Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 16, 2021

RƯỚC EM VỀ ĐẤT QUẢNG MIỀN TRUNG - Thơ Trần Đức Phổ

 

Đồng muối ở Sa Huỳnh.
Ảnh từ ebay.vn

Rước Em Về Đất Quảng Mùa Xuân

Thơ Trần Đức Phổ

 

Em đã hứa theo anh về Quảng Ngãi

Mùa xuân này để thăm viếng quê anh

Khúc ruột miền Trung mưa dầm, nắng dãi

Nhiều gian nan nhưng rất đỗi chân thành

 

Anh sẽ dắt em về thưa cha mẹ

Thắp nén nhang kính tiên tổ tiền hiền

Xuân năm nay hẳn mẹ vui xiết kể

Anh và em son sắt mối tơ duyên

 

Đây đồng diêm Sa Huỳnh nhiều muối mặn

Thấm mồ hôi nên mới trắng phau phau

Những con thuyền ngược xuôi trong gió nắng

Giữa biển bao la xanh ngát một màu

 

Về Mộ Đức ăn mạch nha bánh tráng

Ngọt lịm môi, thơm nức nụ hôn đầu

Chiều sông Vệ thả hồn theo mây nước

Kẹo gương Thu Xà nhớ mãi dài lâu

 

Về Ba Tơ uống rượu cần đêm hội

Nghe Ka lêu, Ka choi nức tiếng H’re

Mua thổ cẩm làm quà đầu năm mới

Dạo chợ Phiên nhộn nhịp lúc xuân về

 

Về Quảng Ngãi trèo lên non Thiên Ấn

Ngắm sông Trà như dải lụa xanh trong

Thắp nén hương cúi đầu nơi Phật án

Hồn lâng lâng, thanh thản ở nơi lòng

 

Xuôi sông Thoa ta cùng về Mỹ Á

Sóng lăn tăn rẽ nước mái chèo bơi

Những cánh đồng, những vuông tôm, ao cá...

Đã nuôi anh từ lúc mới chào đời

 

Ôi, Quảng Ngãi đất quê nhà yêu dấu

Đã bao năm anh muốn rước em về

San sẻ cùng nhau tình người nồng hậu

Dẫu còn nghèo, còn lắm thứ nhiêu khê

 

tranducpho

READ MORE - RƯỚC EM VỀ ĐẤT QUẢNG MIỀN TRUNG - Thơ Trần Đức Phổ

CUNG TIỄN | CHUYỆN VDĂNG THƠ - Thơ Chu Vương Miện



CUNG TIỄN

Thơ Chu Vương Miện



2 Huynh nhà thơ Tường Linh & nhà văn Duy Lam

Vừa soạn xong bài “ai điếu” về nhà thơ Tường Linh

Cầu chúc mau về nơi “non bồng nước nhược“

Bỗng dưng chợt nhớ tới nhà văn Duy Lam

Vừa ra đi tháng trước

Mong hai Huynh về cõi vĩnh hằng ăn tết

Âm lịch

1 ngừời làm thơ & 1 ngừời viết văn

Người 89 người 90

Nhà thơ Tường Linh nguyên quán Quảng Nam

trú quán “Đồng Ông Cộ“ bên Gia Định

nhà văn Duy Lam

nguyên quán Hải Dương Cẩm Giàng

di cư vào Nam rồi qua Mỹ

2 vị sống tròm trèm gần non thế kỷ

Lưỡi nếm đủ mùi đủ vị quê hương

Uống toàn trà mộc , nụ vối , trà mạn hảo

Cà phê gạo rang o đường

Thơ văn cũng vdui & ngừơi cũng vdui

“Các cô các cậu đều rắc rối“

“cái lưới“ gia đình tôi ‘

Cái chuyện nhân gian 

Dở khóc dở cười

Dở sống dở thác

Nay cõi này mơi cõi khác?

Loạn từ phương người  loạn qua đất nước 

Hết phương đông chuyển tận phương đoài

100 chạy giặc “đánh giặc“  từng ngày

Chừ mới được xuôi tay ngơi nghỉ

Chuyện Phong Thần & Tây Du bao giờ cũng thế

Y con rồng chả thấy đầu và đuôi

Mới bước 1-2 đã hết kiếp người

Giờ ngoảnh lại lờ mờ thiên và cổ

Kẻ lên thiên thai kẻ chầu Phật tổ

Kẻ bây giờ đang đợi để đi theo?

Ôi 1 quê hương nhòm lại chán phèo



CHUYỆN VDĂNG THƠ


Thơ tiền chiến ”trong thơ có tiền“

Giai đoạn 32-45

Thơ văn quý như vàng

mấy chục nhà thơ nhà văn

từ Tống Biệt Hành đến Lỡ Bước Sang Ngang

từ Ngậm Ngùi đến Hổ Nhớ Rừng

từ Hoa Rơi Cửa Phật tới Vang Bóng Một Thời

từ Chí Phèo tới Hồn Bướm Mơ Tiên

vừa tuyệt vừa vời

thời Kháng Chiến 45-54

lai rai vài bài thơ chép tay cuả Quang Dũng 

Yên Thao  , Hữu Loan , Hoàng Cầm

Lén lén lút lút chuyền tay âm thầm

Mà đọc

Giai đoạn 54-75

Chia 2 miền đất nước

Nam và Bắc

Nhà văn nhà thơ 2 miền

đều bị động viên đi đánh giặc

thơ sau 1975

đến bây giờ

rất khó nói

mà có nói 

nói o được ?



Chu Vương Miện


READ MORE - CUNG TIỄN | CHUYỆN VDĂNG THƠ - Thơ Chu Vương Miện

QUẢNG TRỊ 1972 - Thơ Trần Lưu An (Trần Quốc Triền)

 

Nhà thơ Trần Quốc Triền

Quảng Trị 72 

Thơ Trần Lưu An

 

Phố xá nớ chừ nghe tiêu điều lắm

Xa quá rồi sao thăm được nữa đây

Trong trí tưởng đàn quạ đen lẳng lặng

Bóng nhập nhòa theo bóng nắng lắt lay.

 

Cây thôi còn để mùa thu rụng lá

Tổ mất rồi se sẻ cũng bay xa

Nhà tan hoang và người đi chốn lạ

Đêm tiếp ngày thêm những giọt đắng cay.

 

Lúa thôi vàng trong ruộng cày bằng đạn

Khoai thôi xanh luống đất tưới bằng bom

Dòng Thạch Hãn nghe trăm chiều ly tán

Nhớ nhịp chèo xưa con nước nỉ non.

 

 Người sống đó và người đã chết

Hồn tưởng chừng lạnh buốt heo may

Vẳng ai gọi tiếng sao mà tha thiết

Vẫy nhau hoài chấp chới một bàn tay.

 

Trần Lưu An

1972

READ MORE - QUẢNG TRỊ 1972 - Thơ Trần Lưu An (Trần Quốc Triền)

MỘ GIÓ - Truyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng

Nhà văn Nguyễn Đặng Mừng


Mộ Gió

Truyện ngắn                 

Nguyễn Đặng Mừng

   

Nhài ở với bà ngoại. Ba Nhài tập kết ra Bắc, mẹ Nhài đi lấy chồng. Tôi lại mồ côi mẹ từ năm hai tuổi. Có khi ba tôi đi làm cả tuần không về, gửi tôi cho ngoại Nhài. Ban ngày tôi và Nhài chơi đồ hàng, đóng vai chồng vợ, nằm ôm nhau đợi trời sáng. Nhài giả tiếng gà gáy oo...o o..., bỏ cát vào miễng sành làm cơm, hai đứa chu miệng vờ ăn chót chét, cười khúc khích. Có khi Nhài  đóng vai làm mẹ, tôi làm con. Nhài còn trật áo ra giả đò cho bú, tôi xấu hổ bỏ chạy. Tôi năm tuổi, nhỏ hơn Nhài một tuổi. Thấy Nhài đi học, tôi khóc. Ba tôi phải để tôi theo Nhài cho có bạn, còn dặn: “Từ nay con phải gọi chị Nhài. Chị Nhài nhớ chăm sóc em, học giỏi sẽ có thưởng.”   

Từ làng tôi đến làng Hội phải qua làng Đông, có ba đường đi song song. Tùy theo mùa, nam nắng người ta thường đi đường hạ bạn cho mát. Mùa rét đi đường thượng bạn cho ấm. Mùa lụt lội lại phải đi đường rú, sợ nhất là ngang qua miếu ông Dờn. Ngôi miếu cổ nằm khuất sau lùm cây, tôi chưa một lần nhìn rõ. Mỗi lần ngang qua đó tụi nhỏ cắm đầu chạy không dám nhìn vào miếu.  Người ta đồn rằng đứa nào nhìn vào miếu là bị lác mắt.       

Mùa hè, ngày đầu tôi theo Nhài đi học lớp mẫu giáo theo đường hạ bạn. Gió nam Lào thổi qua cánh đồng từ phía sau như đẩy chúng tôi tới. Nhài  bỏ tôi chạy  lúc lội qua khe, lên bờ bên kia núp vào bụi rậm, chờ đến lúc tôi mếu máo mới từ trong bụi nhảy ra hù một cái. Nhài cười vang nhe răng sún, tôi cười gượng. 

 Trường là căn nhà xây cũ lợp ngói âm dương, gọi là nhà tăng, là nơi để dọn cổ những khi cúng làng đông người, trong đình không đủ chỗ. Ba tôi nhận thầu sửa lại đình làng Hội sau mấy năm hòa bình.     

Thầy Nga có tật gù lưng, trước đây là giáo viên bình dân học vụ trong thời kháng chiến chống Pháp. Trình độ thầy cũng chỉ mới tương đương bằng tiểu học thời đó. Học trò cả mấy làng gom lại được hơn chục em. Học trò chưa ai biết chữ, tuổi tác cũng chênh lệch. Trò lớn nhất hơn mười tuổi, nhỏ nhất là tôi.    

Ngày đầu đến lớp chẳng có sách vở gì, trò nào cũng thế. Mỗi đứa có một tấm bảng đen lớn hơn tập vở một chút. Cha tôi lấy cho tôi một viên ngói liệt và xin thầy cục phấn, xong ông đi làm việc với thợ thuyền. Tôi ngồi bên Nhài không viết được chữ o, Nhài bắt tay tôi khoanh thật chậm, thành một chữ o méo mó trên tấm ngói, trong lúc chữ o tự Nhài viết trên bảng của mình tròn như quả trứng gà. Giờ ra chơi, Nhài bắt tôi ngồi trong lớp viết lại nhiều lần chữ o mà vẫn méo, Nhài cóc đầu, tôi nổi cáu ném vỡ tan viên ngói, bỏ chạy về nhà. 

Hôm sau cha tôi mua về một tấm bảng mới rất đẹp. Cha gọi tôi vào bảo: 

- Sang năm con lên năm (lớp một) rồi, rán học một năm để vào lớp năm, phải biết đọc biết viết. Kể từ hôm nay, con bỏ học một buổi là ba đánh năm roi, nghe chưa.            

Ba đèo tôi trên xe đạp đến lớp. Ba nói nhỏ to gì với thầy rồi lại xếp tôi ngồi gần Nhài. Nhài không thèm nhìn tôi, cắm cúi viết chữ a thật đẹp.Thầy đến gần tôi bảo: “Coi con gái viết chữ đẹp chưa, con trai mà thua con gái là xấu hổ lắm.” Tôi bặm môi, nghe mặt mình nóng lên. Tay phải ghì cục phấn chạy chậm từ từ trên bảng theo lời động viên của thầy. Sự tự ái và lời động viên cho tôi một chữ a đẹp không kém chữ của Nhài. Thầy nói lớn:             

-Hôm nay trò Hoan viết chữ đẹp nhất lớp, thầy thưởng hai viên phấn.             

Cả lớp nhìn về phía tôi vỗ tay, riêng Nhài ngồi im nhìn xuống chữ a của mình. Tôi xấu hổ vì chữ a của Nhài đẹp hơn.            

Trên đường về, tôi làm lành với Nhài:            

-Chữ Nhài đẹp nhất lớp.            

-Người ta có Ba, chữ mới đẹp, Nhài không có Ba, chữ đẹp cũng thành xấu.            

Cả tuần Nhài không cười đùa với tôi như trước.   

           

Qua hết mùa hè, chúng tôi đã viết được hai mươi bốn chữ cái và ghép vần, chữ đứa nào cũng đẹp. Thầy cũng không còn khen chữ ai đẹp hơn ai, tôi và Nhài cũng không khi nào so sánh.          

Nước lụt ngập hết đường bạn, chúng tôi phải đi học đường rú. Trước khi qua miếu ông Dờn, Nhài bảo: “Đưa bảng đây chị cầm cho, chị hô một.. hai… ba là chạy nghe chưa. Không được nhìn vào miếu, đui mắt ráng chịu.”  Vậy là Nhài hô một…hai…ba, chúng tôi chạy thật nhanh. Nhài chạy trước, tôi chạy sau. Nhài vấp chân té ngã trên cát, hai cái bảng văng khỏi tay. Tôi sợ quá, chạy luôn không quay lại. Mệt và sợ, tôi ngồi xuống bên bờ cỏ. Khuất sau lùm cây nghe tiếng kêu thất thanh của Nhài: “Hoan ơi, chờ với, chị chết mất.” Nghe tiếng kêu thống thiết của Nhài,  tự nhiên tôi can đảm lên, đi ngược về hướng miếu. Nhài vừa đi liêu xiêu vừa khóc. Tôi bảo: “Chị đứng đó, em chạy lui lấy bảng cho.” Tôi trở lại lấy hai tấm bảng mà không hề nghe sợ sệt. Hai đứa theo đường rú đến trường. Những ngày sau tôi nói với Nhài: “Từ nay mình đừng chạy nữa, cứ đi bình thường, hai tay nắm lại là không sợ.” Từ đó chúng tôi cứ nhìn vào miếu mà không sợ lác mắt. Rồi đến một ngày hai đứa tôi tò mò vào xem miếu thế nào: Đó là ngôi miếu rong rêu nằm khuất dưới một bụi trâm bù, cũng bình thường như những ngôi miếu cổ trong làng. Chúng tôi thường bẻ hoa sim vào cắm trên bệ thờ. Nhài lấy một bông sim kẹp lên tóc, nghiêng ngiêng đầu  hỏi  “đẹp không”, tôi bảo đẹp. Có hôm ngồi hằng giờ sau miếu ăn trái sim hoặc trái trâm bù,  lại cười vang vì miệng đứa nào cũng tím màu sim.              

Một năm học không biết bao chuyện vui buồn, khi nắng rát lúc mưa dầm, những ngày lạnh thấu xương, Nhài và tôi đi học không bỏ buổi nào.              

Vào lớp năm trường làng, chúng tôi lại học chung lớp.Tháng nào Nhài cũng đứng nhất lớp, tôi lại lẹt đẹt hạng mười là cao. Chúng tôi cứ cặp kè, ra chơi vô học khi nào cũng gần nhau. Tụi bạn hay hát trêu: “Hai cấy dôn (vợ chồng) cốn dây, mua bánh dầy cho chắc (nhau) ăn…” hoặc: “Vợ khôn chồng dại như bông hoa nhài cắm bãi phân trâu.” 

         

Ngày tết năm đó, một ngày tết thật buồn. Nhài qua nhà tôi chào ba và tôi để đi theo một người bà con lên vùng Cam Lộ. Nhài bảo ngoại không đủ sức nuôi Nhài nữa, Nhài phải giúp việc cho người ta, người ta hứa là sẽ cho Nhài đi học. Tôi và ngoại tiễn Nhài ra đến đầu cầu, hai bà cháu cùng gạt nước mắt nhìn theo cái bóng nhỏ nhắn mặc bộ đồ màu đà,  chiếc nón lá quàng sau lưng khuất vào rặng tre cuối làng Đông.      

Một năm rồi hai năm Nhài không về thăm. Ngoại Nhài khăn gói đi tìm cháu về kể trong nước mắt: Nhài trốn đi đâu cả năm rồi. Lại có người đồn rằng Nhài bị người bà con đánh lỡ tay chết rồi đem chôn phi tang. Tôi khóc mấy ngày rồi thú tội với ngoại Nhài là đã từng vào miếu ông Dờn. Ngoại Nhài làm một mâm xôi gà đội lên miếu ông  Dờn cúng. Tôi theo bà lên miếu. Bà đặt mâm cổ lên bệ thờ, thắp nhang khấn vái. Bà bảo tôi lạy bốn lạy và xin ngài cho Nhài tai qua nạn khỏi.         

Năm tôi học lớp ba, Ngoại Nhài mời thầy pháp về làm lễ Chiêu hồn nhập mộ cho Nhài. Người ta  đào một huyệt nhỏ, nhỏ như tuổi Nhài ngày ra đi.  Sau khi bỏ rễ cây dâu làm xương, chỉ ngũ sắc làm gân, đất sét làm thịt, hình hài của Nhài được chú Dằng nắn như con búp bê nhỏ xíu rồi cho vào tiểu sành. Ông thầy cúng đọc thần chú để gọi hồn Nhài về. Chú Dằng, người cầm vía đầu quấn chiếc khăn điều, nốc một ly rượu, mặt chú đỏ lên, đầu chú ngắc ngư lắc theo cây vía trong tay. Đột nhiên chú đứng dậy chỉ ngay tôi rồi cầm tay kéo tôi chạy.  Tôi chạy theo chú, băng qua những ngôi mộ, vượt qua những bụi trâm bù. Chân tôi đau điếng rớm máu vì vướng phải chồi cây. Đến gần miếu ông Dờn chú đi chậm lại, rẽ bụi cây bước đến chính diện. Chú vái bốn vái rồi ra hiệu cho tôi lạy bốn lạy. Chú không nói gì nhưng qua cử chỉ tôi biết chú bảo tôi phải tạ tội trước ông Dờn. Xong chú lại cầm tay tôi chạy băng băng về lại huyệt mộ. Ông thầy cúng vẫn ê a bài cúng chiêu hồn. Chú Dằng chỉ tôi quỳ xuống bên ông thầy, hai tay chắp trước ngực. Xong chú nói giọng lơ lớ kiểu người cõi âm: “Hoan ơi, chị nhớ em lắm. Hoan đốt cho chị một cuốn vở mới, một cây viết rồi rưới lên cho chị lọ mực tím, chị thích màu tím. Bữa nay chị học lớp ba rồi. Chị tìm ra cha chị rồi. Chị có cha rồi, không ai bắt nạt chị nữa, không ai chê chị viết chữ xấu nữa.” Tôi khóc òa lên, không còn sợ vong linh Nhài nữa. Tôi tin Nhài đang nói với tôi qua lời chú Dằng.       

Đêm đó tôi mộng thấy Nhài mặc chiếc áo trắng tinh, tay cầm cánh hoa nhài trắng muốt, thơm phức.  Đầu Nhài có đính chiếc hoa sim nhìn tôi cười nhe răng sún. Từ đó tôi hết bị ám ảnh về tội lỗi của mình. Miếu ông Dờn không đáng sợ nữa mà gần gủi thân thiện với tuổi thơ tôi và Nhài.         

Ba tôi kể: “Miếu ông Dờn hồi chống Pháp, cạnh miếu là hầm bí mật của cán bộ. Mẹ con hay bới cơm cho cậu và cha Nhài là du kích  nên mẹ biết. Họ phao tin như thế để khỏi lộ bí mật”. Nghe ba nói tôi lại tin rằng Nhài còn sống, không bị ông Dờn bắt.          

Tôi theo gia đình lên tỉnh học bậc trung học. Mỗi lần về làng thế nào tôi cũng đi thắp nhang ở mộ Nhài. Ngoại Nhài đã qua đời. Mộ hai bà cháu nằm gần nhau. Ít ai nhắc về chuyện của Nhài, riêng tôi thì không sao quên được những ngày....          

Những năm đầu bảy mươi, có lần tôi nghe bà con bàn tán là Nhài không chết, Nhài được người cha tập kết  trở về mang con theo ra Bắc, Nhài học giỏi và được đi du học. Có người lại bảo Nhài chết trên đường vượt Trường Sơn vào Nam. Năm mươi năm qua, có dịp về làng tôi lại đến bên mộ gió của Nhài thắp nhang, lòng vẫn mong Nhài vẫn sống đâu đó, ở trần gian này.                                                                               

23 tháng 5 năm 2008.

N.Đ.M.


READ MORE - MỘ GIÓ - Truyện ngắn Nguyễn Đặng Mừng

TRĂNG MÙNG BA – Thơ Trần Mai Ngân

 

 


TRĂNG MÙNG BA
 
Trăng non đêm mùng ba
Treo ngậm ngùi xuân xanh
Vương khúc tình mong manh
Hương hoa mai quyện mãi...
 
Man mác sương khói bay
Mơ hồ thoáng dáng ai
Ôm đàn gieo thương nhớ
Ôi... thiết tha cung sầu
 
Xuân đi bởi vì đâu
Lưu luyến không hỡi người
Tri âm trao nụ cười
Tuổi buồn tan trôi theo
 
Tương tư ôm nguyệt cầm
Gọi người tiếng trăm năm !
 
Trần Mai Ngân
Đêm mùng 3 tết Tân Sửu!

READ MORE - TRĂNG MÙNG BA – Thơ Trần Mai Ngân