Tác giả Lê Hứa Huyền Trân |
TẾT VÊ QUÊ NGOẠI
Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN
Má xếp lại mớ tiền lẻ cho ngay thẳng
rồi dắt vào trong túi khéo léo dùng kim băng cài lại, một ít má sắp qua chỗ
khác để gọn trong một cái hộp có ghi chữ “Ngoại” to đùng như sợ nhầm. Cái hộp ấy
má thường hay để dành để khi nào được chút ít lại lặn lội về thăm ngoại, ngày
đó má làm dâu xa xứ… Tết nhứt gần kề, trán má hằn lên những vết nhăn, trăm thứ
tiền bộn bề, Kha mon men trèo lên tấm phản ngồi cạnh má thỏ thẻ:
“Sao má không xin ba một ít về cho
ngoại? Con thấy gần tới ngày dìa ngoại rồi mà ít hơn mấy tháng trước.”
“Ba mày gần tết cũng è lưng ra làm
xài không đủ tết, chuyện gia đình má, tuy vợ chồng nhưng bắt ổng cáng đáng cả
gia đình mình đủ rồi má không muốn đèo bòng,”
Kha làm như hiểu chuyện gục gặc đầu,
nhà nó vốn cũng đâu khá giả gì. Ba nó đầu tắt
Mặt tối với cái ba gác chở cát suốt
ngày, mấy bận gần Tết càng làm căng, người ta cứ như xây nhà mới đón Tết luôn
hay sao mà cứ suốt đêm làm vẫn không đủ xây. Má nó có sạp rau bán ngoài chợ,
nuôi nó ăn học, đôi khi chỉ dư dăm ba ngàn lẻ để dành, cứ mấy tháng lại về thăm
ngoại một lần. Nhà ngoại ở tỉnh khác, cách chỗ Kha ở hơn hai tiếng đi xe đò,
ngày đó má Kha theo ba về dinh cũng là lúc từ bỏ luôn miền quê lam lũ để lấy
anh bộ đội vừa xuất ngũ về, từ đó chấp nhận phận lấy chồng xa xứ. Ba Kha cũng
là người hiếu thuận với gia đình vợ, khi dư chút ít cũng gửi má, rồi cứ dăm
tháng lại đèo má về thăm ngoại.
Kha thích nhất là ngày Tết, những lúc
ấy nó được nghỉ học nên thể nào cũng ở ngoại có khi cả tuần, nhưng khi Kha học
cao lên, kinh tế khó khăn hơn, ba nó làm nhiều hơn nên hầu như chỉ có má với nó
đón xe đò về thăm ngoại để ba ở lại phố đi làm. Nhà ngoại đông anh chị em họ lại
thường sang sang tuổi Kha nên những ngày tết hay những ngày hè Kha thường được
má cho về ngoại chơi với đám anh chị em họ này, có thể nói các gia đình dì cậu
đều thân thiết với nhau, đám trẻ cũng như đám bạn thân thời niên thiếu.
Mỗi khi Tết về cả đám nít nôi
hay kéo nhau ra vườn tắc của hai cậu để chơi, vườn tắc hai cậu rộng lắm, dễ đến
mấy trăm cây. Nhà hai cậu của Kha quanh năm chủ yếu sống bằng nghề trồng tắc hoặc
cúc, trước tết thì lo dăm cành, chiết cây, Kha còn được nghe mấy cậu bày:
“Con trồng bằng hạt tắc sẽ không sống
tốt được như chiết cành, khi chiết lựa cành khỏe, dai sống hơn mà còn đảm bảo
sinh trưởng hơn.”
Dĩ nhiên là Kha sẽ chẳng nhớ gì nhiều,
thú vui của nó là cùng những anh chị em chạy nhảy đuổi bắt trong vườn. Những
cây tắc được các cậu uốn một cách khéo léo tạo thành hình thù đẹp mắt hơn thì
thường bán có giá cao hơn, còn những chậu tắc dễ cao hơn cả đầu Kha thường được
các nhà mang về làm cảnh hơn, những chậu thấp lùn hoặc dị ít ai mua nếu bán
không được sẽ được các cậu giữ lại chăm cho năm sau.
“Những cây mình trồng ra chúng cũng
có sinh mạng, cậu không muốn bỏ bất kì cây nào cả.”
Gần tết, tắc trong vườn sẽ chia ra
thành hai hướng, một hướng là đặt trước để các chủ vựa tự chất lên tải đi
bán, hướng còn lại các cậu sẽ đi theo xe hàng chia ra các tỉnh lân cận bán, thường
có khi hăm chin, ba mươi tết mới bán xong để về nhà. Và tết năm nào các cậu
cũng theo xe gửi một chậu về cho nhà Kha, có tắc trong nhà cứ như truyền thống,
cảm thấy vừa gần gũi vừa an yên.
Nhà ngoại cũng thường tụ họp lại để
làm đủ loại mứt chưng tết chứ không mua mấy thứ đầy phẩm màu ngoài chợ. Dì cậu
nhiều, mỗi người thường tự làm một món sau đó chia cho mỗi nhà để đảm bảo đa dạng,
thường để nhà ăn chứ không đem bán. Má Kha làm mứt tắc rất ngon, má thường ra
vườn để lấy những quả chin mọng vàng rụng trước để vừa có màu vàng tươi đẹp mắt,
vừa đỡ phí trái rụng. Kha thường phụ má vôi bột lắng cặn và thậm chí còn khéo
léo khứa trên thân tắc các đường để ngấm, còn tới công đoạn ngâm nước đường rồi
nấu sôi cho sánh lại thì Kha chịu, có điều đến công đoạn thử thì thể nào Kha
cũng có mặt, Nhà ngoại còn thường làm các món mứt lạ như mứt củ đậu hay mứt cà
rốt tạo thành đủ màu đặc sắc trên mâm ngũ quả, cũng chủ yếu là cắt nhỏ, hong
khô, ngâm đường và cho sánh lại nhờ nung, vừa miệng người trong nhà. Kha chết
mê món mứt dừa non trắng trắng vàng vàng lại thơm của dì Bảy nên năm nào cũng
xin ít mang về.
Hầu như ở nhà ngoại gì cũng tự làm,
ít khi mua, và những thứ tự làm thường ngon hơn rất nhiều. Ngay cả mâm ngũ quả
chưng ngày tết cũng chủ yếu là hái từ các cây từ các vườn nhà của các dì mỗi
người mang tới một ít khá đầy đủ: dưa hấu, mãng cầu, xoài, đu đủ, đừa…Tết ở nhà
ngoại thường rất vui và đầy đủ, các gia đình thường tụ về vào đêm giao thừa để
cùng đón tết, từ trước tết thì đã lo trang hoàng “nhà chính” là nhà ngoại và dọn
dẹp bàn thờ tổ tiên, cùng ăn tết ở nhà ngoại sau đó mới kéo qua từng nhà chúc tết.
Dù sau này công việc có ngày càng bận rộn vẫn thường giữ gìn truyền thống đó,
tôi vẫn luôn nghĩ đó là sự keo sơn truyền qua năm tháng. Kha vẫn nhớ mọi năm
lúc nào ba Kha cũng là người khèo hái quả thanh long, ngoại hay bảo ba là chàng
rể khéo.
Đột nhiên ba mươi tết, khi cả nhà tề
tựu đông đủ, ngoài cửa rất khuya có tiếng xe đỗ xịch trước cổng, bóng dáng ba
Kha bước vội vào cúi chào cả nhà rồi tiến về phía ngoại:
“Con tới muộn, con vừa xong việc chập
chiều là thu xếp chạy về quê ngay.”
Tết lúc nào cũng vậy, Tết là để sum họp
mà.
Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.