Tác giả Hoàng Đằng
ĐÁNG PHỤC THAY, NHỮNG CON NGƯỜI!
Sáng 11/9/2017, lão có dịp may đến thăm Mái Ấm Tình Thương Lâm Bích – một cơ sở nuôi dưỡng trẻ xấu số của Thiên Chúa Giáo - ở thành phố Đông Hà. Lâm Bích (lâm: rừng, bích: ngọc) là ngọc giữa rừng, ý nói cơ sở đi lượm nhặt những trẻ xấu số ví như hạt ngọc giữa cộng đồng
Ba cô sinh viên Y Khoa Đại Học Reims bên Pháp là Pauline Michel, Claire de la Morinière và Mathilde Vibert đi du lịch Việt Nam; nhân đó, hội la Goutte d’eau – một hội từ thiện nhân đạo quy mô khiêm tốn có trụ sở tại Pháp - nhờ chuyển đến Mái Ấm Tình Thương một số tiền nhỏ xem như món quà làm quen. Mặc dù ba cô có ông Tôn Thất Nghiễm từ Huế đi theo vừa làm thông dịch viên vừa lo một ít thủ tục hành chánh, lão cũng được mời tháp tùng để dẫn đường.
Mái Ấm Tình Thương Lâm Bích được lập từ năm 1998 ở gần nhà thờ Thiên Chúa Giáo Đông Hà trên đường Lý Thường Kiệt.
Năm 1998, Soeur Trần thị Hiện là một nữ tu phục vụ tại nhà thờ Đông Hà, nhân một lần đi trao quà cho trẻ em nghèo tại xã Húc, huyện Đakrông thuộc miền núi tỉnh Quảng Trị, gặp cậu học trò Hồ Văn Long hàng ngày vượt núi, băng đèo bằng chèo chống đôi tay đến trường do hai chân teo tóp không đi được, Soeur Trần thị Hiện động lòng trắc ẩn, đem Hồ Văn Long về nuôi và Mái Ấm Tình Thương ra đời với người con nuôi đầu tiên là Hồ Văn Long.
Mái Ấm, từ đó, nhận dần thêm nhiều trẻ khác: có trẻ sơ sinh bị vất trước cổng Mái Ấm hoặc trước cổng Giáo Đường được các soeurs mang vào hoặc bị vất ở một nơi nào được người ta nhặt đem đến giao cho Mái Ấm, có trẻ - do cha mẹ mất sớm - trở thành mồ côi không nơi nương tựa được Mái Ấm thu gom từ cộng đồng.
Cơ sở Mái Ấm ở đường Lý Thường Kiệt gồm một dãy nhà cấp 4, qua thời gian, xuống cấp, không khí ẩm thấp không tốt cho sức khoẻ của trẻ, đã được tháo dỡ, dành chỗ cho một công trình kiên cố đang được xây dựng. Nghe nói kinh phí xây dựng do Dòng Mến Thánh Giá - Thiên Chúa Giáo cấp và công trình mới dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017.
Trước mắt, Mái Ấm dời đến hoạt động tạm trong một ngôi nhà thuê ở đường Hàm Nghi không xa địa điểm cũ bao nhiêu.
Mái Ấm hiện cưu mang 34 trẻ: 28 trẻ lưu trú thường xuyên tại Mái Ấm và 06 trẻ đã lớn được Mái Ấm gởi vào trọ học ở Huế theo bậc Đại Học hay bậc Cao Đẳng, trong 6 trẻ học ở Huế, một trẻ đã học đến năm thứ 5 Đại Học Y Khoa.
Công việc điều hành Mái Ấm do 05 Soeurs phụ trách: bếp núc nuôi ăn, quần áo sách vở, học phí đi học, chăm sóc đau ốm, thủ tục lập giấy khai sinh, nghĩa là Mái Ấm đang đóng vai trò như cha mẹ và các trẻ sống ở đây như anh chị em một nhà.
Mà đúng vậy, ngoài những việc kể trên, Soeur Trần thị Hiện cho biết Mái Ấm mới lo hỏi và cưới vợ cho một cô nhi nam trưởng thành.
Lão hỏi:
- Rứa Soeur sẽ lo nhà cửa cho gia đình nhỏ của cháu luôn à?
Soeur cười:
- Con (từ mà soeur xưng hô với lão) cũng đang tính chuyện, thì gia đình bên vợ cháu ngỏ ý lo cho cháu việc ấy rồi.
Nhìn cảnh trẻ lớn, lúc rảnh rỗi, bồng bế, giúp đỡ trẻ nhỏ trong ăn uống, học hành với một tình thương yêu chân thành, lão nghĩ đây đúng là một gia đình thật sự.
Ở Mái Ấm, một số trẻ đã có tên họ do cha mẹ đẻ đặt sẵn, tuy nhiên cũng có một số trẻ bị cha mẹ vất bỏ không nhìn nhận chưa có tên họ; những trẻ này, khi Mái Ấm khai sinh, đều mang họ Lâm Bích.
Soeur Trần thị Hiện - Giám Đốc Mái Ấm - là một bác sĩ y khoa. Nhờ có chuyên môn cao về y tế cộng với sự tự nguyện hiến thân phục vụ nhân loại theo tinh thần của một nữ tu, Soeur Trần thị Hiện điều hành Mái Ấm rất chỉnh chu cả về phương diện đối nội lẫn phương diện đối ngoại: phòng ốc vệ sinh, các trẻ ăn ở, học hành, sinh hoạt nề nếp.
Khi được hỏi về khả năng thu nhận trẻ kém may mắn của Mái Ấm trong tương lại, Soeur Trần thị Hiện bộc bạch:
- Việc đón nhận trẻ kém may mắn làm sao mà từ chối được! Cô Nhi Viện đang dần được nhiều người biết đến, có người biết đến để quan tâm cũng có người biết đến để giao phó. Thành thử, cô nhi viện phải xây mới, mở rộng để đáp ứng đòi hỏi của cộng đồng.
Nhìn các soeurs tay bồng, tay nách, mớm cơm, bú sữa cho những trẻ nhỏ - có trẻ oặt oẹo do di chứng từ thai nhi thiếu giữ gìn bởi mẹ mang thai ngoài ý muốn; các trẻ lớn đang ngồi chăm chú học bài, làm toán ... bên những chiếc bàn, chiếc ghế ngang tầm, lão dậy lên trong lòng sự cảm phục những con người quên mình phục vụ nhân loại.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”; người có điều kiện thì hãy thể hiện tấm lòng bằng vật chất: giúp tiền bạc đóng học phí cho trẻ, gạo cơm phụ giúp nuôi trẻ, quà bánh cho trẻ vui Trung Thu, quần áo cho trẻ ấm áp qua mùa đông ..., người chưa có điều kiện thì nên thể hiện tấm lòng qua thăm viếng, động viên cả trẻ lẫn người điều hành Mái Ấm; lão nghĩ như vậy, không biết có phải không?
12/9/2017 (22/7/Đinh Dậu)
Hoàng Đằng