Nói đến SỨA nhiều người biết, nhưng NUỐT thì chỉ người dân Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh biết thôi.
SỨA và NUỐT đều là những sinh vật biển nhuyễn thể, không xương cùng họ, nhưng có khác nhau về kích thước và vùng sinh sống. Nhiều người cho rằng SỨA và NUỐT đều là một.
Sứa là một loài động vật nhuyễn thể, không xương, dạng hình dù, thân mềm, xung quanh có nhiều xúc tu dùng để bắt mồi. Trên xúc tua của sứa có chứa chất độc có thể gây ngứa, thậm chí là bỏng da. Khi di chuyển, chúng co bóp dù rồi từ từ đẩy nước ra khỏi lỗ miệng và tiến về phía ngược lại. Sứa sở hữu cơ thể trong suốt, đặc biệt chứa tới 98% cơ thể là nước, thích nghi nhiều nhất ở các vùng biển nhiệt đới trong đó có biển Việt Nam.
Bên trong cơ thể của sứa chiếm tới 95% là nước và 5% còn lại là protein cấu trúc, tế bào thần kinh và cơ. Vì vậy nhiều người còn gọi sứa là loài thạch thật.
Kích thước của loài sứa có thể thay đổi, tuỳ vào mỗi con có con chỉ lớn hơn ngón tay cái nhưng có con lại dài lên tới 3 mét.
Một hệ thống thần kinh cơ bản, hay mạng lưới thần kinh, cho phép sứa ngửi, phát hiện ánh sáng và phản ứng với các kích thích khác. Khoang tiêu hóa đơn giản của sứa hoạt động như cả dạ dày và ruột của nó, với một lỗ mở cho cả miệng và hậu môn.
Mùa hè là mùa sứa, nuốt nổi. Từng thảm sứa di động trên mặt biển trông như vườn hoa sặc sỡ. Sứa, nuốt không có mắt, không có vây, không có tai, không có đuôi và cũng không có xương... Người đi biển gặp thảm sứa thì lấy dây buộc lại và dùng thuyền máy kéo lôi vào bờ. Sứa sẽ được đưa lên bãi cát.
B. NUỐT
1. CON NUỐT:
“Con Nuốt thương nhớ ngàn khơi.
Con chim nhớ tổ, con người nhớ tông”(Thơ Mường Mán)
Con nuốt là con vật không có mắt, tai, không có xương, có màu trắng trong, phơn phớt xanh. Nuốt có hai phần, nuốt tai và nuốt chân; nuốt tai giòn mềm, nuốt chân giòn tan, nhai sần sật rất khoái khẩu. Món Nuốt đã từ lâu được dân Huế, Quảng Trị, nói đúng hơn là dân miền Trung rất ứa chuộng. Ăn Nuốt ngon miệng và mát cho cơ thể. Tuy nhiên để có món nuốt ngon thì cũng lắm công phu.
Nuốt mua về phải được rửa thật sạch vì có nhiều cát bám quanh con nuốt. Nuốt rửa xong thì ngâm với lá ổi ít nhất một giờ vì ngâm lâu nuốt sẽ săn và giòn hơn. Sau đó trộn với rau má, chuối chát (chuối hột), trái vả, hay thân chuối thái mỏng, ăn kèm với rau ngò tây, rau thơm, ngoài ra còn thêm nhiều loại rau khác tùy theo khẩu vị của từng người. Món nuốt này hợp với cay, chát, đắng và mặn.
2. BÚN GIẤM NUỐT
Đặc sắc nhất là giấm nuốt – Nuốt chân mua về ngâm trong nước lạnh và lá ổi để tạo độ giòn. Lúc gần ăn, vớt ra để ráo, càng ráo càng ngon.
Món ăn cần nêm nấu công phu, bày biện tỉ mỉ: người ta chuẩn bị nuốt, tôm, cua đều tươi, thịt ba chỉ, cá bống thệ, đậu phộng, bánh tráng, rau sống...; sau đó, ngâm nuốt với nước lá ổi, lá sung để tạo độ giòn cho nuốt, lúc sắp ăn vớt nuốt ra để ráo nước, càng ráo con nuốt càng giòn; tiếp theo, người ta sẽ tiến hành bóc vỏ tôm (nếu được tôm rằn càng ngon và đẹp), sau đó ướp tôm với hành, tiêu, mắm, muối rồi om tôm đã được ướp gia vị với dầu ăn riu riu lửa cho thấm, khoảng ít phút sau là có được món tôm kho vàng ươm, thơm lừng. Nồi nước dùng nêm thêm ruốc, pha nước nhiều - ít tùy vào số lượng người ăn và khẩu vị của thực khách; lúc nước sôi sẽ cho cà chua nhưng phải là cà chua bi mới đúng hiệu; để nồi nước lèo thêm ngon ngọt, có màu hấp dẫn, người ta sẽ cho thêm gạch cua để làm riêu cua, đơn giản hơn có thể lấy trứng gà đánh tan đều cả lòng trắng và đỏ, bỏ vào nồi nhỏ lửa cũng sẽ có được những làn vân đẹp như riêu cua (tất nhiên hương vị và mùi thơm cua - trứng có khác nhau).
Giấm nuốt rất cần đến rau sống, bao gồm: bắp chuối sứ xắt mỏng trộn với kinh giới, rau thơm, ngò, giá sống là đủ bộ; phụ gia có thêm đậu phộng rang đãi sạch vỏ, giã dập vừa, bánh tráng gạo nướng chín có vị giòn, mùi thơm; muốn thêm vị đậm đà, phải có nước lèo nấu với gan heo, mè đậu và nếu làm đúng theo bài bản, cần có canh cá bống thệ nấu với thơm hay cà chua.
Món bún giấm nuốt khi ăn, bỏ vào tô mỗi thứ một ít, trước hết bỏ một ít bún vào tô, sắp trên mặt bún rau sống, nuốt, tôm kho, thịt ba chỉ, cá bống thệ, đậu phộng, bánh tráng bóp vụn, chan thêm ít nước dùng, muỗng nước lèo, tí tương ớt... trộn đều, ăn nóng rất ngon. Món ăn này thường được dùng vào buổi trưa hè hay chiều hạ, rất mát dạ.
Thưởng thức vị ngon này, người ăn hẳn phải trầm trồ khen ngợi, dẫu vậy lòng cũng không khỏi băn khoăn: món ăn không có mùi giấm tại sao gọi là GIẤM NUỐT; phải chăng do vị chua tỏa ra từ cà chua, thơm nên gọi là giấm để thi vị hóa món ăn. Chừng ấy điều tưởng chừng bình thường thôi, thế mà tô bún giấm nuốt đã là món ăn đặc sản Huế, Quảng Trị với đầy đủ hương vị cuộc đời: ngọt của tôm, cay của ớt, chua của cà chua, bùi của đậu phộng, mát giòn của nuốt.
Món bún giấm nuốt ngon nhờ vào phần nước lèo. Phần nước này được làm nên từ những con tôm tươi nhảy tanh tách, bóc vỏ, bỏ đầu, chừa đuôi cho đẹp mắt. Nêm nếm đầy đủ gia vị cho thấm. Thịt ba rọi cắt miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị. Phi dầu với hành cho thơm, gia thêm tí ớt bột, xào thấm tôm thịt. Riu riu trong lửa nhỏ chừng 10 phút cho tôm thịt thấm rồi châm thêm nước dùng xăm xắp. Nêm nước dùng hơi thấm tháp rồi cho cà chua bi vào, sôi vài dạo tắt bếp. Màu cam từ gạch tôm hòa với màu đỏ của cà chua tạo nên một hỗn hợp nước lèo sanh sánh, thấm thía rất riêng.
Rau sống ăn kèm gồm một vài loại rau thơm và đặc biệt phải có bắp chuối sứ trắng bào nhuyễn. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị thêm đậu phụng rang vàng giã dập, bánh tráng mè nướng, mắm ruốc nêm nếm cho bớt mặn, thêm vài trái ớt xanh mới thật đúng điệu. Món bún ấm nóng, thơm nồng mùi rau thơm, ngọt đậm đà của nước lèo tôm tươi hòa quyện cái beo béo của bánh tránh, đậu phụng, đặc biệt vị ngọt giòn tan của những con nuốt sần sật trong miệng hứa hẹn sẽ là món khó quên.
Mùi rau thơm nhè nhẹ, nước sốt ngọt đậm đà của hương vị tôm tươi hòa quyện. Hương vị nuốt chân sần sật ăn cùng bánh tráng giòn tan, vừa kích thích vị giác vừa mang lại những trải nghiệm ẩm thực vô cùng mới mẻ với đầy đủ hương vị cuộc đời: ngọt của tôm, cay của ớt, chua của cà chua, bùi của đậu phộng, mát giòn của nuốt.
Món nuốt ngon phải có nước chấm ngon. Nước chấm thường làm từ nước mắm nhĩ, pha thêm ớt, tỏi, tiêu, gừng. Cũng có thể chấm Nuốt với mắm ruốc. Mắm ruốc ăn với nuốt tùy theo độ ăn cay của bạn mà cho thêm tỏi, ớt, chanh hay thêm tí bột ngọt.
Mùa hè được ăn món nuốt Huế, Quảng Trị vừa mát vừa giòn vừa cay cay, thơm thơm, quả thật là thú vị. Bạn nào có dịp ghé đến Huế, Quảng Trị vào mùa hè, nhớ bắng mọi cách thưởng thức cho được món nuốt nhé. Chắc chắn sẽ ngon lại tốt cho sức khỏe nữa.
C. BÚN SỨA VÀ CÁC MÓN ĂN CHẾ BIẾN TỪ SỨA.
Bún sứa là món ăn không thể thiếu và là món ăn đặc sản vùng đất Miền Trung từ Phan Thiết trở ra. Nhiều địa phương nổi tiếng với món ăn này như: Bình Định, Phan Rang – Ninh Thuận, Ninh Hòa – Khánh Hòa.
Rau:
Món bún sứa phải ăn với rau sống đủ loại, như xà lách, giá, rau thơm... thái nhỏ, bên cạnh là các hũ ớt màu, ớt hiểm, chanh...
Nước lèo:
Ngoài ra, để chế biến món bún sứa ngon thì việc chọn sứa thì một phần rất quan trọng khác nữa cũng quyết định tới món ăn chính là nước lèo. Nồi nước bún sứa ngon là nồi nước được hầm xương lợn cho thật nhừ. Dùng chảo đun dầu cho nóng vừa rồi đổ vào đó tôm tươi và cà chua (đã bỏ hột) băm nhỏ, sẽ có một thứ nước sệt màu vàng ánh dầu, sau đó đổ tất cả vào nồi nước dùng.
Bún sứa phải ăn nóng mới ngon. Ở các tiệm, bún đã được chần nước sôi, bỏ vào bát; được xếp lên trên mặt một lớp sứa, nước dùng được chan lên nóng hổi. Khi ăn, bỏ rau sống và giá vào tô, thêm một tí ớt dầu cho thật cay, cắn thêm một trái ớt hiểm thì càng ngon.
2. CÁC MÓN ĂN CHẾ BIẾN TỪ SỨA:
1. Gỏi sứa hành tây.2. Sứa xào cần tây3. Gỏi sứa xoài xanh4. Gỏi sứa tai heo5. Gỏi sứa hoa chuối6. Gỏi sứa dưa hấu7. Gỏi sứa dưa chuột (dưa leo)8. Gỏi sứa đu đủ9. Gỏi sứa đỏ10. Gỏi sứa ngó sen11. Sứa xào sả ớt12. Sứa xào sa tế
Quý bạn có dịp ghé về vùng biển miền Trung thưởng thức các món ăn chế biến từ SỨA, NUỐT nhé ! Chúc ngon miệng
*
THAM KHẢO:
Quách Tấn – Xứ Trầm Hương – Nhà xuất bản Khánh Hòa
Món Nuốt Quảng Trị - Đồng Hương Quảng Trị.
Các trang web viết về SỨA và NUỐT trên mạng