Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 18, 2022

HÀI KU ĐẦU - Thơ Chu Vương Miện




HÀI KU ĐẦU


“dừa làm tức thời”
 
Chim Việt đậu cành Nam
Ngựa Hồ hý gió Bấc
Bơ sữa ngập mặt
Ngựa chim quên hết
 
Hôm qua vợ chồng người cháu tới thăm
Xin bác cây hoa Mãn Đình Hồng
Mầu tím nhạt
Cuối tuần bác xuống thăm
Hỏi hai cháu cây hoa còn hay mất
Vợ chồng cháu nhìn lẫn nhau
Lắc đầu không biết?
 
Chết là chín suối mười thác
Nằm ngáo ngoài nhị tỳ
Nghèo xơ nghèo xác
Được choàng vào cần cổ vòng hoa lục bình
Thiên chức nhà giáo
 
Nghèo cạp đất thó mà nhai
Quyền rơm vạ đá
Thiên chức nhà văn
“xỏ lá”
 
Danh khởi văn chương trứ
Quan ưng lão bệnh hưu
So với animaux domestiques nuôi trong sân
Thua cả chó mèo?
 
Sách thiên hạ bốn bồ
Một mình Quát chiếm ba
Chả làm nên cơm cháo gì?
Thác lãng nhách
Bị một viên đội suất
Bắn cho một phát súng điểu thương
Quát tan xác
?
Phù danh và danh hão
Theo bèo cuốn phăng phăng đi
Văn bia cùng văn miếu
Chả tích sự chó gì?
 
Con cóc nằm trong hang thì còn
Rồi đứng đó một chặp
Nhẩy đi
Chả trở dìa
 
Chu Vương Miện

READ MORE - HÀI KU ĐẦU - Thơ Chu Vương Miện

NẰM TRÊM GIƯỜNG BỆNH - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

 

Nhà thơ Lê Thanh Hùng

Nằm trên giường bệnh


Có những nỗi nhớ, nhưng không hề muốn gặp lại

Vô tình bị tai nạn xe Honda

Trên giường bệnh, giữa đống lọ chai ngổn ngang bải hoải

Ê ẩm, nằm một mình nhấp nhổm nhấp nha

                           *

Chấp nhận bỏ một phần nhỏ cuộc đời để không mất đi toàn bộ

Thôi, cố tìm niềm vui trong những nỗi buồn

Nhưng cái gì đã thừa, thì sẽ lố

Ấp lẫm nỗi niềm, nhìn cửa sổ nằm đếm sợi mưa tuôn

                          *

Ngẫm nghĩ gần xa, quẩn quanh trên giường bệnh

“Hơn thua gì vài vòng bánh xe

Trên dằng dặc vòng đời đang đến”

Mà lý sự đôi co, những gút mắc màu mè

                        *

Ta đã đứng lên trong vòng tay bạn bè, dòng họ

Có rầy rà, nhưng vẫn cưu mang

Thằng bạn lính biển cũ đến thăm, vẫn bạc phếch vai áo như hồi đó

Nằm bệnh mà nhìn bạn bè, bỗng dưng xốn xang

                        *

Nắm lấy bàn tay chai sần dấu ghim từng nốt

Của bao đêm làm thuê, đan đệm lót giã cào

Thấy năm tháng dãi dầu, chúng mình chưa hề thui chột

Vẫn hồn nhiên cười, tiếng nắng vỡ lao xao …


 

Người đi qua mùa thu cũ

 

Lần theo cỏ rối tơ hoang lối cũ

Chợt đổ chiều nắng quái ngợp triền sông

Làn gió bấc ngang trời như ngưng tụ

Trong một nỗi buồn lưu cửu rêu phong

                     *

Đời đã đổi, sao mà chưa thành mới

Quẩn quanh rồi vẫn túi rỗng lòng không

Cháy bỏng niềm tin, tràn đầy khơi gợi

Một ngày mai người cũng sẽ mở lòng

                    *

Im ắng quá, mùa thu vàng quyến rũ

Khẩn khoản chiều vin đở bước liêu xiêu

Mây tứ xứ, một hôm nào quần tụ

Gió bấc lao xao, rộn cả màu chiều

                    *

Góc nắng lệch đường quen, ngày đã mỏi

Chiều chưa tàn, đêm chưa phải là đêm

Ai lặng lẽ bước một mình trơ trọi

Đưa ngày đi trên ngọn cỏ ngọt mềm

                    *

Tiếng con bìm bịp gọi triều nước lớn

Khắc khoải chiều trên bến nước mênh mông

Lấp lóa dòng trôi, rác rều lởn vởn

Gió lộng bến sông, nghe trĩu nặng lòng …

 

 

Nắng chiều thu

 

Chiều son rỗi 

Một mình 

Ngồi vin nắng

Nỗi niềm xa 

Tím ngắt cả hoàng hôn

Chợt chiếc lá 

Rớt 

Thu vàng 

              phẳng lặng

Mà 

Sóng lòng 

Ai 

Vun đổ 

              Dập dồn …

 


Đăm đắm nhớ một bóng ngày đã cũ


Nhởn nhơ bay, mây xám vắt lưng trời

Trôi đâu mất hương chiều đương bói nụ


Đâu biết hoàng hôn lặng lẽ rơi

Ngày tháng cũ cũng không hề vương lại

Một chút tình thơ dại ngày xưa…



Một chút gió vờn qua khu vườn vắng


Tiếng chim rơi lúc lỉu trong chiều

Em hái vội chùm dâu vàng chín mọng


Quang gánh đong đầy cả quảng đường xa

Anh đứng một mình bên đường lóng ngóng

Nắng quái chiều hôm, bẫng quyện mượt mà


Lê Thanh Hùng

Bắc Bình, Bình Thuận

thanhhungmtbb@yahoo.com.vn


READ MORE - NẰM TRÊM GIƯỜNG BỆNH - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

SÔNG NƯỚC HẢI LĂNG - Bút ký của Khê Giang

 

Nhà văn Khê Giang


SÔNG NƯỚC HẢI LĂNG

Khê Giang

 

(Ý định dùng du thuyền để khám phá một vòng vùng sông nước Hải lăng đã được thai nghén từ lâu, thế nhưng do quỹ thời gian luôn eo hẹp trong mỗi lần về thăm quê nên phải đến hôm nay chúng tôi mới có dịp vác ba lô lên đường. Hành trình là một vòng tròn khép kín đi ngang qua các vùng Càng và những làng mạc hai bên bờ của bốn con sông quê hương. Khởi hành từ thôn Đông (Trường Sanh) của dòng Ô Giang hướng về Nam qua Ô Lâu đến Vĩnh Định rẽ về sông Mai Lĩnh để sau đó trở lại Ô Giang.)

 

Nắng đã lên nửa lưng sào trên bến đò ông Thược, con bến nối đôi bờ Trường Sanh - Văn Trị. Như đã hẹn trước nên chỉ dăm phút sau cuộc gọi, con đò ở bờ bên kia đang dập duềnh rẽ bến.

 

Cùng với thôn Trung và thôn Hậu nơi có dòng Ô Giang đi qua, nhưng thôn Đông là nơi duy nhất của làng Trường Sanh có cụm dân cư quần tụ bên tả ngạn của con sông với hai xóm là xóm Ngoài và xóm Trong. Bến đò ông Thược thuộc xóm Ngoài. Từ khi hạ lưu sông Ô Khê chuyển đổi dòng chảy, thôn Đông trở thành một bán đảo nên thơ với hơn nửa chu vi giáp vùng sông nước.

 

Làng Văn Quỷ

Đò xuôi về phía thượng nguồn của Ô Giang, bên kia là làng Văn Trị (nguyên xưa thuộc xứ Kẻ Văn - là một thôn của làng Văn Quỹ). Trên mặt sông, những lồng cá bè đan giăng nhấp nhô theo sóng nước, xóm chài xưa giờ đã mọc lên những ngôi nhà khang trang soi mình xuống dòng sông yên ả. Những con bến của xóm Ngoài lùi dần sau những rặng sóng rẽ hình cánh quạt từ phía đuôi thuyền.

 

Bến đò xóm Ngoài thôn Đông làng Trường Sanh

Qua khỏi thôn Đông thuyền xuôi về thôn Trung, địa phận cực nam của làng Trường Sanh, nơi tiếp giáp với cánh đồng lúa của làng Hà Lộc. Hà Lộc là ngôi làng nhỏ nằm giữa Trường Sanh và Lương Điền, ba làng này nằm trên trục đường Thiên Lý.

 

Làng Hà Lộc

Bên kia bờ, núp dưới rặng tre già rợp bóng là những ngôi nhà duyên dáng của làng Hà Lỗ. Trên từng con bến, giữa lao xao sóng nước, nhiều cô gái làng đang ngồi giặt áo cũng ngừng tay dõi theo chúng tôi với cái nhìn thân thiện.

 

Cây Da - Làng Diên Trường

Đò ngang qua Câu Nhi, ngôi làng văn vật của xứ Hải Lăng hiện ra sau những hàng cau đang rung rinh trong nắng, Ngôi làng với những danh nhân như Đệ nhị giáp Tiến sĩ Bùi Dục Tài, nhạc sỹ Trần Hoàn, nhà thư pháp Hoàng Trung, Thầy thuốc Nhân dân TS  BS Lê Chí Dũng…

 

Ngôi làng này có địa lý cư trú khá đặc biệt, ngoài phần lãnh thổ ở làng còn có những vùng đất tách biệt, đó là Câu Nhi Hòa ở bờ nam của Ô Lâu, Câu Nhi Phường ở tận Tân Lập, Hải Chánh.

 

Bên kia sông là làng Lương Điền (Kẻ Lạng), quê hương của nhà văn Nguyễn Khắc Phước, đây là một ngôi làng cổ có diện tích tương đối lớn của Quảng Trị, là vùng đất kinh phu xưa nơi chúa Nguyễn đặt bản doanh và thành lập hệ thống quân cơ nên những địa danh như Bãi Voi, Trường Ngựa, Mô Súng… vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ.

 

Đò đến ngã ba sông, bến đò Ba Bến xưa vẫn còn nhưng giờ đã ít người qua lại. Dịch về phía thượng nguồn một đoạn bên phải là bến đò Hôm Lạng, đối diện bên bờ Nam là bến đò Mỹ Xuyên, một bến đò cổ nơi tôi vẫn thường theo mẹ qua đây trong những lần về thăm quê ngoại, trên bến đò còn dấu tích nơi đặt trạm hành cung Mỹ Xuyên (triều Nguyễn) nằm trên trục đường Bắc - Nam xưa.

 

Đò rẽ trái xuôi về hạ lưu, tiếp nối ngôi làng mộc, chạm khắc Mỹ Xuyên là phần đất của Câu Nhi Hoà như đã nói ở phần trên.

 

Xuôi theo bờ Bắc (Quảng Trị), làng Văn Quỹ, trung tâm của xứ Kẻ Văn xưa hiện ra với dáng vẻ cổ kính, ngôi chùa làng trầm mặc cùng với hàng cau hiền hoà in xuống dòng sông. Bên bờ Nam, náu mình dưới hàng tre rợp bóng của làng Trạch Phổ, những con thuyền san sát nằm dựa lưng nhau, đây là một trong những làng chài có tuổi đời xưa nhất trên dòng Ô Lâu.

 

Làng Trạch Phổ

Chúng tôi tiếp tục xuôi thuyền về Ưu Điềm, quê hương của nhà phê bình lý luận Hải Triều, người nổi danh trong cuộc bút chiến: Nghệ thuật vị nghệ thuật - Nghệ thuật vị nhân sinh, những năm 30 của thế kỷ trước. Ưu Điềm còn nỗi tiếng với ngôi chùa Bà Lồi - một trong những di tích Chăm hiếm hoi còn sót lại trên vùng châu thổ sông Ô Lâu.

 

Làng Ưu Điềm

Sau bến thuyền đông đúc là ngôi chợ làng cùng tên, đây là một trong bốn ngôi chợ cổ của vùng đất Hải Lăng: chợ Kẻ Diên (Diên Sanh); chợ Quán (Trường Sanh); chợ Hôm Lạng (Lương Điền).

 

Đò tiếp tục đưa chúng tôi men dọc bờ Bắc của dòng sông, làng Hưng Nhơn hiện ra với nhiều đền đài miếu mạo lẫn khuất sau những hàng tre. Nhìn qua không ảnh, Hưng Nhơn tựa như dãi lụa xanh vắt từ bờ bắc của sông Ô lâu đến tận bờ nam của kênh Mai Lĩnh, nơi tiếp góc với Cây Da của Diên Trường - Diên Sanh.

 

Làng Hưng Nhơn

Qua Địa phận Hưng Nhơn, đò men theo những con bến của Hoà Viện, tương tự Câu Nhi (Quảng Trị), Hoà Viện (Thừa Thiên) cũng là ngôi làng có địa hình cư trú khá lạ, một nửa phần đất của làng nằm ở bờ Bắc (Quảng Trị), nửa chính còn lại nằm ở bờ Nam của sông Ô Lâu thuộc Thừa Thiên. Có lẽ đây là hệ quả của việc nắn chỉnh dòng chảy từ thời xa xưa?

 

Bên bờ Nam, sau phần đất chính của Hoà Viện, làng Vĩnh An, quê hương của nhà thơ Thanh Hải hiền hòa hiện ra sau chiếc cầu sắt bắc ngang qua con sông nhỏ, dòng hợp lưu này bắt nguồn từ những trằm cát từ Phò Trạch ở phía Nam, là ranh giới tự nhiên giữa Hoà Viện và Vĩnh An. Cùng với Trạch Phổ, Vĩnh An là một trong những ngôi làng chài xưa đẹp và thanh bình trên dòng Ô Lâu.

 

Làng Trạch Phổ

Chúng tôi rời thuyền đi bộ lên chợ Hải Hòa mua lương thực tiếp tục cho cuộc hành trình, ngôi chợ bên triền sông này hoạt động tương đối sầm uất, bày bán đầy đủ vật dụng, thực phẩm, cây trái.... Chợ nằm cuối làng Hưng Nhơn, qua khỏi chợ một đoạn là đến cổng làng An Thơ, một địa danh từng là đơn vị hành chánh cấp tổng dưới thời nhà Nguyễn, là quê hương của nhà nghiên cứu phê bình- bác sỹ Phạm Cảnh Thượng. Nghe qua từng lời trao đổi mua bán của người dân trong chợ nếu không phải là dân địa phương ít ai nghĩ nơi này là làng quê của Quảng Trị, vì tất cả mọi người ở đây đều có chất giọng của Huế, thậm chí thổ âm vùng này còn ngọt ngào thanh thoát và tròn vành rõ chữ hơn cả vùng đất kinh kỳ.

 

Chúng tôi rời ngôi chợ quê của xứ Hải Kinh xưa lúc mặt trời đã lên cao, thuyền ngang qua làng Phú Kinh với đồng ruộng thấp trũng, hoang vu, bên kia sông cánh đồng làng Vân Trình rập rờn sóng lúa. Một ngã ba sông hiện ra trước mũi thuyền, đây là hợp lưu của hai con sông Ô Lâu và Vĩnh Định trước khi nép mình qua cầu Vân Trình để đổ về Cửa Lác. Song hành theo dòng chảy, Quốc lộ 49B cũng xuôi về Nam, con đường này sau khi rời Vân Trình nó vòng vèo qua vùng đầm phá Tam Giang đến bến đò Ca Cút xuyên qua Phú Vang, Tư Hiền trước khi gặp QL1 tại đường hầm Phước Tượng.

 

Bỏ lại ngã ba sông, bỏ lại dòng Ô Lâu, thuyền rẽ trái xuôi về hướng Bắc theo dòng Vĩnh Định, đây là con sông được đào từ thời nhà Nguyễn do quan Thống chế Phan Văn Thuý chỉ huy, công trình được khởi công vào năm 1825 (Minh Mạng thứ 6). Sự kiện nầy đã được khắc trên Cửu đỉnh tại kinh thành Huế. Dòng chảy nhân tạo này ngoài mục đích kết nối hệ thống giao thông thủy trong vùng, nó còn mang nhiệm vụ quan trọng là thoát nước cho vùng Càng, vùng đất trũng sâu của huyện Hải Lăng.

 

Do không có làng mạc hai bên bờ nên đoạn sông này rất quạnh vắng, thi thoảng mới có một đôi đàn vịt đổ sắc trắng xuống dòng sông. Xa xa làng Đông Dương (Hải Dương), quê hương của nhà báo, nhà thơ Đoàn Thạch Hãn thấp thoáng hiện ra trong heo hút tầm nhìn.

 

Bên bờ Tây, vùng ruộng sâu của Yên Thơ, Phú Kinh xen lẫn giữa màu xanh ngút ngàn của lúa, những thảm cỏ hoang rồng rắn bò loang ra đến triền sông, đứng chen chúc dọc bờ là hàng đàn lau sậy đang nhấp nhổm ngụp lặn theo từng con sóng. Cảnh đẹp nhưng hoang vắng đến rợn người!

 

Đến ngã ba hói Dét, thuyền rẽ trái về kênh Mai Lĩnh, đây cũng là con sông đào trên nền một con hói có sẵn nối hai dòng Ô Giang và Cựu Vĩnh Định. Nếu đi thẳng dòng chảy sẽ xuôi về Xuân-Quy-Vĩnh (Hải Xuân, Hải Quy, Hải Vĩnh) sau đó đến Bồ Bản ngoằn ngoèo nhiều đoạn rồi hợp lưu với dòng Thạch Hãn trước khi đổ vào Cửa Việt. Song song với dòng Xuân- Quy - Vĩnh bên phải là quốc lộ 49c, con đường này nối quốc lộ 49b từ chợ Điền Hương (Thừa Thiên) chạy vắt qua các xã Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba. Nơi đây có làng Cổ Luỹ (Hải Ba) quê hương của tiến sỹ trẻ Nguyễn Đạo Thuấn, một trong những ngôi làng khoa bảng của Hải Lăng với câu phong dao lưu truyền: “Quan Cổ Luỹ/ đị Trung Đơn”. Hải Ba còn nỗi tiếng với món bánh ướt Phương Lang…thơm ngọt dẻo bùi.

 

Kế cận hai địa danh này có một ngôi làng rất nỗi tiếng với thương hiệu rượu đó là Kim Long (Hải Quế), một nơi được truyền tụng là tứ đại danh tửu của Việt Nam.

 

Thuyền rẽ trái đi về hướng tây, bên trái là vùng lúa sâu của càng Hội Điền và càng Hưng Nhơn, bên kia sông là đồng ruộng Phước Điền, Trung Đơn (Hải Thành). Ngoài nét đẹp hoang sơ thanh bình, những xóm làng ở vùng Càng Hải Lăng còn mang một hình thái cư trú đặc biệt đó là những cụm dân cư nhỏ biệt lập giữa đồng không mông quạnh, tương tự như những cù lao giữa bốn bề sông nước của vùng đất phương Nam.

 

Xa xa nhìn về phía Tây giữa màu xanh mơn man của lúa, màu thiên thanh của nền trời, nhà thờ Cây Da từ từ nhô lên với nóc giáo đường rực rỡ sắc vàng.

 

Thôn Hậu, Trường Sanh, lối về Cây Da

Cùng với nhà thờ Bến Cộ (Mỹ Chánh), Kẻ Văn (Văn Quỹ)...Cây Da là một trong những ngôi giáo đường được hình thành từ triều nhà Nguyễn trên vùng đất Hải Lăng.

 

Chúng tôi cập bến Cây Da lúc bóng nắng đã ôm tròn dưới mỗi bước chân, ngôi nhà thờ trầm mặc cổ kính soi bóng khoe mình xuống dòng sông. Nằm giữa bốn bề là những cánh đồng tít tắp, với kiến trúc cổ gotic, cùng khuôn viên rợp bóng, những lối đi mềm mại, những bậc tam cấp sải những bước chân dài trước khi nhúng chân xuống dòng chảy... sự hoà quện nầy làm cho ngôi nhà thờ như một bức tranh đa sắc: thanh bình nhưng quyến rũ, cổ kính nhưng rực rỡ lung linh...

 

Cây Da là bến đò cổ của vùng sông nước Hải Lăng, nguyên xưa vùng đất này thuộc làng Trường Sanh, giờ thuộc Diên Trường, Diên Sanh (Kẻ Diên) địa danh có tên trong bài ca dao “Mười quả trứng” một trong những bài ca dao được coi là hay nhất trong văn học truyền khẩu nước nhà.

 

Bến đò Cây Da nằm trên tuyến giao thông thủy xưa từ Triệu Phong vào Hải Lăng, là nơi sinh hoạt giao thương qua lại của các thôn làng của Diên Trường, Trường Sanh, Hưng Nhơn, Phước Điền, Hội Điền...Là địa danh trong câu chuyện huyền sử đẹp giữa chàng nho sinh xứ Nghệ và cô gái đưa đò...với những câu ca quặn lòng: “Trăm năm đành lỗi hẹn hò

cây đa bến cộ con đò khác đưa...”.

 

Sau hơn một tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, ghi hình khung cảnh đẹp mê hồn của bến nước Cây Da, chúng tôi xuống thuyền trở lại thôn Đông để khép kín một vòng hành trình trên sông nước quê hương.

Thôn Trung, làng Trường Sanh


Đây là những chiến binh trong đoàn
(Tác giả cầm máy nên không có mặt trong hình)


Chuyến du thuyền khám phá một vòng vùng sông nước Hải lăng đã kết thúc như dự định. Trong niềm vui, hạnh phúc khi được thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên thanh bình của quê hương, nhưng nhìn qua ánh mắt, tôi đọc được có cái gì như thèm thuồng như tiếc nuối. Phải chăng đó là tiếng lòng thẳm sâu của những người con khi tuổi tác đã nằm bên kia sườn dốc lần đầu được trở về với một vùng sông nước quê hương, được trở về với những ngôi làng, những địa danh mà tự ấu thơ chỉ nghe qua lời kể.


KHÊ GIANG

bslevanhuan@yahoo.com.vn

 

READ MORE - SÔNG NƯỚC HẢI LĂNG - Bút ký của Khê Giang