Đôi nhánh kỷ niệm
Trang Ly
Em đã chôn xác ve vào mùa hè năm ấy
Chôn cánh bằng lăng, những cành kỷ niệm
Xác xơ!
Nấm mồ em đã đắp
Những tro tàn kí ức bay bay
Nấm mồ xanh cỏ tự bao giờ?
Hoang vu.
Em cũng chôn trái tim em vào mùa hè năm ấy
Cái mùa hè mưa nắng thất thường
Cái mùa hè từng in dấu yêu đương
Cái mùa hè từng cuốn phăng tất cả…
Em trở về hôm nay giữa tiết trời oi ả
Lại mùa hè,
Bằng lăng lại rơi, tiếng ve lại inh ỏi
Xối vào lòng phút kỷ niệm đã qua
Khẽ nhặt bông hoa vô tình rơi rụng
Ảo ảnh nào xót lại nơi đây
Tiếng ve khóc giữa bốn bề mùa hạ
Não nề.
Trên lối cũ người và xe nườm nượp
Bóng người thấp thoáng xa mờ.
Lời bình: Châu Thạch
Nếu tôi lái xe ban ngày, thì tôi thích chạy trên con đường
bằng phẳng , hai bên là màu xanh êm ả của nhưng rặng cây. Nếu tôi đi trong đêm,
thì tôi thích đi dưới anh trăng trong veo và
tinh khiết. Và tôi ví cảm nhận của mình lúc ấy giống như cảm nhận khi đọc
bài thơ “Đôi nhánh kỷ niệm” của Trang Ly, vì nó làm cho mắt tôi, tai tôi và
tâm hồn tôi thư giản trong êm ái lạ thường. Trang Ly,Trang ly, bút hiệu thật
nhẹ nhàng và thơ cũng tinh khôi như tà áo trắng:
Em đã chôn xác ve vào múa hè năm ấy
Chôn cánh bằng lăng, những cành kỷ niệm
Xác xơ!
Ôi! Ai đã từng đi học thì kẻ ấy phải có một lần “Chôn xác
ve vào mùa hè năm ấy”, vì mấy ai mà không phải chia ly với mái trường yêu dấu.
“Chôn cánh bằng lăng” là chôn màu tím cúa tuổi học trò, là chôn những kỷ niệm
trong lưu bút ngày xanh để ra biển đời chống chèo vơi phong ba. Thế cho nên chỉ
cần đọc mấy câu thơ mở đầu lòng người đã gợn lên bao kỷ niệm thuở thanh xuân
hòa quyện trong nỗi nhớ mông lung và nỗi buồn man mác. Chữ “Xác xơ” đánh dấu
than là âm thanh nhấn xuống của cung bậc trầm, là tiếc nuối trước sự tàn héo và
sự đành lòng chôn hết xuống mộ sâu:
Nấm mồ em đã đắp
Những tro tàn ký ức bay bay
Nấm mồ xanh cỏ tự bao giờ?
Hoang vu.
“Hoang vu” bây giờ là nốt cuối của một cung trầm. Ký ức như
tro tàn bay bay, nấm mồ đã xanh cỏ tự bao giờ là biểu tương của sự lãng quên,
của cái chết lần hai, là cái chết trong lòng người đang sống. Nhưng chưa chắc,
vì nấm mồ còn nằm yên đó, tro tàn lắng xuống và cỏ xanh lên, sự hoang vu làm
đậm thêm kỷ niệm trong lòng người hoang vắng nhưng nó sẽ biến thành rừng yêu
thương, thành đại ngàn nhung nhớ khi con tim sống lại một ngày. Ngày ấy còn
chưa đến cho nên:
Em chôn trái tim em vào mùa hè năm ấy
Cái mùa hè mưa nắng thất thường
Cái mùa hè từng in dấu yêu đương
Cái mùa hè từng cuống phăng tất cả…
Yêu đương trong mùa hè và tan vỡ trong mùa hè. “Cái mùa hè
mưa nắng thất thường” không phải là thời tiết đâu, mà chính là cái mối tình kia
đã mưa nắng thất thường khiến cho tác giả tưởng mùa hè như thế. Mùa hè của
Trang Ly đã thành mùa đông có nước lũ cuống phăng tất cả, nhưng may thay em vẫn
còn giữ được trái tim mình để đem đi chôn. Thật ra không phải “em chôn trái tim
em vào mùa hè năm ấy” đâu, mà đúng ra phải hiểu rằng em đã chôn cả mùa hè vào trong trái tim em.
Trái tim em chưa ngừng đập thì mùa hè
còn sống mãi, nó nằm im trong tim mà không chết, nó lắng xuống chớ nó không bị
lãng quên. Rồi sẽ có một ngày nó thức dậy để con tim em thổn thức vô vàn:
Em trở về hôm nay giữa tiết trời oi ả
Lại mùa hè
Bằng lăng lại rơi, tiếng ve lại inh ỏi
Xối vào lòng phút kỷ niệm đã qua
Khẽ nhặt bông hoa vô tình rơi rụng
Ảo ảnh nào xót lại nơi đây
Tiếng ve khóc giữa bốn bề mùa hạ
Não nề.
Và ngày ấy đã đến, ngày tái hiện khung cảnh xưa. Bằng lăng
lại rơi, tiếng ve lại hát nhưng thực tế bây giờ đã được xem như là ảo ảnh sót
lại từ quá khứ xa xăm. Bây giờ mới chính là sự chết. Hiện tại sống động đã bị
chết trong cái nhìn người con gái và thay vào đó linh hồn quá khứ sống trong
cảnh vật hôm nay.
“Não nề” là tiếng buồn se thắt, tiếng của ve sầu vang lên
giữa “bốn bề mùa hạ” mà thật ra nó là tiếng than u uẩn bủa vây chính nội tại
lòng người. Sau chữ “não nề” bài thơ hiện ra một bức tranh vui:
Trên lối cũ người và xe nườm nượp
Bóng người thấp thoáng xa mờ
Trong bài thơ có nhiều điều nghịch lý. Em đã đắp nấm mộ, em
đã chôn trái tim, tất cả chỉ về một sự buông bỏ đoạn tuyệt với tình yêu. Vậy mà
chỉ cần nhặt lại cánh hoa Bằng Lăng ảo ảnh sót lại năm xưa thì lòng em đã thấy
tiếng ve khóc não nề. Bức tranh xe cộ nườm nượp trên con đường xưa cũng là một điều nghịch lý khác. Cảnh vui
đó lại dùng để diễn tả nỗi cô dơn của người quay lại năm nay lạc lõng trong
rừng người xa lạ.
Bút pháp của bài thơ dùng sự nghịch lý nằm trong nội tại cái
đã chôn đi, cái còn đang sống, cái thời gian đã qua va cái thời gian hiện tại,
cái không gian vui và cái không gian buồn hiện diện trong mỗi vế thơ, khiến cho
hình ảnh, ánh sáng , âm thanh đưa người đọc đi vào một khung trời có nấm mồ, có
xác xơ, có hoang vu và có não nề nhưng sao cảm khoái vẫn ngập tràn và hồn nghe
như thư thái an bình.
Tôi không biết Trang Ly là ai, làm gì, ở đâu nhưng “Đôi
nhánh kỷ niệm” là bông hoa mà tôi xem như tác giả tặng mình qua trang Đất Đứng.
Cảm ơn Trang Ly và cảm ơn web Đất Đứng Tây Ninh ./.
Châu Thạch
Email: truongvantran@hotmail.com