Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, February 20, 2012

BẠN HỮU - Trần Bình

 Trần Bình

Cách nhau nửa giờ xe máy
Triệu sơn ở phía không rừng
Khói đồng vương thơm ngõ xóm
Tri âm hò hẹn về cùng

Chợ sao có tên chợ Cạn?
Làng quen, ân nghĩa: Đồng bào* ?
Văn phong* cả chiều quê kiểng
Duyên đồng hương nội trao nhau

Rượu ngon rót tràn ly cốc
Thơ vui trải chiếu men nồng
Bạn đời , bạn văn, bạn học....
Dang tay , cạn chén ...
                              dốc lòng

 
Bổ bả những niềm yêu mến
Câu thơ rứt ruột cho mình

                                                                                     21/9
Trần Bình
                                                         tranbinhga@gmail.com

* Tên làng: Đồng bào, Văn phong
READ MORE - BẠN HỮU - Trần Bình

TUỒNG CHỢ CẠN: BAO GIỜ TRỞ LẠI - Linh Nhân



 Nghệ sĩ Xuân Lư trong một vai diễn


Chợ Cạn vốn là một địa danh nổi tiếng từ thời nhà Nguyễn, nay thuộc xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Chợ Cạn thành danh, được chào mời, truyền tụng, thậm chí được nhắc đến nơi chốn cung đình lầu son gác tía bởi nó gắn liền với cái tên "Tuồng Chợ Cạn" - một gánh tuồng ra đời nơi thôn dã xúng xính đào, kép quần lụa áo the. Người ta có thể không ngờ nó đã "nằm lòng" vĩnh viễn trong cái nôi dân ca để làm đại diện hiếm hoi cho môn nghệ thuật sân khấu tuồng cổ điển của một vùng đất. Tiếc thay, Tuồng Chợ Cạn cứ như kẻ tài hoa vang bóng một thời...

Thăng trầm Tuồng Chợ Cạn 

Trong cuốn băng ghi hình sơ khảo diễn 2 vở tuồng: Phạm Công Cúc Hoa và Nghêu Sò Ốc Hến của một đồng nghiệp quay cách đây 6 năm, tôi may mắn được xem Tuồng Chợ Cạn. Nghệ sĩ Xuân Lư làm đạo diễn.

 Nghệ sĩ Xuân Lư thuộc lớp "đồng ấu" của Tuồng Chợ Cạn. 15 tuổi, ông đã đi theo gánh tuồng, giữ chân chạy cờ, tiếp rượu. Cùng thời với ông có nghệ sĩ Lê Quang Nghệ nhưng nay đã là người thiên cổ. Còn Nghệ sĩ Nhân dân Ngô Thị Liễu, nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Trung ương, cũng đã xuất thân từ những vai "cô đào" trong cái nôi Tuồng Chợ Cạn. 


Trong kho tàng dân ca Bình-Trị-Thiên, Tuồng Chợ Cạn có từ thời Nguyễn Hoàng (thế kỷ XVII). Người lập ra gánh tuồng Chợ Cạn đầu tiên là ông Thất Luận, người làng thợ kèn Hiền Lương (Huế), làm lính võ ca (ca vũ cung đình) dưới triều Khải Định. Gánh tuồng thường khoảng 15 người, gồm: đào, kép, chạy cờ, tiếp rượu, bán vé, nhắc vở, ráp nhạc. Vé xem tuồng có 2 loại: Vé tam liên (3 tiền) và vé ngũ liên (5 tiền), mỗi đêm bán một màu vé cho khỏi lẫn. 


Chân "chạy cờ" hồi xưa của Xuân Lư đã làm ông trẻ lại. Bao giờ cũng vậy, hễ nhắc đến "chạy cờ" là ông lại nhắc nhỏm, co duỗi cái chân đau bên phải, như thể ông sắp chạy đến vạch vôi nào đó của sân tuồng. Ký ức Xuân Lư lổn nhổn những hình ảnh sân khấu tuồng vòng cung ba mặt như rạp xiếc, huyên náo âm sắc tiếng nhị, trống, kèn, thanh la; rồi tiếng "kép" chói tai, tiếng "đào" nỉ non, ai oán, lơi lả... xúng xính đào - kép quần lụa áo the trong các điệu hát tướng tá, hát tẩu mã, thương ai, nam xuân và những bước chân chạy cờ rậm rịch. 


Theo nghệ sĩ Xuân Lư thì các làn điệu: Nam xuân, nam ai, nam bằng trong ca Huế đều là những biến tấu của điệu nam xuân sân khấu tuồng. Dân chúng xem tuồng mỗi đêm ba bốn trăm người, quây kín ba mặt sân khấu. Tuồng Chợ Cạn nổi tiếng ngót 2 thế kỷ. Gánh tuồng chu chuyển vào tận chốn cung đình phục vụ các ngày lễ tế trong cung đình nhà Nguyễn, nhất là tế Đàn Nam Giao và trình diễn cho Vua ngự lãm. Mãi đến năm 1947, Pháp đánh vào Chợ Cạn và từ đó Tuồng Chợ Cạn đứt gánh.


Nghệ sĩ Xuân Lư có 9 năm làm Trưởng Đoàn ca kịch Bình-Trị-Thiên, từng đoạt Huy chương vàng Liên hoan đàn và hát dân ca miền Trung, nhưng hình như, kỷ vật được ông "gói ghém" cẩn thận trong lòng lại là chân "chạy cờ" gánh Tuồng Chợ Cạn! Vì chuyện đó, và cũng vì dự án vực lại Tuồng Chợ Cạn gần nửa tỷ bạc lâm vào cảnh "đánh trống bỏ dùi" mà Xuân Lư than mình là "người cuối cùng của gánh Tuồng Chợ Cạn mà vô duyên!".


Một phận tuồng 

Lần về Chợ Cạn mới đây, tôi đã gặp một khán giả của gánh tuồng xưa. Tôi hỏi bà cụ Hoà 74 tuổi, người Như Lệ (Hải Lệ), có biết bác Lư không, cụ nói như reo: "Biết. Răng lại không biết?! Cu... Lư chạy cờ. Chú bỏ quá, hồi nớ còn con nít. Cái thằng hấp tấp, toàn chạy hụt hoặc chạy quá, làm rớt cờ xuống đất. Bọn tui cười cho! Tui có cất một cái vé coi tuồng 3 tiền màu đỏ, nhưng sác (lẫn) đi mô tìm không ra. Tiếc thiệt!". Bà cụ tiếc cái vé 3 tiền hẹn bạn xem tuồng đúng vào ngày Pháp đổ về Chợ Cạn. Nghệ sĩ Xuân Lư không biết cụ Hoà, nhưng có lẽ, như thế cũng đủ cho một đời làm nghệ thuật. Biết bao nhiêu biến cố thăng trầm đã qua mà cái chân "chạy cờ" vẫn còn người nhớ thì đâu phải vô duyên!


Cứ mỗi lần tiếp chuyện với Xuân Lư, vô tình hay cố ý, ông thường lái câu chuyện về cái "áo sắm tuồng" của Thất Luận. Dù bị Pháp tra khảo, người chủ gánh Tuồng Chợ Cạn vẫn một mực không giao nộp “áo sắm tuồng”. Liên hệ chuyện đó và nói ra chuyện khôi phục Tuồng Chợ Cạn, Xuân Lư cứ như kẻ lỡ làng. Gương mặt đau yếu của ông lợt lạt, xám ngoét. May thay, lão nghệ sĩ đổi đề. Máu tuồng đâu đó bỗng bốc lên chỗ vùng họng, nơi âm vực tuồng lấy hơi ở đó, giọng Xuân Lư đột ngột váng lên lời "Vua" thét: "Bay đ...âu, ném thằng này xuống ng...ục!". Đốm sáng hai con ngươi phát quang trong đôi mắt người diễn tuồng, xương bả vai gồng lên dữ dội, như thể chỉ một tích tắc nữa, "Vua" sẽ rút phăng bảo kiếm để kết liễu kẻ tội đồ!


Nay mai, có lẽ tôi sẽ nhớ Xuân Lư không nhiều bằng nhớ bà cụ đã để "sác" chiếc vé tuồng 3 tiền màu đỏ. Trong ánh mắt bà cụ, tôi ngẩn người ra bởi câu hỏi của bà: Có phải Tuồng Chợ Cạn "một đi không trở lại"? 

 Linh Nhân
Nguồn: http://ca.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2008/8/64605.cand

READ MORE - TUỒNG CHỢ CẠN: BAO GIỜ TRỞ LẠI - Linh Nhân

NGÀY XUÂN ĐI TÌM TUNG TÍCH TUỒNG CHỢ CẠN - Trương Hữu Quý

Quảng Trị là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa và văn học nghệ thuật song cũng là mảnh đất chịu nhiều hậu quả nặng nề của chiến tranh, ly tán, hủy diệt… Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có tuồng chợ Cạn, một bộ môn nghệ thuật độc đáo đi kèm với nghề xướng ca cũng đã lụi tàn. 

Lần theo một số bài viết ít ỏi của những người đi trước, mùa xuân này chúng tôi tìm gặp một số nghệ nhân ở vùng chợ Cạn, đặc biệt là nghệ sĩ Xuân Lư (hậu duệ đoàn tuồng chợ Cạn), cho phép thế hệ hậu sinh chúng tôi phác thảo ra những đường nét cơ bản về đoàn tuồng này.

Chợ Cạn vốn là một trung tâm thương mại được hình thành khá sớm ở xứ Đàng Trong, thuộc huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Mãi cho đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chợ Cạn còn thể hiện vai trò đầu mối trung tâm của cả một vùng đồng bằng rộng lớn ven biển bao gồm 5 xã Triệu Sơn, Triệu Thuận, Triệu Trạch, Triệu Trung và Triệu Lăng.
 


 Bấy giờ cứ 10 ngày thì chợ Cạn có một phiên chợ. Nhờ vào vị trí đắc địa này mà nơi đây đã từng tồn tại một loại hình nghệ thuật nổi tiếng ở miền Trung mà nhân dân quen gọi là tuồng chợ Cạn. Thế nhưng để trả lời câu hỏi, tuồng chợ Cạn ra đời và được hình thành như thế nào thì chưa ai có câu trả lời thỏa đáng.

Năm 1996, Tiến sĩ Nguyễn Bình Phó Giám đốc Sở VH -TT Quảng Trị (nay là Sở VH, TT- DL) trong Đề án “Nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục nghệ thuật tuồng chợ Cạn” có nêu: “Có ý kiến cho rằng tuồng chợ Cạn được hình thành dưới thời các chúa Nguyễn. Quảng Trị là điểm dừng chân đầu tiên của chúa Nguyễn, thủ phủ Ái Tử (1558-1570) đến thủ phủ Trà Bát (1570 -1600) và Dinh Cát (1600 -1626). 


Trong 68 năm tồn tại trên đất Quảng Trị trước khi thiên di vào Phú Xuân, những lớp người đầu tiên đã mang nghệ thuật dân gian tuồng ở Bắc vào tự diễn cho nhau xem để làm khuây khỏa, vơi đi nỗi nhớ về cố hương. Lối diễn sơ khai này có thể là tuồng đồ (như là một thứ hát bộ, sau dần nâng lên tuồng pho và tuồng thầy). 


Có người cho rằng tuồng chợ Cạn được hình thành dưới triều vua Tự Đức (1848- 1883), một ông vua giỏi văn chương và mê các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là tuồng. Cũng có nhiều ý kiến cho rằng tuồng chợ Cạn xuất hiện khá muộn vào những năm đầu thế kỉ XX mà cụ thể là dưới thời vua Khải Định (1916-1925). Vấn đề nguồn gốc xuất xứ và thời điểm hình thành tuồng chợ Cạn là một đề tài lý thú cần phải được đi sâu nghiên cứu để có thể tìm ra lời giải đáp thỏa đáng”. 


Đặt vấn đề như Tiến sĩ Nguyễn Bình quả là đúng mức, vì do đặc thù tuồng chợ Cạn là nghệ thuật biểu diễn dân gian, lại do chiến tranh và ly tán, chỉ tính từ thời chống Pháp và chống Mỹ mới đây thôi thì hoạt động biểu diễn đã không có điều kiện để tồn tại trong một thời gian dài nên khó lòng đưa ra những kiến giải xác thực. 


Điều đáng tiếc là hiện nay, khi tìm về hoặc tiếp cận với đoàn tuồng chợ Cạn như nội dung bài bản, phương thức, quy mô hoạt động của đoàn thì gần như đã bị phong kín bởi người trong cuộc và nhân chứng đều đã trở thành người thiên cổ, không ai để lại dòng ghi chép hoặc vết tích gì.


Ở vào thời điểm là năm 1996, khi Tiến sĩ Nguyễn Bình trong đề án trình Bộ VH-TT vừa nêu trên là thời điểm còn mang tính khả thi vì theo ông thì “những nghệ nhân tuồng cao niên, những người già am hiểu đã một thời sống và gắn bó với tuồng chợ Cạn hiện đang còn sống, chúng ta có thể dựa vào các nhân chứng, các nghệ nhân này mà chấn hưng phát triển tuồng chợ Cạn như: Nghệ sĩ Xuân Lư, 68 tuổi; cụ Trần Cương, 82 tuổi hiện sống ở chợ Cạn; nghệ nhân Ngô Thị Liễu, 78 tuổi, người Như Lệ - Quảng Trị sống ở Huế, ông Có, 76 tuổi, một nghệ nhân tuồng hiện đang sống ở Đà Nẵng. Ngoài ra còn có những nhà nghiên cứu âm nhạc, nghiên cứu văn hóa am hiểu về tuồng như Lê Quang Nghệ, Trần Quốc Tiến, Trần Thanh Tâm, nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký...”.

Tất cả những chỗ dựa mà chủ đề án nêu trên, nay chỉ còn nghệ sĩ Xuân Lư, nhưng ông đã nằm một chỗ do tai nạn giao thông gần chục năm nay rồi. Rất may là nghệ sĩ Xuân Lư, hội viên Hội VNDG Việt Nam vào mùa xuân này sức khoẻ và tinh thần còn đang dồi dào, minh mẫn. 


Và đã ký thác vào thế hệ chúng tôi những điều ông tâm huyết về văn nghệ dân gian vùng đất Quảng Trị, trong đó ông đặc biệt lưu tâm đến tuồng chợ Cạn, vì đó là nơi ông sinh ra, là cái nôi nuôi dưỡng ông trở thành nghệ sĩ. Kể điều này ra để thấy, mọi ứng xử chậm trễ đối với di sản văn hóa phi vật thể như tuồng chợ Cạn chẳng hạn, là rất ngặt nghèo. 


Bằng những gì nghệ sĩ Xuân Lư cung cấp và dựa vào lát cắt là lúc cụ Thất Luận làm Trưởng đoàn, tức ở vào giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của đoàn tuồng chợ Cạn, chúng ta vẫn có thể phác thảo, dựng lại được quy mô và phương thức hoạt động của đoàn. 


Địa bàn hoạt động, biểu diễn của tuồng chợ Cạn trước hết dựa vào lợi thế những phiên chợ Cạn 10 ngày nhóm họp một lần; khi có công chúng tập trung hết sức tấp nập đông đúc thì đoàn tổ chức biểu diễn. Tương tự đoàn tuồng chợ Cạn (theo lời kể của nghệ sĩ Xuân Lư và một số người dân trong vùng) thường đến biểu diễn ở các đình chợ trong tỉnh như đình làng Câu Nhi (huyện Hải Lăng), Chợ Phiên (Cam Lộ), Chợ Đình Bích La (Triệu Phong), chợ đình Mai Xá (Gio Linh), đình làng Lập Thạch cạnh chợ Hôm, chợ làng Đông Hà... 


Có năm đoàn tuồng chợ Cạn ra tới Quảng Bình, đặc biệt hơn là những chuyến được mời vào Huế diễn. Đoàn hát theo hai phương thức hoặc là tự tổ chức hoặc được mời tới diễn. Nếu tự tổ chức thì tự bán vé, trả tiền cho nơi diễn về khoản thuê rạp. Ngược lại nơi nào đó mời thì tiền bán vé nơi mời tự thu, họ chỉ trả cho đoàn thù lao từng vỡ diễn theo thỏa thuận nhưng tiền thưởng thì đoàn được hưởng riêng. Thời gian diễn vì vậy cũng tùy theo yêu cầu đôi bên thỏa thuận. Thường một vỡ diễn kéo dài hơn một tuần. Nếu rút ngắn thì còn 3 đêm diễn gọi là dàn vỡ, còn kéo dài thì có khi đến nửa tháng. 


Lúc cụ Thất Luận làm trưởng đoàn tuồng chợ Cạn thì số diễn viên và việc phân bổ các vai diễn như sau: 


Vai kép:
Ông Thất Luận (tên thật là Trần Văn Luận ở Thượng Trạch, Triệu Sơn ) vừa là trưởng đoàn kiêm đạo diễn, diễn viên; ông Kiểm Ứng (tức là Trần Ứng, làng An Phó); ông Trần Hùng, ông Trần Công Đốc; ông Huỳnh Tỵ, ông Trần Lạng (tức Bát Lạng ); ông Lê Trong, ông Lê Thẻ (Cửu Thẻ ); ông Trần Dục (làng An Lưu, vai hề ), cụ Thiệp...

Vai đào:
Cô Trần Thị Huế (con ông Trần Công Đốc ); cô Trần Thị Kiến, bà Đốc (vợ ông Trần Công Đốc ); cô Lê Thị Huế; cô Trần Thị Liễu, vai mụ; bà Trần Thị Nậy...

Nhắc tuồng:
Ông Diệu Sâm.

Ngoài ra còn có các thành phần chạy hiệu và các đào kép các nơi khác được mời về tham gia. 


Trong những năm hoạt động sôi nổi, đoàn đã để lại những ấn tượng sâu đậm trong nhân dân nhờ những vai diễn đặc sắc. Phần lớn các vỡ diễn này rút từ tích truyện của Trung Quốc như: “Mạnh Lệ Quân”, “Tam Hạ Nam Đường”, “Tam Quốc”, “Tây Du” nhưng cũng có những vỡ rút từ tích cổ dân gian như “Thạch Sanh Lý Thông”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Lâm Sanh Xuân Nương”. 


Một số vỡ bi hùng khác lấy đề tài từ trong những cuộc tranh chấp, chính tà để giành ngôi báu rất thích hợp với khán giả đương thời như “Đào Phi Phụng”, “Tam Nữ Đồ Vương”... Đặc biệt là vỡ “Sơn Hậu”, đây là vỡ tuồng đặc sắc của đoàn tuồng chợ Cạn. Các nghệ nhân thủ vai chính trong vỡ này vẫn được người dân truyền tụng và nhắc đến với lòng ngưỡng vọng đó là: Ông Thất Luận (vai Phân Định Công), ông Kiểm Ưng (vai Tạ Ôn Đình), ông Trần Dục (vai Khương Linh Tá, ông Trần Hùng (vai Đổng Kim Lân)... 


Thời kỳ đoàn tuồng chợ Cạn phát triển mạnh là lúc tuồng ở Huế nói riêng và tuồng miền Trung nói chung đang đi vào con đường suy thoái, tàn tạ. Tuồng cung đình không được giới quý tộc nâng niu, say mê thưởng ngoạn như vào những năm cuối thế kỷ XIX thì riêng tuồng chợ Cạn vẫn giữ được những nét truyền thống và tiếp tục phát triển. Nhà hát tuồng chợ Cạn (ca trường) được xây dựng theo lối truyền thống gần giống với trường hát Đồng Xuân Lâu ở Huế. 


Trang trí sân khấu được thể hiện công phu, đẹp, nhưng thường chỉ vẽ một cảnh, không thay đổi và không có các loại phông màn khác. Nhạc cụ tuồng chợ Cạn thường được sử dụng là hai trống chầu đặt hai đầu, trong những lần biểu diễn người cầm chầu là một khán giả thạo tuồng được đoàn mời, chủ yếu là đánh trống thưởng; thưởng có tiền thì giục một hồi, khen nghệ thuật diễn thì điểm một trống. 


Trống chầu được đặt trên chòi, ngoài ra nhạc cụ còn có thanh la, đàn bầu kèm sanh sứa (sứa làm bằng sừng trâu kêu rất trong tiếng). Về diễn xuất tuồng chợ Cạn người ta phân biệt có: tuồng đồ (lối diễn xướng như hát bộ tự nhiên, giản dị), tuồng pho (diễn theo lối chương, hồi có lớp, vỡ theo điển tích, điển cố, tuồng thầy (tức có thầy thạo tuồng dàn dựng, bày vẽ diễn xuất). Về điệu thì chủ yếu sử dụng các làn điệu như: Nam, Khách, Tẩu mã. Nam (có Nam thương, Nam bình, Nam ai... tùy theo tâm trạng mà dùng); Khách (là làn điệu vương trượng, sang trọng thường dùng cho tướng lĩnh, vua chúa) Tẩu mã (dùng khi ra trận, chinh chiến, theo tiếng vó ngựa).. . 


Qua những gì đã trình bày ở trên, chúng tôi có thể đưa ra nhiều hướng nhận định, trong đó có một hướng là: Liệu tuồng chợ Cạn ở Quảng Trị có phải là một trường phái tuồng riêng biệt hay cũng như các đoàn tuồng khác (như đoàn Thanh Bình ở Huế chẳng hạn) hoạt động ở địa phương chợ Cạn? Chúng ta hãy tham khảo ý kiến của Phó Tiến sĩ Tôn Thất Bình về mối giao lưu văn hoá văn nghệ khá đậm đà giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế: “Đóng góp cho nghệ thuật tuồng Huế, ở Quảng Trị có các nghệ nhân nổi tiếng như Trần Văn Luận thuộc lò tuồng chợ Cạn (nay thuộc xã Triệu Sơn, Triệu Phong) được phong thất phẩm, nhiều lần được mời vào kinh đô để trình diễn và dạy tuồng.


Trong những ngày ở tại Huế, Thất Luận vẫn thường gặp gỡ các đội trưởng đội tuồng Thanh Bình để bàn bạc về nghệ thuật, nhiều lần trình diễn cùng các nghệ nhân xuất sắc của Huế tại rạp Đồng Xuân Lâu(1) một rạp hát dân gian có quá trình hoạt động lâu nhất ở Huế (1923-1983). Nghệ nhân Trần Xuân Dục, cũng thuộc lò tuồng chợ Cạn, nguyên trưởng đoàn múa hát cung đình Huế (Ba Vũ) là nghệ nhân xuất sắc của rạp Đồng Xuân Lâu, có cuộc sống gắn bó với Huế gần suốt cuộc đời(2), rất nhiệt tình và chân thật trong cuộc sống nghệ sĩ. Bà Ngô Thị Liễu ở Như Lệ, nguyên Giám đốc nhà hát tuồng Trung ương Hà Nội, thời còn trẻ là dâu của ông trưởng đoàn tuồng ở Huế là ông Tá Heo (do có chức Tá quốc khanh). Đây là đoàn tuồng đặc biệt, các diễn viên trong đoàn đều là người trong gia đình, con trai, con gái, dâu, rể đều là đào kép.

Trong mối duyên tình văn nghệ ấy, bà Liễu đã kể lại lòng say mê, háo hức, bồn chồn của mình khi đội tuồng Thanh Bình từ Huế ra Quảng Trị trình diễn. Trong những dịp hiếm có ấy, cô bé Liễu được tiếp xúc với các tài danh Huế bấy giờ như cô Cháu Em, cô Ba Thôi, chú Bát Cao, chú Cửu Đốc, thầy Đội Em, khát khao mơ ước thành một nghệ sĩ nổi tiếng như họ. Theo tiếng gọi của nghệ thuật, cô đã trốn nhà ra đi, vừa tránh cái nạn phải chịu lấy tên Tây phó sứ Quảng Trị đang sai mối lái đến hỏi, vừa để thực hiện nguyện ước hằng ấp ủ của mình. Trở thành dâu của ông Tá Heo, đó là bước đầu tiên dẫn cô đến với nghệ thuật tuồng. 


Trường hợp cô Liễu cũng giống như ông Thất Luận, ông Trần Xuân Dục, là những người từ đất Quảng Trị vào Huế để góp phần phong phú hoá nghệ thuật tuồng ở đây. Ngược lại có trường hợp các quan lại của kinh đô Huế được bổ ra Quảng Trị đã làm khởi sắc phong trào tuồng ở đây như cụ Nguyễn Hiến Dĩnh, thời gian làm Án sát ở Quảng Trị đã cho dựng một rạp hát rất lớn ở trong thành Quảng Trị, tổ chức một đội hát tuồng, diễn viên của đội hát được ăn lương theo lối tổ chức quân đội nhà Nguyễn. Đội hát này hằng đêm diễn tuồng cho nhân dân xem, rất được quần chúng hoan nghênh(3)...” 


Điều này giải thích thêm là vì sao các nghệ sĩ là diễn viên đoàn tuồng chợ Cạn đều được triều đình Huế phong tặng phẩm hàm.

Cuối cùng như đã nói, tất cả do chậm trễ mà không phục hồi được tuồng chợ Cạn, một bộ môn nghệ thuật gắn với các nghệ sĩ làm nghề xướng ca đã tàn lụi, nhưng thật sự nó đã thất truyền chưa? Trả lời câu hỏi này xin dành cho ngành văn hoá.
                                ***

(1) Nghệ nhân Trần Văn Luận đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hiện ở xã Triệu Sơn còn bảng ghi công.
(2) Sau giải phóng 1975 nghệ nhân Trần Xuân Dục vì điều kiện kinh tế khó khăn đã cùng gia đình đi kinh tế mới ở Sông Bé và đã mất ở đấy.
(3) Xem: “Tính tương đồng giữa hai mảnh đất qua văn nghệ dân gian” của Tôn Thất Bình, Tạp chí Cửa Việt số 5/1990, tr.75.

 
TRƯƠNG HỮU QUÝ

Nguồn: http://baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=99&modid=488&ItemID=38268 
Đăng lại trên trang http://langphuongson.tk/vi/
READ MORE - NGÀY XUÂN ĐI TÌM TUNG TÍCH TUỒNG CHỢ CẠN - Trương Hữu Quý

NGUYÊN QUÁN QUẢNG TRỊ - Nguyễn Quý


Em có biết nắng Đông Hà là nguyên quán Quảng Trị ?
Mây không về Triệu Phong cháy bàn chân quê Triệu An

rực hè Cửa Việt
Đôi mắt em bé Vĩnh Linh khát biển Cửa Tùng 

rùng mình Cồn Cỏ
Gió Lào to, mùa khô mẹ không đi chợ
Con cá dưới ao chiều lờ đờ khó thở
Chết trong đêm trăng.

Mãi chờ gió nồm, em về lướt qua đêm sáng
Nứt ruộng Hải Lăng
Đêm nay cúp điện
Lặng im làng buồn.

Chú bé cởi trần tắm giếng
Múc mấy gàu xối lên ngực trần tháng Sáu
Thạch Hãn đã quen rồi! chẳng thể biết đau
Đã trôi qua những mùa...
Những mùa
Những mùa...mỏi mệt
Sông vẫn mãi Sông.

Biểu dương lòng bàn tay, cục đất tròn còn mùi đạn
Cồn Tiên đồi cao su Xanh
Dạo quanh xứ sở ngỡ ngàng máu tanh
Thành Cổ đã yên bình.

Những cơn giông ậm ờ Đường Chín
Hứa hẹn Khe Sanh mưa rừng
Núi Trường Sơn úp mở tình Lao Bảo
Cam Lộ buồn biết làm sao?
Thôi ghé Cùa mà ngơi nghỉ
Bình minh ta trở lại Đông Hà
Dù em bỏ lại mình giữa tháng ba
Ta vẫn ở với nắng quê nhà và nguyên quán Quảng Trị
Mặc những mùa qua.

Lạc mất ta
Giấc mơ xa khát nắng
Ớt quê miềng dù cay đắng cũng muốn ăn
Nhớ như điên
Củ khoai lang đem luộc
Mùa rét nhai vui.

Mùng 4 Tết nhớ ghé Bồ Bản chơi
Bạn bè lâu ngày gặp lại
Lai rai cho hết một ngày (hi hi)

Rồi
Không thể hoài niệm hết những tuổi thơ. Ôi:
Những con đường đất đỏ
Những mái nhà nhỏ
Những nắng nhiều mùa
Những rét lạnh mưa
Những trăng đồng lúa
Những trường năm xưa
Những em tình cũ
Những trò rất trẻ
Những những không xuể
Quảng Trị.. Quảng Trị.

Để rồi thâm tâm rung cảm lên
Yêu Quảng Trị, yêu mạ, nhớ ba
Hỡi mình và những đứa con xa ,hãy lâu lâu về với nắng Đông Hà để biết mình còn nguyên quán Quảng Trị
Hẹn em mùa  sau nhé
Ta chờ....


Nguyễn Quý 

Ảnh minh họa của Đinh Thanh Hải: Cầu Hiền Lương
READ MORE - NGUYÊN QUÁN QUẢNG TRỊ - Nguyễn Quý

DƯỚI HÀNG SẤU ĐÊM & CON PHỐ NHỎ - Phạm Ngọc Thái


Phố vẫn phố, hàng sấu xưa rụng lá
Ngỡ yên rồi còn lạc bước canh khuya
Nên câu thơ anh theo đông về vội vã
Tình của đôi ta dòng sông chảy man mê...

Đêm đã lạnh vầng trăng còn thao thức
Trăng bay trên trời, anh cứ thương em
Xưa mộng nguyệt này, nay sao thấy khác!
Gió nhắc thầm thì... em có nhớ không?
Em ngủ bên chồng. Thôi, cũng đừng tiếc nữa!
Mấy ai yêu trọn vẹn đâu em?
Thưở đó đẹp nhiều mộng mơ em nhỉ...
Thơm mát cõi thơ, hồn ta ru êm.   
Anh lưu giữ chút tình trên trang giấy
Đi hết phố xa về khắc khoải bên thềm
Rồi tự trách với mình sao buổi ấy
Lại giục em lấy chồng để đau mãi con tim? 
                            

 Viết cuối mùa đông
Phạm Ngọc Thái
thai_quanthanh@ymail.com
READ MORE - DƯỚI HÀNG SẤU ĐÊM & CON PHỐ NHỎ - Phạm Ngọc Thái

Quỳnh Châu - NGHĨA TÌNH


(Kính tặng Anh Trương Nguyễn)

Đường nhà Trương nguyễn hôm nao
Gian nan như thể đường vào Thục xưa
Bao lần anh đạp gió mưa
Trong cơn gió chướng ngõ trưa vắng người
Câu thơ hào sãng cả cười
Ngâm niềm hiếu nghĩa bùi ngùi trong ta
Héo mòn tấc dạ quê cha
Bao năm đất khách nay là cố hương
Dòng đời trải mấy mù sương
Tìm nhau ngày cũ đoạn trường chia phôi
Trụ đồng họ Mã kia thôi
Câu thơ sắc lạnh giữa thời áo cơm
Giữa đời đâu tính thiệt hơn
Thanh cao là đạo thanh bần là duyên
An nhiên trong cõi lụy phiền
Nhịp cầu thơ nối những miền riêng chung
Từ câu chuyện buổi tương phùng
Đâu hay duyên khởi trùng trùng đêm nay
Nghĩa tình trân trọng trên tay
Lời thơ thô rụng giải bày lòng ta .

QUỲNH CHÂU
Hình minh họa: Khúc tì bà. Tranh của họa sĩ Ái Lan
READ MORE - Quỳnh Châu - NGHĨA TÌNH