Nhà nghiên cứu Lê Quang Thái (1940-2020) |
Lê Quang Thái
QUẢNG TRỊ QUA DÒNG LỊCH SỬ
Kể từ mùa xuân Tân Dậu (1801), tỉnh Quảng Trị mới hình thành thay thế cho tên cũ là Thuận Châu của xứ Thuận Hóa. Tính ra đến nay (1992), cơ cuộc này đã tròn 191 năm, (cái tuổi) còn lớn hơn tuổi lập quốc của một số quốc gia trên thế giới.
Khi giang sơn thu về một mối, vua Gia Long trích hai huyện Hải Lăng, Đăng Xương thuộc phủ Triệu Phong và huyện Minh Linh thuộc phủ Tân Bình (tức Quảng Bình ngày nay) đặt làm dinh Quảng Trị.
Quan chức cai trị có Lưu thủ, Cai bộ (bạ) và Kỷ lục. Lưu thủ là quan võ lo trấn giữ, Cai bạ làm nhiệm vụ của Tuần vũ, Kỷ lục đóng vai như Án sát. Còn nguồn Cam Lộ (đất Cam Lộ và Hướng Hóa) được cải thành đạo, đứng đầu là Hiệp thủ, gọi là Lưu quan nghĩa là quan chức do triều đình Huế cử đến chăm dân đóng ở thành Vĩnh Ninh của đất Cam Lộ.
Buổi đầu, lỵ sở dinh Quảng Trị đóng tại phường Tiền Kiên, tổng An Đôn, huyện Đăng Xương, [trước là Vũ (Võ) Xương, sau cải thành Thuận Xương]. Năm Gia Long thứ 5 (1806), đặt Quảng Trị làm dinh trực lệ thuộc Kinh sư. Tháng Năm năm Đinh Mão (1807) dựng hành cung và công sảnh ở Quảng Trị.
Buớc qua năm Gia Long thứ 8 (1809), thủ phủ chính thức được dời về làng Thạch Hãn, huyện Hải Lăng, Quảng Trị không còn là dinh nữa mà là trấn, thống nhất theo đơn vị hành chính đồng cấp khắp cả nước. Về sau, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh, Quảng Trị có tên gọi chính danh chững chạc từ năm Minh Mạng thứ 12 (1831). Nếu tính tuổi địa lý hành chính đúng danh đúng phận thì nay tỉnh Quảng Trị tròn đầy tuổi thọ 161.
Dưới đời Minh Mạng, buổi đầu quan chức cai trị có Trấn thủ, Hiệp trấn và Tham Hiệp trấn. Tháng Chạp năm Tân Mão (1831) ban hành quy chế Tổng đốc, Tuần vũ, Bố chánh, Án sát mô phỏng theo quan chế nhà Thanh. Tại mỗi trấn có hai ty Bố chánh và Án sát, tục gọi là ty Phiên coi về hành chính, ty Niết coi về hình ản (kiêm quản huyện).
Năm 1830 mới đặt chức Tri phủ Triệu Phong kiêm quản huyện Minh Linh. Năm 1831 bắt đầu đặt Tri phủ Cam Lộ, vẫn đóng tại thành Vĩnh Ninh, sau đó thành ấy được gọi là Phủ thành.
Từ đây tỉnh Quảng Trị gồm hai phủ Triệu Phong, Cam Lộ, và mười châu.
-Phủ Triệu Phong gồm các huyện Hải Lăng, Đăng Xương, Minh Linh.
-Phủ Cam Lộ.
-Mười châu là Hướng Hóa, Mường Vang, Nà Bôn, Thượng Kế, Tá Bang, Xương Thịnh, Tân Bồn, Ba Lan, Mường Bổng, Lang Thìn.
Ban đầu, đặt chức Bình Trị Tổng đốc, sau đặt Bình Trị Tuần vũ và dinh Tuần vũ đóng tại thành Quảng Trị. Lãnh binh là chức quan võ coi quân sự, Đốc học là quan văn coi về học chính của tỉnh. Thời chế độ Hán học suy tàn nhường chỗ cho tân học thì còn danh xưng Đốc học và gọi là Kiểm học.
Vị Tuần vũ đầu tiên cai quản tỉnh Quảng Trị là Trần Danh Bưu hàm Binh bộ Thị lang, lãnh chức Bố chánh sứ. Nguyễn Thị Tham hiệp là Trịnh Quang Khanh làm Án sát sứ. Phó vệ úy Nguyễn Văn Nghị thăng Vệ úy sung chức Lãnh binh quan.
Tuần vũ Quảng Trị trông coi mọi việc trong hạt. Quan hàm ghi rõ “Binh bộ tham tri hoặc Thị lang kiêm Đô sát viện hữu phó Đô sử, Tuần phủ (vũ) Quảng Trị xứ địa phương, Đề đốc quân vụ kiêm lý lương thưởng, lãnh Bố chánh sứ”.
Năm Tự Đức thứ 6 (1853), triều đình lại cải tổ cơ cấu hành chính, nhập tỉnh Quảng Trị vào phủ Thừa Thiên và cải đặt chức quan cai trị địa phương là Quản đạo (nhỏ hơn Tuần vũ bốn trật), bên cạnh có chức Giáo thọ trông coi việc học hành và thi cử đóng ở dinh Án sát cũ. Hình án cho phủ Thừa Thiên trông coi. 12 năm sau, năm 1865, cải đặt chức quan lo về việc học hành lên thành Điển học. Chức danh này được xử lý quyền hành ngang hàng với Đốc học của các tỉnh khác.
Đến năm Tự Đức thứ 29 (1876), Quảng Trị không còn phụ thuộc Kinh sư nữa mà được tách ra làm tỉnh trở lại như trước. Danh vị tỉnh đứng trước tên gọi Quảng Trị được duy trì và bảo lưu cho đến tháng 5.1977. Địa phận Quảng Trị được phân thành các huyện thị theo cơ cấu hành chính mới gồm: thị xã Đông Hà, huyện Triệu Hải, huyện Bến Hải và huyện Hướng Hóa, thị xã cũ Quảng Trị xuống cấp nhanh chóng, trở thành thị trấn Triệu Hải.
Ngày 01.7.1989, Quảng Trị trở lại đúng tên gọi của 158 năm về trước, theo hướng lịch sử xoay vần bằng chuỗi móc xích: dinh > trấn > tỉnh > đạo > tỉnh > huyện > tỉnh.
Ôn lại dĩ vãng thì thấy quả là một khúc dạo nhạc cung đàn đầy đủ bảy nốt hẳn hoi. Lịch sử tỉnh nhà đã trải qua những bước thăng trầm.
Từ chỗ cai quản ba huyện chính đầu lòng là: Hải Lăng, Đăng Xương, Minh Linh (đổi thành Chiêu Linh rồi Vĩnh Linh năm 1889), nhà cầm quyền Quảng Trị lần lượt tiếp nhận thêm các huyện mới Hướng Hóa (năm 1834), Địa Linh (năm 1836, đổi thành Gio Linh năm 1886), Cam Lộ (trước là Thành Hóa, năm 1853).
Trước năm 1945, tỉnh Quảng Trị có ba phủ (phủ lúc này không gồm nhiều huyện): Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh và huyện Cam Lộ, Gio Linh, Hướng Hóa. Đứng đầu phủ có Tri phủ, phụ việc có Lại mục và các thơ lại. Bên cạnh đó có chức Đội lệ coi quản lính hầu. Chức quan bên dưới ở huyện thì như phủ, chỉ có khác là trông coi việc học ở phủ có chức Giáo thọ và ở huyện thì có chức Huấn đạo.
Vị Tuần vũ cuối cùng của tỉnh Quảng Trị là ông Nguyễn Văn Thơ, người có công xây dựng lao xá Quảng Trị (trong thành cổ, phía cửa hậu) thành nhà lao kiên cố và bù lại đã một thời được an dưỡng tuổi già ở đây.
Từ năm 1948 đến 1954 trong vùng tạm chiến, đứng đầu tỉnh là Tỉnh trưởng, đầu phủ là Phủ trưởng, đầu huyện là Huyện trưởng. Bên dưới có Thư ký trưởng và các thư ký.
Sau Hiệp định Genève (20.7.1954), vĩ tuyến 17 trở thành lằn ranh tạm thời chia cắt hai bờ Bắc - Nam của sông Hiền Lương. Chính danh sông Bến Hải buổi xa xưa trở thành địa danh phổ biến, văn chương và thời sự là sông Bến Hỏi. Theo lằn ranh ấy, hết 2/3 diện tích phủ Vĩnh Linh nằm ở bờ Bắc, tạo thành một đơn vị hành chính mới Đặc khu Vĩnh Linh. Phần đất phía Nam vĩ tuyến 17 gồm sáu quận (từ năm 1955) cho đủ bộ sáu: Trung Lương, Gio Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa, Triệu Phong và Hải Lăng.
Năm 1956 tỉnh Quảng Trị lập thêm quận Ba Lòng (đất của Hải Lăng và Triệu Phong), rồi từ năm 1969 đến năm 1971, tỉnh Quảng Trị lập thêm hai quận mới là Mai Linh (ở ngoại ô về phía tây nam thị xã Quảng Trị) và quận Đông Hà.
Như thế, tỉnh Quảng Trị trước 1972 có chín quận cả lớn lẫn nhỏ. Đứng đầu có chức Quận trưởng, có phó Quận trưởng (thay thế cho Thư ký trưởng). Chức này đặt ra từ năm 1965 theo hệ thống công vụ của miền Nam.
Thị xã Quảng Trị là tỉnh lỵ Quảng Trị. Nay gọi là thành thì trước kia là thành Quảng Trị. Sách Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Quảng Trị), cho biết rõ về thành trì cả thủ phủ này như sau: “Tỉnh thành có chu vi 481 trượng 6 thước; cao 1 trượng; dày 3 trượng, có 4 cửa Tiền, Hậu, Tả, Hữu; hào rộng 4 trượng 6 thước, sâu 6 thước. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) thành còn đắp bằng đất, năm thứ 19 (1838) xây gạch; năm Tự Đức thứ 6 (1853) không còn gọi là tỉnh thành mà đạo thành. Năm thứ 29 trở lại làm tỉnh”?
Trong thành, ngoài dinh Tuần vũ, dinh Án sát còn có hành cung và sảnh là nơi để làm lễ bái vọng về triều hoặc làm nơi tạm trú khi nhà vua ngự giá hoặc tuần thú thăm dân.
Thời Pháp thuộc, bên cạnh quan đầu tỉnh có đặt Công sứ (dịch từ chữ Consul) và Phó sứ. Nhà Công sứ nằm ngoại thành, ở phía bờ sống theo lối kiến trúc Pháp, sau này là dinh Tỉnh trưởng và kế bên Tòa hành chính tỉnh. Còn trong thành là nơi đóng quân.
Từ năm 1972 đến 1973, tỉnh lỵ Quảng Trị đóng tại Mỹ Chánh, rồi ở Diên Sanh (huyện Hải Lăng).
Trong thời điểm ấy, chính quyền cách mạng tỉnh chọn Đông Hà làm tỉnh lỵ và Đông Hà còn gọi là Quảng Hà.
So với các tỉnh thành khác trong cả nước, Quảng Trị là tỉnh chịu đựng sự tàn phá khốc liệt nhất trong chiến tranh. Nhờ vào truyền thống, lao động cần cù và sáng tạo, tinh thần chịu thương chịu khó của nhân dân, vết thương chiến tranh sớm được hàn gắn để vươn lên: sao cho có ngày kịp tỉnh bạn.
Hoài vọng ấy chắc chắn không sớm thì muộn cũng đạt được.
(Tạp chí Văn hóa Quảng Trị. Số 05.1992)
Chú thích:
1. 481 trượng 6 thước = 1.948 m; 3 trượng = 12 m; 4 trượng 6 thước = 18,4 m, 8 thước = 3,2 m.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (tỉnh Quảng Trị), Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, (Sài Gòn: Nha Văn hóa, Bộ Quốc gia Giáo dục, 1961), 33.