ĐÔI
BẠN LÀNG QUÊ
Những ngày
cuối đông, trời năm nay thời tiết khác hơn những
năm trước, mưa tầm tã và rét buốt da. Tuy vậy, tôi
vẫn tất tả công việc sinh sống bất chấp thời tiết
của ngày đông mà quên cả thời gian. Hôm nay ngồi
nhìn trên tường tấm lịch đứa con đã thay mới (ngày
12/01/2017 – 15/12/Bính Thân), à thì ra mấy ngày nữa
tôi đã bước sang 72 tuổi (Tuổi Bính Tuất). Chuỗi
ngày đi qua trong đời cũng có nhiều cái để nhớ và
nhiều việc để quên! Nhìn lên chỗ để sách vở, tôi
thường đọc chỉ có mấy cuốn “Phật Học Phổ
Thông”, “Kinh Nhật Tụng” và 3 tập thơ của nhà
thơ Võ Văn Hoa (Người mà lâu nay tôi quí và xem như
anh em ruột thịt, như người bạn đời) đã tặng tôi.
Tập “Còn ta với mình” , Hoa gởi tặng tôi ngày
1/4/2014, tập “Gió cuối mặt sông” ngày 5/8/2008, tập
“Phù Sa Tình” ngày 9/9/2012 (Những tập thơ này tôi
đã đọc nhiều lần), ký ức tuổi thơ hiện về, thôi
thì viết đôi dòng tâm sự dù dở dù hay gởi tặng
Hoa :
“Để mai kia hết xuân thì
Cái tình thân ấy mang đi đến cùng”
Tôi và chú Hoa đều sinh ra và
lớn lên ở làng Thi Ông. Một cái làng quê xa ngái thị
thành. Con người làng tôi sống với nhau rất chân
tình, mộc mạc. Còn tôi và Hoa đều con nhà nghèo. Thời
thơ ấu cha tôi vì thời cuộc mà lên đường. Mẹ tôi
ở nhà một mình phải nuôi 4 đứa con dại nên việc
học hành của tôi vô cùng lận đận. Vào tiểu học,
tôi phải nghỉ học 5 năm để chăn bò. Sau khi cha tôi
về, tôi mới được đi học lại. Mặc dầu vậy, ở
bậc tiểu học. tôi luôn đạt loại giỏi. Vì gia đình
nghèo nên tôi vừa học vừa kiếm tiền bằng việc dạy
kèm. Năm vào đệ Thất (lớp 6) Trường Trung học công
lập Hải Lăng, tôi thường mở lớp dạy hè ở
quê ngoại. Năm đệ Lục, tôi được cô Đại úy Khuê
ở chợ Diên Sanh nhờ dạy kèm cho các em Trần Thị
Loan và Trần Xuân An (nhà thơ hiện nay). Lên cấp III ,
học ở trường trung học Nguyễn Hoàng – Quảng Trị,
tôi được thầy Lê Quang Thái và cô Lê Thị Tránh nhờ
dạy kèm cho Lê Quang Trung. Sau đó làm thư ký cho xưởng
giặt Fatima Barry ở đường Phan Chu Trinh – Quảng Trị.
Năm 1971, tôi thi đỗ Tú tài toàn phần (Tú tài II). Năm
đó áp dụng tân toán học đầu tiên. Ban B của tôi
chỉ đạt 18% đợt I, rồi sau đó tôi đỗ vào trường
Sư phạm Huế và học thêm ở trường Đại học Luật
khoa. (Bạn bè thường gọi tôi là ông Thôn trưởng do
tôi tuổi lớn nên được chọn làm Trưởng lớp từ
cấp I đến cấp III.)
Còn chú Hoa cũng vậy:
“Thời gian
khó nhà đong từng bữa gạo
Nếp gia phong
từng mũi chỉ đường kim”
(Bố
– thơ Võ Văn Hoa)
Mặc dầu vậy, nhưng tuổi thơ của Hoa ít lận đận
hơn tôi. Những năm tháng kinh tế khó khăn, khoai sắn
độn cơm, rau lang chắm ruốc thay canh cá nhưng chú thím
ở nhà vẫn tần tảo chịu thương, chịu khó để nuôi
con cái học hành. Ở làng tôi, gia đình chú Hoa
bây giờ vẫn được mọi người công nhận là gia đình
“Thật thà – Phúc đức” nhất. Tuổi nhỏ Hoa học
trường tiểu học Thi Ông, lên cấp II học trường
công lập Hải Lăng, cấp III vào trường trung học
Nguyễn Hoàng - Quảng Trị, rồi vào trường Sư phạm
Huế. Những năm tháng chiến tranh dân Quảng Trị phải
di tản đi nơi khác, việc học hành đôi lúc bị bỏ
dỡ, để có tiền tiếp tục việc học Hoa phải đi
làm “Cai áo xanh” chương trình làm sạch thành phố
(giống như công ty môi trường bây giờ). Tuổi thơ hai
anh em ít chơi với nhau, nhưng mến thương nhau, vì ở
làng thời ấy ít người đi học. Đặc biệt khi vào
Huế tôi vào Sư phạm trước chú Hoa 1 khóa. Khi nghe tin
chú Hoa đỗ vào trường Sư phạm tôi rất vui mừng,
thời đó có giáo sư Lê Quang Thái người Cổ thành
Quảng Trị dạy môn Sư phạm giáo dục, thầy rất
thương và quí anh em chúng tôi. Người ta thường bảo
“Những người cùng hoàn cảnh thì thương nhau”. Có
lẽ như thế mà tôi và chú Hoa hoàn cảnh con nhà nghèo,
cùng làng lại sống tha hương nên rất thương nhau. Mặc
dầu không giúp nhau được gì nhưng trong lòng lúc nào
cũng có nhau. Tôi ra trường trước Hoa, do thi tốt
nghiệp đỗ cao nên tôi chọn nhiệm sở ở Huế để
tiếp tục học thêm trường Đại học Luật khoa, còn
Hoa ra trường thì về Quảng Trị và sau đó tiếp tục
học ở trường Đại học Sư phạm Huế, tốt nghiệp
Cử nhân khoa Ngữ văn, lúc đó anh em ít được gặp
nhau. Năm 1975 đất nước hòa bình thống nhất. Bước
đầu việc giáo dục chưa đi vào nề nếp, tôi được
Phòng Giáo dục huyện Quảng Điền điều về phụ
trách bổ túc văn hóa ở xã Quảng Phú. Đến đầu năm
1977 xếp bút nghiên trở lại quê nhà lao động sản
xuất làm người nông dân chân lấm, tay bùn. Cái ngày
ấy khi trở về nhà là điều đau buồn nhất của cuộc
đời tôi. Nhưng cha mẹ tôi có lẽ cũng đau buồn như
tôi. Mẹ tôi cố gượng cười và bảo con hãy về đây
với cha mẹ, người ta sống được thì mình sống
được, việc gì phải buồn. còn cha tôi thì đêm ấy
cứ đi ra đi vào, rồi thở dài nhưng có lẽ sợ tôi
buồn nên không nói điều chi. Đến hôm nay tôi vẫn
thấm thía và hiểu tình thương của cha mẹ như non
ngàn biển cả. Bạn bè lúc đó tan tác. Ở quê nhà chú
Hoa đang dạy học ở đâu đó có viết cho tôi lá thư
có mấy hàng. Tôi không nhớ rõ nhưng ý là rất thương
tiếc cho tôi ! Tôi chỉ nhớ câu cuối cùng Hoa nói “Anh
là quân tử thời nay”. Cuộc sống cứ thế mà trôi
theo thời gian. Chú Hoa theo nghiệp “Kỹ sư tâm hồn”,
phấn đấu từ một giáo viên đến làm Quản lý
trường học , sau đó về công tác ở Phòng Giáo dục
và Đào tạo Hải Lăng giữ chức vụ Phó Trưởng phòng
và được Nhà nước phong tặng “Nhà giáo Ưu
tú”. Đó là niềm tự hào của một nhà giáo!
Trong cuộc
sống Hoa còn là một nhà thơ được rất nhiều
người yêu mến, trong đó, có tôi kể cả thơ của
thầy giáo – nhà thơ Võ Văn Luyến (em ruột của Hoa).
Nhớ lần đến viếng lễ tang thân mẫu của hai chú,
trong bài điếu văn tôi có viết “… con của cụ có
người ăn học thành tài đã giúp ích cho đời, cho xã
hội, đã đem tâm tình của cha mẹ nuôi dạy trang trải
trên những vần thơ. Được mọi người yêu mến, xã
hội ngưỡng mộ cái công lao sinh thành dưỡng dục của
cụ đối với đàn con …”, “ … chín mươi mốt năm
qua những giọt mồ hôi của cụ nhỏ xuống đã ươm
mầm để những đóa hồng đang sinh sôi nảy nở…”.
Tôi thích con người Võ
Văn Hoa hiền từ giản dị, đó là hình ảnh kế thừa
nền nếp của gia đình. Tôi yêu mến thơ của Hoa hồi
còn học ở trường Sư phạm Huế. Nói đến thơ của
Hoa và Luyến thì đã có rất nhiều người bình giải.
Riêng tôi trong trình độ hạn hẹp cũng như ở chỗ
anh em nên không nói nhiều. Có điều là từ nhỏ đến
giờ tôi thích dọc thơ và hát nhạc trữ tình. Ở
trong thơ chú Hoa mộc mạc, dễ hiểu lúc nào cũng nói
lên được tình cảm, phong cảnh quê hương, làm cho tôi
đam mê con người ấy. Có điều không nói ra nhưng
trong Hoa, Luyến lúc nào cũng dành cho tôi tình cảm sâu
đậm. Sống một mình ở cái chốn vùng sâu, vùng xa
anh em bạn bè ít khi gặp gỡ, những lúc buồn vui trong
cuộc sống tôi đều nhớ đến bạn bè. Cảm ơn những
người bạn, người anh em đã thấu hiểu hoàn cảnh mà
bây giờ vẫn nhớ đến hoặc đã quên tôi. Còn chú
Hoa đối với tôi lúc nào cũng là một người em, một
người bạn tâm tình!
Tự hào thay cho làng
Thi Ông đã sinh ra những con người đem vinh dự về cho
quê hương trong đó có nhà giáo Ưu tú- nhà thơ Võ Văn
Hoa, nhà giáo- nhà thơ Võ Văn Luyến. Một trong những
ký ức tuổi thơ. Tôi viết đôi dòng về anh em, về
đôi bạn từ trẻ đến giờ mãi là “Đôi bạn Làng
Quê” làng Thi Ông xã Hải Vĩnh.
Viết
đêm 15/12 năm Bính Thân 12/01/2017
Võ
Đình Hương
|