|
Nhà văn Lê Hứa Huyền Trân |
NGƯỜI CHA BẠC VÀ NGƯỜI MẸ CÂM
Truyện ngắn
Lê Hứa Huyền Trân
Cho tới tận bây giờ có lẽ chưa bao giờ Hương thôi hận ba.
Con người ta dễ dàng bước qua cuộc đời nhau rồi cũng dễ dàng rời đi như chưa từng
có tình nghĩa, đó là bài học mà Hương học được từ chuyện tình của ba mẹ mình.
Thực ra người ta đến với nhau là bởi duyên và ở bên nhau là bởi phận, nếu không
thể trọn vẹn tình cảm cho đến cuối đời thì chia tay cũng là lẽ tất nhiên, nhưng
nếu đơn giản và dễ thường đến vậy thì có lẽ Hương vẫn tin yêu ba như sự ngưỡng
vọng Hương giành cho mẹ. Nếu không vì người mẹ của Hương bị câm sau một tai nạn
và chỉ ít lâu sau tai nạn đó, ba Hương bỏ mẹ Hương mà lấy vợ khác… Hương ở với
ba và chỉ cuối tuần mới về thăm mẹ vì mẹ không có điều kiện nuôi dưỡng Hương.
Tai nạn ấy không chỉ cướp đi tất cả của mẹ Hương mà đến cả gia đình nhỏ bé của
Hương cũng tan vỡ.
Ông Hạnh là một người đàn ông khá cao to, chắc nịch và đậm
thước. Ông khoảng năm mươi, và mười năm trước gia đình ông chịu biến cố lớn khi
vợ ông bị tai nạn và sau đó không nói được nữa. Một năm sau đó, ông li dị vợ và
cưới một người đàn bà khác về chăm con, vì con lúc ấy mới lên tám, hãy còn quá
nhỏ, còn ông không đủ sức trông nom nó. Đã lâu rồi ông và con gái không nói
chuyện, lần cuối con gái ông nói một câu có nghĩa nào đó với ông là hơn mười
năm trước, khi mẹ nó vác vali ra khỏi nhà, nó đã chạy theo í ới và nhìn ông đầy
cay đắng:
-Con ghét ba, trên đời này, người con ghét nhất là ba.
Đó dường như là “câu có nghĩa” duy nhất Hương nói với ba,
sau này,vì vẫn ở chung một nhà cũng chỉ “vâng, dạ” hoặc nói những câu vô nghĩa cho qua ngày đoạn tháng.
Hương bước ra cửa, khoác chiếc balo lên vai, miệng buông một câu nói hững hờ:
-Thưa ba, con đi.
Thưa dì, con đi.
Ông Hạnh không nói gì, châm điếu thuốc hút, chỉ có bà Chi đứng
dậy túc tắc tay xách nách mang gói ghém ít đồ rồi luôn miệng dặn : "Mẹ có gói
ít đồ cho mẹ con, kêu bà ấy chưng cái này cất vô tủ rồi ăn nghen con.” Đáp lại,
Hương chỉ hững hờ: "Con biết rồi, thưa dì.” Bà Chi thoáng chút buồn trên gương
mặt rồi cười đóng cửa cho Hương, bà chậm rãi bước vào nhà: "Con nó vẫn chưa gọi
tôi là mẹ, mình à.” Ông Hạnh nhìn xa xăm vào một khoảng không đằng hắng, ông chậm
rãi khoác cái áo lên người chuẩn bị đi làm, rồi như sực nhớ gì, ông quay lại: "Nãy mình có gói ít tiền?” "Có, tôi có gói để ở cuối đãy cho bà ấy.”
Hôm nay,
Hương về thăm mẹ.
Bà Dơn thấy con gái vội túc tắc chạy ra đón, Hương hơi cúi đầu
rồi đưa đầu mình về phía mẹ, bà Dơn hơi sựng lại rồi bật cười như chợt hiểu ra,
bà đưa tay xoa nhẹ đầu con. Từ bé đến giờ, cứ mỗi lần Hương “ngoan” là bà Dơn
lại xoa đầu, bởi thế, theo như một thói quen khi xa mẹ, Hương khát khao, khát
khao được tình thương và lời khen của bà Dơn như ngày ấy.
-Con nấu cơm cho mẹ ăn nhé? Hôm nay con qua trưa quá, để mẹ
đợi rồi.
Bà Dơn gật gật đầu rồi đưa tay lên ba ngón. Ý chỉ nấu phần
ba người. Lần nào bà Dơn cũng dặn nấu phần ba người nhưng Hương không nghĩ ngợi
gì, đối với đứa con gái xa mẹ tuần gặp một lần, việc mẹ ăn được đã là điều hi vọng
lắm.
***
-Hôm nay là thứ hai, mày không có đi đâu hết. Chẳng phải hôm
qua mày đã gặp bà ấy rồi sao?- Ông Hạnh hét thật to khi nghe Hương chuẩn bị qua
thăm mẹ.
-Dạo này trời nắng to, con sợ cơm hôm qua thiu, tay chân mẹ
lại đang khó ở, không thuận cơm được.
-Bả có tay có chân thì còn tự làm được, nếu không tự làm được
thì bỏ nhà mà đi làm gì?
Hương uất ức nhìn ông Hạnh, nhìn cả bà Chi đang khúm núm bên
cạnh người chồng gia trưởng của mình. Bà Chi nhìn đôi mắt chực ngấn nước của
Hương nói nhẹ với ông Hạnh:
-Hay giờ để tôi gọi qua đó rồi để cái Hương nó qua thăm. Nó
lo cho mẹ nó…
Ông Hạnh hất văng cả chén cơm xuống đất:
-Tôi đã bảo không đi đâu hết là không đi. Mày có muốn đi thì
mày ra khỏi nhà này luôn đi. Còn mình, mình còn hùa theo thì dọn đi cùng nó.
Hương ngửa cổ lên cho nước mắt khỏi chảy ra và cắn chặt môi
cho khỏi bật ra thành tiếng đến độ môi rướm máu. “Ông ấy có phải là ba mình
không? Có phải là người từng yêu thương mẹ không? Sao có thể bạc bẽo với bà đến
vậy? Sao chỉ cho hai mẹ con tuần gặp nhau một lần? Thật quá đáng. Thật gia trưởng.
Hương không thể hiểu nổi ông Hạnh, một người đàn ông lúc nào cũng lầm lì khó chịu,
nhất định cấm tiệt việc Hương qua thăm mẹ, và đặc biệt mỗi khi Hương có ý định
qua thăm trái ngày với ngày đã định là thể nào cũng sẽ làm ầm lên nhiếc mắng
không tiếc lời. Dù cho ai ngăn cản hay năn nỉ tuyệt nhiên ông cũng không cho,
chỉ lầm lì và đưa ra một quyết định. Không lẽ con gái muốn đến với mẹ mình cũng
nỡ ngăn cản hay sao?
“Không ai có thể ngăn mình đến thăm mẹ được”. Nghĩ vừa dứt,
Hương đứng dậy xếp đồ định bụng qua nhà mẹ. Ngay khi vừa bước xuống nhà mẹ, Hương như không thể tin vào mắt mình: Mẹ đang ngồi ăn cơm vui vẻ với một người
đàn ông nào đó lạ mặt, hai người giành cho nhau cử chỉ giống hệt vợ chồng. Vừa
thấy Hương. Chiếc bat rơi. Đũa buông. Nước mắt giàn giụa và có thứ gì đó vụn vỡ.
-Chú là mối tình đầu của mẹ cháu. – Người đàn ông cất lời để
phá tan bầu không khí im lặng của ba người. – Ngày trước chú và mẹ cháu yêu
nhau, rồi chú đi lính, bặt tin, ở nhà ông ngoại ép gả mẹ cháu cho ba cháu bây
giờ. Những tưởng chấp nhận số phận thì mẹ cháu bị tai nạn, lúc bấy giờ chú vội
đến…
-Nhưng mẹ lúc đó đã có ba rồi mà… Nhưng ba bảo do ba đuổi mẹ
đi?
-Thực ra do ba cháu không muốn cháu hận mẹ vì mẹ bỏ đi nên
nói thế.- Bà Dơn cúi đầu im lặng, nước mắt chấm môi, người đàn ông lau nước mắt
cho bà rồi tiếp lời- Khi mẹ cháu và chú gặp lại nhau, ở giờ phút sinh tử, mẹ
cháu đã nói với ba cháu muốn sống quãng đời còn lại cùng chú…
Hương bàng hoàng như súng bắn bên tai, đôi chân rệu rã muốn
đứng dậy chạy đi nhưng không thể. Mọi thứ của giây phút ấy như ngừng lại. Cái điều mà
người ta tin tưởng bấy lâu, dựa vào đó mà sống, mà xử sự bỗng chốc phát hiện sự
thật đảo ngược hoàn toàn, gần như mục đích sống ban đầu thực đã mất hoàn toàn rồi
vậy. Bà Dơn đấm thình thịch vào ngực và nước mắt giàn giụa bấu lấy tay Hương
như muốn nói lời xin lỗi: "Mẹ xin lỗi, là mẹ đã bỏ con mà đi. Là mẹ ích kỉ sống
cho riêng mình. Là mẹ đã năn nỉ ba đừng nói sự thật và không muốn con ghét mẹ….”. Thì ra đó là lí do ông Hạnh luôn không cho
Hương đi thăm mẹ khác ngày vì sợ Hương thấy cảnh bà Dơn và người đàn ông khác sống
chung với nhau.
-Chú, vậy còn dì Chi?
-Dì ấy là bạn thân của mẹ cháu, dì ấy thương anh Hạnh, lại
phận không chồng nên thuận về ưng anh Hạnh để chăm cháu.
Hương đỡ mẹ lên ôm lấy bà. Khi người ta gặp cú sốc thứ nhất,
người ta hoang mang không biết phải làm gì, không biết cư xử như thế nào, không
biết điều chỉnh hành vi của mình dù biết là sai trái. Khi người ta gặp cú sốc
thứ hai, như đã quen, người ta bỗng sững lại, nhìn nhận mọi thứ một cách trưởng
thành hơn. Hương cũng thế. Cô nhìn mẹ và nhìn người đàn ông bên cạnh:
-Mẹ yêu chú ấy chứ? Mẹ có hạnh phúc không?
Bà Dơn gật đầu. Hương mỉm cười:
-Con vẫn là con gái của mẹ mà.
Hương về đến nhà, vừa về đến đã thấy ông Hạnh ngồi đốt thuốc
ngay cửa. Ông nhìn Hương im lặng không nói gì, chỉ quắc:
-Vào ăn cơm đi.
Thì ra bấy lâu nay ông ôm tất cả vào mình, chịu đựng tất cả
vì ông thương bà Dơn nhiều hơn chính bản thân mình. Chấp nhận để con gái ghét
mình vì không muốn nó ruồng rẫy mẹ. Hương lại ngẩng đầu lên để ngăn nước mắt chảy
ra. Có những thói quen sẽ phải bắt đầu lại từ đầu dẫu biết là rất khó, nhưng cứ
từ từ… chắc được. Hương quay đầu lại nhìn ông:
- Con biết rồi, ba. Ba ra ăn cơm với con luôn nhé.
Rồi như
sực nhớ điều gì, Hương gọi với: -Mẹ Chi, Mẹ cũng lên ăn cơm với con này.
Tác giả: Lê Hứa Huyền
Trân
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định
Email: Phongtruongtu201@gmail.com