Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, June 8, 2013

Bình thơ: ĐỌC “THƠ TẶNG TIẾP” của LÊ THIÊN MINH KHOA - Châu Thạch

                                                   
Lê Thiên Minh Khoa
 












THƠ TẶNG TIẾP

Tặng Nguyễn Hữu Tiếp
 
Lời thơ bật ra từ nỗi nhớ 
về Tiếp và Động Đền hai đứa
mùa xuân về nơi đây hững hờ
đã gõ cửa Ðộng Ðền (*) mình chưa?

Nỗi nhớ và tôi dồn lại thành thơ
qua khe hở những mẩu đời xưa cũ
bây giờ dừng chân lữ thứ
bàng hoàng tôi ngã giữa trang thơ

Qua rồi thời lặn lội nắng mưa
thời non dại vẫn ngọt ngào nỗi nhớ
thời trai trẻ nghẹn ngào tiếc nuối
sống hết mình có phải dễ đâu!
 
Bây giờ xấp xỉ tuổi năm mươi
bỗng thấy yếu mềm lôi cuốn
nhận ra mình chưa từng khôn lớn
vỡ lòng thôi giữa trường đời

Có những điều tưởng giản đơn thôi 
phải trả giá rất ư là đắt …
những pho sách đã đọc
chỉ là mây trôi trang điểm bầu trời

Ta nghĩ về đời sao quá đỗi mông lung
ta yêu đến thế nào mình ta biết
nên Tiếp ạ, giá chừ gặp mặt
nghiêng ngả vào nhau động chiếu thơ 

Mai này gặp lại, Tiếp ơi!
Và uống rượu. Và thức khuya. Và tâm sự.
Và nhìn nhau. Và cà phê. Và thuốc lá.
Và lặng thinh. Và nhớ 
                                      trước khi xa…

                     Lê Thiên Minh Khoa

(Rút trong tập thơ "Thị trấn tôi" (NXB Thanh Niên- 2002)      

(*) Ðộng Ðền: thuộc Hàm Tân, Bình Thuận, nơi dân Quảng Trị di cư vào năm 1974.



Châu Thạch
Lời bình: Châu Thạch

Tình bạn bền hơn tình yêu vì hầu như không có sự chia tay. Nhớ bạn cũng nhẹ nhàng hơn nhớ người yêu vì hầu như không có nỗi buồn da diết. Bài Thơ tặng Tiếp của Lê Thiên Minh Khoa là một bài thơ nhớ bạn.Từ nhớ bạn kéo theo nhớ cảnh, nhớ đời rồi suy gẩm sâu xa về cuộc sống. Khác với đời thường, thi sĩ biến nỗi nhớ thành thơ hay thơ là hóa hình cúa nỗi nhớ chất chứa trong tim:

              Lời thơ bật ra từ nỗi nhớ 
              về Tiếp và Động Đền hai đứa
              mùa xuân về nơi đây hững hờ
              đã gõ cửa Ðộng Ðền(*) mình chưa?

              Nỗi nhớ  và tôi dồn lại thành thơ
              qua khe hở những mẩu đời xưa cũ
              bây giờ dừng chân lữ thứ
              bàng hoàng tôi ngã giữa trang thơ

     Theo chú thích của tác giả, Động Đền thuộc Hàm Tân, Bình Thuận, nơi dân Quảng Trị di cư vào năm  1974 tức là sau mùa hè đỏ lửa, một mùa hè đã đẩy dân Quảng Trị chạy tứ tán bốn phương, và người nghèo thường phải dừng chân nơi hoang sơ hẻo lánh để gầy dựng lại cuộc đời sau khi mất sạch. Nếu ai là người dân Quảng Trị chỉ cần đọc câu thơ “Mùa xuân nơi đây hững hờ” thì sẽ hồi tưởng biết bao điều khó nhọc thuở xưa, nơi vùng đất mới, đã làm cho mình không biết đến có mùa xuân. Và, nếu ai là dân Quảng Trị phải định cư tại các dinh điền mới được khai phá thì sẽ thấy hồn mình se thắt lại khi đọc câu thơ “Nỗi nhớ và tôi dồn lại thành thơ”. Se thắt bởi vì nỗi nhớ nầy không chứa đựng những điều sung sướng mà nỗi nhớ nầy lưu giữ cả một thời khổ cực gian lao. Tuy thế với tác giả thì “Nỗi nhớ và tôi dồn lại thành thơ”. Nỗi nhớ chắc chắn không phải là thơ, nhưng vì tôi là Lê Thiên Minh Khoa, tôi là môi trường cho thơ phát tiết, nên nỗi nhớ và tôi dồn lại thành thơ. Câu thơ khẳng định nầy không phải là một sự kiêu ngạo mà dùng để phơi bày đến rốt ráo cái con tim dễ dàng rung động, và rung động đến tận cùng khi cái nhớ dồn lại trong tim.

    “Bây giờ dừng chân lữ thứ” có nghĩa là tác giả đã rời Động Đền và lang thang một thời, để đến bây giờ dừng chân và “Bàng hoàng ngã giữa trang thơ”. Bàng hoàng là tâm trạng  sửng sốt trước một sự kiện đột nhiên, nhưng bàng hoàng không ngã giữa cuộc đời mà ngã giữa trang thơ là điều mới lạ vô cùng. Vì sao? Chữ vì sao được giải đáp ở những vế thơ sau:

                         Qua rồi thời lặn lội nắng mưa
                         thời non dại vẫn ngọt ngào nỗi nhớ
                         thời trai trẻ nghẹn ngào tiếc nuối
                         sống hết mình có phải dễ đâu!

                         Bây giờ xấp xỉ tuổi năm mươi
                         bỗng thấy yếu mềm lôi cuốn
                         nhận ra mình chưa từng khôn lớn
                         vỡ lòng thôi giữa trường đời

    À quả ra là thế. Tác giả không bàng hoàng bởi sự kiện đột nhiên trước mắt mà bàng hoàng vì suy nghiệm chuyện xưa, và chuyện xưa của người thi sĩ thì đã, hay sẽ hóa thành thơ. Cho nên câu “ngã giữa trang thơ” cũng nói lên một tâm hồn thơ, một cuộc đời thơ mà nhừng thăng trầm, biến động, gian lao cũng chỉ là thơ. Và thơ thì không bao giờ không đẹp.

    Gần đến tuổi năm mươi, qua nhiều những thăng trầm, qua rồi thời non dại, khi nhớ bạn mà suy nghiệm lại đời, mới thấy mình yếu mềm, mới thấy mình chưa từng khôn lớn, mới thấy mình như mới vào đời thì tất nhiên ai mà không bàng hoàng sửng sốt. Tuy nhiên, như Hàn Mặc Tử đã nói: “người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo vô biên, vây phủ bởi trăm dây quyến luyên…”  cho nên, là thi sĩ, Lê Thiên Minh Khoa đi trong nguồn trong trẻo vô biên thì ngã cũng chỉ ngã trong vùng trong trẻo vô biên, để sự ngã của mình biến thành thơ cho nhân thế, như con tằm có chết cũng nằm trong chiếc kén bằng tơ.

  Và khổ thơ kế tiếp:

          Có những điều tưởng giản đơn thôi 
          phải trả giá rất ư là đắt …
          những pho sách đã đọc
          chỉ là mây trôi trang điểm bầu trời

   Với thi sĩ, “những điều giản đơn...  phải trả giá rất ư là đắt”. Vì sao? Vì nhà thơ thật thà và quá ngu ngơ, vừa đi mà vừa mộng giữa đời.

    Với thi sĩ, "những pho sách đã đọc chỉ là mây trôi trang điểm bầu trời”. Vì sao? Vì có bao giờ anh đọc sách dạy làm giàu. Vì có bao giờ anh đọc sách đấu tranh dành sự sống. Không! Anh chỉ đọc những thứ sách làm đẹp tâm hồn nhưng ngô nghê giữa cuộc đời cần bươi chải, và chính anh cũng dùng cái đọc của mình để hóa thơ trang điểm cho mây rồi mây lại trang điểm cho bầu trời thì còn oán than chi nữa!

    Hai khổ chót của bài thơ là một ước vọng. Ước vọng cùng bạn quay lại một thời. Một thời để nhớ nhưng chắc chắn không bao giờ là một thời để muốn sống lần hai, có chẳng chỉ muốn sống lại những khoảnh khắc vui buồn với bạn mà thôi:

               Ta nghĩ về đời sao quá đỗi mông lung
               ta yêu đến thế nào mình ta biết
               nên Tiếp ạ, giá chừ gặp mặt
               nghiêng ngả vào nhau động chiếu thơ     
                            

                   Mai này gặp lại, Tiếp ơi!
                   Và uống rượu. Và thức khuya. Và tâm sự.
                   Và nhìn nhau. Và cà phê. Và thuốc lá.
                   Và lặng thinh. Và nhớ 
                                                     trước khi xa…

     Vâng, hoa nở nơi khô cằn là hoa trường trãi, tình bạn nẩy trong gian truân là thứ tình bền chặt. Lê Thiên Minh Khoa và người bạn của mình tên Nguyễn Hữu Tiếp chắc chắn có vô vàn kỷ niệm thân thương trong vô vàn gian khó, của một thời kỳ biến động, đưa người dân Quảng Trị đến tận cùng cơ khổ. Ngày tháng đó bây giờ vẫn đẹp và hóa thành thơ trong tâm hồn. Vì sao? - Vì có bạn. Bạn để đã từng “nghiêng ngả vào nhau động chiếu thơ”, để uống rượu, thức khuya, cà phê, tâm sự, làm thinh, "và nhớ/trước khi xa" (chưa xa đã nhớ!). Bạn được gọi là tri kỷ nên có khi gần hơn cha mẹ, vợ con. Bạn để bây giờ ước ao những điều ngọt ngào thuở ấy, có khi trở thành không tưởng bây giờ nhưng vẫn cứ ước ao.

       Lê Thiên Minh Khoa nhớ bạn. Nỗi nhớ như muôn vạn nỗi nhớ của ai nhớ bạn giữa cuộc đời nầy. Khác chăng là nỗi nhớ đó đã bật thành thơ, và thơ trãi tâm hồn ra như những sợi tơ rung động của tấm lòng mình và nói giùm tấm lòng muôn vạn lớp người đã có thời “lặn lội nắng mưa”.

      Tôi đọc Thơ tặng Tiếp cảm thấy có tôi và bạn tôi trong đó.

      Tôi đọc Thơ tặng Tiếp cảm thấy tôi là Tiếp, mà tôi cũng là Khoa, nghĩa là tôi cũng đã sống một thời long đong  và kết bạn với những người long đong như thế.

       Khổ cuối bài thơ gây ấn tượng cho người đọc bởi sự lệch chuẩn trong ngôn ngữ và phá cách trong tiết tấu thơ. Từng dòng thơ bị cắt ra bởi nhiều dấu chấm như biểu hiện nỗi nhớ day dứt, niềm đau xé lòng. Rồi, nhiều chữ "Và" đặt đầu mỗi nhịp thơ là điều xưa nay ít người dám viết, nhưng sau mỗi chữ "Và" ấy là một liệt kê về sự đồng điệu giữa hai người bạn thân, nên "lệch chuẩn" mà làm người đọc đồng cảm, xao động...

       Cảm ơn nhà thơ đã cho tôi những dòng thơ đẹp.

       Cảm ơn nhà thơ đã truyền vào hồn tôi nỗi nhớ khôn nguôi và rất ngọt ngào.                                                 

                               Đà Nẵng, trưa 08.6.2013.                                                          
                                        Châu Thạch

No comments: