Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, November 3, 2022

THƠ, HOA & NGƯỜI (2) – Thơ Nguyên Lạc




HOA
 
- Khi vui hay khi buồn, hoa luôn luôn là bạn trung thành của ta. Ta ăn uống, ta ca vũ, ta ve vãn đùa cợt với hoa. Ta kết hôn, làm lễ rửa tội với hoa. Ta không dám chết mà không có hoa. Ta thờ phượng với Bách hợp, ta mặc tưởng với Sen, ta bày trận với Hồng với Cúc. Ta lại còn muốn nói bằng ngôn ngữ của hoa. Không có hoa, làm sao ta có thể sống được?  (Trà Đạo / Chado - Okakura Kakuzo)
 
HOA TRONG U MỘNG ẢNH CỦA TRƯƠNG TRÀO
 
Trương Trào tự Sơn Lai, hiệu Tâm Trai và Trọng Tử, người tỉnh An Huy, sinh năm 1650 (năm Thuận Trị thứ tám, đời Thanh), không rõ năm mất. Ông sáng tác không nhiều, trong đó nổi tiếng nhất là “U Mộng Ảnh” (bóng mờ trong cõi mộng). U Mộng Ảnh chỉ là một tập sách nhỏ gồm 222 mục gồm những cách ngôn đầy thi vị trong văn phong bay bướm của Trương Trào, phác họa ra một thế giới thơ mộng được nhìn qua đôi mắt tài hoa của một nghệ sĩ lớn, và nó đã làm say mê nhiều thế hệ văn nhân thi nhân Trung Quốc.



Trương Trào viết về hoa:
 
"Trong thiên hạ có được một người tri kỷ, thì có thể không còn ân hận gì nữa. Đâu phải chỉ có con người mới thế, mà cả vật cũng vậy. Như cúc lấy Uyên Minh 1 làm tri kỷ, mai lấy Hòa Tĩnh 2 làm tri kỷ..."(Thiên hạ hữu nhất nhân tri kỷ, khả dĩ bất hận. Bất độc nhân dã, vật diệc hữu chi. Như cúc dĩ Uyên Minh vi tri kỷ; mai dĩ Hòa Tĩnh vi tri kỷ...)
                                   (U Mộng Ảnh - Trương Trào)
.............

Giải thích:
 
1. Cúc lấy Uyên Minh làm tri kỷ:

Đào Tiềm, hiệu Uyên Minh, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, trả áo từ quan về vui cảnh điền viên. Có bài "Quy khứ lai từ" rất nổi tiếng: "Ta há có thể vì năm đấu gạo mà phải chịu khom lưng, vái chào bọn con nít quê mùa ấy sao! (Ngã khởi năng vị ngũ đấu mễ chiết yêu, hướng hương lý tiểu nhi!)”
Ông sống thanh cao, và rất yêu hoa cúc, làm nhiều bài thơ về hoa cúc. Trong bài thơ Ẩm tửu có các câu:
 
Thu cúc hữu giai sắc,
Ấp lộ xuyết kỳ anh,
Phiếm thử vong ưu vật,
Viễn ngã di thế tình.
 
(Cúc mùa thu sắc đẹp,
Ủ sương, điểm nét tươi,
Nhẹ trôi trong chén rượu,
Khiến ta quên sầu đời.)
 
Mùa thu, uống chén rượu ngâm hoa cúc, nhìn hoa cúc nhẹ trôi trong chén rượu, đủ để lâng lâng quên hết sầu đời. Gọi rượu là cúc vong ưu vật (vật khiến ta quên lo buồn) cũng đủ để cực tả cái tình đối với hoa cúc.
 
2. Mai lấy Hòa Tĩnh làm tri kỷ:

Lâm Hòa Tĩnh tức Lâm Bô, nhà thơ đời Bắc Tống, được gọi là “Tây Hồ ẩn sĩ”. Ông sống một mình ở Tây Hồ, nuôi hạc trồng mai, và thường bảo lấy mai làm vợ, lấy hạc làm con. Bài thơ “Sơn viên tiểu mai”, với hai câu được xem là thần cú, đã gắn liền hình ảnh nhà thơ ẩn dật với cành mai.
 
Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển,
Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn.
(Nước soi nghiêng bóng mai gầy,
Dưới trăng, hương nhẹ thoảng bay trong chiều.)
 

HOA PHONG LỮ
 
Hoa Phong lữ
 
Hoa Phong lữ - hay có người còn gọi là hoa Phong lữ thảo, Thiên trúc quỳ - tên khoa học là Geranium: xuất xứ từ chữ Hy Lạp “geranos” nghĩa là con sếu, vì trái của loại cây này trông tương tự như mỏ con chim sếu.
 
Hoa Phong lữ thường nở hoa đầu mùa xuân và kéo dài cho đến mùa hè.
Hoa Phong lữ có nhiều màu sắc rực rỡ khác nhau, mỗi màu ẩn chứa một ý nghĩa đặc sắc:
- Hoa màu trắng tượng trưng cho sự tinh khôi, trong sáng, thuần khiết của người con gái
- Hoa màu tím của hoa tượng trưng cho sự u uất, nỗi buồn khó nói của người con gái khi tình yêu tan vỡ, hoặc khi yêu đơn phương một ai đó
- Hoa màu sẫm: Biểu tượng cho sự u sầu
- Hoa màu hồng: mang ý nghĩa tượng trưng cho tình yêu đẹp đẽ, lãng mạn, ngọt ngào của các cặp đôi khi yêu nhau.
- Hoa màu đỏ tươi: Biểu tượng của sự an ủi, vỗ về v.v...
 
Phong lữ cũng có thể là phong ba lữ thứ trong thơ
 
 
THƠ VỀ HOA

 
Phong Lữ
 
Chiều xuân muộn
Phong lữ hoa nở chậm
Hồng môi người tha thiết hương hoa
Gió nhẹ thôi!
kẻo... rung cánh vỡ
Sương nhẹ thôi!
đủ cánh hồng òa
 
Đời lữ thứ
buồn
nghe ngực nhói
Khu vườn xưa vẫn biếc nụ tầm xuân?
Ngày hè cạn thu về cùng lá khẽ
Chiều lam dương
Vời ngất ngất thu không!
 
Nhung nhớ sáo diều bên trời lượn
Thương mành tơ
nối mộng đôi bờ
Cô lữ chiều thu sầu phong lữ
Môi đắng hoài mơ ước mộng đầu!
 
Tha hương phong lữ hồn Phong lữ
Biết đến khi nào gặp lại nhau?
 
                                         Nguyên Lạc
 
......
 
Nguồn: U Mộng Ảnh - Trương Trào, Huỳnh Ngọc Chiến dịch và chú thích trên Talawas

READ MORE - THƠ, HOA & NGƯỜI (2) – Thơ Nguyên Lạc