Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, December 18, 2011

ĐÌNH THU - CHÙM THƠ THÁNG CHẠP


Tháng Chạp


Thì cứ để gió muà đông bắc trôi qua
Đừng chạm vào nỗi nhớ
Trong khoảnh khắc giao muà
Ánh sáng mặt trời thường đi ngủ muộn
Bầy chim vẫn lang thang chưa về

Thì cứ để cánh đồng hong gốc rạ khô
Ai vẽ khói lam trên bầu trời tháng Chạp
Mẹ gánh về cả một chiều nắng nhạt
Bóng nghiêng phiá chân trời

Thì cứ để chồi non nhú trên cây
Rồi nghe lộc biếc giải bày
Mai vàng chớm nụ chờ xuân đến
Một chút vô tình cũng ngất ngây

Thì cứ để tia nắng tràn qua ô cửa sổ
Em lặng lẽ đứng nhìn …
Tháng Chạp trôi ngập ngừng
Giấu thời gian vào trong nỗi nhớ
Nghe muà xuân hát râm ran



    
      

 Về quê nghe mùi khói đốt đồng
                                                  “Tặng Hiểu – Cộng hoà LB Đức”

Tháng Chạp về quê
Thăm lại cánh đồng sau mùa gặt
Gốc rạ nằm trơ
Đụn rơm vàng óng ả
Khoe sắc trong nắng chiều
Không gian khác lạ
Đàn trâu về thong thả
Dẫm lên lối mòn xưa

Vội vã ngày cuối năm
Dòng người đi tảo mộ
Thăm mồ mả ông bà, dòng họ, tổ tiên
Về lại với quê hương
Sau bao ngày xa cách
Gửi niềm tin vào những người đã khuất
Cầu mong điều bình an

Linh hồn của đồng quê
Là mùi hương tháng Chạp
Mùi khói đốt đồng, mùi hương trầm thơm ngát
Bay lơ lửng giữa bầu trời
Ngàn năm bóng mẹ
Đi về trên lối xưa

Ai đốt đồng tháng chạp
Để khói vàng chân quê
Bây giờ trở lại không còn nữa
Tháng Chạp về quê nghe mùi khói đốt đồng
Không còn nội nên khói dồn lên mắt
Khói tự ngàn xưa cứ bảng lảng bên lòng

                           


Miền lặng


Không phải điệu Tango của tháng ngày phố thị
Ta về yên ả với làng quê
Gió thổi tung triền nhớ
Tiếng dế ấu thơ lạc về
Trôi … mấp mé bờ ao

Con chuồn chuồn ớt  rong chơi
Ngày khóc trên bờ vai hẹp
Vết nhức tràn qua bờ chạng vạng
Đợi đêm về hoan ca

Mùa Đông hát thánh ca
Cơn đau nằm im
Tâm thức men theo miền lặng
Nghe tiếng con rô quẫy mình gọi bạn
Một nửa hồn quê 
Còn sót lại cuối cánh đồng





Chốn xưa

Cúi xuống hôn đêm
Người lữ khách ngồi bên hè phố
Hát nghêu ngao khúc ca buồn
Thời gian trôi…
Cánh đồng biến mất
Đàn trâu đi hoang vào miền cổ tích
Mơ về ngày xưa xa lắc . . . xa lơ
Cây đa đầu làng
Theo chú Cuội lên trăng
Mạch ngầm khan kiệt
Giếng nước rêu phong
Khô như mắt thiếu phụ chờ chồng
Con đường mòn quanh co
Mất dấu bàn chân thời thơ trẻ

Ngồi say bên hè phố
Ngỡ đắm mình trên vạt cỏ non
Dòng người cuồn cuộn
Chảy vào miền nguyên thức
Con sông quê bình yên
Đôi mắt cuộc đời không nhầm lẫn
Quay tìm về chốn xưa !




Đình Thu
                                                             
dinhthubank@yahoo.com.vn 


                                                            
READ MORE - ĐÌNH THU - CHÙM THƠ THÁNG CHẠP

PHẠM NGỌC THÁI - THỜI ÁO TRẮNG


Trả lại cho anh một thời áo trắng
Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!...
Những bông hoa mùa xuân thôi không nở
Đi dưới bóng điện đêm lòng sẽ rất buồn.
 
Ôi, yêu dấu cái thời còn cắp sách
Mắt em cười mùa thu xanh lên!
Những buổi chúng mình tìm ánh trăng để học
Tà áo trắng động vào...khe khẽ nát tim anh!
 
Trả lại cho anh một thời áo trắng
Đã đi qua và...đã đi qua...
Với cả dòng sông trôi mơ mộng
Lá lá rụng vàng, tóc tóc hóa sương pha.
 
Nghe gió thổi hàng cây vi vút
Em biển xanh xa mãi vô cùng…
Anh đứng lặng một mình bên bờ biếc
Những âm thanh kêu bổi hổi trong lòng.
 
Trả lại cho anh một thời áo trắng
Em đi rồi, mai thành phố cô đơn!...
                                    
PNT 
thai_quanthanh@ymail.com

(Tác giả gởi tặng VNQT)
READ MORE - PHẠM NGỌC THÁI - THỜI ÁO TRẮNG

LƯU QUANG MINH - CHỊ EM BẠN DÂU


Cùng tuổi nhưng người vai chị, kẻ vai em, xưng hô với nhau sao khó quá. Hai đứa vốn là bạn bè từ trước, “mày, tao” lâu nay thành quen miệng, biết sửa thế nào?
Tình cảnh ấy tưởng chỉ thấy được đâu đó trên màn ảnh nhỏ, giờ lại đang hiển hiện ngay trong gia đình Hoa, khiến nàng lắm khi nghĩ tới mà dở khóc dở cười.
Cái ngày Hoa phát hiện ra người yêu của Dung - nhỏ bạn thân - đồng thời cũng chính là anh ruột “chàng” của mình, nàng đã sửng sốt, kinh ngạc, thậm chí hãi hùng biết bao nhiêu. Ôi thôi rồi, con bé Dung “lém” lại luyên thuyên đem qua kể cho nhà ấy nghe các thể loại tính xấu tật dở của mình, chắc chỉ có nước “chết”…
Nói là nói vui thế thôi, Dung đời nào làm thế. Hai đứa thân nhau như thể chị em, nay thành chị em thật, đều là do duyên số cả. Ông anh chồng tương lai đã nháy mắt bảo vậy. Chẳng nghĩ ngợi thêm, bốn bên gật gù nhất trí với nhau cả tám tay.
Ấy vậy mà đám cưới xong rồi, thành người một nhà với nhau rồi, nghĩ lại nàng vẫn không khỏi thấy buồn cười.
“Cười gì mà cười hoài thế hả cô em?”
“ Thì tự dưng Dung “lém” đùng một cái được lên chức “chị”, thấy “bất công” quá, đành cười trừ chứ còn sao!”
“Ủa, ai biểu ai quen không quen, kiếm đúng ngay em chồng tui mà quen, ráng chịu đi “cưng”!
Vừa nói “chị” vừa bẹo má “em” một cái rõ đau.
Là bạn bè thân thiết nhưng chỉ đến khi chung một mái nhà, nàng mới bàng hoàng nhận ra: sao hai đứa có quá nhiều khác biệt. Mỗi ngày cái khác cứ lại lớn dần thêm.
Có  ai như bà chị bạn dâu của tôi đâu chứ!
Tờ mờ sáng, trong khi nàng còn say giấc nồng đã nghe tiếng “chị” lục đục dưới bếp sửa soạn bữa sáng cho cả nhà. Đến khi chồng gọi điện từ cơ quan về thức nàng dậy, ngó đồng hồ cũng gần trưa, mới ngáp dài bước xuống cầu thang trông thấy “chị” đang lặt rau, nấu nồi canh to tướng. Nàng đảo qua đảo lại mấy vòng, bật ti-vi xem phim. Một hồi lâu, nghe tiếng “chị” gọi, chỉ việc ngồi vào bàn. Cơm canh đã tươm tất.
Nhà  có máy giặt nên cũng đỡ, bao nhiêu đồ dơ áo bẩn, nàng vo một nùi nhét vào máy.
“Dung ơi, bấm máy giặt dùm ta, ta chẳng biết được…”
“…Phơi giúp luôn nhé, “bà chị”!”
Nhà  chồng độc mỗi hai anh em. Mẹ già đã lẫn, ốm yếu bệnh tật suốt ngày. Nàng nghe chồng bàn với anh: thôi cứ sống chung, nhân khẩu có bao nhiêu, Dung và Hoa vốn bạn bè, đỡ đần chia sẻ được. Sau này có con, muốn ra riêng, ta tính tiếp.
Ừ thì hai “chị em” ở cùng với nhau đúng là thích thật. Ai cũng bảo được sống chung với người tâm đầu ý hợp là hạnh phúc nhất. Không hợp nhau mà vẫn phải bên nhau, hằng ngày cố nói cố cười xởi lởi dù “bằng mặt không bằng lòng”, liệu trên đời còn gì bi kịch hơn?
‘Mẹ ơi, con mời mẹ dùng cơm…”
Dung dìu mẹ chồng từ trong buồng ra ghế xa-lông ngồi. Bà già gầy guộc, da dẻ nhăn nheo những đốm đồi mồi tiến mấy bước nặng nhọc, tấm lưng còng rệu rã.
Ngày mới về Hoa sợ lắm, hay tưởng tượng lung tung. Xem phim bao giờ cũng thấy không mẹ chồng hục hặc nàng dâu, cũng nàng dâu chành chọe mẹ chồng, “cuộc chiến” mãi kéo dài dai dẳng chưa biết hồi kết thúc. Nhưng bây giờ ngồi đây nhìn cảnh Dung chăm sóc mẹ chồng - đã chẳng còn mấy minh mẫn - thân thương hơn cả con gái ruột trong nhà, Hoa trầm ngâm. Nàng vốn là “tiểu thư” được cưng chiều từ bé trong vòng tay bố mẹ, gia đình khá giả việc lớn nhỏ gì cũng chưa từng phải đụng tay vào. Chẳng bù thay cho Dung. Nó sinh ra đã phải chịu mồ côi mẹ - bà không qua nổi sau cơn vượt cạn, ba đi làm ăn xa gửi Dung cho ngoại nuôi. Khi mắt ngoại lòa đến nỗi không còn trông được mặt cháu cũng là lúc nghe tin ba lấy vợ khác, mỗi tháng chỉ gửi ít tiền về đủ cho nó ăn học thôi.
“Ăn cơm, “em gái ngoan”!” – Đút một muỗng cơm nhão cho mẹ chồng, Dung quay sang bảo nàng.
Nàng ngồi xuống bàn ăn, gắp miếng cá thơm phức và với cơm, một chốc lại thừ người quan sát Dung trò chuyện với mẹ già.
“Hoa ơi, Dung… khổ quá… Dung còn chưa kịp báo hiếu ngoại ngày nào…”
Nàng nhớ như in cái ngày Dung hay tin ngoại nó ở quê mất, tựa vào vai nàng, mãi nức nở. Chẳng làm gì được ngoài ủi an hơn là cùng khóc, thương nó thì cũng chỉ biết thương vậy thôi…
Giờ  mẹ chồng ngồi đó, từa tựa bóng hình của ngoại.
Dung chưa vướng bận chuyện gia đình thì giờ này có lẽ đang ngồi trên ghế giảng đường học lên cao. Nàng trái ngược, nghĩ: ở nhà để chồng nuôi, yên thân. Ngồi tựa cửa tâm sự, Dung thở dài:
“Thèm đi làm thật, Hoa à…”
Hoa nghĩ rồi sẽ có lúc “chị” đi làm thật, dẫu anh chồng từng nài nỉ: em ở nhà chăm mẹ, sau này còn sinh con, kiếm tiền là việc của đàn ông. Xuôi theo đó, nhưng “chị” vẫn “thèm”.
Có  lần, Hoa trộm thấy khóe mắt Dung hoen nước, khi đút mẹ chồng móm mém từng muỗng cơm. Rồi nghe tiếng lí nhí:
“Ngoại ơi…”
Hoa cau mày. Khó gì, thuê một “Ô-sin” làm từ A đến Z. Mình khỏi cần động tay chân bếp núc nội trợ, giao luôn mẹ chồng cho người ta lo, thế là xong! Khỏe re.
Dung kiên quyết không là không.
Chẳng hiểu nó nghĩ cái gì. Hai đứa khác biệt thật!
Tầm 6 giờ chiều, nàng xách xe chạy sang phòng tập thể dục thẩm mỹ. Nàng chẳng rủ Dung, sẵn biết luôn nhận được cái lắc đầu:
“Hoa đi đi…”



Không lâu để Hoa nhận ra những dấu vết ăn mòn của thời gian dần xâm chiếm Dung. Bằng tuổi mà tóc “em” còn đen nhánh, da dẻ trắng mịn, trông “chị” đã đầy sợi bạc, da sạm đi, đuôi mắt, vầng trán nhăn nheo nhiều vệt ngắn dài. Ai bảo cứ hay lo hay nghĩ làm gì, ôm rơm nặng bụng, mau già là phải thôi!
Chồng nàng đêm nằm thủ thỉ:
“Em này, đỡ đần việc nhà với chị ấy. Những việc lặt vặt thôi, chẳng nặng nhọc đâu em…”
Thôi  đi! Em đã bảo ngay từ đầu: thuê “Ô-sin”, năm 2010 rồi, “người phụ nữ hiện đại” mà cứ thích giống thời ông bà, bố mẹ mình. Có thèm nghe đâu.
Im lặng. Chồng quay lưng lại, có lẽ đang trăn trở nghĩ ngợi gì đó. Mặc kệ. Lấy chồng rồi nàng mới thấy: cuộc sống gia đình – chán phèo. Nhớ lại, hai người từng có đợt cãi nhau to.
“Em còn trẻ, em không muốn có con!”
Chồng nàng nhăn mặt.
“Ừ, từ từ có cũng được…”
“Anh cần em làm “máy đẻ” cho anh thôi chứ gì. Muốn em mau già, mau xấu phải không? Rồi anh đi kiếm con nhỏ nào trẻ hơn hả?”
“Sao em lại nói thế. Anh chỉ nghĩ không nên có sớm, mà cũng đừng trễ quá. Thấy bạn bè nó gửi thiệp mừng thôi nôi con nó… thì anh…. Em biết anh thích trẻ con mà.”
“Vậy anh đi mà… đẻ!”
Giận quá anh ném cái gối xuống giường “bịch” một phát.
Hình như, nàng cũng chẳng yêu anh là mấy. Mẹ hồi đó vẫn bảo:
“Lấy người yêu mình, chứ đừng lấy người mình yêu, con ạ!”
“Sao vậy mẹ?”
“Ừ thì… chồng con có yêu con, con sẽ đỡ khổ…”
Đúng là Hoa bây giờ rất sướng, chẳng phải làm gì. Anh yêu nàng. Phía nàng, tình yêu dành cho anh có thể ít, nhưng cảm phục thì nhiều, chắc chắn vậy rồi.
Nhưng dần dần, nàng thấy chán. Chán không biết để đâu cho hết. Yêu thì có thể dễ dàng tha thứ lỗi lầm của nhau dù lớn nhỏ, không yêu thì khó khăn hơn nhiều, phải chăng vậy…?
“Chị Dung có yêu chồng không?”
Một bận buổi trưa mẹ chồng và hai con dâu ngồi ăn cơm, nàng buột miệng. Nàng vốn nghĩ mẹ đã lẫn, thoải mái, có nói gì cũng không biết được đâu. Dung đang đút cơm cho mẹ, nghe thấy thoáng giật mình. Một lúc mới mở lời:
“Có chứ. Rất yêu, “em gái” ạ!”
Nàng nhận ra có thể gọi Dung là “chị” mà không cảm thấy ngại ngùng như trước nữa. Dung xuống sắc nhanh quá. Nói chính xác, Dung già. Cái già lồ lộ, chẳng che giấu. Ai tin Dung bằng tuổi Hoa nữa. Rõ mồn một như ban ngày.
“Chị sắp có em bé.”
“Thật sao chị?” – Hoa há hốc mồm.
“Ừ, mới biết thôi. Anh ấy mừng lắm.”
Mừng? Chỉ tưởng tượng sau khi sinh con, Dung sẽ phát phì ra thế nào, rồi đường cong dần mất hết, nhường chỗ cho những khối mỡ thừa… Hoa đã toát mồ hôi. Nàng rất sợ một ngày nào đó nhìn vào trong gương, mình đã trở thành một người hoàn toàn khác. Xấu xí và già nua! Ôi không, không thể nào!
“Chồng em cũng thích có con. Nhưng còn lâu, em chưa muốn đâu. Sinh con phải chăm, cực lắm.”


Cái ngày cả nhà mong mỏi chờ đợi ấy đến sớm hơn dự đoán của bác sĩ, một cách bất ngờ. Nhìn anh chồng đi qua đi lại đứng ngồi chẳng yên trước cửa phòng hộ sinh, Hoa càng nóng ruột. Dung ơi, mẹ tròn con vuông nhé, Hoa xin lỗi.... Dung đang “vượt cạn” trong kia, hẳn là đau đớn lắm. Sau này đến lượt nàng sinh nở, liệu có mạnh mẽ được như Dung…. Cảnh Dung ốm nghén, vác cái bụng to đùng đi lại khó khăn Hoa chỉ mường tượng đã phát khóc. Những ngày chuẩn bị sinh nở ấy việc nhà Dung vẫn cố làm, dù hai người đàn ông đều nhất mực cản ngăn. Mới sớm nay, khi nàng còn say giấc nồng trên phòng, Dung vác thau đồ nặng nhọc bước được vài bậc lên cầu thang. Đột nhiên, chới với...
Mãi về sau nghe tiếng rên rỉ, uể oải bước xuống nhà Hoa mới biết. Chẳng biết làm gì hơn ngoài gọi ngay cho anh chồng đang ở cơ quan.
Chồng nàng im lặng nhìn Hoa. Dần dà, cả hai đã chẳng còn mấy khi tâm sự. Điều gì đó cứ dồn nén, dồn nén, chất chứa trong anh. Nhưng anh cứ âm thầm để vậy. Cho đến lúc ngồi trên băng ghế ngoài hành lang bệnh viện này, anh chỉ còn biết thở dài đánh “sượt”.
“Sao anh lại nhìn em như thế?”
“…Không có gì…”
“Thật không? Anh ghét em lắm phải không…”
“…”
Nàng thừa biết anh thầm trách lâu nay Hoa chẳng mảy may quan tâm Dung điều gì. Đâu phải như anh nghĩ, nàng thương Dung lắm chứ, thương vô cùng, khác gì chị em ruột thịt một nhà.
Nhưng những việc gia chánh nặng nhọc nàng sợ lắm hãi lắm, chị đang bầu bì lại cứ cố. Hơn chục lần nàng nêu vấn đề “Ô-sin” đấy thôi…
Hẳn Hoa mãi còn giữ nguyên suy nghĩ ấy, nếu không xảy ra cơ sự này.
Lúc gọi điện cho anh chồng xong, Dung nằm dưới nền nhà lạnh tanh, máu me, run lẩy bẩy, nắm chặt tay nàng:
“Hoa ơi…”
“Dung ráng nằm yên, họ về ngay mà…”
“Nếu Dung có mệnh hệ gì, thì nhờ Hoa…”
“Cấm, cấm nói tầm bậy!”
“…chăm sóc mẹ…”
Chỉ  nói được đến vậy, Dung lịm đi. Chẳng nhớ Hoa đã sợ hãi bấn loạn đến mức nào. Mẹ chồng vẫn trong buồng đâu hay biết. Còn mỗi mình nàng ở đây, tỉnh táo, không sứt mẻ, nhưng muốn phát cuồng.
Nếu Dung có mệnh hệ…, Hoa sẽ hối hận suốt đời… Hai hàng nước nóng hổi lăn dài trên má nàng.
Có  tiếng trẻ khóc, Hoa giật nẩy mình.
Bác sĩ bước ra, mỉm cười với cả nhà.



“Con giống em quá, bà xã!”
“Giống anh hơn, cái mũi đó, thấy không?”
“Em ơi, chắc là nhà mình phải thuê “Ô-sin” đi…”
“Không anh. Để em.”
“Không là không thế nào? Em mới sinh, còn yếu thế này. Con bé ấy lại chẳng đỡ đần gì…”
“Anh. Đừng trách em ấy.”
“Bực thật…” - Tiếng làu bàu đáp lại.
Dung nằm trên giường nhìn chồng và con trai, từ từ kéo gối ngồi nhổm dậy. Gió qua khe cửa sổ ùa vào phòng bệnh, cạnh chỗ Dung nằm, mát rượi. Nhìn ra ngoài kia, những tán lá trên cành cao lay mạnh rì rào, rì rào.
Hoa đẩy cửa bước vào. Anh chồng đang bồng con, vội đặt thằng bé đỏ hỏn xíu xiu nằm lại giường với mẹ, đi ra thật nhanh. Hoa ngồi xuống ghế cạnh giường, mím chặt môi:
“Dung, đỡ chưa?”
“Đỡ nhiều rồi. Cảm ơn Hoa, may hôm ấy có Hoa…”
Hoa sụp người xuống thành giường, hức lên, vỡ òa.
“Đừng nói nữa, chị. Em xin lỗi… xin lỗi chị...!”
Ngoài kia, cành lá sum suê vẫn lay động. Trong này, một chị một em - như Hoa từng nghĩ: chung nhà mà sao đong đầy khác biệt.
“Chị  ơi, em quá vô tâm, phải không chị? Em biết, chồng em cũng mắng em thế!”
“Không, không em. Chỉ là vì… chị em mình vốn khác nhau thôi.”
Đơn giản chỉ vì khác nhau thôi?
Mắt Hoa hoen đi. Mấy ai hiểu được, làm tiểu thư cành vàng lá ngọc dẫu nhàn nhã ăn sung mặc sướng… nhưng thiệt thòi nhiều thứ lắm. Nhiều vô cùng.
Nàng nói trong nước mắt ràn rụa:
“Chị  ơi, chị sớm khỏe về cùng em chăm mẹ, cùng em làm cơm nhà…. Em sẽ học.”
Dung sững người nhìn cô em bạn dâu.
Phải rồi, chẳng bao giờ là quá muộn để bắt đầu một sự thay đổi…
Gió  hiu hiu, thằng bé nằm bên mẹ, ngủ ngon lành. ./.

LQM
lqmproduction@gmail.com


(Tác giả gởi tặng VNQT)
READ MORE - LƯU QUANG MINH - CHỊ EM BẠN DÂU

KHALY CHÀM - CHỈ ĐẾN MỘT LẦN


.tặng bạn bè VHNT Quảng Trị
 

chỉ đến một lần đứng ngắm dải Trường Sơn

những mộ chí trên  đồi cao nghe gió hát

cũng quá đủ để khắc vào hồn ta phiêu bạt

ngậm ngùi ư ? nào dám vẫy tay chào 


chỉ đến một lần mới hiểu hết nghĩa thương đau

từng lớp ra đi - đừng bảo rằng ly biệt

bạn bè ơi! hãy ngâm: “cổ  lai chinh chiến…”

nghe đất hồi sinh hơi thở  nồng nàn 


chỉ đến một lần chạm mặt với Hiền Lương

sông đang nói với ta lời thân  ái

tạm biệt nhé hai bờ  Bến Hải

con nước hiền trôi hòa vào biển vô cùng 


chỉ đến một lần cảm nhận  đất Miền Trung

mưa lất phất rượu mấy tuần chưa đủ ấm

xin cảm ơn bè bạn ta hào phóng

người Miền Trung vai oằn nặng gánh hai Miền…



Khaly Chàm 
khalycham@yahoo.com
READ MORE - KHALY CHÀM - CHỈ ĐẾN MỘT LẦN