Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, December 29, 2016

TÂY DU KÝ (tt) - Bút ký của Chế Cẩm Đình - Phần cuối: ĐÔI BỜ SÔNG MEKONG



Chế Cẩm Đình
TÂY DU KÝ (tt)

Phần cuối: ĐÔI BỜ SÔNG MEKONG


Mặt trời đánh thức tôi dậy lúc sáu giờ sáng bằng những giọt nắng tươi rót qua khung cửa sổ của phòng nghỉ ở khách sạn Lotus. Chỉ ngủ có bốn tiếng đồng hồ sau một hành trình khá dài, nên hơi mệt. Nhưng rồi lại tươi tỉnh khỏe khoắn ngay khi vừa đặt chân xuống phố.

Thành phố Cay Xỏn Phom Vi Hản lớn thứ hai đất nước này, chỉ sau thủ đô Viêng Chăn, lấy tên một lãnh tụ có bố là người Việt, mẹ người Lào, từng học ở Hà Nội về và dẫn dắt cách mạng Lào dành thắng lợi trước phái bảo hoàng. Tên cũ của thành phố là Savanakhet, xuất phát từ Savanh Nakhone có nghĩa là “thành phố thiên đường”, nằm ngay bên bờ đông của dòng sông Mekong như hầu hết các thành phố lớn khác của nước Lào.

Bầu trời trong xanh không một chút gợn mây, tỏa xuống một thứ nắng vàng hươm như mật, chỉ bên này dãy Trường Sơn mới có ánh nắng này, tựa như ở Tây Nguyên bên mình. Phố xá ban mai còn ít người qua lại, chỉ thấy hàng dãy xe hơi đời mới loại bảy chỗ và bán tải đủ hiệu đủ màu đậu dọc theo các con đường trước các ngôi biệt thự chờ chủ nhân thức dậy. Vài chiếc xám lọ (xe 3 bánh) chở mấy em đầu chỏm bận âu phục áo trắng quần xanh mực đến trường tiểu học, các anh chị lớn hơn thì phi xe máy đầu trần, vì luật giao thông Lào không bắt buộc đội mũ bảo hiểm giống bên mình.

Người Pháp quy hoạch Sa Vẳn theo mô hình đô thị ở châu Âu. Phố xá vuông vức như bàn cờ, nhà cửa thấp tầng, chủ yếu là biệt thự mới theo khuôn đất củ ngày trước để lại, trong vườn ngập cây xanh nên ngoài phố nội ô ở đây hầu như không trồng bất cứ một hàng cây nào mà cảm giác vẫn rất mát mẻ, dù đang vào mùa khô. Tiếng Pháp vẫn còn được sử dụng nhiều trên các biển hiệu hàng quán, trường học và cả công sở như là một di sản thời thuộc địa để lại. Tiếng Việt cũng có nhưng ít hơn, chủ yếu ở bến xe và chợ, dùng song song với tiếng Lào. Thỉnh thoảng gặp biển hiệu tiếng Hoa, ở các hàng ăn hoặc chổ kinh doanh nữ trang, khiêm tốn hơn so với sự có mặt đông đúc của họ nhưng âm thầm lặng lẽ làm ăn trên xứ người.

Tôi đến thăm Wat Rattanlangsi trên phố Phagnapui, một ngôi chùa Phật giáo Nam tông khá lớn được xây cất từ năm 1951 với mô típ Hindu gần giống với các ngôi chùa Khmer ở Miền Tây tôi đừng ghé thăm. Tháp cổng uy nghiêm rộng lớn với bề mặt trang trí bằng các đường diềm và hoa văn nhũ vàng điệp trùng đắp nổi trên nền xanh ngọc bích ở thân trụ hoặc nền đỏ của lan tô và tháp mái. Sân chùa rộng rãi được bao quanh bởi các tòa tháp cả cũ lẫn mới, tất thảy đều sơn son thếp vàng rất nổi bật. Chỗ này tượng rắn thần Naga lè lưỡi trừ tà, chỗ kia tượng voi trắng Airavata hiện thân tiền kiếp của đức Thích Ca Mâu Ni nhập thế từ cõi trời Đâu Suất. Đây là những chú ngựa Kantaka đứng xếp thành hàng ngang bên hông bảo điện như đang chờ hộ pháp Mahali nhảy lên xung trận, hoặc có khi đó là hóa thân của thần Hayagriva chờ chữa bệnh cho dân nghèo. Nọ cặp ghe ngo trổ dáng thuồng luồng gác hông chùa chờ mùa Bun Suanghua (tết đua ghe) để xuống con nước Mè Nạm tranh tài. Thật là một không gian vừa linh cẩn, vừa huyền diệu làm cho thần tâm người viếng chùa quán tưởng đây chính là cõi Phật ở trần thế. Vì không có nhiều thời gian nên tôi không vào chánh điện và nhà hội Sala mà chỉ khấn Phật ở các tiểu điện. Rồi bập bẹ đôi câu tiếng Lào với các chị các em đi lễ chùa ban sớm xin phước lành và thắp hương cho người thân quá cố được quàn tro trong các tháp cốt quanh chùa. Thảy đều toát lên vẻ an nhiên tự tại trong cuộc sống thanh bình và chậm rãi của người Lào, không một chút xô bồ náo nhiệt như các quốc gia khác.

Ăn sáng món phở lai hủ tiếu của ở quán ăn một gia đình người Huế lên mở xéo xéo cổng chùa, rất hợp vị, mười ngàn kíp một tô - tức khoảng hăm bảy ngàn bên mình, cũng rẻ nên khá đông khách, cả Việt lẫn Lào, với một ông Tây, chắc người Pháp. Ra một bưu cục nhỏ ở góc phố Sotthanou mua cái sim 3G giá năm chục ngàn kíp thay vào điện thoại, thế là online ầm ầm với Việt Nam ngay, vì còn là bao nhiêu công việc phải giải quyết trên email với viber đầu ngày với đồng nghiệp ở nhà.

Vì không có transit Thái (giấy phép liên vận) nên tôi vơ lấy cây gậy tự sướng nhảy xe bus chỉ với 50 bạt (chưa đến 38 ngàn tiền Việt) để qua Mukdahan, thành phố phía đông vùng Isan ngay bên dòng Mekong. Mười năm trước tôi cũng từng qua đó, bằng bến phà ngay cuối phố Khuanpasa bên này, qua bên kia là đầu đường Pracha Samakkhi của thành phố “hòn ngọc mắt thiên nga” theo Thái ngữ. Tức là hai thành phố cặp sát ĐÔI BỜ SÔNG MEKONG như tựa của phần cuối bài viết này. Thì hôm nay cầu Hữu Nghị II đã nối liền hai bên, chỉ mươi phút hành trình với thủ tục xuất nhập cảnh qua hai cửa khẩu hai đầu cầu chừng nữa tiếng là xe bus với trả khách tại bến xe trung tâm Mukdahan. Loay hoay hỏi khon cáp - bác tài “thào đạy môông lốt pay Sa Vẳn – mấy giờ xe này về lại Sa Vẳn?” thì bác trả lời “hai rưỡi!”, trời! Té ra bác là Việt kiều, ngó mình ngơ ngơ như vịt nên biết chắc là bên Việt qua, mới dặn dò thêm con đi đâu thì đi, cứ nói người ta chở về “Sa tha ni lốt – bến xe” là được.

Vào một quán cà phê kiểu Thái ngay trong bến xe gọi cốc Cappuccino cũng 50 bạt nhâm nhi ngắm người qua lại, thấy cuộc sống nơi đây cũng thanh thản chừng như ở Lào, chứ không khác nhau là mấy. Người mua vé đi Chiềng Mạy, kẻ đứng trước quầy nhà xe đi Băng Cốc hay Udon, hoặc đi Nakhone đủ cả, không thấy một chút gấp gáp nào hiện lên trên khuôn mặt nào, mà là những ánh nhìn thân thiện đến dễ chịu khi trao đổi cùng nhau. Ngay giữa nhà chờ người ta đặt một bục gỗ lớn để quàn di ảnh của Đức vua đáng kính Bhumibol Adulyadej vừa mất hồi tháng mười năm nay, với nhiều vòng hoa trắng trên nền vải đen kèm những dãi ruy băng trang trí rất trang trọng. Thi thoảng có hành khách đến thi ân với ngài, cúi đầu chắp tay mặc niệm một cách hết sức kính cẩn trước vọng thân của Đức vua.

Bước chân qua dãy xe khách loại mười sáu chỗ, tôi bất chợt lặng người khi trước táp lô xe sau tấm kính chắn gió là một nãi chuối cau, bên trên là một bó hoa thọ màu vàng – tục cúng ngày sóc vọng bằng hoa quả bên quê nhà với ở đây là một, ôi chao!

Vào một quầy tạp hóa xin tham khảo mấy món hàng tiêu dùng theo công việc, gặp chị Lệt với chị Polatthai cũng là Việt kiều thế hệ thứ ba. Ông ngoại người Điện Biên, bà ngoại người Sơn La, cả hai qua Lào lập nghiệp từ hồi năm bốn mấy, gặp nhau và nên vợ nên chồng ở Sê Nô rồi qua Thái ngụ cư sinh con đẻ cháu nơi đây. Hỏi thăm con cái các chị còn nói được tiếng Việt không, thì nói ít lắm, phai dần rồi vì không còn ai dạy chữ như lúc trước chị còn nhỏ. Cũng kể là về Việt Nam được mấy lần, nhưng lâu lắm rồi. E bây giờ khác lắm em nhỉ! Rồi các chị hỏi qua đây làm gì, sao đi có một mình. Mới nói, em qua đây chơi, vừa là tham khảo mẫu mã mấy mặt hàng mà hãng em làm việc muốn có. Hỏi đường ra siêu thị, chị Lệt nhanh nhảu chạy ra ngoài bắt ngay một xe Tuk Tuk, như xe Xám Lọ bên Lào, kêu chở tôi ra Big C, cũng giá 50 bạt. Trước khi đi hai chị chụp cùng nhau một phô hình kỷ niệm, rồi kết nối facebook với nhau như là người quen tự bao giờ mới gặp lại.

Lội một vòng quanh siêu thị, chụp mấy chục bức hình các kệ hàng hóa mà không bị ai nhắc nhỡ như ở bên mình. Xong việc đi ra sảnh mua chục bánh khọt ăn thay bữa trưa, rồi bắt Tuk Tuk đi ra chợ Trưa thăm quan mấy gian hàng. Dừng lại trước một quầy nông ngư cụ, thích thú ngắm nhìn đủ thứ món hàng gắn liền với văn minh nông nghiệp như cuốc, xẻng, mai, thuổng và cả lò đất. Ngư cụ bằng tre không thiếu thứ gì, nào lọp, đú, lờ, hom hoặc nơm cá đều đủ cả, chẳng khác gì Việt Nam. Xin chụp phô hình, tự giới thiệu là người Việt qua chơi, thì té ra chủ hàng cũng là người Việt, o Gái quê gốc Hương Trà - Thừa Thiên, cha mẹ đẻ ở bên này. Lại bắt chuyện như bà con mới gặp, hỏi han đủ điều bên nhà cuộc sống ra sao, dạo này chắc khá hơn trước? Hỏi o buôn bán làm ăn ở đây có thuận, o nói xung quanh đây người Việt cả, nên đùm bọc nhau sinh sống. Đó, trong chợ con ngó vậy chứ toàn người bên mình không hà, chỉ có hai nhà đằng kia là người Hoa thôi, mà họ cũng tha hương như mình nên cũng xem nhau như là người một nhà, chứ không phân biệt gì. O cũng kể hồi chiến tranh bà con bên này quyên góp tiền của rất nhiều gửi về giúp đỡ thân nhân, máu chảy thì ruột mềm con ạ. Rồi o kể thêm chuyện năm xưa học tiếng Việt khó khăn lắm, người ta bố ráp hoài, thầy giáo phải mở lớp dạy chùng, mà bị bắt thì phải tội đi tù. Bây giờ con cháu o thì có biết nói nhưng không đọc hay viết được, vì không còn ai dạy chữ, nên nhiều khi nghĩ đến tiếng Việt thất dần mà thương lắm con ơi, tiếng ba tiếng mạ mình để lại mà mình không giữ được!

Đến chợ Sáng cũng gần đó, vẫn là những hàng quán của đa số bà con Việt kiều mở ra làm ăn buôn bán. Mới thầm nghĩ có lẽ nghề này chỉ cần nhạy bén là được, chứ không phải học hành gì. Bởi lẽ ngày xưa khi chạy giặc qua đây, thì bà con ta cầm chừng cuộc sống qua ngày chờ hết chiến tranh lại về, nào đâu nghĩ đến học hành làm chi, với lại có biết chữ Thái đâu mà học. Chiến tranh kéo dài, hết kháng Pháp rồi đánh Mỹ, bà con ở lâu thành quê quán, lập nghiệp bằng nghề buôn bán là dễ nhất, để lại cho con cháu cũng nghề ấy mà sinh sống lâu dài.

Mukdahan là thành phố loại vừa, chỉ chừng một trăm nghìn dân, ít hơn hai mươi nghìn so với bên Phom Vi Hản, nhưng có diện tích nội ô nhỏ hơn nhiều. Vì chưng Sa Vẳn do người Pháp quy hoạch kiểu Âu châu, khác với cách thức kiến thiết lối người Anh, vốn không có nhiều diện tích như lục địa nên xây dựng chồng tầng. Trên các trục phố chính là những dãy nhà dân sinh ba bốn tầng liền kề không dứt. Lại những tòa nhà cao tầng hiện đại vút lên ở khu vực trung tâm là những công sở, ngân hàng, hay khách sạn trong khi những kiến trúc tương tự ở Phom Vi Hản chỉ hai tầng là cao. Cũng lối người Anh, giao thông bên này đi về bên trái, làm tôi suýt chết khi đi bộ băng qua đường vì cứ nhìn chiều nghịch theo thói quen ở Việt Nam, thì một chiếc bán tải phanh kịt ngay sau lưng. Hoảng hồn nhìn tài xế đang thò đầu ra nói “xin lỗi, xin lỗi”, sực nhớ đang ở đất Thái nên chắp tay cúi đầu “Khỏ thôt cáp, khon Viet, khon Viet – xin lỗi anh, em là người Việt, người Việt”. Nhận được cái gật đầu mỉm cười thông cảm rất đỗi hiền từ, lại còn vẫy tay “La con, la con cáp – tạm biệt, tạm biệt” rồi vần lái đi tiếp.

Chốc lát đã qua đầu giờ chiều. Tính xuống bến phà cũ mua ít đồ trang sức bạc cho mấy sắp nhỏ bên nhà, vì bạc Thái bền sáng, như chiếc nhẫn tôi mua hơn mười năm trước đang đeo ngón tay vẫn còn đẹp, nhưng sợ trễ giờ về nên thôi. Vẫy một chiếc Tuk Tuk dừng lại, kêu chở đi một vòng mấy con phố nữa, rồi chạy ra thẳng cửa khẩu chứ không về lại bến xe, hết trăm tư bạt, làm thủ tục xuất cảnh khỏi Thái Lan rồi mua chiếc vé xe bus thêm 50 bạt nữa, một lát thì lên xe tạm biệt đất nước Chùa Vàng. Xe qua cầu biên giới, ngắm mấy hòn cù lao xanh mướt nổi giữa dòng Mekong, được chia cho phía Lào khi hiệp định biên giới Pháp - Xiêm được ký năm xưa, như là một phần đền bù ít ỏi còn lại cho cuộc đất vùng Isan đã rời xa vĩnh viễn khỏi cố quốc Lào, mà chạnh lòng nghĩ đến quần đảo Hoàng Sa ngoài biển Đông không biết bao giờ được hồi hương về với cương vực Đại Việt ta.

Chặng xe dù rất ngắn, nhưng cũng kịp làm quen với Som, em gái người Lào qua Mục có việc. Vì tỉnh liền kề nên người Savanakhet qua Mukdahan chỉ cần sử dụng giấy thông hành thay cho hộ chiếu. Som làm việc cho Liên doanh quốc tế cầu Hữu Nghị II Lào - Thái, phân nhánh Sê Pôn. Em nói tiếng Anh trôi chảy, chứ không như tôi cứ lúng búng rứt từng từ ê ê a a như gà mắc tóc khi muốn diễn đạt một điều gì. Tôi khen người Lào cũng như người Thái rất tốt, ai cũng hiền lành dễ mến, thì em nói người Việt ở đây cũng vậy mà. À, thì ra đất lành làm nên tính cách hiền hòa của con người, chứ không phân nguồn kể gốc. Hẹn Som có dịp thì nên qua Việt Nam chơi cho biết, Việt Nam cũng đẹp lắm em à!

Xuống bến xe Cay Xỏn, vào quán làm ngay tô mì dằn bụng, chờ bạn qua đón rồi ra cây số mười hai đổ xăng chuẩn bị cho hành trình ngược lại. Người Lào rất nhanh chóng thích nghi với xu thế kinh doanh kiểu mới, trong tổ hợp cây xăng có đủ thứ dịch vụ, nào cửa hàng tiện lợi, hàng ăn fastfood và cả quán cà phê Amazon thiết kế hiện đại như phương Tây. Vào quán ngồi uống nước, gặp Thoong cũng là Việt kiều, bố mẹ gốc Hà Nội qua Pakse rồi về đây lập nghiệp. Thoong là chủ một quán bar khá lớn ở Sa Vẳn này, đang muốn cơi nới thêm diện tích để đáp ứng đủ chỗ cho khách vào mỗi dịp cuối tuần, tức là làm ăn rất ổn. Tiếng Việt của Thoong lơ lớ còn khó nghe hơn mấy chị mấy o bên Thái. Mới hỏi con em có nói được tiếng mình không? In ít thôi anh à, nghe bố nói thì nói theo, chứ mẹ mấy cháu là khon Lào, đâu có dạy được. Vả lại, trẻ con ở đây người ta cho đi học tiếng Hoa ở các trường quốc tế, cùng với Anh ngữ. Còn chữ Thái thì cứ xem tivi cả ngày là tự nhiên đọc được, khỏi phải học. Nên lớn lên chúng sẽ nói được đủ thứ tiếng cả, đi đâu làm ăn gì cũng giao tiếp được, không đâu bằng ở đây, anh xem có đúng không!

Năm giờ chiều tôi rời Phom Vi Hản, xuôi đường 9 về lại Việt Nam chỉ sau một ngày đêm với đôi bờ sông Mekong ăm ắp danh lam thắng cảnh, chùa chiền mà tôi còn chưa đến thăm được. Tám rưỡi tối đến cửa khẩu Lao Bảo, vừa kịp làm thủ tục xuất nhập cảnh vào nhà. Ngoái nhìn lại phía tây lần nữa với tấm lòng hoài cảm về một vùng đất đẹp đẽ tôi vừa đi qua. Ở đó còn rất nhiều những dòng máu Việt đang âm thầm chảy trong từng huyết quản mà luôn niệm nhớ về quê hương nguồn cội bên bờ biển Đông cố quận, nơi cha ông họ vạn bất đắc dĩ phải lìa xa lúc chiến tranh.

La con mường Thái, khỏ la pa thết Lào! Hẹn một ngày tôi sẽ lại lên thăm, sẽ đi Chiềng Mạy, sẽ về Viêng Chăn theo những lời mời thân ái từ bè bạn trên ấy. Ừ, tôi sẽ lên!


29/12/2016 - Chúc quý thân hữu năm mới tốt lành!


















READ MORE - TÂY DU KÝ (tt) - Bút ký của Chế Cẩm Đình - Phần cuối: ĐÔI BỜ SÔNG MEKONG

Chu Vương Miện - THƠ NGẮN, 8-6





THƠ NGẮN
Chu Vương Miện

mệt quá đi
đi nhiều mệt quá
mệt quá nằm
nằm nhiều mệt quá
không muốn mệt và đi?
chỉ còn cách nằm luôn


Cái tóc cái tội
Bao nhiêu tóc
bấy nhiêu tội
cạo đầu trọc lóc
vẫn đầy là tội
thôi thì
đành lội xuớng sông?


8-6
Chu Vương Miện

Thơ ta chả viết cho đời [*]
viết ra để mấy con ruồi bậu chơi
nậu xong dở khóc do cười
dở thưong dở nhớ dỏ ngườì dở ma


Tình mình đã trễ tháng 3
đồng hoang còn mất nụ hoa ven đuờng
quê ngươì rồi lại quê hưong
quê ta rồi lại quê miềng hai quê
100 năm một chuyến đi về?
(Thơ Vũ Hoàng Chương)


100 năm bia đá tan rồi
tan nơi ly tách ngườì ngồi trầm ngâm
một trăm năm một vạn năm
Con mèo con chó còn nằm thở than
trần ai chia ngả chia đuờng
âm dương hai nẻo trần hoàn hai nơi


Ta như hạt cát luân hồi
cứ lang thang cứ chuyển dơì bao năm?
nhìn lên đã khuất trăng rằm

CVM


READ MORE - Chu Vương Miện - THƠ NGẮN, 8-6

VIẾT TIẾP BÀI THƠ - Thơ Nguyễn Vĩnh Bảo

Ảnh tác giả.


VIẾT TIẾP BÀI THƠ
(Hà Nội sang đông)


“Buốt vào tay lá úa một góc hồ 
Hà Nội và em thả bước vào rêu vắng...
Anh đi rồi. Em lả vào úa lặng 
Biết còn ai thu tới để em chờ.”*


Và thấy người con gái bỗng ngẩn ngơ
Bên hồ vắng tiếng cười vào cuối phố
Hương hoa sữa níu chân căn phòng nhỏ
Đêm giao mùa hờ hững bóng trăng non


Mắt trong veo môi mềm thẫm màu son
Anh ngờ nghệch thả trôi thu theo gió
Tình hoang dại căng đầy gieo nỗi nhớ
Vạn vật quay cuồng biến loạn cả thế gian


Anh cố vốc từng giọt đêm tàn
Lời trần tục vượt khỏi thành chắn lũy
Tiếng khắc khoải bên kia đang tự thú?
Đêm cô đơn dấu vội mãi khát thèm


*Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Nghiêm
Nguyễn Vĩnh Bảo


ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
Tác giả: Nguyễn Vĩnh Bảo
Tên thật: Nguyễn Văn Thanh
Đ/C: 525/60 Đường Huỳnh Văn Bánh
P. 14 Quận Phú Nhuận T/P HCM
Email: nguyenvinhbao48@gmail.com
Đ/T: 01265577262

READ MORE - VIẾT TIẾP BÀI THƠ - Thơ Nguyễn Vĩnh Bảo

HOA LỤC BÌNH VẪN TÍM - thơ Trương Thị Thanh Tâm



HOA LỤC BÌNH VẪN TÍM
Trương Thị Thanh Tâm 
                           
Không có anh mặt trời đi trốn ngủ 
Ngày âm u mưa chợt đến chợt đi 
Gío cuối thu len bờ lá thầm thì 
Bước chân vội cô đơn về ngỏ vắng 

Không có anh hướng dương buồn đợi nắng 
Để vàng thêm từng cánh phía mặt trời 
Áo trắng ngày nào giờ đã xa xôi 
Cánh bướm bay đâu rồi?...Chưa trở lại 

Không có anh ánh mắt buồn hoang dại 
Nghe tiếng chim bìm bịp gọi đồng trên 
Mùa lúa thơm cầu tre nhỏ gập ghềnh 
Nón che nghiêng áo bà ba thấp thoáng 

Không có anh hồn nghe sao hoang vắng 
Tóc bay bay lãng đãng áng mây chiều 
Đường quen xưa trở gió lạnh liêu xiêu 
Trong nỗi nhớ mùa xuân còn vương vấn 

Ta xa nhau để quên thời lận đận 
Tuổi đam mê dừng lại giấc mơ đầu 
Chút hành trang cho hạnh phúc mai sau 
Quên hay nhớ thì cũng xa vời vợi 

Không có anh biết ai chờ ai đợi 
Bóng con đò đã khuất dạng mù u 
Cách một dòng sông, văng vẳng lời ru 
Còn nơi đây hoa lục bình vẫn tím.
                               TTTT
                               Mỹ Tho



READ MORE - HOA LỤC BÌNH VẪN TÍM - thơ Trương Thị Thanh Tâm

KHOẢNH KHẮC YÊU NGƯỜI - thơ Trúc Thanh Tâm


  



 KHOẢNH KHẮC YÊU NGƯỜI

 Ta đang sống trên muôn ngàn giả dối
 Bận lòng chi lớp người ngợm đời thường
 Nhà quyền quý và những nơi mạt rệp
 Bao trò đùa luôn vướng bận tai ương

 Nhậu chỗ kín để nhìn tình xanh đỏ
 Nhậu vỉa hè mát mẻ gió năm non
 Rượu, thuốc lá dẫu biết là chất độc
 Nhưng giết người chậm hơn những môi son

 Hai thế kỷ biết bao điều nghe thấy
 Ngồi bên em trời đất cũng quên sầu
 Rót đi em nụ cười từng ly cạn
 Nợ tang bồng đeo đẳng tới mai sau

 Đời hụt hẫng bởi quá nhiều biến cố
 Chớ viễn vông cho đậm đặc nỗi buồn
 Khoảnh khắc yêu người khó mà tìm lại
 Ân hận để rồi tóc cũng pha sương

 Năm châu bốn biển người dưng cả
 Tính toán chi cho mất nghĩa mất tình
 Hãy yêu thương cho đời thêm ý nghĩa
 Đâu phải nhúng chàm rồi mới nghe kinh

 Còn nước mắt xin một lần được khóc
 Dìu dắt nhau qua bể khổ cuộc đời
 Biết người biết ta chưa yên để sống
 Vô lý cứ hoài tồn tại, em ơi!

 TRÚC THANH TÂM

( Châu Đốc )
READ MORE - KHOẢNH KHẮC YÊU NGƯỜI - thơ Trúc Thanh Tâm

CHẶN CÁI ÁC LÊN NGÔI ! Hoàng Đằng

                  
                                    Tác giả Hoàng Đằng 



           CHẶN CÁI ÁC LÊN NGÔI !

Báo chí gần đây có loan cái tin ở phường Tân Phú, quận 9, TP. Hồ Chí Minh, mà trang BBC tiếng Việt – một tờ báo mạng nước ngoài - thuật lại, như vậy, tầm quan trọng câu chuyện trong tin đáng lo ngại.

Chuyện như thế này:
Bà Trần thị Bạch Tuyết gọi bà Hồ thị Ngọc Điệp là cô chồng. Bà Điệp vốn có chuyện bất bình về đất đai với bố chồng bà Tuyết. Dù không cùng huyết thống, bà Điệp và bà Tuyết là bà con thân; chuyện đất đai ấy không liên quan gì đến bà Tuyết.
Bà Điệp mở hàng bún để mưu sinh. Trước đây, bà Tuyết đến làm công cho bà Điệp. Từ khi có chuyện xích mích về đất đai, bà Tuyết theo lời khuyên của bố chồng, mở quán bán riêng gần quán bà Điệp. Trớ trêu là quán bà Tuyết mới mở mà khách ăn đông hơn quán bà Điệp!
Bà Điệp ghen tức, lập mưu hại. Tờ mờ sáng 25/12/2016, bà Tuyết nấu xong hàng bán, tranh thủ thời giờ ra chợ mua rau màu. Lợi dụng lúc bà Tuyết vắng mặt, bà Điệp mang gói thuốc chuột đã mua sẵn mấy ngày trước, lẻn vào quán bà Tuyết, mở nắp nồi nước lèo, đổ vào rồi trở lại ngay quán mình.
Bà Tuyết đi chợ về, xem lại hàng bán, chuẩn bị đón khách vào ăn. Bà mở nắp nồi; ngạc nhiên thay! Nước lèo bốc mùi lạ và sủi bọt trắng trên mặt bất thường; sinh nghi trong lòng, bà Tuyết qua hỏi bà Điệp:
- Cô có làm gì trong nồi nước lèo của cháu không?
Bà Điệp xẳng xái trả lời, vẻ mặt hơi biến sắc:
- Cái con này kỳ cục thật, buổi sáng mở hàng, mày nói gì lộn xộn vậy!
Bà Tuyết mở camera tự động, phát hiện hình bà Điệp giở nắp nồi, bỏ vào nồi một cái gì đó. Sợ ồn ào giữa cô và cháu, bà Tuyết không thể hỏi vặn thêm bà Điệp mà đi báo công an.


            nghi can bo thuoc chuot vao noi bun rieu cua chau dau khai gi? hinh anh 1
                Bà Hồ thị Ngọc Điệp (Ảnh mượn từ trên mạng)

Xem hình trong camera, công an bắt bà Điệp về đồn làm việc; tại đây, bà Điệp thú nhận đã bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo.

Câu chuyện chỉ là tin vặt trên báo chí, nhưng cái tầm quan trọng đối với xã hội rất lớn. Cơ quan công an cũng đánh giá như thế; cho nên, do tình bà con, do sự cầu khẩn của gia đình bà Điệp, bà Tuyết đã xin bãi nại nhưng công an không chấp thuận.
Nồi bún của bà Tuyết phục vụ bữa sáng cho khách, nghĩa là nhiều người ăn; may là bà Tuyết phát hiện nồi bún bị đầu độc và không dọn bán; nếu không thì nồi bún đã đẩy nhiều người vào tình trạng ngộ độc, nhẹ là nhập viện, nặng là tử vong. Như thế, hành vi của bà Điệp là giết người – giết người tập thể.
Viết đến đây, tôi nhớ lại, trong sử sách, tối 27/6/1908, một số bồi bếp và lính Việt Nam phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội được móc nối làm nội ứng cho nghĩa quân cụ Hoàng Hoa Thám trong phong trào kháng Pháp phục quốc của cụ Phan Bội Châu, đã cho binh sĩ Pháp ăn cà độc dược; ăn xong, một số  bị say độc, bất tỉnh lúc khoảng 20 giờ - sớm hơn giờ nghĩa quân bên ngoài lên kế hoạch tấn công vào chiếm thành là 21 giờ. Sự việc vỡ lỡ, chính quyền Pháp kịp thời trấn áp, sau đó, tuyên án tử hình 19 người: 13 người bị giết, còn 6 người chốn thoát, khiếm diện. Dù việc âm mưu giết người, nói chung, là ác, vụ Hà Thành đầu độc mang lý tưởng cao đẹp: giết giặc xâm lược để cứu nguy tổ quốc.
Đem vụ bà Điệp ra so sánh là việc không xứng và dễ mang tiếng “bất kính”; tuy nhiên, sự so sánh xin được tạm dùng để làm nổi bật tính nông nổi thiếu suy nghĩ, vô pháp luật, vô đạo đức, vô tôn giáo, vô giáo dục của hành vi bà Điệp.
Theo báo chí, bà Điệp khai với công an là hành vi của bà xuất phát từ sự bất bình về đất đai với bố chồng bà Tuyết. Kỳ cục ở chỗ là tại sao chuyện đất dai không thể đem ra giải quyết ở các tổ hoà giải cấp khu phố, cấp phường, qua dàn xếp của họ hàng thôn xóm, cùng lắm ở toà án các cấp của nhà nước. Việc bỏ thuốc chuột vào hàng bán của đứa cháu dâu sẽ không đi đến đâu hết: người trong gia đình bà Tuyết, đặc biệt bố chồng bà tuyết sẽ không bị xâm hại trực tiếp. Thế thì tại sao bà Điệp làm vậy? Bà không tin pháp luật ư? Bà Điệp đúng là mẫu người sống vô pháp luật, không tin vào sự phân xử của pháp luật, không biết thế nào là phải, thế nào là trái theo sự phán xét của bà con làng xóm. Loạn!
Bà Điệp bán hàng gần bà Tuyết mà ít khách hơn bà Tuyết thì phải tự xem lại mình. Hàng chưa ngon thì cố gắng nấu nướng chế biến ngon lên; thái độ phục vụ khách chưa tốt thì cố gắng phục vụ tốt lên; hàng bán cao giá hơn thì tìm cách hạ giá xuống; vệ sinh quán tuềnh toàng thì quan tâm để quán sạch hơn. Mọi ngành nghề trong xã hội đòi hỏi sự cạnh trạnh sinh tồn – cạnh tranh trong lương thiện. Sự cạnh tranh tạo đà cho sự tiến bộ. Trong công việc, giết người khác đi để chỉ còn lại mình với mình độc quyền không thể gọi là cạnh tranh. “Giết người đi thì ta ở với ai!” Đúng là bà Điệp không biết cách sống của một con người, nói rõ hơn có phần nào đó bà Điệp không phải là người; thế thì bà Điệp là gì nhỉ?
Mạnh Tử - một lý thuyết gia của Nho Giáo – chủ trương: “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”; con người lọt ra khỏi lòng mẹ tính vốn hiền như nhau rồi qua thời gian, do môi trường sống, do giáo dục khác nhau, mới có người vẫn còn thiện và người đã hoá ác. Hành vi của bà Điệp là hành vi ác, như thế bà Điệp trưởng thành trong môi trường sống không tốt – môi trường quá chuộng kim tiền, không còn tình người; bà Điệp thiếu giáo dục cả trong gia đình, lẫn ở trường học; còn trong cộng đồng, hàng ngày, bà Điệp bị phơi nhiễm giữa những người tàn nhẫn, vô đạo đức và bị lây nặng. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, “chọn bạn mà chơi”, những câu tục ngữ đơn sơ, nhưng mang tính giáo huấn cao!
Bà Điệp ra tay thực hiện hành vi đầu độc vào đúng ngày Giáng Sinh (25/12) – ngày mà mọi người gởi cho nhau, nói với nhau những lời chúc tốt lành nhất; chắc chắn bà không phải là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Tất cả các tôn giáo đều dạy con người làm lành tránh dữ. Tôn giáo đồng hành với pháp luật để hoàn thiện con người. Tôn giáo và pháp luật đều có tác dụng răn đe, trừng phạt những hành vi, ý nghĩ, lời nói xấu. Pháp luật nhắm đến sự răn đe, trừng phạt hữu hình; tôn giáo nhắm đến sự răn đe, trừng phạt vô hình. Đừng tưởng chỉ có cõi hữu hình mới chi phối cuộc sống con người mà quên đi cõi vô hình! Những sinh hoạt “sám hối”, “xưng tội” nhằm cảnh tỉnh con người tránh điều sai trái. Một người nào đó làm một việc gì có thể gây hại, người bên cạnh khuyên hay tự mình nghĩ lại: ”Đừng làm rứa mà tội!” Chỉ chừng đó thôi cũng đủ răn, chưa nói đến viễn cảnh tạo nghiệp, tạo duyên, lên Thiên Đường, Niết Bàn hay sa vào ngạ quỹ, súc sinh. Bà Điệp không có ý niệm gì về tôn giáo; đúng là hạng người vô tôn giáo!

Viết bài này, tôi chỉ muốn góp tiếng nói là “chận cái ác lên ngôi!”. Hy vọng rằng trong xã hội ta, hành động như bà Điệp là trường hợp hiếm có, chứ nếu không thì xã hội đã lâm nguy rồi!

                                                         Hoàng Đằng
                                                    29/12/2016 (01/12/Bính Thân)

READ MORE - CHẶN CÁI ÁC LÊN NGÔI ! Hoàng Đằng

TUỔI HỌC TRÒ - Thủy Điền


     Nói chung, thời tuổi trẻ, không ai không chút kỷ niệm tuổi học trò. Cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới còn bám chân gia đình. Và, đáng nhớ nhất là giai đoạn 16, 17, 18 đang ngồi bậc đệ nhị cấp ở nhà trường, luôn nhiều mơ, lắm mộng, yêu đương thầm kín, bộc lộ. Rồi có những cuộc tình được thành tựu và những cuộc tình dở dang. Nhưng đa số là dở dang. Bởi những rẽ ngã của cuộc đời mà dường như không ai muốn. Chính vì thế mà các nhà thơ, nhà văn hay mượn mùa Hè, mùa Phượng vĩ, mùa chia tay, con Ve sầu để diễn đạt lại những nỗi buồn ấy. Nhìn khách quan thì thấy rất đẹp, tình cảm, nhưng trong tâm đang ray rứt lòng người. Không ray rứt sao được? Khi kẻ ở, người đi và biết bao giờ trở lại.

    
Giờ chỉ còn ngồi nhìn cánh phượng
Cùng ghế buồn ngắm xác hồng rơi
Ngày sắp tàn, mỗi kẻ, mỗi nơi
Nghe buồn lắm. Phải không chim nhỏ?

Sao không hót? Đứng yên một chỗ
Chẳng một lời, chẳng chút xôn xao
Sẻ chia cùng ta chút nỗi đau
Ta là bạn ngày ngày đến lớp

Anh, anh hỡi biết bao giờ họp
Con chim trời chắc sẽ bay xa
Chỉ còn em sáng sớm, chiều tà
Nhìn phượng vĩ rưng rưng nước mắt

Ngày yêu anh, em thường hay nhắc
Sẽ một ngày ta phải xa nhau
Mà vẫn yêu, yêu cuốn, yêu nhào
Để giờ phải một mình ghế đá

Thương anh quá, thương em nhiều quá
Hai mối sầu, hai nỗi thương đau.

Qua bài thơ “Hai nỗi thương đau “ Là bằng chứng cho ta thấy cả hai đều cùng mang một tâm sự buồn giống nhau. Tuy biết trước mọi sự việc sẽ đến mà vẫn cứ chạy đuỗi theo những ước mơ kỳ vọng của mình. để rồi giờ phút chót chỉ một mình ngồi than thở và sợ sệt đủ điều. Đến cả con chim bạn hằng ngày bên trường lớp mà cũng sợ nó bay xa.

   Trong tiếc nhớ hay thường ngồi ngơ ngẩn và tự thấy mình dại dột, khi mới biết yêu cứ ngỡ tất cả những gì mình đang có trong tay sẽ lệ thuộc hết về mình, rồi đăm ra ỷ lại, hờ hợt, đòi hỏi hơi qúa đáng và luôn cứ cho mình là con gái bắt tội người tình thế nọ, thế kia. Dĩ nhiên trong sự quá đáng ấy nó hiện lên cái duyên dáng, dễ thương, đẹp đẻ của người con gái, nhưng ngược lại nó cũng làm cho người ta bị schock trong khoảnh khắc nhất định nào đó.

 


 Mùa trăng nào anh cũng bên em
Cùng tựa ghế đếm từng Sao nhỏ
Thế mà em vội quên, không nhớ
Bảo anh là lạnh nhạt, vô tâm

Để em yêu khắc khoải đêm nằm
Nhìn xuyên cửa thấy lòng cô lẻ
Nơi gác vắng đêm về lạnh tẻ
Bốn bức tường hoang vắng, lặng câm

 Em còn nhớ rằm về tay nắm
Đi lên chùa cúng phật, ngắm hoa
Thế mà em vẫn bảo, cho là
Tình hờ hửng chẳng thèm đưa đón

Để em phải mỏi mòn trông ngóng
Đợi chờ người, đêm đứng tựa song
Đếm thời gian nước mắt lưng tròng
Rồi tự trách “Em là con gái “.

     Trong văn chương người ta thường nói „Tình chỉ đẹp, khi tình dang dở „ Theo tôi tình dang dở mà bảo là đẹp, đẹp cái nỗi gì. Sở dĩ người ta thấy người khác đau khổ thì người ta an ủi vậy thôi. Tôi vốn người được rèn luyện và xuất thân từ một trường trung học Nông Lâm súc cũng là học sinh, cũng từng trải những giây phút vui buồn nơi gốc phượng. Nhưng tôi nghĩ chắc nó cũng không đến độ như những người bạn trung học phổ thông đâu, vì họ có nhiều thời giờ hơn chúng tôi. Một ngày họ chỉ học một buổi, còn lại một buổi tha hồ mà yêu đương, lãng mạn, tha hồ mà khóc lóc cho những cuộc tình chia xa. Riêng chúng tôi phải học cả ngày sáng phổ thông, chiều chuyên nghiệp. Họa chăng ! Vài ba câu qua lại trong lúc giải lao mà có thấm gì, nên cái lãng mạn ấy cũng giới hạn và những băng ghế dọc theo những hàng phượng vĩ cũng ít kẻ thẩn thờ. 

   
Tôi viết là gì tôi từng đã
Một thời tuổi trẻ, dáng thư sinh
Nhưng không áo trắng như người khác
Màu áo tôi nâu, lấm tấm sình.

Có yêu, nhưng chỉ là câm nín
Nên người đâu biết để làm duyên
Nên người đâu sợ con chim Quyển
Vỗ cánh bay xa bỏ bạn hiền.

                       Thủy Điền
                      28-12-2016

READ MORE - TUỔI HỌC TRÒ - Thủy Điền