy ai cảm nhận?

Có thể cả cuộc đời vì “gừng cay, muối mặn”

Để quen Đông giá lạnh, Hạ đốt cháy da người .

 

                                                   Đàm  Ngọc  Năm


Đàm Ngọc Năm

Khu đô thị Việt - Sing, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Số ĐT: 0913 256 849

<namdnvietsing@gmail.com>

READ MORE - QUÊ TÔI ƠI - Thơ Đàm Ngọc Năm

PHỦ GIẦY VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU - Đặng Xuân Xuyến

 

Phủ Giầy là tên gọi của quần thể di tích tín ngưỡng truyền thống của người Việt thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Phủ Giầy trước có tên cổ là Kẻ Giầy, cho tới khi bà Chúa Liễu Hạnh được suy tôn là Mẫu nghi Thiên hạ thì Kẻ Giầy được đổi thành Phủ Giầy.

Trong quần thể di tích Phủ Giầy có 2 đền (Phủ) lớn, gắn chặt với tín ngưỡng thờ Mẫu là: Phủ Tiên Hương (Chính phủ) và phủ Vân Cát.

- Đền (Phủ) Tiên Hương:

Trước Phủ là một giếng tròn ở giữa có cột cờ, rồi đến một sân rộng nối với hệ thống nghi môn trụ, trên đỉnh đắp chim phượng và lân. Tiếp đến là ba tòa nhà ngang: nhà bia, nhà trống, nhà chiêng. Một hồ bán nguyệt có lan can thấp bao quanh, có bình phong và hai cầu vượt đều bằng đá.

Điện thờ chính, thờ hệ thống Mẫu Tứ Phủ. Mẫu Thượng Thiên (trời) ớ giữa, Mẫu Địa (đất) ở bên phải, Mẫu Thoải (nước) ở bên trái, Mẫu Thượng Ngàn (núi, rừng) ở phía trước.

Theo tầm phả thì Tiên Hương là quê chồng của bà chúa Liễu Hạnh.

- Đền (Phủ) Vân Cát:

Phía trước Phủ Vân Cát là hồ bán nguyệt,  rồi tới ngũ môn uy nghi. Trung tâm là nơi thờ Chúa Liễu Hạnh. Khu vực bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế.

Ngoài hai phủ chính trên, còn một loạt đền miếu khác như đền Khâm Sai, đền Thượng, đền Đức Vua. đền Công Đồng, đền Giếng Gàng, đền Cây Đa, đình Ông Khổng, Phủ Tổ, làng Mẫu…

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một nhân vật vừa là thiên thần, vừa là nhân thần với những huyền thoại dày đặc yếu tố kỳ ảo. Theo thần tích hay các gia phả, tầm phả còn chép thì bà Chúa Liễu Hạnh sinh năm 1557 tại làng Vân Cát, xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng (nay là xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) là con của ông Lê Công Chính và bà Trần Thị Phúc. Năm 18 tuổi bà lấy ông Đào Long ở làng Tiên Hương gần kề với làng Vân Cát. Bà mất năm 1577, không rõ lý do, để lại một con thơ. 

Miếu thờ bà hiện nay được lập ở hai làng Vân Cát và Tiên Hương thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

Theo truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh thì đời thứ nhất Mẫu giáng sinh tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Thái An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, trong nhà thái ông họ Phạm, hiệu là Huyền Viên, thái bà hiệu là Thuần. Ở đời này mẫu luôn giữ chữ Trinh hiếu thảo thờ phụng cha mẹ, sau trở về chốn linh tiêu. Mẫu tại thế từ năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên (1434) cho tới năm Quí Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473). Đời thứ hai, mẫu giáng sinh vào nhà thái công họ Lê tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng. Thái công họ Lê tên húy là Đức Chinh. Tới tuổi trưởng thành, Mẫu được gả cho Trần Đào Lang ở thôn An Thái (sau đổi là Tiên Hương), sinh được một con trai tên là Nhâm. Ở kiếp này, Mẫu tại thế từ năm Đinh Tỵ niên hiệu Thiên Hựu nguyên niên (1555) cho tới năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577). Đời thứ ba, Mẫu giáng sinh tại xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, lấy chồng họ Mai (là tái hợp với hậu thân của Đào Lang), sinh được một con trai tên là Cổn, được hơn một năm, Mẫu quay gót trở về đế hương. Sau Ngọc hoàng chuẩn cho mẫu được trắc giáng xuống cõi trần thường xuyên tiêu dao khắp nơi, được miễn vòng sinh tử luân hồi.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh trong hệ thống tứ bất tử, được thờ ở rất nhiều nơi như phủ Giầy (Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Dâu Tam Điệp (Ninh Bình), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Phủ Giày (Thành phố Hồ Chí Minh) ... trong đó, phủ Giầy ở Vụ Bản Nam Định là nơi quan trọng nhất.

Lễ hội Phủ Giầy được tổ chức hàng năm từ ngày mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch. Ngoài những hình thức lễ thông thường như ở các di tích tôn giáo khác thì lễ ở các di tích thờ Mẫu nói chung và Phủ Giầy nói riêng còn có thêm hình thức đặc biệt là hầu đồng (hầu bóng).

Hầu bóng gắn với hát văn và múa thiêng là hình thức lễ phổ biến nhất ở Phủ Giầy. Người ta quan niệm rằng một số người thuộc số “căn” sẽ có khả năng giao tiếp với thần linh, có thể được Thánh nhập vào thân xác của họ để trừ tà, ban lộc, ban phúc hoặc phán truyền cho “con nhang đệ tử” những lời giáo huấn, răn dạy... Để chuẩn bị cho một buổi hầu đồng, họ phải chuẩn bị khá kỹ và khá tốn kém từ việc chọn ngày tốt chọn người hầu dâng và cung văn đến việc mua sắm trang phục, mua đồ lễ... Tùy điều kiện kinh tế mà quần áo, đồ lễ sang trọng hay bình dân, nhiều hay ít.

Hầu bóng diễn ra liên tục trong năm, nhưng có thể nói, hình thức lễ bái, đội bát nhang, trình đồng, lên đồng diễn ra đặc biệt sôi nổi trong các ngày hội.

Trong những ngày lễ hội Phủ Giầy, những hoạt động như: Rước kiệu Mẫu Liễu, kéo chữ, hát chầu văn (là một nghi thức không thể thiếu trong các nghi lễ chính của tục thờ Mẫu, phục vụ cho lễ lên đồng).... thu hút được rất nhiều tham gia và cổ vũ tán thưởng.

Lễ rước được diễn ra khá náo nhiệt với sự tham gia của các nam nữ thanh đồng. Đám rước diễn ra trong không khí hào hứng, đầy nhiệt tình của dòng người náo nhiệt trải dài. Trong đám rước còn có sự xuất hiện của các đội múa rồng, múa sư tử, múa tứ linh, múa võ rất đẹp mắt. Đặc biệt, trong đám rước từ Phủ Tiên Hương còn có 3 con rồng được kết bằng hàng nghìn quả bóng bay với ba màu đỏ, xanh, vàng tượng trưng cho Tam tòa Thánh Mẫu trông rất sinh động.

Ngày 7 tháng 3 (âm lịch) là ngày chính hội Phủ Giầy, cũng là ngày giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

.....................

(Trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT của Đặng Xuân Xuyến ; Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin 2006)

*

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - PHỦ GIẦY VÀ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU - Đặng Xuân Xuyến

THU VÔ THƯỜNG - Thơ Trần Hữu Thuần

 

Tác giả Trần Hữu Thuần


Thu Vô Thường

Thơ Trần Hữu Thuần

(Vanitas vanitatum, omnia vanitas

Phù vân trong các phù vân, tất cả đều là phù vân

       —Sách Giảng viên 1, 2)

 

Có phải Thu về như khói sương,

Mà sao rúng động cả vô thường,

Rét mướt lan chín tầng địa ngục,

Cửa đóng rồi chăng, cửa thiên đường?

 

Thu về cho trụi lá, vàng cây,

Cho run cánh gió đuổi theo mây,

Cho nai giấu mặt buồn tê lạnh,

Thiên di, chim sãi cánh từng bầy.

 

Thu về cho Đông lạnh trần gian,

Cho sáo Trương Chi giọng thở than,

Mị Nương u uẩn buồn duyên phận,

Lầu ngọc tình riêng—Tim vỡ tan.

 

Lỡ kiếp nhân sinh bỗng giận hờn,

Rồi xuân, rồi hạ, thu, rồi đông,

Ngoảnh lại cuộc đời giấc ảo mộng,

Trang Tử ngày xưa bướm chập chờn.

 

Có hóa thành không—Không-Có-Không,

Lạc bước mê cung, nhập vô thường,

Hình hài mẹ cha cung kính trả,

Hồn bướm mơ tiên, theo khói sương.

 

Xin tạ dương gian một tiếng cười,

Tạ ba vạn sáu ngàn ngày trôi,

Thu ơi, cung Quãng chờ ta với,

Nghê Thường mê khúc, quỳnh tương bôi.

 

(Grand Rapids, Michigan 19 th7, 2020)

T.H.T.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

READ MORE - THU VÔ THƯỜNG - Thơ Trần Hữu Thuần

MỸ TIÊN | LẶNG LẼ THU | ĐOẢN KHÚC THU - Thơ Võ Như Mai

 

Nhà thơ Võ Như Mai


Võ Như Mai

MỸ TIÊN


Là cô Tiên, cô Tiên có phải không
Cô chầm chậm rải chân đường quê cũ
Cô lần lượt ầu ơ hát ru ba con nhỏ
Trong tiếng đàn thong thả của chồng yêu

Là cô Tiên từ những ngày bom đạn liêu xiêu
Mẹ nhặt cô và gánh về xóm vắng
Cô lớn lên trong tình làng nghĩa nặng
Bát cơm đong đầy trìu mến ruộng nương

Tôi và cô, cứ cợt đùa, xưng hô như thế
Mỗi lần gặp nhau, cô cô tôi tôi, chuyện nhiều vô kể
Bát cháo vạt giường hay bữa cơm thiệt ngon
Tôi cứ long đong xuống ghềnh lên thác chon von

Khi đã mỏi tôi quay về chốn cũ
Ghé túp lều tranh nghe vợ chồng cô nhắn nhủ
Cô thủng thỉnh, cười hiền, thong thả, thiệt là hay
Không như tôi, quày quả, sợ đất trời đổi thay

Cô có biết không chim hót mây vẫn bay
Nắng rất ấm mà lòng đau như cắt
Mùa thu trong veo mà nước mắt tuông rơi mờ đặc
Cô bỏ sạp hàng bỏ cả quê hương

Cô bỏ con bỏ chồng bỏ cả những yêu thương
Ngôi làng nhỏ khóc xót xa cô Tiên vắn số
Làm sao quên cô chầm chậm đạp xe giữa chiều lá đổ
Tôi rồi sẽ quay về, mộ cỏ chắc đã xanh

Tôi rồi sẽ quay về nghe làn gió mong manh
Thổi vào tóc chiều quê buồn quá đỗi
Nơi phương xa, không thể tiễn cô mà lòng bổi hổi
Thắp nén nhang lòng, yên nghỉ nhé Mỹ Tiên

VNM
20/7/2020


LẶNG LẼ THU

(Tưởng nhớ họa sĩ Nguyễn Đăng Lộc)

Anh bất chợt ra đi vào một trưa mùa thu
Đà Lạt sụt sùi mưa giăng đầy trên phố
Hoa hướng dương rực vàng ngõ nhỏ
Sáng lung linh trên giá vẽ góc phòng

Người mẹ già chín hai tuổi ngóng trông
Nhớ nhớ quên quên Tí ơi về nhà nhé
Nhớ nhớ quên quên bên bàn thờ lặng lẽ
Rươm rướm thẫn thờ nó đi thật không

Đà Lạt vẫn dập dìu du khách muôn nơi
Người lính năm xưa chưa kịp chào tổ quốc
Bỏ dở bài ca và chưa kịp vẽ
Ánh mắt yêu thương vợ con rất hiền

Làm sao quên được giọng anh triền miên
Khi uống vào một chai, vô vàn ký ức
Biên giới Tây Nam một phần tuổi trẻ
Lặng lẽ tháng năm dài họa sĩ trở trăn

Lặng lẹ tháng năm dài chỉ để vẽ tranh
Dạy con học, cho chị ba uống thuốc
Bắt nồi cơm, và trông mẹ từng bước
Đợi vợ chợ về, ngắm nàng loay hoay

Đà Lạt mùa thu, thu rất vàng, có hay
Làm sao biết đây là mùa thu cuối
Làm sao biết yêu thương không có tuổi
Và nhớ nhung là rất đậm màu

VNM
11/7/2020


ĐOẢN KHÚC THU


Những chiếc lá vàng xao xác lối đi
Bầu trời trong veo mắt ai mười tám
Nắng dịu dàng mân mê dáng nhỏ
Trăng vẫn rằm lung linh chòm sao

Chim vẫn hót trên cành dương liễu
Hải đường nồng nàn như đôi môi thơm
Chỉ có chúng mình da diết nhớ sâu
Và thế giới xem chừng quá rối

Mỗi chúng ta ơi đi đâu mà vội
Bởi mùa thu tha thiết gọi mời
Nhịp thở đất trời hát chung một điệu
Nhịp điệu tin yêu nhân loại bớt buồn

Chắp tay nguyện cầu bình yên cho nhau
Bão tố chóng qua địa cầu tỏa sáng
Mùa thu kiêu sa, em bên anh thắm đượm
Đoản khúc mùa, khát vọng, quá là thương

10.7.2020
Võ Như Mai
READ MORE - MỸ TIÊN | LẶNG LẼ THU | ĐOẢN KHÚC THU - Thơ Võ Như Mai

NGƯỜI CHỒNG NHU NHƯỢC - Vũ Thị Hương Mai

 


NGƯỜI CHỒNG NHU NHƯỢC

 Vũ Thị Hương Mai


Có rất nhiều bà vợ đã than phiền về sự nhu nhược của chồng mình và cho rằng chồng là người không bản lĩnh. Đó hẳn đã trở thành một trong những nguyên nhân gây nên đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Ông chồng không thể tự mình quyết đoán để định đoạt một vấn đề gì dù không mấy khó khăn. Tự mình không tìm ra lối thoát để giải quyết vấn đề mà cứ luẩn quẩn, vòng vo giữa hai bên. Đương nhiên họ đã trở thành một người tội nghiệp, đáng thương và cũng thật đáng trách. 

Sự nhu nhược của người chồng có lẽ được thể hiện rõ nét hơn cả trong một mối quan hệ gia đình có nhiều thế hệ, tức là gia đình truyền thống. Ở đó có ông bà, bố mẹ, vợ chồng con cái, người chồng có cách giải quyết mọi việc theo về một ai đó có tiếng nói trong gia đình chứ không giám suy xét những gì đúng sai. Có người chồng luôn sợ bố mẹ phật ý nên mọi việc đều nghe theo sự sắp đặt của bố mẹ không cần biết việc đó đúng hay sai rồi làm khổ vợ. Mặc dù vẫn yêu thương vợ đấy, vẫn biết việc đó là sai đi chăng nữa nhưng vẫn không thoát ra khỏi sự quản lí của bố mẹ. Nguyên nhân vì sao lại như vậy? Có thể đó là người đàn ông mà từ nhỏ đến lớn đã thiếu tính độc lập, thiếu lập trường được sự bó bọc quá khắt khe của gia đình, cha mẹ hoặc đã quá thần tượng cha mẹ mình. 

Người vợ quả là sẽ rất khổ tâm vì điều đó. Bởi người mà mình gần gũi nhất, thương yêu nhất là chồng mình thì lại luôn không đứng về mình, mặc dù mình không sai gì hết. Đấy là chưa kể đến những người chồng nghe mẹ mà quay sang mắng nhiếc, vũ phu với vợ chỉ vì mẹ mình không thích cô con dâu ấy. Đã có những trường hợp mẹ chồng xui con trai mình đánh đuổi nàng dâu ra khỏi nhà mà không cho mang theo thứ gì. 

Có thể lỗi lầm từ vợ hay bất cứ một ai đó trong gia đình nhưng với cương vị là một người đàn ông, một người chồng, người cha, người trụ cột trong gia đình không thể có cách xử sự như vậy. 

Ngược lại có những người chồng quá “nghe vợ” mà đối xử tồi tệ với bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Xã hội vẫn cho đây là mẫu người đàn ông sợ vợ, bị vợ lấn lướt trong cuộc sống. Không cần biết vợ đúng hay sai nhưng nói sao thì nghe vậy và làm theo. Cũng có những người biết vợ mình làm vậy là không đúng với cha mẹ, anh chị em mình nhưng vẫn ngoảnh mặt làm ngơ hoặc có phản ứng thì cũng thật yếu ớt cho qua chuyện. Khi trong gia đình nảy sinh mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu thì bao giờ cũng đứng về phía vợ, bênh vực vợ.

 Gia đình anh Lê là một ví dụ: Bố anh đã mất từ khi anh mới lên 3 tuổi, mẹ anh ở vậy một mình nuôi anh cho đến ngày anh trưởng thành và lấy vợ. Thu nhập của vợ chồng anh thuộc loại khá, vì cả hai vợ chồng cùng làm trong một công ty liên doanh. Hai vợ chồng son rỗi vẫn chưa định có con. Mẹ anh ngày trước làm ruộng nhưng hiện tại đã nghỉ ở nhà vì bà rất hay ốm đau. Người ngoài nhìn vào tưởng chừng cuộc sống gia đình anh rất yên ổn. Nhưng không, mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu đã làm cho mái nhà ấy thường xuyên phải hứng chịu không khí nặng nề. Phải cái, vợ anh Lê lại là người phụ nữ khá “sắc sảo” nên anh luôn phải nhẫn nhịn nghe theo. Vợ nói gì anh đều nghe theo, đến mức mẹ ốm nằm đấy anh cũng không dám đưa đi bệnh viện, vì chị vợ cho rằng ốm như vậy thì chưa có gì phải lo. Hàng xóm rất bất bình khi nhìn thấy mẹ anh mỗi ngày lại thêm héo hon đi vì ốm đau và buồn rầu. 

Theo chúng tôi, để người đàn ông thật sự là chỗ dựa của vợ con, cần phải “dứt khoát” với mấy lưu ý dưới đây:

 

1. Người đàn ông - không thể thiếu sự quả quyết. 

Kể từ ngày chị Lan về làm dâu nhà bà, mẹ chồng nàng dâu chẳng mấy ngày được vui vẻ. Thậm chí bà còn xui con trai đi tìm vợ khác. Chán nản, Lan rất muốn nhờ chồng giúp đỡ, song anh cứ chậc lưỡi “chuyện đàn bà tự giải quyết lấy”. 

Bà luôn kể tội con dâu “Tôi bực mình từ khi nó mới về; đồ cưới chưa thay ra, nó đã chạy xuống bếp lấy chổi quét chứng tỏ muốn thâu tóm quyền hành trong nhà”. thực ra, nguyên nhân là tại con mèo làm đổ bát canh, Lan sốt sắng dọn dẹp, đâu ngờ phạm vào “luật lệ” của bà mẹ chồng. 

Cũng từ ngày ấy, bà thành kiến với con dâu, luôn bị ám ảnh rằng nó muốn thay mình nắm quyền. Còn Lan cũng vụng về ít nói nên cũng tìm cách tránh né mẹ chồng. Chồng Lan thì cho rằng mẹ chồng nàng dâu toàn mâu thuẫn vì những chuyện vặt vãnh, chẳng đáng quan tâm. Vì thế, chán nản cảnh mẹ chồng kể tội con dâu, vợ khóc nỉ non, nên hết việc cơ quan chẳng bao giờ anh về nhà ngay mà thường tạt qua các quán nhậu đến muộn mới về. 

Không lảng tránh trách nhiệm như chồng chị Lan, anh Bắc ở TPHCM cũng thừa biết vợ mình đang rất khổ tâm từ khi về nhà anh làm dâu. Anh chỉ biết im lặng cho xong chuyện. 

Vợ chồng anh đang ở xa (quê vợ) thì được mẹ gọi về “Ba bây giờ khuất núi, mấy đứa em lập gia đình ra ở riêng cả, nhà chẳng còn ai...”. Hai vợ chồng anh mở một quán bán hàng tạp hoá. chị vợ vừa bán hàng, vừa làm việc nội trợ, lo cho hai đứa con ăn học. Nhiều lúc, để có thời gian cho con học, chị đề nghị anh dọn hàng, bà mẹ xót xa: “Con biết thương con con thì má cũng biết thương con má, cái thằng bạc phước quá”. Chị chỉ biết im lặng và buồn rầu. Những lúc mệt, bà cứ nghĩ con dâu yểm bùa, bỏ ngãi… chịu không nổi, chị vợ bàn với chồng xin được ở riêng, song anh Bắc lo lắng “Thôi xin mình ráng chịu, làm vậy má buồn. Rủi má bệnh nặng, mất sớm thì thật mang tiếng”. Ngày qua ngày, không khí gia đình nhiều lúc quá ngột ngạt, nhưng anh Bắc thì chỉ im lặng, không có một tiếng nói gì để mẹ chồng nàng dâu bớt căng thẳng.

 

2. Người đàn ông phải ngẩng cao đầu, không thể chùng chân 

Giám đốc trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình TPHCM, bà Lê Minh Nga khẳng định: Vai trò của người đàn ông rất quan trọng trong việc xây đắp mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Nhiều người chỉ nghĩ đơn giản đó là chuyện của hai người phụ nữ, nên vô tư đứng ngoài cuộc, hoặc biết mà im lặng. Nhưng sai lầm hơn cả là người đàn ông lại nghiêng hẳn về một phía: theo mẹ hoặc theo vợ. 

Chính bản thân bà Nga đã kể lại kinh nghiệm của gia đình mình như sau: “Ngày mới về nhà chồng, nhiều lúc tôi cũng muốn khóc. Bà mẹ chồng tốt tính nhưng phải cái sống phong kiến. Thấy ông xã tôi giặt chậu quần áo, cụ nóng mặt nói: “Vợ con làm gì mà không giặt nổi chậu quần áo”. Nhà tôi giải thích ngay: “Mẹ xem, con phải viết rồi lại đọc suốt cả ngày đầu óc mụ mẫm lắm, lao động chân tay một tí cho đỡ căng thẳng và còn khoẻ ra. Con tự tìm việc làm chứ vợ con đâu có nhờ”. Cụ ngạc nhiên và từ đấy thôi không cằn nhằn nữa”. 

Đó là cái khéo của anh con trai trong cách dàn xếp mối quan hệ nhạy cảm ấy trong gia đình. Nếu như anh ấy cứ lảng tránh không nói được điều gì hay lại bỏ mặc cho hai người phụ nữ tự dàn xếp với nhau thì sự việc sẽ trở nên xấu. 

Chuyên viên tư vấn Hoà Minh cho rằng: Hai nhân vật chính là mẹ chồng, nàng dâu phải tự điều chỉnh những thiếu sót. Khi xuất hiện mâu thuẫn, người con trai phải luôn đứng giữa. Anh phải đứng thật thẳng, làm chiếc cầu nối để hai người đàn bà, một già một trẻ hiểu và quý mến nhau.

 

3. Người đàn ông phải là người cầm cân nảy mực 

Khi lập gia đình, người đàn ông với tư cách là người chồng, người cha, người con… phải đứng ra “cầm cân nảy mực”, làm sao cho cuộc sống gia đình trở nên êm ấm, thuận hoà. Đứng trước “bên tình bên nghĩa” này phải giải quyết như thế nào cho trọn được và chữ “nghĩa” và chữ “tình” đây? 

Trong xã hội truyền thống, bà mẹ chồng thường quan niệm rằng: Con dâu do mình “mua” về nên “mất tiền mua mâm thì có quyền đâm cho thủng, mất tiền mua thúng thì có quyền đựng cho mòn”. Người con dâu phải sống cam chịu và đó là một chuyện hiển nhiên người chồng không cần phải bận tâm nhiều. 

Nhưng trong xã hội hiện đại thì quan niệm ấy đã khác, mẹ chồng nàng dâu dù có không ưa thích gì nhau thì cũng tôn trọng nhau. Người đàn ông cũng không còn “năm thê bảy thiếp” nữa mà chỉ một vợ một chồng. Tuy nhiên, tình trạng “nhất bên trọng, nhất bên khinh” trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu vẫn còn tồn tại rất nhiều. Chúng ta hãy nghe tâm sự của một người chồng (đăng trên báo phụ nữ) để thấy cách xử sự của anh ta: 

“Cách đây năm tháng tôi đã lập gia đình, vợ tôi là một người con gái xinh đẹp và luôn quan tâm đến tôi từng ly từng tí. Tôi thực sự mãn nguyện và tự hào về cô ấy. Nhưng gần đây, gia đình tôi xảy ra những “xích mích, va chạm” nhỏ làm tôi rất bực mình. Tôi đã không biết giải quyết bằng cách nào cho trọn cả đôi đường. 

Số là vợ và mẹ tôi luôn có “chiến tranh lạnh” với nhau. Dù là những chuyện rất nhỏ thường ngày nhưng mẹ tôi cứ bới ra để tìm cớ to tiếng với con dâu khiến cho không khí gia đình trở nên căng thẳng. Có lần tôi đi làm về đã phải bỏ nhà đến nhà cậu bạn trai hai ngày liền mà đến khi về họ vẫn “chứng nào tật nấy”. Đầu óc tôi căng thẳng quá, tôi chẳng biết làm thế nào để giải quyết được mâu thuẫn này sao cho cả hai người ấy được vừa lòng… ”

 Thực sự, làm người đàn ông mà không cứng rắn, cương quyết thiếu bản lĩnh, không biết thế nào là phải trái thì rất dễ trở thành một người nhu nhược. Điều quan trọng nhất lúc này ở người đàn ông phải hiểu được tâm lí của từng người và hiểu được mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu là rất phức tạp.

 

Khi người con gái đi làm dâu sẽ xuất hiện những đặc điểm tâm lí: 

- Thứ nhất: về nhà chồng sẽ mang theo những nếp sống, tập quán của gia đình mình. 

- Thứ hai là: giữa chốn xa lạ, người con gái dễ có cảm giác trống trải với nỗi nhớ nhà nên càng muốn chồng bù đắp nhiều hơn… 

Thế nhưng, sự san sẻ tình cảm cũng như trách nhiệm của người con trai khi chăm nom giúp đỡ vợ dễ khiến người mẹ (kể cả các em chồng) có cảm giác tình cảm bị chia vơi, mất mát. Từ đó mà mâu thuẫn dễ nổ ra. Khi chuyện đã xảy ra như thế, người đàn ông nên xác định phải tìm hiểu kỹ vấn đề một cách khách quan để tìm ra ai đúng ai sai để tâm tình phân giải. Đừng tỏ ra mình “nghiêng” về bên này hay bên kia, cũng như không đùng đùng bỏ đi như những người đàn ông nọ. Sẽ là không đúng nếu người con trai lại để cán cân nghiêng hẳn về bên mẹ, trút mọi tội lỗi lên đầu vợ mà không hề suy xét. Ngược lại, bất cần ý kiến cha mẹ, lại quan niệm “nhất vợ nhì giời”. Cả hai cách giải quyết trên đều là sai lầm và càng làm cho mâu thuẫn gia đình thêm sâu sắc.

 

4. Cần làm gì để không phải là đức ông chồng nhu nhược? 

- Luôn luôn xác định mình là trụ cột, là chỗ dựa cho mọi thành viên trong gia đình về cả vật chất lẫn tinh thần. 

- Người chồng phải biết điều hoà các mối quan hệ giữa bố mẹ và nàng dâu; nàng dâu với các anh chị em chồng. 

- Phải sáng suốt để phân tích rõ ràng ai sai ai đúng giữa các thành viên trong gia đình để giải quyết mâu thuẫn. 

- Không sống phụ thuộc và quá dựa dẫm vào cha mẹ, nhưng đồng thời cũng không cái gì cũng nghe theo vợ mà cần phải độc lập, tự chủ, giữ lập trường trong suy nghĩ. 

- Bản thân mình luôn luôn phải sống gương mẫu để có tiếng nói chung đối với các thành viên trong gia đình. 

- Ngay từ những ngày đầu xây dựng gia đình, người chồng cần phải cư xử đúng mực với bố mẹ, anh em trong gia đình để người vợ noi theo, vì cha ông ta đã từng nói “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”. Như vậy là đã đưa người vợ đi vào nếp sống của gia đình mình. 

- Phải luôn cương quyết trên cơ sở đúng đắn mọi quyết định trong gia đình. 

- Cần phải lắng nghe và tham khảo ý kiến của mọi thành viên trong gia đình, đồng thời cả những người hàng xóm và bạn bè về cách cư xử của mình. 

- Cần phải động viên, an ủi kịp thời khi mỗi người thân trong gia đình như vợ hay mẹ bị tổn thương. 

- Cần phải luôn luôn tìm hiểu những suy nghĩ, tâm tư tình cảm của mỗi người trong gia đình để có cách xử thế hợp lí.

* 

Thưa bạn! 

Trường hợp của anh Lê hay biết bao nhiêu những trường hợp khác tương tự như vậy có phải là do họ là người thiếu tình cảm, thiếu hiểu biết? Có lẽ không thể nhận xét một cách chủ quan và phiến diện như vậy được mà phải tuỳ từng hoàn cảnh cụ thể để đánh giá và nhận xét. Nhưng nhìn chung đó là những người đàn ông thiếu bản lĩnh, thiếu cái “uy” của một đấng nam nhi, không có lập trường và không giải quyết hài hoà giữa lí trí và tình cảm.

 Bản thân họ không hề muốn và không hề nghĩ khi có gia đình, mình sẽ trở thành người đàn ông như vậy. Họ cũng luôn muốn bứt phá lên, luôn muốn mình sẽ là chỗ dựa vững chắc cho cha mẹ, vợ con, là người sẽ điều hoà tốt các mối quan hệ gia đình. Nhưng điều đó không phải ai cũng làm được và lúc nào cũng làm được mà cần phải có sự đồng lòng giúp đỡ của cả gia đình. 

*. 

VŨ THỊ HƯƠNG MAI 

Khu tập thể Tổng công ty 319 

Long Biên - Hà Nội. 

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn

 

READ MORE - NGƯỜI CHỒNG NHU NHƯỢC - Vũ Thị Hương Mai

TÌNH ĐÃ LẬP THU | HỢP HÔN NẮNG MƯA | NHẶT VÀNG LÁ RƠI - Thơ Vương Phạm Tâm Ca

Nhà thơ Vương Phạm Tâm Ca


TÌNH ĐÃ LẬP THU

Vương Phạm Tâm Ca

 

Tình ơi tình đã lập thu

Ngày ơi ngày đã sa mù giăng giăng

Lòng ta con nước vùng vằng

Bờ đau bến cạn trầm thăng đời người

 

Một chiều uống cạn phai phôi

Nghe hòn đá hát luân hồi xanh rêu

Ngàn năm đá vẫn còn yêu

Trăm năm mình lại tiêu điều sao em

 

Trái tim em đã nguôi quên

Tình nhau như lá bên thềm đang đau

Nụ hôn xưa ngỡ đậm sâu

Ơi em em đã thay màu trái tim

 

Chữ yêu mấy nổi mấy chìm

Mà cay mà đắng nỗi niềm trăm năm

Mù đêm mù cả ánh rằm

Lập thu tình đã xa xăm rồi người

 

14/8/2020 

VPTC


HỢP HÔN NẮNG MƯA

 

Hợp hôn thu nắng với mưa

Hình như em đã bỏ bùa thơ anh

Nếu không tại sao gió xanh

Không sao chiếc lá lìa cành lại vui

 

Thu em môi mắt rạng ngời

Cả tiếng chim cũng bồi hồi nhớ nhau

Nắng mưa hợp hôn nỗi đau

Câu thơ anh cưới bể dâu đời mình

 

Để nghe niệm khúc tử sinh

Để hồn thổn thức tự tình niềm hoa

Nguyệt trăng xiêm áo lụa là

Nhật tàn sính lễ ánh tà huy vương

 

Cỏ cây thơm cõi vô thường

Lòng nhau là cả muôn phương huy hoàng

Chữ tình nối giữa hợp tan

Thơ anh vẫn hát ngút ngàn lời yêu

 

Trăm năm là mấy phương chiều

Mà em rót hết tiêu điều vào anh

Mốt mai cạn nỗi niềm xanh

Bùa em anh trả muôn nhành thơ giăng

 

Quấn quýt đời nhau cát đằng

Cùng em mưa nắng mùa trăng theo về

Mồ anh cỏ vẫn đam mê

Vẫn xanh nghi ngút lời thề ngàn năm

 

16/8/2020

VPTC


 

NHẶT VÀNG LÁ RƠI

 

Anh cười khóc với câu thơ

Rồi cười khóc với vĩnh vờ nỗi đau

Mùa thu thì có gì đâu

Như ngàn năm trước lá sầu rứa thôi

 

Vẫn là mây bốn phương trời

Vẫn gió ly biệt ru lời heo may

Vẫn bàn tay nhớ bàn tay

Vẫn mưa nắng ấy đổ đầy hồn nhau

 

Giả vờ thu gãy nhịp cầu

Để em ướt mắt đêm thâu khóc thầm

Nỗi nhớ có thể ngàn năm

Mà cũng có thể chưa rằm đã quên

 

Thơ lênh đênh tình lênh đênh

Trái tim tan nát biết đền ai đây

Chín vàng trên những vòm cây

Đến tiếng chim cũng vàng bay nỗi buồn

 

Có người thả nhớ trên sông

Vớt lên từng vạt mênh mông nắng chiều

Kẽ tay sót mấy giọt yêu

Rơi rơi về phía bến hiu hắt vàng

 

Có người ngồi hát tình tang

Rồi theo mưa nắng đi hoang kiếm người

Để mùa thu lại mồ côi

Để cho hồn lá lại rơi rơi vàng

 

17/8/2020

Vương Phạm Tâm Ca


READ MORE - TÌNH ĐÃ LẬP THU | HỢP HÔN NẮNG MƯA | NHẶT VÀNG LÁ RƠI - Thơ Vương Phạm Tâm Ca