LÀNG
RÀO - BÀI THƠ VỀ VẺ ĐẸP TÂM HỒN
CỦA NGƯỜI DÂN VÙNG SÔNG NƯỚC
Nhạy bén trong cách nhìn, cách
cảm- đó là cảm nhận của bản thân tôi khi đọc thơ của thầy giáo- nhà thơ Võ Văn
Hoa. Mỗi bước đường thầy đi đều gắn liền với những bài thơ rất đời thường mà
lắng đọng. Có một chút gì rất đằm sâu và da diết khi ta gặp lại bài thơ “Làng
Rào” của thầy. Có thể nói rằng: “Làng Rào”- bài thơ về vẻ đẹp tâm hồn của người
dân vùng sông nước.
Cuối nguồn Ô Lâu
Có một làng Rào mênh mông nước
Ở góc thuyền chài
Người cất vó tung hê con cá vượt!
*
Từ quán Cây Bàng
Nơi xuôi về phá Tam Giang
Bạn tôi dẫn chuyện:
“Chầm làng Rào*, trào Phú Kinh*”
Tên làng ngày xưa quá đỗi ân tình
!
*
Người dân làng Rào
Chân chất, thật thà, bến quê neo
đậu
Lươn, ốc, chuột đồng… thơm mùi
xào nấu
Thết khách miền xa.
*
Người dân làng Rào
Khách khí mần chi cho mệt !
Sống tung tẩy cho đời vui
Như giăng lưới bắt chim trời.
*
Tôi cảm nhận lần đầu tiên đến
Gọi tên làng như gọi mối tình xa…
(Trích từ tâp thơ "Gió Cuối Mặt Sông", Võ Văn Hoa, NXB Thuận Hóa, 2008)
Mở đầu bài thơ là những dòng tự
sự rất đỗi thân quen:
Cuối nguồn Ô Lâu
Có một làng Rào mênh mông nước
Ở góc thuyền chài
Người cất vó tung hê con cá vượt!
Tự sự về một làng nhỏ cuối nguồn
Ô Lâu, nghề nghiệp chính là nghề chài lưới. Cũng như bao ngôi làng vùng sông
nước, chiếc vó là dụng cụ để đánh bắt cá tôm. Một chút thoáng đãng được hé ra
cùng với không gian mênh mông nước ấy, động từ “tung hê” đã nói lên được sự khí
khái của tâm hồn.
Theo dòng tự sự, cùng với bạn
đường nhà thơ hiểu thêm về làng quê:
Từ quán Cây Bàng
Nơi xuôi về phá Tam Giang
Bạn tôi dẫn chuyện:
“Chầm làng Rào*, trào Phú Kinh*”
Tên làng ngày xưa quá đỗi ân
tình!
Cùng với chuyến công tác, nhà thơ
ghé quán để cùng nghe kể về làng. Hai địa danh xuất hiện: Làng Rào (Tức làng
Vân Trình, thuộc xã Phong Bình, Phong Điền, Thừa Thiên- Huế ngày nay) và Phú
Kinh (Thuộc xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng, Quảng Trị). Lời kể chỉ ngắn gọn thế
thôi mà khiến cho khách thơ ngưỡng mộ để rồi chợt thốt ra: “Tên làng ngày xưa
quá đỗi ân tình!”
Cái ân tình ấy được cảm nhận bằng
những lời thơ hết sức mộc mạc, chân chất như tâm hồn của người dân làm nghề
chài lưới nơi đây:
Người dân làng Rào
Chân chất, thật thà, bến quê neo
đậu
Lươn, ốc, chuột đồng… thơm mùi
xào nấu
Thết khách miền xa
Họ sống giữa vùng sông nước, họ
mang tâm hồn của người dân sông nước: thật thà, phóng khoáng. Đặc sản quê hương
làng Rào là lươn, ốc, chuột đồng…những sản vật bình dị thế thôi mà thơm tho cái
nghĩa, cái tình, cái thủy, cái chung! Thết khách theo kiểu “cây nhà lá vườn”.
Được nếm vị lươn xào, được thưởng thức món ốc nhồi, được thả hồn trong mùi thơm
của món chuột đồng với chén rượu nồng cay nghe sao mà ấm cúng và da diết. Ấm
cúng và da diết vì tấm lòng thơm thảo của người dân bản địa.
Người dân làng Rào
Khách khí mần chi cho mệt!
Sống tung tẩy cho đời vui
Như giăng lưới bắt chim trời.
Dòng thơ được lặp lại như một ngụ
ý. Nếu như ở khổ trên nói chuyện thết đãi khách miền xa bằng những gì mình có
thì đến khổ thơ này tác giả lại chú ý nhiều đến lời nói: Đến đây, cứ tự nhiên,
khách khí mần chi cho mệt, đứng câu nệ, đừng giữ khoảng cách, hãy thân thiện
với nhau, hòa đồng với nhau! Lời nói là một nét tâm hồn, tâm hồn họ vô tư như
sông nước quê hương, tự do tung tẩy giữa thiên nhiên cao rộng, không gò bó,
không ràng buộc. Chính điều này làm cho đời vui và đáng sống.
Lần đầu tiên đến làng Rào, được
gặp người dân sông nước, được chứng kiến và tham gia sinh hoạt cùng họ, nhà thơ
đã chia sẻ:
Tôi cảm nhận lần đầu tiên đến
Gọi tên làng như gọi mối tình xa…
“Gió Cuối Mặt Sông” là tập thơ có
nhiều bài súc tích, cô đọng, chất chứa nhiều nỗi niềm, chất chứa những bước
đường tư tưởng của tác giả. Những bài thơ đến với người đọc rất tự nhiên bởi nó
gần gũi, dung dị, ai soi mình vào đó cũng thấy có nét gì đó giống mình, giống
cảnh quê, người quê, tình quê của mình. Cảm ơn thi sĩ đã đem đến cho độc giả
một bài thơ hay. Và người ta sẽ mãi nhớ đến một “Làng Rào” như nhớ đến mối tình
sâu lắng trong tâm hồn mình./.
Lê Đức Diệu