Bài tới
THÚ CHƠI DÂN GIAN TẾT TRỊ THIÊN
Tạp văn của Ugno.Vn
Tết nông thôn
Trị-Thiên thực sự đến chỉ từ chiều 30, khi bữa
cơm cúng dọn từ bàn thờ bưng trải ra mâm, cả nhà quây quần trên chiếu phản
trong khi bên ngoài trời chuyển màu dần sang tối. Đó là bữa cơm cúng mời tổ tiên
và táo quân, thổ địa trở về nhà ăn Tết. Những ngày giáp Tết công việc đồng áng
bề bộn, có nhiều nhà tuy đã dựng con nêu và tiễn đưa ông táo về trời từ ngày 23
tháng Chạp, nhưng không khí xuân chỉ thực sự hiện diện trong mỗi gia đình từ
chiều nay, sau bữa cơm chiều thịnh soạn, bàn thờ hương chong, đèn rạng, cả nhà
tất bật chuẩn bị cộ cúng giao thừa đón chào năm mới.
Sáng mồng một
mở đầu năm mới, mỗi gia đình chọn người tuổi tốt xuống giường đạp đất đầu năm. Ngoài những
nghi lễ ngày Tết gia đình thường bắt đầu từ mỗi buổi sáng gồm cúng bái tổ tiên,
mừng tuổi cha mẹ, người thân, thăm viếng họ hàng, xóm giềng, chúc mừng con
cháu,… người dân nông thôn còn dành nhiều thời gian tham gia nhiều trò chơi dân
dã mua vui, cầu mong vận may, điều tốt đẹp cho cả năm.
Trong khuôn
khổ bài viết này, tôi xin giới thiệu một vài thú chơi dân gian Tết Trị-Thiên
cách đây chừng 50 – 60 năm trước.
1.
CHƠI BÀI TỚI
Bài tới thóat
thai từ cổ bài lá tổ tôm. Đánh tổ tôm, đánh chắn, đánh tài bàn đều sử dụng cổ
bài lá tổ tôm nhưng khác nhau về cách chơi . Đánh tổ tôm rất khó, chỉ dành cho
các cụ thâm nho. Đánh chắn, tài bàn tuy qui luật ít nghiêm ngặt hơn nhưng giới
bình dân khó lĩnh hội, nhất là phụ nữ và lớp thanh niên nông thôn. Ca dao xưa
đã có câu về thú chơi tổ tôm như là một
cách thể hiện trình độ và phong cách của bậc kẻ sỹ nho gia:
Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống chè Mạn Hảo xem Nôm Thúy Kiều.
Bài tới là
một phát kiến sáng tạo từ các quân bài
tổ tôm gồm ba pho: pho Văn, pho Vạn, pho Sách, mỗi pho 10 quân bài. Tuy tuân
thủ kết cấu 3 pho của tổ tôm nhưng tên gọi và hình ảnh các con bài tới có thay
đổi. Trong khi tổ tôm gọi tên các con bài theo thứ tự các pho như nhị văn, tam
vạn, ngũ sách, cửu sách… thì bài tới gọi tên các con bài tương ứng là con
trường hai, con quăng, con dày, con gối…
Chơi bài tới
không rườm rà, dễ tập, phù hợp điều kiện nông thôn nông nghiệp, đáp ứng được
nhu cầu giải trí bình dân nên phổ biến
rộng rãi.
Bảng sau đây
đối chiếu 30 quân bài của tổ tôm và bài tới:
Tên
con bài/ Pho
|
Pho
Văn
|
Pho
Vạn
|
Pho
Sách
|
Nhất
|
Bạch tuyết
|
Trò
|
Nọc đượng
|
Nhị
|
Trường hai
|
Đấu
|
Nghèo
|
Tam
|
Trường ba
|
Quăng
|
Gà
|
Tứ
|
Voi
|
Cẳng (Hương)
|
Gióng
|
Ngũ
|
Rốn
|
Ngủ
|
Dày
|
Lục
|
Sáu tiền
|
Chuôm (Xơ)
|
Sáu nút (Sáu hột)
|
Thất
|
Liễu
|
Nhọn
|
Sưa
|
Bát
|
Tám tiền
|
Bồng
|
Tám dây (Tám hột)
|
Cửu
|
Xe
|
Thầy
|
Gối
|
Ba con cặp yêu
|
Ầm
|
Tử
|
Mỏ
|
Con bài tới
làm bằng giấy bồi, có hình chữ nhật đứng 2 x 8,5 phân. Mặt trước là hình con
bài, mặt sau đều một màu xanh hoặc đỏ, đỏ cam. Lá bài tới in bằng bản khắc mộc,
được cho là tốt khi giấy in bài cứng vừa phải; mặt trước con bài in hình rõ
nét, mặt sau đều màu, không có dấu dễ lộ bài; bộ bài chơi nhiều lần được xoa
xáo trộn trên chiếu không bung góc, không nhàu, khộng đổ xơ. Khỏang giữa thế kỷ
trước, khi còn là thiếu niên, đi học về
tôi phụ cô tôi bán tạp hóa ở chợ Đông Ba. Những tháng cận Tết, quán nhận tranh ảnh thờ của người
làng Sình hay giấy tiền vàng mã của thím Hoài, một người Tàu ở đường Gia Hội,
gần chùa Ông để bán, tôi thường
thấy có thêm các bộ bài tới. Hình ảnh
con bài sắp xếp theo hệ thống của 3 pho.
Pho Văn tượng hình bằng những vòng tròn
như bánh xe và nửa đồng tiền đồng. Pho Vạn vẽ hình người bằng những nét kẽ gần
như trường phái hội họa tượng trưng ngày nay. Pho Sách vẽ các nút hình tròn nhỏ
liên kết nhau, giữa các vòng tròn có một chấm đen. Phía trên các con bài đều có
hàng chữ nho ghi tên con bài như của tổ tôm (tứ văn, thất văn, thất vạn, ngũ
sách…). Về sau, hàng chữ này được thay thế bằng chữ quốc ngữ, ghi tên con bài
theo tên của bài tới (voi, liễu, nhọn, dày…).Người chơi bài tới không mấy quan
tâm đến các chữ này. Họ chỉ nhận diện con bài qua hình vẽ. Khó nhất là trong
pho vạn, hình nào cũng na ná như nhau, chỉ
có vài tiểu tiết nhỏ để phân biệt. Người mới chơi khó phân biệt con
cẳng, con ngủ, con đấu, con chuôm…nếu không chú ý con cẳng mặt nghiêng, phía
dưới có 4 đường sóng, con ngủ trọc đầu, con đấu như con ngủ nhưng đỉnh đầu đội
một ô như cái đấu, con chuôm thì phía trên đầu có một mảng gạch chéo như chuôm…
Một hội bài
tới dùng 2 lần bộ bài (60 con), chia làm hai phe, mỗi phe 30 con. Sòng bài tới
phải có đủ 6 người, mỗi phe 3 người ngồi một bên chiếu. Giữa hai phe là ngọn
đèn dầu làm ranh giới. Hai phe cách biệt nhau và giữ bí mật các quân bài mỗi
người cầm trên tay. Trong cùng một phe, 3 người có thể nhìn bài nhau để bàn
luận con bài đánh ra nhưng không được trao đổi bài cho nhau. Trước một ván bài,
mỗi phe lật sấp 30 con bài đều trên chiếu, xoa xáo trộn để mỗi người bốc ngẫu
nhiên 10 con bài cho tay mình. Người vừa tới ván trước ra một con bài đi chợ
cho phe bên kia. Ở phe kia, người có giữ con bài đó ra tiếp một con bài khác
trả lại cho phe đối phương. Cả hai con bài đều được vất ngữa xuống chiếu để đối
phương kiểm tra. Cứ thế, giữa hai phe lần lượt nhận bài, ra bài. Người nào nhẹ
tay đi hết 4 cặp bài sớm, còn hai con cuối thì chực. Nếu phe kia đi một con bài
trúng với một trong hai con bài chực, thì được tới. Những con bài đã đi đều
được lật ngữa và giữ ở chiếu của mỗi phe, không lẫn lộn với phe bên kia.
Cách chung
tiền thắng cho người tới bài tùy thuộc lệ giao trước khi chơi. Lệ được dùng
nhiều nhất là trước khi vào một hội, cả 6 tay chơi đều chung tiền để dưới đế
đèn. Hễ ai tới thì được ăn một ván, lấy một phần tiền chung. Khi người tới bài
ăn hết 6 phần tiền chung thì hết hội, phải chung tiền để đánh hội khác. Có
những hội bài sặc mùi ăn thua thì lệ qui
định người tới lấy hết tiền chung và các tay chơi phải đậu lại hội mới. Có sòng
bài theo lệ chia làm hai phe, người tới bài
được 3 tay bài phe kia chung tiền. Cách chung tiền kiểu này buộc các tay
bài cùng phe phải liên kết tính tóan để người phe mình được tới. Ở phe thắng,
dù chỉ một người được nhận tiền chung của 3 người phe kia, nhưng hai người
trong phe khỏi phải mất tiền. Chung tiền theo phe khiến sòng bài tới hấp dẫn
hơn nhưng cũng dễ sinh ra gian dối khi các tay bài cùng phe lén đổi bài cho
nhau để giành tới về phe mình.
Trong bộ bài
tới có 3 con cặp yêu của ba pho không được chực. Đó là con ầm, con tử, con mỏ.
Các con bài này đếu có kí hiệu màu đỏ nên được gọi là bài đỏ. Con ầm tô đỏ cả
con bài. Con tử, con mỏ chỉ có một vòng
tròn đỏ đóng phần trên hình vẽ. Người chơi bài tới thích bắt được các con bài
này vì nó dễ đi nhưng không tính tóan kỹ thì đôi khi bị đền. Đó là trường
hợp một tay bài chỉ còn lại 4 con bài
trên tay, trong đó có 2 con bài đỏ. Nếu phe bên kia đi trúng một con bài đỏ thì
tay bài này đi trả con bài đỏ thứ hai,
trên tay còn hai con bài đen để chực. Nếu không may, phe kia đi trúng một con
bài đen, thì tay bài này chỉ đi được một con bài đỏ và trên tay còn lại một con
bài đỏ (trong 2 con chực cuối cùng) và thế nào phe đối phương cũng đi con bài
đỏ này. Thế là tay bài ấy bị tới thối, không được ăn tiền còn phải phạt, chung
tiền một suất theo lệ chung tiền cho tay bài phe bên kia phát con bài tới đó.
Ván sau tay bài tới thối phải đi chợ cho sòng bài. Mà đã đi chợ thì cuối bài
chỉ được chực một con, thiệt thòi một nửa so với các tay bài khác.
“Chẳng thong dong cũng ba ngày Tết”. Dù
suốt năm vất vả đến mấy, ba ngày Tết người dân nông thôn cũng cố tạo ra không
khí no đủ, thảnh thơi cho gia đình. Họ tin đó là điềm lành cho cả năm. Những
ngày ấy trong nhà không thể không có sòng bài tới. Chiếc chiếu hoa mới dành cho
ngày Tết được trải ngay ngắn trên chiếc giường ở một góc nhà. Sáu người túm tụm
xoa bài, tranh bắt bài, ra bài rôm rả bằng cả điệu bộ và ngôn ngữ thân mật.
Tiếng cười dòn không ngớt vang lên khi có người tinh nghịch hô tên quân bài một
cách bông đùa, xỏ xiên. Khách ra vào chúc Tết đôi khi cũng bị sòng bài tới lôi
cuốn, ngồi chơi mãi không về. Sòng bài tới khác hẳn các lọai sòng bạc khác. Chủ
nhà đã không có tiền xâu, lại còn bỏ tiền lựa mua bộ bài tốt, tốn thêm trầu
chè, bánh mứt. Giới đàn ông thường ít thích chơi bài tới bằng phụ nữ. Có những
chị mê chơi không chỉ ba ngày Tết mà kéo dài nhiều ngày, suốt tháng, bỏ việc,
thua tiền. Vì thế dân gian có vè bài tới như sau :
Nghe vẻ nghe ve/ Nghe vè bài
tới/ Cơm chưa kịp xới/ Trầu chưa kịp têm/ Tôi đánh một đêm/ Thua ba tiền rưỡi/
Về nhà chồng chửi/ Thằng Móc, Thằng Quăng/ Đánh sao không ăn/ Mà thua lắm bấy/
Tôi lấy tiền cấy/ Cho đủ mười ngày/ Năm dày bảy sưa/ Cũng là nhịp kéo/ Chị em
khéo léo/ Dễ mượn dễ vay/ Thân tôi ngày rày/ Dầm sương dãi nắng/ Chị em có
mắng/ Tôi cũng ngồi đây/ Nó là năm dày/ Nó cũng a dua/ Ăn thì tôi lùa / Thua
thì tôi chịu.
Bộ bài tới
được vận dụng vào nhiều cách chơi khác nhau. Chơi bài tới
là cách phổ biến nhất ở vùng nông thôn
Trị-Thiên mỗi dịp Tết đến, xuân về. Bài tới chỉ chơi trong nhà. Ngày Tết, lễ
hội, bộ bài tới còn được cải biên cách chơi để phục vụ nhiều người nơi công
cộng. Đó là bài chòi, bài thai
2. HỘI BÀI CHÒI
Bài chòi, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một thú vui
chơi cờ bạc dân gian phổ biến, đậm nét văn hóa, khác với nghệ thuật bài chòi
mang tính diễn xướng sân khấu, phát triển thành tuồng tích như hát bộ, cải
lương ở các tỉnh Nam Trung bộ Bình Định, Phú Yên, nơi sản sinh ra nghệ thuật tuồng
cổ hát bộ, chèo cổ đưa linh, mà có nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm đã giới thiệu.
Ở vùng Trị-Thiên, bài chòi thuần là một trò chơi cờ bạc trong các dịp
hội hè, lễ Tết. Tuy có yếu tố diễn xướng dân gian thu hút quần chúng, nhưng
người tham gia các cuộc chơi bài chòi chỉ xem đó là phụ. Cái chính là khi tham
gia bước lên các chòi bài đầu năm, người
chơi chỉ để mua vui, đóan thời
vận hên xui cho tháng ngày năm tới. Có những người mê bài chòi đến nỗi giữ chòi
suốt từ sáng tinh mơ, khi hội bài chòi bắt đầu hô bài, đến hết ngày, khi hội
bài chòi nghỉ đêm. Người nhà phải mang cơm nước ba bữa đến tận chòi phục vụ. Ca
dao đã có những câu chế diễu được đưa vào thai bài chòi như sau:
Mẹ ham đi đánh bài chòi
Để con khát sữa khóc lòi rốn ra
Bài chòi dùng 30 con bài của bộ bài tới. Nhưng để tổ chức được một hội
bài chòi, ít nhất phải có 3 bộ: 30 con phát cho người chơi, 30 con để nhà cái
hô, 30 con chuẩn bị khi thay ván bài.
Gọi là bài chòi vì người chơi bài không ngồi quây quần trên một chiếc
chiếu. Mỗi người chơi bài chòi được ngồi một chòi riêng, cách biệt hẳn với các
chòi khác để giữ bí mật con bài.
Chòi được dựng như một nhà sàn nhỏ, cách mặt đất cao hơn chừng thước,
thước rưỡi. Chòi vuông vắn vừa đủ kê một chiếc ghế dài cho hai người ngồi. Mái
chòi lợp tranh, vách chòi đan phên tre hay lợp gót. Phía trước chòi bỏ trống,
treo một bức màn làm cửa. Một cái thang nhỏ bắc lên để người chơi bước lên phía
trước cửa chòi. Môt chòi là một cửa chơi
nhưng thường thường người chơi rủ thêm
một hai người khác nữa cùng lên ngồi với mình.
Một hội bài chòi có 10 hoặc 11 chòi con xếp thành hai hàng song song,
nhìn mặt vào nhau qua một vuông sân ở giữa. Cuối hai dãy chòi con là cái
chòi lớn hơn, trang trí đẹp hơn, quay
mặt hướng về hai dãy chòi con. Chòi này dành cho chủ hội bài chòi, gọi là chòi
cái.
Nếu hội bài chòi tổ chức 11 chòi con thì bộ bài tới được bổ sung thêm
ba con bài dán giấy xanh, giấy đỏ, giấy vàng. Bộ bài tới tăng lên thành 33 con. Bắt đầu hội, 11 người chơi lên 11 chòi
con, đậu cho chủ hội bài 11 xuất tiền. Người của hội bài cầm một ống bài có
những thẻ tre gọt đẽo khá công phu, dán hình các con bài, ông này đi từng chòi
con để người chơi rút ngẫu nhiên 3 thẻ bài cho một ván. Ở chòi cái, một ống bài
lớn hơn treo quá tầm nhìn của người hô bài. Các ống bài đều để ngược thẻ bài,
dấu kín phần con bài trong ống, chỉ còn phần cán thẻ lộ ra khỏi ống bài để bốc.
Khi mọi việc tổ chức cho một
ván bài vừa xong, trống nổi lên, phường bát âm hết tò te tí te, người hô bài
(ông hiệu) dạo đầu vài câu hát bài chòi rồi bắt đầu rút từng thẻ bài một, hô
lớn cho cả hội bài cùng nghe. Người chơi ở một chòi nào đó, phát lên 3 tiếng gõ
vào chiếc mõ tre treo trước chòi cóc cóc cóc. Đó là âm thanh báo cửa này đã
được đi con bài vừa rao. Tuần tự các con bài trong chòi cái được hô lên, các chòi
con có tiếng mõ đáp lại đã đi bài. Một lúc nào đó, bỗng ở một chòi con mõ dục
liên hồi, báo hiệu đi hết ba con bài, đã tới. Người của hội bài đến tận chòi
người tới bài, cầm 3 con bài lên trình ông hiệu kiểm tra lại và hô lớn cho cả
hội cùng nghe. Kiểm tra không có gì trắc trở, người của hội bài mang tiền đến
chung tận chòi tới bài, kèm theo một cây cờ nheo đỏ cắm lên chòi. Người của hội
bài thu lại tất cả các con bài trong 11 chòi, phân tiếp bộ bài mới, chơi ván
tiếp theo.
Mỗi hội bài chòi có 11 người chơi nhưng chỉ đánh 10 ván (10 cờ). Một
cờ dành cho ban tổ chức hội bài chòi. Như thế mỗi hội bài ít nhất có một người
không được tới. Nhìn những lá cờ nheo đỏ cắm lên các chòi tới bài, người ngòai
có thể thấy được kẻ đỏ, người đen. Có chòi 2-3 cờ nhiều thì chòi không có cờ
càng nhiều hơn. Khi đã tới đủ 10 cờ, hết hội, các chòi con thay người, chuẩn bị
cho hội bài mới.
Bài chòi thường được tổ chức ở sân đình, sân chùa, sân chợ vào dịp tế tự, lễ Tết. Thù lao cho người tổ
chức hội bài chòi là một cờ dành ra trong 11 xuất tiền của người chơi bài. Số
tiền này không nhiều so với công lao của
gần mười người trong ban tổ chức, phường bát âm và chi phí trầu cau,
thuốc trà. Nhưng hình như không khí hào hứng của hội bài đầu năm lôi cuốn, ít
ai nghĩ tới thù lao nhiều hay ít. Người trong ban tố chức cũng là các chức sắc,
bô lão đến tuổi nghỉ ngơi, tham gia hội bài là dịp mua vui, giải trí. Người
chơi bài thử vận may rủi đầu năm chỉ ngồi chòi một hai hội, không tới lần nào
thì mặt buồn rầu, lo lắng vận xui cả
năm. Xuống chòi, họ lẳng lặng vào chùa, vào đình đốt nhang cầu khấn. Người tới hai ba cờ thì mặt
tươi như sáo, cười nói vui vẻ. Thử thời chỉ chừng ấy thôi, họ xăm xăm đến chòi
cái nhai miếng trầu, hút điếu thuốc, uống một ngụm trà, chào hỏi người hô bài
xem như là sứ giả mang vận may đến cho gia đình cả năm. Vài người, trước khi ra
về không quên gởi tặng ban tổ chức hội bài một hai ván thắng. Người mê bài
chòi, nếu chậm chân không ra sớm để giành một chòi chờ khai hội đầu ngày mới
thì xăm xe lui tới các chòi, hỏi han tìm chòi nào người chơi không giữ tiếp hội
sau, xin lên ngồi một bên, xí phần thay thế.
Hội bài chòi ngày Tết bắt đầu từ sáng mồng một đến ngày hạ nêu. Những
ngày đầu Tết, khách đông, ban tổ chức phải xoay xở tất bật để vừa tổ chức hội
bài suôn sẻ vừa đáp ứng khách đến xem, nghe hát bài chòi, hò con bài thai. Đôi
ba ngày thấm mệt, dù ngừơi hiệu thay đổi nhiều lần, vẫn tắt tiếng, khàn hơi.
Khi ấy thì câu hát bài chòi mở hội ngắn đi, câu thai hò con bài ra cũng rút lại
vài dòng, đôi khi giản tiện chỉ hô trống trơn tên con bài. Những ngày cuối,
ngồi chòi chỉ còn là những người nghèo, người mê bài cạn tiền, lưng túi. Người
tổ chức giảm dần háo hức nhưng không
dừng hội bài được vì người chơi bài còn nhiều và lệ làng chưa cho phép. Tiền
ván bài nhập hội ít đi, những người chơi bài thỏa thuận dành hai cờ cho ban tổ
chức để đủ chi phí hội bài.
Buổi chiều làng hạ nêu thì hội bài chòi cũng có lễ cúng tổ tạ ơn. Các
chòi tháo dỡ xong còn trơ lại sân đình,
sân chùa xác xơ cây cỏ. Người người lần lượt ra về. Đêm mới buông mà trăng lưỡi liềm mỏng dính đã xế quá
hàng tre là ngà xa ngòai bờ sông, nghiêng bóng
cây bàng vừa nhú đầy lá xanh non phủ kín bãi hội bài chòi. Không khí
tĩnh mịch trở lại chốn tôn nghiêm. Sương phả hơi lạnh đánh thức mầm sống trong
những gốc cỏ bị bàn chân người chơi hội giày xéo, chuyển mình, vươn lên xóa
nhòa dấu vết ngày qua để năm sau còn đón hội bài trở lại.
Có những lúc, những nơi, do điều kiện không dựng được các chòi, ban tổ
chức chỉ bố trí từng ô ghế kín, cách biệt nhau. Bài chòi kiểu này gọi là bài
ghế. Ở các khu phố có nhiều cư dân gốc Trị-Thiên như Ấp Ánh Sáng, Khu phố Thái
Phiên ở Đà Lạt, mỗi dịp Tết thường có
các hội bài ghế được tổ chức, thu hút nhiều người đến chơi.
Nói đến hội bài chòi không thể không điểm qua vai trò ông hiệu hô bài
trong ban tổ chức. Đó là những người có ngôn ngữ trôi chảy, ăn nói có duyên,
cách pha trò dí dỏm và nhất là tài ứng biến xuất khẩu thành thơ, xuôi tai, luôn
vần, hợp cảnh. Mỗi hội thường có vài ba
ông hiệu thay phiên nhau. Ông hiệu thuộc nhiều bài thai thì lời hò phong phú,
đa dạng, tạo nhiều tình huống lôi cuốn người chơi. Đôi khi chỉ một câu hò thai,
người chơi bài cứ ngỡ con bài trên tay mình tới. Nhưng không! Lại là con bài
khác.
Còn duyên mua thị bán hồng
Hết duyên buôn mít cho chồng gặm
xơ
Gặm xơ hết lại gặm cùi
Dành riêng mớ hột để lùi cho con
Câu thai này hiệu có thể hò cho
con xơ, con 6 hột, con 8 hột, con 9 hột (gối). Gàn hơn có hiệu liều lĩnh bắt
vào cả những con bài hột (pho sách), vì trong câu hò có tiếng mớ hột.
Có những bài thai dài cho một con bài, nhưng khi thích chí hiệu hò cả
bài, khi mệt hiệu chỉ hò vài câu, thậm chí chỉ một câu như bài thai con bạch
tuyết:
Hoa phi đào phi cúc
Sắc phi lục phi hồng
Ong bay qua muốn đậu, bướm lượn
vòng
muốn bu
Bốn mùa đông hạ xuân thu
Khi búp khi nở khi xù khi tươi
Chúa xuân ngó thấy mỉm cười
Sắc hay vương vấn mấy người tài
danh
Có bông, có cuống, có cành
Ở trong có nụ, bốn vành có tua
Nhà dân cho chí nhà vua
Ai ai có của cũng mua để dành
Tử tôn do thử nhi sanh
Bạch huê mỹ hiệu xin phành ra
coi.
Có khi một con bài có nhiều thai, tùy cảnh, hiệu hò những thai thích
hợp. Như bài thai con nghèo:
-Chắp tay chẳng với tới kèo
Cha mẹ anh nghèo chẳng cưới được
em
-Cây khô tưới nước cũng khô
Phận nghèo đi tới xứ mô cũng
nghèo
-Buồn từ trong dạ buồn ra
Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo.
Những thai chỉ để hò một con bài ít hấp dẫn vì người chơi nhiều, khi
nghe vài tiếng đầu đã đóan ra. Cái hay của ông hiệu là có những câu hò mới hóc
búa, hay những ứng khẩu dí dỏm, đa nghĩa để các tay bài suy nghĩ. Như bài hò
con học trò:
Đi đâu đeo xiểng mang hài
Cử nhân không đặng, tú tài chẳng
qua
Bài hò con tứ cẳng:
Môt hai bậu chối rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai
người.
(Hai người thì mới có bốn cẳng. Có người lại đóan con trường hai)
Làng tôi có ông hiệu Kiểm Đài là
thành công hơn cả. Tài của ông không những chỉ thuộc nhiều câu hò bài
chòi, câu thai lá bài có sẵn. Những lúc cao hứng ông xuất những câu hò hóm hỉnh
ứng với tình hình diễn ra ở ván bài,
chọc ghẹo những phụ nữ xinh đẹp, nhất là hạng quá lứa chưa chồng hay góa chồng;
hoặc lấy các vụ việc xảy ra trong thôn đưa vào câu hò thai với những biến tấu
đa nghĩa dí dỏm.
Năm ấy lụt sớm, lúa gặt về bị bùn non bám nhiều vào hạt, phơi phóng
vất vả, bụi bặm. Bà vợ hay than phiền, ông đã có hai câu chọc cười xoa dịu vợ.
Ngày hội bài chòi, có o con gái đẹp chưa chồng trong làng vào chơi bài chòi. O
là nhân vật so sánh trong câu thơ của ông. Ông đã ứng khẩu tiếp thêm hai câu
thành bài hò thai bốn câu giới thiệu con bài ông vừa bốc:
Mạ mi ơi đừng có than lúa lắm bụi, nhiều bùn
Phơi khô quạt sạch đẹp như o Lùn nhà bác trùm Liên
Đừng nhìn láu liến xỏ xiên
Mà lộn con xe sáu bánh với con sáu tiền o ơi.
Kết quả hiệu công bố là con 6 tiền nhưng câu cuối ông kéo dài, nên có
người giữ con xe đã một phen mừng hụt con bài của mình. Ông còn dùng cụm
từ láu
liến xỏ xiên để ghẹo o Lùn đang chơi
bài chòi. Cả hội bài có một trận cười dòn dã.
Làng tôi có hai món ăn dân dã rất ngon là củ sắn trồng ở đất nhà chùa
và củ nưa trồng ở đất ruộng phủ. Trong làng đã có câu hò ca ngợi: Bao giờ thống chế, lãnh binh/ Sắn chùa nưa
phủ nghĩa mình đừng quên.
Vừa lúc có mấy đôi trai gái
thành phố về làng ăn Tết, ghé thăm chơi hội bài chòi. Họ đứng ở góc sân đình
nhìn vào. Ông tiếp thêm hai câu thành bài thai bốn câu cho con tám tiền vừa bốc
trúng:
Bao giờ thống chế, lãnh binh
Sắn chùa nưa phủ nghĩa mình đừng
quên
Trai tài gái sắc khắp miền
Nghe con tiền tám thì liền ghé
chơi
Mấy cô cậu được gãi đúng thói kiêu hãnh, nán lại chờ hội bài mới, ngồi
vào chòi thử vận đầu xuân
Quê tôi là vùng sông nước, người dân có nghề phụ đánh cá ban đêm để
cải thiện. Cách đánh cá dễ nhất là đặt lờ. Ngày ấy mới đình chiến, phong trào
bình dân học vụ chống nạn mù chữ được phát động rầm rộ. Dân làng học
mấy chữ cái tờ, mờ, cờ, rờ, lờ… nảy sinh nhiều chuyện cười dí dỏm. Có ông cán
bộ phụ trách bình dân học vụ xã vào chơi bài chòi. Ông này hay đi đêm, nhiều
tai tiếng, dân không ưa mấy, nhưng ông cũng là tay đặt lờ có hạng. Thai ông
hiệu hô con bài vừa bốc như sau:
Bà con đừng nghĩ ông già
Ông còn kham nổi bốn, ba cái lờ
Săm se chỉ một con cờ
Có hai bánh bự bây chừ đang ở
tay ai?
Mới hò câu đầu, các tay bài đóan là con bài hình người nào đó trong
pho vạn (ông già). Qua câu thứ hai,
người chơi nghĩ là con liễu, bạch tuyết (cái
lờ). Câu thứ ba “con cờ” người
chơi lại nghĩ chắc chắn là con nọc đượng. Nhưng khi hết câu cuối, ông trình con
trường hai (hai bánh bự) thì ai cũng
phải khen ông hò hay và ứng biến giỏi. Câu hò thai tự biên tự diễn của ông sau
đó trở thành chuyện tiếu lâm của các lớp bình dân học vụ trong thôn.
Bài chòi nay đã mai một. Ngày Tết, ngày hội thường tổ chức diễn xướng
sân khấu hóa nhiều lọai hình trò chơi mới, chưa bắt được nhịp tâm tình người
dân nông thôn, nhất là lớp người lớn tuổi. Nông thôn nay cũng đã đổi khác. Cuộc
sống cư dân nông nghiệp gắn bó con trâu cái cày
với nhiều lễ hội cầu mùa, tạ ơn …dần dần bị thay thế. Đường thôn, sân
đình điện đèn thắp sáng mỗi dịp vào xuân. Tiếng nhạc trẻ xập xình trong quán
hàng, trong lễ hội. Mấy chục năm nay, làng tôi không mở được hội bài chòi. Trai
tráng quay vào xập xám, tiến lên… nhiều
hơn ngồi xoa bài tới. Tôi nhớ đến những ông hiệu như ông Kiểm Đài và những
người mê ngồi bài chòi ngày trước mà cám cảnh câu thơ của Vũ Đình Liên: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ”.
3. ĐÁNH BÀI THAI
Tôi thiết nghĩ cần phân biệt
thú chơi đánh bài thai và các câu thai hò trong các ván bài chòi để trình làng
con bài mới ra, là khác nhau.
Đánh bài thai tôi đề cập trong bài viết sau đây là một
lọai chơi cờ bạc như bài vụ, xóc nhất lục (xúc xắc), sau này có thêm bầu
cua, tài xỉu thường thấy trong những ngày Tết ở xó chợ, góc đình. Người chủ cái
hò bài thai mượn bộ bài tới làm phương tiện tổ chức cờ bạc như người ta dùng
con vụ, con xúc xắc, con bầu cua mà thôi.
Cũng như người làm cái bài vụ,
bầu cua, nhất lục, người hò bài thai chọn một chỗ vừa ý trong sân đình, cổng
chùa để trải ra một tấm vải dán hình nhiều con bài của bộ bài tới làm nơi mở
sòng. Số con bài chọn để hò thai cho
người đặt thường là 18. Có người chọn cả 20-25 con. Nếu bộ bài chọn 18 con thì
khi người chơi đóan trúng, chủ thai chung tiền gấp 12 lần tiền đặt. Nếu chọn
nhiều con hơn, thì chung tiền cũng gấp cao hơn, nhưng tính lại nếu người chơi
đặt cược hết các con bài, thai ra trúng chỉ 1 con, tiền chung thu về chỉ được
chừng 2/3 số tiền đặt cược.
Ngày khai trương, chủ thai trải tấm vải dán hình các con bài cùng cặp
chén dĩa, bộ bài còn mới dưới góc cổng
chùa có bóng cây sanh tỏa mát. Bà lễ mễ bày ra bình bông, mâm quả, khay trầu,
cút rượu lên hương cầu khấn. Sau vài lần rót rượu vội vàng, hương chưa cháy đến
nửa cây, người đi lễ sớm đã tấp nập, chủ thai vái tạ, thu dọn lễ vật đặt hết
lên gốc cây sanh, nơi đó đã có vô số bình vôi bể, ông táo đất nứt rạn ... người
dân trong làng mới tống tiễn ngày ông táo về trời.
Trò chơi bắt đầu. Tiếng hò được cất lên, bà chủ cái đặt xuống tấm vải
làm sòng bài chiếc dĩa có cái chén úp kín con bài. Mấy người sà vào, ngồi chồm
hổm quay quanh, lắng nghe lời thai, ngẫm nghĩ, bàn bạc với nhau tìm con bài cần
đánh.
Sáng sớm đầu xuân, ai cũng cố tạo cho mình tâm trạng thỏai mái, vui
vẻ. Vài đồng tiền mới đặt xuống gọn gàng trên những con bài. Chủ cái thấy vừa
ăn, mau mắn khui bài. Các bài hò nhẹ nhàng,
con bài cái gần gũi câu hò thai
dễ có người trúng. Khi người chơi chen đầy kín chỗ sòng bài, chủ cái thay đổi
những bài hò dài, hiểm hóc, đánh đố hơn
để có nhiều chi tiết, làm cho người chơi liên hệ đến nhiều con bài, khó
chọn ra được con bài trúng. Đôi khi người hò sử dụng câu thai bài chòi, sửa đổi
vài từ kết hợp thành một bài hò thai, làm người đánh không biết đâu mà lần. Thế
mà, khi khui bài, chủ cái còn có thể giải thích nhiều cách khiên cưỡng, tùy
tiện để ra con bài cái. Cho nên, bài hò thai chỉ là cho có. Cái cần là trong 18
con bài, người chơi phải đóan được con bài chủ cái dấu trong chén là con bài
gì.
Trời gần đứng bóng, người chơi khá đông, sau mấy câu hò đã khá dài,
chủ cái lấy một câu hát trong dân ca kháng chiến phổ biến ở quê tôi trong thời
còn chíên tranh để kết thúc bài hò:
Đèo Tư Hiền băng qua cầu Đại Hải
Đây con đường gập ghềnh, em gắng
mà băng
Em đi mau kẻo trời tối không
trăng
Khéo mà quàng dây vấp đá, đó lại trách rằng anh đây không dặn dò.
Người chơi nghĩ rằng hò thai nhiều bài nhưng bài này hơi lạ, đưa vào
sau cùng thì còn bài dấu phải tìm trong đọan hò này. Quàng dây là con tám dây, do dày dây là con dày, Tư (bốn) hiền, đi ( bằng chân):
con tứ cẳng, chàng vẽ vời cho nàng
như dạy học trò là con thầy, con trò.
Trước đây đã có người hò thai bài này ngụy biện cho khui ra con ầm rồi giải “Vấp đá ngã té cái ầm. Là con ầm”. Bây
giờ, khui bài ra, những người chơi đều thua cả. Chủ cái chìa ra con ngủ rồi bảo: “Trời tối không trăng, buồn ngủ mới
quàng dây, vấp đá”. Đúng là kiểu giải thích chỉ có trong đánh bài
thai!
Cũng thai hò con bạch tuyết trong bài chòi, trong bài thai, thêm bớt
vài ý, chủ cái có thể đưa ra nhiều cách giải thích cho con bài cái: Con trò,
con thầy, thái tử (người tài danh),
con gióng ( bốn vành có tua), con
nghèo, con dày, con sưa, con 6 hột, con 8 dây, con gối...( ở trong có hột), con liễu (không
phải đào, không phải cúc thì là liễu), con ầm, con voi (Sắc không lục, không hồng thì đỏ như ầm, thì đen như voi)...và
nhiều, nhiều nữa.
Bài thai, bài vụ, xóc xúc xắc, bầu cua căn bản là giống nhau trong
cách chơi. Người chơi phải đóan cho được kết quả trong chén để chọn con bài đặt
cựơc. Nhưng trong bài vụ, xóc xúc xắc, bầu cua nhà cái không biết trước được kết quả ván bài. Khi dỡ chén ra,
kết quả như thế nào, chủ cái phải chung cho người đặt trúng theo lệ đã giao. Hò
bài thai có khác. Khi để con bài cái vào chén dĩa để hò, người chủ cái đã biết
trước. Vì thế, nếu cân bằng trên ván thua nhiều, chủ cái chần chừ không muốn
khui chén, dù khách chơi thúc giục nhiều lần. Gặp trường hợp ấy, khách chơi
đóan biết trong ván đã có người trúng, càng xuống thêm tiền. Chủ cái chỉ còn
nước chạy làng. Một cảnh xâu xé, chụp giựt xảy ra làm nát tan cả hội bài thai. Đôi người mất tiền, nóng tính
còn hành hung người chủ cái hò bài, bắt đền tiền thua bạc.
Cảnh ấy diễn ra ở sòng bài thai làng tôi năm ấy vào sáng ngày thứ ba
đầu xuân. Hai ngày trước, chủ thai kiếm được chút ít . Mở cái ngày hôm ấy gặp
xui, từ sáng, nhiều người trúng quá. Ván này, chủ cái xem qua tiền người thua
trên sòng không đủ chung con bài trúng. Chủ sòng bài thai nán lại lâu hơn thì
người đặt tiền xuống càng nhiều. Cuối cùng Mụ Thơm (Tên chủ cái bài thai) xin
làng đi uống nước. Khách chơi không cho mụ ra, thế là có cảnh tranh nhau, ẩu đả
giựt tiền trên sòng. Khổ cho mụ! Nhưng
đó cũng là cách tháo chạy an tòan nhất.
Mụ Thơm là người hò bài thai hay nhất làng tôi, dân làng gọi tên mụ là
Thơm hò. Tôi không biết mụ có chồng không nhưng chỉ thấy mụ có 2 đứa con trai
súyt sóat tuổi ngang với tôi. Mụ làm nghề bài thai, bài vụ kiếm tiền nuôi con.
Ngòai những ngày lễ Tết, hội hè, mụ hò bài thai hay vụ bài vụ mỗi chiều ở chợ
quê. Những tháng mùa màng, ít người chơi, mụ qua Dinh kiếm sống. Khi ấy, hai
thằng con trai đem gởi nhờ bà ngoại, ở cùng xóm với tôi. Đôi khi mấy tháng
không thấy mụ về. Lần cuối tôi thấy mụ ở
làng là dịp mụ dẫn về một người đàn ông lạ, ra mắt gia đình. Mụ đi biệt tăm từ
đó, bỏ lại hai đứa con cho ngọai nuôi.
Yên ổn chừng dăm năm, cuộc sống hồi sinh chưa kịp bền gốc, bén rễ thì
chiến tranh lại đổ về làng tôi lần nữa. Trai tráng và dân chúng phần vào lính,
phần bỏ làng ra đi tránh bom đạn. Ngày Tết không còn bài chòi, đu chùa, bài vụ,
bài thai...Sân đình, sân chùa cỏ cao ngập cả lối vào. Hai cây sanh và hàng cây
gạo, cây bàng, mù u trước đình, trước chùa um tùm cây lá, tỏa rễ phụ chắn cả
lối đi. Sau một trận càn qui mô có cả đại pháo, máy bay yểm trợ, làng tôi thành
một bãi trắng đúng như kế họach “bạch
hóa” của chiến dịch càn quét. Một thời gian khá dài, dân làng không còn một
ai còn sống ở quê.
Hai người con của mụ Thơm hò vào lính. Sau chiến tranh, người người
lần lượt trở về quê. Một người con còn lại của mụ, sau mấy tháng học tập cải
tạo trở về làng. Cuộc sống lại lần nữa được hồi sinh nhưng do con người thiển
cận, hòan cảnh khó khăn, sinh hoạt không lấy lại được dấu vết xưa. Sân đình,
sân chùa trở thành sân phơi hợp tác xã. Nhà chùa, đình làng dùng như kho chứa.
Tiếng hò dân dã tắc tị hẳn trong nhịp sống làng quê.
Mấy năm sau hòa bình, mụ Thơm hò, một thân một mình về sống với con ở
làng. Mụ đã già lắm, mắt không còn thấy người đối diện. Những lúc ngồi một
mình, mụ thường thầm thì những câu hò bài thai nho nhỏ. Tôi gặp mụ trong một
lần về quê ăn Tết, qua vài câu chuyện thăm hỏi, mụ hò cho tôi nghe những bài mụ
còn nhớ. Không có dĩa bài, không có tấm vải trải rộng mấy con bài làm sòng, mụ
vẫn hò say sưa. Hai tay mụ thỉnh thỏang nắm úp lấy nhau, che kín dưới vạt áo
trước bụng Tôi nhớ lại động tác mụ cầm con bài đang giú vào vạt áo dài trước
bụng năm nào mỗi lần cho một con bài vào dĩa cái trình ra sòng bài thai. Nghề
hò bài thai không còn nuôi được mụ qua bát cơm nhưng chắc tâm hồn mụ còn sống
được có lẽ là những câu bài thai ấy.
Thú chơi Tết dân gian ở nông thôn ngày trước không chỉ có các món ăn
thua cờ bạc. Ngày Tết ở nông thôn thể
hiện nhiều nét văn hóa cổ truyền đậm đà hương vị ngày xuân. Phải về nông thôn
mới sống trọn vẹn không khí của Tết Trị-Thiên.
Dù đi làm ăn đâu xa, người Trị-Thiên chỉ cầu mong mỗi dịp xuân về được về quê
hòa mình trong không khí trang nghiêm ngày Tết. Đó là tâm lý chung trong nếp
văn hóa Việt Nam ngàn đời.
Ugno.Vn