Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, August 6, 2018

THU NHỚ - Thơ - Nhật Quang

Tác giả Nhật Quang     

 
Thu Nhớ


Thu về tiễn biệt tiếng ve
Vàng hoa cúc nở đầu hè đợi mong
Chiều lam quyện khói sương hồng
Mơn man ngọn gió phải lòng mây trôi


Sông trăng lấp loáng sao trời
Uyên ương thủ thỉ…ngỡ lời sương khuya
Hương Quỳnh nhẹ thoảng song thưa
Tình Thu e ấp…mấy mùa gởi trao


Hạ tàn, Thu đến xuyến xao
Giọt ngâu đẫm ướt, rơi vào nhớ nhung
Tình xa, níu mấy ngàn trùng
Bao mùa lá đổ, rưng rưng…nỗi niềm


Muốn quên…nghe lại buồn thêm
Sầu đêm tình tự, vương lên mắt người
Ván xưa đã đóng thuyền rồi
Bến khuya lặng lẽ, bồi hồi...trăng rơi.


                                    Nhật Quang
                                      (Sài Gòn)
                                      

READ MORE - THU NHỚ - Thơ - Nhật Quang

XỨ SEN - Bút ký - Chế Cẩm Đình

Tác giả Chế Cẩm Đình


XỨ SEN
Bút ký
Chế Cẩm Đình

Thế là tôi được về lại Tháp Mười, vừa lúc vào mùa nước nổi. Lũ năm nay không to bằng những năm trước nhưng nước cũng xâm xấp tràn bờ. Từ Long Xuyên qua phà An Hòa ghé mắt nhòm con nước sông Hậu đã thấy cuộn trào phù sa ngầu đỏ trôi nhanh về phía Cần Thơ, Sóc Trăng. Lại qua tiếp sông Tiền trên phà Bắc Cao Lãnh, cũng một màu đỏ ối phù sa gấp gáp xuôi về bồi đắp những cù lao, cồn và giồng dưới miệt Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre.

Mùa nước nổi là mùa trời đất ban phát sinh nhai cho xứ này. Qua Thống Linh, băng đồng Mỹ Quý dọc theo kênh Tháp Mười đã thấy bà con bắt đầu lên diện bơm nước ra sạ lúa vụ ba. Trên đồng nổi Mỹ Đông, người ta đặt thêm nhiều lọp và đú để bắt đủ thứ thủy sản tự nhiên theo hải trình trôi về. Nào rô bí, rô mề, cá lóc, cá trê, tôm, tép và cua cáy đủ các loại không thiếu thứ gì. Lại cả rắn nước, rắn hổ hành cũng nhiều vô kể. Chuột đồng vàng hươm mắc bẫy bán từng xâu đầy dọc lộ N2 hoặc trong các chợ Đường Thét, Mỹ An. Với cả những chú cống nhum lông cứng xù như lông nhím, to bằng trái chân trẻ con, chạy vùng vằng trong những chiếc lồng sắt chờ làm thịt nướng lu hoặc chiên dầu, chặt ra từng miếng ăn rất giòn, vị ngây ngậy béo khó tả.

Nói đến Đồng Tháp, phải nói đến đặc sản cá linh. Nghe cái tên đã thấy gợi lên huyền tích, tương truyền khi Nguyễn Ánh bon thuyền chạy trốn giặc Tây Sơn trên thượng nguồn sông Hậu thì có đàn cá lạ nhảy ràn rạt vô khoang, Ngài cho là phía ấy có điềm nên lịnh cho quan quân đầu lại và thoát được bẫy thù. Để nhớ ơn này, Ngài đặt tên là cá linh, loài cá đã có công ứng báo cho Ngài.

Mới đầu mùa, thân cá chỉ nhỉnh hơn đầu đũa, bơi liếc ngang liếc dọc khoe vảy iếng bạc khắp mặt sông, hoặc lội rền rặc đầy ngoài đồng. Đặt lưới đáy hoặc dớn để bắt luồng cá trôi về từ biển Hồ, ngày may mắn được cả tấn, hoặc dăm ba tạ tùy con nước. Đem ra chợ bỏ mối, người ta bán lại hai ba chục, năm chục ngàn ký lô tùy cá lớn nhỏ. Loài này, càng nhỏ thì ăn càng ngon vì xương mềm và nhiều mỡ. Nấu chua, nấu mẻ, kho tiêu, kho nghệ hay chiên giòn gì ăn cũng không mất vị béo và ngậy mà rất tươi. Rồi có thể làm gỏi ăn sống, hoặc nấu lẩu ăn cùng bông điển điển, ngó súng để cảm nhận vị ngòn ngọt, bùi bùi, thơm thơm trộn lẫn vào nhau.

Nhớ lại lần đầu lên xứ sen cách nay vừa ba tháng, tôi được một đồng nghiệp chở đi rong chơi khắp nơi. Thì ngạc nhiên vô cùng với những bồn sen trồng ngay trên hè phố, dưới tàng cây trong công viên, hoặc trước các tòa nhà công sở khắp các thị thành trong tỉnh. Cũng từng nghe nói sen mọc ngập đồng Tháp Mười, chứ đâu có biết là sen được biệt đãi trồng khắp nơi như vậy! Mỗi bồn chừng vài ba gióng sen cong vòng đỡ lấy khoanh lá xanh cốm cỡ bằng vành nón, trên mặt đọng mấy hạt sương lóng lánh buổi sớm mai. Mỗi khóm có dăm bông sen hồng có, trắng có đã nở miệng, thoảng mùi hương nhè nhè dễ chịu khi lại gần. Đôi búp sen non vót cao trên vòm lá, tuy hãy còn chum chúm nụ được bọc trong đài hoa nhưng cũng đã lộ ra những khóe cánh hồng trông như cặp môi học trò bôi son mím nhẹ mới đẹp đẽ trong ngần làm sao.

Sen trong phố thị nhiều như vầy, sen ngoài đồng còn nhiều hơn. Đi dọc theo các con lộ cặp kênh trong xứ, đâu đâu cũng có đầm sen ngút mắt. Sen mọc chen với lúa, mọc cặp bờ bao. Ngay cả những dặm rừng thưa ngập nước, sen cũng mọc chen vào. Trên mấy tấm đồng, khi lúa đầu mùa khoe áo mới màu xanh non mượt, cũng là lúc những rặng bông điên điển sắm màu vàng tươi đầu mé bờ đón lũ tràn về, thì sen cũng kịp thay sắc lá màu cốm sang màu xanh sậm, điểm xuyến trên mặt biển lá sen những búp trắng búp hồng tạo ra một khung cảnh thiên nhiên tuyệt bích. Sen có lẽ đã mọc ở xứ này tự hằng nghìn năm trước, như là loài cây được phái xuống làm biểu tượng cho vùng đất này. Khi vào thăm nhà lưu niệm di tích gò Tháp, tôi vô cùng ngạc nhiên về một bức hình chụp lại phù điêu cổ có từ thời nơi đây là cố quốc Phù Nam, đó là một bông sen!

Nhân nói đến việc đến thăm gò Tháp, cảm giác bùi ngùi khi thấy dưới gốc cây cổ thụ trên nền rêu phong của tàn tích cổ xưa những phiến đá bia to lớn ngổn ngang. Lại gần xem kỹ một tấm bia, thấy dòng chữ “Toàn dân Đồng Tháp ghi ơn Ngô tổng thống” được lập năm 1957 khiến tôi xúc động đến thảng thốt. Ngày xưa, nơi này chính là thành quách của đất nước Phù Nam. Bởi cho dù vật đổi sao dời sau mấy nghìn năm thì hình hài thành thị với những “lối xưa xe ngựa hồn thu thảo” vẫn còn đó. Ở những hố khai quật lộ thiên thấy rõ chân bức tường thành bằng đá sa thạch đẽo vuông chen với gạch vồ cỡ bằng hai cái bánh chưng Tết ghép lại. Mặc dù bị ngăn rào cấm thâm nhập, tôi vẫn liều mình leo vào lật gạch ra xem thấy lớp vữa giống với vữa dùng trong kỹ thuật xây dựng của người Chăm, bóp nhẹ cảm nhận thấy bằng mũ thực vật trộn với bã trấu, chứ không phải hồ cát như trong kỹ thuật xây dựng của các sắc dân khác, nhưng mạch vữa lớn hơn mạch tường Chăm mảnh như sợi chỉ. Sau này, trên nền gò di tích ấy, chính quyền Đệ nhất cộng hòa đã cho xây một ngôi chùa tháp mười tầng kể từ gác hai lên, nên thường gọi là Tháp Mười. Tháp này sau bị người ta đặt mìn giựt sập, vì cho rằng đây là ngự quan đài trong việc theo dõi du kích khắp vùng của quân đội họ Ngô. Tuy vậy, khi so sánh với chiều cao của rừng cổ thụ vẫn còn mọc cạnh khu móng tháp, ước đoán là nếu chiều cao mười tầng thì sẽ không cao hơn tàng cây đó bao nhiêu, nên khó có chuyện tháp này được sử dụng cho mục đích quan sát ra chung quanh như vậy, mà việc giựt sập có thể là một ý đồ khác hoàn toàn. Trừ gò Tháp Mười vọt lên cao hơn mực nước biển 5m, thì toàn bộ vùng này là một bồn trũng địa chất mênh mông những cánh đồng, nên gọi là Đồng Tháp, đã thành ra tên đất của xứ sen.

Cũng lần đầu lên đây, gặp đúng dịp bà con tổ chức lễ giỗ lần thứ 196 năm cho ông bà chủ chợ Cao Lãnh tên là Đỗ Công Tường. Nghe nói ngày xưa dưới thời Gia Long có một đợt dịch bịnh giết gần hết dân chợ nơi đó. Thì ông bà chủ chợ là bực cha mẹ của con dân thấy quá đau lòng, bèn lập chay đàn khấn vái trời đất nguyện rằng nếu được đổi lấy mạng sống của hai vợ chồng ông cho bà con thoát dịch, thì ông bà xin được đổi. Khấn được ba ngày, qua ngày thứ tư vợ ông mất, đang lo việc tang gia qua rạng sáng ngày thứ năm ông cũng ra đi lúc tảng sáng. Người ta lo chôn cất ông bà xong thì dịch bệnh cũng vừa dứt, cuộc sống nhân dân lần hồi sung túc lại như xưa. Nhớ ơn vợ chồng Ông Chủ Bà Chủ, bà con lập đền thờ rất lớn để thờ phụng ông bà chu đáo. Cứ dịp này hằng năm tổ chức lễ hội linh đình, ăn uống ba ngày miễn phí và tùy tâm báo ân. Đêm lại, ngay trong vườn ngôi nhà cũ của ông bà bên mé chợ, chiếu nhạc tài tử được mở ra cho bà con lại thưởng lãm các ngón đờn ca ngũ âm điêu luyện, các giọng hát tân cổ ngọt ngào của các nghệ nhân dân gian thật giản dị mà sâu thẳm đến thấu tận tâm hồn con người vùng đất phương Nam.

Cao Lãnh có hai đặc sản được ưa thích, một là bánh tằm ngon có tiếng, dĩa bánh tằm dẻo dai được lót bởi giá sống, ở trên là thịt khìa, xíu mại, rải lên thêm bì, rau thơm, dưa leo, hành thơm, đậu phộng rang ăn kèm dưa chua và nước mắm ngọt, thêm tí ớt bằm cho những người thích ăn cay. Bánh tằm ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách pha bột và se bánh. Làm bánh tằm phải chọn gạo tẻ loại ngon và giai đoạn quan trọng nhất đó là hồ bột, cộng thêm sự mới lạ từ thịt khìa và xíu mại làm nên nét đặc trưng của món bánh này. Đặc sản thứ hai là mận Hòa An dùng nấu lẩu hoặc hấp với cá lóc đồng ăn chat chát mà ngọt lựng trong cần cổ ngon tuyệt sầu.

Qua Lai Vung ăn quýt hồng vỏ vàng bự bằng cái ấm trà vị thanh hiếm có. Tiện đường mua thêm mấy xâu nem giáo Thảo ba bốn ngày tuổi bóc ra ăn chua chua ngọt ngọt ngon dịu cả người. Tới Lấp Vò thấy bà con chong lều dọc đường luộc củ ấu bán mươi ngàn một ký. Từng rổ từng rổ ấu tươi, ấu luộc nhóc lều. Những củ ấu đen thui dương mấy cái sừng nhọn hoắt như những chú trâu thu nhỏ bằng ngón tay cái, vỏ hơi cưng cứng khi luộc lên là có thể cắn vỡ bằng răng hàm, cắn mạnh quá thì bập sâu luôn vào cùi phứa cả thịt ấu trắng mịn ra miệng là cảm giác ngay vị ngọt bùi của tinh bột, vị béo của dầu. Thứ ấu này có thể ăn no mà không ngán, máy tay bóc hoài cho kỳ sạch trong bọc mới thôi chứ không cưỡng lại được khi còn sót củ nào. Ai về Tam Nông thăm Tràm Chim thì chỉ nên ăn thịt cò trắng cũng đủ biết mùi vị đặc sản chim trời nơi đây, nhưng đừng ăn các loài quý hiếm khác như cồng cộc, chích cồ hay nhan điển làm mất đa dạng sinh học quý hiếm của vùng này. Ai về Thanh Bình vùng 5 xã cù lao thì được ăn các loại ốc trời. Ốc gạo luộc, ốc bươu nướng muối, cháo ốc thứ nào cũng thơm ngọt tự nhiên. Qua Tân Hội Trung thì vô số hầm ếch, khỏi nói thịt gà đồng thì ngon cỡ nào với các món chiên, xào, lăn và cả hấp. Xuống tới Mỹ An ăn vịt trời thịt dai dai ngọt sắc, lại có cá lóc bọc lá sen non nướng trui vị chát làm nền ăn một lần cả đời chớ được quên.

Nằm giữa hai dòng sông lớn là Tiền giang và Hậu giang nên đất đai xứ sen màu mỡ vô cùng, cây trái xanh tươi trĩu quả quanh năm. Ngoài quýt hồng Lai Vung đã nói, có bưởi Phong Hòa, có đủ thứ giống xoài đặc sản vùng châu thổ như xoài cóc, xoài tượng, xoài cát đi hẳn vào ca dao như “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh – vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ”. Nói tới trái cây không thể không nhắc đến những vườn nhãn bạt ngàn bên vùng Long Mỹ vàng rực vào mùa trái chín, hái trái cây trên cành thưởng thức ngay ngọt xé cần cổ. Sẽ không thể nào quên được nhãn tiêu Châu Thành trái to hạt lép, hương thơm, cơm dày trắng ngần ngọt lịm, thứ đặc sản có thể sánh ngang với nhãn lồng ngoài Hưng Yên. Ôi chao cái xứ sao mà lắm sản vật!

Chỉ tiếc là, cả hai dịp đi về tôi chưa qua tới miền Hồng Ngự vùng biên để ngắm hình ảnh cô gái miền Tây ngồi dệt khăn rằn, bèn ghé chợ Mỹ Thọ mua liền mấy tấm đủ màu đen xám, xanh và đỏ úa đặc trưng của người Khờ Me rồi quấn vào cổ nhìn cho bùi bụi giống chất người miền Tây. Cũng chưa qua thăm được chợ chiếu Định Yên ở Lấp Vò vang tiếng gần xa. Nghe nói chợ mở từ 12 giờ khuya để ghe thương hồ lại đóng hàng tỏa đi khắp miền Cửu Long, nên gọi là chợ Ma. Ghe bầu, ghe chài ăn no hàng thì tỏa ra đi khắp nơi ngay trong đêm, đầu ngày hôm sau là tới được chợ xa để kịp bán đến trưa lại quay về.

Mà quên nói đến thành phố hoa Sa Đéc. Chao ôi muôn loài hoa khoe đủ sắc màu trong các vườn hoa bạt ngàn của những nhà vườn ngay trong thành phố, bên làng hoa Tân Quy Đông hoặc theo xáng Mương Khai – Đốc Phủ Hiền. Hoa hồng đỏ tươi, hoa cúc vàng rượm, trắng ngần hoa ly, tím rịm oải hương dài theo luống ngút tầm mắt. Từ lay ơn, thược dược, xác pháo thân mềm đến các loài cao quý như vạn niên tùng, sơn tùng, ngọa tùng, tùng hổ phách, tùng Nhật Bản, kim quýt, nguyệt quới, mai vàng, mai chiếu thủy đều được trồng và chăm sóc đủ cả, để mỗi mùa Tết về tấp nập ghe thuyền, xe cộ chở đi thêu dệt mùa xuân khắp nơi.

Miền Tây là vùng có một điều đặc biệt mà nhiều vùng trong cả nước không có, đó là sự chung sống hòa lẫn vào nhau giữa người Kinh, người Hoa và người Khơ Me, bao gồm cả sự hòa huyết tạo ra hình thể sinh học khá riêng của người dưới miền này. Nên có thể bắt gặp một làn da ngăm bóng, một giọng nói Tiều Châu giữa phố thị Cần Thơ, Long Xuyên hay ở miền dưới như Sóc Trăng, Bạc Liêu thì rất đỗi bình thường, không ai nhòm ngó lâu. Nhưng Đồng Tháp lại khác hẳn, gần như chỉ có người Việt với nhau. Mà con gái Đồng Tháp đẹp khuôn mặt, dáng thanh, mày ngài và nước da trắng ngần thấu rõ cả gân xanh. Nha Mân có loài sen nống lá to chở được cả người lớn không chìm, mà cũng là nơi con gái đẹp có tiếng được tương truyền theo câu ca “Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân”.

Cũng không dấu làm gì lý do tôi yêu quý vùng đất này hơn bất cứ nơi nào ở miền Tây tôi từng đi qua. Tròn hăm mốt năm ở Sài thành xưa củ, tôi có một mối tình trong trẻo với một người con gái xứ sen, nhà ở Cái Tàu hạ. Thủa ấy ở chung trong một khu nhà trọ với nhau, cùng đi làm công nhân may thêu xuất khẩu. Khuôn mặt hơi bầu bĩnh, dáng người cao nhưng đặc biệt là có một làn da trắng nõn mà tôi thường trêu là “người con gái trắng nhất vùng Cái Tàu”. Chưa kịp thắm nồng, thì tôi quyết định về quê đi học lại vì không cam phận làm công nhân sống qua ngày. Biết là không thể kéo dài được cuộc tình này vì xa xôi cách trở sau này, hai đứa quyết định dừng lại trong buồn bã. Đêm trước khi từ biệt, cùng ra công viên Lê Thị Riêng chơi lần cuối. Bận tháng mười tây, trăng trời bàng bạc trong ánh buồn dâng lên mắt của đôi người tình sắp rời xa không biết bao giờ gặp lại. Ngồi sát bên nhau, nắm tay nhau thật chặt trong xúc cảm vô ngần của tình yêu tuổi trẻ nhưng không dám ôm nhau vì sợ sẽ ngã lòng mà thay đổi ý định không về, một nụ hôn thôi cũng càng không dám! Tàn đêm, khuôn mặt trắng trẻo của em ngước lên nhìn tôi bằng ánh mắt ươn ướt rồi cất lời: “Mai anh về mạnh giỏi, học hành như nào nhớ thơ cho em hay, rồi sau này còn duyên thì chắp nối, ha anh”! Tôi xúc động tột cùng, chực trào nước mắt nhưng cố ghìm lại rồi đưa em về. Sau này, khi nhớ về người con gái ấy và tưởng nhớ cho một mối tình đẹp đẽ, tôi thường thì thầm lời bài hát nổi tiếng “Hồng Ngự mang tên em” của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng:
“Tôi có người yêu mang tên Hồng Ngự
Giờ đây cách trở xa xôi mịt mờ
Lòng còn tràn bao nhung nhớ
Hình dáng của người em thơ
Trong tôi gói trọn ước mơ
Tôi sẽ về thăm quê hương Hồng Ngự
Nhìn lúa Tháp Mười vươn lên đầy đồng
Nhìn dòng Tiền Giang êm ái
Nhìn cánh chim trời tung bay
Mà nghe luyến lưu dâng đầy
Hồng Ngự ơi tôi sẽ không bao giờ quên
Tôi vẫn hay gọi tên em
trong những đêm dài lưu luyến
Em yêu ơi em nào biết
Trong yêu thương tôi thầm ước
Sẽ có ngày có ngày sống mãi bên em
Tôi có người yêu mang tên Hồng Ngự
Dù bao cách trở nhưng không nhạt nhòa
Tình này dành cho em đó
Và khắc ghi vào tim tôi
Hồng Ngự ơi nhớ em muôn đời”.
Cái Tàu hạ ơi anh vẫn còn nhớ và sẽ nhớ em suốt đời!

16/10/2016

 Chế Cẩm Đình
READ MORE - XỨ SEN - Bút ký - Chế Cẩm Đình

GIỚI THIỆU TẬP THƠ MỚI "HẠ ĐỎ LÊN TRỜI" CỦA NGUYỄN AN BÌNH - Trần Hoàng Vy



Trần Hoàng Vy


GIỚI THIỆU TẬP THƠ MỚI "HẠ ĐỎ LÊN TRỜI"
CỦA NGUYỄN AN BÌNH


Tập thơ " HẠ ĐỎ LÊN TRỜI" đã chính thức phát hành ngày 31-07-2018. Sách dầy 132 trang, 2 phụ bản màu tuyệt đẹp, trình bày thật trang nhã do NXB HỘI NHÀ VĂN cấp phép giá 70.000đồng, Tập thơ là những tình cảm và biết bao hoài niệm của thời áo trắng về hai ngôi trường PHAN THANH GIẢN và ĐOÀN THỊ ĐIỂM thành phố Cần Thơ ngày xưa, với lời giới thiệu của nhà thơ TRẦN HOÀNG VY(Tây Ninh) và những nhận xét ngắn về thơ Nguyễn An Bình của các bằng hữu NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG(Đồng Nai), LÊ NGỌC TRÁC(Bình Thuận), NGUYỄN NGỌC TUYẾT(Cần Thơ).
Các bạn yêu thơ xin liên hệ qua mail của tác giả: luongmanh2106@gmail.com hay inbox cho tác giả qua facebook Nguyễn An Bình.


LỜI GIỚI THIỆU
CỦA NHÀ THƠ TRẦN HOÀNG VY VỀ TÁC PHẨM
HẠ ĐỎ, TẬP THƠ ĐONG ĐẦY CẢM XÚC TINH KHÔI MỘT THUỞ HỌC TRÒ...
*Trần Hoàng Vy


49 bài thơ, 2 bài thơ phụ bản và 3 bài thơ phổ nhạc trong tập thơ HẠ ĐỎ, của cựu thầy giáo Lương Mành, bút danh NGUYỄN AN BÌNH, gửi thầy cô giáo và những bạn bè đồng môn cũ của 2 ngôi trường nổi tiếng xứ “Gạo trắng nước trong- Cần Thơ” là Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm trong những năm từ 1972 đến 1975 đã đưa bạn đọc về một khung trời thuở còn đi học với bao cảm xúc tinh khôi, bịn rịn đến không ngờ. Đó là khi chàng thư sinh Lương Mành bắt đầu những cảm nhận: “ Khi từ giả áo xưa mùa hạ cũ/ Em đã quên rằng sớm nhớ mưa chiều/ Ta bỏ lại tên mình trên ghế đá/ Hóa kiếp dế mèn hát khúc phiêu diêu.” ( Tháng năm đỏ những mùa phượng cũ). Cái hay và tinh tế của Nguyễn An Bình là đã kết hợp được tên một điệu ca cổ vào trong câu thơ, khiến người đọc cứ mang mang về một vùng sông nước, nơi ấy có những áo trắng học trò: “ Nếu có thể làm nhánh rong phiêu bạt/ Thỏa chút giang hồ lưu thủy hành vân/ Hàng trang mang theo một tà áo trắng/ Bướm trắng tan trường rộn rã bước chân” ( Tháng năm đỏ những mùa phượng cũ).
Từ những cảm xúc tinh khôi của thuở học trò ấy, thy sỹ đã cùng chúng ta ôn lại những miền ký ức xưa, khi trái tim non bắt đầu những nhớ, những thương: “ Nhớ tiếng ve rền trên cây bàng xanh lá/ Và tiếng em cười nghiêng cả nắng trưa...” cho dù “ Mai sau dù mất dấu hài/ Hàng cây nhớ gió bay bay suốt mùa” ( Gửi người một chút mưa thơm).
Cái thuở học trò của thy sỹ và cả của chúng tôi ngày xưa ấy, bây giờ tuổi đời đã vào hàng U 70, song vẫn luôn hằn sâu và cũng lắm mong manh của tình cảm: “ Mấy mươi năm phân rả thành bao nhánh nhớ/ Trôi đi trôi đi mang theo chiếc áo học trò/ Tinh khôi bỏ lại...” và “ Một thời qua đây ngẩn ngơ/ Nghe tiếng sẻ nâu trên tàng phượng cũ/ Năm tháng ùa về/ Mong manh mong manh.” (Tiếng sẻ nâu trong ngôi trường ký ức). Cái mong manh ấy, cụ thể là tình yêu của tuổi mới lớn, của lứa học trò từ những năm đệ... ngũ, đệ tứ (lớp 8, 9 ) trở lên? Cho nên mới: “Thuở ấy yêu nhau áo học trò/ Cánh diều no gió bay xa tít/ Còn lại một mình tôi ngẩn ngơ.” Để rồi: “Chiếc vé tình yêu giờ lạc mất/ Đường phượng xưa nào biết đâu tìm?” (Thơ của thời áo trắng). Phải chăng cũng chỉ là những giấc mơ êm đềm của những năm áo trắng sân trường! Gửi lại những vu vơ của vết hằn dao khắc và mối tình đầu như mưa như nắng: “Áo trắng ơi! Ngày xưa gởi lại/ Dãy hành lang lớp học bảng đen/ Bụi thời gian vẫn còn ghi mãi/Tên người yêu khắc góc bàn quen.” Và “Gởi cho nhau kỷ niệm tuổi hồng/ Tôi yêu mãi từng trang lưu bút/ Có tình đầu tôi thật dễ thương.” (Thơ của thời áo trắng).
Hạ đỏ cái tên gọi của những biểu tượng trìu mến không quên, là mái trường xưa, là đường phượng hồng, là mù sương, nắng sớm, mưa chiều, song có lẽ, sự thảng thốt của trái tim lại nằm ở một làn hương, cái kẹp tóc: “Yêu mãi một làn hương/ Phía sau cây kẹp tóc/ Cánh phượng thành tơ vương/ Đỏ một trời tuổi ngọc.” (Chợt gặp em năm 18). Đến một ngày nhận ra như là trong cổ tích? “Cô bạn nhỏ trong khu vườn cổ tích/ Vừa gặp cô tôi đã ngẩn ngơ tình/ Cô khù khờ sao tôi yêu muốn chết/ Chẳng lẽ vì tà áo trắng nguyên trinh?” (Cô bạn nhỏ trong khu vườn cổ tích). Cổ tích của một thời xa xôi, lăng lắc, sao cứ mãi nhớ khôn khuây cái màu hạ đỏ trong đời.
Có lẽ chỉ đọc tới đây thôi, có độc giả lại thắc mắc hỏi tôi cái hình ảnh, chân dung của thy sỹ ở ngoài đời, ngoài thơ? Đó là một thầy giáo có vẽ ngoài mô phạm, đạo mạo, ít nói, song có nụ cười tươi dễ mến, cứ tưởng tượng thêm, ngày xưa... chắc hẵn là cậu học trò chăm học, chĩn chu và.... nhát? Không thế sao mà thy sỹ viết: “Em hồn nhiên một thời xanh tuổi ngọc/ Tôi vô tình để gió bụi xa đưa/ Ngày trở lại phượng sân trường rực lửa  / Không còn nghe rộn tiếng guốc em khua.” (Mùa hè gõ cửa), và đây nữa: “Người con gái tròn xoe đôi mắt ngọc/ Nắng lung linh màu áo lụa sân trường/ Có gã khờ một hôm thèm được khóc/ Để mềm lòng cô bạn nhỏ dễ thương.” (Tháng ba không ở lại).
Vượt qua cái tuổi “Nhi nhĩ thuận”, Nguyễn An Bình có sức viết đáng nễ, hàng trăm bài thơ được tải lên trang Facebook của anh, và trong đó cũng có hơn trăm bài thơ được nhiều nhạc sĩ đồng cảm phổ thành ca khúc. “Thi trung hữu nhạc”. Thơ của thy sỹ Nguyễn An Bình đã chứng minh điều đó, lung linh như một bức tranh xưa, đầy âm thanh, nhạc điệu và man mác những tình cảm nhẹ nhàng, tinh khôi, được chắt lọc từ trái tim của một anh học trò, làm thầy, và quay lại “hồi tưởng” lứa tuổi thần tiên một thời đi học...
Xin trân trọng giới thiệu cùng các bằng hữu, quý độc giả yêu thơ và lứa tuổi học trò tìm đọc, chắc chắn mỗi người sẽ nhìn thấy bóng hình của mình một thuở tinh khôi...


Springfield, mùa xuân 2018.
TRẦN HOÀNG VY


MỘT SỐ BÀI THƠ TRONG TẬP THƠ HẠ ĐỎ LÊN TRỜI CỦA NGUYỄN AN BÌNH












READ MORE - GIỚI THIỆU TẬP THƠ MỚI "HẠ ĐỎ LÊN TRỜI" CỦA NGUYỄN AN BÌNH - Trần Hoàng Vy

BÀI THƠ QUÁN RƯỢU - Thơ - Hoàng Yên Linh

Tác giả Hoàng Yên Linh


Bài Thơ Quán Rượu                      
Hoàng Yên Linh
            
Ra chợ ta tìm vô quán cốc            
Một mình một xị rượu lai rai            
Nhìn em mới thấy mình bạc tóc            
Ngẫm đời chỉ tựa áng mây bay.
            
Nhìn ai cũng giống như tiên nữ            
Ước lòng ta viết được bài thơ            
Không là thi sĩ thôi cuồng sĩ            
Gối mộng đêm dài trọn giấc mơ.
          
Phải chi em cùng ta đối ẩm          
Chén thù chén tạc chuyện xưa sau          
Đời biết bao nhiêu điều được mất          
Cũng đến trăm năm nước qua cầu.
        
Ra chợ ta tìm say quán cốc       
Công hầu cũng đã lạnh đôi tay       
Này em rượu đã nồng men nhớ       
Ta lạc lối về em có hay.
        
Hoàng Yên Linh
READ MORE - BÀI THƠ QUÁN RƯỢU - Thơ - Hoàng Yên Linh