Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, June 8, 2013

MÙA GỌI - thơ Vĩnh Thuyên



Xuân hãy đi đi đừng quay nhìn lại
Nắng hạ vô tình đốt cháy vết đau
Có vì Sao băng nghìn thu mới rụng
Ngay giữa trời đông lạc mất bốn mùa

Mấy lượt bốn mùa chưa đến mùa em
Một đời như không thành hai nỗi khát
Như hoa lìa cành hoa tan nhuỵ nhạt
Như Sen xa hồ hồ đục Sen khô *

Về nha Giang Tân đó đây còn đợi?
Mưa gió thay mùa bão tố thay tên
Có còn ai không tôi ơi muốn đổi?
Mòn mỏi trăm mùa xin một mùa em ...

Vĩnh Thuyên
duongvinhthuyen@gmail.com




*Ca dao:

Sen xa hồ sen khô, hồ cạn
Lựu xa đào, lựu ngả, đào nghiêng
Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền
Chỉ phiền một nỗi tơ duyên không tròn.



READ MORE - MÙA GỌI - thơ Vĩnh Thuyên

AN BÌNH VÀ TÓC NỘI - thơ Nguyễn An Bình



Ta trở lại dòng sông xưa hiu quạnh
Bóng cau già vàng úa đứng bơ vơ
Ôi quê hương một thời thơ ấu cũ
Tiếng sáo diều ôm ấp những mộng mơ.

Giờ còn đó mái tranh nương bóng khói
Tiếng trống trường vang lớp học ngày xưa
Mà kỷ niệm như mây trời phiêu lãng
Theo nội về ươm trái đắng tiễn đưa.

Ta nhớ quá con đường quê đất đỏ
Bìm bịp kêu con nước lớn về xuôi
Tóc nội trắng dãi dầu vì sương gió
Thuở cơ hàn ta thương nhớ khôn nguôi.

Giờ nội đã ngàn năm yên giấc ngủ
Nắng An Bình sương khói vẫn mù khơi
Con nước lớn đưa đò về Ngã Bảy
Ôi cuộc đời nội không có lấy ngày vui.


Nguyễn An Bình
luongmanh2106@gmail.com




READ MORE - AN BÌNH VÀ TÓC NỘI - thơ Nguyễn An Bình

Bình thơ: ĐỌC “THƠ TẶNG TIẾP” của LÊ THIÊN MINH KHOA - Châu Thạch

                                                   
Lê Thiên Minh Khoa
 












THƠ TẶNG TIẾP

Tặng Nguyễn Hữu Tiếp
 
Lời thơ bật ra từ nỗi nhớ 
về Tiếp và Động Đền hai đứa
mùa xuân về nơi đây hững hờ
đã gõ cửa Ðộng Ðền (*) mình chưa?

Nỗi nhớ và tôi dồn lại thành thơ
qua khe hở những mẩu đời xưa cũ
bây giờ dừng chân lữ thứ
bàng hoàng tôi ngã giữa trang thơ

Qua rồi thời lặn lội nắng mưa
thời non dại vẫn ngọt ngào nỗi nhớ
thời trai trẻ nghẹn ngào tiếc nuối
sống hết mình có phải dễ đâu!
 
Bây giờ xấp xỉ tuổi năm mươi
bỗng thấy yếu mềm lôi cuốn
nhận ra mình chưa từng khôn lớn
vỡ lòng thôi giữa trường đời

Có những điều tưởng giản đơn thôi 
phải trả giá rất ư là đắt …
những pho sách đã đọc
chỉ là mây trôi trang điểm bầu trời

Ta nghĩ về đời sao quá đỗi mông lung
ta yêu đến thế nào mình ta biết
nên Tiếp ạ, giá chừ gặp mặt
nghiêng ngả vào nhau động chiếu thơ 

Mai này gặp lại, Tiếp ơi!
Và uống rượu. Và thức khuya. Và tâm sự.
Và nhìn nhau. Và cà phê. Và thuốc lá.
Và lặng thinh. Và nhớ 
                                      trước khi xa…

                     Lê Thiên Minh Khoa

(Rút trong tập thơ "Thị trấn tôi" (NXB Thanh Niên- 2002)      

(*) Ðộng Ðền: thuộc Hàm Tân, Bình Thuận, nơi dân Quảng Trị di cư vào năm 1974.



Châu Thạch
Lời bình: Châu Thạch

Tình bạn bền hơn tình yêu vì hầu như không có sự chia tay. Nhớ bạn cũng nhẹ nhàng hơn nhớ người yêu vì hầu như không có nỗi buồn da diết. Bài Thơ tặng Tiếp của Lê Thiên Minh Khoa là một bài thơ nhớ bạn.Từ nhớ bạn kéo theo nhớ cảnh, nhớ đời rồi suy gẩm sâu xa về cuộc sống. Khác với đời thường, thi sĩ biến nỗi nhớ thành thơ hay thơ là hóa hình cúa nỗi nhớ chất chứa trong tim:

              Lời thơ bật ra từ nỗi nhớ 
              về Tiếp và Động Đền hai đứa
              mùa xuân về nơi đây hững hờ
              đã gõ cửa Ðộng Ðền(*) mình chưa?

              Nỗi nhớ  và tôi dồn lại thành thơ
              qua khe hở những mẩu đời xưa cũ
              bây giờ dừng chân lữ thứ
              bàng hoàng tôi ngã giữa trang thơ

     Theo chú thích của tác giả, Động Đền thuộc Hàm Tân, Bình Thuận, nơi dân Quảng Trị di cư vào năm  1974 tức là sau mùa hè đỏ lửa, một mùa hè đã đẩy dân Quảng Trị chạy tứ tán bốn phương, và người nghèo thường phải dừng chân nơi hoang sơ hẻo lánh để gầy dựng lại cuộc đời sau khi mất sạch. Nếu ai là người dân Quảng Trị chỉ cần đọc câu thơ “Mùa xuân nơi đây hững hờ” thì sẽ hồi tưởng biết bao điều khó nhọc thuở xưa, nơi vùng đất mới, đã làm cho mình không biết đến có mùa xuân. Và, nếu ai là dân Quảng Trị phải định cư tại các dinh điền mới được khai phá thì sẽ thấy hồn mình se thắt lại khi đọc câu thơ “Nỗi nhớ và tôi dồn lại thành thơ”. Se thắt bởi vì nỗi nhớ nầy không chứa đựng những điều sung sướng mà nỗi nhớ nầy lưu giữ cả một thời khổ cực gian lao. Tuy thế với tác giả thì “Nỗi nhớ và tôi dồn lại thành thơ”. Nỗi nhớ chắc chắn không phải là thơ, nhưng vì tôi là Lê Thiên Minh Khoa, tôi là môi trường cho thơ phát tiết, nên nỗi nhớ và tôi dồn lại thành thơ. Câu thơ khẳng định nầy không phải là một sự kiêu ngạo mà dùng để phơi bày đến rốt ráo cái con tim dễ dàng rung động, và rung động đến tận cùng khi cái nhớ dồn lại trong tim.

    “Bây giờ dừng chân lữ thứ” có nghĩa là tác giả đã rời Động Đền và lang thang một thời, để đến bây giờ dừng chân và “Bàng hoàng ngã giữa trang thơ”. Bàng hoàng là tâm trạng  sửng sốt trước một sự kiện đột nhiên, nhưng bàng hoàng không ngã giữa cuộc đời mà ngã giữa trang thơ là điều mới lạ vô cùng. Vì sao? Chữ vì sao được giải đáp ở những vế thơ sau:

                         Qua rồi thời lặn lội nắng mưa
                         thời non dại vẫn ngọt ngào nỗi nhớ
                         thời trai trẻ nghẹn ngào tiếc nuối
                         sống hết mình có phải dễ đâu!

                         Bây giờ xấp xỉ tuổi năm mươi
                         bỗng thấy yếu mềm lôi cuốn
                         nhận ra mình chưa từng khôn lớn
                         vỡ lòng thôi giữa trường đời

    À quả ra là thế. Tác giả không bàng hoàng bởi sự kiện đột nhiên trước mắt mà bàng hoàng vì suy nghiệm chuyện xưa, và chuyện xưa của người thi sĩ thì đã, hay sẽ hóa thành thơ. Cho nên câu “ngã giữa trang thơ” cũng nói lên một tâm hồn thơ, một cuộc đời thơ mà nhừng thăng trầm, biến động, gian lao cũng chỉ là thơ. Và thơ thì không bao giờ không đẹp.

    Gần đến tuổi năm mươi, qua nhiều những thăng trầm, qua rồi thời non dại, khi nhớ bạn mà suy nghiệm lại đời, mới thấy mình yếu mềm, mới thấy mình chưa từng khôn lớn, mới thấy mình như mới vào đời thì tất nhiên ai mà không bàng hoàng sửng sốt. Tuy nhiên, như Hàn Mặc Tử đã nói: “người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo vô biên, vây phủ bởi trăm dây quyến luyên…”  cho nên, là thi sĩ, Lê Thiên Minh Khoa đi trong nguồn trong trẻo vô biên thì ngã cũng chỉ ngã trong vùng trong trẻo vô biên, để sự ngã của mình biến thành thơ cho nhân thế, như con tằm có chết cũng nằm trong chiếc kén bằng tơ.

  Và khổ thơ kế tiếp:

          Có những điều tưởng giản đơn thôi 
          phải trả giá rất ư là đắt …
          những pho sách đã đọc
          chỉ là mây trôi trang điểm bầu trời

   Với thi sĩ, “những điều giản đơn...  phải trả giá rất ư là đắt”. Vì sao? Vì nhà thơ thật thà và quá ngu ngơ, vừa đi mà vừa mộng giữa đời.

    Với thi sĩ, "những pho sách đã đọc chỉ là mây trôi trang điểm bầu trời”. Vì sao? Vì có bao giờ anh đọc sách dạy làm giàu. Vì có bao giờ anh đọc sách đấu tranh dành sự sống. Không! Anh chỉ đọc những thứ sách làm đẹp tâm hồn nhưng ngô nghê giữa cuộc đời cần bươi chải, và chính anh cũng dùng cái đọc của mình để hóa thơ trang điểm cho mây rồi mây lại trang điểm cho bầu trời thì còn oán than chi nữa!

    Hai khổ chót của bài thơ là một ước vọng. Ước vọng cùng bạn quay lại một thời. Một thời để nhớ nhưng chắc chắn không bao giờ là một thời để muốn sống lần hai, có chẳng chỉ muốn sống lại những khoảnh khắc vui buồn với bạn mà thôi:

               Ta nghĩ về đời sao quá đỗi mông lung
               ta yêu đến thế nào mình ta biết
               nên Tiếp ạ, giá chừ gặp mặt
               nghiêng ngả vào nhau động chiếu thơ     
                            

                   Mai này gặp lại, Tiếp ơi!
                   Và uống rượu. Và thức khuya. Và tâm sự.
                   Và nhìn nhau. Và cà phê. Và thuốc lá.
                   Và lặng thinh. Và nhớ 
                                                     trước khi xa…

     Vâng, hoa nở nơi khô cằn là hoa trường trãi, tình bạn nẩy trong gian truân là thứ tình bền chặt. Lê Thiên Minh Khoa và người bạn của mình tên Nguyễn Hữu Tiếp chắc chắn có vô vàn kỷ niệm thân thương trong vô vàn gian khó, của một thời kỳ biến động, đưa người dân Quảng Trị đến tận cùng cơ khổ. Ngày tháng đó bây giờ vẫn đẹp và hóa thành thơ trong tâm hồn. Vì sao? - Vì có bạn. Bạn để đã từng “nghiêng ngả vào nhau động chiếu thơ”, để uống rượu, thức khuya, cà phê, tâm sự, làm thinh, "và nhớ/trước khi xa" (chưa xa đã nhớ!). Bạn được gọi là tri kỷ nên có khi gần hơn cha mẹ, vợ con. Bạn để bây giờ ước ao những điều ngọt ngào thuở ấy, có khi trở thành không tưởng bây giờ nhưng vẫn cứ ước ao.

       Lê Thiên Minh Khoa nhớ bạn. Nỗi nhớ như muôn vạn nỗi nhớ của ai nhớ bạn giữa cuộc đời nầy. Khác chăng là nỗi nhớ đó đã bật thành thơ, và thơ trãi tâm hồn ra như những sợi tơ rung động của tấm lòng mình và nói giùm tấm lòng muôn vạn lớp người đã có thời “lặn lội nắng mưa”.

      Tôi đọc Thơ tặng Tiếp cảm thấy có tôi và bạn tôi trong đó.

      Tôi đọc Thơ tặng Tiếp cảm thấy tôi là Tiếp, mà tôi cũng là Khoa, nghĩa là tôi cũng đã sống một thời long đong  và kết bạn với những người long đong như thế.

       Khổ cuối bài thơ gây ấn tượng cho người đọc bởi sự lệch chuẩn trong ngôn ngữ và phá cách trong tiết tấu thơ. Từng dòng thơ bị cắt ra bởi nhiều dấu chấm như biểu hiện nỗi nhớ day dứt, niềm đau xé lòng. Rồi, nhiều chữ "Và" đặt đầu mỗi nhịp thơ là điều xưa nay ít người dám viết, nhưng sau mỗi chữ "Và" ấy là một liệt kê về sự đồng điệu giữa hai người bạn thân, nên "lệch chuẩn" mà làm người đọc đồng cảm, xao động...

       Cảm ơn nhà thơ đã cho tôi những dòng thơ đẹp.

       Cảm ơn nhà thơ đã truyền vào hồn tôi nỗi nhớ khôn nguôi và rất ngọt ngào.                                                 

                               Đà Nẵng, trưa 08.6.2013.                                                          
                                        Châu Thạch
READ MORE - Bình thơ: ĐỌC “THƠ TẶNG TIẾP” của LÊ THIÊN MINH KHOA - Châu Thạch

TRẦN NGỌC PHONG TỪ NGƯỜI LÍNH TRỞ THÀNH ĐẠO DIỄN - Đinh Thanh Hải

 Trong một lần tôi đưa bộ ảnh về biển Hồ Tràm và Suối Ồ ở Bà Tô, Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu lên trang facebook, thì có một anh tên Trần Ngọc Phong vào comment hỏi: “Chỗ này xe ô tô có vô gần bãi biển được không Đinh Thanh Hải, mình muốn chọn bối cảnh để quay phim truyện?”. Sau ít hội thoại qua lại, thế là từ đó tôi quen anh, một người anh làm đạo diễn cùng đồng hương quê Quảng Trị với tôi.



Đạo diễn Trần Ngọc Phong


Tôi nhớ lại một buổi chiều, anh Phong nhắn tin: " Hải ơi chiều nay ghé nhà anh Phan Duy Đức nhé, anh em mình gặp nhau tý, nói chuyện hoài mà chưa gặp lần nào, anh Đức cũng rất muốn gặp em”. Vậy là không ngờ tôi được quen liền một lúc hai người anh Quảng Trị thật tuyệt vời. Sau lần đó tôi gặp anh Phong thường xuyên hơn, qua anh tôi được biết thêm nhiều về nghề đạo diễn, rồi cũng từ anh mà tôi được quen thân những diễn viên nổi tiếng mà tôi từng hâm mộ. Mỗi lần gặp anh tôi đều được cười thỏa chí, tiếng đàn guitar cùng lời ca của anh làm ai nghe cũng thấy ghiền, nhiều người còn nói vui: Bữa tiệc nào muốn rộn rã thì nên mời anh Phong đến dự, có anh cùng với cây đàn guitar, cuộc vui chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng đẹp không thể nào quên.

 Đạo diễn Trần Ngọc Phong là một cựu chiến binh, nhập ngũ năm 1979, học 3 năm sỹ quan đào tạo chính quy và đã có 10 năm trong quân đội, trước khi học sỹ quan anh có một thời gian chiến đấu giữ gìn biên cương phía Bắc của Tổ Quốc. Sau chiến tranh anh trở thành giáo viên giảng dạy nhiều năm trong trường Quân Chính QK7, đó là khoảng thời gian anh tích lũy vốn sống để trở thành một Đạo Diễn và học thêm tại chức Tổng Hợp Văn. Trong quân đội anh mang quân hàm Thượng Úy. Năm 1989 anh chuyển ngành về Xí nghiệp phim Tổng hợp và lăn lộn với nghề, làm phó, làm trợ lý; 7 năm sau mới trở thành Đạo diễn từ phim Những nẻo đường phù sa, Bình minh châu thổ - đồng đạo diễn với Đạo diễn Châu Huế.


Đạo diễn Trần Ngọc Phong cùng anh em đồng hương Quảng Trị thăm mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn


Qua những người bạn của anh, tôi lại được hiểu thêm nhiều hơn về anh. Khi ra trường quay anh là một đạo diễn hết lòng với nghề, với công việc. Anh luôn tận tình giúp đỡ những diễn viên trẻ bước đầu còn bỡ ngỡ, hướng dẫn họ từ cách diễn xuất, nhập vai … Còn phía sau phim trường,  anh coi họ như những người em, chia sẻ kinh nghiệm sống và cống hiến cho môn nghệ thuật thứ 7, một nghề đầy ánh hào quang nhưng cũng nhiều cám dỗ gọi mời.


 Những đồng nghiệp, diễn viên mỗi khi nhắc đến cái tên Trần Ngọc Phong đều dành cho anh một tình cảm đẹp, trân trọng, mến yêu. Hình như anh chưa hề làm mất lòng bất cứ một ai, từ trẻ nhỏ cho đến người già. Bởi vậy rất nhiều người coi anh như người ruột thịt, có chuyện vui buồn đều thổ lộ và luôn được anh sẻ chia.

 Đấy là qua lời mọi người nói về anh lúc trong công việc. Còn với riêng tôi, tôi quý trọng một anh Phong đồng hương vui tính, chân tình với mọi người, sống chan hòa và chẳng gây thù chuốc oán ai. Mọi sự giận hờn anh đều chuyển nó thành câu chuyện cười và quên đi ngay sau đó.


Lọ Lem thời @


Bên cạnh nghề đạo diễn, anh còn tham gia diễn xuất, anh đóng những vai phụ độc ác mà nhiều diễn viên khác rất ngại. Anh kể: “có lần về miền Tây bà con họ vừa thấy mặt mình là ra mắng luôn một trận: Sao ông độc ác quá vậy. Vừa ngạc nhiên, vừa vui mừng vì thấy cái vai mình đóng đã thành công ngoài sự mong đợi, đến mức mình gọi một trái dừa để uống mà chủ quán cũng không thèm bán”. 

Anh đã từng tham gia đóng những phim như: Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng) - Gái Nhảy 2 (Lọ Lem Hè Phố - đạodiễn Lê Hoàng) – Lời Thề Đất Mũi (đạo diễn Yên Sơn) – Tiếng Dương Cầm trong Mưa (đạo diễn Lê Hữu Lương). Anh còn tham gia lồng tiếng cho hàng chục bộ phim mà trong đó những phim: Đời cát, Hoài vũ trắng, Ngọn nến hoàng cung, Ôngcố vấn; anh đảm nhiệm lồng tiếng cho vai chính và xuất sắc nhất là lồng giọng nhân vật lịch sử Vua Bảo Đại và Cố Vấn Ngô Đình Nhu ... Ngoài ra, anh còn là một giọng đọc quảng cáo Hot trên VTV mà đặc sắc nhất là sản phẩm mì Gấu Đỏ gắn kết yêu thương ...


Cùng nhóm làm phim Duyên Nợ Miền Tây


Nghệ sĩ Mai Trần là bạn thân với đạo diễn Trần Ngọc Phong, anh Mai Trần xem gia đình anh Phong như chính gia đình của mình vậy. Mỗi lần đến nhà, anh Mai Trần thường gọi song thân của anh Phong bằng ba mẹ. Anh Mai Trần chia sẻ: “ Mai Trần biết Phong hơn 20 năm rồi, lần đầu tiên gặp thấy cái phong thái bụi bụi, bất cần của Phong khiến mình gần gũi. Rồi dần dà bọn mình thân như hai thằng là một, cũng thích chơi guitar, làm thơ, nói chuyện tiếu lâm, hát nhạc chế cho mọi người vui. Có điều hơi lạ là không hiểu sao khi ở giữa đám đông, thì cái gọi là “đồng điệu” - “hòa nhịp” và “ăn ý” ấy lại được phát huy hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ bọn mình cùng đàn hát một bài nào giống lần trước. Mai Trần có cái tật nhớ đâu hát đấy, nhưng có Phong lái vào, bè cùng thì lại “đâu vào đó”, mà chỉ có hai thằng mới biết rằng “đó chẳng vào đâu”. Và bây giờ, do công việc mỗi người một lĩnh vực khác nhau, ít có dịp để gặp. Phong đã là một đạo diễn nổi tiếng, phong thái đĩnh đạc hơn, công việc, trách nhiệm vai trò giám đốc Xưởng Phim Truyện của hãng phim Giải Phóng rất nặng nề, mình cứ tưởng rồi anh em gặp nhau sẽ khó mà như  trước, nhưng không, Phong vẫn vậy - là bạn của mình”.

 Diễn viên Lê Hữu Thủy cũng có đôi lời chia sẻ về Trần Ngọc Phong : “ Một đạo diễn có tay nghề, có tâm với diễn viên, không bao giờ nặng lời hay la mắng như những đạo diễn khác. Khi trong vai trò đạo diễn anh có khả năng kết hợp cả đoàn phim như một gia đình hòa thuận gắn bó vui vẻ, dẫu có khá nhiều khó khăn trong điều kiện ăn ở di chuyển; anh sống và đối xử bằng cái tình, hoà mình đồng cam cộng khổ với mọi người, bảo vệ chăm sóc và lo lắng cho các thành viên trong đoàn phim để có sự an toàn cao nhất”...


Đôi nét về tiểu sử Đạo diễn Trần Ngọc Phong:


* Trần Ngọc Phong sinh ngày 25/7/1960 tại Quảng Trị.
* Tốt nghiệp: Đại học Tổng hợp Văn TP Hồ Chí Minh năm 1989
* Tác phẩm :
+ Phim Nhựa: Trận đấu cuối cùng năm 1999 - Ba người đàn ông năm 2000 -  Biển đợi - Không cân sức 2010.
 + Phim Video: Sợi tình mong manh năm 1994 - Tình như chiếc bóng năm 1998 - Trọnkiếp lênh đênh năm 1997 - Bão rừng cho “Điện ảnh chiều thứ bảy” - Năm 2013 với phim Duyên Nợ miền Tây  …
+ Phim truyền hình nhiều tập: Những nẻo đường phù sa năm 1995 - Bình minh châu thổ năm 1996 . Phim truyền hình là mảng gần đây Đạo diễn Trần Ngọc Phong mới tham gia nhưng đã có 200 tập phim như Lọ lem thời @, Hoàng hôn ấm áp, Ở lại thế gian, Về đất Thăng Long, Không thể ngừng yêu, Duyên nợ Miền Tây, Bão rừng, Bông hồng trà ...
 * Giải thưởng:
- Những nẻo đường phù sa: Huy chương Bạc LHP truyền hình 1996; Giải phim lịch sử hay nhất, LHPVN lần thứ 11
- Ba người đàn ông: Giải đặc biệt LHPVN lần thứ 13
- Cây bản mệnh: Đoạt giải Bông Sen Bạc ở LHPVN lần thứ 16 
      
Sài gòn 06/06/2013
Đinh Thanh Hải
READ MORE - TRẦN NGỌC PHONG TỪ NGƯỜI LÍNH TRỞ THÀNH ĐẠO DIỄN - Đinh Thanh Hải

EM PLEIKU - thơ Nguyễn Thu



Xẻ dọc sương mù đến Pleiku
Đêm cong mình- cung đường đất đỏ
Nụ hôn đầu tiên mê say lời gió
Xao xuyến trào dâng. Em Pleiku!

Chân mỏi bazan má ửng hồng
Môi mềm đỏ thắm café chín
Giọt đắng tràn hương lòng bịn rịn
Em nồng nàn. Ơi! Em Pleiku!

Long lanh sợi nắng bờ mi đen
Tia nhìn nhung nhớ lòng đắm đuối
Mắt em ướt mơ màng dòng suối
Bóng sao chìm. Bầu trời em. Em Pleiku!

Sương mênh mang, bước chân hoang
Cao nguyên xanh giăng ngàn mắt lưới
Trói tình anh ngọt ngào hương bưởi
Lạc lối về, sa bẫy nhện vây. Em Pleiku!

Chiều se lạnh, từng giọt mùa đông
Bồng bềnh góc phố, tóc chải ngược
Anh thương em, mối tình mà mượt
Ơi, em ơi! Em Pleiku!

Nguyễn Thu
nguyenthu123go@gmail.com
READ MORE - EM PLEIKU - thơ Nguyễn Thu