|
Lễ tế tại đình làng Văn Quỹ |
Từ ngả ba làng Lương Điền thuộc xã Hải Sơn đi về hướng đông theo bờ sông Ô Lâu 4,2 km là làng Văn Quỹ. Đầu làng có cổng chào xây bằng bê tông cốt thép rất kiên cố và đẹp. Làng được thành lập vào thế kĩ 15 thời Hậu Lê đời Vua Lê Thánh Tông. Theo gia phả các giòng họ ghi lại, vào thời vua Hồng Đức năm thứ sáu khoảng năm 1476, riêng ở làng Văn Quỹ quý Ngài khai khẩn lập làng trước quý Ngài khai canh vào sau.
Để tri ân quý Ngài Khai khẩn và Khai canh lập ra làng Văn Quỹ, ba Ngài của họ Lê, Nguyền, Đổ truyền thống từ xưa để lại được vinh danh tôn thờ là thượng miếu hạ mộ và có các ngày huý kỵ được làng tế lễ hàng năm cùng với ba Ngài Khai Canh Trần, Ngô, Phạm.
Tại đình làng, ở giữa thờ Thành Hoàng, bên tả thờ linh vị và sắc phong ba Ngài họ Lê, họ Đổ, Họ Trần; bên Hữu thờ linh vị và săc phong ba Ngài họ Nguyễn, họ Ngô, họ Phạm. Trong những năm đệ nhất và đệ nhị cộng hoà, đình làng Văn Quỹ được vinh danh tôn thờ sáu họ và gọi là Đại Đình Công Sở vì thời lập làng chỉ có Xã Văn Quỹ, đến thời triều Nguyễn mới chia thành hai làng Văn Quỹ,Văn Trị.
Qua hai cuộc kháng chiến, hầu hết những nhà thờ họ đã bị san bằng. Sau ngày hoà bình, bà con đã che tạm tranh tre để lo hương khói và tế lễ hằng năm. Sau khi khoán 10 ra đời, mức thu nhập của bà con đã khá dần lên, ngày càng được cải thiện, thì từ đình làng đến nhà thờ họ đều được xây dựng mới, thờ tự rất khang trang. Những ngày giỗ tổ của các họ, con cháu nội ngoại tập trung về dự lễ đông đủ và trở thành ngày truyền thống. Ai đi xa cũng nhớ ngày giổ Tổ mà về. Ngày nay, con cháu của các dòng tộc ở khắp mọi miền đất nước luôn nhớ về cội nguồn, nơi chôn nhau cắt rốn, mặc dù đi làm ăn xa nhưng không quên câu "li hương bất li Tổ".
* Họ Lê tế Xuân Thủ vào ngày 21 tháng 2 và ngày chánh kị vào ngày 18-19 tháng 5 Âm lịch tại thượng miếu hạ mộ trong khuôn viên nhà thờ họ. Trong hai lần tế lễ được tuyên đọc bài Văn là Hiển Thỉ Tổ Khảo Khai khẩn bổn Thổ lập phường Kinh Triệu Quận chính trực Lê Đại Lang Khâm mông sắc phong dực bảo Trung Hưng gia tặng đoan túc linh phò Tôn Thần.
* Họ Nguyễn tế Yến Quân vào ngày 26-2 tại thượng miếu hạ mộ đầu làng Văn Quỹ và chánh kị vào ngày 16-17-tháng 8 Âm lịch.Trong bài văn tế lễ được tuyên đọc bài văn là Hiển Thỉ Tổ khảo Khai Khẩn bổn thổ Trần Lưu Quận Quả cảm Đại Tướng Quân Nguyễn Quý Công Khâm mông sắc phong dực bảo Trung Hưng gia tặng đoan túc linh phò Tôn Thần.
*Họ Đổ tế lễ Điền Bạn ở thượng miếu hạ mộ tại Đậu Cầu ngày 8-2, chánh kị ngày 12-12 tháng 8. Trong hai lần tế lễ được tuyên đọc bài văn tế là: Hiển Thỉ Tổ Khảo Khai Khẩn Đô Thái Giám Đổ Đại Lang khâm Mông sắc phong dực bảo Trung Hưng gia tặng đoan túc linh phò Tôn Thần.
*Họ Trần chánh kị ngày 16-17 tháng 4, tuyên đọc bài văn tế là Hiển Thỉ Tổ Khảo Khai Canh Dĩnh xuyên quận Trần Đại Lang Khâm Mông sắc phong Dực bảo Trung Hưng gia tặng đoan túc linh phò Tôn Thần.
*Họ Ngô chánh kị ngày mồng 5-6 tháng Chạp, tuyên đọc bài văn tế là Hiển Thỉ Tổ Khảo Khai Canh Bột Hải Quận Ngô Đại lang Khâm mông sắc phong dực bảo Trung Hưng gia tặng đoan túc linh phò Tôn Thần.
*Họ Phạm chánh kị ngày mồng 6-7 tháng 10 tuyên đọc bài văn tế Hiển Thỉ Tổ Khảo Khai Canh Cao bình quận Phạm Đại Lang Khâm mông sắc phong Dực bảo Trung Hưng gia tặng đoan túc linh phò Tôn Thần.
Một làng quê mà sử sách đã ghi lại trong cuốn Ô châu cận lục của Thượng thư triều nhà Mạc Phúc Nguyên(1547-1553). Tiến sĩ Dương Văn An người quê ở xã Tuy Lộc, huyện Lệ Thuỷ,tỉnh Quãng Bình đổ Tiến sĩ khoa đinh mùi 1547 đã viết rất rỏ về Xã Văn Quỹ. Có lẽ ngày xưa tác giả đã nhiều lần về nơi đây mới tận tường biết rỏ “Kẻ sĩ trung nghĩa Văn Quỹ thà chịu cắt tai chứ không theo giặc”. Trong những năm dưới triều chúa Nguyễn, gia phả các giòng họ trong làng đã ghi lại rất nhiều bậc làm quan thời đó. Hiện nay có 5 ngôi mộ cổ mà nhiêu nơi thường gọi là mã tàu, mả vôi được xây bằng chất liệu vôi hàu với mật có được ba ngôi tên tuổi rõ ràng, một ngôi là Quan cai hợp tên là Trần Quý Công quản lí thu thuế và cấp phát lương thuộc địa phận Quãng Nam, một ngôi là Tướng Thần Lý Tài Tử Nguyễn Văn Trung và một ngôi là Tri huyện Thái Hoà Tử Nguyễn Văn Nô, một ngôi không rõ tên tuổi, còn thêm một ngôi tên là Nguyễn Văn Thứ tướng thần thuận nghĩa tử được triều đình an táng và xây lăng mộ tại phường Câu Nhi gần nhà ông Trung. Các ngôi mộ này hầu hết còn nguyên vẹn nhưng do thời gian và biến đổi của thời tiết lũ lụt, chiến tranh bom đạn đã làm hư hỏng và hai ngôi đã bị vùi lấp khá sâu,sau lần đoàn khảo cổ thuộc viện khảo cổ miền trung về tìm hiểu và đề nghị uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Trị và được sở Văn hoá thể thao du lịch đã công nhận và cấp bằng là mộ cổ thời các chúa Nguyễn, là di tích cấp Tỉnh, hiện nay được treo tại nhà sinh hoạt văn hoá thôn.
Từ khi quý Ngài Thỉ Tổ của sáu họ vào đây khai hoang phá thạch và dựng lên xã Văn Quỹ đã trải qua hơn 5 thế kỉ. Từ những năm đầu, chắc chắn là người dân làng rất vất vả vì chưa có nhà cửa, dân cư ăn ở thưa thớt, điều kiện sinh hoạt kém và khi dịch bệnh đau yếu không có thầy lang. Nghĩ đến đây thì chúng ta biết là sự kiên trì để sinh tồn của tổ tiên mà hôm nay hậu duệ như chúng ta bây giờ được thừa hưởng ta mới hình dung là ngoài sức tưởng tượng và Tri Ân quý bậc tiền nhân đã khai khẩn lập ra làng Văn Quỹ.
Ngày nay con cháu hậu duệ của làng Văn Quỹ sinh sống trên mọi nẻo đường đất nước và nước ngoài luôn nhớ về quê hương - một làng quê rất giàu truyền thống về lịch sử và văn hoá.
Nguyễn Văn Hiền
vanquyquetoi@gmail.com