Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 21, 2013

BƯỚC ĐẦU CUỘC SỐNG MỚI - thơ Độc Hành

Nông trường  cao su Cồn Tiên, Gio Linh ngày nay


Tháng năm một chín bảy lăm
Tôi đi kinh tế trăm năm nhớ đời
Ngày đi sức trẻ ngời ngời
Cồn Tiên, Dốc Miếu chân trời mở ra
Khai hoang, phục hóa quê nhà
Cải thiện cuộc sống ai mà không ưa
Hôm nay nhớ lại ngày xưa
Bình minh năm ấy còn lưa mấy người
Cuối đời nghĩ lại buồn cười
Mạnh ai nấy chạy xa rời cố hương

………….

Xa rồi lòng vẫn vấn vương
Một đời trai trẻ mọi đường lo toan
Tập trung ở tại Ủy ban
Chia tay làng xóm hỏi han đôi điều
Lên xe nhắm mắt đi liều
Binh minh cho tới xế chiều hoàng hôn
Dừng xe lòng thấy bồn chồn
Rừng thưa rải rác bốt đồn đâu đây
Đứng nhìn đất đá cỏ cây
Quơ tay đuổi muỗi như bầy ong bay
Sên, vắt cứ búng vào tay
Rùng mình phát ớn không may dính vào
May nhờ mấy điếu thuốc lào
Vài chai thuốc muỗi năm nao để dành
Ra đi cha dặn rành rành
Dầu hôi, vôi trắng rừng xanh rất cần
Con đi cha lắm phân vân
Cố mà giữ lấy phòng thân bôi vào
Đầu đời xa xứ cần lao
Con thơ vợ dại lao đao muôn vàn
Đồng bằng đâu giống trên ngàn
Rừng thiêng nước độc, gian nan mọi điều!
Hòa bình hai tiếng mỹ miều
Gặp cha gặp mẹ người yêu nhất đời
Được dăm ba tháng phải rời
Quê hương nghèo khổ một thời cưu mang
Trắng tay tay trắng phủ phàng
Bỏ làng bỏ xóm ngổn ngang đôi đàng
Nhìn con nhìn vợ hoang mang
Dọn cây, trãi chiếu xốn xang cả lòng!
Đầu đời ngủ giữa trời không
Còn mình làm lính ngồi trông thú rừng
Đêm về mang đoác tưng bừng
Gọi nhau tìm bạn trừng trừng mắt xanh
Vượn, khỉ nhảy nhót trên cành
Heo rừng ủi phá cây xanh từng đàn
Rết rắn thì gặp vô vàn
Luôn luôn cảnh giác chết oan có ngày
Bước đầu gặp phải nơi này
Rừng hoang, rú rậm xưa nay chưa từng.
Trằn trọc nghe tiếng gà rừng
Biết rằng trời sáng mừng thầm qua đêm
Bình minh ló dạng thấy êm
Tương lai chưa biết có thêm chuyện gì
Dẫu rằng nếu có gặp chi
Âu là kỉ niệm tôi đi phá rừng

ĐN 1981.
Kỷ niệm sau khi rời  vùng KTM Cồn Tiên-QuảngTrị.
ĐỘC HÀNH
READ MORE - BƯỚC ĐẦU CUỘC SỐNG MỚI - thơ Độc Hành

XUÂN NHỚ MẸ - thơ Nguyễn Thị Đông


READ MORE - XUÂN NHỚ MẸ - thơ Nguyễn Thị Đông

CHIỀU HẠ - Truyện ngắn Ngô Diệu Hằng

Tặng anh ĐOÀN ĐÌNH CHI (theo yêu cầu) - Làm việc tại Việt Nam Handetour - Hà Nội   





Anh rất hiền, đẹp và thánh thiện. Đôi khi bạn bè vô lối thốt ra lời đau lòng “mày là đồ ngu”. Anh chỉ thấy hơi chạnh lòng nhưng khóe miệng và đôi mắt vẫn cười, thầm nghĩ “đời có kẻ khôn, người dại, khôn với kẻ xấu, hiền với người lương, chúa đã dạy phải sống sao không thẹn với lòng mình…”
     
Anh dừng xe, đi bộ vào công viên, chăm chăm nhìn thẳng về phía trước tìm một chiếc ghế đá còn trống để ngồi, tránh đụng mắt phải những đôi tình nhân đang “diễn cảnh nóng” đây đó. Chiều chiều tan sở anh lại tìm một chốn bình yên không khí trong lành để ngồi, chỉ để lặng yên chốc lát sau một ngày quá đỗi bận rộn với công việc. Hôm nay trời nắng dai dẳng, gần sáu giờ mà trời vẫn nóng, cái ghế đá anh ngồi tỏa ra làn hơi nóng ran thấm qua lớp quần jean dày. Anh đứng dậy một lúc rồi ngồi xuống, không may mắt cá chân va phải chân ghế đau buốt. Anh cắn răng không dám la lên sợ chấn động các đôi tình nhân đang say đắm, nhưng nước mắt thì ứa ra cùng những viên mồ hôi động li ti trên mũi. Cái mắt cá chân chết tiệt bị u to gần một tháng nay khiến anh lo lắng.
       
Anh nhớ lại lần trước, khi còn yêu, nàng nói anh đẹp trai nhưng khù khờ. Anh yêu nàng nhưng không cho nàng cảm giác bất ngờ và những xúc cảm mãnh liệt như những chàng trai khác. Khi anh bị sốt, nàng lấy cớ đi thực tế không chăm sóc được. Anh ho, nàng nói anh nên nhập viện vì có thể bệnh lao ngày xưa tái phát. Rồi khi cái u kỳ lạ xuất hiện ở mắt cá chân, nàng bảo anh ít tài lắm tật quá.       

Và một chiều nắng chan chứa như muốn xuyên qua lớp khẩu trang đâm vào những sợi lông tơ trên mặt anh ran rát, chiếc xe bất chợt chết máy khi chưa kịp vào đến sân nhà trọ của nàng. Có một chiếc xe máy khác trông oách lắm đang chễm chệ bóng loáng dưới ánh nắng chiều chiếu nghiêng nghiêng hắt vào mặt anh chói lóa. Anh bước vào sân chưa kịp cất tiếng gọi thì thấy nàng vội vã chạy ra đứng trước mặt. Anh nhã ý chở nàng đi ăn kem Tràng Tiền. Nàng im lặng, vài lọn tóc xoăn xỏa trước mặt bồng bềnh:
   
- Anh về đi. Em có việc bận rồi.
    
- Ơ…, em bận gì giờ này nữa? Xe của ai kia mà dựng trước cửa phòng em thế?
    
- Đó không phải việc của anh.
      
 Anh thấy hụt hững, đưa ánh nhìn sang phía giàn hoa giấy đang rực hồng trước cổng cố che dấu nỗi thất vọng đang tràn xuống lồng ngực. Anh vẫn đang im lặng thì nàng tiếp:
     
- Anh lúc nào cũng kem, chè, trà chanh và những chiếc hôn nhẹ phát ớn. Làm gì cũng sợ mang tội với Chúa. Thôi em nói thẳng luôn, kể từ giây phút này chúng ta chia tay.
       
Nàng vẫn thường dứt khoát và độc đoán như thế. Có lẽ nàng nói thật.
  
Anh nhớ lại hôm chủ nhật tuần trước đến nhà thờ, anh đến gặp cha xưng tội. Anh thấy có tội lỗi gì, hay là có tội với trái tim đã không giữ được nàng? Anh ú ớ vài từ rồi im bặt. Sự im lặng của anh làm Cha phải buông lời trách móc:
        
- Những lời khó hiểu chỉ có thể nhận được sự thanh thản nửa vời.
      
- Nàng đã bỏ con theo người khác. Con không hận nàng nhưng con không tài nào tìm lại được niềm thanh thản thưa Cha!
       
- Ta hiểu con đang cảm thấy như thế nào. Nào con trai hãy cầu nguyện:
       
- Xin Thượng đế hãy cho con sự thanh thản để con có thể chấp nhận những điều không thể thay đổi. Xin Thượng đế hãy cho con sự dũng cảm để con có thể thay đổi những điều có thể đổi thay! Amen…!
  
Anh đứng dậy khỏi ghế đá. Các đôi tình nhân vẫn đang miệt mài với đủ các thể loại ân ái. Anh thường khinh chuyện đó, vì với anh kiểu người Việt sống ở đất Việt xài văn hóa Tây kiểu nửa vời không biết chắt lọc ấy thật đáng buồn cười. Cách họ yêu gợi cho anh cảm giác giả dối, thực dụng và tôi lỗi. Trước đây khi yêu nàng anh không bao giờ đưa nàng đến công viên. Sáu tháng yêu nàng, anh đã ốm mất ba tuần. Và anh cũng chưa lần nào ở lại cùng nàng như thời nay những người trẻ vẫn hay sống vội vã…
  
Nàng là sinh viên kinh tế học vấn cao, sôi nổi và năng động trong mọi lĩnh vực. Thỉnh thoảng nàng lại kể về những vấn đề chuyên ngành, những nơi cao sang nàng đã tới và cả những mơ ước xa vời mà anh biết với đồng lương của một thanh niên tỉnh thành lên thuê trọ làm việc ở Hà Nội quả là những tầng tháp cao có lẽ chẳng bao giờ với nổi. Nhưng anh vẫn yêu vì nàng cá tính, mạnh mẽ và có gì đó quyết liệt, hoài bão. Cho đến giây phút nàng độc đoán và phủ phàng buông lời chia tay không để anh có cơ hội tìm hiểu lý do thì anh biết nàng không thuộc về anh.
  
Thế là bạn bè chửi anh ngu. Anh không nhờ họ phân tích từ ấy ra như những lần anh vẫn nhờ họ hỗ trợ tìm cách dỗ dành nàng khi nàng lên cơn tức giận. Nàng trách anh sao tới muộn, rằng thời gian của nàng là vàng bạc, bao nhiêu cuộc hẹn nàng xếp đống lại chỉ vì anh. Nàng mắng anh không biết tự bảo vệ sức khỏe, thanh niên trai tráng mà suốt ngày chỉ thấy ốm, bệnh, ho hen, cảm sốt. Nàng không nói ra, nhưng ánh mắt nàng trả lời thay tất cả sự chán phèo cảm giác đi chơi với anh và cả những món quà anh tặng.
  
Anh sống nội tâm và tình cảm. Một thứ tinh thần sống mà thời nay người ta không hiểu được, cũng chẳng muốn hiểu và chấp nhận, đó là sống bằng trái tim và coi tiền bạc là thứ trang sức tô điểm thêm cho cuộc sống, phục vụ những chuyến đi chơi xa chỉ để tìm kiếm cảm xúc và sự thanh thản.
  
Hôm nay bác sĩ hẹn tháo băng ở mắt cá chân. Anh ngồi đợi và chợt nhớ đến một nơi rất xa, một miền đất đầy nắng và gió có cô bạn tình cờ quen, cô bạn đã từng rất nhớ khi có chuyện buồn chia sẻ. Anh đã có những ngày rất vui và sống rất chân thành ở nơi ấy, mảnh đất miền Trung nắng cháy ráp cả người nhưng con người ở đó luôn nở những nụ cười rất thân thương, ấm áp. Họ uống rất nhiều và anh đã say, không phải say vì rượu bia mà say cái tình người mộc mạc, chân chất ấy.
  
Anh muốn trở lại đó, một nơi bình yên và có cô bạn sống như anh, sống bằng trái tim chân thành.

                                                                           
 NGÔ DIỆU HẰNG

Vài dòng về tác giả:


NGÔ THỊ DIỆU HẰNG
Quê: Vĩnh Linh - Quảng Trị - Việt Nam.
Tốt nghiệp THPT Vĩnh Linh 2007, 
Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Huế năm 2011.
Hiện là giáo viên Anh văn tại Vĩnh Linh và cộng tác với các báo, tạp chí trên cả nước.
READ MORE - CHIỀU HẠ - Truyện ngắn Ngô Diệu Hằng

MIỀN ĐẤT CỘI NGUỒN THƠ VĂN TÂY NINH - Phan Kỷ Sửu

Thị xã Tây Ninh



         Miền đất ấy chính là Thị xã Tây Ninh, một khu vực có tính chất trung tâm văn hóa - xã hội của cả tỉnh Tây Ninh đã được thành lập từ năm 1867 tức là từ khi thực dân Pháp chính thức xây dựng cơ quan hành chính cấp tỉnh (tháng 6-1867). Cho đến bây giờ, nơi nầy vẫn là tỉnh lỵ. Như vậy, tính cho đến năm nay 2009, Thị xã Tây Ninh đã liên tục tồn tại suốt 142 năm với nhiều tên gọi khác nhau và qua nhiều lần được điều chỉnh địa giới hành chính.
     Ngày ấy, Thị xã Tây Ninh thuộc Quận Thái Bình. Đến năm 1942 lại được đổi tên là quận Châu Thành. Ngày 9-12-1942, xã Thái Hiệp Thạnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập các khu vực có tính chất đô thị và tập trung đông dân cư thuộc ba xã Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh. Gọi là xã nhưng nơi nầy lại có tính chất của một khu vực tỉnh lỵ và vẫn trực thuộc quận Châu Thành. Dưới chế độ Sài Gòn từ năm 1963 đến 1975, xã Thái Hiệp Thạnh thuộc quận Phú Khương, một trong 4 quận của tỉnh Tây Ninh (Phú Khương, Phước Ninh, Hiếu Thiện và Khiêm Hanh).
      Vế phía chính quyến Cách mạng, thì từ ngày 01-01-1950, Thị xã Tây Ninh được chính thức thành lập, địa giới hành chính giới hạn trong phạm vi xã Thái Hiệp Thạnh. Từ sau ngày 30-4-1975, Thị xã có 3 phường và xã Bình Minh.Từ năm 1999, địa giới được mở rộng thêm với 5 xã và một phần của xã Hiệp Tân huyện Hòa Thành. Do đó, hiện đã có 5 phường (I, II, III, IV và Hiệp Ninh cùng 5 xã Bình Minh, Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Ninh Sơn,Thạnh Tân và Tân Bình).
      Cũng như cả tỉnh Tây Ninh nói chung,Thị xã Tây Ninh vốn là một vùng địa linh nhân kiệt. Bên cạnh truyền thống hào hùng chống ngoại xâm trong các cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc, Thị xã Tây Ninh cũng đã có một truyền thống rạng rỡ về các lĩnh vực văn học nghệ thuật bởi vì chính nơi nầy là cái nôi của tầng lớp trí thức Tây Ninh. Trong thời Pháp thuộc, giới trí thức, kể cả giới công chức làm việc cho chính quyền thuộc địa, hầu hết đều chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Những văn nghệ sĩ cũng xuất thân từ các thành phần trên, tuy nhiên, vẫn có nhiều tác giả thể hiện tốt tình cảm quê hương đất nước.Và trên lĩnh vực sáng tác thơ văn, nhiều tư liệu và bằng chứng lịch sử đã khẳng định chính Thị xã Tây Ninh là điểm xuất phát, là cội nguồn với vai trò tiên phong từ đầu thế kỷ XX.
     Từ năm 1915, tại Thị xã Tây Ninh đã hình thành một nhóm văn thi sĩ sáng tác thơ ca. Họ thường tổ chức họp mặt để xướng họa, một hình thức sinh hoạt thật tao nhã lúc bấy giờ. Theo tác giả Huỳnh Minh trong "Tây Ninh xưa” cũng như trong nhiều tư liệu khác thì đó chính là nhóm thơ tiền phong ở Tây Ninh. Dạo nầy, giới cầm bút Thị xã Tây Ninh có nhiều biến chuyển về văn hóa.Từ ảnh hưởng lâu đời của văn học dân gian và Hán học đã chuyển sang một xu thế mới đó là việc sử dụng chữ quốc ngữ trong sáng tạo văn học nghệ thuật và các lĩnh vực khác. Do đó, về mặt văn học, họ đã tạo nên những bước phát triển mạnh mẽ và đặt nền móng đầu tiên cho văn học nghệ thuật Tây Ninh. Những cây bút tiền bối như các ông đốc phủ Tô Ngọc Đường, hương cả Huỳnh Văn Tâm, hương lễ Tịnh và đặc biệt là nhà giáo Võ Văn Sâm (cũng gọi là Võ Sâm hay ông giáo Xôm) - tác giả tập thơ “Thi phú văn từ” - lúc bấy giờ được dư luận đánh giá rất cao. Thầy Sâm sinh năm Mậu Thìn 1868 tại xã Thái Bình (Quận Châu Thành nay là Thị xã Tây Ninh) trong một gia đình lễ giáo.Thầy chỉ đứng trên bục giảng một thời gian ngắn rồi xin nghỉ việc và tham gia viết cho các báo Nông Cổ Mín Đàm, Gia Định Báo, Lục Tỉnh Tân Văn. Như vậy, nếu nói về lĩnh vực báo chí, thầy giáo Sâm cũng là nhà báo Tây Ninh đầu tiên.
   Năm 1923, cụ Quốc Biểu Nguyễn Cư Hiến thành lập Văn đàn Quốc Biểu, tổ chức văn nghệ sĩ đầu tiên tại Tây Ninh. Cụ Hiến sinh năm 1895 tại Sóc Trăng. Cụ là con nuôi của nhà giáo Dương Minh Đặng (thân sinh của liệt sĩ anh hùng Dương Minh Châu).Thời thơ ấu, cụ là học sinh trường Tiểu học Tây Ninh. Cụ là một trí thức tiến bộ, một nhà thơ yêu nước, cũng là một nhà hoạt động cách mạng có quan hệ mật thiết với nhà báo Trần Huy Liệu, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh... Văn Đàn Quốc Biểu quy tụ khoảng 20 người, trong đó có các cụ Nguyễn Toại Chí (tự Thanh Phong), Dương văn Kim (tự Nhà Quê), Lê Chí Thành (tự Cổ Lệ), Võ Trung Nghĩa (tự Lâm Tuyền), Võ Văn Tấn (tự Tân Sắc), Sầm Văn Đá (tự Sầm Sơn) v.v… Ngoài ra, còn có những người bạn đồng nghiệp khác của cụ Hiến.
   Hằng tuần vào mỗi Chủ Nhật, Văn Đàn tổ chức sinh hoạt tại Gò Chẹt là một gò đất hoang vu tịch mịch nhưng phong cảnh rất nên thơ hữu tình, nằm ven rạch Tây Ninh, cách cầu Quan 2km (trước đây thuộc ấp Thái Vĩnh Đông - Xã Thái Hiệp Thạnh - Phú Khương nay thuộc Khu phố 2 Phường I Thị Xã Tây Ninh). Cái gò nằm ven rạch có hình thể rất lạ, có đoạn thì nhô ra ngoài, đoạn lại ăn sâu vào trong, nên dân gian gọi là Gò Chẹt. Từ cái  gò đất ấy, những bài thơ yêu nước kêu gọi nhân dân địa phương nổi dậy chống lại thực dân Pháp, giành lại cuộc sống độc lập tự do lần lượt ra đời và tạo nhiều hiệu quả tích cực. Cụ Hiến có họa vận một bài thơ Đường Luật của cụ Đào Châu, trong đó có những câu có ẩn ý khá thâm thúy.
      “Phỉ lòng ao ước bấy lâu nay
       Gặp hội văn thì quá đổi may
       Mày gốc rậm xin người gắng chí
       Vạch mây trời cầu bạn ra tay…”
     Cụ Hiến đã ví von mặc dù bộ máy cai trị của kẻ thù đã hình thành trên xứ sở nầy có vững như một gốc cây thì với sự hợp lực của đông người “mày” (mài) giũa nó lâu ngày nó cũng trốc gốc. Còn vạch mây trời là cùng vạch mây mù cho ánh mặt trời soi sáng khắp non sông.
     Cụ cũng có sáng tác bài thơ vịnh “Cọp vườn thú” ca ngợi khí tiết của vị vua yêu nướcThành Thái (1889-1907). Khi nhà vua bị thực dân Pháp lưu đày tại đảo Reunion từ ngày 12-9-1907 cùng với con là Duy Tân, cụ có những câu thơ phản ánh sâu sắc lòng ngưỡng mộ và cảm thông của cụ đối với những người Việt Nam yêu nước bị giam cầm trong tù ngục của kẻ thù:
      “Dây sắt luống đeo mình khó nhọc
       Tấm da thà để tiếng oan ưng
       Hỏi ông có nhớ rừng xưa tá!
       Chẳng nhớ mà sao mắt ngó chừng…”
     Sau Cụ, nhiều văn nhân thi sĩ khác của đất Thị xã tiếp tục sáng tác nhiều bài thơ thức tỉnh lòng dân và lên án quân xâm lược.Tất nhiên, ngày ấy thực dân Pháp luôn xem những sĩ phu đất Thị xã là những nhân vật nguy hiểm và chúng luôn rình rập, theo dỏi.
   Tháng Giêng năm Tân Sửu 1901, nhóm văn thi sĩ tiền bối ở Thị xã có mời nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu cùng hành hương, ngâm vịnh và ngắm hoa mai trắng nở tại núi Bà Đen nhân ngày Nguyên Tiêu. Nữ sĩ đã cảm xúc viết một bài thơ Nôm “Vịnh Bạch mai trên núi Bà” và hai bài thơ chữ Hán “Linh Sơn nhất thụ mai” rất đặc sắc.
    Ngày 14-3-1926, nhà yêu nước Phan Châu Trinh từ trần. Lễ truy điệu và lễ tang cụ đã trở thành một phong trào thể hiện lòng yêu nước, căm thù thực dân xâm lược của toàn dân diễn ra trong cả nước. Cụ Hiến đã vận động giới trí thức Thị xã Tây Ninh đóng góp được 47 đồng và cử thầy giáo Võ Văn Tấn về Sài Gòn phúng điếu cụ Phan nhằm tiếp tục khẳng định lập trường sắt đá của những người cầm bút Tây Ninh.
    Ngày28-10-1933, cụ Hiến qua đời và an nghỉ tại xã Ninh Thạnh (nay thuộc Thị Xã Tây Ninh).
                                                                                     
PHAN KỶ SỬU
                                                                                  
   


READ MORE - MIỀN ĐẤT CỘI NGUỒN THƠ VĂN TÂY NINH - Phan Kỷ Sửu

HÁT MÃI KHÚC NAM BÌNH - Thơ xướng họa của Trương Đình Đăng và Lê Đăng Mành

Đền thờ Huyền Trân Công Chúa ở Huế

XƯỚNG:

HÁT MÃI KHÚC NAM BÌNH

Nước non ngàn dặm… cái tình chi
Thân gái đoạn trường bước biệt ly
Ô - Lý hai vùng trao vấn lễ
Thiên hương một đóa đính hôn kỳ
Phương Nam mở cõi trời Nam tạc
Đất Việt ơn BÀ sử Việt ghi
Muôn thế hệ sau còn hát mãi
Nước non ngàn dặm… cái tình chi ?

                                     Phương Ngữ -Trương Đình Đăng


HỌA:

VÌ NƯỚC

Vì Nước thành hôn …hộ đối chi ?
Hoàng gia đau đớn buổi phân ly
Chế Mân nâng lễ dâng Ô-Lý
Công Chúa lệ rơi biệt đế kỳ
Thuận Hóa đất lành đất tạc tượng*
Sông Hương nước ngát nước in ghi*
Thương ôi ! hương quế lan bờ cõi
Vì nước thành hôn … hộ đối chi ?

                                    Lê Đăng Mành


*Tại núi Ngũ Phong Huế có đền thờ và tượng Huyền Trân
*Theo truyền thuyết Sông hương được Huyền Trân đặt tên


READ MORE - HÁT MÃI KHÚC NAM BÌNH - Thơ xướng họa của Trương Đình Đăng và Lê Đăng Mành

HỘI AN: NHÓM THƠ AN PHƯƠNG GIAO LƯU THƠ ĐƯỜNG




Bài và ảnh: Thế Lộc

Phổ cổ Hội An, Chủ Nhật 21/4/2013.

Sau một năm vắng bóng vì tai biến mạch máu, với cố gắng tuyệt vời, anh Đinh Vũ Ngọc đã bắt đầu sáng tác trở lại. Và hôm nay anh cùng với anh em văn nghệ ở Hội An trong nhóm thơ An Phương tổ chức buổi họa thơ Đường. Nhân dịp này, nhóm thơ An Phương ra mắt tập XƯỚNG HỌA THƠ ĐƯỜNG với chủ đề TÁI NGỘ do anh Đinh Vũ Ngọc làm chủ biên.  

Buổi giao lưu có trên 30 anh chị em, gồm các anh chị trong nhóm An Phương và nhiều khách mời, trong đó có vợ chồng anh Thương Yến Tử từ Bà Rịa-Vũng Tàu, từ Đà Nẵng có các anh/chị  Thế Lộc, Lê Đình Hạnh, Hoàng Trọng Toản, Thanh Hiếu, Thanh Tùng, Kim Phượng và các khách mời khác từ Nha Trang, Duy Xuyên, Điện Bàn. Anh chị em được thưởng thức những giọng ngâm mượt mà: Kim Tuyến, Doản Lê, Thanh Hiéu, Kim Phượng, Tuyết Mai, Minh Diệu … 

Đặc biệt phu nhân của anh Thương Yến Tử bằng giọng ca ngọt ngào đã biễu diễn một số bài vọng cổ mà tác giả không ai khác chính là anh Thương Yến Tử. 

Phút chia tay, người Đà Nẵng Lê Đình Hạnh đã quyến luyến không chịu về dù trời đã ngã hoàng hôn.

Sau đây là một vài hình ảnh ghi tại buổi giao lưu nói trên.

Anh Đinh Vũ Ngọc




Quang cảnh buổi giao lưu




Từ trái: Phu nhân anh Thương Yến Tử, chị Thanh Tùng, anh Lê Đình Hạnh, anh Đinh Vũ Ngọc,  anh Thương Yến Tử
















































READ MORE - HỘI AN: NHÓM THƠ AN PHƯƠNG GIAO LƯU THƠ ĐƯỜNG

TROPICAL SUNLIGHT - Tranh sơn mài của họa sĩ Võ Xuân Huy - Kỳ 2


Họa sỹ Võ Xuân Huy
Sinh năm 1970 tại Quảng Trị
Tốt nghiệp khoa Sơn mài – Trường ĐH Nghệ thuật Huế 
năm 1995.
Hiện là giảng viên Trường Đại học Nghệ Thuật Huế.


Trao đổi, liên hệ:
Họa sĩ Võ Xuân Huy
37/107 - Phùng Hưng - Thành phố Huế
Thừa Thiên Huế
Điện thoại: (054)3523154 -
Di động: 094 678 5152




Tropical Sunlight XXIX,40x40 cm, 2013



Tropical Sunlight XXV,40x40 cm, 2013




Tropical Sunlight XXVI,40x40 cm, 2013



Tropical Sunlight XXVII,40x40 cm, 2013




Tropical Sunlight XXX,40x40 cm, 2013
READ MORE - TROPICAL SUNLIGHT - Tranh sơn mài của họa sĩ Võ Xuân Huy - Kỳ 2