ĐỖ TƯ NGHĨA &
TẬP THƠ ĐỂ LẠI
Hồ Sĩ Khang
Những ngày này, trên facebook của một
“ông lão rất thân’’ 78 tuổi , tôi thấy xuất hiện nhiều bài thơ. Các bài này,
ông đã tự mình ngồi gõ lại trên máy tính. Tôi cũng đã phát hiện một lỗi chính tả
trong khi đọc, và kín đáo nhắc ông.
Đó là những bài thơ của em trai ông làm
cách đây lâu lắm rồi.
Trong tập thơ của người em, ông đã tự
mình lựa ra và lần lượt chép lại.
Hình ảnh một ông
lão cặm cụi gõ chữ như “mổ cò”, chậm chạp từng dòng một mới thấy thương cảm
làm sao!
Lần trước mỗi lần nhớ em, ông chỉ đăng
những tấm hình thôi.
Nhưng lần này, tự
nhiên thấy ông lần mò ngồi gõ lại. Tôi linh cảm một điều gì đó.
Và chăm chú xem mấy
câu thơ mở đầu:
“Có một đêm
Giữa mùa quỳ vàng
Đalat
Tôi thức giấc giữa
khuya sâu
Và bỗng nhiên
Tôi nghĩ đến cái
chết của mình…”
Tự nhiên khi đọc đến
đây, tôi nghẹn lại. Chung quanh tôi, không gian như chùng xuống. Có một cảm
giác rất lạ trong tôi.
Những bài thơ này, em trai ông: anh Đỗ
Tư Nghĩa sáng tác năm 1983, nhưng cũng có bài làm từ năm 1972.
Tôi cũng không nhớ đây là lần thứ mấy,
tôi đọc tập thơ này. Vì cứ mỗi lần đọc, tôi lại bị các câu chữ trong thơ anh
níu chặt tâm hồn.
Hương vị của Triết học phảng phất gần hết
tập thơ.
Cứ mỗi bài, tôi lại nhận ra một suy
nghiệm mới rất minh triết mà không phải tự nhiên ai cũng cảm nhận được trong đời
thường. Nó là kết tinh của những trải nghiệm và trí tuệ lắng sâu trong mỗi lần
nhắm mắt thiền niệm.
Người đọc ngoài việc được mở ra một tầm
trí huệ, còn được đánh thức trái tim đã lỡ để ngủ quên.
Tác giả đã nhìn thấu mọi khía cạnh các
sự việc trong đời.
Có lần tôi nghĩ về
những quả bong bóng với nhiều sắc màu cuốn hút trong bài thơ anh viết. Quả bóng
rồi sẽ đến lúc bị vỡ, nhà thơ đã ngộ ra những điều đơn giản sâu sắc nhất: tính
vô thường của vạn vật, câu kết thúc bài thơ, anh viết như một lời khuyên trong
kinh sách: hãy buông xả mọi ham muốn dục vọng trên đời.
“…Thôi đừng tiếc những
gì em sẽ mất
Em hãy biết mỉm cười
Khi bóng vỡ
Trên tay..”
Hôm nay, thấy “ông
lão “ ngồi chép thơ của người em, chép cả những lời vọng lại của bạn bè, người
thân.
Tôi lặng lẽ đi tìm
tập thơ …
****
Nỗi đau trong
tháng ngày tâm linh khủng hoảng đã vô tình giúp cho nhà thơ viết nên những câu
thơ xoáy sâu vào tận lòng người.
Đó là những bài
thơ anh phải trả giá bằng một sự đọa đày tâm hồn bị tổn thương rỉ máu. Vì có ai
biết rằng:
“ có khi viết xong một
bài thơ
hồn tôi như thân
cây trụi lá
đứng chơ vơ lạnh dưới
sương chiều
Có khi viết xong một bài thơ
tôi như người say
như người chết đuối
như bóng ma
trở lại dương trần…”
(Có khi viết xong một bài thơ).
Trong thơ anh,
luôn là một sự khắc khoải, ray rứt về cuộc đời, số phận và bao điều đang xảy
ra.
Với anh, tất cả đều
đáng được suy nghĩ.
Cứ tưởng những mẫu
chuyện, những hình ảnh ấy rất đỗi bình thường, nhưng rồi khi đọc thơ anh, ta mới
nhận ra đằng sau đó là một bài học triết lý cao cả.
Bài học ấy khuyên
ta buông bỏ các ham muốn trên đời.
Bài học ấy giúp ta
nhìn được nhưng lẫn khuất mà mắt người bị vùng u tối che mất. Bài học ấy có khi
nhắc một đôi tình nhân nhận ra những nụ hôn không còn mang hương vị tình yêu.
Bài học ấy cũng
bày cho ta biết phải làm gì khi một ngày trái tim “gõ nhầm một căn nhà kín cửa”,
và còn rất nhiều
bài học nữa…
Cứ mỗi bài thơ,
chúng ta lại được tỉnh thức và chiêm nghiệm lại cuộc đời…
* Một cây quỳ vàng
trên lối về giáo đường quen thuộc, chiều nay bị ai đó đốn ngã, anh chợt thấy đớn
đau, xót xa vì nhận ra cuộc đời “đâu cần cái đẹp”, đâu cần những “bông hoa
vàng vô dụng”. Chỉ anh mới có những cảm thức rất từ bi, khi nghĩ rằng một loài
cây cũng là một linh hồn cần được nói lời vĩnh biệt trước lúc chết.
(Vĩnh biệt cây hoa
quỳ vàng)
*Khi nhìn một người
con gái đi lấy chồng có mấy ai nghĩ: họ lấy chồng vì điều gì? Tự bản thân nhà
thơ đã trở thành một người “thống kê nguyên nhân” trong câu chuyện này. Và cái
bất ngờ là một kết quả:
“Đã có bao nàng con gái đi
lấy chồng
Vì đã chọn Tình Yêu”
(Có những nàng con
gái đi lấy chồng)
*Có một lần nhà
thơ ngồi uống cà phê trên dốc cao trước cổng chợ Đà Lạt, nhìn dòng người tất bật
ra vào chợ để mưu sinh, tất cả những khuôn mặt thể hiện sự căng thẳng của họ
trong cuộc sống. Tự nhiên anh chợt nghĩ: “Phải chăng đời chỉ có những bữa ăn.” Liệu có ai còn chút thời gian “để cười, để khóc, để lắng nghe tiếng đập trái
tim mình.” Vậy là bài thơ “Có ai đủ thời gian để sống” ra đời. Chỉ đơn giản vậy
thôi, mà cho đến hôm nay, tôi vẫn thấy bao nhiêu người còn lam lũ, gấp gáp cả
ngày đêm, kiếm tìm tiền bạc, cơm áo. Họ đã không kịp lắng nghe nhịp đập của
trái tim và quên luôn cả phần hồn của chính mình.
*Có bài thơ như là
một giai đoạn đắng cay cùng cực của anh. Nhà thơ phải đem bán những tác phẩm của
mình để có tiền ăn cho những ngày đang sống. Nhưng nhà thơ không bán được bài
thơ nào để mua nổi một ổ bánh mì.
Người đọc cảm thấy
sự chua xót cho những năm tháng ấy, khi nhà thơ thốt lên trong tuyệt vọng:
“Nhà thơ ơi
Thời vàng son của
anh đã mất
Như dấu chân trên
cát đã phai rồi”
(Nhà thơ và mẫu
bánh mì )
* Đôi mắt Đỗ Tư
Nghĩa không chỉ là một chiếc máy ảnh phản ánh lại y nguyên sự vật mà còn mang
ánh sáng đến cho những điều còn tăm tối. Đôi mắt ấy có khi như một tia chiếu
tiên tri số phận con người. Trong bài thơ “khi tôi nhìn một nàng con gái đẹp”,
anh đã có một câu kết thúc rất độc đáo. Câu kết thúc mà tất cả các người con
gái đẹp phải nhíu mày suy nghĩ: sắc đẹp hay tình yêu mới là hạnh phúc vĩnh viễn
trên đời .
“Hỡi nàng con gái đẹp
nụ hoa hồng bạc mệnh của trần gian
em biết chăng
dù trái tim em thiết
tha
em vẫn phải khổ
đau
vì khó gặp Tình
yêu
giữa cuộc đời này”
* Một lần nữa ta lại
thấy đôi mắt của nhà thơ thật sáng suốt, bao dung khi anh quan sát những giọt
nước mắt của nhiều con người. Với anh, nước mắt biểu hiện cho nhiều trạng thái:
có những giọt nước mắt tủi buồn, thất vọng và có những giọt nước mắt mừng vui,
hạnh phúc. Nhưng thật lạ khi anh nhận ra:
Nỗi sợ hãi lớn nhất
là khi con người biến thành vô cảm, khi không còn nước mắt để rơi.
“Tôi vẫn sợ hãi những giọt
nước mắt
của sự chết
của nỗi sầu
của những trái tim tan
vỡ.
Nhưng tôi càng sợ hãi
những đôi mi khô
những trái tim đá lạnh…”
50 bài trong tập
thơ là năm mươi trạng thái, khoảnh khắc, trải nghiệm .
Những buồn đau, cô
đơn và biến động cuộc sống;
Những hình ảnh,
câu chuyện, sự kiện đọng lại trong cuộc đời;
Những nơi anh từng
lang thang : ngôi chùa có chú tiểu chờ cửa trong đêm vắng, căn phòng người bạn
dưới chân cầu thang tối tăm…
Và còn rất nhiều
điều khác nữa…
Tất cả tạo nên một
thứ “nguyên liệu cảm xúc” được anh khắc họa một cách rất riêng, in dấu di chứng
tâm linh khủng hoảng của anh trong những ngày tháng ấy .
Tinh hoa của những
bài thơ đó là màu sắc cùa Phật giáo, của Triết học, của những suy niệm về cuộc
đời, và của một bề dày kiến thức uyên sâu.
Tôi là một hậu
sinh, một đứa em đọc thơ anh và chỉ viết lại những cảm nhận yêu thương về một
người mà tôi rất quý mến từ khi còn nhỏ.
Thơ anh là máu thịt,
là hơi thở của anh.
Vậy mà mỗi lần đọc
nó, tôi luôn nghe được nhịp đập trái tim mình.
*****
Nhưng chưa hết,
trong tập thơ có một điều gì đó cứ ám ảnh suy nghĩ của tôi.
Liệu có phải đây
là lời di ngôn viết sớm. Vì rất nhiều lần trong thơ, anh nhắc đến cái chết.
Những ngày gần
đây, dịch bệnh đã trở thành thảm họa, trên một trang facebook của một người
không quen, viết về những masoeur có tấm lòng từ tâm, đến các bệnh viện giúp
người bị nhiễm dịch, phụ việc cho các hộ lý, y tá , bác sĩ…Họ đã làm mọi thứ để
xoa dịu nỗi đau.
Nhưng có một công
việc tôi xúc động nhất là lúc họ lần chuỗi hạt Mân côi nguyện cầu cho những
sinh linh đang hấp hối giữa cô đơn tuyệt vọng.
Trong thơ anh, tôi
nghe như có tiếng người sắp sửa từ biệt cuộc sống, chờ được nghe lời kinh phó
tâm hồn.
“Ôi! một ngày ai khóc mộ ta
xanh?” (Bi Khúc IV)
Và còn một điểm nữa, đó là có nhiều loài
chim được nhắc trong thơ anh: có khi là chim họa mi hót trong đêm, khi là một
loài chim đứng co ro lặng im trong tuyết trắng, khi là một con chim “điên” hót
trên cành cây khô giữa buổi trưa nắng cháy, có khi chính là người nhạc sĩ thiên
tài Beethoven mà anh gọi là con chim họa mi vĩ đại…
Riêng anh ví mình
như con chim “hót một lần, trước khi vỡ cổ”. Đây là loài chim Thorn chỉ có
trong truyền thuyết. Nước Úc có bà văn sĩ dựa vào truyền thuyết này đặt tên cho
một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của mình: Tiếng chim hót trong bụi mận gai. (The
Thorn Birds).
Ta hãy lắng nghe lời
giã từ vĩnh biệt:
“Xin gởi lại cho Người
Tiếng hát của tôi
như một loài chim
hót lên một lần trước khi vỡ
cổ…
Này đây, những bài thơ
mai này tôi chết đi
xin gởi lại Tình Yêu
xin gởi lại Cuộc Đời”
Tôi nhìn tập
thơ: “Gởi tình yêu- Gởi cuộc đời” trên tay, những tờ giấy in trắng đen bắt đầu
úa màu. Tập thơ này do một người cháu đánh máy bằng vi tính, ấn loát đơn giản,
chân chất như chính tâm hồn anh. Nó chỉ dành để tặng người thân, bạn bè và được
tôi cất hơn 20 năm rồi.
“Gia tài sách” của
anh, tôi may mắn còn giữ nhiều. Đó phần lớn là những quyển sách nổi tiếng mà
anh đã dịch. Những quyển đó đã trở thành thương phẩm trên thị trường, được
trình bày và in ấn rất đẹp. Nhưng với tôi, tập thơ này mới là một kỷ vật xa xưa
tôi trân quý nhất.
Bỗng tôi chợt
nghĩ: tại sao không in lại tập thơ để lại này cho thật đẹp, để nhớ mãi “tiếng
hát” lẻ loi của anh rung ngân trên dòng sông tâm thức.
Trong giây phút ấy,
tôi liên tưởng hình ảnh một người đàn ông trên giường bệnh, nén cơn đau, ôm ấp
tập thơ vào lồng ngực, như đang lắng nghe hơi thở của chính mình…
Hồ Sĩ Khang