Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, October 10, 2013

QUẢNG TRỊ, VỀ THÔI - chùm thơ Huy Uyên


Huy Uyên


Gởi VNQT những bài thơ quê hương viết 1 năm trước và sau 1975


Quảng-trị, về thôi !

Về thôi sao buồn như muốn khóc
em một phương và anh một phương
bên đó con đò chờ đợi nước
còn bên anh cả một trời buồn .

Hẹn hò chi để giờ vương vấn
Quỳnh về rồi thoáng hơi thở đêm
em đi biết bao giờ quay lại
để riêng anh tìm mãi bóng mình .

Giá đời hai ta buồn hơn núi
khi chia tay đỏ mắt cây rừng
em một bước anh đau một bước
trái tim đời bao xiết rưng rưng .

Khi đi mà sao em không nói
hẹn hò chi rồi lãng quên thôi
anh đau thương đưa tay vẫy gọi
giữa thinh-không một đám mây trời .

Về thôi em về thôi da diết
áo người bay che gió ngang trời
vết thương xưa chảy hoài tưởng tiếc
day dứt chi nổi ngậm ngùi trôi .

Biết em rồi chiều nay về thôi
như lá bay đi như là mây
anh,anh mãi đau đời thú
em xao xuyến ơi bóng một người !


        
Về DMZ

Người hỏi về chi chiều thay lá
bên thềm lạc ngựa chẳng còn reo
vườn trước chừng như lười chải tóc
và nắng cũng rưng rưng phai nhiều .

Ngã chia lối cũ thời chinh chiến
cỏ dại héo mòn bóng cố-nhân
đâu đây thoáng giọng cười của quỉ
trải qua binh lửa với căm hờn .

Đừng động chi đời-rêu-ngũ-khó
mốc meo bờ lạnh gió ôm thành
sóng xưa bổng xù màu giận dữ
lính xưa hề vác súng qua sông .

Mây đã bay rồi hoang phế xuân
ngã qua biên ải nhớ thu vàng
sỏi đêm trở dậy rêm mình lạnh
thành cổ chìm sầu bóng ma hoang .

Đêm đem giá buốt hồn chinh chiến
từ em chẻ tóc đến bây giờ
hờn căm trở dậy đau đời máu
nên đã chảy ngang trời bơ vơ .

Người hỏi về chi chiều thay lá
xác ai bên hào xưa đêm nay
có chăng để lại sầu cho cỏ
thương tiếc ngậm ngùi,nước mắt cay.’


          
Thơ tặng quê nhà

Quê hương tôi là những chiều sóng vỗ
gọi người về từ cuối hạ sang thu
là những đêm đông tối trời trở gió
là mùa xuân lành lạnh phủ sương mù .

Nắng-hạ-Lào choàng tay mưa rét cắt
những đường làng nho nhỏ vây quanh
áo mẹ vá năm nào ra giếng giặt
quê hương sao năm tháng đoạn đành .

Chén cơm cha trần mình trên đám ruộng
giọt mồ hôi lả tả thấm bao đời
ơi xóm thôn cả một đời nghèo túng
đợi gió về gom nhặt lá vàng rơi .

Trên sông làng vạn chài thả cá
khói lam chiều không đũ thoát mái tranh
và những hàng tre chiều êm ả
và những nương khoai vừa mới lên vồng .

Bà con buồn mỗi năm về nước lũ
tiếng người kêu đầu xóm giọng ơi à
người đi rồi bỏ quên thôn xóm cũ
quên cơm nghèo với giọt nước mắt pha .

Một chút nắng xuân sang đầu ngõ
đợi người về bao ngày tháng chờ mong
quê ơi mãi một đời thương nhớ
tình quê xưa in dấu mãi trong lòng .



Bến-Đá chiều hồi cư 1972

Khi tôi về nắng phai màu,gió lạ
hồn thấm buồn theo muôn mũi kim châm
bà con bên những xương khô chồng chất
những nhà tan,cửa nát bên đường .

Người vốn cũ một đời cay xót lệ
mòn mỏi đi theo chinh chiến dài lâu
ngày đêm chôn phận đời gian khổ
nắng mưa trôi theo những buổi đau sầu .

Đứng lại nhìn người thân buồn bã khóc
lòng ngậm ngùi còn chi nữa làng xưa
trâu không người cày bỏ đi ngơ ngẫn
mẹ khóc thương cha chết lặng bên mồ .

Khi tôi về tường trơ mái đổ
hàng tre xanh cúi rạp trong chiều
người từ đây không nhà khô cửa
dựa đời nhau bên mái lá liêu xiêu .

Vẫn không nói hết lời cay đắng đó
đành ngước nhìn nước mắt đau thương
vẫn hai bàn tay cả đời gian khó
đời hắt hiu soi xuyên giọt nắng phai tàn .

Và Bến-Đá ngày về quạnh nhớ
tình bay đi theo từng đoạn kinh cầu
lòng nguội lạnh bên chiều hò hẹn
để ai thương người súng đạn bắn đời nhau .


       
Hẹn về cùng Bến-Đá

Hẹn trở về một ngày cùng Bên-Đá
bên hàng tre sông cũ chiều xưa
bên thuyền chài tháng ngày tôm cá
bên đụn rơm gốc rạ sang mùa .

Ngày em đi bàn tay quên vẫy
cẫu làng xưa bao năm đợi chờ
xóm chợ buồn xuân hạ đông thu
xơ xác nghèo quán tranh mái lá .

Bên đê nghé ọ ơi mùa vụ
có hay chăng buổi ấy người về
đợi chờ mỏi mòn mùa mai nở
bạc xiêu lòng theo tiếng gọi quê .

Em xót sao làng mình nghèo biết mấy
con đường từng che bóng em đi
thế mà đã bao mùa xa ngái
đành đoạn rồi từng khúc phân ly .

Làng quê giờ đầu thôn xóm dưới
bước đông vui rộn rã tiếng cười
bên mái tranh vọng tiếng à ơi
nhà nhà lung linh ánh đèn xuân mới .

Khi tôi về trong ráng chiều mỡ hội
bà con làng vui hát ca vang
trong ánh nắng mai rạng rỡ huy hoàng
ở nơi xa nào em có biết .

(Quê hương trăm ngã chiều xa xứ
biết có ngày nao buổi quay về) . . .


               
Quê cũ

Em quay lại với biển xanh cát trắng
cùng nhẹ bay theo tà áo trời chiều
qua rồi mưa rơi trên đồi không kịp nắng
tóc em bay theo dài một miền yêu .

Qua Bến-hải bạc lòng với Hiền-lương
về Đông-hà, Điếu-ngao nồng cay bánh ướt
lên Dakrong mấy nhịp cầu treo,
chưa tới đường-mòn
trao tim cho người mà quặn đau sửng sốt .

Khe-sanh chiến-trường
bao người ra đi
đạn bom một thời Cồn-tiên, Dốc-miếu
về cửa Tùng rừng phi lao sóng vỗ
cát thầm thì như muốn nói điều chi .

Mùa hè phố pha bụi đỏ
những cột đèn Gio-linh ngũ pha sương mờ
lâu rồi quay về quê cũ
đã xa Trung-lương ngày tháng năm xưa  .

Bỏ tình cho ai đường 9
qua rồi buổi cũ hẹn hò
hỏa châu rơi thương đường ra mặt trận
bước ai đi quên dấu đạn quân thù .

Về quê cũ mà lòng đau muối xát
người một thời cùng đò qua sông
chiến trường điêu linh còn mất
máu ai đổ đây xa xót trong lòng .

Gởi theo người bao đoạn sầu buổi trước
về bên sông mà nước mắt chảy cùng sông
qua đi bao tháng năm xuôi ngược
quê ơi ngày về bao đợi mong ...


Huy Uyên            
READ MORE - QUẢNG TRỊ, VỀ THÔI - chùm thơ Huy Uyên

DƯỚI ÁNH TRĂNG THIỀN - Tản bút-thơ - Tuệ Thiền


Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)



1.
Thơ
Tìm về bản thể
Để đối diện linh hồn…
Trí-công-cụ
Như máy móc vô cảm
Một vần thơ
Hiển lộ ánh trăng tâm.



2.
Nhìn vô tác
Thấy tỏ tường
Vọng tưởng hóa chân như
Cực lạc quyện từ bi
Ánh Viên Giác hốt nhiên trùm khắp chốn
Giữa vầng trăng
Một niệm vô ngôn.



3.
Lưu bóng giai nhân
Gương hồ dậy sóng
Trăng tan
Quên chốn an nhiên theo dục vọng
Bặt chân tâm
Cỏ nội
Mây ngàn…



4.
“Nhân bất học bất tri lí”
Nhưng trí-lương-tri
Soi sáng lòng người…
Nhân hữu học
Lắm phường ma quỷ
Mất vầng trăng
Đen tối lương tâm.



5.
Miệng tha thiết vầng trăng thanh bình
Cái “tôi” quyền lực-chiến tranh
Miệng ngọt ngào vì nước vì dân
Cái “tôi” sâu mọt nhặng ruồi-vô cảm…
Đảo điên tiếng sủa bóng
Vô minh
Bầy đàn vang rân.



6.
“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” (*)
Mẫu số chung
Tỏ ngộ khi đi tìm chân lí…
Gặp lại Thượng Đế (pháp thân)
Giữa vầng trăng vô tướng
Tâm vô ngôn
Soi sáng muôn lời.



(*): -“Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí  tuệ-tâm linh chung của tất cả.
·         “Tự tri-tỉnh thức-vô  ngã” là minh sư vĩ đại nhất của chính mình. (Đường Về Minh Triết).


7.
Cảm nghiệm cái “tôi”
Hốt nhiên trực ngộ
Tâm Không…
Giữa chợ đời
Trăng Lăng Già tịch chiếu
Bể khổ vơi dần
Thấp thoáng từ bi.


8.
Im lặng cái “tôi”
Tâm thấy tâm
Trăng vĩnh hằng hiển lộ
Dứt đối kháng
Bặt tị hiềm hơn thua nhân-ngã
Phóng hạ đồ đao
Phật hiện tiền.


9.
Tâm điên đảo
Miệng cằn nhằn
Sân si che khuất vầng trăng
Hạnh phúc trăm năm: ảo tưởng
Những bản tình ca
Linh hồn vất vưởng
Cái “tôi”: bể khổ cho nhau.


10.
Dừng tâm rong ruổi
Đêm nay ngồi quán chiếu cái “tôi”
Tịnh độ không xa ngái
Rưng rưng một thoáng chân như
Tuồng như giữa tùng lâm Đâu Suất
Trăng khuya đối ẩm
Chia sẻ bình yên với đất trời.


11.
Tích tụ năng lượng vọng tâm
Quên vầng trăng tuệ giác
Kiếp người nặng nghiệp đảo điên
Cuối đời
Chui vào ngạ quỷ
Đói khát liên miên
Mồ mả ngục tù.


12.
Dừng bước tâm hành
Mây vô minh dần tan
Vầng trăng xưa thấp thoáng
Vơi bao ràng buộc chợ đời…
Chợt tiếng chim
Bừng sáng
Tâm Không.


(22-30/7/2013)

Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)
READ MORE - DƯỚI ÁNH TRĂNG THIỀN - Tản bút-thơ - Tuệ Thiền

CHIỀU XƯA CÓ NGỌN TRÚC ĐÀO* - thơ Nguyễn An Bình


Nguyễn An Bình


1*
Cơn mưa nhỏ chiều xưa. Chờ nhau bên trường luật.
Tà áo xanh lất phất. Dầm mưa đón em về.
Con ngựa sắt nhà quê. Đạp mòn cả gôm thắng.
Mưa trái mùa lạnh cóng. Tay ôm chợt ấm lòng.


Dù xe chạy lòng vòng. Vì có em bên cạnh.
Thấy đường dài cũng ngắn. Tạt vội quán bên đường.
Ly chè đậu cạnh trường. Nước cốt dừa ngọt sắc.
Nhìn nhau trong ánh mắt. Cười- cùng ngắm mưa bay.


2*
Cơn mưa nhỏ chiều nay. Chợt về trong quán vắng.
Nhớ em tà áo trắng. Đã xa rồi trong mơ.
Sao tôi còn ngẩn ngơ. Qua bao mùa phượng đỏ.
Tràn đầy trong nổi nhớ. Tình đầu thật nhỏ nhoi.


Cuốn trôi theo dòng đời. Bên hiên người buồn bã.
Nỗi sầu như cánh lá. Mưa qua tuổi học trò.
Đánh mất mối tình thơ. Trái tim thầm nhắn nhủ.
Rưng rưng bài hát cũ. “Chiều xưa ngọn trúc đào”

NGUYỄN AN BÌNH


Lời bài hát “Ngọn trúc đào” thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc
READ MORE - CHIỀU XƯA CÓ NGỌN TRÚC ĐÀO* - thơ Nguyễn An Bình

XÓM NGỤ CƯ - Truyện ngắn Võ Văn Luyến




Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn tít mù, vượt bao ghềnh thác sau bao sôi réo vang động núi rừng rồi khoan thai mềm mại những đường uốn xuôi xuống chân đồng bằng, con sông như mái tóc con gái buông thả lãng mạn làm dịu gió khô và nắng lửa. Lòng sông rộng sâu, nước trong xanh thăm thẳm. Làng tôi cách làng bên một chuyến đò ngang. Con gái làng tóc dài da trắng. Lớn lên thường lấy chồng xa, phần đông đều khá giả. Mẹ tôi bảo: Nước Thác Ma là nước suối tiên, làm việc vất vả ngâm mình vào muộn phiền gội hết. Cái nõn nường làng ta từ đấy mà ra cả con ạ!

Lớn lên tôi mới vỡ lẽ, nhiều mỹ nữ ngày xưa được tiến cung từ cái làng mỹ nhân này. Nhưng tôi còn băn khoăn tìm lời đáp, vì sao con sông hiền hòa thế kia, gắn liền với một thiên tình sử đẫm nước mắt lại có cái tên quái đản, ẩn giấu bí mật như những chuyện đường đường rừng?

Thời gian phôi pha theo năm tháng, dòng sông cuộc đời lắm lúc vùn vụt lao đi, cuộn xoáy như thác đổ, lùi dần trong trí của tôi những giấc mơ hoang tưởng nhưng cái xóm chài ẩn khuất phía cuối làng thì mãi còn rưng rức một miền xa xót. Xóm có dăm bảy con đò nương tựa vào nhau. Ngày đông tháng giá im lìm như ốc đảo hoang. Chỉ những ngày đẹp trời, những lúc sông yên nước lặng, tiếng sào đập nước, tiếng gõ lanh canh đuổi cá mới bắt gặp người dân xóm chài thân gần với đời sống của quê hương. Những lúc đó tôi thả bộ bước chân trần thoải mái no mắt nhìn bãi bờ xanh mát ngô non mà không khỏi vương mang nỗi buồn về những cuộc đời sông nước ngăn cách ra một thế giới. Trong óc tôi vang vang lời vị giáo sư trẻ thao thao trình thuyết về gốc rễ văn hóa làng, về cái hố ngăn cách chính cư với ngụ cư. Theo ông, cơ sở phân biệt này hằn sâu cái quan niệm ăn ở chính tắc của người làm nông. Họ cần nương tựa vào nhau thường nhật cũng như khi tối lửa tắt đèn. Phá vỡ cái quan niệm qua lại ấy chỉ có bỏ làng mà đi, kẻ tha hương mù mờ gốc tích mấy ai được quý trọng? Nhưng xem ra mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, vận vào làng tôi, tôi đâm nghi ngờ cái lý thuyết áp đặt như chính điều phi lý “cứu nhân, nhân trả oán”. Con người ta rồi ra ai cũng phải chết. Dân xóm chài chết không có đất chôn. Ngày hằng sống phấp phỏng lo âu, về cõi vĩnh hằng còn mang vác gánh nặng giữ đất thành những gò đống giăng hàng làm mốc chỉ giới trấn ải cho lề thói hẹp hòi, ích kỷ. Chẳng lẽ các cụ ngày xưa vô can? Chuyện kể rành rành từ đời cố nội tôi truyền lại ông nội, ông nội truyền lại cho bố tôi, là đời thứ 15, rằng: Vào đời thứ sáu, cụ Tổ dòng họ nhà tôi đem lòng mê mẩn một cô bán cá xinh giòn hơn cả các thôn nữ trong vùng. Thế là điểm đột phá hàng rào chính cư với ngụ cư xảy ra chưa từng có bao giờ. Nếu cụ không phải là quan tại chức đương triều chắc khó mà gỡ oan nghiệt tự buộc vào mình. Đáng buồn là sau này đông đúc con cháu làm rạng danh dòng tộc nhưng lại quên mất mình là hậu bối cụ bà. Cái tư tưởng đáng nguyền rủa kia như ma ám, như độc dược làm tê liệt không ít tâm hồn con trẻ. Và điều đáng tiếc vẫn cứ xảy ra. Hôm làng tôi biểu dương kèm tiền thưởng con em thi đỗ vào đại học, lần đầu tiên xóm chài ghi vào bảng vàng tân khoa nhưng lại không được ân thưởng “vinh quy”. Bày tỏ sự bất bình này, tôi dò ý kiến của bố:

- Con thật không ngờ chú Quỳ (chú là Hội chủ làng) xử tệ với một đứa trẻ. Cái ác cảm thâm căn cố đế không thể chấp nhận được!

Bố tôi cũng bực bội:

- Hắn là thằng vong ân bội nghĩa. Năm Bính Thân mà không có ông Rạng cứu thì xác không còn để mà chôn. Đừng nói chi sống đến bây giờ.

Chính ông Rạng, bố đứa trẻ, là người ngụp lặn bở hơi tai mò tìm chú bị lật xuồng giữa cánh đồng sóng to gió lớn nước ngập mênh mông chi xứ. Ấy vậy mà trò đời u mê xui khiến thế nào, chú chưa làm được điều gì đền đáp ông, ông lại biếu khi thì con cá to, khi thì chai rượu gạo, bởi xa lo ngày gần đất xa trời còn có chỗ yên nằm. Ông Rạng lớn tuổi thế mà chân lên bờ gặp ai cũng không thiếu lời chào. Dáng vẻ xăm xắn thủ phận dân ngụ cư thật tội nghiệp. Đi xa về, nhiều bận gặp ông lại thấy xấu hổ cho cả chính tôi. Vì từ trong sâu thẳm của đôi mắt u uẩn kia, tôi có cảm giác rằng, ông nhìn tôi cũng đại loại dân chính cư thôi.


***

Chớp mắt đã hai mươi lăm năm. Dòng đời quanh co đi ra lối thẳng. Xóm ngụ cư không còn. Ông Rạng ngày xưa cũng thành người thiên cổ. Chẳng phải chuyện bể dâu hưng phế mà mai hậu vốn sẵn sự sắp đặt. Tôi vui lây với con cháu ông Rạng nhưng lòng không nguôi thao thức. Giá như cuộc đời mới đến sớm hơn, ông Rạng ơi! Xóm ngụ cư ơi!

Võ Văn Luyến

Báo QT, số ra ngày 05/12/1997


Võ Văn Hoa gởi đăng
READ MORE - XÓM NGỤ CƯ - Truyện ngắn Võ Văn Luyến