Bút ký
Chế Cẩm Đình
Thế là tôi được về lại Tháp Mười, vừa lúc vào mùa nước nổi.
Lũ năm nay không to bằng những năm trước nhưng nước cũng xâm xấp tràn bờ. Từ
Long Xuyên qua phà An Hòa ghé mắt nhòm con nước sông Hậu đã thấy cuộn trào phù
sa ngầu đỏ trôi nhanh về phía Cần Thơ, Sóc Trăng. Lại qua tiếp sông Tiền trên
phà Bắc Cao Lãnh, cũng một màu đỏ ối phù sa gấp gáp xuôi về bồi đắp những cù
lao, cồn và giồng dưới miệt Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre.
Mùa nước nổi là mùa trời đất ban phát sinh nhai cho xứ này.
Qua Thống Linh, băng đồng Mỹ Quý dọc theo kênh Tháp Mười đã thấy bà con bắt đầu
lên diện bơm nước ra sạ lúa vụ ba. Trên đồng nổi Mỹ Đông, người ta đặt thêm nhiều
lọp và đú để bắt đủ thứ thủy sản tự nhiên theo hải trình trôi về. Nào rô bí, rô
mề, cá lóc, cá trê, tôm, tép và cua cáy đủ các loại không thiếu thứ gì. Lại cả
rắn nước, rắn hổ hành cũng nhiều vô kể. Chuột đồng vàng hươm mắc bẫy bán từng
xâu đầy dọc lộ N2 hoặc trong các chợ Đường Thét, Mỹ An. Với cả những chú cống
nhum lông cứng xù như lông nhím, to bằng trái chân trẻ con, chạy vùng vằng
trong những chiếc lồng sắt chờ làm thịt nướng lu hoặc chiên dầu, chặt ra từng
miếng ăn rất giòn, vị ngây ngậy béo khó tả.
Nói đến Đồng Tháp, phải nói đến đặc sản cá linh. Nghe cái tên
đã thấy gợi lên huyền tích, tương truyền khi Nguyễn Ánh bon thuyền chạy trốn giặc
Tây Sơn trên thượng nguồn sông Hậu thì có đàn cá lạ nhảy ràn rạt vô khoang,
Ngài cho là phía ấy có điềm nên lịnh cho quan quân đầu lại và thoát được bẫy
thù. Để nhớ ơn này, Ngài đặt tên là cá linh, loài cá đã có công ứng báo cho
Ngài.
Mới đầu mùa, thân cá chỉ nhỉnh hơn đầu đũa, bơi liếc ngang liếc
dọc khoe vảy iếng bạc khắp mặt sông, hoặc lội rền rặc đầy ngoài đồng. Đặt lưới
đáy hoặc dớn để bắt luồng cá trôi về từ biển Hồ, ngày may mắn được cả tấn, hoặc
dăm ba tạ tùy con nước. Đem ra chợ bỏ mối, người ta bán lại hai ba chục, năm chục
ngàn ký lô tùy cá lớn nhỏ. Loài này, càng nhỏ thì ăn càng ngon vì xương mềm và
nhiều mỡ. Nấu chua, nấu mẻ, kho tiêu, kho nghệ hay chiên giòn gì ăn cũng không
mất vị béo và ngậy mà rất tươi. Rồi có thể làm gỏi ăn sống, hoặc nấu lẩu ăn
cùng bông điển điển, ngó súng để cảm nhận vị ngòn ngọt, bùi bùi, thơm thơm trộn
lẫn vào nhau.
Nhớ lại lần đầu lên xứ sen cách nay vừa ba tháng, tôi được một
đồng nghiệp chở đi rong chơi khắp nơi. Thì ngạc nhiên vô cùng với những bồn sen
trồng ngay trên hè phố, dưới tàng cây trong công viên, hoặc trước các tòa nhà
công sở khắp các thị thành trong tỉnh. Cũng từng nghe nói sen mọc ngập đồng
Tháp Mười, chứ đâu có biết là sen được biệt đãi trồng khắp nơi như vậy! Mỗi bồn
chừng vài ba gióng sen cong vòng đỡ lấy khoanh lá xanh cốm cỡ bằng vành nón,
trên mặt đọng mấy hạt sương lóng lánh buổi sớm mai. Mỗi khóm có dăm bông sen hồng
có, trắng có đã nở miệng, thoảng mùi hương nhè nhè dễ chịu khi lại gần. Đôi búp
sen non vót cao trên vòm lá, tuy hãy còn chum chúm nụ được bọc trong đài hoa
nhưng cũng đã lộ ra những khóe cánh hồng trông như cặp môi học trò bôi son mím
nhẹ mới đẹp đẽ trong ngần làm sao.
Sen trong phố thị nhiều như vầy, sen ngoài đồng còn nhiều
hơn. Đi dọc theo các con lộ cặp kênh trong xứ, đâu đâu cũng có đầm sen ngút mắt.
Sen mọc chen với lúa, mọc cặp bờ bao. Ngay cả những dặm rừng thưa ngập nước,
sen cũng mọc chen vào. Trên mấy tấm đồng, khi lúa đầu mùa khoe áo mới màu xanh
non mượt, cũng là lúc những rặng bông điên điển sắm màu vàng tươi đầu mé bờ đón
lũ tràn về, thì sen cũng kịp thay sắc lá màu cốm sang màu xanh sậm, điểm xuyến
trên mặt biển lá sen những búp trắng búp hồng tạo ra một khung cảnh thiên nhiên
tuyệt bích. Sen có lẽ đã mọc ở xứ này tự hằng nghìn năm trước, như là loài cây
được phái xuống làm biểu tượng cho vùng đất này. Khi vào thăm nhà lưu niệm di
tích gò Tháp, tôi vô cùng ngạc nhiên về một bức hình chụp lại phù điêu cổ có từ
thời nơi đây là cố quốc Phù Nam, đó là một bông sen!
Nhân nói đến việc đến thăm gò Tháp, cảm giác bùi ngùi khi thấy
dưới gốc cây cổ thụ trên nền rêu phong của tàn tích cổ xưa những phiến đá bia
to lớn ngổn ngang. Lại gần xem kỹ một tấm bia, thấy dòng chữ “Toàn dân Đồng
Tháp ghi ơn Ngô tổng thống” được lập năm 1957 khiến tôi xúc động đến thảng thốt.
Ngày xưa, nơi này chính là thành quách của đất nước Phù Nam. Bởi cho dù vật đổi
sao dời sau mấy nghìn năm thì hình hài thành thị với những “lối xưa xe ngựa hồn
thu thảo” vẫn còn đó. Ở những hố khai quật lộ thiên thấy rõ chân bức tường
thành bằng đá sa thạch đẽo vuông chen với gạch vồ cỡ bằng hai cái bánh chưng Tết
ghép lại. Mặc dù bị ngăn rào cấm thâm nhập, tôi vẫn liều mình leo vào lật gạch
ra xem thấy lớp vữa giống với vữa dùng trong kỹ thuật xây dựng của người Chăm,
bóp nhẹ cảm nhận thấy bằng mũ thực vật trộn với bã trấu, chứ không phải hồ cát
như trong kỹ thuật xây dựng của các sắc dân khác, nhưng mạch vữa lớn hơn mạch
tường Chăm mảnh như sợi chỉ. Sau này, trên nền gò di tích ấy, chính quyền Đệ nhất
cộng hòa đã cho xây một ngôi chùa tháp mười tầng kể từ gác hai lên, nên thường
gọi là Tháp Mười. Tháp này sau bị người ta đặt mìn giựt sập, vì cho rằng đây là
ngự quan đài trong việc theo dõi du kích khắp vùng của quân đội họ Ngô. Tuy vậy,
khi so sánh với chiều cao của rừng cổ thụ vẫn còn mọc cạnh khu móng tháp, ước
đoán là nếu chiều cao mười tầng thì sẽ không cao hơn tàng cây đó bao nhiêu, nên
khó có chuyện tháp này được sử dụng cho mục đích quan sát ra chung quanh như vậy,
mà việc giựt sập có thể là một ý đồ khác hoàn toàn. Trừ gò Tháp Mười vọt lên
cao hơn mực nước biển 5m, thì toàn bộ vùng này là một bồn trũng địa chất mênh
mông những cánh đồng, nên gọi là Đồng Tháp, đã thành ra tên đất của xứ sen.
Cũng lần đầu lên đây, gặp đúng dịp bà con tổ chức lễ giỗ lần
thứ 196 năm cho ông bà chủ chợ Cao Lãnh tên là Đỗ Công Tường. Nghe nói ngày xưa
dưới thời Gia Long có một đợt dịch bịnh giết gần hết dân chợ nơi đó. Thì ông bà
chủ chợ là bực cha mẹ của con dân thấy quá đau lòng, bèn lập chay đàn khấn vái
trời đất nguyện rằng nếu được đổi lấy mạng sống của hai vợ chồng ông cho bà con
thoát dịch, thì ông bà xin được đổi. Khấn được ba ngày, qua ngày thứ tư vợ ông
mất, đang lo việc tang gia qua rạng sáng ngày thứ năm ông cũng ra đi lúc tảng
sáng. Người ta lo chôn cất ông bà xong thì dịch bệnh cũng vừa dứt, cuộc sống
nhân dân lần hồi sung túc lại như xưa. Nhớ ơn vợ chồng Ông Chủ Bà Chủ, bà con lập
đền thờ rất lớn để thờ phụng ông bà chu đáo. Cứ dịp này hằng năm tổ chức lễ hội
linh đình, ăn uống ba ngày miễn phí và tùy tâm báo ân. Đêm lại, ngay trong vườn
ngôi nhà cũ của ông bà bên mé chợ, chiếu nhạc tài tử được mở ra cho bà con lại
thưởng lãm các ngón đờn ca ngũ âm điêu luyện, các giọng hát tân cổ ngọt ngào của
các nghệ nhân dân gian thật giản dị mà sâu thẳm đến thấu tận tâm hồn con người
vùng đất phương Nam.
Cao Lãnh có hai đặc sản được ưa thích, một là bánh tằm ngon
có tiếng, dĩa bánh tằm dẻo dai được lót bởi giá sống, ở trên là thịt khìa, xíu
mại, rải lên thêm bì, rau thơm, dưa leo, hành thơm, đậu phộng rang ăn kèm dưa
chua và nước mắm ngọt, thêm tí ớt bằm cho những người thích ăn cay. Bánh tằm
ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách pha bột và se bánh. Làm bánh tằm phải
chọn gạo tẻ loại ngon và giai đoạn quan trọng nhất đó là hồ bột, cộng thêm sự mới
lạ từ thịt khìa và xíu mại làm nên nét đặc trưng của món bánh này. Đặc sản thứ
hai là mận Hòa An dùng nấu lẩu hoặc hấp với cá lóc đồng ăn chat chát mà ngọt lựng
trong cần cổ ngon tuyệt sầu.
Qua Lai Vung ăn quýt hồng vỏ vàng bự bằng cái ấm trà vị thanh
hiếm có. Tiện đường mua thêm mấy xâu nem giáo Thảo ba bốn ngày tuổi bóc ra ăn
chua chua ngọt ngọt ngon dịu cả người. Tới Lấp Vò thấy bà con chong lều dọc đường
luộc củ ấu bán mươi ngàn một ký. Từng rổ từng rổ ấu tươi, ấu luộc nhóc lều. Những
củ ấu đen thui dương mấy cái sừng nhọn hoắt như những chú trâu thu nhỏ bằng
ngón tay cái, vỏ hơi cưng cứng khi luộc lên là có thể cắn vỡ bằng răng hàm, cắn
mạnh quá thì bập sâu luôn vào cùi phứa cả thịt ấu trắng mịn ra miệng là cảm
giác ngay vị ngọt bùi của tinh bột, vị béo của dầu. Thứ ấu này có thể ăn no mà
không ngán, máy tay bóc hoài cho kỳ sạch trong bọc mới thôi chứ không cưỡng lại
được khi còn sót củ nào. Ai về Tam Nông thăm Tràm Chim thì chỉ nên ăn thịt cò
trắng cũng đủ biết mùi vị đặc sản chim trời nơi đây, nhưng đừng ăn các loài quý
hiếm khác như cồng cộc, chích cồ hay nhan điển làm mất đa dạng sinh học quý hiếm
của vùng này. Ai về Thanh Bình vùng 5 xã cù lao thì được ăn các loại ốc trời. Ốc
gạo luộc, ốc bươu nướng muối, cháo ốc thứ nào cũng thơm ngọt tự nhiên. Qua Tân
Hội Trung thì vô số hầm ếch, khỏi nói thịt gà đồng thì ngon cỡ nào với các món
chiên, xào, lăn và cả hấp. Xuống tới Mỹ An ăn vịt trời thịt dai dai ngọt sắc, lại
có cá lóc bọc lá sen non nướng trui vị chát làm nền ăn một lần cả đời chớ được
quên.
Nằm giữa hai dòng sông lớn là Tiền giang và Hậu giang nên đất
đai xứ sen màu mỡ vô cùng, cây trái xanh tươi trĩu quả quanh năm. Ngoài quýt hồng
Lai Vung đã nói, có bưởi Phong Hòa, có đủ thứ giống xoài đặc sản vùng châu thổ
như xoài cóc, xoài tượng, xoài cát đi hẳn vào ca dao như “Xoài nào ngon bằng
xoài Cao Lãnh – vú sữa nào ngọt bằng vú sữa Cần Thơ”. Nói tới trái cây không thể
không nhắc đến những vườn nhãn bạt ngàn bên vùng Long Mỹ vàng rực vào mùa trái
chín, hái trái cây trên cành thưởng thức ngay ngọt xé cần cổ. Sẽ không thể nào
quên được nhãn tiêu Châu Thành trái to hạt lép, hương thơm, cơm dày trắng ngần
ngọt lịm, thứ đặc sản có thể sánh ngang với nhãn lồng ngoài Hưng Yên. Ôi chao
cái xứ sao mà lắm sản vật!
Chỉ tiếc là, cả hai dịp đi về tôi chưa qua tới miền Hồng Ngự
vùng biên để ngắm hình ảnh cô gái miền Tây ngồi dệt khăn rằn, bèn ghé chợ Mỹ Thọ
mua liền mấy tấm đủ màu đen xám, xanh và đỏ úa đặc trưng của người Khờ Me rồi
quấn vào cổ nhìn cho bùi bụi giống chất người miền Tây. Cũng chưa qua thăm được
chợ chiếu Định Yên ở Lấp Vò vang tiếng gần xa. Nghe nói chợ mở từ 12 giờ khuya
để ghe thương hồ lại đóng hàng tỏa đi khắp miền Cửu Long, nên gọi là chợ Ma.
Ghe bầu, ghe chài ăn no hàng thì tỏa ra đi khắp nơi ngay trong đêm, đầu ngày
hôm sau là tới được chợ xa để kịp bán đến trưa lại quay về.
Mà quên nói đến thành phố hoa Sa Đéc. Chao ôi muôn loài hoa
khoe đủ sắc màu trong các vườn hoa bạt ngàn của những nhà vườn ngay trong thành
phố, bên làng hoa Tân Quy Đông hoặc theo xáng Mương Khai – Đốc Phủ Hiền. Hoa hồng
đỏ tươi, hoa cúc vàng rượm, trắng ngần hoa ly, tím rịm oải hương dài theo luống
ngút tầm mắt. Từ lay ơn, thược dược, xác pháo thân mềm đến các loài cao quý như
vạn niên tùng, sơn tùng, ngọa tùng, tùng hổ phách, tùng Nhật Bản, kim quýt,
nguyệt quới, mai vàng, mai chiếu thủy đều được trồng và chăm sóc đủ cả, để mỗi
mùa Tết về tấp nập ghe thuyền, xe cộ chở đi thêu dệt mùa xuân khắp nơi.
Miền Tây là vùng có một điều đặc biệt mà nhiều vùng trong cả
nước không có, đó là sự chung sống hòa lẫn vào nhau giữa người Kinh, người Hoa
và người Khơ Me, bao gồm cả sự hòa huyết tạo ra hình thể sinh học khá riêng của
người dưới miền này. Nên có thể bắt gặp một làn da ngăm bóng, một giọng nói Tiều
Châu giữa phố thị Cần Thơ, Long Xuyên hay ở miền dưới như Sóc Trăng, Bạc Liêu
thì rất đỗi bình thường, không ai nhòm ngó lâu. Nhưng Đồng Tháp lại khác hẳn, gần
như chỉ có người Việt với nhau. Mà con gái Đồng Tháp đẹp khuôn mặt, dáng thanh,
mày ngài và nước da trắng ngần thấu rõ cả gân xanh. Nha Mân có loài sen nống lá
to chở được cả người lớn không chìm, mà cũng là nơi con gái đẹp có tiếng được
tương truyền theo câu ca “Gái nào đẹp bằng gái Nha Mân”.
Cũng không dấu làm gì lý do tôi yêu quý vùng đất này hơn bất
cứ nơi nào ở miền Tây tôi từng đi qua. Tròn hăm mốt năm ở Sài thành xưa củ, tôi
có một mối tình trong trẻo với một người con gái xứ sen, nhà ở Cái Tàu hạ. Thủa
ấy ở chung trong một khu nhà trọ với nhau, cùng đi làm công nhân may thêu xuất
khẩu. Khuôn mặt hơi bầu bĩnh, dáng người cao nhưng đặc biệt là có một làn da trắng
nõn mà tôi thường trêu là “người con gái trắng nhất vùng Cái Tàu”. Chưa kịp thắm
nồng, thì tôi quyết định về quê đi học lại vì không cam phận làm công nhân sống
qua ngày. Biết là không thể kéo dài được cuộc tình này vì xa xôi cách trở sau
này, hai đứa quyết định dừng lại trong buồn bã. Đêm trước khi từ biệt, cùng ra
công viên Lê Thị Riêng chơi lần cuối. Bận tháng mười tây, trăng trời bàng bạc
trong ánh buồn dâng lên mắt của đôi người tình sắp rời xa không biết bao giờ gặp
lại. Ngồi sát bên nhau, nắm tay nhau thật chặt trong xúc cảm vô ngần của tình
yêu tuổi trẻ nhưng không dám ôm nhau vì sợ sẽ ngã lòng mà thay đổi ý định không
về, một nụ hôn thôi cũng càng không dám! Tàn đêm, khuôn mặt trắng trẻo của em
ngước lên nhìn tôi bằng ánh mắt ươn ướt rồi cất lời: “Mai anh về mạnh giỏi, học
hành như nào nhớ thơ cho em hay, rồi sau này còn duyên thì chắp nối, ha anh”!
Tôi xúc động tột cùng, chực trào nước mắt nhưng cố ghìm lại rồi đưa em về. Sau
này, khi nhớ về người con gái ấy và tưởng nhớ cho một mối tình đẹp đẽ, tôi thường
thì thầm lời bài hát nổi tiếng “Hồng Ngự mang tên em” của nhạc sĩ Tô Thanh
Tùng:
“Tôi có người yêu mang tên Hồng Ngự
Giờ đây cách trở xa xôi mịt mờ
Lòng còn tràn bao nhung nhớ
Hình dáng của người em thơ
Trong tôi gói trọn ước mơ
Tôi sẽ về thăm quê hương Hồng Ngự
Nhìn lúa Tháp Mười vươn lên đầy đồng
Nhìn dòng Tiền Giang êm ái
Nhìn cánh chim trời tung bay
Mà nghe luyến lưu dâng đầy
Hồng Ngự ơi tôi sẽ không bao giờ quên
Tôi vẫn hay gọi tên em
trong những đêm dài lưu luyến
Em yêu ơi em nào biết
Trong yêu thương tôi thầm ước
Sẽ có ngày có ngày sống mãi bên em
Tôi có người yêu mang tên Hồng Ngự
Dù bao cách trở nhưng không nhạt nhòa
Tình này dành cho em đó
Và khắc ghi vào tim tôi
Hồng Ngự ơi nhớ em muôn đời”.
Cái Tàu hạ ơi anh vẫn còn nhớ và sẽ nhớ em suốt đời!
16/10/2016
Chế Cẩm Đình
No comments:
Post a Comment