PHẦN HAI:
XIÊNG
KHOẢNG MỘT CHIỀU TRÔI
Đường nghiêng trên
triền núi
Gặp hoa đào giữa
thu
Hồn người nơi viễn
xứ
Thấm ra vài giọt
thơ
Rời cửa khẩu lúc
hai giờ chiều, xe bắt đầu đi vào nội địa Lào theo quốc lộ 7 vắt ngang tỉnh
Xiêng Khoảng. Đường 7 bên này thắt hơn bên Việt, tuy không còn vượt đèo vì đã
lên tận cổng trời nhưng lại đi trên những triền núi, quay tròn quay tròn theo
những vòng cua mà tới đến độ ù đặc cả hai tai.
Mường Nọng Hét bên
đường còn bận ngủ trưa nên không người qua lại, chỉ lúp xúp những mái nhà tôn
quây lấy cái chợ vưa vừa làm ra một thị tứ miền biên ải. Thấp thoáng đôi ba tấm
bảng tiếng Việt của những hàng cơm phở phục vụ chủ yếu là xe tải với xe xăng dầu,
hoặc một tuần đôi chuyến xe buýt đi từ Vinh lên Luông.
Từ Nọng Hét đến Mường
Kham là cung đường của người Mẹo. Từng bản từng bản nằm vắt vẻo trên những sống
núi sát bên đường xe qua. Người Mẹo làm nhà trệt chứ không ở nhà sàn như các sắc
dân miền cao khác. Vì rằng tổ tiên họ mấy ngàn năm trước ở tận trời Âu hoặc ở
vùng Siberia lạnh giá di chuyển qua Mông Cổ, qua Trung Quốc sinh sống với biết
bao nhiêu biến cố lịch sử và chỉ mới vào đất Lào cũng như đất Việt từ khi Thanh
triều dồn đánh và sát hại họ một cách thảm khốc vào giữa năm 1727 trong sự biến
Quí Châu. Tức là, họ ngược dòng di cư với các sắc dân kia từ phía nam lên nên
không đồng nhất kiểu nhà ở. Khi xem các bộ phim Trung Quốc nói về người Miêu
(tên gọi của người Mẹo bên đó) thì cũng thấy họ làm nhà trệt cheo leo trên các
sườn núi, với tường nhà và bậc cấp lên xuống bằng đá chứ không ở nhà sàn.
Việt Nam cũng có gần
cả triệu đồng bào Hmong hoặc Mèo, những tên gọi khác của người Mẹo sinh sống. Họ
là sắc dân có mức độ đồng nhất rất cao về giống nòi. Và, khi so sánh khuôn mặt
người Hmong với người Triều Tiên hay Hàn Quốc thì sẽ thấy giống nhau vô cùng. Từ
đôi mắt một mí hơi xếch nhẹ, đôi gò má thấp trên khuôn mặt bèn bẹt cho đến
khuôn trán rộng như nhau. Thêm mái tóc ánh kim màu hung của người Hmong khỏi cần
nhuộm cũng có thể được gọi là sẵn mốt Hàn Quốc rồi. Xem lại lịch sử cổ đại thì
người cổ Triều Tiên cũng từ trung Siberia xuống lập quốc, và sử ký Trung Quốc
hình như có ghi nhận thủ lĩnh Xi Vưu là tổ tiên của cả hai chủng nòi Miêu tộc với
Triều Tiên.
Người Mẹo ngày trước
kiểm soát hoàn toàn con đường này với vai trò là biên chế trong lực lượng chính
quy của Vàng Pao, một thủ lĩnh tự xưng là Vua Mèo được hậu thuẫn bởi người Mỹ
nhằm làm đối trọng với quân đội Pathet trong việc thành lập chính phủ mới của
nước Lào sau khi phái bảo hoàng thất thế. Vũ khí của họ chủ yếu là súng kíp với
dao Mèo sắc có tiếng, một đôi lực lượng được trang bị tiểu liên AR15 hoặc M16 của
Mỹ. Chỉ từng đó vũ khí thôi cũng khiến cho các lực lượng đối đầu với dù được
trang bị hỏa lực mạnh hơn luôn ái ngại vì tính kỷ luật và liều lĩnh của họ. Khi
giết được kẻ thù, họ thường cắt đầu mang về báo công để nhận lương thực và thực
phẩm, phần thưởng sau mỗi trận đánh theo lối phục kích, lối đánh duy nhất của
người Mẹo mà ta hay gọi là phỉ.
Nay thì chuyện phỉ
đã lui vào lịch sử của một cuộc nội chiến. Người Mẹo bây giờ chăm lo làm nương
rẫy, họ đã biết công nghiệp hóa nông nghiệp bằng máy móc cơ giới. Các giống lúa
cạn hay giống bắp cao sản cũng được đem về gieo trồng ở đây để có năng suất
cao, đảm bảo đời sống ổn định cho mọi hộ gia đình. Lại thấy, trước sân nhà ai
cũng trồng một đôi cây hay nguyên cả vườn đào. Lạ, bữa này trời sang thu mà hoa
đào lại đang nở, tuy không rộ như hoa đào mỗi dịp Tết bên Việt Nam nhưng sắc
đào phai lấm tấm trên cành khoe vẻ tươi tắn làm cho lòng ta lâng lâng một thứ cảm
xúc rất khó tả.
Đường chiều hươm nắng,
thi thoảng hai bên đường có những bé trai bé gái người Mẹo đầu trần với hai gò
má hây hây đỏ đi học về. Các em gái tuổi cấp hai cấp ba thì che ô rất duyên
dáng. Khi dừng xe lại xin chụp hình, các em thường rất e thẹn, lấy tay che mặt
hoặc quay sang hướng khác một cách ngại ngùng rất dễ thương.
Qua huyện lỵ Mường
Kham thấy có chùa theo lối Nam tông thì biết là hết địa bàn người Mẹo sinh sống,
mà đây là nơi người Lào Lùm ở, tức là như vùng người Kinh bên mình. Từ Mường
Kham đến Mường Souy là vùng đất thấp, có canh tác lúa nước, thường gọi là đồng
bằng Xiêng Khoảng. Giữa hai nơi huyện này là thị xã tỉnh lỵ Phôn Sa Vẳn khá lớn
với phong cách đô thị hoàn toàn khác với các thành phố dọc theo sông Mekong như
Sa Vẳn hay Pắc Xế. Khắp thị xã kiến trúc mới khá nhiều và cao tầng hơn những
nơi kia trong khi cây xanh thì rất ít. Trung tâm Phôn Sa Vẳn có công viên Nọng
Nam Gam với hồ nước nằm giữa những ngọn đồi thoai thoải, trên đỉnh đồi là những
ngôi biệt thự sang trọng chắc cũng vừa mới được xây cất một hai năm nay.
Ghé vào di tích
Thôông Hạy, nơi thường được gọi là Cánh Đồng Chum nổi tiếng ở tỉnh này. Vì đã hết
giờ nên di tích vừa đóng cửa, tìm anh bảo vệ nói mãi em mới bên Việt qua, chỉ
ghé được chút xíu mà thôi vì còn phải đi Luông trong đêm nay, thì anh ấy đành
lòng ra mở cửa và thu phí hai mươi ngàn kíp rồi cho chạy xe vào luôn chứ không
phải đi xe điện như trong giờ làm việc.
Cánh Đồng Chum nằm
trên những vạt đồi thoai thoải theo từng cụm. Hàng trăm chiếc chum khổng lồ bằng
đá sa thạch lành có vỡ có nằm nghiêng nghiêng một cách tĩnh mặc theo thời gian,
thách thức mọi suy đoán của giới nghiên cứu về nguồn gốc của của chúng. Có nhà
khoa học cho đó là mộ táng người cổ Khmer. Nhóm khác theo thần tích thì nói rằng
đây là những chiếc chum để chứa lương thực và thực phẩm của một đức vua trong
huyền thoại. Mà, có khi đây là những chiếc chum cổ chứa rượu của người Khả Lá
Vàng, một trong những sắc dân được cho là thuộc nhóm tổ tiên của người Việt hiện
đại cũng nên.
Rời Phôn Sa Vẳn
khi nắng chiều vừa tắt. Chạy mấy chục cây số rồi dừng lại ăn tối ở bản Khai nho
nhỏ ngay bên đường. Xuống xe vào quán ăn thấy nhiều người đang chụm quanh một
chiếc bàn có hai em gái xin xắn đang ngồi ghi chép và bấm máy tab liên hồi. Thì
ra mọi người đang ghi số đề và chờ xổ kết quả y hệt bên Việt Nam. Gọi đồ ăn tối
theo bữa ăn của người Lào gồm có xôi, xụm và lòng nướng ăn ghém với lá lốt, lá
rau má, đậu rồng và bạc hà, tất cả với giá ba mươi nghìn kíp cho hai người ăn.
Ăn xong rồi trò chuyện vui vẻ tiếng được tiếng mất với mấy chị trong quán, ai nấy
đều rất hiền lành và dễ mến vô cùng. Chụp một phô hình kỷ niệm với Xi Liêng rồi
khen em ấy "nọọng ngam lai, the thé - em đẹp lắm, đẹp tuyệt vời". Em
cười tươi tắn rồi vẫy tay chào tạm biệt các chúng tôi.
Lên xe đi rồi mà hồn
vẫn còn ngây ngây với Xiêng Khoảng một chiều trôi.
No comments:
Post a Comment