Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, January 26, 2017

GỬI BẠN THƠ NGUYỄN THỊ VINH - Thơ Nguyễn Khôi

  
                       Nhà thơ Nguyễn Khôi

READ MORE - GỬI BẠN THƠ NGUYỄN THỊ VINH - Thơ Nguyễn Khôi

BÊN BỜ SÔNG - thơ Nguyễn Khắc Phước




BÊN BỜ SÔNG

Đi thong dong
Ra bờ sông
Ngó mông lung
Vào vô cùng

Mây đang trôi
Trăng đang trôi
Ngày đang vơi
Thời gian vơi

Không vấn vương
Không chán chường
Cõi vô thường
Cõi vô lường

Chiếc lá vàng
Trôi trên sông
Nó không màng
Đến thiên đàng

Ai đưa tôi
Vào vực sâu
Thả tôi rơi
Để xem chơi

Tôi đang rơi
Tôi đang bơi
Vào cõi trời
Cõi không lời

Trong nguyên sơ
Không bến bờ
Bay vô tư

Đám bụi mờ... 

         
            Nguyễn Khắc Phước

READ MORE - BÊN BỜ SÔNG - thơ Nguyễn Khắc Phước

NHÀ - Nguyễn Đức Tùng


Tác giả Nguyễn Đức Tùng


NHÀ 

Nguyễn Đức Tùng


Một người hàng xóm mới dọn vào. Đó là một người đàn ông da trắng, cao, rắn chắc, khoảng ngoài bốn mươi nhưng tóc đã bạc, hàm râu không cạo lốm đốm. Trò chuyện làm quen qua mấy bụi sơn trà, anh hỏi: đằng ấy đã ở đây bao lâu? Khi biết tôi ở một chỗ gần mười năm, anh tròn mắt ngạc nhiên: lâu thế kia à? Trong cuộc sống nhiều thay đổi hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn, người ta ít khi nào cư ngụ lâu một nơi: mười năm đối với nhiều người là lâu lắm. 

Mỗi khi về nước, tôi thường đi dọc đường Trương Minh Giảng, ghé đại học Vạn Hạnh, tức đại học Sư Phạm ngày nay, trước tôi có một người bạn gái học ở đó, hay đi trên con đường trước bệnh viện Biên Hoà, gần căn nhà quen thuộc của nàng, thấy mỗi năm hay vài năm các tên đường, tên hẻm, lại bị đổi một lần. Đổi tên xoành xoạch nhiều như thế thì trẻ em lớn lên làm sao có ký ức bền vững? Thanh niên làm sao có tuổi thơ thơ mộng? Chúng yêu nước ra sao?

Có lẽ một phần vì vậy mặc dù nhu cầu gia đình mỗi ngày một lớn, khi nhiều người cùng lúc đến thăm không có phòng riêng để ngủ, phải nằm lăn trên sàn nhà, mà bạn bè của tôi thì đông, tôi vẫn ngoan cố không chịu đổi nhà. Bạn có bao giờ nghĩ đến việc lập một danh sách những ngôi nhà mà mình đã từng sống qua?

Bảy năm đầu tiên của đời mình, ngôi nhà của cha mẹ tôi là nhà tranh vách đất sau hòa bình lập lại, chia đôi đất nước. Sau đó chúng tôi chuyển qua nhà mới khang trang hơn, cha tôi xây mất ba năm ở trên khu vườn rộng mới mua gần đó. Đổi nhà nhưng vườn vẫn giữ, tôi thường chạy qua chạy lại để hái trái cây, mùa hè suốt ngày ngồi vắt vẻo trên những cành ổi la đà trong khu vườn cũ thuở trời đất thanh bình đầu những năm sáu mươi. Vì vậy mà chẳng có nhiều thay đổi. Rồi tôi đi xa, ở trọ nơi này nơi khác. Tôi đã từng đếm và nhớ được mười hai địa chỉ khác nhau ở Việt Nam và mười địa chỉ rải rác trong tám thành phố Canada mà tôi đã từng ở, trước khi mua một ngôi nhà nhỏ bên bờ Ngũ Đại Hồ, gần khu vực một ngàn hòn đảo. Rồi lại bán nhà, sau một cuộc tình tan vỡ, cay đắng nhưng không bất ngờ, rồi lại mua nhà, rồi lại bán nhà, sau một cuộc tình tan vỡ khác, bất ngờ nhưng không cay đắng, rồi lại mua nhà. Giữa hai lần mua và bán là hai lần thuê nhà hay thuê phòng tạm trong các chung cư.

Những căn phòng và ngôi nhà tôi thuê có thể gọi là nhà được chăng? Năm 1996, suốt nửa năm trời tôi đã từng sống trong căn lều của người đi săn, cũng gọi là cabin mùa hè, bên bờ hồ, gần chân núi. Ở đó tôi đã gặp một con gấu hiện ra ngay trước mặt, sau một khúc quanh, khi chạy bộ trong rừng. Buổi sáng thức dậy trời mù sương, một con hươu nhỏ kê đầu lên cửa sổ tò mò nhìn vào mặt tôi đang ngủ. Mặt nước ngoài xa xanh biếc lăn tăn gợn sóng. Những ngày vô cùng buồn, những ngày vô cùng vui, những ngày muốn tự tử, hay muốn thay đổi thế giới, những ngày tự do với những ý tưởng trong suốt như pha lê, như ánh phản chiếu của những cây thông dưới đáy hồ lặng lẽ, tưởng vẫn còn thơm mùi trái thông tươi. Chúng đứng im lìm như những ý tưởng minh triết đã hoá thành cây cối.

Sáu tháng sau khi người hàng xóm của tôi mới dọn vào, anh ta lại dọn đi cùng với vợ và đứa con gái ba tuổi tên Natasha, một cái tên rất Nga, mặc dù cha mẹ không phải là người Nga. Tôi định bụng sẽ hỏi vì sao họ đặt cái tên đó nhưng chưa có dịp. Một hôm tôi đang đứng trong vườn sau nhìn qua nhà hàng xóm, vắng vẻ chưa có người thuê mới, ngẩn ngơ nhớ người hàng xóm nói giọng Pháp gốc Quebec vui tính mới quen đã vội chia tay, nhớ con bé Natasha nhí nhảnh, tóc hung đỏ, có cái nốt ruồi rất đậm trên má, hay trò chuyện với tôi qua hàng rào, thì một người khách lạ đến đẩy cổng xin phép vào vườn ngồi một lát. Đó là một ông già bảy mươi hay tám mươi tuổi, cao, ốm yếu, chòm râu bạc lưa thưa.

Tôi ngạc nhiên hỏi chuyện rồi miễn cưỡng mời ông vào. Ở cuối vườn sau nhà tôi có một cây sồi nhiều tuổi, cao vút tỏa bóng mát rộng lớn. Buổi sáng tinh mơ, một loài chim biết hót, lông vàng, có lẽ là họa mi, thường về đậu trên ngọn cao, hót từng tiếng gióng đôi suốt nhiều giờ, mùa hè này đến mùa hè khác. Thấp hơn, ở giữa chừng, một con chim bách thanh chuyên nhái giọng các loài chim khác. Có hôm nó nhái được cả tiếng dế kêu. Gần gốc cây, dưới thấp, đôi khi một con chim gõ kiến thoăn thoắt mổ như người thợ tận tụy công việc. Ông lão kể rằng, lúc lên mười hai tuổi chính tay ông đã trồng cây sồi này. Nay vừa đúng sáu mươi năm. Nhà cũ đã bị phá đi làm lại, đổi chủ nhiều lần, nhà mới mọc lên trên nền cũ, cây cối và cảnh vật hoàn toàn thay đổi, nhưng riêng cây sồi vẫn còn đây. Tôi cảm động, rút lui, để ông ngồi một mình sau khi mang cho ông ly nước trà nóng và một cái ghế nhỏ. 

Suốt buổi, từ cửa sổ phòng làm việc thỉnh thoảng tôi nhìn ra, người đàn ông vẫn ngồi trong bóng mờ cho đến khi hoàng hôn chập choạng. Tôi không kịp hỏi hiện nay ông ở đâu, gia đình con cái ra sao, chỉ qua câu chuyện trước đó biết rằng ông rời khỏi căn nhà mà tôi đang ở gần năm mươi năm về trước lúc tình nguyện nhập ngũ và ngay sau đó được gửi qua châu Âu tham gia trận đánh nổi tiếng ở Normandie. Và đây là lần đầu tiên ông trở lại khu vườn cũ của mình. Tôi đi xuống nhà bếp pha ấm trà mới, sắp ra dĩa một ít bánh ngọt, định bụng mời ông vào nhà nghỉ ngơi một lát. Khi tôi ra vườn, thì người khách lạ đã đi mất. Tôi nhìn quanh, trên chiếc ghế ông ngồi chỉ còn lại chiếc tách đã uống cạn và một cuốn sách không có bìa, kiểu bỏ túi, giấy vàng cũ. Đó là một cuốn tiểu thuyết tôi không biết nhan đề, không rõ tác giả là ai, vì mất cả bìa trước lẫn bìa sau. Tôi cũng không biết ông tình cờ bỏ lại hay cố tình. Cuốn sách ấy ông mua trong một hiệu sách cũ như tôi vẫn thường làm, hay nhặt được dọc đường, chẳng có giá trị gì cả mà nhiều khi chúng ta tiện tay thì cầm lên rồi bỏ lại? Hay đó là một cuốn sách quan trọng đối với cuộc đời một con người mà ông quyết định để lại bên thân cây sồi già như lời từ biệt sau cùng đối với người bạn cũ?

Một kỷ vật, một món nợ ân tình trầm trọng mà sau bao nhiêu năm đeo đẳng đến nay ông không còn cần phải mang theo nữa?

Trên trang thứ hai, ở dưới hàng chữ đề tên nhà xuất bản, có một dòng chữ bằng tay mực đã nhoè nhưng vẫn còn đọc được khá rõ ràng: cho Mary Howe thân yêu, mùa Giáng Sinh 1939.

Nguyễn Đức Tùng

READ MORE - NHÀ - Nguyễn Đức Tùng

LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG TRONG TÁC PHẨM “HUYNH ĐỆ” CỦA DƯ HOA - TS. Nguyễn Ngọc Kiên


          


LỐI NÓI  KHOA TRƯƠNG  TRONG TÁC PHẨM “HUYNH ĐỆ” CỦA DƯ HOA
                                                TS. Nguyễn Ngọc Kiên

Về tác giả Dư Hoa 
Dư Hoa sinh năm 1960. Tác phẩm của ông gồm có bốn truyện dài, sáu tập truyện ngắn, ba tập tiểu luận. Tác phẩm của ông được dịch ra hơn hai mươi ngôn ngữ. Năm 2002, ông là tác giả Hoa Lục đầu tiên được trao giải thưởng James Joyce. Truyện dài “Brothers (Anh Em)” tên tiếng Trung Quốc là “Huynh Đệ” được vào chung kết của giải thưởng Văn học Man Asian và được trao giải thưởng Prix Courrier International của Pháp. Truyện dài “To Live (Muốn Sống)” được trao giải Premio Grinzane Cavour của Ý. Truyện dài “Muốn Sống” và “Chronicle of a Blood Merchant (Nhật Ký của người Bán Máu)” được Wen Hui Bao, nhật báo lớn nhất của Thượng Hải, đánh giá là hai trong mười quyển sách có ảnh hưởng rộng lớn nhất ở Hoa Lục trong mười năm gần đây. Bản Anh ngữ của dịch giả Allan H. Barr.
Về tác giả Dư Hoa ở Việt Nam có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, có thể do lí do chính trị. Chúng tôi, những người viết bài này, không quan tâm tới những ý kến đó mà chỉ quan tâm tới giá trị của tác phẩm theo những đánh giá dưới đây.
1.Khái niệm về khoa trương
Khi cần nhấn mạnh làm nổi bật đặc trưng, tính chất của đối tượng, người ta cố tình nói quá sự thật; việc nói quá ở đây có thể là phóng to hoặc thu nhỏ đối tượng cần miêu tả. Lối  nói này được gọi là khoa trương. Khoa trương không phải là nói khoác hay nói dối để đánh lừa người nghe. Tác giả Đào Thản cho rằng, nó không làm cho người ta tin vào điều nói ra, mà chỉ cốt hướng cho ta hiểu được điều nói lên [2, tr.1].
Theo chúng tôi, khoa trương là cường điệu quy mô, tính chất, mức độ của những sự vật, hiện tượng miêu tả. Tuy nói quá nhưng vẫn phản ánh được và đúng bản chất của sự vật, hiện tượng. Khoa trương luôn mang đậm phong cách và dấu ấn của cá nhân hoặc cộng đồng sử dụng ngôn ngữ. Chẳng hạn, trong “Huynh đệ”,  Dư Hoa viết:
(1) 刘作家很高兴,酒逢知已千杯少,只要碰上了宋钢就会说个没完没了,有一次两个人在厕所里撒完尿,刘作家拉住宋钢,站在尿池旁说了两个多小时。全然不顾厕所里臭气熏天,也全然不顾坐在那里拉屎的人啊啊喊叫和哼哼低吟
(Nhà văn Lưu khoái lắm. Uống rượu gặp bạn tri kỷ, ngàn chén cũng còn ít. Chỉ cần gặp Tống Cương, là nhà văn Lưu cứ con cà con kê, nói dài nói dai, nói suốt ngày suốt buổi. Có lần, hai người ra nhà vệ sinh tiểu tiện. Tiểu tiện xong, nhà văn Lưu kéo Tống Cương đứng cạnh hố nước tiểu, nói hơn hai tiếng đồng hồ, hoàn toàn phớt lờ hơi thối trong nhà vệ sinh xông lên nồng nặc, cũng không thèm đếm xỉa gì đến tiếng động bên trong)
Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, lối nói khoa trương trong tác phẩm của Dư Hoa không phong phú như lối nói khoa trương trong tác phẩm của Mạc Ngôn. Và chúng tôi tạm phân chia khoa trương trong “Huynh Đệ” của Dư Hoa thành mấy loại như sau:
2. Phân loại khoa trương trong tác phẩm “Huynh đệ”
2.1. Phân loại khoa trương theo ý nghĩa
Căn cứ vào nghĩa, lối nói khoa trương được chia thành hai loại như sau:
 (1) Khoa trương phóng to 
Khoa trương phóng to là cố ý làm cho sự vật to ra, đem đặc trưng, số lượng, trạng thái, tính chất, đặc trưng của sự vật làm cho nhiều lên, nhanh hơn, cao lên, dài ra, mạnh hơn. Ví dụ:
(2) 李光头自问自答:“因为我们是兄弟,就是天翻地覆慨而慷了,我们还是兄弟。”
(Lý Trọc tự hỏi tự trả lời - Bởi vì chúng ta là anh em, cho dù trời sập đất lở, chúng ta vẫn là anh em)
(3) 说这个李光头就是一架B—52轰 炸机,对我们美丽的刘镇进行地毯式轰炸。我们刘镇的一些有识之士更是痛心疾首,说《三国演义》里有一个故事发生在刘镇、《西游记》里有一个半故事发生在刘 镇、《水浒传》里有两个故事发生在刘镇,现在都被李光头拆掉了。
(Họ bảo tay Lý Trọc là một chiếc máy bay ném bom B52, đã ném bom rải thảm xuống thị trấn Lưu xinh đẹp của chúng tôi. Một số người có học hành càng đau đau xót ruột: Họ bảo trong "Tam Quốc diễn nghĩa" có một câu chuyện xảy ra ở thị trấn Lưu. Trong "Tây du ký" có một nửa câu chuyện xảy ra ở thị trấn Lưu. Trong "Thuỷ hử" có hai câu chuyện xảy ra ở thị trấn Lưu. Bây giờ đều bị Lý Trọc dỡ bỏ sạch)
(4) 说李光头的良心被狗叼了,被狼吃了,被老虎嚼烂了,被狮子当屎拉出去了。
(Cô bảo lương tâm của Lý Trọc bị chó nó tha, bị sói nó xơi, bị hổ nó cắn nát, bị sư tử nó ỉa ra thành cứt)
(2) Khoa trương thu nhỏ)
Khoa trương thu nhỏ là thu nhỏ sự vật; tức là cố ý đem số lượng, đặc trưng, tác dụng, mức độ của sự vật làm cho nhỏ đi, ít đi, chậm lại, thấp đi, ngắn lại hoặc yếu đi. Ví dụ:
(5) 塔站了很长时间,夜晚静得连针掉在地上的声音都没有,后来有两只猫蹿到屋顶上。
(Đêm đã về khuya, tĩnh lặng đến mức ngay cả cái kim rơi cũng nghe thấy, sau đó có hai con mèo nhảy lên nóc nhà, chúng đuổi nhau kêu thảm thiết)
(6) 小时候看着别人打喷嚏心里十分好奇,以为鼻子也会放屁。
(Thuở nhỏ thấy người khác hắt xì hơi, trong lòng hết sức hiếu kỳ, cứ tưởng lỗ mũi cũng biết đánh rắm)
Trong tiếng Hán, những từ ngữ 芝麻 (hạt vừng),绿豆 (đậu xanh), 鸡毛 (lông gà), 蒜皮 (vỏ hành), 巴掌 (nắm tay), 屁股 (mông đít) thường được dùng để so sánh thực hiện khoa trương thu nhỏ. Chẳng hạn, người Trung Quốc hay khoa trương: 你也太爱管 闲事,芝麻大的事你都要管!(Cậu cũng thật lắm chuyện, việc bé bằng hạt vừng mà cũng xen vào). Hoặc:  这是屁股大的地方 (Đó là nơi bé bằng cái mông đít)
Tuy nhiên, trong tác phẩm “Huynh đệ”. 屁股 (mông đít) được sử dụng để khoa trương phóng to; điều đó phụ thuộc vào ngữ cảnh. Ví dụ:
(7) 他们馋得都快昏过去了,把瓜子豆子和硬糖一口气放进了嘴里,把自己的嘴巴一下子赛满了,塞得像屁股一样园鼓鼓的嘴巴都不能动了,他们才发现自己还是什么都没吃着。
(Chúng thèm đến nỗi sắp ngất đi, nhét ráo hạt dưa hạt đậu và kẹo cứng vào đầy mồm, nhét tới mức mồm căng phồng như cái mông đít, không nhai nổi, chúng mới nhận ra mình chưa ăn được gì)
(3) Phân loại khoa trương theo thời gian
Khoa trương thời gian theo trật tự nghịch là đem sự việc xuất hiện sau nói thành việc xuất hiện trước hoặc đồng thời xuất hiện. Ý nghĩa của câu là “chưa thế này thì đã thế kia” hoặc “vừa mới thế này đã thế kia”. Chẳng hạn người Hán rất hay khoa trương kiểu:  李医生给人看病,药方没开,病就好了三分 (Bác sĩ Lí khám cho bệnh nhân, đơn thuốc chưa kê bệnh đã khỏi được ba phần). Tương tự như người Việt nói “chưa ăn đã hết”, “rượu chưa uống đã say”. Tuy nhiên khi khảo sát “Huynh đệ” chúng tôi không thấy kiểu khoa trương này. Dư Hoa chỉ dùng các từ ngữ: 一会儿 / 一下 (trong chốc lát), 一转眼/ 眨眼间/ 眨眼功夫 (trong chớp mắt/ trong nháy mắt),) để khoa trương chỉ thời gian diễn ra quá nhanh. Ví dụ:
(8) 他们觉得在外面只站了一会儿,夏天的毒太阳就快把他们烤干了。
(Chúng cảm thấy chỉ đứng ở ngoài một chút xíu đã bị ánh nắng gay gắt của mùa hè hong khô) 
Ngoài ra, nhà văn còn sáng tạo ra các từ ngữ khi khoa trương kiểu này. Ví dụ:
 (9) 他们吃虾的手就像是树上伸出来的树枝那么多,也就是眨了几下眼睛,打了几个喷嚏,他们就把煎虾吃了个精光。
(Tay ăn tôm của chúng giơ ra tua tủa như cành cây, chỉ trong vài chớp mắt, mấy cái hắt xì hơi, bọn chúng đã lỉm sạch bát tôm rán)   
Trong ví dụ trên, các cụm từ “眨了几下眼睛” (trong vài nháy mắt), “打了几个喷嚏” (vài cái hắt xì hơi) là sáng tạo của Dư Hoa.
Thời gian còn có thể đảo lộn, không theo trình tự logic trước sau. Chẳng hạn, đoạn văn sau nói về tâm trạng của anh chàng Lí Trọc thất tình, anh ta mơ ước có được những người đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” để báo thù những người đã bỏ rơi mình, bất chấp cả không gian và thời gian:
(10) 他自言自语的说: “来日方长呢,谁是落水狗还难说: “老子以后弄一辆超大型永久牌,前面坐西施,后面载貂蝉,怀里抱个王昭君背上驮个杨贵妃。老子带着这古代四大美人骑上他妈的七七四十九天,从当代骑到古代去,再从古代骑到当代来,老子高兴了还要骑未来去。
(Rồi tự động viên khích lệ mình, anh ta nói sùi bọt mép: - Sau này ông sẽ sắm một chiếc xe mác Vĩnh Cửu siêu hạng, đằng trước ngồi Tây Thi, đằng sau chở Điêu Thuyền, trong lòng ôm Vương Chiêu Quân, lưng cõng Dương Qúy Phi. Đem theo “tứ đại mỹ nhân” cổ đại, đ. mẹ, ông sẽ cưỡi bảy bảy bốn mươi chín ngày, từ đương đại cưỡi đến cổ đại, lại từ cổ đại cưỡi đến đương đại, khoái quá ông còn phải cưỡi đến tương lai cho chúng mày trắng mắt ra.)
2.2. Phân loại khoa trương theo hình thức
Căn cứ vào hình thức có thể chia khoa trương thành hai loại: khoa trương trực tiếp và khoa trương gián tiếp.
(1) Khoa trương trực tiếp:
Khoa trương trực tiếp là khoa trương không sử dụng bất cứ biện pháp tu từ nào, còn được gọi là khoa trương thuần túy. Ví dụ:
(11) 刘作家趁势骂了李逵几句,说那是个有勇无谋的马大哈,浑身的肌肉都长到脑子里去了
(Nhân thể, nhà văn Lưu toang toác chửi Lý Đạt mấy câu. Anh ta bảo thằng cha ấy là chúa tể qua loa đại khái, hữu dũng vô mưu, khắp người toàn cơ bắp, nung núc những thịt là thịt, thịt mọc lấn cả vào óc.)
(12) 那时候的公共厕所和现在的不一样,现在的公共厕所里就是用潜望镜也看不见女人的屁股了。
(Nhà vệ sinh công cộng bây giờ có dùng đến kính tiềm vọng cũng chịu chết, không sao nhìn thấy mông đàn bà)
(13) 李光头心想那天桥上和街上的人实在是太多了,要是深更半夜街上和桥上都是空无一人,林红肯定会站住脚,肯定会含情脉脉地把他看了又看,把他脸上皮肉里的血管神经,一根根看进眼里,铭刻到心里去。
(Lý Trọc nghĩ, hôm ấy trên cầu và trên đường phố đông người quá. Nếu là đêm khuya thanh vắng không một bóng người, chắc chắn Lâm Hồng sẽ dừng chân, chắc chắn Lâm Hồng sẽ âu yếm nhìn kỹ mình, thu hết vào mắt, khắc vào trái tim từng sợi thần kinh, từng mạch máu trong da trong thịt, trên mặt Lý Trọc)
Trong (11), (12) và (13) đều là khoa trương trực tiếp, không sử dụng bất kì biện pháp tu từ nào khác.
(2) Khoa trương gián tiếp 
Là khoa trương phải sử dụng các biện pháp tu từ khác để thực hiện, còn được gọi là khoa trương dung hợp. Chẳng hạn:
+ so sánh có từ so sánh. Ví dụ:
(14) 读书好啊,一天不读书,比一个月不拉屎还难受。读书好啊,可以一个月不吃饭,不能一天不读书。
(Đọc sách rất tốt, một ngày không đọc sách còn khó chịu hơn một tháng không đi đại tiện. Đọc sách rất tốt, có thể một tháng không ăn cơm chứ không thể một ngày không đọc sách)
(15) 别看这两小子的嘴巴比充足了气的皮球还园,照样还能赛进去的。
(Đừng thấy mồm hai cậu bé còn tròn hơn quả bóng bơm căng hơi, vẫn còn nhét thức ăn vào được đấy)
(16) 守候在外面的李光头看到宋钢脸色惨白地跑了出来,那模样像是死里逃生
(Lý Trọc đứng chờ bên ngoài thấy Tống Cương chạy ra mặt tái mét, như trở về trong cõi chết)
(17) 那一刻宋钢突然觉得林红犹如云上的仙女.
(Trong giây phút ấy, Tống Cương đột nhiên cảm thấy Lâm Hồng như nàng tiên trong mây)
+ so sánh không có từ so sánh
(18) 花傻子被摁倒在地后,嘴里发出了屠宰场里杀猪般的喊叫“妹妹,抱抱。。。”
(Sau khi anh chàng dở hơi máu gái bị ấn ngã ra đất, mồm cứ kêu như lợn bị chọc tiết)
Trong (18), 屠宰场里杀猪般的 (lợn bị chọc tiết) là định ngữ  cho 喊叫 (tiếng  kêu).
(còn nữa)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
2. Đào Thản (1990), Lối nói phóng đại trong tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ.
3. Đinh Trọng Lạc (2005), Phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giaó dục.
4. Đinh Trọng Lạc, Nguyễn Thái Hòa (2006), Phong cách học tiếng Việt, Nxb   Giaó dục.
5. Hữu Đạt (2001), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. 黄伯荣,廖序东 (2002)“现代汉语”,高等教育出版社。
7. 王希杰 (2007)“汉语修辞学”,商务印书馆。
8.张挥之(2002)“现代汉语” 高等教育出版社。
NGUỒN TƯ LIỆU TRÍCH DẪN
       余华 - 兄弟  - 小说在线阅读- 努努书坊

READ MORE - LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG TRONG TÁC PHẨM “HUYNH ĐỆ” CỦA DƯ HOA - TS. Nguyễn Ngọc Kiên