Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, February 22, 2013

Lê Liên - CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ "TRƯỚC SAU" CỦA VĨNH THUYÊN

Nhà thơ VĨNH THUYÊN














TRƯỚC SAU
Thơ Vĩnh Thuyên

Muốn bỏ lắm
trước sau nhiều thứ
Bấm đốt tay nhẩm đếm
lại mình
Trừ quỹ thời gian
cộng thêm một tuổi
Trời không chia
ai nhận tội tình

Đêm sau lưng
phía trước bình minh
Ngày tháng hết
đời đâu chắc hết
Trước là không
lưng chừng là có
Để cuối cùng
có phải thành không

Trước xin lỗi
sau đành chịu lỗi
Thiên đường buồn
địa ngục có vui
Trần gian ơi!
em đừng đóng cửa
Chờ anh về
dù muộn chưa nguôi...



LỜI BÌNH: 
Lê Liên

Tác giả LÊ LIÊN
            Đọc thơ của VT luôn cho người ta những khoảnh khắc trầm tư rất sâu lắng. Anh đã sử dụng từ ngữ rất đời thường, giản dị, có vài từ đồng âm hai nghĩa. Anh như chắt lọc những trăn trở từ cuộc đời để làm nhựa mật cho thơ. Thật quý, vì trong bài thơ này ta chiêm nghiệm được sự tinh tấn của nhà Phật và Tín lý thâm uyên của Thiên Chúa giáo.

          Như thi hữu Lê Hào viết: “Một cách nhìn về cuộc đời ... đầy cảm xúc chân thành. Triết lí làm chất men cho thơ anh VT".

        Còn thi hữu Nghiêm Khánh: “Một chiêm nghiệm cuộc sống tuyệt vời. VT tổng kết thật sâu sắc gần như toàn diện … những vần thơ có phần giống như tự tình của anh".

          Mỗi khi đề cập đến TRƯỚC SAU, thường cho ta ít nhất hai khái niệm: KHÔNG GIAN và THỜI GIAN .

Mở đầu của bài thơ:

"Muốn bỏ lắm
trước sau nhiều thứ
Bấm đốt tay nhẩm đếm
lại mình”

           Trước sau ở đây thấp thoáng quá khứ và hiển hiện tương lai (THỜI GIAN). Trong chừng mực nào đó, ta liên tưởng đến sự bất khả kháng: “Bỏ thì thương, vương thì tội ”. Muốn bỏ ở đây không phải là sự chối từ. (Chẳng phải sự ôm đồm như vốn dĩ nó đã hiện hữu, tồn tại trong đời sống này rồi đó sao?!)

           Muốn bỏ (mà bỏ không được) ở đây cũng chẳng phải biện hộ cho sự luyến tiếc, ngán ngẫm.

           Trong trường đời này, mỗi chúng ta không ai thoát khỏi quy luật ĐO LƯỜNG, mà tiên khởi của nó là TOÁN HỌC. Nền tảng của Toán là phải biết ĐẾM. Khi còn thơ, chúng ta học đếm trong phạm vi mười đầu ngón tay trước. Từ đó mới biết CỘNG, TRỪ, NHÂN, CHIA … Có rất nhiều lúc chúng ta phải dùng các phương tiện khác (bút, thước, giấy mực, máy tính ...) để tìm đáp số cho từng bài toán cuộc đời. Nhưng rồi có những lúc với chính mình, thì phản xạ tự nhiên của chúng ta hay của VT là “Bấm đốt tay nhẩm đếm … lại mình ” như một nhắc nhở, như một kiểm nghiệm bản thân chứ không mang tính so đo được - mất, hơn - thua.

“Trừ quỹ thời gian
cộng thêm một tuổi”          

Với bài toán trừ này chẳng ai thích cả, dẫu biết rằng tuổi thọ con người không đo bằng năm tháng mà được nhớ tới bởi ý nghĩa cuộc sống mà họ để lại tồn tại bao lâu cho đời.

“Trời không chia
ai nhận tội tình”

Đến cả bài toán Chia của Đấng Tối Cao, con người cũng miễn cưỡng nhận nó: Như những Kito hữu  nhận THÁNH GIÁ CHÚA BAN, như Phật Tử  nhận NGHIỆP BÁO của mình vậy. Ước gì, ai  ai cũng hoan hỉ nhận phần số của mình thì có lẽ đời sống tinh thần sẽ nhẹ nhàng hơn.

Dường như với hai câu “Trời không chia /ai nhận tội tình”, VT vừa muốn thừa nhận, nhưng cũng vừa muốn ngầm phủ nhận đi luật nhân quả này.

“Đêm sau lưng
phía trước bình minh
Ngày tháng hết
đời đâu chắc hết
Trước là không
lưng chừng là có
Để cuối cùng
có phải thành không”

           Với khổ thơ này, VT đi vào khái niệm của thời gian, không gian và sự vô thường ở cõi tạm này. Chúng ta nhận ra suốt cuộc đời tác giả rong đuổi theo những chuyến đi. Đêm là cảnh giới của nghỉ ngơi, để tái tục sinh lực, cho nên người ta cũng cần THỜI GIAN và một KHÔNG GIAN tối giản nào đó để ngã lưng. Nhưng với VT thì gần như chỉ được dựa lưng với giấc ngủ vội trên những chuyến xe, không gian phía sau lưng nhà thơ quá nhỏ so với thời gian tác nghiệp và khối lượng công việc đã hoàn thành hoặc đã và đang phải cưu mang.

              Đối nghịch của phía sau là không gian phía trước quá rộng lớn. "Phía trước bình minh", vâng, bình minh đang vẫy gọi. Bình minh cũng có nghĩa là công việc đang chờ, là cuộc sống đầy ắp ước mơ ... hiện hữu không ngừng vận hành.

           Tất bật cho cuộc sống là thế, thời gian vẫn qua nhanh, cho nên VT tự tiếc nuối không đủ thời gian phục vụ cho đời “Ngày tháng hết / đời đâu chắc hết”.

            Dù biết rằng hiện tại tất nhiên mình đang sở hữu (nhiều thành quả), còn ngày mai hiển nhiên chỉ là ẩn số. Bởi, chung cuộc, vẫn là Sắc Sắc Không Không. Tất cả chỉ là Vô Thường. "Trước là không/ lưng chừng là có/ Để cuối cùng / có phải thành không”.      
         
 “Trước xin lỗi
sau đành chịu lỗi
Thiên đường buồn
địa ngục có vui
Trần gian ơi!
em đừng đóng cửa
Chờ anh về
dù muộn chưa nguôi...”

           Trong khổ thơ cuối này, nhà thơ dùng từ “đành” như là đỉnh cao của ngôn ngữ, để làm sáng lên Trước Sau vẫn thủy chung với mối sám hối và lòng trắc ẩn khôn nguôi!

          “Đành” nghe thật thấm thía khi VT nhận ra cái giới hạn của con người trước những đa đoan của cuộc sống!

          "Đành" ở đây không phải là một hành vi đại khái qua loa, cho qua chuyện, khiến ta khó chấp nhận vì sự  tắc trách.

          Hoặc "đành" ở đây cũng không phải là cam chịu một cách tiêu cực, để rồi nó cho ta cảm giác xót xa cho chính tác giả, mà cảm thông!

         "Đành chịu lỗi" giúp ta mường tượng đến cách ứng xử có ý thức, đòi hỏi kiểm thảo bản thân một cách nghiêm túc,  trước mọi sự việc, và đón nhận thiếu sót, bất cập của mình với tấm lòng quảng đại của con nhà Phật, khiêm nhu như con Chiên của Chúa khi đấm vào ngực mình thưa rằng: "Lỗi tại tôi, Lỗi tại Tôi, Lỗi tại Tôi mọi đàng". Nhà thơ dùng từ "chịu" ở đây thật khiêm nhu, thật chân thành, cho mình mắc nợ cuộc đời. Nếu như trót mang nợ thì ai cũng  muốn hoan hỉ trả nợ một cách hậu hĩnh, hào phóng cả. 

        "Sau đành chịu lỗi" là dũng khí của chính nhân, là đức độ quân tử. Thật thanh cao!

          Nhà thơ Vĩnh Thuyên như vẫn tuận theo chuẩn mực của Người xưa dạy “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nhưng thật hay là trong toàn bộ bài thơ, không thấy dấu hiệu của trách móc người khác, mà chỉ tự vấn lại chính mình.Thật là đáng ngưỡng mộ.

  "Thiên đường buồn
  địa ngục có vui"

           Trong ý niệm của thiên hạ,  làm gì có Thiên Đường buồn? Quả thực, điều này không phải là Nghịch Lý. Nếu như những người thân của chúng ta Về Quê Trời mà vẫn mang theo ưu phiền , khi chưa hoàn tất phần đời của họ nơi trần gian này. Nếu như chúng ta sống không tốt, làm ô danh người đã khuất, thì Thiên Đường của họ không trọn vẹn niềm vui. Nếu chúng ta sống mà không cảm nhận được Hạnh Phúc, thì trần gian này vốn là địa ngục rồi!

          Hai câu "Thiên Đường buồn /Địa ngục có vui" cho thấy chúng ta sống không phải chỉ có trách nhiệm với bản thân, có nghĩa vụ với nhau, mà còn tri ân với cả những người đã khuất. Đó là Đạo Lý tốt đẹp vốn có từ ngàn xưa, cần được chúng ta duy trì .

          Trong tác phẩm "Tâm Hồn Cao Thượng " (Hà Mai Anh dịch) có đoạn: "... Con ơi! Ngày con mở mắt chào đời, mọi người chung quanh cười vui đón mừng, thì con lại khóc. Con hãy sống thế nào để khi con nhắm mắt lìa đời: con thì mĩm cười, còn mọi người chúng quanh lại nhỏ những giọt nước mắt tiếc thương con …" .

        Khi tự tình "Thiên Đường buồn /Địa Ngục có vui", phải chăng nhà thơ Vĩnh Thuyên đã giúp cho chúng ta nhận ra giá trị cuộc sống không đơn thuần là phần thuộc thể, mà luôn có mối tương quan mất thiết của thuộc linh?  

Và đây là một chung cuộc đẹp! Khi VT tha thiết gọi :
“Trần gian ơi!
em đừng đóng cửa
Chờ anh về
dù muộn chưa nguôi...”

         Trần Gian trước là ẩn dụ cho những bộn bề, mỏi mệt của đời sống, thì VT vẫn không ngao ngán, mà muốn tận hiến cho cõi đời cả tấm lòng của mình, với niềm khát vọng khôn nguôi. Như có lần cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn bộc bạch: "Sống giữa cuộc đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời". Phải chăng đó là tư tưởng lớn mà chúng ta cần học hỏi? 

          Vốn là một người đa mang, với trái tim nóng bỏng yêu đời, chẳng ai ngạc nhiên khi nhà thơ cần sự đồng cảm, rồi cùng đồng hành với mình trong cuộc sống. Cho nên, trần gian cũng là ẩn ngữ về một hồng nhan tri kỷ. Sẽ thật hạnh phúc khi có tình thân "mở cửa lòng" đón mừng, chia sẻ với mình khi lao đao, hoạn nạn, lầm lỗi ... sau những rong đuổi bên đời.

         Có lẽ chúng ta từng đọc được một ý niệm rất đơn giản về Hạnh Phúc "Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, có ai đó để yêu thương và điều gì đó để hy vọng".

         Bài thơ Trước Sau của Vĩnh Thuyên rất khúc chiết, rất logic, rất có hậu, lại mang dung lượng lớn cho những triết lý sống tích cực, khiêm nhu, hòa ái.

          Cảm ơn nhà thơ Vĩnh Thuyên với những suy tư rất đời, với những góp nhặt rất thực, lời thơ đơn giản, mộc mạc vốn mang chân chất của Thiền đã góp cho vườn thơ luôn đơm hoa tươi đẹp, kết trái ngọt lành.

Lê Liên
tuongphuc4758@yahoo.com
READ MORE - Lê Liên - CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ "TRƯỚC SAU" CỦA VĨNH THUYÊN