Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, January 30, 2019

NÓI VỚI MẸ - MÙA XUÂN / Thơ Trần Mai Ngân




NÓI VỚI MẸ - MÙA XUÂN

Chiều nay về con cùng ngồi với Mẹ
Con nói nhiều mà Mẹ chỉ lặng im
Khói hương bay qua năm tháng nỗi niềm
Con không khóc cho Mẹ vui trọn vẹn

Trong di ảnh mắt Mẹ nhìn xa lắm
Như mông mênh... con ở lại thế nào
Dẫu đắng cay xin vẫn lấy ngọt ngào
Trên mây trắng Mẹ yên tâm siêu thoát

Chiều nắng tắt chẳng muốn rời xa Mẹ
Đôi mắt con, đôi mắt Mẹ vẫn nhìn
Sao dưng không con lại khóc một mình
Năm sắp hết... chín Xuân liền vắng Mẹ!

Con về nhà đây- đường buồn quạnh quẽ
Dáng đơn côi con bước nốt cuộc đời
Năm sắp hết nhà mình sẽ đón Tết
Hoa đầy nhà hương tỏa mãi ngày xưa!

                                   Trần Mai Ngân

READ MORE - NÓI VỚI MẸ - MÙA XUÂN / Thơ Trần Mai Ngân

NĂM HỢI NÓI CHUYỆN HEO - Kha Tiệm Ly





NĂM HỢI NÓI CHUYỆN HEO

1. Oan ôi con heo!

Không biết lý do gì mà trong mười hai con giáp, con heo (chi Hợi) được xếp đứng sau cùng; nói theo xếp hạng trong lớp học thì gọi là “đội sổ”! Dù “đội sổ” theo thứ tự, nhưng nếu bàn vể khía cạnh bị người đời rủa xả thì trong mười một con giáp nằm trên nó, thì chưa chắc ai đã hơn ai!
Đồ ở dơ như heo; ngu như heo; ham ăn như heo, thứ mặt heo, tồi tệ hơn nữa là cái mặt như cái l… heo!  … và bao lời rủa xả khác cứ nhằm con heo mà phóng tới tấp. Có phải con heo toàn là khuyết điểm, toàn là xấu xa hay không thì xin khoan tin vội nếu quý vị chưa đọc bài nầy!
Con người có “ưu điểm” là không ưa khen ai hơn mình, và “sở trường” là hay bươi móc những khuyết điểm của ngươi dở hơn mình để đem ra làm đề tài nói cạnh nói khóe  mua vui, hoặc nếu thấy người hơn mình  thì cố tìm khuyết điểm của những người ấy, dù nhỏ như hột tiêu – mà dìm xuống, để nâng mình lên!
Con heo gần gũi với con người từ thời đồ đá nên không tránh khỏi “kiếp nạn” nầy!
Nhớ rằng trong các loài động vật thì không có con vật nào ở dơ, ăn dơ cả: loài lông vũ, lông mao chúng đều dành nhiều thời gian trong ngày để chăm sóc bộ lông của mình. Con trâu, con heo thích dầm mình trong vũng sình không phải vì chúng “ở dơ”, mà vì chúng giải nhiệt cơ thể, đồng thời để diệt nhiều loại kí sinh trùng bám trên da chúng. Sau khi “nằm vũng”, con trâu thích được chủ tắm; con heo sau một ngày bị chủ nhốt trong một không gian chật hẹp: ăn môt chỗ, ngủ một chỗ, đại tiện một chỗ, thì làm sao mình mẩy không dơ? Nếu là con người gặp trường hợp như vậy, hỏi có được sạch hay không?
Kinh nghiệm trong các trại nuôi heo cho biết: heo thường xuyên được chủ tắm, chuồng luôn trại sạch sẽ thì heo mau lớn. Vậy nói “ở dơ như heo” thì căn cứ ở điểm nào? Còn nói rằng heo ăn “cơm thừa canh cặn” uống nước phông tên, thậm chí nước vũng nước ao mà không chịu… “đun sôi, nấu kỹ” thì lại oan cho heo, bởi con người đã phán đoán heo theo tập tính của con người, mà không đặt mình vào hoàn cảnh cấu trúc tứ chi, và não bộ của heo: Não bộ chưa (hay không) phát triển cũng như cấu trúc “đôi tay” của heo thì không thể nào cầm nắm hay làm ra lửa được!
Hãy nhìn lại từ mười vạn năm trước, khi con người chưa tìm ra lửa thì lấy gì để đun sôi nấu chín? Chỗ ở, cách ăn uống của con người không hơn gì con heo bao nhiêu. Đừng nói chi, chỉ cách đây chưa được ngàn năm, người Mông Cổ chỉ tắm 3 lần trong một đời người: khi sinh ra, khi có vợ chồng, và lúc chết! Hiện tại, những bộ tộc sống vùng sa mạc, khi nước không đủ uống thì bao lâu họ mới tắm một lần? Mọi việc chẳng qua là do điều kiện sống từng nơi mà thôi!
 Con người dù không ăn chín, uống sôi vì nhờ sự tiến bộ của khoa học và bộ não phát triển vượt muôn loài. Thế nhưng có nhiều người cũng bị mắng “ăn dơ”, “ở bẩn”, tức là “ăn” bất chấp lương tri, và “ở” bất chấp tình người! Cái nào đáng nguyền rủa hơn  giữa heo và người?
Ham ăn như heo? Heo là loài ăn hỗn tạp, nhưng chủ yếu là thực vật. Với loài dùng thức ăn là thực vật thì “văn hóa ăn uống” của chúng rất nhàn nhã, thanh tao (!), khác hẳn với lối ăn… “như ăn cướp” của loài ăn thịt. Đó chẳng qua là do loại thực phẩm dễ hay khó kiếm mà thôi.  Người xưa luôn nuôi heo cùng chuồng, cho ăn cùng máng, có khi một máng ba, bốn con ăn chung; thì viêc tranh ăn cũng phải thôi! Trường hợp nầy, con người còn tồi tệ hơn!
Ngược lại, con heo có nhiều điểm mà con ngưởi cần học hỏi, đó là dám đem thân mình mà trả nợ nuôi; trong khi đó về việc nầy con người có khi “ăn xong quẹt mỏ”!
Con heo chẳng những là loài vật làm nhiều người “thoát nghèo”, bởi giàu lợn nái, lãi gà con. Còn hơn thế nữa, con heo nái lại là một kho tàng! Người xưa đã không nhìn nhận một hủ vàng chôn không bằng cái L… heo nái đó sao? Con heo lại là thước đo sự đảm đang của ngươi phụ nữ: Chăn nuôi vừa khéo vừa khôn/ Quanh năm gà lợn xuất chuồng quanh năm, và:  Gái không biết nuôi heo là gái nhác, Trai không biết nuộc lạt là trai hư!
Mía ngọt tận đọt, Heo béo tận lông. Thịt heo ngon, nhiều  dinh dưỡng nên con người thường Treo đầu heo, bán thịt chó để lừa mị người khác. A! thì ra trò dối trá nầy là con ngưởi chớ không phải heo!

Theo kinh nghiệm dân gian, Trư tiến môn, bách phúc lâm, có nghĩa là tự dưng heo từ ngoài vào nhà là điềm cát tường, gia chủ sẽ phát tài trong nay mai (trong lúc đó nếu trâu vào nhà là điềm đại hung, gia chủ sẽ tuột dốc thê thảm!). Theo tướng số thì  ngươi có “mặt heo” (ú nu, nhiều thitt) là tướng phú quí, tiền của dồi dào, hậu vận hanh thông.
Con heo còn tượng trưng cho sừ sung mãn về tiền bạc, con cái đầy đàn, làm ăn thịnh vượng. Hồi xưa người ta treo tranh heo là có ý mong muốn được như vậy.
Heo là con vật luôn có ích cho người Lợn bột thì ăn thịt ngon, Lợn nái thì đẻ lợn con cũng lời. Dù thế nào nó cũng có giá trị hơn những người vô tích sự: Nuôi con chẳng dạy chẳng răn, Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy tiền.

Nói không sợ mích lòng là, con heo có chết đi thì còn có ích cho người còn sống, ít ra là người ta được mối lợi nhuận từ thịt bán đi, chưa nói đến những bữa tiệc vui từ xác chết của mình! Còn con người khi chết đi đã tạo nhiều hệ lụy cho người sống: ma chay đình đám kéo dài, tốn tiền tốn của, lại còn để lại cho người ở lại nhiều vật vã khổ đau!

Nói toạc móng heo luôn là con heo chết đi thì phân và lông của nó là loại phân bón… “số dách” cho nhà nông; còn người chết? Hi hi, cái xác đó chỉ là mối bận tâm cho người thân mà thôi!

Như vậy, nếu con người cứ nhằm heo mà rủa thì có phải là “oan ôi… con heo” hay không?

2. Những điều cần biết thêm về heo

Heo có nhiều loại : heo thiến, heo nọc, heo nái, heo xề (heo nái đẻ nhiều lứa), heo sữa, heo thịt,…

Đồng bào miền Bắc gọi heo là lợn, nên heo nái gọi là lợn nái; heo sữa gọi là lợn sữa. Nói khác đi lợn đồng nghĩa với heo. Duy có LỢN CỢN mà nói là… HEO CỢN thì không được đó nha!

Điều thú vị là bánh da lợn xuất phát từ miền Nam, lý ra phải gọi là bánh da heo, nhưng lại gọi là bánh da lợn! Còn bánh tai heo xuất phát từ miền Bắc, lý ra phải gọi là bánh tai lợn, nhưng  lại gọi là bánh tai heo!

“Ở vùng đất thuộc hạ nguồn sông Hậungười Khmer vẫn cho rằng heo năm móng và heo ba giò là những cốt tinh lang thang của người đầu thai, nếu trong nhà có một con heo như thế thì cũng đồng nghĩa với việc nhà ấy gặp những chuyện tai ương khủng khiếp, lục đục chuyện gia đình và người ta tìm mọi cách để tống khứ. Tại Chùa Dơi còn có tên gọi khác là chùa Mã Tộc ở tỉnh Sóc Trăng là nơi chốn những con heo đặc biệt này cư ngụ, cả phần xác lẫn phần hồn. Người Khmer rất sợ heo năm móng, heo ba giò, tức là heo có tới năm móng thay vì bốn móng như bình thường. Còn heo ba giò là một chân có màu đen, một chân có màu trắng”
                                                                 (Wikipedia)

Người Hồi giáo tránh ăn thịt heo, bởi họ coi đó là con vật ô uế, ghê tởm bậc nhất. Bởi vậy khi có khách Hồi giáo đến nhà  nhớ đựng bao giờ đãi  họ thịt heo, nếu không muốn mất lòng!
  3. Ca dao thành ngữ về heo

Con heo gần gũi với con người từ thời đồ đá, cho nên nó là một trong những con vật đi vào văn chương bình dân lâu nhứt, nhiều nhứt. Trong bài nầy chúng tôi sẽ liệt kê một số ca dao thành ngữ tiêu biểu; và để tôn trọng quý bạn đọc, chúng tôi chỉ xin góp ý những câu nào được hiểu với hai nghĩa khác nhau mà thôi.

Ăn một bữa một heo, không bằng ngọn gió ngoài đèo thổi vô/ Con lợn mắt trắng thì nuôi, Những người mắt trắng đánh rồi đuổi đi/ Cám treo heo nhịn đói/ Đâm heo thuốc chó/ Đầu gà má lợn/ Lợn đầu cau cuối /Lợn đói cả năm không bằng tằm đói một bữa/ Lợn giò bò bắp/ Lợn ăn xong lợn nằm lợn béo, lợn ăn xong lợn réo lợn gầy/ Lợn đói một bữa bằng người đói nửa năm/ Lợn rọ chó thui; Lợn thả gà nhốt/ Lợn chê chó có bọ/ Lợn không cào, chó nào sủa/ Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi/ Lợn lành thành lợn què/ Lợn què đền lợn lành/ Lợn cưới áo mới (khoe đồ đẹp)/ Mua heo chọn nái, mua gái chọn dòng/ Mổ lợn đòi bèo, mổ mèo đòi mỡ/ Muốn giàu, nuôi heo nái-muốn lụn bại, nuôi bồ câu/ Nuôi lợn thì phải vớt bèo, Cưới vợ thì phải nộp cheo cho làng/ Mèo tha cục mỡ ồn ào/ Cọp tha con lợn thì nào thấy chi/ Mía ngọt tận đọt. Heo béo tận lòng/ Giàu nuôi chó, khó nuôi heo/ Hùm nằm cho lợn liếm lông/ Mượn đầu heo nấu cháo / Heo chết không sợ nước sôi/ Mắt như mắt lợn luộc/ Nói toạc móng heo/ Ruột heo hơn phèo trâu/ Trông mặt mà bắt hình dong, Con lợn có béo thì lòng mới ngon/ Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng/ Phường (tuồng) chó lợn/ Trai tơ vớ phải nạ dòng/ Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu/ Trơ trơ như thủ lợn nhìn thầy…
Ca  dao, thành ngữ, tục ngữ về heo còn rất nhiều, khó mà tải hết, xin hẹn một dịp thuận tiện.
Nhân dịp xuân về, kính chúc quý bạn nào đã đọc bài nầy (chưa đọc thì không dám chúc) được cuộc sống thư thả, con đàn cháu đống, hậu vận hanh thông, cả đời sung mãn như ý nghĩa bức tranh con heo của Đông Hồ!

Kha Tiệm Ly

Tên thật: Thái Quốc Tế
Địa chỉ: 99/5 Đinh Bộ Lĩnh, Phường 2, tp Mỹ Tho, Tiền Giang.
Điện thoại: 098 770 1952

READ MORE - NĂM HỢI NÓI CHUYỆN HEO - Kha Tiệm Ly

XUÂN TẠI SAO BUỒN?, ĐÓN XUÂN NHỚ THỜI ĐÃ MẤT - Thơ Nguyên Lạc



                              Nhà thơ Nguyên Lạc


XUÂN TẠI SAO BUỒN?

Tại sao buồn hở. tôi ơi?
Mùa xuân đã đến. không vui cùng người?
Tại vì. trời lạnh tuyết rơi
Chạm tôi. tiềm thức. lâu rồi xuân nao

Trắng ngời dáng áo lụa nào
Điếng. ai mắt liếc dao cau. đắm tình
Bàng hoàng nhịp đập con tim
Ngẩn ngơ bục giảng. dõi hình bóng ai

Đón xuân xứ lạ. đơn côi!
Tuyết rơi bông trắng. bồi hồi trường xưa
Xuân về. lời hát tiễn đưa
Hai tuần xa cách. đủ vừa nhớ thương!

Mừng xuân. khúc hát rượu mừng
"Ước mơ hạnh phúc thanh bình an vui
Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Rượu hân hoan chúc sáng trời tự do" [*]

Môi son. tròn nụ lời ca
Điếng hồn tôi đó em à. biết không?

Đón xuân. không tiếng pháo hồng
Chỉ băng tuyết lạnh. mênh mông nỗi sầu!
Xuân thu nhuộm trắng mái đầu
Thời gian ai bảo là liều thuốc hay?
..........
[*] Lời ca bài hát "Ly Rượu Mừng"  - Phạm Đình Chương


ĐÓN XUÂN
NHỚ THỜI ĐÃ MẤT

Phuơng ấy xuân về trời chắc ấm?
Nhẹ vàng hanh hạt nắng tóc nào
Con đường xuân hoa chen sắc thắm
Hay lưng  còng vai bạc khổ đau?

Xuân nơi nầy tuyết rơi bông trắng
Bạc tóc người vẫn mãi thời qua!
Sáng xuân hồng dáng ai chân sáo
Gió đong đưa dài áo lụa đào

Chim líu lo hát ca ngày mới
Niềm hân hoan hái lộc chùa nào
Nghiêng dáng ngoan nguyện cầu xuân mới
Mong tình đôi trọn vẹn dài lâu

Đêm đón xuân nơi nầy tuyết đổ!
Trắng mênh mông sầu nặng cành đời
Người góc vắng xa vời mắt khổ
Thấy đau thương dâu bể một thời!

Xuân lại đến! Đến chi xuân hỡi?
Để xót lòng cho kẻ lưu vong
Sao tìm lại được thời đã mất?
Ai hai lần cùng tắm một dòng sông? *

Đã ra đi sẽ là mãi mãi
Đến chi xuân?
Mộng chẳng bình thường!
.........
[*] Heraclitus

                   Nguyên Lạc 

READ MORE - XUÂN TẠI SAO BUỒN?, ĐÓN XUÂN NHỚ THỜI ĐÃ MẤT - Thơ Nguyên Lạc