Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 17, 2012

HOÀNG HÔN NƠI NGÃ RẼ - Ngô Diệu Hằng

 

(Vòng chung khảo cuộc thi Truyện ngắn sinh viên Huế)
In trong tập sách “Yêu xa xa một phút”


     Mai ngồi tựa lưng nhìn qua cửa sổ, tay ôm hờ đầu gối, không nói năng gì. Đôi mắt thâm quầng, mệt mỏi.
     Bà Hạnh, mẹ Mai, vừa cho bố Mai ăn cháo vừa đánh mắt nhìn con, lắc đầu.
-    Ăn chút gì đi con! Thương ai thì thương, phải thương mình trước đã chứ!. Ông Hòa ho, chống tay ngồi dậy, nhìn con thương hại.

     Bố mẹ Mai lúc ấy đã hơn sáu mươi. Sinh con muộn nên vẫn còn đứa út học cấp ba. Ông Hòa bị bệnh tim nặng, lại thêm vết thương cũ trong chiến tranh hành hạ. Bố mẹ biết Mai và Lâm thích nhau từ hồi cấp ba nhưng hai đứa giấu vì nhà Lâm không thích Mai. Họ chê nhà Mai nghèo. Cũng đúng. Nhà Mai chẳng có gì giá trị ngoài ti vi, quạt máy và cái tủ chè đặt trước bộ bàn ghế đã cũ kỹ lắm rồi. Bao nhiêu tiền của đều chạy chữa cho bố và cho Mai cùng đứa em đi học.

     Mai vẫn ngồi, không nói gì. Dường như cô đã cạn hết nước mắt. Mai nhìn ra giếng, chỗ Lâm hay múc nước cho Mai rửa trái cây mỗi lần mấy đứa trong lớp rủ nhau về nhà Mai chơi. Lâm lúc nào cũng lấy cớ đến nhà Mai rồi giúp Mai. Nhiều bận bà Phú mẹ Lâm cứ nói gần nói xa để Mai và Lâm đừng chơi với nhau nữa. Mai cũng tủi lòng. Còn Lâm thì cứ bảo Mai đừng suy nghĩ nhiều, hai đứa cứ quan hệ trong sáng là được.

     Mai rùng mình nhìn xuống, một tay sờ bụng, tay kia đặt lên thành cửa sổ, mắt mở to nhìn xa xăm. Nước mắt cô chảy tràn má. Cô muốn khóc thật to, khóc cho kiệt cùng nước mắt nhưng cô vội lấy tay bịt miệng để không thành tiếng. Bố Mai nhìn con nghẹn ngào. Có ai hiểu lòng con cái như cha mẹ. Dù Mai không nói nhưng bố biết Mai thương Lâm lắm...

     Tuần trước Lâm đi đón Mai ở bến xe. Chiếc xe máy và Lâm, và Mai... Bao nhiêu hình ảnh sống dậy rồi chết đi tức khắc trong lòng cô.

     Một hạt giống đang được ươm mầm trong bụng Mai. Nó là kết quả của tình yêu nồng nàn, trẻ trung trong một đêm mưa gió mà theo Mai là “cái đêm hai đứa đều bồng bột”. Lâm lại không nghĩ vậy. Sau tất cả Lâm vẫn còn biết đùa Mai: “Biết đâu chuyện vỡ lở bố mẹ buộc phải chấp nhận cho chúng ta cưới nhau...”. Mai run rẩy, hoảng sợ nghĩ đến một ngày cái thai sẽ lớn dần, làm sao đối mặt với bố mẹ và mọi người. Suy nghĩ đó cứ ám ảnh Mai hàng ngày hàng giờ; cho đến hôm Lâm đi đón Mai. Một tai nạn...

     Bố Mai mất hai năm sau đó, vẫn cân cấn trong lòng về con gái.

     Ba năm làm cô giáo tiểu học tại trường xã, Mai giúp mẹ trả hết nợ nần. Ở làng, Mai cũng đã được liệt vào hạng ế ẩm dù cô cũng xinh xắn. Lẩn tránh mãi, cuối cùng Mai cũng chịu nghe lời mẹ quyết lấy một tấm chồng làm chỗ nương thân. Bao nhiêu người khá tử tế đến với Mai nhưng cô cứ nấn ná rồi không đồng ý. Có lẽ Mai hiểu chẳng người đàn ông nào chấp nhận một người con gái đã không còn trinh trắng. Cái tinh khôi ấy Mai đã trao cho Lâm, người cô yêu nhất. Và có lẽ Lâm chết đi cũng đã mang theo hết cái xúc cảm yêu thương của cô rồi... Chẳng ai hiểu được vì sao Mai chọn Khâm, một gã thợ “đụng” khỏe mạnh song hơi thô kệch, đã gần bốn mươi ở với bà mẹ già ốm yếu xã bên.

      Mai về nhà chồng, không linh đình. Nhưng Mai đã quyết bởi dù sao cô cũng chẳng yêu ai thì chọn lựa để làm gì. Mai nghĩ vậy và chỉ mong có đứa con để dành hết tình yêu cho nó. Khâm cũng chiều chuộng Mai. Cô xin dạy được ở trường làng, vừa đi dạy vừa chăm thêm con lợn và chăm sóc mẹ chồng đã hơn bảy mươi tuổi. Công việc của Khâm không thường xuyên, bữa phụ hồ, bữa bốc gỗ, bốc gạch đá, rảnh thì ở nhà coi vườn tược. Người làng nói: “Có cô về anh ta đỡ hẳn. Trước đây làm không đủ ăn nhậu”. Mai cũng mừng. Tình yêu không có nhưng thương nhau mà sống cũng tốt lắm rồi.

*

     Với trình độ đại học, cùng với cung cách từ tốn, nhẫn nại, ba năm đến dạy ở trường làng Mai đã được nhận chức phó hiệu trưởng. Tại trường, thầy Tuấn là người quan tâm giúp đỡ Mai nhiều nhất. Thầy có nét gì đó giống Lâm nhưng hiền lành, nhã nhặn hơn. Mai vẫn giữ một khoảng cách, và luôn bắt mình phải nghĩ cảm xúc đã chết cùng với Lâm.

     Con gái thầy Tuấn năm nay đã mười một tuổi, còn vợ thì đã mất hơn ba năm. Anh nói với Mai anh không muốn xa nơi này nhưng anh chỉ có thể dạy nốt năm nay rồi đưa con gái về quê nội. Trước đây anh nán lại vì không muốn con phải chuyển trường giữa chừng. Giờ chính anh là người lưu luyến nơi này hơn ai cả. Lần Tuấn đi Mai đã tránh mặt không tiễn. Thực ra cô sợ phải nói ra cái gì đó mà mỗi lần muốn thốt ra lại bị chặn lại. Rồi, Mai nhận được thư Tuấn: “Anh đã không dám nói ra vì anh biết em là một người vợ... Xa em anh mới hối hận, đã không dám nói điều anh sẽ nói...” Trái tim Mai bùng dậy niềm yêu. Cô hình dung Lâm đang trở về đặt tay lên lồng ngực. Trái tim héo úa nay lại biết thổn thức.

     Mai giật mình. Thực tại trước mắt: Tiếng Khâm như vừa mới đây thôi: “Mẹ muốn có một đứa cháu để bà được mãn nguyện qua bên kia, nhưng... cô có đẻ được đâu!”

*

     Mai dằn vặt rất nhiều. Cả cuộc đời Mai, lần thứ hai Mai được yêu và yêu hết mình. Nhưng là người vợ, Mai thấy có lỗi với Khâm...

     Mai thấy trong người không được khỏe. Cô rùng mình sợ hãi. Không thể ngồi yên. Trên đường lên bệnh viện huyện khám, Mai nhớ lại những ngày hoảng loạn có thai trước đây. Đã hơn bảy năm trôi qua, giờ biết chắc mình đã có thai, Mai vẫn không bình tĩnh được. Cô bước thẫn thờ dọc hành lang bệnh viện. Trong đầu Mai vẫn cứ nghĩ đến dáng điệu vui vẻ của Khâm lúc anh mua đồ ăn về. Khâm hối hận bởi đã trách nhầm Mai. Tờ giấy xét nghiệm cho thấy Khâm mới là người không thể có con... Nhưng cảm giác tội lỗi với Mai còn lớn hơn, như bóng đêm bao trùm.

     Mai nhìn những người mẹ mang bầu đang cười hạnh phúc bên chồng và nghe tiếng khóc chào đời của những sinh linh đáng yêu. Nỗi khao khát làm mẹ vẫn âm ỉ lâu nay bỗng bùng cháy trong Mai. Nó như một ma lực kéo cô nhìn về phía đường đang bị bóng hoàng hôn giăng phủ...

 

(256/6-10)
Ngô Diệu Hằng
Giáo viên Anh văn rường THCS TT Bến Quan
Thị trấn Bến Quan, Vĩnh Linh, Quảng Trị
Tel. 0946777494
dieuhang.ngo@gmail.com




READ MORE - HOÀNG HÔN NƠI NGÃ RẼ - Ngô Diệu Hằng

PHÙ SA TÌNH CỦA VÕ VĂN HOA - Phạm Xuân Dũng

              Nhân đọc tập thơ Phù sa tình của Võ Văn Hoa, NXB Hội Nhà văn - 2012




       Theo tôi, trong thiên hạ người làm thơ tử tế được chia thành ba loại: có người làm thơ mà thành thi sĩ, có người làm thơ mà thành thi nhân, lại có người làm thơ mà thành thi hữu. Riêng với nhà thơ Võ Văn Hoa, trong một chừng mực nào đó, anh đã hội tụ được cả ba con người ấy. Chính vì vậy mà khi tình đã kết tinh, đã lắng đọng sắc đỏ phù sa lại hóa thành thơ lúc nào không biết, dành tặng bè bạn gần xa.


        Tình quê hương đất nước đã in dấu trong thơ anh như một lẽ thường tình không thể khác. Vì với anh mỗi bước đi là một niềm cảm xúc chân thành, mỗi lần gặp gỡ là một tứ thơ bừng lên da diết. Anh tìm thấy mỗi miền đất, mỗi vùng quê, mỗi người bạn mới là một niềm hạnh ngộ. Đất nước quê hương đã là chiếc nôi tâm hồn để người thơ nương náu, để thương cội nhớ nguồn, để trào dâng nỗi niềm của con dân nước Việt...(Về xứ trầm hương, Sông phù sa chín nhánh, Gió Tuy Hòa, Lý chờ mong Đất Mũi, Về An Thơ, Lên Thác Chờng, Cồn Cỏ, Hai ngày với Tây Gio Linh, Viết trước lúc lên đường ra Lệ Thủy, Ký ức...)


      Trong bài thơ Khúc ca sông Hồng, nhà thơ đắm mình trong xúc cảm sử thi khi nói về những điều thiêng liêng nhất bằng giọng thơ trữ tình hào sảng:
             Tôi mang sông Hồng từ ký ức tuổi thơ
             Từ những giờ lịch sử
             "Đoạt sáo Chương Dương độ
             Cầm hồ Hàm Tử quan"
             "Núi Nùng sông Nhị hiên ngang
             Ngàn năm dựng nghiệp lũy vàng sắt son"
             ...Tôi mê say
             Nón thúng quai thao, áo tứ thân giã bạn
             "Người ơi, người ở đừng về"
              Khi xa rồi bên nớ bên tê
              Giọng miền Trung, em hiểu rồi anh đừng phiên dịch.


       Quê hương hiện ra qua thơ Võ Văn Hoa có thể vừa gần gụi, thân thương lại vừa êm đềm, xa vắng đến nao lòng qua Mùa gặt:
             Ta gặt sợi tơ hồng
             Chớm thu in khói đồng
             Mặc khải người cuối phố
             Dấu chiều bên bến sông?...
       hay tiếc thương thắt ruột về người mẹ hiền trọn một đời tần tảo, hy sinh cho chồng con nay đã ở lại thẳm sâu trong miền tưởng niệm với những câu thơ nén chặt nỗi niềm:
             Mỗi lần qua chợ Diên Sanh
             Dừng chân
             Mua quà cho mẹ
             Nước
                    mắt
                         tràn!

             Người bán hàng:
              - Mẹ thầy khỏe không?
              !
              !
              !
                                           (Mỗi lần qua chợ Diên Sanh)
           hoặc nụ cười hóm hỉnh khi nói về Đàn bà Hội Yên:
              Nghe phụ nữ Hội Yên ghê lắm
              Chẳng thua gì sư tử Hà Đông
              Tôi bươn chải ghé về cho biết
              Hóa ra là sắc sắc không không!


     Thơ Võ Văn Hoa là nhật ký của một tâm hồn đa cảm, là biên bản ngôn từ của những lần hội ngộ, là nhật trình của những chuyến đi. Dễ thấy điều này qua nhan đề của những bài thơ: Kính tặng thầy Trần Ngọc Cư, Minh triết Võ Thị Hồng, Lai rai cùng chú em Võ Văn Luyến, Một chiều trước sân Võ Gia, Về "Xứ trầm hương...Chiếm khá nhiều trong tập này là những bài thơ nặng chất thù tạc bạn bè khi men nồng cảm xúc đã kết tinh lại trong những hạt phù sa lóng lánh tình người: Âm sắc, Thăm bạn ở Ngô Xá, Khuya viếng mộ Hàn, Cái khăn đóng, Bờ sông phía Lương Điền, Hai ngày với Tây Gio Linh...


           Trong số những bài thơ ấy thì đoản thi viết về bạn hữu như Võ Thìn gây nên nhiều xúc động cho người đọc, nhất là những ai đã từng quen biết, giao du với một hiền nhân Thành Cổ. Có lẽ đây là một trong những bài thơ cô đọng và đắng đót nhất. Nó đã vượt qua những thù tạc thường ngày và thơ chạm tới một cảnh giới tâm linh:
              Đang trưa nắng đổ. Tìm về
              Rượu ngon mời bạn bên lề cỏ may!

              Sống khôn ta đã từng say
              Thác thiêng nào dễ chia tay hồng trần?

              Vây quanh nấm mộ tần ngần
              Khói hương quyện giữa phù vân kiếp người...
                                      (Viếng mộ "Đạo sĩ” Võ Thìn)


       Nhờ biết yêu thơ và làm thơ mà Võ Văn Hoa đã thành một thi hữu được bạn bè gần xa biết đến và yêu mến. Có thể có người mong muốn thơ anh tiết chế hơn để thăng hoa, bay bổng thêm. Nhưng thơ cũng như người, mỗi người mỗi tính. Hơn thế, nếu làm vậy (và tôi nghĩ chính anh chắc cũng quá rõ điều này) thì biết đâu sẽ không còn một Võ Văn Hoa như hiện tại. Vả lại, anh cũng không tham vọng lưu danh bằng những bài thơ dù anh đã là thi sĩ. Vậy thì cứ thuận theo lẽ tự nhiên mà sống, gượng ép mà làm gì cho khổ. Qua thơ, Võ Văn Hoa đã có thêm nhiều người bạn tốt, chân thành, trong đó có người như Võ Thìn sống đẹp như thơ và hơn cả thơ. Đó quả thực là điều vô cùng đáng quý và  hệ trọng, thậm chí còn cần thiết hơn chuyện cố tâm trở thành thi sĩ xứng danh. Làm thơ mà được như Võ Văn Hoa đã là hạnh phúc và không phải ai cũng được vậy. Nên dẫu chỉ mới đọc thơ anh mà chưa được gặp người cũng đã là hạnh ngộ.

                                                       Phạm Xuân Dũng
Đài PTTH Quảng Trị

______________________________
Bài do Võ Văn Hoa gởi tặng VNQT


READ MORE - PHÙ SA TÌNH CỦA VÕ VĂN HOA - Phạm Xuân Dũng