Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, October 10, 2013

XÓM NGỤ CƯ - Truyện ngắn Võ Văn Luyến




Bắt nguồn từ dãy Trường Sơn tít mù, vượt bao ghềnh thác sau bao sôi réo vang động núi rừng rồi khoan thai mềm mại những đường uốn xuôi xuống chân đồng bằng, con sông như mái tóc con gái buông thả lãng mạn làm dịu gió khô và nắng lửa. Lòng sông rộng sâu, nước trong xanh thăm thẳm. Làng tôi cách làng bên một chuyến đò ngang. Con gái làng tóc dài da trắng. Lớn lên thường lấy chồng xa, phần đông đều khá giả. Mẹ tôi bảo: Nước Thác Ma là nước suối tiên, làm việc vất vả ngâm mình vào muộn phiền gội hết. Cái nõn nường làng ta từ đấy mà ra cả con ạ!

Lớn lên tôi mới vỡ lẽ, nhiều mỹ nữ ngày xưa được tiến cung từ cái làng mỹ nhân này. Nhưng tôi còn băn khoăn tìm lời đáp, vì sao con sông hiền hòa thế kia, gắn liền với một thiên tình sử đẫm nước mắt lại có cái tên quái đản, ẩn giấu bí mật như những chuyện đường đường rừng?

Thời gian phôi pha theo năm tháng, dòng sông cuộc đời lắm lúc vùn vụt lao đi, cuộn xoáy như thác đổ, lùi dần trong trí của tôi những giấc mơ hoang tưởng nhưng cái xóm chài ẩn khuất phía cuối làng thì mãi còn rưng rức một miền xa xót. Xóm có dăm bảy con đò nương tựa vào nhau. Ngày đông tháng giá im lìm như ốc đảo hoang. Chỉ những ngày đẹp trời, những lúc sông yên nước lặng, tiếng sào đập nước, tiếng gõ lanh canh đuổi cá mới bắt gặp người dân xóm chài thân gần với đời sống của quê hương. Những lúc đó tôi thả bộ bước chân trần thoải mái no mắt nhìn bãi bờ xanh mát ngô non mà không khỏi vương mang nỗi buồn về những cuộc đời sông nước ngăn cách ra một thế giới. Trong óc tôi vang vang lời vị giáo sư trẻ thao thao trình thuyết về gốc rễ văn hóa làng, về cái hố ngăn cách chính cư với ngụ cư. Theo ông, cơ sở phân biệt này hằn sâu cái quan niệm ăn ở chính tắc của người làm nông. Họ cần nương tựa vào nhau thường nhật cũng như khi tối lửa tắt đèn. Phá vỡ cái quan niệm qua lại ấy chỉ có bỏ làng mà đi, kẻ tha hương mù mờ gốc tích mấy ai được quý trọng? Nhưng xem ra mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, vận vào làng tôi, tôi đâm nghi ngờ cái lý thuyết áp đặt như chính điều phi lý “cứu nhân, nhân trả oán”. Con người ta rồi ra ai cũng phải chết. Dân xóm chài chết không có đất chôn. Ngày hằng sống phấp phỏng lo âu, về cõi vĩnh hằng còn mang vác gánh nặng giữ đất thành những gò đống giăng hàng làm mốc chỉ giới trấn ải cho lề thói hẹp hòi, ích kỷ. Chẳng lẽ các cụ ngày xưa vô can? Chuyện kể rành rành từ đời cố nội tôi truyền lại ông nội, ông nội truyền lại cho bố tôi, là đời thứ 15, rằng: Vào đời thứ sáu, cụ Tổ dòng họ nhà tôi đem lòng mê mẩn một cô bán cá xinh giòn hơn cả các thôn nữ trong vùng. Thế là điểm đột phá hàng rào chính cư với ngụ cư xảy ra chưa từng có bao giờ. Nếu cụ không phải là quan tại chức đương triều chắc khó mà gỡ oan nghiệt tự buộc vào mình. Đáng buồn là sau này đông đúc con cháu làm rạng danh dòng tộc nhưng lại quên mất mình là hậu bối cụ bà. Cái tư tưởng đáng nguyền rủa kia như ma ám, như độc dược làm tê liệt không ít tâm hồn con trẻ. Và điều đáng tiếc vẫn cứ xảy ra. Hôm làng tôi biểu dương kèm tiền thưởng con em thi đỗ vào đại học, lần đầu tiên xóm chài ghi vào bảng vàng tân khoa nhưng lại không được ân thưởng “vinh quy”. Bày tỏ sự bất bình này, tôi dò ý kiến của bố:

- Con thật không ngờ chú Quỳ (chú là Hội chủ làng) xử tệ với một đứa trẻ. Cái ác cảm thâm căn cố đế không thể chấp nhận được!

Bố tôi cũng bực bội:

- Hắn là thằng vong ân bội nghĩa. Năm Bính Thân mà không có ông Rạng cứu thì xác không còn để mà chôn. Đừng nói chi sống đến bây giờ.

Chính ông Rạng, bố đứa trẻ, là người ngụp lặn bở hơi tai mò tìm chú bị lật xuồng giữa cánh đồng sóng to gió lớn nước ngập mênh mông chi xứ. Ấy vậy mà trò đời u mê xui khiến thế nào, chú chưa làm được điều gì đền đáp ông, ông lại biếu khi thì con cá to, khi thì chai rượu gạo, bởi xa lo ngày gần đất xa trời còn có chỗ yên nằm. Ông Rạng lớn tuổi thế mà chân lên bờ gặp ai cũng không thiếu lời chào. Dáng vẻ xăm xắn thủ phận dân ngụ cư thật tội nghiệp. Đi xa về, nhiều bận gặp ông lại thấy xấu hổ cho cả chính tôi. Vì từ trong sâu thẳm của đôi mắt u uẩn kia, tôi có cảm giác rằng, ông nhìn tôi cũng đại loại dân chính cư thôi.


***

Chớp mắt đã hai mươi lăm năm. Dòng đời quanh co đi ra lối thẳng. Xóm ngụ cư không còn. Ông Rạng ngày xưa cũng thành người thiên cổ. Chẳng phải chuyện bể dâu hưng phế mà mai hậu vốn sẵn sự sắp đặt. Tôi vui lây với con cháu ông Rạng nhưng lòng không nguôi thao thức. Giá như cuộc đời mới đến sớm hơn, ông Rạng ơi! Xóm ngụ cư ơi!

Võ Văn Luyến

Báo QT, số ra ngày 05/12/1997


Võ Văn Hoa gởi đăng

No comments: