Trạch An-Trần Hữu Hội |
Chuông điện thoại reo khi Hoàn vừa
thức giấc, định ngồi dậy.
-A lô!
Một giọng nữ gấp gáp, xúc động
- Chị Mây chết rồi anh Hoàn ơi! Vừa
đưa sáng nay, em tình cờ đi thăm con bạn mới hay tin… Chị ấy đang đi từ phòng
trà về nhà, một cậu trai đi loạng choạng, chưa đụng chị ấy, nhưng chị ấy mất
bình tỉnh thay vì giảm ga, lại tăng thêm, xe đâm vào cột điện!
-À… à.. xin lỗi, ai vậy?
-Em, Phú đây mà… Bây giờ em đang đón
xe lên, xe bus.
-Lên
đâu?
-Lên trên Ninh Sơn…
-Làm gì vậy?
-Em lên nhà! Vừa đưa đám chị ấy xong
em chạy ra xe bus ngay nè…
Hoàn ngồi mấy giây không hiểu ai
chết và ai báo tin!
-Xin lỗi, em là ai vậy ha?
-Phú
đây mà! Phú gần nhà anh, bán vật liệu đó!
-À
Phú !
Lúc này Hoàn mới hiểu, nhưng chưa biết nói gì!
-Em thấy hôm trước chị ấy cứ hỏi thăm
anh, nhờ em xin số điên thoại, nên em báo cho anh… Hôm đám cưới con em, chị ấy
lên, chờ anh, tưởng em có mời anh! Thấy chị ấy buồn mà tội!
-À, Mây, sao mà chết vậy ?!
-Chị
ấy tự tông vào cột điên! Anh cầu nguyện cho chị ấy đi, tên thánh là
Luxia!
-Anh cảm ơn Phú nhé!
Đến lúc này, Hoàn mới hiểu hết cuốc
điện thoại… Anh tắt máy ngồi thừ ra một lúc… có lẽ lát nữa rồi gọi lại. Vừa xin
lỗi đã không nhận ra Phú, và hơi bất ngờ nên hờ hững với tin buồn của một người
mà mình đã từng quen, từng thân thiết!
Hoàn
đốt một điếu thuốc, ngồi nhớ lại cuộc điên thoại sáng nay. Mây Chiều là nikname của một người bạn tên là
Phan Thị Loan. Một số bạn quen từ lâu thì biết cái tên thật này. Gần 15 năm trở
lại đây, Loan luôn giới thiệu tên mình là Mây.
****
Có lẻ cũng đã gần ba mươi năm. Sau
chuyến vượt biển ở Phan Thiết không thành, Hoàn không bị bắt vì bể từ khi chưa
xuống bãi. Trở về nhà trên chuyến xe, anh
tình cờ gặp Loan. Lúc ấy là kế toán của một trường Trung Học ở Phan Thiết.
Tránh đi xe Phan Thiết-Phan Rang, gần
trưa, anh đón được một chiếc xe khách Sài gòn-Nha Trang. Vừa lên xe một quãng
chưa ra khỏi Phan Thiết, xe ngừng ăn cơm! Anh xuống đứng bên lề đường ngoài
quán ăn một quãng… tránh gặp người quen. Áng chừng thời gian ăn đã xong, Hoàn
quay lại nhưng xe vẫn chưa chạy, anh đứng dựa vào thân chiếc xe tránh nắng,
nhưng cái nắng giữa trưa không đổ bóng phía nào. Một cô gái có lẽ cũng không ăn
trưa, đang đứng đó, tờ báo che trên đầu… Hoàn mỉm cười và cô ấy gật đầu cười
lại. Tờ báo được banh rộng ra thêm, tạm đủ che hai người. Lên xe, Loan đổi chỗ
cho một hành khách, hai người ngồi bên nhau.
Một cô gái gốc Huế, sinh ở Phan Rang.
Sau khi cùng xuống Phan Rang, Hoàn
về nhà mình ở Ninh Sơn và gần như không nhớ gì chuyến xe và cô gái tên Loan.
Nhưng hai ngày sau, cô ấy vào ngay nhà khi Hoàn vừa đi rẫy về, chuẩn bị tắm.
Trên tay có một túi Thanh Long và chiếc túi xách nhỏ mang trên vai.
Có lẻ những bản nhạc hát cùng nhau,
cùng bạn bè của Hoàn, làm tình cảm của Loan thêm thân thiết. Với anh, Hoàn thấy
mến cái gàn gàn có vẻ bất cần, thêm chút thông minh… trong con người ấy. Nhà
anh luôn có bạn, nhạc vàng bị cấm nhưng cũng vẫn được bạn bè của Hoàn hát hằng
đêm với dăm ba xị rượu… Sau đó Loan vào ngủ với mẹ anh, còn anh, nằm sắp lớp
với đám bạn ở nền nhà… Loan ở lại bốn ngày tại nhà Hoàn, những ngày vào suối
cùng bạn bè vẫn không làm Hoàn thêm chút tình cảm nào! Chỉ lúc đưa Loan lên xe,
anh mới có chút bồi hồi khi bắt gặp ánh mắt nhìn buồn bã của Loan, Hoàn nhận ra
Loan khá đẹp!
Rồi không gặp lại nhau đến chừng
sáu, bảy năm.
****
-Anh Hoàn!
-Loan! Em làm gì đây?
-Em chờ tàu vào Sài gòn, còn anh?
Chen vào chỗ Loan vừa nhích ra,
cơn mưa bất ngờ làm nhà ga thêm chật chội, hành khách chen chúc nhau dưới hàng
hiên.
-Anh cũng vào Sài Gòn.
-Lâu nay anh làm gì?
-Anh cũng chỉ ở trên đó thôi, có
đi tù gần ba năm.
-Anh chưa lấy vợ à?
-Chưa, còn Loan?
-Em lấy chồng rồi…
-À, anh ấy làm gì vậy Loan?
-Lái máy ủi cho công trường thủy
lợi anh à.
-Tốt lắm, có công ăn việc làm như
thế thì ổn định và hạnh phúc lắm rồi…
Lạc, một người bạn của Hoàn đang
đi vào ga, Hoàn gọi bạn, rồi chào Loan. Hoàn tới bên Lạc, cả hai tìm quán ngồi
chờ…Vào đến Sài Gòn, anh tìm Loan chào tạm biệt, nhưng đông đúc, chen lấn quá
không tài nào tìm được.
Và rồi anh lập gia đình.
Năm tháng trôi dần trong cuộc mưu
sinh vất vã. Một lần về thị xã Phan Rang
rữa ảnh. Chỗ anh ở không cho phép đặt máy rọi, các thợ ảnh phải về cửa
hàng nhiếp ảnh Quốc Doanh ở thị xã để
phóng hình, vì xe cộ khó khăn, nên Hoàn phải ở lại…
Anh gặp lại Loan. Sau một lúc
chuyện trò, Loan mời Hoàn về nhà chơi. Nghe Loan có nhà riêng ở thị xã, anh
cũng mừng thầm cho cô ấy. Khi về đến nơi, mới biết là anh chồng đã bỏ mẹ con
Loan, hơn một năm rồi. Loan sống với đứa con trai mà không cần biết anh ấy đi
nơi nào!
Từ chối ở lại, lấy cớ là phải về
cửa hàng rọi ảnh trong đêm để sáng mai còn sấy khô, cho kịp lên lại Ninh Sơn,
thời này mọi khâu tráng rọi ảnh còn thủ công và vất vã … Loan nhìn anh không
nói gì, mắt buồn rầu làm Hoàn lúng túng, chào nhanh rồi đi ra ngõ.
Lúc này đã chuyển qua hình màu,
trong nhà lại mở thêm kinh doanh
internet, bán băng đĩa nhạc…Hoàn thường xuyên
xuống thị xã để làm hình ở Lab, lấy hàng… Cuộc sống cũng không khá hơn
là bao. Một gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con, thu nhập cũng đắp đổi… Mỗi
lần đi như thế, anh thường mua vài tấm vé số cầu may…
Hoàn vừa chạy xe vào thị xã vừa tìm
người bán vé số... Anh dừng lại sát một người bán vé số đi bộ bên đường.
-Cho tôi mấy tấm vé .
-Anh mua mấy tấm… Ôi, anh Hoàn !
Loan lặng đi một giây rồi những
giọt nước mắt buồn tủi thay nhau lăn trên má !
Hoàn nhìn lại, Loan đang mang thai,
chắc cũng đã vài tháng!
-Anh ấy về lại rồi ư?
-Với một người khác, nhưng cũng đã
bỏ Loan!
Hoàn im lặng không nói, một cái gì đó
như lòng thương cảm dâng lên, cồm cộm trong lồng ngực!
-Vào quán kia đi, mình nói chuyện
một lúc!
Loan lau nước mắt, ngoan ngoãn theo
anh vào quán…
Loan hỏi anh có thường lên mạng
không, anh nói thỉnh thoảng, nhà có kinh doanh internet. Loan xin nikname của
Hoàn và ghi nikname: Maychieu57@yahoo.com
Hoàn lấy cho mình năm tấm vé, lấy
thêm năm tấm dúi vào tay Loan.
Anh nhớ cũng có vài lần Loan nhắn
tin, nhưng đa số là không trùng thời gian có anh trên mạng, Hoàn trả lời tin
nhắn, rồi phải lo quán xuyến mấy cái máy dở hơi vì… mua với giá rẻ!
***
Cơn đột quỵ làm Hoàn liệt nữa người!
Ở vào tuổi năm mươi bảy, Hoàn tuyệt vọng và buồn rầu! May có những lời an ủi
của mọi người mà bớt đi phiền muộn! – Không chết là may, còn minh mẫn mà nhìn
con cái cũng hạnh phúc lắm rồi!
Những lần tái khám và điều trị thường
xuyên làm Hoàn mệt mỏi. Hơn một năn nay, anh tạm phục hồi chút sinh lực.
Một buổi chiều, anh nghe điện thoại
reo :
-Xin lỗi, có phải máy của anh Hoàn không ạ?
-Vâng, tôi Hoàn đây. Cô là ai ?
-Anh Hoàn! Em, Loan đây anh Hoàn.
Nghe anh bị đột quy, em muốn lên thăm quá nhưng ngại, nhờ mãi mới lấy được số
điên thoại của anh!
-À, Loan! Em thế nào ?
-Em đang làm quản lý cho phòng trà
Giai Điệu. Lúc nào cũng nhớ anh với bản “Em tôi” của Lê Trạch Lựu!
- Giờ anh còn hát hò gì nữa đâu!
Thực ra, thỉnh thoảng các con và vợ
Hoàn, vẫn thường đến các phòng trà ở Sài Gòn trong những lần đi tái khám, hát
Karaoke trong nhà cho anh vui! Anh vẫn hát được những bản nhạc yêu thích, trong
đó, có khi là “Em tôi”.
-Phòng trà có tổ chức hát với nhau,
đông khách lắm, có mấy người trên đó xuống chơi hoài. Em mời anh xuống một lần
cho vui được không?
-Khó khăn lắm Loan à… Anh dường như
rất khó đi xa nhà.
-Em mời luôn cả chị, về đây em lo
mọi chuyện… anh nên đi xe bus.
Những cuộc gọi thường hơn, Loan cũng
an ủi anh và muốn anh vui! Hoàn luôn từ chối vì thấy khó khăn và bất tiện. Có
một hôm:
- Mười bốn tháng Tư này là sinh nhật
em! Em tổ chức tại “Giai Điệu”. Em cho taxi lên đón anh được không? Nếu anh
không muốn ở lại thì xe đưa anh lên lại sau tiệc luôn. Có anh Lân bạn anh cùng
đang ngồi đây, anh nói chuyện chút nhé.
-A Lô, Lân đây, Hoàn nhớ mình không
? Lân dạy trường Lâm Sơn ngày nào đây mà!
Trong đầu Hoàn lướt nhanh qua những
gương mặt người quen cũ, Anh nhớ ra Lân, giáo viên thời bao cấp, có đôi mắt lồi
lém lĩnh.
-Nhớ, mình nhớ rồi, Lân còn dạy
không?
-Hưu rồi ông ạ, nghe Loan nói Hoàn bị
bệnh… Hai anh em định rủ nhau lên thăm mấy lần mà chưa đi được, hay sẵn dịp này
về chơi một chuyến đi. Loan nó mong ông lắm!
-Để xem lại, nhưng cũng khó khăn lắm
Lân ạ.
***
Hoàn không dự được sinh nhật Loan, anh
cũng buồn. Hôm trước sinh nhật một ngày, anh báo tin . Loan nói thật nhẹ vào
máy:
-Em vẫn hy vọng phút chót có anh.
Loan tắt máy.
Hai ngày sau sinh nhật, Loan điên
thoại :
-Em và anh Lân đang ngồi quán cà phê gần nhà anh. Anh qua được không? Anh Lân qua
chở nhé.
-Thôi được, con gái anh chở anh qua,
khỏi phiền Lân, chờ nhé.
Lân và Hoàn cũng đã quá lâu không gặp.
Huyên thuyên chuyện trò, thỉnh thoảng anh hỏi Loan vài ba câu. Loan im lặng
nhìn anh. Một vài lần Loan nắm cánh tay bị liệt, vuốt ve mấy ngón tay cứng đơ…
Trời về chiều, quán vắng khách, Loan
chuẩn bị về, trao cho anh một túi giấy :
-Em gởi anh hai tập nhạc tiền chiến.
Có chiếc đĩa hôm sinh nhật…
Loan ôm lấy Hoàn và hôn lên trán, mắt
Loan long lanh:
-Em về!
-Ừ, Loan về, có dịp anh về chơi …
***
Hoàn vào nhà và nhờ con gái bỏ chiếc
đĩa vào xem. Chỉ toàn những gương mặt lạ. Khách hát, nhảy… Những bản nhạc quen.
Loan đi lui tới các bàn…Cuối cùng, Loan cám ơn bạn bè và hát mà không cần giới
thiệu tên bản nhạc. Ban nhạc lúng túng chuyển theo…
“ Người nằm co… như loài thú… khi mùa
đông về… người nằm yên không kêu than buốt xương da mình… từng tiếng người… từng
tiếng người … gọi hoài giữa đêm…
“Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày
chốn đây… còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này … còn bao lâu … cho mây
đen tan trên bầu trời… còn bao lâu… tôi xa em … xa anh … xa ta…
“ Người nằm đó như hạt lúa gieo vào
đất này…
“ Người còn đó… nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài… nhuộm đất này,… nhuộm cho hồng… hạt mầm trót vay…
Vợ và con gái cùng ngồi xem với
Hoàn…Vợ Hoàn thốt lên:
-Chị ấy buồn quá phải không anh! Sinh
nhật mà không thấy chị ấy vui chút nào!
***
Cũng chỉ mới bốn ngày sau hôm ấy! Cuốc
điện thoại sáng nay làm Hoàn sững sờ! Anh nhẩm lại từng lời trong bài hát “Phúc
âm buồn” của Trịnh Công Sơn. Giọt nước mắt đọng trên khóe mắt, khóc cho một
“hạt mầm trót vay !”
Tháng IV, 2013.
Trạch An – Trần Hữu Hội.
trachan555@yahoo.com.vn