Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 24, 2020

GIANG KHÁCH, GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC THỔI ĐẦY VƯỜN XƯA, GIỜ THÁNH TẨY - Thơ Lê Văn Trung






GIANG KHÁCH

Trăm năm chưa cạn vài chung rượu
Mà ngả nghiêng say cả đất trời
Ta về bước hụt vào cơn mộng
Mộng đảo điên từ men đắng môi

Này ta giang khách, thuyền không bến
Này em kiều nữ, sóng Tầm Dương
Rót mãi về đâu hồ lệ cạn
Uống mãi ngàn năm rượu vẫn tràn

Này ta giang khách, hề ly khách
Này em kiều nữ, hề giai nhân
Xin cạn này đây ly tuyệt tửu
Hãy uống tình ta, rồi lãng quên

Gom cả thiên thu vào trong mắt
Cho lệ ngàn năm tràn câu thơ
Gom cả đất trời vào chung rượu
Ta uống mà say đến dại khờ

Làm kẻ dại khờ, kẻ mê muội
Ai say? Ai tĩnh? Rồi về đâu?
Trăm năm chưa cạn vài chung rượu
Lòng đã say mù cuộc biển dâu.

                  
GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC
THỔI ĐẦY VƯỜN XƯA

Hoang vu tôi với bóng chiều
Em về đâu giữa cõi hiu quạnh này
Vườn tôi hoa khế rụng đầy
Hoa rơi tím cả màu mây phương người
Gió mùa Đông Bắc gió ơi

Gió vào tôi, gió rối bời cơn mơ
Trời không mưa!
Trời mưa chưa!
Mà sao ướt cả câu thơ hỡi người

Gió mùa Đông Bắc gió ơi
Gió vào ai, gió rã rời chiêm bao
Thôi đừng ru cuộc tình đau
Vết thương mùa cũ đã màu rong rêu

Gió mùa Đông Bắc chiều nay
Thổi về đâu mà lạnh đầy vườn xưa
Áo người có ướt trong mưa
Mà tôi ướt cả giấc mơ ảo huyền

Hoang vu tôi bãi bờ quên
Cầm câu thơ thả vào mênh mông chiều.
                           

GIỜ THÁNH TẨY

Ngày mai anh về hát trên rừng xanh
Có các em thổi tù và qua lũng thấp.
Có các em lùa mây trắng làm hoa
Anh về đứng trên mỏm đá này

Tay các em là rừng
Tóc các em là cỏ
Hãy nghe anh hát – tên ca sĩ cuồng điên
Hát nghêu ngao như một người du mục
Hãy thắp giùm anh những vì sao
Khi gió đã băng qua triền núi biếc
Khi thiên nhiên đã phủ kín hồn anh
Ôi các em
Hãy đứng vòng quanh anh
Tung hoa lên trong giờ thánh lễ
Anh sẽ tặng các em những vòng kim cương
Làm bằng thơ tinh huyết

Ngày mai anh sẽ về hát trên rừng xanh
Có các em thổi tù và buồn bã
Khi chuyến tàu đầu ngày băng qua đồng cỏ
Xin gửi đi những hệ lụy đời anh
Và gửi đi những phiền muộn của các em
Hãy rửa sạch những hạt bụi trên bàn chân cẩm thạch
Những dư ảo trên đôi mắt sao ngời
Để chúng ta được thánh tẩy
Đợi giờ phục sinh

Ngày mai anh về hát trên rừng xanh
Có các em nắm tay nhau khiêu vũ
Các em khiêu vũ trên hồn anh
Anh hát nghêu ngao những bài du mục
Các em hãy tung hoa trong giờ thánh lễ
Các em tung hoa lên hồn anh
Ôi các em
Tâm hồn anh là một chùm hoa trắng
Hãy khiêu vũ nữa đi
Hãy hát lên nữa đ
Các em thấy không anh đứng trên mỏm đá này
Đôi tay dang ra trong lời thuyết giáo
Anh sẽ hát với các em
Những bài ngợi ca thiên nhiên
Ngợi ca các em
Những thiên thần bé nhỏ
Có trái tim bằng mây
Và tâm hồn bằng gió
Lòng các em là bầu trời nguyệt bạch
Tay các em là suối ngọc tuyền

Ngày mai anh về hát trên rừng xanh
Có các em thổi tù và qua lũng thấp
Khi chuyến tàu đầu ngày băng qua đồng cỏ
Xin gửi đi những hệ lụy đời anh
Và gửi đi những muộn phiền đời em
Chúng ta sắp đến giờ thánh tẩy.

                                Lê Văn Trung

READ MORE - GIANG KHÁCH, GIÓ MÙA ĐÔNG BẮC THỔI ĐẦY VƯỜN XƯA, GIỜ THÁNH TẨY - Thơ Lê Văn Trung

VỀ VỚI PHẬT - Truyện ngắn Thủy Điền




VỀ VỚI PHẬT 

    Đây là một câu chuyện tôi được nghe từ một vị Sư kể lại. Dù thực, hư thế nào không rõ, nhưng thấy có lý và hữu ích, tôi xin viết lại cho mọi người cùng xem. Với khách quan thì khi một nhà Sư kể cho đại chúng nghe thì tôi nghĩ đây là một câu chuyện có thật.
    Thầy tự hỏi?
    Cả năm nay, kể từ ngày mình về trụ trì chùa "Tịnh xá" nầy, tính ra có hàng trăm phật tử gần, xa thường xuyên lui tới, viếng chùa, đốt nhang, lạy Phật. Chỉ riêng có lão hàng xóm sống sát chùa chưa bao giờ thấy lão sang cúng Phật hay thăm hỏi thầy một điều gì. Nghĩ cũng lạ, khác hẳn hồi còn trụ trì chùa cũ, những người hàng xóm là những người tiên phong luôn đến trước hơn bao người phật tử khác và họ rất tích cực trong những ngày rằm và lễ lớn. 
    Nghĩ lão ta không thích mình, để tạo mối liên kết  tình cảm "Nhất cận lân, nhì cận thân" Một sáng thầy đang tỉa hoa trước sân chùa, lão vác cái Xẻng đi ngang, thầy chận lại, hỏi làm quen. Lão cũng đứng lại và trả lời với thầy rất tử tế như hai người thân thiện.
    - Thưa thầy gọi con có chi?
    - Không có chi, định hỏi anh hôm nay sao đi làm sớm thế.
    - Dạ, hôm nay nhiều việc lắm thầy, chủ yêu cầu con đi sớm một chút vậy mà, sợ trưa nắng lên làm không nổi. Đi sớm thì được về sớm thầy ạ.
    - Công việc anh ở đó làm gì?
    - Dạ, thưa thầy con chuyên đào đất.
    - Người ta trả công cho anh một ngày có khá không?
    - Dạ, năm ngàn một ngày thầy ạ. 
    - Anh nầy, tôi nhờ anh một chuyện nhé?
    - Thưa thầy cứ nói, nếu được con giúp thầy ngay, còn không thì thầy nhờ người khác, có gì đâu.
    - Thú thật thì thầy mới về đây một năm, chưa có đệ tử, công việc thì nhiều, thầy phải lo phật đường, phật sự mọi nơi, còn thứ khác thì thầy sẽ nhờ anh, vì anh là người ở cạnh chùa cái gì cũng dễ hơn. Anh thấy thế nào?
    - Thầy muốn con làm việc gì?
    - Mỗi ngày anh đến làm việc cho chùa, thầy sẽ trả cho anh năm ngàn như ông chủ anh đang trả cho anh. Anh chịu không? Công việc là quét dọn bàn thờ Chánh điện, nấu nước pha chè, đốt nhang cúng Phật, tưới hoa, tỉa kiểng vậy thôi. khi xong thì anh về. Thầy nghĩ chừng 3-4 tiếng đồng hồ một ngày là cùng. 
    Lão nghe rất khoái chí, làm có chừng ấy mà được năm ngàn còn hơn cả ngày trời đào đất cũng năm ngàn. Nhưng lão còn giả bộ mình cũng đang có nhiều người cần lắm. 
    - Được, thầy cho con suy nghĩ vài ngày.
    - Thì anh cứ từ từ suy nghĩ và cho thầy hay sau cũng được. Chủ yếu anh nhận lời giúp thầy là thầy mừng rồi. Thôi anh đi làm đi kẻo muộn.
    - Chào thầy
    - Mô phật.
    Hai ngày sau lão sang chào thầy và nhận công việc, thầy hướng dẫn lão một vòng và để cho lão tự làm. Trưa gần xong công việc thầy mang tiền trả cho lão, trước khi lão ra về và ngày nào cũng như thế. 
    Vừa làm việc đúng một tuần thì lão hỏi ngược lại thầy?
    -Thưa thầy, làm việc cho chùa, nhận tiền thầy hàng ngày con ái náy quá.
    - Sao anh nói thế, anh làm việc là chùa phải trả công cho anh sống chớ.
    - Rồi tiền đâu thầy trả cho con hoài được thầy?
    - Cảm ơn anh, anh đừng lo, có tiền tôi mới dám mướn anh chứ, không tiền đời nào tôi dám mướn anh.
    - Anh yên tâm đi, tiền Phật tử cúng dường đó, thầy tu làm gì thầy có tiền. Đúng không?
    - Thầy nói thế thì con vững bụng còn không lòng con không yên.
    - Anh đừng quên thầy còn cần anh nhiều việc lắm.
    - Cần chi nữa thầy? Thầy cứ nói luôn đi, để con sắp xếp thì giờ.
    - Đây là sợi chuỗi dài, anh cầm lấy, mỗi ngày anh làm việc xong, còn thời gian, anh ngồi lần từng hạt của sợi chuỗi nầy, xem nó có bao nhiêu hạt. Khi lần xong, anh lần lại như hồi đầu, mỗi lần anh lần xong, thầy sẻ trả cho anh thêm một ngàn, nếu ngày ấy anh lần bao nhiêu lượt không cần biết, thầy sẽ trả cho anh bao nhiêu ngàn tương ứng với những lượt ấy vậy thôi. Anh hiểu ý thầy chứ?
    - Dạ, con hiểu.
    Đặc biệt là mỗi khi làm việc xong, về nhà. Trong giấc ngủ lão thường hay bị ám ảnh trước cảnh Phật và suy nghĩ thật nhiều về vị Sư chùa nầy sao kỳ lạ thế, tự dưng mướn mình lần chuỗi. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng vì cuộc sống, lão kệ, cứ làm và lãnh tiền, mình đâu có làm gì bậy bạ hay lường gạt vì đâu mà sợ. 
    Những tháng năm cần cù nơi chánh điện, ngày nào lão cũng nhìn thấy Phật và mỗi khi tiếp xúc với thầy trụ trì, lão luôn thấy nét hiền từ, nhân đạo hiện lên trước mắt rồi bắt đầu nhập vào hồn lão. Từ con người chưa bao giờ để ý và biết về Phật, bỗng dưng lão đổi tính thành con người khác lạ không ai ngờ được, như không còn nhậu nhẹt be bét hàng ngày, ăn xài phung phí, gắt gỏng cau có với mọi người như trước nữa, mà tất cả đều tiện tặn, dành dụm để hậu thân, hiền hậu với mọi người. Những lần ngồi lần chuỗi cũng thế, tâm hồn lão không còn nghĩ xa xôi, mông lung mà yên tĩnh tập trung vào sợi chuỗi như một phép nhiệm mầu. 
    Thời gian làm việc ở chùa, là thời gian lão đã cố gắng hết mình, đồng thời cũng tích trữ được một số tiền dành dụm khá lớn nơi con heo đất của mình. Tuổi thì càng lúc càng cao, hồi có ít tiền thì muốn mua sắm đủ thứ, nhưng có tiền nhiều thì không cần những thứ gì khác. Cuối cùng lão quyết định và chờ đến ngày lễ Phật đản sắp tới lão đập con heo đất và mang toàn bộ số tiền ấy vào chùa quỳ trước thầy xin hiến dâng lại tất cả và xin thầy cho làm đệ tử để được ngày ngày cận kề bên đức Phật.

                          20/02/2020 – Thủy Điền 

READ MORE - VỀ VỚI PHẬT - Truyện ngắn Thủy Điền

ĐỜI VĂN CHƯƠNG PHẠM NGỌC THÁI & TẦM VÓC "TUYỂN THƠ CHỌN LỌC " - Nguyễn Thị Hoàng


ĐỜI VĂN CHƯƠNG PHẠM NGỌC THÁI & TẦM VÓC 
"TUYỂN THƠ CHỌN LỌC "


                                      Nguyễn Thị Hoàng
                                      Nguyên GV Trường ĐH Sư phạm



     Nói là " đời văn chương" nhưng ở đây, do khuôn khổ của một bài viết  - Tôi chỉ khái quát mấy nét liên quan đến sự nghiệp thi văn của nhà thơ. Vào mùa đông vừa qua, anh đã cho xuất bản: " TUYỂN THƠ CHỌN LỌC " Phạm ngọc thái, Nxb Hồng Đức 2019 - Một tác phẩm thi ca hiện đại !
 
              A.  KHÁI QUÁT CUỘC ĐỜI VĂN CHƯƠNG CỦA NHÀ THƠ
       Phạm Ngọc Thái lớn lên khi cả nước đang bước vào giai đoạn cuộc chiến tranh đánh Mỹ ác liệt nhất ! Thu đông 1966, anh tốt nghiệp phổ thông cấp III Hà Nội... tiếp sang đời một sinh viên Trường Đại học Bách khoa. Như hàng vạn thanh niên thủ đô và cả nước -  Hồi đó, hưởng ứng lời kêu gọi tổ quốc có lâm nguy! Mùa xuân 1967, Phạm Ngọc Thái tình nguyện rời bỏ trường đại học, rời quê hương, gia đình... dấn mình vào cuộc chiến tranh đầy máu và nước mắt của dân tộc. Anh từng thổ lộ: Suốt mười năm chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên Nam Bộ - Qua các Sư đoàn 312, Trung đoàn pháo 40 Tây Nguyên, Trung đoàn 48 Sư 320... tiến vào đánh cứ điểm Đồng Dù của Mỹ, chiếm Sài Gòn 30.4,1975 - Kết thúc chiến tranh. Mỹ rút về nước !
     Trong những năm chiến trận, chính anh cũng ba lần đổ máu ngoài chiến trường... vẫn giữ vững kiên trung với nghĩa khí của một chiến binh cho tới giây phút cuối cùng. Đất nước hòa bình. Anh đã được tặng thưởng 5 huân chương chiến công, kháng chiến, cùng các danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ và bằng khen khác.  
     Ròi quân ngũ trở về. Phạm Ngọc Thái tiếp tục theo học Đại học ngoại thương rồi công tác tại ngành ngoại thương quốc tế tới lúc về hưu. Tuy nhiên, dù làm công việc của một cán bộ nhưng anh vẫn dành hết tâm huyết mình với khát vọng thi ca.
     Suốt  ba mươi năm sáng tác văn học, đến nay, nhà thơ đã cho ra đời đúng 10 tập sách:

1/.  Chín tác phẩm về thơ và bình luận:
-  Có một khoảng trời                  1990
- Người đàn bà trắng                   1994
- Rung động trái tim                      2009
- Hồ Xuân Hương tái lai               2012
- Phê bình & tiểu luận thi ca         2013
- Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại                                       2014
- Thơ tình viết cho sinh viên         2015
- Phạm Ngọc Thái cánh đại bàng của thi ca đương đại Việt Nam      . Xuân 2019
-  " Tuyển thơ chọn lọc " Phạm Ngọc Thái                                          . Đông 2019.
2/.   Hai tiểu thuyết:
    - Tiểu thuyết: CUỘC CHIẾN HÀ NỘI 12 NGÀY ĐÊM, 2019.
    -  Tiểu thuyết CHIẾN TRANH VÀ TÌNH YÊU (hai tập). Sách chuẩn bị xuất bản trước 30.4.2020.
3/.   Sáng tác thành công 5 vở kịch nói sân khấu:  
*  Hai kịch bản dài:
     -  Bản án dưới mồ
     -  Số phận những hòn đá tảng.
*  Ba kịch bản ngắn:
      -  Mối tình hoa hồng bạch
      -  Chuyện ở quán gốc đa
      -  Cánh cửa quốc tế
              * Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Thủ đô. 

    Nhà giáo Bùi Văn Dong - Nguyên GV Trường Đại học Quốc gia, cũng là một CCB từng có thời cùng chiến đấu với Phạm Ngọc Thái trên chiến trường Tây nguyên Nam Bộ, viết về nhà thơ như sau:
     " Tôi biết Phạm Ngọc Thái từ thuở còn chiến tranh. Cùng là anh lính chiến ăn rừng ngủ rú  trên mặt trận Tây Nguyên - Nam Bộ. Suốt chặng đường chinh chiến ấy, Thái ham viết nhật ký và làm thơ. Nhiều đêm nằm với nhau bên võng giữa rừng Trường Sơn, anh thường đọc thơ cho chúng tôi nghe. Được biết, mấy cuốn nhật ký đó đã bị mất trong bom đạn của chiến tranh. Tác giả chỉ còn nhớ ít bài tản mạn. Cũng là một điều đáng tiếc.
     Bọn lính Hà Nội của tiểu đoàn chúng tôi ra đi hồi đó! Hết chiến tranh, kiểm lại chỉ còn mươi đứa sống sót trở về. Chẳng ai có thể ngờ rằng: Cái anh chàng lính trận rất ham thích thơ thuở ấy, nay đã trở thành môt nhà thơ nổi danh trên văn đàn".
      Nhà giáo Bùi Văn Dong viết tiếp:
     "Thơ Phạm Ngọc Thái rất hàm súc, kể cả những bài viết dưới dạng triết lý đến những bài trải theo dòng cảm xúc tự nhiên. Từ nhận thức về tình yêu và cuộc sống được trải nghiệm qua đường đời, thấm tháp chảy vào thơ. Thơ tình thì huyền diệu, có sức rung cảm trái tim người yêu thơ ! Thơ đời lại ôm bọc những giá trị hiện thực xã hội, cô đúc sâu sắc. Đặc điểm cơ bản trong tính triết lý thơ đời của tác giả là vận từ đời sống dân gian, nỗi kiếp con người. Thơ được chắt ra từ tim óc nên đọc không bị gò ép, tạo thành bản sắc riêng của thơ anh. Nó bao chứa tính nhân sinh xã hội cùng thế giới quan của nhà thơ ".
      Trích Tiểu luận "Con người và thi ca" của Nhà giáo Bùi Văn Dong,in trong Tập "Phạm Ngọc Thái - Cánh đại bàng của thi ca đương đại Việt Nam", Nxb Thanh niên 2019.  

 -  Nói về nhân cách và tầm vóc thơ Phạm Ngọc Thái, Nguyễn Khôi - Nhà văn Hà Nội viết:
     "Qua tác phẩm và gặp con người cụ thể - Nguyễn Khôi có cảm tưởng về tính cách như thấy ở Thái một Vladimir Maiakovsky Việt Nam: Hiên ngang đứng trên tầm thời đại, dám tự khẳng định mình bằng những bài thơ, dòng thơ trữ tình (ở Maia là "phản trữ tình) đều vì tình yêu lớn lao. Ước vọng sâu sắc nhất của anh...
    Thơ tình Phạm Ngọc Thái... đọc không nhàm chán, vì anh luôn tạo được ý mới, tứ lạ, ngôn ngữ thơ tinh luyện, hình tượng thơ ĐẸP và sống động. Cái "thơ" đan trong cái "mộng" - cái "ảo" diệu huyền để hiện lên cái thực thấm vào tâm can người đọc...
     Thơ trữ tình Phạm Ngọc Thái HAY vì anh luôn bám vào cuộc sống đầy máu thịt đang sinh sôi....
     Thơ "yêu" Phạm Ngọc Thái là tiếng lòng, tiếng con tim luôn ngân nga một giai điệu như "mưa rơi" vào miền ký ức sâu thẳm.
     Chao ôi ! Thơ là đời, là tâm huyết máu thịt của thi sĩ. Không có tình yêu lớn lao - chân thực thì không thể có những vần thơ tuyệt tác là thế.
-   Một tài năng lớn... với những giá trị văn học tuyệt vời !
     Mong rằng "thơ Phạm Ngọc Thái" sẽ được người đời ( trong và ngoài nước ) thưởng thức, đánh giá một cách trân trọng, đúng mức.. "
       NGUYỄN KHÔI
       Hội nhà văn Hà Nội
      ( trích đăng trên báo Người Hà Nội - số 28 


                    
                  B.  TẦM VÓC " TUYỂN THƠ CHỌN LỌC " PHẠM NGỌC THÁI
     Sách dày 368 trang với 215 bài thơ tự do hiện đại các loại. Cấu trúc Tuyển Thơ chia ra thành 5 phần:
-  Phần đầu và cuối là 122 bài thơ tinh
-  Thơ khóc con 20 bài
-  Thơ viết ở nước ngoài 19 bài
-  Thơ đời " 54 bài.
    Nói về tầm vóc của một "tác phẩm thi ca lớn" ? Nó "lớn" không phải vì độ dầy của tập sách. Cũng chưa phải vì số lượng bài "thơ tuyển chọn" nhiều... mà vì cái HAY có được trong các bài thơ, tạo nên Tầm Vóc Lớn của tác phẩm !
    ( Xin mở ngoặc nói thêm: Bên cạnh Đại thi hào Nguyễn Du và Nguyễn Trãi ( dựa theo tác phẩm " Ba thi hào dân tộc " của Xuân Diệu ) - Thơ ca Hồ Xuân Hương chỉ vẻn vẹn trong khoảng năm mươi bài, nhưng Bà vẫn được đánh giá thuộc mấy nhà thơ lớn nhất của Việt Nam. ).

        BÌNH LUẬN TIẾP VỀ THƠ PHẠM NGỌC THÁI 
        Vì "Tuyển thơ chọn lọc" là thi tuyển được tinh chọn trong suốt cuộc đời nhà thơ Phạm Ngọc Thái ! Cần phải được trình bầy, dẫn giải bằng cả một quyển sách mới mong sự thỏa đáng. Cho nên, trong một bài viết ngắn - Tôi chỉ xin tóm bắt một số khía cạnh có tính chất giới thiêu tác phẩm. Tổng hợp bài viết các tác giả trong đương đại từ chục năm qua, đã bình luận về thơ hay của anh ! Nêu lên những nhận thức riêng mình.
    " Tuyển thơ chọn lọc " Phạm Ngọc Thái là cả một thế giới thơ tự do hiện đại các loại: Từ thi pháp thơ hiện thực, đến tượng trưng, nhiều bài pha trộn màu sắc thơ siêu thực - Được thể hiện bằng một bút pháp tinh luyện, tạo nên vô vàn những áng thi ca giàu cảm xúc, huyền thẳm, sâu sắc.  

    Nhà bình luận văn học Nguyễn Đình Chúc, trong tiểu luận với nhan đề: PHẠM NGỌC THÁI CHÂN DUNG MỘT NHÀ THƠ TÌNH LỚN CỦA DÂN TỘC, đã viết:
    " Thi ca Phạm Ngọc Thái dù là thơ tình hay thơ đời, những bài đạt độ viên mãn về ý tưởng cũng như ngôn ngữ nghệ thuật và tính nhân văn là rất nhiều. Mức độ hay mỗi bài khác nhau, nhưng những tình thi đó đều cảm hóa được trái tim người yêu thơ. Về bút pháp nhiều bài thơ tình của anh được hòa trộn trong khuynh hướng của dòng thơ tượng trưng hiện đại châu Âu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Điển hình là thuyết " tương ứng cảm quan" của nhà thơ tương trưng bậc thấy ở Pháp Charles Baudelaire (1821 - 1867) lúc đó chủ xướng. ".
                                              (Trích Tập "Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại", xuất bản 2014.)

    Đặc biệt là thơ tình của anh, nhà văn Nguyễn Khôi viết:
     "...Thơ tình Phạm Ngọc Thái viết với một dung lượng lớn tới vài trăm bài....  Từ trữ tình kiểu Xuân Diệu đã vượt lên cái tượng trưng, siêu thực của Bích Khê... ".
   Hơn hai trăm bài thơ tự do hiện đại trong "Tuyển thơ chọn lọc" Phạm Ngọc Thái rất phong phú và đa sắc. Tôi chưa thấy có nhà thơ nào sáng tác được nhiều thơ tình hay đến thế ! Nếu thống kê thì phải có tới mấy chục bài đạt loại thơ tình thật hay, có khả năng sống trường tồn trong nền văn học nước nhà. Mỗi bài hay một vẻ nhưng đều có thể làm rung cảm trái tim đời !

      Những năm qua, các tác giả bình thơ đặc sắc và hay của anh, đăng trên các trang mạng Việt cũng nhiều. Sau đó được nhà thơ chọn lọc, cho xuất bản thành sách. Thí dụ:
    * Trong tập " Phạm Ngọc Thái chân dung nhà thơ lớn thời đại ", 2014 - Có cả thẩy 32 bài bình thơ hay và tiểu luận chân dung của 30 tác giả viết về anh.
    * Cuốn "Phạm Ngọc Thái cánh đại bàng của thi ca đương đại Việt Nam", Nxb Thanh niên 2019: có thêm 7 bài bình thơ và tiểu luận của 7 tác giả khác.
      Đến nay, tổng cộng có tới 39 tác giả là các nhà giáo, văn nghệ sĩ... với trên 40 bài viết về nhà thơ ! Còn không ít các bài thơ hay khác của anh được dư luận ca ngợi, chưa có người bình.

      Tôi đã đọc hầu hết các bài bình thơ ấy, qua các tập sách đã xuất bản của anh:
     * Cô giáo Nguyễn Thi Xuân dạy văn tại Trường THPT  Ba Đình, Hà Nội - Bình và đánh giá bài thơ "Anh vẫn về theo dòng lệ em tiếc nuối" hay vào hàng kiệt tác thơ tình! Cô giáo ví bài thơ của Phạm Ngọc Thái hay tựa như bài "Hai sắc hoa ti-gôn" của nữ sĩ TTKH. nổi tiếng trên thi đàn thơ Việt năm xưa.
     Khi "Tuyển thơ chọn lọc " ra đời - Nhà văn Nguyễn Khôi thì khen: "Phạm Ngọc Thái, nhà thơ tình số 1 Hà Thành" !
     Còn nhận thức của tôi: "Không chỉ riêng với Hà Thành - Phạm Ngọc Thái là nhà thơ tình số 1 của thi ca đương đại Việt Nam!".

(Còn tiếp)



READ MORE - ĐỜI VĂN CHƯƠNG PHẠM NGỌC THÁI & TẦM VÓC "TUYỂN THƠ CHỌN LỌC " - Nguyễn Thị Hoàng

CHẮC VÌ - Thơ Nhật Quang





CHẮC VÌ

Chắc gì
Em đã vô tâm?
Tại anh vội nghĩ…
Hiểu lầm đấy thôi
Tại anh tim cứ bồi hồi…
Thẩn thơ, thơ thẩn nên rồi ngẩn ngơ…

Chắc vì
Anh cứ mộng mơ…
Lời yêu  đắm đuối
Nên rồi đợi trông
Chắc gì em đã nhớ mong…?
Cũng vì anh cứ bận lòng nghĩ suy.

                          Nhật Quang


READ MORE - CHẮC VÌ - Thơ Nhật Quang