Điện Hòn Chén |
HUẾ đón sự trở lại của tôi bằng cơn mưa phùn dai dẵng từ
sáng sớm! Chiếc áo khoát mang theo phòng hờ bỗng dưng trở thành hữu dụng. Hơi
ẩm bao trùm Huế, lại thêm những cơn gió nhẹ mang theo những hạt mưa li ti khiến
cái se lạnh của Huế thêm phần quyến rủ, đủ cho người ta co ro khi dạo bước ra
đường tìm những món ăn vặt.
Buổi sớm, cỏ vẫn còn ngậm sương đêm, chúng tôi lang thang
ngoài công viên. Tìm vài phông ghi hình cho ngày du lịch đầu tiên nơi Đất Thần Kinh! Sau đó,
lên thuyền ngược dòng HƯƠNG GIANG, trực chỉ ĐIỆN HÒN CHÉN. Tả Ngạn, Hữu ngạn xanh ngắt nào rau,
nào bắp bởi phù sa và sự cần lao của người dân sinh sống ven sông cho chúng tôi cảm
giác dễ chịu! Phong cảnh thật thanh bình!
Ngang qua NGHINH LƯƠNG ĐÌNH lòng tôi bồi hồi, nhớ đến mấy
câu thơ :
Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, Ai Câu, Ai sầu, Ai thảm?
Ai Thương, Ai Cảm, Ai Nhớ, Ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Nghe câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.
Phải, tôi như tìm
thấy hình ảnh của Trần Cao Vân, Của Thái Phiên (trong vai ngư phủ) lấp ló đâu
đó bên những bụi bờ … ngồi đợi vua Duy Tân tới bàn chuyện nước non.
Tự nhủ lòng sau chuyến đi về tôi sẽ tìm đọc lại tác phẩm
THUYỀN AI ĐỢI BẾN VĂN LÂU (tác giả Nguyễn Lý Tưởng) để đọc, khám phá về HUẾ XƯA.
Kia rồi! HƯƠNG UYỂN SƠN hiện ra, ĐIỆN HÒN CHÉN chênh vênh
bên bờ núi đá. Nước nơi đây xanh thẳm, điều đó cũng có nghĩa lòng sông nơi đây sâu
lắm! Chúng tôi đang ở trên vực nước.
Vẫn những bậc thang đá tự nhiên, sạch sẽ, phủ rêu, lô nhô
những rễ cây ngoằn ngèo bám đá xuống hút nước nuôi cây, hay rễ cây làm tấm mành
giữ cho đá khỏi đổ ? Những mái điện cong
vút, được chạm khắc công phu, phủ rêu thời gian lấp ló giữa mảng trời hiếm nắng, trông thật huyền bí! Nơi
đây rừng nguyên sinh im ắng đến lạ
thường! Tôi cố tìm trong rừng cây chằng chịt dây leo kia xem có loài vật nào
không? Nhưng tai tôi chỉ nghe tiếng gió vi vu lọt qua kẻ lá …và hơi ẩm, mùi mốc
bao phủ, làm tôi có cảm giác rợn rợn…
So với 14 năm trước, Điện Hòn Chén không có gì thay đổi,
ngoài dòng chữ: “Coi chừng Đá đổ” được đặt bên những trụ kè chống đỡ những tảng
đá nứt nẻ.,chực tháo đổ bất kỳ lúc nào, và
hố rác sát mép bờ sông ngày càng dầy thêm. Ôi! Dòng sông Hương trong xanh, êm
đềm kia cùng dần mất đi vẻ nên thơ nếu như rác vẫn tiếp tục đổ xuống! Cũng như
bao nơi khác, rác rưỡi, mùi amoniac là đặc trưng của môi trường ở VN
mà. Thật buồn!
Thuyền, ghe cập bến, tín hữu tấp nập, súng sính lễ vật, dắt
díu nhau lên Điện cầu an, xin lộc. Không biết họ có trở về trong trạng thái bình
an và kỳ vọng gì hay không? Riêng tôi, tôi thấy nao lòng không biết chính quyền
sở tại có kế hoạch phân bổ kinh phí tôn tạo, bảo tồn quần thế Di Tích Cố Đô
Huế này như thế nào, khi mà họ thu phí
tham quan, dâng lễ nơi đây khá cao?
Thời buổi Kinh Tế Thị Trường mà, nên kinh doanh tín ngưỡng
trở thành nguồn thu béo bỡ. Nhưng liệu nó có trở thành phúc lợi xã hội hay không? Đó cũng là
nỗi trăn trỡ lớn của nhiều người.
Thuyền đang xuôi dòng trở về bến. Tôi nóng lòng muốn ngắm
lại khu NHÀ SÀN nâu sậm thấp thoáng bên mé đồi thông. Nó như mãng chấm phá bất ngờ giữa
thiên nhiên xanh ngắt của dòng
sông và bầu trời.
Tự nhiên, tôi nhớ đến những dãy nhà sàn của đồng bào dân tộc
vùng cao, mà lớp trẻ chúng tôi đã đi qua khi làm nhiệm vụ XÓA NẠN MÙ CHỮ. Đồng
đội của tôi có người đã nằm lại nơi vùng cao, vùng sâu nghèo nàn lạc hậu, đầy
bất trắc an ninh. Nhưng lại giàu lòng nhân ái, chất phát, sâu đậm nghĩa tình.
Sự hy sinh của những chiến sỹ trên mặt trận văn hóa trong những ngày đầu đất
nước mới thống nhất, đã trở thành vô nghĩa khi nạn TÁI MÙ CHỮ đã hiển nhiên tồn tại trước sự thờ ơ của các
cấp hữu quan.
Nhìn khu nhà sàn tôi cảm thấy vui vui khi liên tưởng một khu
Resort trong tương lai, mang lại thu nhập tốt cho ngành du lịch của Đất Thần kinh. Nhưng nếu cho
tôi phép màu, tôi ước gì khu Nhà
Sàn kia sẽ là bản làng của đồng bào Paco, Vân Kiều, Cơ
Tu…đang cư ngụ rãi rác trong tỉnh Thừa Thiên Huế ?
Chỉ một buổi dạo chơi
thôi mà cảm xúc vui buồn lẫn lộn….
May quá! THÁP PHƯỚC DUYÊN kia rồi! Cổ Tháp sừng sững vươn
cao giữa đỉnh đồi quang đãng, nằm lọt giữa 2 tòa tứ giác, hai tòa lục giác đặt bia
và Đại Hồng Chung. Thật An Nhiên khi đến
viếng cảnh Chùa sạch, đẹp…Hầu hết nơi đây là du khách nước
ngoài. Họ chăm chú quan sát, nghe diễn giải về di tích. Trông họ thật đáng yêu!
Tôi đã trở về thuyền sau khi vội vàng đọc xong bài thơ ĐƯỜNG
LUẬT trước CHÙA THIÊN MỤ của Vua Thiệu Trị :
THIÊN MỤ CHUNG THANH
Cao Cương cổ sát trấn điền xuyên
Nguyệt tướng thường viên tự tại Thiên
Bách bát hồng thanh tiêu bách kết
Tam Thiên thế giới tỉnh tam duyên
Tăng hoằng ngọ nhật u minh cảm
Liêu lượng dần tiêu đạo vị huyền
Phật tích Thánh công thùy hải vũ
Thiện Nhân tăng quả phổ khai diên
TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ
Trên bến Gò xưa Chùa lập ra
Bên Trời tự tại mãi Gương Nga
Tiếng ngân trăm tám tan trăm oán
Thế giới ba ngàn giải nợ ba
Chuông động giữa trưa miền tối ám
Kinh gieo canh sớm đạo tăng gia
Truyền công Phật Thánh tràn non nước
Nhân quả ươm lành khắp chốn xa.
Đây là bài thơ Đường rất hay, Nhưng đầy thử thách cho người
dịch! Lúc đó tôi cũng không nhớ ai dịch bài thơ này? Bởi vì bên dưới kia, đôi
vợ chồng chủ thuyền đang đợi chúng tôi trở về, để họ còn tranh thủ kiếm thêm
lượt khách tham quan nữa. Thì ra, nơi đất Thần Kinh này cuộc sống vẫn hối hả,
ngoài dự tưởng của tôi!? Bây giờ, tôi mới biết do Thiên Nhất Phương dịch.
Ngồi trên tầng 4 của Imperial Hotel (một KS 5 sao của Huế )
Ngắm tháp chuông của một Thánh Đường, tôi bỗng muốn quay lại Chùa Thiên Mụ thêm lần nữa.
Thôi thì hẹn dịp khác vậy! Bởi vì, dưới làn mưa lất phất bay, TP Huế như đang mơ màng say
ngủ.
Khẻ thôi! Kẻo Huế nên thơ thức giấc bây chừ.
Lê Liên