Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 20, 2020

TỪ KHI CÓ LOÀI NGƯỜI, TRÀ RƯỢU THƠ, TÌNH NGHĨA, BA CON - Thơ Chu Vương Miện






TỪ KHI CÓ LOÀI NGƯỜI

Nghe nhàm tai tiếng khóc
Chả mấy ai được vui
Trong ta bà thế giới
Xuất thế cũng chả cười
Nhìn xuông hồ nước lạnh
Cá nuốt nhau thường ngày
Chim trời bay mỏi cánh
Dừng chân nơi nào đây
Cái tóc là cái tội
Trọc đầu chả thảnh thơi
Đọc bài kinh sám hối
Lòng dạ những u hoài ?
Chuông từng hồi vang đổ
Gọi mãi linh hồn ai ?
Cõi tạm bao khốn khó
Thao thức mắt đêm dài
Biết thế nào chữ ngộ
Nhìn trời toàn trăng sao
Cát ơi toàn là cát
Tiền thân tự kiếp nào ?
Đường Thiên Sơn vạn nẻo
Đầu giòng tự chốn nao ?
Cội nguồn bao sông lớn
Theo nhau về biển sâu
Kiếp này hay kiếp trước
La đà tận kiếp sau ?


TRÀ RƯỢU THƠ

uống trà ngắm trăng
thưởng thức vẻ đẹp của bầu trời
làm thơ thiền
thương những vì sao đổi ngôi ?
phía nam là chòm nam tào
phía bắc là chòm bắc đẩu
phía chót cùng là ngôi sao chân vịt
thương xuyên nhấp nháy

uống rượu là uống nước mắt quê hương
vừa cay vừa đắng
vừa rát cuống họng
uống rượu vào là say
làm thơ lảo đảo
là diễn tả sự loạn cuồng
chưa tới biên giời của cõi điên ?

sau trà là rượu
sau rượu là đàn bà
từ xửa xưa tới ngày nay
anh hùng thiên hạ
chưa ai thoát qua cửa ải mỹ nhân
mà còn mặc áo mặc quần
bao nhiêu kẻ trở thành
yêng hùng hảo hán
anh hùng dân tộc cũng nhờ nhan sắc
bao nhiêu công trình nghệ thuật điêu khắc
thời thượng thời danh muôn đời
cũng nhờ những giai nhân cởi truồng
hoặc tắm hoặc ngồi
hoặc trên đầu đội bình nước
biết bao kẻ loạn thần tặc tử
qua cửa ải mỹ nhân
bị thượng mã phong lăn đùng ra thác ?

trà rượu thơ đàn bà
nguồn cội của can qua
của chiến tranh


TÌNH NGHĨA

chim xa rừng thương cây nhớ cội
người xa người quá vội người ơi ?
chẳng thà Ngô Việt đôi nơi
trách nhau chi nữa toàn lời xã giao
bậu một thuả qua Lào sang Thái
ta một thời đèo ải trú quân
hai ta sao cứ phong trần
phong đầy chướng khí, trần thì trần thân
năm mươi năm một vầng cổ độ
cơm xứ người bến cộ tiếc thay ?
trầu thì cả xứ trầu cay
mồm đâu há nôỉ noí này nói kia ?
rồi ta bậu mình chia đường nốt
bậu cứ đi còn một ta chờ
thế rồi rụi trọn giấc mơ
lại thêm chim Việt ngựa Hồ giống nhau ?
ngày xưa ngóng giang đầu xót ruột
ngày nay giờ lạnh buốt cầu treo
lạc nhau từ thủa đông triều
giờ đây chợ cột còn đeo chiền chiền
bậu chắc là Giáng Tiên bị đọa
xuống cõi trần xa cả phồn hoa
ra đi từ trẻ đến già
tha hương cầu thực “sáu ba” tới giờ
nam kha à laị giấc mơ ?


BA CON

con cò con vạc con nông
ba con cùng đói mom sông kiếm mồi
lòng tong còn nhởn nhơ bơi
còn em tắt nghỉ chờ hoài mang chôn ?
con cò con vạc con nông
ba con lóp ngóp chỉ mong đẫy diều
còn anh nói quảng nói tiều
còn em tà áo khăn điều sau lưng ?

                         Chu Vương Miện

READ MORE - TỪ KHI CÓ LOÀI NGƯỜI, TRÀ RƯỢU THƠ, TÌNH NGHĨA, BA CON - Thơ Chu Vương Miện

“TÔI CHO TÔI” THƠ VÕ THỊ NGUYÊN: NẮNG MƯA VÀ NỖI NHỚ ÊM ĐỀM! - Châu Thạch


     
                                   Nhà thơ Võ Thị Nguyên


TÔI CHO TÔI

Trời cho nắng, trời cho mưa
Tôi cho tôi nhớ ngày xưa của mình.
Ngày xưa tóc mây hoe vàng
Trắng đôi tà áo, chân ngoan đến trường.

Có ai níu giữ mùi hương
Sầu đông tim tím ngát đường tuổi hoa.
Có ai đếm bước chân thơ,
Cột từng sợi gió cho mưa thưa về.
Hạt mưa bụi, vạt tóc thề,
Nhẹ nâng guốc gỗ bên lề phố xưa.

Ngày xưa, Quảng Trị ngày xưa
Mộng đời yên ả trong mùa chiến chinh.
Đường phượng hồng, dòng sông xanh,
Hàng dương gọi gió ru tình hồn nhiên.
Bến xưa bờ cỏ non hiền,
Bước cao bước thấp... một miền tuổi thơ.

Trời cho nắng, trời cho mưa,
Tôi cho tôi nhớ... ngày xưa của mình.

                                   Võ Thị Nguyên


   
                           Nhà thơ Châu Thạch


“TÔI CHO TÔI” THƠ VÕ THỊ NGUYÊN: NẮNG MƯA VÀ NỖI NHỚ ÊM ĐỀM!
                                                                   Châu Thạch

Võ Thị Nguyên là đồng môn, là bạn facebook của tôi. Tôi chưa gặp Võ Thị Nguyên lần nào, nhưng có lẽ chúng tôi đã xem nhau là anh em thân tình.

Hồi còn nhỏ, cứ mỗi lần thấy một trái bông gòn nổ bộp trên cao và hàng ngàn cánh trắng tỏa xuống, bay phấp phới trong gió, lòng tôi lại nao nao một niềm vui, như thấy an lành trong tâm hồn. Bây giờ mỗi khi đọc thơ Võ Thị Nguyên, cảm tưởng ấy lại trở về trong tôi. Tôi gọi thơ Võ thi Nguyên là “những cánh hoa trắng, đẹp như những cánh bông màu trắng, nhẹ nhàng bay lửng lờ trong gió”

Đọc bài thơ “Tôi Cho Tôi” của Võ Thi Nguyên có lẽ ít người tâm đắc nếu chưa từng sống trong một thị xã mà chúng tôi đã sống, thị xã Quảng Tri trước ngày bão lửa năm 1972. Chiến tranh đã tàn phá thị xã thành ra bình địa. Chúng tôi thương nhớ ngôi trường đã học, thương nhớ ngôi nhà đã ở, thương nhớ con phố đã đi và thương nhớ những kỷ niệm còn trong ký ức. Thế nhưng sự thương nhớ trong thơ Võ Thị Nguyên không làm rơi nước mắt. không co thắt con tim, mà nó như một cơn gió thoảng, mang hương thơm từ qua khứ bay về, tỏa ra ngào ngạt trong không gian cao rộng. Mùi hương kỷ niệm khiến ta ngây ngất, cho tâm hồn êm đềm bay về quá khứ, như đi trong một giấc thụy du!

“Trời cho nắng trời cho mưa /Tôi cho tôi nhớ ngày xưa của mình” nghĩa là Võ Thị Nguyên nhớ về quá khứ luôn luôn, trong tất cả thời tiết và trong cả bốn mùa.
Chỉ đọc hai câu thơ nầy ta đã cảm nhận nỗi nhớ trong lòng tác giả luôn luôn có, tràn ra không gian, tỏa trong thời gian và thời tiết dầu nắng mưa hay gió bão đều trở nên đẹp tất cả vì nó đều mang hình bóng ngày xưa, phản ảnh tháng ngày qua trong quá khứ. Thế rồi:

Ngày xưa tóc mây hoe vàng
Trắng đôi tà áo, chân ngoan đến trường

“Tóc hoe vàng” vì được biết cả nhà tác giả đều có màu tóc hoe vàng. Cô nữ sinh có mái tóc hoe vàng đó học trường Nguyễn Hoàng, mặc áo trắng, đi về ngày hai buổi dưới chân bóng cổ thành. Câu thơ làm tôi nhớ đến bài thơ “Quê Hương Điêu Tàn” của Nguyễn Đức Quang có mấy câu sau đây:

“Quê Hương anh là Quảng Trị
Nhà của anh bên dòng sông Thạch Hãn
Và xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng
Ngày hai buổi đi về đường Quang Trung
Và chiều chiều trên con phố buồn hiu
Cùng người yêu anh buông lời hẹn hò”

Bây giờ nếu ta đổi nhân vật, anh thành em, thì cuốn phim ngày xưa với mái tóc hoe vàng, với áo trắng, với guốc mộc mà tác giả dựng lại trong những câu thơ sau đây thật vô cùng diễm xưa và vô cùng thắm thiết:

Có ai níu giữ mùi hương
Sầu đông tim tím ngát đường tuổi hoa.
Có ai đếm bước chân thơ,
Cột từng sợi gió cho mưa thưa về.
Hạt mưa bụi, vạt tóc thề,
Nhẹ nâng guốc gỗ bên lề phố xưa.

Tác giả hỏi “Có ai níu giữ mùi hương” nghĩa là không có ai cả, vì mùi hương là vô hình không ai giữ được. Thế nhưng khi tác giả hỏi “Có ai níu giữ thời gian” thì ta hiểu chính tác giả đã níu giữ được cả mùi hương, cả thời gian tâm lý trong tâm hồn mình nhiều năm tháng đã qua. Bởi thế tác giả tiếp tục nhắc lại những kỷ niệm của một thời đi học: Con đường có hoa sầu đông màu tím, mưa bụi, tóc thề và guốc gỗ.

Hai câu thơ “Có ai đếm bước chân thơ/Cột từng sợi gió cho mưa thưa về” cho ta hình ảnh ảnh những chàng trai lẻo đẻo theo gót chân nàng trong những buổi chiều mưa bụi trên tóc thề em. Chắc chắn chàng sẽ vái trời đừng mưa lớn để có thể theo em cho đến tận nhà. Vậy là chàng “cột gió” bằng sự van vái trong lòng mình. Chàng đi theo sau, nhìn từng sợi tóc nàng bay lất phất trên đôi bờ vai thon, trên cổ trên gáy nỏn nà, lòng mong ước gió đẩy mưa đi, để từng sợi tóc kia đừng ướt. Biết đâu trời sẽ thương chàng không mưa lớn, và chàng đã “cột được” “từng sợi gió” bằng tình yêu của mình.

Bằng sáu câu thơ súc tích ở trên, Võ Thị Nguyên đã hiển thị trong mắt ta quá khứ bằng phim đen trắng, mơ hồ mà lung linh, khiến ta cảm nhận được tất cả chính mình trong đó.

Bây giờ, qua khổ thơ tiếp, tác giả mới nói rõ địa danh, không gian, thời gian nơi mình đã sống, nơi tuổi thơ êm ái và nơi để lại cho mình nỗi nhớ êm đềm:

Ngày xưa, Quảng Trị ngày xưa
Mộng đời yên ả trong mùa chiến chinh.
Đường phượng hồng, dòng sông xanh,
Hàng dương gọi gió ru tình hồn nhiên.
Bến xưa bờ cỏ non hiền,
Bước cao bước thấp... một miền tuổi thơ.

Hai câu thơ mà tôi thích nhất trong khổ thơ nầy là hai câu “Đường phượng hồng, dòng sông xanh / Hàng dương gọi gió ru tình hồn nhiên” cho tôi nhớ lại trọn ven con đường Gia Long ngày xưa chạy dọc theo bờ sông Thạch Hãn.
Tứ thơ hay nhất trong khổ thơ nầy là tứ thơ “Mộng đời yên ả trong mùa chiến chinh”, một tứ thơ nghịch lý nhưng là sự thật mà ai cũng cảm nhận được nhưng không ai đưa vào thơ cả.

Cuối cùng nhà thơ nhấn mạnh lại bằng hai câu thơ vào bài để người đọc cảm nhận hoàn toàn nỗi nhớ thương triền miên nhưng êm ái trong lòng tác giả. Nỗi nhớ đó phát xuất từ tình yêu một quá khứ vàng son, hằng hữu trong tâm hồn, vĩnh viễn không quên:

Trời cho nắng, trời cho mưa,
Tôi cho tôi nhớ... ngày xưa của mình

Mỗi lần nhìn ảnh Võ thị Nguyên ngồi trên chiếc xe lăn, chung quanh là hoa, chung quanh là bạn bè, người thân, đồng môn, đồng nghiệp, văn thi sĩ từ phương xa về thăm, lòng tôi lại nao nao như thấy một phụ nữ ngồi giữa “Vườn trong trẻo vô biên và quyến luyến” như Hàn Mạc Tử đã nói về người thơ vậy. Mà thật thế, thơ của Võ Thị Nguyên là tiếng thơ trong trẻo vô biên và quyến xuyến vì nó phát từ con tim quyến luyến, từ tâm hồn trong trẻo và từ sự vô biên của đất trời mà thành thơ. Thơ ấy chỉ có hương của hoa thiên nhiên, chỉ có vị của mật từ loài ong tinh khiết, và cho ta thụ hưởng thanh âm êm đềm qua tiếng thơ êm ái!!!

                                                                       Châu Thạch

READ MORE - “TÔI CHO TÔI” THƠ VÕ THỊ NGUYÊN: NẮNG MƯA VÀ NỖI NHỚ ÊM ĐỀM! - Châu Thạch