Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, June 15, 2015

ĐỜI KHÙNG - thơ Bình Địa Mộc

Tác giả Bình Địa Mộc


bình địa mộc

đời khùng

đập tét đít con đề ra trật lất
chị buông chiều xỏa biếc giấc mơ xanh
má hồng ném thững thừ qua ngõ gạch
rêu đa tình xăm thủng gót chân sen

trưa kẽo kẹt cơ hồ tre nhún nhẩy
gió chùng chình là lụa lướt trời mây
chim quyên đổ não nùng đồng khô hạn
cạch lăn đùng lũ trẻ chạy lông nhông

thằng rể cộc nhát gừng con vợ dại
đất bán rồi cạy cục gốc mù u
nhét hạt đậu chẻ đôi vầng trăng khuyết
đợi giao mùa biến tấu khúc đồng dao

em bỏ học nửa chừng đi làm mướn
chiều quay đầu chạm cuộc rượu liêu xiêu
mảnh vườn nhỏ đẫy đùn bao số phận
vốn quê nghèo nợ khoét lỗ chân trâu

người xa xứ lâu ngày về làng cũ
giẫm tan tành bóng nắng ngã rưng rưng
tiếng tu hú nửa chừng vang đứt quãng
vắt bên đường vỡ vụn ánh tà huy

đêm lạch tạch côn trùng hoang tặc lưỡi
gốc rạ đồng ếch nhái nhảy loanh quanh
câu thơ cũ chong đèn soi tóc bạc
chổng mông lên viết tiếp chữ đời khùng!

                                                bđm


READ MORE - ĐỜI KHÙNG - thơ Bình Địa Mộc

GAM MÀU NÀO CHO EM - thơ Trầm Mặc

Tác giả Trầm Mặc


Gam Màu Nào Cho Em

                      Trầm Mặc
                      (NTB)

Bao năm rồi mãi đợi
Cây trút lá khuya rơi
Trăng tròn rồi lại khuyết
Mong mõi  một mình thôi

Người ơi! của kiếp xưa
Ngày nào chung dưới mưa
Thơm hoài  hoa tay ấy
Thương biết mấy cho vừa

Ôi! chàng họa sĩ mơ
Trong tranh kết thành thơ
Cung đàn vun vút gió
Dòng nhạc trôi lặng lờ...

Rồi một  trưa nắng Hạ
Những năm tháng ngọc ngà
Vụt về  trong ký ức
Mộng ngày xưa thiết tha!...

Nét cọ nghiêng lướt nhẹ
Mình ai ngồi lặng lẽ
Chăm chú chọn gam màu
Tưởng hình ai anh họa...

Gởi hồn theo vào tranh
Có mây trời trong xanh
Cho em gam màu nào...?
Để quên đời mong manh  

Mai sau... dù…   mai sau...
Mưa ru dẫu bạc màu
Ru mưa vẫn hoài chờ
Biển tình... ta có nhau...
                     

Tháng 6/2015
READ MORE - GAM MÀU NÀO CHO EM - thơ Trầm Mặc

THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA - thơ Phan Luận



Phan Luận
THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA
                      Tặng Xuân Dương

Có một lần về  thăm trường cũ
Cây phượng xưa thắm cả vuông trời
Tên ai khắc đầy thân nỗi nhớ
Quay quắt tìm bóng dáng bạn bè xưa

Một lần
Qua trường cũ
Cổng lặng im sân nắng cũng thưa vàng
Gót son thuở ngọc in dấu cát
Như còn rười rượi với thời gian!

Vóc thầy cô, thân bàng tỏa bóng
Cứ già đi cho xanh thẫm hồn người
Giọng nói lạc tóc vương đầy bụi phấn
Vì cây đời mãi mãi xanh tươi

Thương mến ạ, một lần về trường cũ
Mái tươi tường mới dáng nguyên lành
Bao gương mặt ngời ngời sức trẻ
Vẫn nghịch đùa muôn thuở của tinh anh

Về đi em, thêm một lần trở lại
Để ngộ thêm ra tuổi không tuổi đong đầy
Vô tư ơi tha hồ cúi nhặt
Có một người lãng đãng cuối hàng cây

                              21h 5.5.09
                                    PL


READ MORE - THĂM LẠI TRƯỜNG XƯA - thơ Phan Luận

NGÀY THƠ ẤU ƠI! - tản văn Nguyễn Đặng Mừng




Nguyễn Đặng Mừng

NGÀY THƠ ẤU ƠI!
                                                                   
      Tặng bạn bè Nguyễn Hoàng xưa.

Năm 1972,  dân Quảng Trị chạy vào Đà Nẵng, thời đó gọi là tị nạn chiến tranh. Lớp tôi con trai đi lính hầu hết, trong đó có bạn thân là D. Trong thời gian chờ nhập ngũ,  chúng tôi thường đi ngang trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng để đến trung tâm 1 trình diện hàng tuần.  Thấy bạn bè tiếp tục đi học mà buồn chi lạ. Chúng tôi, những đứa “giã từ áo trắng” thường rủ nhau đi uống cà phê, nghe nhạc giết thời gian. Không đứa nào biết đến bia rượu, thuốc lá. Một lần đi ngược chiều N, tôi đánh bạo băng qua đường tặng N tập nhạc của Cung Tiến có đề tặng câu: “Chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa” *. Tôi linh cảm đây là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. D đứng lại bên kia đường nhìn sang, mắt buồn vợi. Linh cảm về sau này không vận vào tôi mà lại là D. 
Chúng tôi có một bạn gái cùng lớp thân nhau, cả ba hơi bị "yêu yêu".  Yêu thời đó là nhìn nhau, chớp mắt và đôi khi thở dài. Cô bé có thiện cảm với  cả tôi và D. Chúng tôi cùng ở trại tạm cư, nơi doanh trại của lính Mỹ để lại. Gọi là tạm cư nhưng đôi chỗ còn cả máy lạnh. Một lần D bị sốt thương hàn, tôi hẹn với cô bạn đi thăm. Tôi đi Honda đến nhà thấy cô ấy đã mặc áo dài và hộp sữa trong tay. Lần đầu chở "người yêu", hồi hộp lắm. Vậy mà khoảng đường 5 cây số tới nhà D chẳng ai nói câu nào, sau lưng "không nghe tin tức” gì. Chắc ai nhìn thấy là ngộ lắm - Cô ta ngồi cách một khoảng "an toàn' quá mức cần thiết.
Hôm đó tôi là người độc thoại. N và D không nói gì. D nhìn tôi, không nhìn N. N lại chăm chú nhìn D, không nhìn tôi.
Tôi nói về chiến sự, kể về những trận chiến nghe từ đài BBC, những thương vong đang xảy ra ở thành cổ Quảng Trị. Khi nhắc đến ngôi trường Nguyễn Hoàng sụp đổ , những làng gần thị xã như Nhan Biều, Long Hưng, Hạnh Hoa  thành bình địa hết rồi.  D ngồi bật dậy, cúi đầu lên chiếc gối trên đùi. Mắt cả  ba đứa đỏ hoe.  Cha mẹ và hai đứa em của D đang ở ngoài đó. Chúng tôi không dám bàn gì thêm, sợ D lại buồn thêm lúc đang bệnh.
Tôi và N chia tay D, đó là lần cuối cùng D gặp N, mà theo tôi là người duy nhất D yêu, là có thể gọi là mối tình đầu. Tôi chở N về, cũng chẳng nói gì với nhau. Mùa thu năm đó mưa nhiều lắm. Ngồi trong căn phòng tạm cư, cứ mãi nhìn nhau, nhìn mưa. Nhà N không biết đi đâu cả. Hai đứa ngồi đối diện trên chiếc bàn ăn và cũng là bàn tiếp khách. Trời mưa nên tôi có lý do để ngồi với N lâu hơn. Tôi cũng yêu N chớ bộ.
N cứ nhìn chằm vào mắt tôi, mắt N ướt nhưng nghiêm trang như cô giáo, thỉnh thoảng lại liếc ra ngoài mưa. Tôi cảm tưởng như cái liếc mắt đó trôi về hướng Hòa Long, nơi có D. Hai chân tôi như thừa thãi, nó ngọ nguậy, đụng một chút vào chân N. N trừng mắt ngầm bảo đừng lộn xộn. Tôi ngoan ngoãn để yên hai bàn chân một cách "nghiêm khắc", để chứng tỏ những cái đụng chân trước đó là vô tình. Mặt tôi lúc đó chắc tức cười lắm. Rồi. Êm ái lạ thường, một cảm giác mềm mại và âm ấm trên mu bàn chân phải. Tôi sung sướng lịm người đi. Kiến bò râm ran từ đó lên tới đỉnh đầu. Tôi chăm chú nhìn vào mắt N, như uống lấy, nuốt lấy đôi mắt đen láy nhường kia, má hồng nhường kia. Tay tôi run lên thừa thãi xoa xoa mặt bàn. Xoa dần. Xoa dần như đoàn quân di hành trong đêm, lặng yên, dè dặt, đầy bất trắc phía trước. Năm ngón tay phải tiến sát mục tiêu là năm ngón  thon dài màu hồng phấn. Tôi nhẹ nhàng áp lên đó.
N đứng bật dậy, dang hết tay tát thẳng vào má tôi. Cái tát không mạnh lắm do tay N mềm quá, đủ để nóng bừng má trái tôi. Tôi chờ thêm một cái nữa như lời Chúa, hãy tát thêm cái nữa vào má phải của ta. Ha ha, là nói giốc vậy, thật tình lúc đó tôi choáng váng, sợ sệt đến chảy nước mắt. Tôi rút chân nhìn xuống gầm bàn,  đứng dậy. Thủ phạm là con mèo vàng cào vào chân  kêu meo meo. Tôi bực mình nói hậm hực: “ Té ra là mày, vậy mà ta tưởng...". Mặt N ửng hồng, lí nhí xin lỗi. Rồi khóc.
Tôi ra về, không mặc áo mưa, rú ga hết cỡ. Mưa tạt rát mặt, tôi cứ chạy dọc sông Hàn, không nghĩ mình sẽ về đâu.
Ba ngày sau, D gửi tôi cuốn sách, nhờ chuyển cho N, ấy là cuốn Ác Quỷ Trên Thiên Đàng của Henry Miller. Lật trang đầu có bốn câu thơ, chữ đẹp mà như run rẩy:
Từ độ nắng vàng trưa hôm ấy
Mở lòng cho trắng một đường mơ
Từ hẹn hoa bay ngoài ngõ biếc
Hương nào ngai ngái suốt đêm xưa.
Tôi nhớ ra rồi, cái trưa hôm ấy rồi, cái đêm xưa ấy rồi.
Cái đêm hôm ấy.
Tôi và D hẹn nhau đi chơi nhân đêm lễ Phật Đản , mùa hè năm 1970. Phật tử cắm trại bên bờ sông Thạch Hãn, bên kia bờ là Nhan Biều, làng của D. Nơi cắm trại là bãi cát trước mặt chùa Tỉnh Hội, Mỗi sáng anh em D thường qua đò ngang lên bến ấy.  Lễ Phật Đản là  ngày hội hiếm có đối với bọn tôi. Dù thời đó tiếng súng giao tranh ở các làng quê có lúc ở thị xã nghe rõ mồn một. Đêm Phật Đản những năm đó tôi không nhớ là có hiệp ước đình chiến hay không mà dân chúng vẫn đi lễ và dự trại , không phải giới nghiêm như thường lệ. Tụi tôi hẹn nhau từ sáng. Tôi đứng đợi D ở bến đò. Mùa hè nước cạn, bãi cát chạy dài ven sông. Trại đủ màu, trên mỗi trại có cờ phật giáo. Oanh Vũ mặc váy xanh áo lam, thiếu nữ  áo dài lam. Các nam huynh trưởng mặc quần sọt, đội mũ scout. Họ hát hò, chuẩn bị lửa trại.
Đò D ghé bến, hai đứa lang thang dọc bờ sông như trông chờ ai đó. Cuối bãi cát là xóm Hà, xóm của N. D và tôi cứ nhắm hướng đó mà bước. Có tiếng gọi của chị N, " Ê, hai chàng thi sĩ đi mô mà không chộ hai hết rứa, lại đây". Chị em N cũng đi chơi, xem cắm trại. Gió làm tóc họ bay che cả mặt. Dưới trăng, N dễ nhận ra với mái tóc dài nhất. Vậy là cùng nhau đi ngược lại. Tôi cố đi gần N, D lại cứ tách ra đi một mình.  Mải nói chuyện, nhìn lại D đi đâu mất, tôi chạy quanh tìm, thấy D đứng bên mé nước nhìn lung ra sông, bảo:" Mày cứ đi với N đi, tau thích đứng một mình". Chị em N đứng đợi, vậy là tôi quay lại cùng đi với họ, lòng cứ day dứt điều gì ấy. Chia tay chị em N, tôi quay lại, D vẫn đứng như thế , nhìn sông.
Hai đứa đi trở lại bến đò. Không ai nói chi. D lặng lẽ xuống đò ngang, con đò quẩy mái chèo trôi đi. Trăng rằm sóng sánh, nhấp nhóa. Tôi đứng lặng nhìn bạn, thương cảm và ân hận.
Tôi quay lại tìm N, người đông quá không thấy chị em N đâu. Gió nồm thổi miên man, áo dài một rừng vạt bay  bay chới với.  Con đò đã đến bên kia sông, rặng tre làng Nhan Biều đen thẫm, ở đó chắc D đang leo mười mấy bậc lên bờ. D có buồn không, có khóc không, ai mà biết được. Từ bến đò về nhà D là đường xóm âm u dưới tre. Có  khi D ngâm thơ cũng nên. Còn N,  có thể theo chị về hướng xóm Hà rồi. Chắc N vẫn vô tư nghĩ đến hai người bạn. Con gái có vô tư, có yêu yêu sớm như con trai? N nhỏ hơn tụi mình hai tuổi mà.
 Tôi trở lại lấy xe, muốn chạy lên cầu ga qua nhà D bằng đường bộ. Nhưng sợ. Thời đó ban đêm ai mà dám chạy qua Nhan Biều. Tôi quẹo trái về nhà, nhà tôi ở trên quốc lộ một, ngược hướng Nhan Biều.
Hôm sau không hẹn cả ba cùng đến lớp sớm. Tôi đến gần N hỏi, "sao hồi hôm về luôn à". N gật đầu, ý nhị liếc  mắt về phía D. Chàng đang đứng nhìn ra sân trường, kiểu như đang chờ ai đó. Tôi theo ra đứng với D. Nhiều  nữ sinh đẹp đi ngang lớp tôi, có mấy cô hoa khôi của trường nữa. Mãi sau này tôi chưa thấy cô nữ sinh nào đẹp như Thảo lớp 10A3. Đẹp mong manh như sương, lại mũm mĩm như búp huệ trắng muốt. Có đứa đếm một hai một hai theo bước Thảo, tội nghiệp cô bé cứ ríu cả chân.Tụi tôi hay đứng ngắm các cô, thời đó gọi là "nghễ". Tôi nhìn vào lớp thấy N đang úp mặt xuống bàn, trên đôi tay khoanh lại.
Thầy X dạy tiếng Anh, còn trẻ mà mặt lúc nào cũng khó đăm đăm. Thầy đang ưu thời mẫn thế. Lớp tôi gần một sân bay trực thăng dã chiến. Mỗi lần máy bay hạ cánh là hai mươi phút thầy trò  ngồi yên nghe tiếng động ầm ào, có lúc bụi khói còn bay cả vào lớp học. Sân bay mấy tuần nay ngày nào cũng thế, có khi cả buổi sáng chẳng học hành gì. Mỗi lần dứt tiếng động là thầy X lại một phen chửi Mỹ, chửi chính quyền miền Nam. Học trò tụi tôi, dù nhỏ đã có chính kiến. Một số thích kiểu phản chiến, là mode thời đó bằng những bản nhạc do một nữ sinh tập như bài Tuổi trẻ VN. Tôi nhớ một đoạn như sau:
Tuổi trẻ Việt Nam là hầm hố chông gai
 Mắt đăm đăm nhìn những xóm thôn lửa vùi
Sáng mai nào nhìn đoàn quân qua đầu núi
Nghe trong lòng một nỗi ngậm ngùi.
Tôi, THN, TV, QT lại thích nhạc Phạm Duy. Văn nghệ trường tập hợp ca Mẹ Trùng
Dương, hát ba bè, xúc động lắm. Chúng tôi yêu nước một phần từ những bản nhạc như thế.
Trận Hạ Lào được gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719. Từng đoàn xe nhà binh nối đuôi nhau chạy về hướng Đông Hà. Trên trời máy bay đủ loại gầm rú lao về hướng tây. Nhà tôi ở trên Quốc lộ một, đêm ngày chứng kiến không biết bao nhiêu là xe với nhiều sắc lính . Những khuôn mặt sạm nắng buồn bã nhìn xuống  đồng bào đứng hai bên đường đưa nón vẫy. Có khi gặp cả người thân chạy lúp xúp theo gửi gói quà, hay vẫy tay đứng khóc. Họ đang cùng đi đến chỗ chết, một nơi xa lạ không tên nào đó về hướng đường 9 Nam Lào.
 Rồi mùa hè 1972, mùa đỏ lửa. Chúng tôi trôi dạt người một phương. Tạm cư, đi học đi lính. Chiến tranh đóng sập cửa về ngày thơ.
D mất ở miền Tây. Tôi nhận được tin từ một thư gửi D bị trả lại, ngoài bì có chữ “đương sự đã tử trận”. Cao nguyên mùa đông lạnh buốt, gió từng trận lật phật lá thư trong tay. Vậy là thêm một bạn tóc xanh ra đi vĩnh viễn. Nhớ câu thơ của D:
  Ngày mai qua cuộc phong trần
 Tàn phai giọng bướm một lần sang sông.
 Đêm đó tôi mơ thấy nhiều cánh bướm bay về, có cả giọng kêu than của loài bướm biết khóc, nhấp nhóa loang loáng mặt sông Thạch Hãn, nơi giấc mơ cả hai đứa chưa với được bao giờ. Bật dậy tôi viết:
Hoa nửa mùa xuân rụng hết rồi
Mời em về giữa cõi trần ai
Nửa đêm đom đóm sầu đôi cánh
Rớt giữa rừng mơ tiếng thở dài.
Cánh bướm ma quái thường về thăm tôi, không nên thơ như giấc mơ tuổi nhỏ.
Những năm gần đây điều kiện sống có khá hơn, lớp chúng tôi thường tổ chức họp mặt. Ngạc nhiên là con trai đứa nào cũng nhớ từng chi tiết về kỷ niệm, con gái thì hay quên. Tôi đùa, “Các mệ lẩn rồi’.  Qua đây tôi cũng xin các bạn nữ thông cảm về cái tên N tưởng tượng của tôi và D. Chúng tôi thường gọi một bạn gái nào đó có cảm tình đặc biệt là Nàng, gọi trại ra là Nường, Nường Thơ, chỉ để làm thơ thôi. Và tất cả các bạn có quyền tưởng mình là một nường nào đó, N nào đó, trong thơ, tuổi thơ chúng mình. Như mỗi lần Thu Vàng hát Những Ngày Thơ Ấu.
                                                     
*Lời trong bài Hoài Cảm của Cung Tiến.
  
                                                                NĐM






READ MORE - NGÀY THƠ ẤU ƠI! - tản văn Nguyễn Đặng Mừng

MÙA ME THAY LÁ - thơ Hồng Tâm

  



MÙA ME THAY LÁ

Anh ơi mùa me thay lá
Bảy mùa em nhớ khôn nguôi
Chiều nay mưa giăng ngập lối
Còn thương còn nhớ một người 

Nội ô một chiều mưa ấy
Trên con đường xưa lá bay
Nụ hôn đầu cầm tay mãi
Ấm nồng đôi mắt trao ai 

Hàng me đang mùa thay lá
Nhớ người lúc trước chia tay
Dòng thời gian lăn bánh mãi
Bên kia có nhớ nơi này ?

Còn đâu khoảng trời thơ mộng
Đâu còn ánh mắt trao Anh
Bảy năm dài tình xa lắm
Hàng me cứ thế mãi xanh

HỒNG TÂM 
(Lý Thị Minh Tâm - Bến Cầu - Tây Ninh)
lyminhly456@gmail.com


READ MORE - MÙA ME THAY LÁ - thơ Hồng Tâm

MƯA VÀNG NỖI NHỚ - Chùm thơ Trúc Thanh Tâm





Chùm thơ Trúc Thanh Tâm

MƯA VÀNG NỖI NHỚ

Buổi chiều em chẳng bên ta
Mưa vàng nỗi nhớ lạc xa biển hồn
Cà phê đá lạnh môi hôn
Vẽ vòng khói thuốc cô đơn khung trời

Nhìn đời gác cánh tay xuôi
Hăm ba năm thấy tuổi đời già hơn
Sài Gòn lạc bến Thủ Thiêm
Và ta tự hỏi, đã quên được gì ! 


BÀI TÌNH CHO MAI NẦY

Anh về cúi mặt riêng anh
Mà nghe dâu bể vây quanh đời mình
Lòng trần còn nợ câu kinh
Duyên nhau vướng lại khúc tình tự yêu

Mỹ Tho bay lá me nhiều
Cho đêm mộng vẫn cheo leo đỉnh hồn
Mắt em còn đó dỗi hờn
Cần Thơ anh với nỗi buồn thiên thu !

TTT
( Lục Bát Thời Yêu Em Em - 1972 )


READ MORE - MƯA VÀNG NỖI NHỚ - Chùm thơ Trúc Thanh Tâm

YÊU MUỘN - Chùm thơ Đặng Xuân Xuyến





YÊU MUỘN
Chùm thơ Đặng Xuân Xuyến


NÍU XUÂN

Anh bảo thằng này ngớ ngẩn
Chị lườm rõ thật em tôi
Hoa tàn rồi hoa lại nở
Trăng khuyết rồi trăng lại tròn
Chỉ mình em tôi dớ dẩn
Vít mây bẻ gió kết thuyền...

Sớm nay Xuân về qua ngõ
Tay bế tay bồng rất vội...
Cây si già thêm mấy tuổi
Níu xuân đợi đến bao giờ...


Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2013
                          ĐXX

 
CHỚM GIÀ

Mình già rồi anh nhỉ
Thời gian thế mà nhanh
Mới vài chuyện loanh quanh
Tóc đã pha màu bạc.


Em lặng nhìn nơi khác
Tiếng thở dài nén sâu
Như gom cả trời ngâu
Mưa phủ dầy lấp lối.

Ngập ngừng anh bối rối:
- Nói già nghe sao được
Chỉ là không như trước
Da sạm màu hơn thôi.

Em khẽ mím đôi môi
Mắt thôi nhìn nơi khác
Giọng thoảng nghe khang khác:
- Mình già rồi mà anh...

Hà Nội, ngày 23 tháng 01 năm 2014
                        ĐXX


HOA NHÀI
                     - Mến tặng H.H.Ph -

Lần đầu đến thăm tôi
Cô mang theo một đóa hoa nhài
Hoa bình dị
Tôi mỉm cười
            Nhìn mây bay
                                Hờ hững.

Rồi lần sau
Cả những lần sau
Cô không mang thay đổi sắc màu
Vẫn bình dị những đóa nhài nho nhỏ
Và tôi cười
                Hờ hững ngó mây trôi.

Rồi một chiều cô không đến thăm tôi
Một ngày đông hoa nhài không nở
Tôi ngơ ngẩn bên thiếp hồng để ngỏ
Ngó mây trời tôi đếm bâng quơ
Tôi trách cô vội bước sang đò
Không thương nhớ những cánh nhài nho nhỏ
Thấm trong tôi hương nhài nỗi nhớ
Tôi trách mình hờ hững ngó mây trôi.

Đại học Văn Hóa Hà Nội 1990
                   ĐXX


EM

Ta gạ em cạn chén
Thế là em cạn ta
Nửa đời ta trễ hẹn
Em nồng nàn đốt ta.

Run rẩy, em ghì ta
Quấn vào ta hoang dại
Thẫn người, ta ngây dại
Uống em từng giọt say.

Trời đất như cuồng say
Ngả nghiêng theo nhịp phách
Nửa đời trai trinh bạch
Em nhuộm ta ngả màu. 

Hà Nội, đêm 21 tháng 01 năm 2015
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
READ MORE - YÊU MUỘN - Chùm thơ Đặng Xuân Xuyến

CHÉN MỸ NHÂN - thơ Trần Hữu Khả



CHÉN MỸ NHÂN

Để được là kẻ đa tình vạn kỷ
Ta chung thân làm hạt bụi khổ sai
Son phấn giữa đời mù lòa gặt hái
Hải vị sơn hào chiêu đãi hư không
Thiên hạ mỹ nhân cao xa lồng lộng
Sắc nước hương trời ân sũng chọn ai
Một nét nghiêng thành ngàn lần rồ dại
Một nửa nụ cười một vạn giấc mơ
Má phấn ngẫn ngơ ta tìm gán nợ
Nghiệp báo ngày ngày khăn gói ra đi
Quãy gánh rong rêu theo hầu mông mị
Vạn lý mỏi mòn phấn lạc hương sa
Bản án thất tình mềm lòng cầu tạ
Tầm gởi gông cùm chăn gối u mê
Vết sẹo để dành nghêu ngao hiến tế
Mua sắm đèo bồng ngồi đếm không may
Từng giờ đuổi bắt từng giờ trốn chạy
Cám dỗ ngọt ngào thòng lọng đong đưa
Chiêm ngắm ngất ngây sầu lên bức tử
Cung chúc giai nhân độc dược cạn ly

TRẦN HỮU KHẢ

2015
READ MORE - CHÉN MỸ NHÂN - thơ Trần Hữu Khả

RƯỢU TRI KỶ - Hoàng Anh 79





RƯỢU TRI KỶ

Tao với mày lâu lắm rồi không gặp
Gặp nhau đây rượu đế uống vô 
Nhưng nói trước không bàn về chính trị
Lỡ nhậu say sưa nói bậy ở tù

Chuyện ngày xưa hai thằng học chung lớp
Cùng yêu thương mơ tưởng đến giai nhân
Tình mới lớn nên tình như sương khói
Nghĩ cuộc đời là “Sắc sắc không không”

Nhấp cạn ly, cho ấm lòng tri kỷ
Ai tha hương không nhớ khói quê nhà
Mày nghĩ gì xa xôi nơi đất Mỹ
Họ giàu sao không chiếm Hoàng Sa?

Mày may mắn bước vào trường đại học
Nhưng lỡ thời nên chẳng được làm quan
Tao đất khách chạy gạo ngày hai buổi
Đời đau thương tao thấu cảnh cơ hàn

Uống ly nữa nhớ thời mơ ước lớn
Thằng mê Lê Lợi đứa thích Quang Trung
Nguyện trong lòng chết không bán nước
Ũa, sao mày nước mắt chảy rưng rưng

Vô ly nữa cho mát trời ông địa
Mừng tụi mình sống được mấy mươi năm
Trận chiến chưa tàn sao mày kê tán
Già đầu rồi mà cứ vẫn ăn gian !

Ngày 12/6/2015
Hoàng Anh 79


READ MORE - RƯỢU TRI KỶ - Hoàng Anh 79

ÂM THANH BIỂN - thơ Trường Hải Lê Văn Đông






ÂM THANH BIỂN
                   
Đến với biển có bao điều kỳ diệu      
Trước mênh mông vô tận của đất trời.          
Âm thanh biển là cung đàn muôn điệu          
Cứ ngân vang khắc khoải cõi lòng người !    
Trên bãi biển lắng lòng nghe tất cả    
Dưới bàn chân tiếng cát trở xôn xao 
Gió trên đầu hàng phi lao vi vút        
Oàm oạp nối nhau con sóng xô bờ.   
Bãi biển mùa hè người về chật kín    
Đủ sắc màu, tiếng nói mọi miền quê  
Sóng bạc đầu ngoài khơi xa trắng xóa 
Dội ì ùng như tiếng súng thần công.  
Những con sóng nhắc một thời vang bóng    
Trận chiến Bạch Đằng, hải đội Hoàng Sa…  
Sóng vỗ mạn những con tàu không số           
Vượt trùng khơi về cập bến quê nhà 
Ngư dân biển tiếng hát hòa trong gió  
Bản tình ca cuộc sống mặn mòi hơn.   
Đêm trăng sáng rảo trên bờ cát mịn     
Lời tình nhân thề hẹn biển keo sơn.    
Sâu thẳm tâm can nghe hồn biển vọng            
Những linh hồn đã bám biển vong thân           
Nơi đất tổ nhớ thương thờ mộ gió      
Để người về bớt lạnh lẽo cô đơn.        
Gió ơi gió góp âm thanh cùng biển      
Sóng sóng ơi dào dạt mãi muôn đời    
Tàu thuyền ơi đi về cùng biển rộng      
Dâng tặng cho người giai điệu biển khơi.
           
Đỉnh Sơn , 10/6/2015 

Trường Hải Lê Văn Đông
READ MORE - ÂM THANH BIỂN - thơ Trường Hải Lê Văn Đông