Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, April 21, 2013

MIỀN ĐẤT CỘI NGUỒN THƠ VĂN TÂY NINH - Phan Kỷ Sửu

Thị xã Tây Ninh



         Miền đất ấy chính là Thị xã Tây Ninh, một khu vực có tính chất trung tâm văn hóa - xã hội của cả tỉnh Tây Ninh đã được thành lập từ năm 1867 tức là từ khi thực dân Pháp chính thức xây dựng cơ quan hành chính cấp tỉnh (tháng 6-1867). Cho đến bây giờ, nơi nầy vẫn là tỉnh lỵ. Như vậy, tính cho đến năm nay 2009, Thị xã Tây Ninh đã liên tục tồn tại suốt 142 năm với nhiều tên gọi khác nhau và qua nhiều lần được điều chỉnh địa giới hành chính.
     Ngày ấy, Thị xã Tây Ninh thuộc Quận Thái Bình. Đến năm 1942 lại được đổi tên là quận Châu Thành. Ngày 9-12-1942, xã Thái Hiệp Thạnh được thành lập trên cơ sở sáp nhập các khu vực có tính chất đô thị và tập trung đông dân cư thuộc ba xã Thái Bình, Hiệp Ninh và Ninh Thạnh. Gọi là xã nhưng nơi nầy lại có tính chất của một khu vực tỉnh lỵ và vẫn trực thuộc quận Châu Thành. Dưới chế độ Sài Gòn từ năm 1963 đến 1975, xã Thái Hiệp Thạnh thuộc quận Phú Khương, một trong 4 quận của tỉnh Tây Ninh (Phú Khương, Phước Ninh, Hiếu Thiện và Khiêm Hanh).
      Vế phía chính quyến Cách mạng, thì từ ngày 01-01-1950, Thị xã Tây Ninh được chính thức thành lập, địa giới hành chính giới hạn trong phạm vi xã Thái Hiệp Thạnh. Từ sau ngày 30-4-1975, Thị xã có 3 phường và xã Bình Minh.Từ năm 1999, địa giới được mở rộng thêm với 5 xã và một phần của xã Hiệp Tân huyện Hòa Thành. Do đó, hiện đã có 5 phường (I, II, III, IV và Hiệp Ninh cùng 5 xã Bình Minh, Hiệp Ninh, Ninh Thạnh, Ninh Sơn,Thạnh Tân và Tân Bình).
      Cũng như cả tỉnh Tây Ninh nói chung,Thị xã Tây Ninh vốn là một vùng địa linh nhân kiệt. Bên cạnh truyền thống hào hùng chống ngoại xâm trong các cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc, Thị xã Tây Ninh cũng đã có một truyền thống rạng rỡ về các lĩnh vực văn học nghệ thuật bởi vì chính nơi nầy là cái nôi của tầng lớp trí thức Tây Ninh. Trong thời Pháp thuộc, giới trí thức, kể cả giới công chức làm việc cho chính quyền thuộc địa, hầu hết đều chịu ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Những văn nghệ sĩ cũng xuất thân từ các thành phần trên, tuy nhiên, vẫn có nhiều tác giả thể hiện tốt tình cảm quê hương đất nước.Và trên lĩnh vực sáng tác thơ văn, nhiều tư liệu và bằng chứng lịch sử đã khẳng định chính Thị xã Tây Ninh là điểm xuất phát, là cội nguồn với vai trò tiên phong từ đầu thế kỷ XX.
     Từ năm 1915, tại Thị xã Tây Ninh đã hình thành một nhóm văn thi sĩ sáng tác thơ ca. Họ thường tổ chức họp mặt để xướng họa, một hình thức sinh hoạt thật tao nhã lúc bấy giờ. Theo tác giả Huỳnh Minh trong "Tây Ninh xưa” cũng như trong nhiều tư liệu khác thì đó chính là nhóm thơ tiền phong ở Tây Ninh. Dạo nầy, giới cầm bút Thị xã Tây Ninh có nhiều biến chuyển về văn hóa.Từ ảnh hưởng lâu đời của văn học dân gian và Hán học đã chuyển sang một xu thế mới đó là việc sử dụng chữ quốc ngữ trong sáng tạo văn học nghệ thuật và các lĩnh vực khác. Do đó, về mặt văn học, họ đã tạo nên những bước phát triển mạnh mẽ và đặt nền móng đầu tiên cho văn học nghệ thuật Tây Ninh. Những cây bút tiền bối như các ông đốc phủ Tô Ngọc Đường, hương cả Huỳnh Văn Tâm, hương lễ Tịnh và đặc biệt là nhà giáo Võ Văn Sâm (cũng gọi là Võ Sâm hay ông giáo Xôm) - tác giả tập thơ “Thi phú văn từ” - lúc bấy giờ được dư luận đánh giá rất cao. Thầy Sâm sinh năm Mậu Thìn 1868 tại xã Thái Bình (Quận Châu Thành nay là Thị xã Tây Ninh) trong một gia đình lễ giáo.Thầy chỉ đứng trên bục giảng một thời gian ngắn rồi xin nghỉ việc và tham gia viết cho các báo Nông Cổ Mín Đàm, Gia Định Báo, Lục Tỉnh Tân Văn. Như vậy, nếu nói về lĩnh vực báo chí, thầy giáo Sâm cũng là nhà báo Tây Ninh đầu tiên.
   Năm 1923, cụ Quốc Biểu Nguyễn Cư Hiến thành lập Văn đàn Quốc Biểu, tổ chức văn nghệ sĩ đầu tiên tại Tây Ninh. Cụ Hiến sinh năm 1895 tại Sóc Trăng. Cụ là con nuôi của nhà giáo Dương Minh Đặng (thân sinh của liệt sĩ anh hùng Dương Minh Châu).Thời thơ ấu, cụ là học sinh trường Tiểu học Tây Ninh. Cụ là một trí thức tiến bộ, một nhà thơ yêu nước, cũng là một nhà hoạt động cách mạng có quan hệ mật thiết với nhà báo Trần Huy Liệu, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh... Văn Đàn Quốc Biểu quy tụ khoảng 20 người, trong đó có các cụ Nguyễn Toại Chí (tự Thanh Phong), Dương văn Kim (tự Nhà Quê), Lê Chí Thành (tự Cổ Lệ), Võ Trung Nghĩa (tự Lâm Tuyền), Võ Văn Tấn (tự Tân Sắc), Sầm Văn Đá (tự Sầm Sơn) v.v… Ngoài ra, còn có những người bạn đồng nghiệp khác của cụ Hiến.
   Hằng tuần vào mỗi Chủ Nhật, Văn Đàn tổ chức sinh hoạt tại Gò Chẹt là một gò đất hoang vu tịch mịch nhưng phong cảnh rất nên thơ hữu tình, nằm ven rạch Tây Ninh, cách cầu Quan 2km (trước đây thuộc ấp Thái Vĩnh Đông - Xã Thái Hiệp Thạnh - Phú Khương nay thuộc Khu phố 2 Phường I Thị Xã Tây Ninh). Cái gò nằm ven rạch có hình thể rất lạ, có đoạn thì nhô ra ngoài, đoạn lại ăn sâu vào trong, nên dân gian gọi là Gò Chẹt. Từ cái  gò đất ấy, những bài thơ yêu nước kêu gọi nhân dân địa phương nổi dậy chống lại thực dân Pháp, giành lại cuộc sống độc lập tự do lần lượt ra đời và tạo nhiều hiệu quả tích cực. Cụ Hiến có họa vận một bài thơ Đường Luật của cụ Đào Châu, trong đó có những câu có ẩn ý khá thâm thúy.
      “Phỉ lòng ao ước bấy lâu nay
       Gặp hội văn thì quá đổi may
       Mày gốc rậm xin người gắng chí
       Vạch mây trời cầu bạn ra tay…”
     Cụ Hiến đã ví von mặc dù bộ máy cai trị của kẻ thù đã hình thành trên xứ sở nầy có vững như một gốc cây thì với sự hợp lực của đông người “mày” (mài) giũa nó lâu ngày nó cũng trốc gốc. Còn vạch mây trời là cùng vạch mây mù cho ánh mặt trời soi sáng khắp non sông.
     Cụ cũng có sáng tác bài thơ vịnh “Cọp vườn thú” ca ngợi khí tiết của vị vua yêu nướcThành Thái (1889-1907). Khi nhà vua bị thực dân Pháp lưu đày tại đảo Reunion từ ngày 12-9-1907 cùng với con là Duy Tân, cụ có những câu thơ phản ánh sâu sắc lòng ngưỡng mộ và cảm thông của cụ đối với những người Việt Nam yêu nước bị giam cầm trong tù ngục của kẻ thù:
      “Dây sắt luống đeo mình khó nhọc
       Tấm da thà để tiếng oan ưng
       Hỏi ông có nhớ rừng xưa tá!
       Chẳng nhớ mà sao mắt ngó chừng…”
     Sau Cụ, nhiều văn nhân thi sĩ khác của đất Thị xã tiếp tục sáng tác nhiều bài thơ thức tỉnh lòng dân và lên án quân xâm lược.Tất nhiên, ngày ấy thực dân Pháp luôn xem những sĩ phu đất Thị xã là những nhân vật nguy hiểm và chúng luôn rình rập, theo dỏi.
   Tháng Giêng năm Tân Sửu 1901, nhóm văn thi sĩ tiền bối ở Thị xã có mời nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, con gái cụ Đồ Chiểu cùng hành hương, ngâm vịnh và ngắm hoa mai trắng nở tại núi Bà Đen nhân ngày Nguyên Tiêu. Nữ sĩ đã cảm xúc viết một bài thơ Nôm “Vịnh Bạch mai trên núi Bà” và hai bài thơ chữ Hán “Linh Sơn nhất thụ mai” rất đặc sắc.
    Ngày 14-3-1926, nhà yêu nước Phan Châu Trinh từ trần. Lễ truy điệu và lễ tang cụ đã trở thành một phong trào thể hiện lòng yêu nước, căm thù thực dân xâm lược của toàn dân diễn ra trong cả nước. Cụ Hiến đã vận động giới trí thức Thị xã Tây Ninh đóng góp được 47 đồng và cử thầy giáo Võ Văn Tấn về Sài Gòn phúng điếu cụ Phan nhằm tiếp tục khẳng định lập trường sắt đá của những người cầm bút Tây Ninh.
    Ngày28-10-1933, cụ Hiến qua đời và an nghỉ tại xã Ninh Thạnh (nay thuộc Thị Xã Tây Ninh).
                                                                                     
PHAN KỶ SỬU
                                                                                  
   


No comments: