Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, October 15, 2017

TÂM SỰ MỘT NGƯỜI LÀM THƠ / MỘT THUỞ YÊU NGƯỜI - Thơ Trúc Thanh Tâm

Tác giả Trúc Thanh Tâm


TÂM SỰ MỘT NGƯỜI LÀM THƠ

     (Tặng tất cả bạn bè của tôi.)

 Tôi đem đốt lá un đời
 Khói bay theo gió ra ngoài không gian
 Xin gì qua mấy nén nhang
 Trời ơi, có hiểu dân đen dưới đời

 Tôi buồn, tôi tế sống tôi
 Dù không nhạc lễ cũng cười, ăn năn
 Mai kia bỏ cuộc tình trần
 Thiên đàng, địa ngục ai cần... cứ đi 

 Dân tôi họ sống được gì
 Những lời hứa rỗng cứ ì ạch quên
 Rách rồi vá lại rách thêm
 Niềm tin sao cứ đốt đèn tìm nhau

 Dối lừa cả những nỗi đau
 Hư vô còn vết chém nào tặng ta
 Đời còn lắm quỷ nhiều ma
 Em ơi, mình sống thật thà, dễ không ?

 TRÚC THANH TÂM
 (Châu Đốc)



  
 MỘT THUỞ YÊU NGƯỜI

 Lệ nào trong tách cà phê
 Lệ nào trong ngõ ngách quê nhà mình
 Hoàng hôn rồi lại bình minh
 Vậy mà bóng tối cứ rình rập ta

 Nỗi đau sao quá thật thà
 Nhìn đời nào khác bãi tha ma buồn
 Bên trời tiếng Vạc ăn sương
 Còn nghe tiếng Quốc gọi hồn bể dâu

 Ngàn năm còn một nhát dao
 Trái tim hóa đá vẫn trào máu tươi
 Ta đi tìm lại nụ cười
 Dã tâm ai khóc một trời tóc tang

 Trời quê mưa gió phũ phàng
 Đêm nay ai dạo cung đàn cố nhân
 Tìm về góc khuất xa xăm
 Ta nghe từ thuở chung thân yêu người !

 TRÚC THANH TÂM

 (Châu Đốc)
READ MORE - TÂM SỰ MỘT NGƯỜI LÀM THƠ / MỘT THUỞ YÊU NGƯỜI - Thơ Trúc Thanh Tâm

Ký sự Bắc Lào, phần 2: XIÊNG KHOẢNG MỘT CHIỀU TRÔI - Chế Cẩm Đình




KÝ SỰ BẮC LÀO
PHẦN HAI: 
XIÊNG KHOẢNG MỘT CHIỀU TRÔI

Đường nghiêng trên triền núi
Gặp hoa đào giữa thu 
Hồn người nơi viễn xứ
Thấm ra vài giọt thơ

Rời cửa khẩu lúc hai giờ chiều, xe bắt đầu đi vào nội địa Lào theo quốc lộ 7 vắt ngang tỉnh Xiêng Khoảng. Đường 7 bên này thắt hơn bên Việt, tuy không còn vượt đèo vì đã lên tận cổng trời nhưng lại đi trên những triền núi, quay tròn quay tròn theo những vòng cua mà tới đến độ ù đặc cả hai tai.
Mường Nọng Hét bên đường còn bận ngủ trưa nên không người qua lại, chỉ lúp xúp những mái nhà tôn quây lấy cái chợ vưa vừa làm ra một thị tứ miền biên ải. Thấp thoáng đôi ba tấm bảng tiếng Việt của những hàng cơm phở phục vụ chủ yếu là xe tải với xe xăng dầu, hoặc một tuần đôi chuyến xe buýt đi từ Vinh lên Luông.
Từ Nọng Hét đến Mường Kham là cung đường của người Mẹo. Từng bản từng bản nằm vắt vẻo trên những sống núi sát bên đường xe qua. Người Mẹo làm nhà trệt chứ không ở nhà sàn như các sắc dân miền cao khác. Vì rằng tổ tiên họ mấy ngàn năm trước ở tận trời Âu hoặc ở vùng Siberia lạnh giá di chuyển qua Mông Cổ, qua Trung Quốc sinh sống với biết bao nhiêu biến cố lịch sử và chỉ mới vào đất Lào cũng như đất Việt từ khi Thanh triều dồn đánh và sát hại họ một cách thảm khốc vào giữa năm 1727 trong sự biến Quí Châu. Tức là, họ ngược dòng di cư với các sắc dân kia từ phía nam lên nên không đồng nhất kiểu nhà ở. Khi xem các bộ phim Trung Quốc nói về người Miêu (tên gọi của người Mẹo bên đó) thì cũng thấy họ làm nhà trệt cheo leo trên các sườn núi, với tường nhà và bậc cấp lên xuống bằng đá chứ không ở nhà sàn.
Việt Nam cũng có gần cả triệu đồng bào Hmong hoặc Mèo, những tên gọi khác của người Mẹo sinh sống. Họ là sắc dân có mức độ đồng nhất rất cao về giống nòi. Và, khi so sánh khuôn mặt người Hmong với người Triều Tiên hay Hàn Quốc thì sẽ thấy giống nhau vô cùng. Từ đôi mắt một mí hơi xếch nhẹ, đôi gò má thấp trên khuôn mặt bèn bẹt cho đến khuôn trán rộng như nhau. Thêm mái tóc ánh kim màu hung của người Hmong khỏi cần nhuộm cũng có thể được gọi là sẵn mốt Hàn Quốc rồi. Xem lại lịch sử cổ đại thì người cổ Triều Tiên cũng từ trung Siberia xuống lập quốc, và sử ký Trung Quốc hình như có ghi nhận thủ lĩnh Xi Vưu là tổ tiên của cả hai chủng nòi Miêu tộc với Triều Tiên.
Người Mẹo ngày trước kiểm soát hoàn toàn con đường này với vai trò là biên chế trong lực lượng chính quy của Vàng Pao, một thủ lĩnh tự xưng là Vua Mèo được hậu thuẫn bởi người Mỹ nhằm làm đối trọng với quân đội Pathet trong việc thành lập chính phủ mới của nước Lào sau khi phái bảo hoàng thất thế. Vũ khí của họ chủ yếu là súng kíp với dao Mèo sắc có tiếng, một đôi lực lượng được trang bị tiểu liên AR15 hoặc M16 của Mỹ. Chỉ từng đó vũ khí thôi cũng khiến cho các lực lượng đối đầu với dù được trang bị hỏa lực mạnh hơn luôn ái ngại vì tính kỷ luật và liều lĩnh của họ. Khi giết được kẻ thù, họ thường cắt đầu mang về báo công để nhận lương thực và thực phẩm, phần thưởng sau mỗi trận đánh theo lối phục kích, lối đánh duy nhất của người Mẹo mà ta hay gọi là phỉ.
Nay thì chuyện phỉ đã lui vào lịch sử của một cuộc nội chiến. Người Mẹo bây giờ chăm lo làm nương rẫy, họ đã biết công nghiệp hóa nông nghiệp bằng máy móc cơ giới. Các giống lúa cạn hay giống bắp cao sản cũng được đem về gieo trồng ở đây để có năng suất cao, đảm bảo đời sống ổn định cho mọi hộ gia đình. Lại thấy, trước sân nhà ai cũng trồng một đôi cây hay nguyên cả vườn đào. Lạ, bữa này trời sang thu mà hoa đào lại đang nở, tuy không rộ như hoa đào mỗi dịp Tết bên Việt Nam nhưng sắc đào phai lấm tấm trên cành khoe vẻ tươi tắn làm cho lòng ta lâng lâng một thứ cảm xúc rất khó tả.
Đường chiều hươm nắng, thi thoảng hai bên đường có những bé trai bé gái người Mẹo đầu trần với hai gò má hây hây đỏ đi học về. Các em gái tuổi cấp hai cấp ba thì che ô rất duyên dáng. Khi dừng xe lại xin chụp hình, các em thường rất e thẹn, lấy tay che mặt hoặc quay sang hướng khác một cách ngại ngùng rất dễ thương.
Qua huyện lỵ Mường Kham thấy có chùa theo lối Nam tông thì biết là hết địa bàn người Mẹo sinh sống, mà đây là nơi người Lào Lùm ở, tức là như vùng người Kinh bên mình. Từ Mường Kham đến Mường Souy là vùng đất thấp, có canh tác lúa nước, thường gọi là đồng bằng Xiêng Khoảng. Giữa hai nơi huyện này là thị xã tỉnh lỵ Phôn Sa Vẳn khá lớn với phong cách đô thị hoàn toàn khác với các thành phố dọc theo sông Mekong như Sa Vẳn hay Pắc Xế. Khắp thị xã kiến trúc mới khá nhiều và cao tầng hơn những nơi kia trong khi cây xanh thì rất ít. Trung tâm Phôn Sa Vẳn có công viên Nọng Nam Gam với hồ nước nằm giữa những ngọn đồi thoai thoải, trên đỉnh đồi là những ngôi biệt thự sang trọng chắc cũng vừa mới được xây cất một hai năm nay.
Ghé vào di tích Thôông Hạy, nơi thường được gọi là Cánh Đồng Chum nổi tiếng ở tỉnh này. Vì đã hết giờ nên di tích vừa đóng cửa, tìm anh bảo vệ nói mãi em mới bên Việt qua, chỉ ghé được chút xíu mà thôi vì còn phải đi Luông trong đêm nay, thì anh ấy đành lòng ra mở cửa và thu phí hai mươi ngàn kíp rồi cho chạy xe vào luôn chứ không phải đi xe điện như trong giờ làm việc.






Cánh Đồng Chum nằm trên những vạt đồi thoai thoải theo từng cụm. Hàng trăm chiếc chum khổng lồ bằng đá sa thạch lành có vỡ có nằm nghiêng nghiêng một cách tĩnh mặc theo thời gian, thách thức mọi suy đoán của giới nghiên cứu về nguồn gốc của của chúng. Có nhà khoa học cho đó là mộ táng người cổ Khmer. Nhóm khác theo thần tích thì nói rằng đây là những chiếc chum để chứa lương thực và thực phẩm của một đức vua trong huyền thoại. Mà, có khi đây là những chiếc chum cổ chứa rượu của người Khả Lá Vàng, một trong những sắc dân được cho là thuộc nhóm tổ tiên của người Việt hiện đại cũng nên.
Rời Phôn Sa Vẳn khi nắng chiều vừa tắt. Chạy mấy chục cây số rồi dừng lại ăn tối ở bản Khai nho nhỏ ngay bên đường. Xuống xe vào quán ăn thấy nhiều người đang chụm quanh một chiếc bàn có hai em gái xin xắn đang ngồi ghi chép và bấm máy tab liên hồi. Thì ra mọi người đang ghi số đề và chờ xổ kết quả y hệt bên Việt Nam. Gọi đồ ăn tối theo bữa ăn của người Lào gồm có xôi, xụm và lòng nướng ăn ghém với lá lốt, lá rau má, đậu rồng và bạc hà, tất cả với giá ba mươi nghìn kíp cho hai người ăn. Ăn xong rồi trò chuyện vui vẻ tiếng được tiếng mất với mấy chị trong quán, ai nấy đều rất hiền lành và dễ mến vô cùng. Chụp một phô hình kỷ niệm với Xi Liêng rồi khen em ấy "nọọng ngam lai, the thé - em đẹp lắm, đẹp tuyệt vời". Em cười tươi tắn rồi vẫy tay chào tạm biệt các chúng tôi.
Lên xe đi rồi mà hồn vẫn còn ngây ngây với Xiêng Khoảng một chiều trôi.

20/9/2017
Chế Cẩm Đình








READ MORE - Ký sự Bắc Lào, phần 2: XIÊNG KHOẢNG MỘT CHIỀU TRÔI - Chế Cẩm Đình

KHÚC BOLERO CHO EM / GỞI NGƯỜI CON GÁI HÓC MÔN - thơ Trúc Thanh Tâm


    


 KHÚC BOLERO CHO EM
 Tóc dài và mắt em xưa
 Người đi buổi đó vẫn chưa thấy về
 Tháng mười mưa gió lê thê
 Ai còn hát khúc Bolero buồn

 Chiều nay đón nhỏ tan trường
 Mai kia mốt nọ đâu còn đón đưa
 Nhớ lần hai đứa trú mưa
 Nhỏ cứ sợ ướt nép vừa vào tôi

 Ngoài trời nặng hạt mưa rơi
 Lòng tôi nhỏ biết đầy trời bão giông
 Nhỏ ôm kỷ niệm sang sông
 Nhỏ cười hay khóc khi lòng tôi đau

 Xin đừng dỗ ngọt đời nhau
 Nhớ quên rồi cũng một màu thê lương
 Có ai qua khúc sông buồn
 Vớt trăng chết đuối giữa trường giang, sâu !

 TRÚC THANH TÂM
 (Châu Đốc)



 
GỞI NGƯỜI CON GÁI HÓC MÔN

  
(Riêng tặng: Tịnh Đàm, Lâm Nguyễn, Nhật Quang và Dũng Guitar)

 Lâu rồi về lại Hóc Môn
 Em ơi, còn được mấy thôn vườn trầu
 Chợ Bà Điểm, nắng lao xao
 Áo bay cuối phố có màu tím quen

 Ta đâu ngờ gặp lại em
 Mấy mươi năm, tóc bạc thêm đoạn trường
 Ơi, người con gái dễ thương
 Mùa hè ngày đó vẫn còn nỗi đau

 Còn đây Tân Thới Nhứt, sầu
 Bình Dương, Gia Định nhuộm màu chiến tranh
 Vườn trầu hẹn với cau xanh
 Ngã năm Gò Vấp lần anh trở về

 Nắng thơm trên mái tóc thề
 Tháng mười mưa ướt đường về quê anh
 Ở đâu cũng đậm nghĩa tình
 Ở đâu quê cũng quê mình, em ơi !
 
 TRÚC THANH TÂM
 (Châu Đốc)
       
         
READ MORE - KHÚC BOLERO CHO EM / GỞI NGƯỜI CON GÁI HÓC MÔN - thơ Trúc Thanh Tâm

MẸ VÀ CÁNH ĐỒNG - Thơ Nguyễn Đại Duẫn




MẸ VÀ CÁNH ĐỒNG

Trên cánh đồng làng như còn bóng hình của mẹ 
Mẹ thắt đáy lưng ong xinh xinh nhỏ bé                
Chiếc áo sờn vai đượm màu hạt dẻ                         
Đòn gánh cong cong mẹ gánh nặng cuộc đời
                               
Nhớ năm hạn khô đất cháy đỏ nắng trời  
Nóng rát chân trần rám bừng da mặt                      
Gió phơn nam tóc xõa bay lất phất                          
Mẹ gồng mình từng gàu nước lao xao  
                               
Con cò trắng thả bước thấp bước cao                    
Theo chân mẹ nhặt vội từng con tép                      
Lúa giống bên hông đếm dấu chân mẹ bước 
Mẹ vung hạt mầm như đang bắn pháo hoa
                               
Rồi cây mạ lớn lên, rạo rực thì con gái                     
Căng sữa, trĩu bông mẹ sung sướng cười xòa 
Giữa đồng quê lúa đang trải thảm hoa                   
Một bức tranh nhuốm sắc vàng  gặt hái
                               
Cau mẹ trồng sum suê những trái                            
Lá trầu xanh  trong vườn  mẹ hái                              
Chút vôi nồng cho hương trầu cau thắm lại   
Lối xóm quây quần vui ấm chuyện mùa màng…
                               
Con trở về
Không còn có mẹ  trên cánh đồng làng                  
Đàn cò trắng những bước chân se sẽ                      
Bông lúa cúi đầu như đang khóc thầm lặng lẽ 
Rưng rưng vỡ òa con gọi mẹ, mẹ ơi… !
                                                                               
Nguyễn Đại Duẫn
Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình
DĐ: 0977194533
 




READ MORE - MẸ VÀ CÁNH ĐỒNG - Thơ Nguyễn Đại Duẫn

Đỗ Nữ Minh Khai - NHỮNG CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ MƯA NẮNG TRẦN GIAN của tác giả Hồ Thị Tú Quỳnh




NHỮNG CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ
MƯA NẮNG TRẦN GIAN
Tác giả: Hồ Thị Tú Quỳnh

 Đỗ Nữ Minh Khai

Cuối năm về thăm Ba Me được trao tay một cuốn bản thảo thơ. Hóa ra Ba Me cũng muốn in một tập thơ làm kỷ niệm và tặng bạn bè con cháu đọc chơi.
Lướt qua một vài bài trái tim như trĩu lại với những cảm xúc của ngày hôm qua, như gặp lại đây cô gái Đông Hà tóc xõa môi hồng đứng giữa trời chiều áo tím. Và rồi từ đó thấp thoáng cô học sinh Đồng Khánh áo dài thướt tha “chiều qua phố Huế mưa bay” với “hương tình ủ bao ngày”. Cô nữ sinh ngày nào giờ đã là vợ, là mẹ, là bà của những đứa con, đàn cháu ngây thơ tóc thôi hết dài, mắt hết mượt như nhung nhưng vẫn thổn thức lòng khi đi qua Đông Hà, ngang qua cầu Tràng Tiền và vẫn để lòng trôi theo những mộng mơ thuở ban đầu lưu luyến ấy.
Đọc thơ Me cảm nhận được sự tinh tế trong con người Me ở cái cách Me ngắm bà ngoại tám mươi lăm tuổi, tóc bạc trắng ngồi phơi dưa món giữa chiều đông tàn, nghe thật buồn nhưng vẫn gợi lên một nét lạc quan về một mùa xuân mới mơn mởn đầy sức sống sắp đến sẽ xua tan những ý niệm về thời gian đời người. “Xuân chưa về hoa mai nở đầy tay”.
Lần qua Nhật đầu tiên Me bị choáng ngợp bởi sự duyên dáng lộng lẫy và trầm mặc của những thành phố cổ “Chùa cổ mái cong nghìn năm trầm mặc” “Bồng bềnh mây trắng bay bay” nhưng những lần sau trái tim nhạy cảm thương người của Me hướng về những người vô gia cư nằm co ro dưới chân cầu với nỗi buồn nhân thế ở nơi đâu cũng giống nhau, sẽ có người giàu và vẫn có những người rất nghèo để mở rộng trái tim ra san sẻ cùng nhân loại.
“Đèn gầy hắt bóng đường khuya,
Mình tôi buồn với sẻ chia phận người”
Trong tập bản thảo của Me, con đặc biệt thích những bài thơ về con cái, vợ chồng, cha mẹ, ông bà. Nhất là những bài thơ cho Mịn, cho Quỳnh, cho Măng. Mỗi lần đọc lại những bài thơ đó, lòng vẫn tuôn trào nước mắt như cảm xúc ngày hôm qua đây thôi lúc Mịn nằm bệnh viện chữa bệnh, Ba ra nhà lấy đồ tiếp tế, là một nửa con gà và bài thơ của Me. Hồi đó có một nửa con gà đó chắc Me cũng phải chạy vạy khắp nơi nhưng Mịn không nhìn gà mà lấy bài thơ háo hức đọc từng chữ. Nỗi nhớ mẹ của một đứa trẻ cộng với sự tủi thân lẫn cả sự xúc động khiến Mịn khóc suốt một ngày trời và cả bây giờ mỗi lần nhớ Me đều đem ra đọc bài thơ “Ngày con ốm”
“Ơi con yêu của  Mẹ
Thương con nhiều vô cùng
Mười ba tuổi đáng lẽ
Như chồi biếc cành xanh”
Giờ Mịn cũng có con gái 13 tuổi và mới hiểu hết nỗi niềm xót thương con của Me chất chứa trong từng câu từng chữ khi phải xa con để con đi chữa bệnh, và rồi Me đi chữa bệnh để lại một Quỳnh Hương bé bỏng ngây thơ với “đôi mắt bồ câu đẫm lệ dỗi hờn”. Thương biết bao nhiêu ngày xưa gian nan nuôi đàn con khôn lớn, thương tấm lòng người mẹ người cha bao la.
Nhiều năm gần đây con mới biết Me đã trải những năm tháng chống chọi bệnh tật, có những đêm mất ngủ nằm nghĩ đến chữ: sinh - lão - bệnh - tử và chiến đấu với bản thân mình để không nghĩ đến “Nơi ấy ta về”. Đọc những bài thơ ấy lòng con quặn đau vì không thể ở bên Me, nắm tay Me vượt qua cơn bệnh nhưng con cũng mừng vì có Ngài, có Mẹ hiển linh Quan Thế Âm Bồ Tát giúp Me sức khỏe và tâm hướng về cõi an nhiên.
Gấp cuốn bản thảo thơ lại nhưng những vần thơ vẫn bay bổng trong tâm linh con, đưa con về những miền cảm xúc rất thực. Ở đó con thấy me ngồi vẽ tranh và thêu chữ, bên cạnh là Ba đang tập đàn thanh thản. Chính Thơ là người bạn tâm tình của Ba Me, là nơi giải bày tâm tư, là nơi lưu lại những ký ức của mỗi một ngày đang qua sống động và xúc cảm nhất. Và con đã tìm gặp được những ngày yêu dấu cũ trong thơ của Me.
Cám ơn Me về tập thơ này.

Tokyo chớm xuân
12/01/2017
Đỗ Nữ Minh Khai

Năm bài chọn từ tập thơ MƯA NẮNG TRẦN GIAN.

TÂM SỰ VỚI ĐÔNG HÀ 

 Bao năm rồi không gặp.
 Một thoáng ghé ĐôngHà
 Nhìn phố phường xa lạ
 Lòng dâng lên thiết tha.

Đâu hành lang hoe nắng
Hoa phượng  chờ bên thềm
Gió  Lào  tan trong nắng,
Ký ức miền xa   xăm.. 

Đường xưa không còn lối
Lớp cũ  trên dốc đồi
Bàn tay ai bối rối,
Trao thư giờ ra chơi.

Em cười như gió thoảng,
Em đùa như không hay
Chiều nhuốm lòng anh buốt,
Thương ai về mưa bay

Hỡi người trai phố nhỏ,
Rắc tơ tím sân trường
Đông qua rồi xuân đến,
Người ơi tình còn vương...


KHÔNG  ĐỀ 

Này đây dấu vết ngoài đời
Trót yêu trót thở quên rồi ăn năn
Trở về giá buốt châu thân
Nghe trong tâm tưởng lời thầm gọi nhau
Tình xa giọt lệ còn đau
Cuối trời mây trắng ngàn lau bồng bềnh.

1960


THƠ TÌNH TUỔI 40
(Thương tặng Trầm Tư Đỗ) 

Lòng anh như trùng dương
Dạt dào cùng con sóng
Yêu thương và độ lượng
Vỗ về bao tháng năm.

Yêu anh em từ bỏ
Những mơ ước xa vời
Bao đường mật giả dối
Và toan tính giữa đời.

Ôi làm sao quên được
Những ngày tháng cơ hàn
Anh và em tất bật,
Nuôi con, cùng lo toan.


Đất tình anh nuôi dưỡng
Bạc mệnh hoa đời em
Một loài phù dung trắng
Nở giữa vườn vô thường. 
               
Số phận đã gắn chặt                
Đời hai ta vào nhau                
Mối duyên trời sắp đặt                
Từ muôn kiếp xưa sau. 
                
Hai mươi năm yêu người                
Tình vẫn còn tươi mới                 
Xa nhau lòng mong đợi                 
Như ngày nào đôi mươi.    



NGÀY CON VẮNG NHÀ 

Ngày con vào bệnh viện
Căn nhà vắng hẳn đi
Thiếu tiếng cười trẻ thơ
Hồn nhiên và trong trẻo.

Chiếc bàn con ngồi học
Sách vở buồn im lìm
Không còn nghe tiếng chim
Véo von bên cửa sổ.

Mẹ thầm nghĩ lúc nầy
Con buốt đau nhức nhối
Thiếu tay mẹ vỗ về
Khi đến giờ chích thuốc. 

Ước chi được ở gần
Bên con khi đau yếu
Dỗ dành và thương yêu
Như khi con bé xíu.

Ba theo săn sóc con
Mẹ vẫn nhiều lo lắng
Ba nhiều đêm thức trắng
Mẹ cũng không yên lòng.

Ôi con yêu của mẹ
Thương con nhiều vô cùng
Mười ba tuổi đáng lẽ
Như chồi biếc cành xanh.

Thương tính con chăm học
Dịu hiền và thông minh
Yêu anh em cha mẹ
Mặt sáng như trăng rằm.

Thôi con gắng ăn uống
Cho sức khỏe phục hồi
Bạn bè đang chờ đợi
Ngày con về gần thôi.

                         Tháng 8-1988               


NƠI ẤY TA VỀ 

Một mai ta về nơi ấy
Đìu hiu cồn vắng tha ma
Chim chiều giối giăng trong gió
Xa lắc yêu dấu quê nhà.

Thăm ta lũ chuồn chuồn bé
Ngu ngơ đậu nhánh cỏ may
Đồi hoang gió lùa xao xác
Hoa vàng mộ chí lắt lay.

Nụ cười trên môi héo hắt
Thăm thẳm đường về mình ta
Linh hồn mang nhiều thương tật
Bóng dài lầm lụi mờ xa.

                        12-2004.



READ MORE - Đỗ Nữ Minh Khai - NHỮNG CẢM NHẬN VỀ TẬP THƠ MƯA NẮNG TRẦN GIAN của tác giả Hồ Thị Tú Quỳnh