Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 23, 2018

CHÙM THƠ TẶNG BẠN THƠ - Lê Giao Văn

Ảnh: Tác giả (phải) và LTMK tại nhà LTMK, TP  Bà Rịa ngày 22.3.18.  


                 
Vài nét về tác giả:
                 
Tên thật: Văn Anh Tuấn. Quê: Duy An, Quảng Nam.                 
Hội viên sáng lập Hội thơ LAN ĐÌNH của báo Đại Đoàn Kết VN.  
Hội viên Chi hội VH-NT TP Bà Rịa, tỉnh BR-VT.
                 
Các tập thơ đã xuất bản: Sân ga ưu phiền (1970); Đường về kỷ niệm (NXB TRẺ-1999); Đồng vọng- tâp I ( NXB Thanh  Niên –2000- in chung); Đồng vọng- tập II (NXB Thanh Niên –2002- in chung); Cửa biển- Vâng trăng (Hội VH-NT  BR-VT - 2009- in chung); Chung một bóng quê ( NXB Thanh  Niên – 2010-  in chung)…
                
Liên hệ: 
NR: QL 51, Vạn Hạnh, TT Phú Mỹ, H Tân Thành, BR-VT.            DĐ: 0903933401.
                        

HẠNH NGỘ
          Tặng  Lê Thiên Minh Khoa  và  Bùi Quang Châu  

              
Tình mơ nâng cốc chúc mừng
Viễn du một trận trùng phùng sông Dinh               
Một thời dầm dãi phố tình
Ngàn chai cũng cạn gởi mình vào thơ 
                             Bà Rịa, 22.3.18   

       
LẠI TƯƠNG TỬU
                      Tặng Lê Thiên Minh Khoa

Không có gì để nói nữa
                        Khoa ơi!
Hơn ba mươi năm
                        té ra chung nhịp thở
Giấc mơ xưa
                        vẫn thấy như còn trẻ
Bởi vì ta
                        được uống rất tươi lời

                     
Bà Rịa, viết tại nhà LTMK- 22.3.18, sau chuyến hành hương ra Bắc trực chỉ vào.


NGUYÊN TIÊU GẶP BẠN
           Tặng Lê Thiên Minh Khoa và Bùi Quang Châu.  

           
Nguyên tiêu
               về gặp bạn đời
Chao ơi
               sung sướng một thời lưu vong          
Sông Dinh từ đục đến trong
Thời gian bụi phủ
               tấm lòng không phai
                                             
Bà Rịa, 15.01 năm Mậu Tuất, 2018.


GIAO CẢM
                      Tặng Lê Thiên Minh Khoa

      Lạc loài chim bỗng kêu vang
Đời treo cánh cụt chan chan hẹn hò
      Mái đời chưa dột nỗi lo
Tiễn nhau bước khách dặm dò phù sinh
      Cầm tay chưa phải đăng trình
Cầm tay để giữ giọt tình ...  đong be    
                                
("Đường về kỷ niệm" - Tập thơ LÊ GIAO VĂN- NXB TRẺ-1999.)

                                        LÊ GIAO VĂN
READ MORE - CHÙM THƠ TẶNG BẠN THƠ - Lê Giao Văn

ĐẠP XE LÁ - Ugno.Vn


                    Tác giả 
Ugno.Vn



ĐẠP XE LÁ

Xe lá là nông cụ người nông dân vùng Trị - Thiên sử dụng trong việc đưa nước vào ruộng. Đạp xe lá từ lâu đời đã trở thành một nếp quen của nghề nông và việc đồng áng nơi đây.
Gọi là xe lá vì  nước được kéo lên bằng những lá gầu mỏng, gắn kết mắt xích vào nhau, vận hành bằng động lực từ bàn chân đạp của người. Xe lá được đóng bằng loại gỗ tốt, dai và chắc. Thùng xe là một hình khối chữ nhật kín ván ba mặt, rỗng ruột, dài 7 thước ta (lọai xe 7) hay 6 thước ta (lọai xe 6) (1 thước ta dài 0,4 mét). Mặt dưới thùng xe là một tấm gỗ khá dày làm bệ đỡ. Hai tấm gỗ mỏng áp mặt sườn hai bên thùng chỉ cao ngang nửa các thanh gỗ sườn. Phần hở bên trên các thanh gỗ sườn kết khung lại, có thanh gỗ kèo ngang, gắn kết hai thanh sườn ở hai bên đối diện thành từng cặp song song. Một tấm ván mỏng, nhỏ gác trên các thanh kèo ngang làm ván trượt cho dây lá gầu. Lá gầu là một miếng gỗ hình chữ nhật, bề mặt vừa sít với tiết diện phần thùng xe kín 3 mặt gỗ. Lá gầu dày chừng hơn một phân tây, mặt dưới lá được bào mỏng dần từ giữa lá ra ngoài mép. Mép lá còn mỏng chỉ chừng 1 đến 2 ly. Phần dày nhỏ còn lại ở giữa, hình chữ nhật, đồng tâm với hình lá gầu, được khoét lỗ để gắn vào cái chốt lá gầu. Chốt này là một cây gỗ hình trụ vuông dài, phần trên cưa mỏng bớt để  vừa lỗ khoét giữa lá gầu, phần dưới giữ nguyên, chêm cứng để giữ lá gầu khi kéo nước lên. Chốt lá gầu đầu dưới khoét ngàm, đầu trên cưa mộng để khi kết lại, mộng chốt lá này kết vào ngàm chốt lá kia thành chuỗi. Ngàm và mộng có khoan lổ tròn để khi mộng vào ngàm, tra ngạc chốt lại để giữ. Mỗi tấm lá gầu  là một mắt xích trong chuỗi xích lá xe. Chiều dài chốt lá gầu được người thợ đóng xe tính toán kỹ để khi vòng xích lá xe ôm các thanh chống ở trục tiền và trục hậu, các thanh chống này chống vào đúng vị trí các ngàm lá gầu. Phần đầu thùng xe để trống, gọi là họng xe, là chỗ chuỗi lá xe lên đổ nước ra máng và vòng ngược, tiếp xúc với trục đạp (trục trước, trục tiền) để chuyển vòng xuống, lướt trên ván trượt. Phần cuối thùng xe là trục sau (trục hậu). Dây lá xe trượt xuống, ngàm đỡ vào chân chống trục sau, quay xuống múc nước, đổi chiều lên. Trục sau là một vòng xoay nan trái khế, 8 múi chống, gắn vào vị trí cố định cuối  thùng xe. Phần thùng xe có gỗ kín ba mặt, nơi sợi xích lá xe đi lên là ống nước do những lá gầu mang từ sông lên để đổ vào máng. Từ máng, nước chảy theo đường tàu dẫn vào ruộng. 

 

Người đạp xe lá  tác dụng sức vào trục trước để vận hành vòng quay chuỗi lá gầu. Trục trước bằng gỗ cứng, hình khối viên trụ, được đẽo, bào từ giữa ra hai đầu trục thành  hình ô van dài thuông thuổng, trên đó gắn hai bộ phận: Phần vồ đạp và phần trụ chống vòng xích lá xe. Trụ chống vòng xích lá xe là 8 thanh gỗ cứng cắm vào chính giữa trục trước, hình nan trái khế, có tác dụng chống vào các ngàm kết nối các mắt xích dây lá gầu xe khi nó đi qua đây để truyền lực làm quay vòng sợi xích. Đây là bộ phận truyền lực từ chân đạp đến quá trình vận hành vòng quay chuỗi lá gầu xe. Các thanh gỗ phải thật cứng và gắn thật chắc vào trục, lực mới được truyền chính xác, hiệu quả. Phần còn lại hai bên trục trước là 4 cặp trụ vồ, gắn 8 vồ đạp, vuông góc với trục, mỗi bên 2 cặp, 4 vồ. Mỗi cặp hai vồ đối diện được gắn  trên đầu cùng một trụ vồ xuyên qua trục. Vồ đạp là nơi nhận lực đạp của người đạp xe chọi vào. Nếu chỉ một người đạp xe, các trụ vồ chỉ được sử dụng một bên. Người đạp xe phải đạp cả hai cặp trụ vồ mỗi bên để trục trước đủ một vòng quay 360 độ. Nếu có hai người cùng đạp xe thì mỗi người một bên, chỉ đạp một cặp trụ vồ khác chiều với chân trụ vồ người kia, trục trước vẫn đủ vòng quay tròn. Vì vậy, một người đạp đã chậm lại vất vả, tốn nhiều sức. Chỉ những nhà thiếu người hoặc chân ruộng thấp, gần nước, dùng xe 6 mới đạp xe một người. Hai đầu trục trước có vòng đai sắt bịt niềng lại để tránh nứt, vỡ. Một thanh sắt tròn  được đóng gắn chặt vào giữa tim mỗi đầu tiết diện trục, có ngàm chắc chắn, tránh xốc xếch. Thanh sắt hai đầu trục dùng để kê trục vào cọc tre làm điểm tựa quay trục khi đạp. 

    

Viêc đặt xe vào vị trí đạp gọi là giá xe. Giá xe là việc làm trước tiên cho mỗi lần đạp. Giàn đạp đơn giản nhưng không thể thiếu những thứ cơ bản sau đây. Trước hết là bốn cây sào tre  đực cứng, cắm hình chữ X, buộc chặt thành hai vài song song, cách nhau chừng khoảng hơn chiều dài  trục xe trước. Hai cọc tre đực ngắn khác, có mắt tre cứng, vót chừa mắt chìa ra ở phần trên. Hai cọc tre này được đóng chắc xuống đất, mỗi cọc buộc cứng vào một một cây sào tre đã cắm chữ X làm vài. Việc này vừa làm vững chắc giàn đạp vừa là tạo chỗ để kê trục trước vào hai mố mắt tre làm điểm tựa quay trục. Một ống tre lớn làm đòn, gác ngang giữa hai vài chữ X. Đây là chỗ ngồi của người đạp xe. Phải tính toán chiều cao nút buộc hai vài sào tre chữ X vừa đủ để từ chỗ ngồi này, chân đạp của người đạp chọi vào vồ xe  vừa thoải mái, thuận tiện, không phí sức cố gắng. Trước bụng người đạp xe là hai thanh kẹp như chiếc đòn gánh mỏng treo ép vào giá chữ X. Thanh dưới ngang bụng, chặn người đạp xe khỏi tụt xuống khi đạp. Thanh trên để người đạp xe tì dựa tay. Trời nắng thì phải có thêm cái dù xe. Dù xe là một tấm gót vuông vắn chừng bằng tấm chiếu, gắn vào khung dù. Dù dựng cao, che hướng nắng chiếu vào người đạp xe. Khung dù có một ống tre tròn, dài hơn một lóng tre, chừa mắt một đầu, một đầu cưa trống. Phần trên đầu có mắt lóng, đục hai lỗ tròn để luồn vào hai thanh tre vuông góc làm khung gắn tấm gót làm dù. Phần trống dưới lóng tre là chỗ cây sào cắm vào để đưa dù lên cao. Theo hướng ánh nắng, độ nghiệng cây dù được điều chỉnh mãi để người đạp xe luôn luôn được dù che bóng. Gió lất phất, cánh dù chao đảo. Người đạp xe, kẻ hò ống thả âm loang ánh nắng  trưa, người lim dim đôi mắt mơ màng. Lá gầu xe lách cách trên ván trượt xuống, gặp trục hậu đỡ ngàm, quay đầu phập phập múc nước rồi đổi chiều, kẽo kẹt kéo ống nước lên. Nước đổ ra trắng xóa trước họng xe. Nước lên ào ào đầy máng, chảy ra đường tàu lai láng. Vài con cá con lơ đểnh ngao du, bị gầu xe kéo lên theo ống nước, hốt hoảng phóng theo dòng nước trong ngần vào ruộng lúa tươi xanh chờn vờn như sóng lượn theo từng cơn gió thoảng qua. Nông thốn đó! 
Giá xe là việc quen tay mới làm được. Phải tính sao đặt xe xuống là phần cuối thùng xe chìm vào nước vừa đủ để lá gầu múc đầy nước. Không sâu quá, đạp nặng. Không cạn quá, thiếu nước. Phần họng xe kê vừa vào máng để nước ra không hao, không chảy lui. Trục trước và thùng xe khoảng cách thế nào để vòng xích lá xe không căng quá hay dùn quá. Đặt xe thế nào để vòng quay khỏi lẹm, lá gầu cọ vào một bên thùng xe, đạp nặng, còn dễ làm vỡ lá gầu. Vòng dây gầu 32 lá (loại xe 7) hay 28 lá (loại xe 6), nhưng mỗi lần đi đạp phải mang theo dự phòng vài lá để thay những lá gầu bị vỡ giữa chừng. Việc này ít xảy ra nhưng giá xe vụng thì cũng dễ mắc phải
Ở những cánh đồng lớn, ruộng nhiều đám, nhiều chủ, các chủ ruộng chung xe, chung người cùng đạp. Máng nước trước các họng xe nhận nước chung từ các xe đổ vào để chảy ra cùng một đường tàu vào ruộng. Tùy ruộng cao hay thấp so với mặt sông, mặt hói mà có một, hai hay ba đợt xe (tầng, bậc, thớt). Xe đợt dưới đổ nước vào máng giữa. Xe đợt giữa múc nước từ máng này đổ lên máng trên. Xe  đợt trên múc nước từ máng trên này chuyển lên máng trên cùng… để ra đường tàu, chảy vào ruộng. Đạp xe lá ngược chiều chân với việc đi xe đạp. Người đi xe đạp ấn chân vào bàn đạp (pédale) về phía trước để quay xích kéo bánh xe. Người đạp xe lá chọi đầu mấy ngón chân vào vồ đạp về phía sau để kéo dây lá xe mang nước từ sông lên đổ vào máng. Chân này thả vồ dưới thì chân kia chọi bắt vồ trên. Động tác này rất nhanh mỏi chân. Không  quen thì chỉ vài chục chọi là chân cứng đơ, trái chân đau điếng, không sao tiếp tục được nữa. Thế mà người quen đạp ngồi hàng giờ, chân đạp, miệng hò nghêu ngao, mắt liếc quanh nhìn mấy o thôn nữ trên đê, hò lơ chọc nghẹo:
-  Đạp xe nước chảy qua đồng
Hỏi thăm o nớ có chồng hay chưa ?
Gặp o này cũng không phải tay vừa, đáp ngay:
- Có chồng năm xửa năm xưa
Năm ni chồng bỏ như chưa có chồng.
O chẳng chịu thua, còn thách lại:
- Em nghe anh làm ruộng đã lâu. Hỏi anh chiếc xe anh đạp nước hai trục, dây gầu mấy lá. Lá mô chạy đầu  anh ơi?
- Trên chống trục tiền, dưới đỡ trục hậu, chính giữa dây lá xe gầu. Xe anh đạp ba mươi hai lá. Lá mô em nghiêng mình chốt ngạc là lá xe đầu  em ơi.
O kia đỏ mặt, ngúng nguẩy vài tiếng :“Đồ dị hợm!” nhưng rồi cũng lẹ làng xuống máng nước trước xe, bụm hai lòng bàn tay, cúi mình tát mạnh những vốc nước vào các vồ xe, cười khanh khách. O lại còn tát vổng lên vài vốc, ướt cả người mấy chàng. Mấy chàng đạp xe mát chân, ướt vồ dễ đạp, hô hố cười theo. Hò đối đáp nhau là vậy, nhưng anh chị, ai cũng biết lá gầu xe khi đã tra ngàm, chốt ngạc dính chặt nhau rồi thì làm gì có lá đầu, lá cuối; lá này tiếp lá kia, lá nào cũng như nhau thôi. Nông thôn không có lời cám ơn, chỉ có “bà lơn” chọc ghẹo rồi nhìn nhau cười mà cũng có khi nên chuyện.
Đồng ruộng làng mênh mông được thiết kế chia theo từng đạt cùng độ cao. Mỗi đạt có nhiều thửa ruộng ngăn nhau bằng những dường ruộng nhỏ. Dài theo mỗi đạt là bờ đạt rộng hơn, có đường tàu men theo để dẫn nước vào từng thửa. Trâu làng đã quen bờ đạt chỉ ăn cỏ, không ăn vụng  lá lúa. Mỗi khi chú trâu ngỏng đầu  nhai cỏ, mắt nhìn vào đám ruộng xanh rì những đọt lúa non thèm thuồng thì chú bé ngồi trên lưng trâu chỉ “khịt, khịt” vài tiếng là trâu lại cúi đầu ngoan ngoãn bứt cỏ rào rào. Nắng to, gió nam nhiều, lúa xanh tốt thì nước cũng mau khô. Cách ngày phải đạp lại. Trời ít nắng thì cũng cách hai ngày. Mùa trái (vụ chiêm) ngắn ngày, chỉ non 3 tháng từ tháng Năm đến tháng Bảy Âm lịch. Đây là thời kỳ nắng hạn cao điểm. Nếu không có mưa rào thì vụ này cũng mấy chục lần đạp nuớc. Khi lúa đã ngậm sữa đến vàng bông, phải hãm nước từ từ để đến khi gặt, đất ruộng khô nước, cứng  chân. Mùa trái vất vả hơn mùa mùa từ việc đạp nước, bón phân, nhổ cỏ nhưng bù lại năng suất lúa gấp đôi, gấp ba vụ mùa. Đây là vụ chính của nông thôn Trị - Thiên ngày ấy. Những giống lúa chùm, hẻo trắng, hẻo rằn, nếp đinh, nếp cái một thời đã là những thứ“gạo ruộng” đặc trưng của vùng đồng quê miền Trung ấy. Chỉ lo những năm lụt sớm “Tháng bảy nước nhảy lên bờ” thì lúa phải gặt non, đã vất vả lại hao hụt nhiều.
Xe lá đạp nước ít thấy ở những nơi khác và không xuất hiện nhiều trong văn chương như hình ảnh gàu dai, gàu sòng tát nước. Trong tư liệu hình ảnh Bác Hồ, có hình Bác về thăm một vùng lúa và ngồi trên một giàn xe đạp nước. Người viết bài này không biết đó là vùng quê nào nhưng nghĩ đó là một tư liệu quí trong bảo tàng sản xuất nông nghiệp trồng lúa. Hình ảnh “Hỡi cô tát nước bên đàng. Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” thi vị hóa cảnh tát nước đêm trăng ở nông thôn. Đạp xe lá dưới trăng cũng là hình ảnh thường gặp ở nông thôn miền Trị - Thiên. Có những chân ruộng gần nước, cạnh bến sông, bên đường xóm, một đôi vợ chồng tranh thủ đạp nước đêm cho ruộng nhà. Mát trời, tình tứ dưới nước trên trăng, thỉnh thoảng vang lên vài điệu hò quê hương thoảng theo làn gió nhẹ… Cảnh quê hương thanh bình ấy dù còn hay mất vẫn ghi mãi dấu ấn trong lòng người quê đi xa để nhớ về.
Từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, máy nước, máy gạo (máy xay xác) về làng, tiếp đến là máy cày,… mở đầu cho quá trình cơ giới hóa nông nghiệp. Người nông dân nơi đây dần dần thay đổi phương thức canh tác. Sinh hoạt vùng nông thôn nông nghiệp cũng thay đổi theo. Cái xe đạp nước, cái giần, cái sàng, cái xay, cái cối, cái cày, cái bừa, con trâu… trở nên xa  lạ với người dân. Chỉ mới hơn 50 năm mà thế hệ người nông dân mới ngày nay, có người không biết gì về những nông cụ, công cụ lao động đó. Chiến tranh tàn phá, muốn kiếm lại một vài hiện vật nguyên vẹn cho công tác bảo tàng, chắc cũng không phải dễ dàng.

                                                                         Ugno.Vn

READ MORE - ĐẠP XE LÁ - Ugno.Vn