Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 15, 2013

Nguyễn Hồng Trân - HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG QUÊ

              

Hoàng hôn trên sông quê
Đợi thuyền ghe trở về
Cập bến bờ thương nhớ
Man mác hồn say mê…
               

Ánh hồng xuống chân trời
Băng qua những sông suối
Tìm mặt nước chơi vơi
Đắm mình trong khát vọng              

               
Hoàng hôn đang thầm lặng
Thủ thỉ với mây trời
Rụt rè như e thẹn
Ta muốn nhìn mãi thôi.

                
Những chiều hè vẫn thế
Ta đợi hoàng hôn về
Nhìn mặt nước ánh hồng
Gợi cảm mối tình quê.

               
Em ơi, anh biết lắm
Hoàng hôn là hết nắng
Nhưng còn nắng trong lòng
Tối khuya càng thêm  ấm.

               
Trong những đêm thanh vắng,
Ai hiểu được mặt trời.
Đem hoàng hôn đi đâu?
Để con trùng than thở…
               
Da diết lắm em ơi!
Trời xa xôi, vời vợi .
Đất mong mỏi, hoàng hôn.
Qua đêm dài yên tĩnh.


Sáng sớm cỏ đầy sương.
Long lanh dưới mặt trời.
Như muôn ngàn viên ngọc.
Cứ lặng lẽ  rơi rơi.

                
Thấm xuống đất mãi hoài..
Em ơi, ai có hiểu
Anh mong điều kì  diệu:
Em hiểu hết lòng anh.

                
Anh ước thành sương rơi
Trên tóc em hóa ngọc
Khi bình minh chiếu rọi
Lấp lánh giữa đất trời...   


Nguyễn Hồng Trân
(Huế)       

                                    
READ MORE - Nguyễn Hồng Trân - HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG QUÊ

THÚ SƠN THÔN - Thơ xướng họa của Trần Ngộ, Lê Đăng Mành, Trương Đình Đăng, Hồ Trọng Trí, Hoàng Kinh


Thơ mời họa:

THÚ SƠN THÔN



Giao hòa thơ nhạc để nhau nghe

Âm điệu sóc buôn cứ tọ tè

Cam quýt đầy nương không chắn đậy

Chanh bòng khắp rẫy chẳng ngăn che

Hoàng hôn cu núi gù gù gụ

Rạng sáng gà rừng gáy tẻ te

Cảnh sống sơn thôn nhiều thú vị

Hàng cau lấp loáng bóng trăng lòe



Trần Ngộ

(Lâm Đồng)



Họa 1:

PHẬN LÀNG



Quê đây ngày ấy mãi còn nghe

Nhà cửa có mô đủ nóc tè

Bão lũ mưa chan không liếp đậy

Nam lào nắng xối chẳng phên che

Triệu lần khách đến mời dừng lại

Mấy bận giặc về đuổi chạy te

Chim đậu đất lành nay khởi sắc

“Luống cày lên sỏi” cũng ưa lòe



LÊ ĐĂNG MÀNH

(HẢI LĂNG, QUẢNG TRỊ)





Họa 2:

CẢNH GIÀ



Gìà rồi trên bảo dưới không nghe

Khổ nỗi về đêm lắm bận tè

Tiệc dọn lơ mồi đâu muốn nhậu

Dù trương gãy gọng khó bề che

Ma Công biệt dược còn tiu nghỉu

Minh Mạng linh hoàn cũng chạy te

Qúa buổi xuân xanh đầy lạc thú

Tám mươi còn "ấy" chẳng qua lòe



TRƯƠNG ĐÌNH ĐĂNG

(ĐÀ NẴNG)





Họa 3:

TRƯA LÀNG ĐÔNG NAM BỘ



Âm hưởng làng quê thử lắng nghe

Xe hơi xa vẳng tiếng còi hè

Rẫy vườn hàng dậu cao ngăn chặn

Nhà cửa cổng trường chín chắn che

Chim chích chuyền cành kêu ríu rít

Mái tơ tìm trống chạy le te

Giấc trưa nhịp sống như trầm lắng

Những tối không trăng đốm lập lòe



HỒ TRỌNG TRÍ

(BÀ RỊA -VŨNG TÀU)





Họa 4:

QUẢNG BÁ SAY



Quảng bá của anh cũng dễ nghe

Âm thanh hòa quyện nhạc ti tè

Ăn mừng hoa trái mùa thơm ngát

Sum họp giao hòa dưới mái che

Gió biển Vũng Tàu thường vẫy gọi

Gà nhà thức dậy gáy te te

Phố phường sôi động người xe cộ

Dân dã nghiền thơ thích lập lòe



HOÀNG KINH

(BÀ RỊA-VŨNG TÀU)
READ MORE - THÚ SƠN THÔN - Thơ xướng họa của Trần Ngộ, Lê Đăng Mành, Trương Đình Đăng, Hồ Trọng Trí, Hoàng Kinh

NGUYỄN NGỌC HƯNG - VIẾT TỪ LÒNG BIẾT ƠN CUỘC ĐỜI - Phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng - PV VNT thực hiện


Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng
“Gần ba thập niên rồi hầu như mình nằm một chỗ. Như một cái ao tù. Chẳng còn cách gì khác là cố gắng tự lắng trong, tự khai mở dòng chảy dù nhỏ nhoi để hòa vào sông, biển cuộc đời. Mỗi ngày…”  NNH











NGUYỄN NGỌC HƯNG:
VIẾT TỪ LÒNG BIẾT ƠN CUỘC ĐỜI
 
Phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, 
phóng viên tạp chí Văn Nghệ Trẻ thực hiện

Hát lên những vui buồn, nhớ thương, trăn trở… 

· Anh vừa cho ra mắt một tập thơ dày dặn với 99 bài có nhan đề Bài ca con dế lửa. Anh có thể chia sẻ đôi điều về tập thơ mới này của mình?
- Ra mắt một tập thơ mới luôn là một khó  khăn với bất kỳ ai. Mình cũng vậy. Và có  lẽ với hoàn cảnh riêng của mình thì càng khó khăn hơn. Nhớ lại tập thơ-người-lớn Những khúc ca trên cỏ cũng đã ra đời cách đây những 5 năm rồi. Mặc dù trong khoảng thời gian đó mình đã in 2 tập thơ thiếu nhi: Bốn mùa cho bé yêu- NXB Kim Đồng, 2010 và Đường em đến lớp- Sách tài trợ của Nhà Nước, NXB Kim Đồng, 2012. Nhưng bằng hữu và bạn đọc đây đó vẫn động viên mình in tập thơ mới. Thêm nữa, một số bạn văn đã viết bài bình, bài cảm nhận về thơ mình mà 13 bài trong số đó mình đã cho in vào phần phụ lục của tập thơ mới như một lời tri ân. Về bản thảo, mình là người không có ý nghĩ “văn mình vợ người” nên luôn lắng nghe, cầu thị. Vì vậy mà mình đã gửi bản thảo đến khá nhiều các nhà văn, bạn thơ để nhờ đọc và chọn giúp. Khâu này mất đến gần 1 năm. Sở dĩ mình cẩn thận như thế vì nghĩ bây giờ sách thơ xuất bản khá nhiều và cũng bị chê không ít, nếu mình sơ sót, nhầm lẫn hoặc chọn lọc không kỹ thì sẽ tạo ra một sản phẩm kém chất lượng- đồng nghĩa với phí phạm công sức, tiền của, thời gian và có lỗi với những người chọn đọc thơ mình.
Sau nhiều nỗ lực, Bài ca con dế lửa được ra đời nhờ công sức của rất nhiều “bà đỡ” đặc biệt là những nhà văn Tạ Duy Anh, Nguyễn Thiên Hương, Sông Thao, Thúy Hằng và những anh chị em làm việc ở NXB Kim Đồng đã giúp mình in ấn, gửi sách đến những địa chỉ cần gửi. Mình cũng vô cùng cám ơn những bạn học thời trung học, đại học và một số những anh chị em bạn khác đã không ngại giúp mình phát hành tập thơ này và những tập thơ trước. Giữa thời buổi văn chương “ế” như chợ chiều, có thể nói nếu không có sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn ấy thì thật khó để mình quyết định in thơ. 

· Đọc 99 bài thơ của anh trong tập Bài ca con dế lửa, có thể phân thành nhóm các chủ đề, như Mẹ, Kí ức, Em…. Tuy nhiên, anh đã không sắp xếp chúng theo dạng chủ đề như vậy. Hẳn anh có một ý tưởng nào đó muốn chuyển tải đến độc giả trong cách sắp xếp các bài thơ của mình? 
- Đúng như bạn nhận xét tập thơ này có khá nhiều chủ đề và có thể xếp thành nhóm. Tuy nhiên mình đã không làm thế vì nghĩ những gì mình viết chỉ là tiếng lòng của bản thân, đôi khi là những suy tưởng về cõi người vốn dĩ rộng lớn và vô thường. Bi ca thường ở rất gần hoan ca, đó là không muốn nói trong hoan ca đã có mầm móng của bi ca và ngược lại. “Con dế lửa” bất chợt hát lên một “bài ca” nào đó thì mình cũng vậy. Với mong muốn được người đọc lắng nghe và đồng cảm với mình về những nỗi niềm “ướt khô trần thế” luôn đan xen, chống chéo mà mỗi người phải tiếp nhận và vượt qua.   
Thật ra mình cũng có “sắp xếp”  một chút về bài mở đầu “Tạ ơn đời mỗi sớm mai” và bài cuối “Bài ca mới về  những câu chuyện cũ”…  
      
· “Bài ca con dế lửa” gửi gắm thông điệp gì của tác giả? 
- Con dế lửa là một loại côn trùng nhỏ  bé rất gần gũi thân thuộc với những người sống ở vùng nông thôn. Nhất là với lứa tuổi thơ  và lớp… người già như mình. Nắng nghe dế kêu mưa cũng nghe dế kêu. Đêm nghe dế kêu ngày cũng nghe dế kêu. Tiếng dế kêu lúc réo rắt khi rỉ rả từng ngày từng ngày nhập vào mình lúc nào không biết nữa. Nó như những bài ca không tên, không lời mà vô cùng thiết tha, sâu lắng. Nó hồn nhiên ám ảnh mình như mùi đất ải, phân hoai, mùi cây, hương lúa, ánh trăng,  nắng nôi, bão lũ và rất nhiều những thứ vô danh khác mà chỉ những người từ nhỏ gắn bó với ruộng đồng, nương rẫy, sông suối quê hương mới cảm nhận được. Có lẽ vì mình là “dân gốc rạ” chính tông nên bị/được tiếng dế nhập vào và “định cư” trong tâm hồn luôn. Sống với nhau riết rồi đâm thân thiết như tri âm tri kỷ, đến nỗi nhiều khi mình tự thấy mình cũng là một loài dế- một “ca sĩ đồng quê” rút ruột rút lòng hát lên những vui buồn, nhớ thương, trăn trở… của bản thân và làng mạc quê hương. 

    
Không được  đầu hàng hoàn cảnh dù nghiệt ngã đến đâu 

· Cuộc đời của anh, để được như ngày hôm nay, là một nghị lực sống phi thường. Anh thường tâm niệm điều gì trong những lúc hoang mang, suy sụp nhất?
- “Nghị lực sống phi thường” là một cụm từ mang ý nghĩa quá to lớn, mình không dám nhận đâu. Nhưng quả thật mình đã trải qua khá nhiều “những lúc hoang mang, suy sụp” và đã cố gắng vượt qua. Những lúc sắp “chìm”, khi mẹ còn sống thì là mẹ, khi mẹ mất rồi thì bạn chính là những “chiếc phao cứu sinh” của mình. “Tâm niệm” của mình những lúc khó khăn nhất là nhất định không được đầu hàng hoàn cảnh dù nó nghiệt ngã đến đâu, không được buông xuôi mọi thứ, không được rời bỏ cuộc đời trước những người đã hết lòng thương yêu, không ngại cưu mang, nâng đỡ kiếp đời khốn khổ của mình dù chính họ cũng đã oằn vai trăm gánh… 

· Dù phải chịu đựng một số phận không may mắn, nhưng khi đến với thơ của anh, không hề thấy sự oán thán, chán chường, mệt mỏi. Điều gì đã giúp anh giữ được một tinh thần thơ trong trẻo, an nhiên như vậy?
- Với hoàn cảnh của mình, nếu nói không buồn không xót không đau không chán chường mệt mỏi thì không đúng. Mình đã buồn đã xót đã đau tột cùng, đã từng chán chường, mệt mỏi đến mức chẳng còn quan thiết đến bất cứ điều gì trên đời nữa. May mà mình đã kịp nghĩ và xác định: Mẹ đã hết lòng chăm lo nuôi mình ăn học nên người, bạn bè người thân cũng đã hết lòng giúp đỡ, chăm sóc mình dù cảnh sống của họ đầy khó khăn- nhất là những năm trước đổi mới, mở cửa- cả những người khác nữa, chẳng có quan hệ gì họ cũng tỏ lòng thông cảm, giúp đỡ… Vậy thì số phận- gắn liền với bệnh tật- chỉ do nơi mình mà ra thôi. Mình làm- dù là không cố ý, không biết đã làm gì- mình chịu! Than vãn, trách móc ai? Nếu “tinh thần thơ” mình có chút gì “trong trẻo, an nhiên” như bạn cảm nhận thì có lẽ nó được xuất phát từ xác tín trên cộng hưởng với tình người quá đẹp đẽ, lớn lao mà mình đã, đang và tin rằng sẽ còn được nhận từ cuộc đời! Những gì mình viết đều xuất phát từ lòng biết ơn cuộc đời, cám ơn những tấm lòng nhân hậu đã giang tay cứu vớt, đón nhận mình trong những lúc đau buồn, bế tắc và mở ra cho mình con đường sáng- con đường sống sao cho có ích. Và nói như nhà thơ Tố Hữu là “đời yêu ta ta phải thắng cho đời…”.    

· Anh vượt lên số phận đời mình để dốc sức cho một “số phận chữ”. Hành trình nào khiến anh mệt mỏi hơn?
- “Hành trình” nào cũng mệt mỏi, nhọc nhằn lắm! Nhưng dù sao “số phận đời mình” “số phận chữ” cũng luôn song hành với nhau. Đó là không muốn nói 2 số phận này luôn ở trong nhau, vịn vào nhau, nương tựa  nhau để cùng tồn tại và gượng đứng lên, nhích lên từng chút một. Người mệt thì chữ đỡ, chữ mệt thì người nâng…   

· Có giới hạn nào trong sáng tác mà anh luôn tự nhắc mình phải vượt qua? 
- Cõi thơ là cõi cao xa dài rộng vô cùng, cuộc sống và trí tuệ con người nói chung, nhất là bản thân mình lại rất hữu hạn. Mình rất hiểu những gì mình đã viết là chưa được gì nhiều, chưa đi đến đâu . Và rất có thể người đã đến cuối đường mà thơ vẫn còn ở vạch xuất phát. Như bạn biết đấy, gần 3 thập niên rồi hầu như mình nằm một chỗ. Như một cái ao tù. Chẳng còn cách gì khác là cố gắng tự lắng trong, tự khai mở dòng chảy dù nhỏ nhoi để hòa vào sông, biển cuộc đời. Mỗi ngày…  

· Nhiều nhà thơ luôn đặt ra yêu cầu cách tân, đổi mới trong các sáng tác của mình. Còn anh thì sao?
- Cách tân, đổi mới là nhu cầu bắt buộc của người cầm bút nói chung. Mình cũng không ngoại lệ. Nhưng cách tân, đổi mới thế nào cho hợp lý và hiệu quả? Mình nghĩ mỗi người có một khả năng khác nhau, cái “tạng” cái “gu” thẩm mỹ khác nhau, tốt nhất là phát huy sở trường của bản thân chứ đừng chạy theo phong trào. Không khéo lại rơi vào tình cảnh “bỏ mồi bắt bóng” như chơi. Dù muốn không muốn văn học nói chung và thơ nói riêng luôn luôn có sự tương tác giữa tác giả- tác phẩm- người đọc. Cách tân, đổi mới luôn cần thiết nhưng không nên cực đoan thái quá. Người đọc không hiểu, không cảm được, không nhận được những hứng thú tinh thần thì tác phẩm dành cho ai?
   Mình là con cháu của những người nông dân thứ thiệt nên chắc là cả đời lẫn thơ phải “sống ghì gốc rạ chết  ôm khói đồng” thôi. 

· Thơ hay – trong suy nghĩ của anh – là gì?
- Bài thơ hay luôn là một chỉnh thể của sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình thức. Nói cách khác thơ hay phải có nội dung sâu sắc, mới lạ và được diễn đạt bằng một hình thức phù hợp, tương thích, văn minh. Như một người đẹp thực sự phải có cả thanh và sắc.
Mặt khác mình cũng rất thú vị  với tư tưởng của nhà triết học Căng : cái  đẹp không phải ở đôi má hồng thiếu nữ  mà nằm trong đôi mắt kẻ si tình. Có thể  bạn cho rằng đây là quan điểm duy tâm, chủ quan? Mình cũng nghĩ thế, cái đẹp phải có tính khách quan, tức là bản thân nó phải đẹp- cái đẹp ấy được mọi người (hoặc đa số người) công nhận. Nhưng ở một bình diện khác mỗi người là một tiểu vũ trụ, mang trong mình vô số điểm khác biệt so với phần còn lại của thế giới nên để tác phẩm được cả một dân tộc, một thời đại… đồng cảm, yêu thích là cực khó và cực hiếm. May ra chỉ những bậc thiên tài mới làm nổi.
   Với một người viết còn nhiều hạn chế như mình, nếu có bạn đọc nào thích một bài, thậm chí một vài câu nào đó trong cả một tập thơ  thì đã là một hạnh phúc rồi. May mắn có được một ý thơ nào đó đi được vào lòng người và làm tổ ở đó thì… tuyệt vời!
    
· Câu chuyện của chúng ta đã đề cập đến nhiều vấn đề. Liệu còn điều gì đó anh muốn chia sẻ với Văn nghệ Trẻ?
- Cho mình được nói thêm một chút. Mình sống được đến bây giờ, như bây giờ là nhờ lòng thương yêu và nhân hậu của rất nhiều người. Xin được thành kính tri ân tất cả mọi người. Và cũng xin mọi người rộng lòng tha thứ cho những non kém, lỗi lầm Nguyễn Ngọc Hưng đã vô minh phạm phải.
   Cám ơn Văn nghệ Trẻ đã cho mình một cuộc trò chuyện thú vị, nhiều  ý nghĩa này!  
  
· Văn nghệ Trẻ cũng xin được chúc anh luôn vững vàng trước những thử thách khó nhọc của đời sống này, để viết lên những bài thơ có sức sống lâu bền. 

PVVNT thực hiện

Văn nghệ Trẻ số 11 (ra ngày 16, 17 – 3- 2013)

Nguồn: Nguyễn Ngọc Hưng gởi đăng
READ MORE - NGUYỄN NGỌC HƯNG - VIẾT TỪ LÒNG BIẾT ƠN CUỘC ĐỜI - Phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng - PV VNT thực hiện

LINH HỒN MẦU TÍM - Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình






       Khu đất Mò Ó thuộc xóm Cồn Thiên từ trước đến nay là khu dất hoang nằm chênh vênh bên sườn đồi trọc, chỉ mọc toàn là cây mua. Về diện tích, lồi  lên, lõm xuống ven theo triền đồi không thể đo đạc chính xác, chỉ tính những đám bằng bằng chắc cũng được hai hec-ta. Mùa hè khu đất Mò Ó đẹp lộng lẫy như một bức tranh thiên nhiên. Chỉ nội cái màu tím của nó, ai có một chút  đầu óc hội họa  pha thêm một tí  mầu mè của  tâm hồn hoa lá cành thì không thể không sững sờ bởi cái mầu tím cực kì  rực rỡ. Mầu tím của bạt  ngàn hoa mua, mà dân quê ở đây gọi bằng cái tên không mấy thân thiện, là loài  me hoang. Mùa hoa mua nở từ tháng ba chuẩn bị kịp đón ngọn gió Lào nóng khô thổi như sấy tóc.Trong lúc con người ở đây quay quắt với cái nóng gió Lào chết tiệt  thì hoa mua nở tưng bừng.Tím từ lá non, cánh hoa, đến  nhị hoa. Nhị hoa có hương vị  ngọt thanh, nhai một chút là đôi môi của thiếu nữ Cồn Thiên chợt sáng lên một mầu tim diệu kỳ  mà không có loại son môi nào có thể sánh được. Son Hàn Quốc nghe  nổi tiếng vậy nhưng cũng chỉ là mầu tím tối. Có lẽ chẳng nước nào trên thế giới chế biến được một loại son môi, để các cô gái tân thời có  một làn môi xinh đẹp như môi cô gái xóm Cồn Thiên, khi nhai một chút nhị hoa mua thuở đó. Nói thuở đó vì kể từ năm 1972, quân đội Mỹ đem các loại xe cơ giới tối tân đến cày cạt mô đất Mò Ó để biến triền đồi nầy thành một căn cứ quân sự, nhằm cắt đứt con đường tiếp tế cho các các chiến khu đâu đó xa tắp trên dãy Trường Sơn, mà đứng từ Mò Ó nhìn lên chỉ thấy toàn núi non trùng điệp, xanh rì. Lính Mỹ từ ngày lập căn cứ nầy đổ máu không ít, vì phải chiụ đựng những trận pháo kích của quân Giải Phóng. Ruộng của xóm Cồn Thiên không nhiều, không mầu mỡ, nhưng chính nó đã sản xuất ra những hạt vàng cho Bộ đội những năm tháng chiến tranh ác liệt. Triền đồi hoa mua đã bị bào trọc, họa chăng chỉ còn sót một vài đám tiếp cận với bờ ruộng. Nhưng rồi hoa mua  cũng không còn mầu tím nữa, bởi những đoàn công voa suốt ngày đêm chở đạn lên về căn cứ, đã phủ lên cây cỏ  ở đây một mầu đỏ chạch của bụi đất pha  bazan. Số phận của hoa mua trên triền Mò Ó cũng mang nỗi thăng trầm như người dân ở đây.

        Sau khi đất nước thông nhất, những đám cây  mua còn sót lại một lần nữa  bị đào xới tận gốc rễ, bởi chính bàn tay những  người dân Cồn Thiên thiếu đói. Không phải họ đào cây mua lên mà ăn.Thứ cây nầy chỉ làm đẹp chứ không thay được miếng cơm manh áo. Nhưng người dân Cồn Thiên có lẽ từ thời tổ tiên ông bà khai phá ra xóm Cồn Thiên đến nay, chưa hề có được một ngày thư thái để có thể nhận ra vẻ đẹp của quê hương mình. Lấy đâu cảm hứng để nhận ra vẻ đẹp của loài me hoang !  Nói tiếp cái ý do đâu gốc mua bị đào xới. Sau 1975 trước cảnh thiếu đói, căn cứ quân sự Mỹ ở Mò Ó đã đem lại một vài hạt  cơm trợ đói, nhưng nó cũng lấy đi sinh mạng không ít những đứa trẻ và cả ông bà già. Khi ngày ngày họ lên đây đào xới tìm sắt thép, gõ đầu đạn lấy nhôm. Chiến tranh qua đã gần chục năm thế mà trên triền đồi Cồn Thiên thỉnh thoảng  lại vang lên những tiếng nổ rung chuyển đất đá, với những  cụm khói ùn lên như tai nấm khổng lồ ghê rợn. Tiếp theo đó là tiếng gào khóc thê thảm, lúc thì ở đầu xóm,  lúc thì cuối xóm. Tiếng gào khóc nghe  quá uất ức đau đớn.  Hơn cả tiếng gào khóc của người dân Cồn Thiên lúc có người chết thuở còn chiến tranh.

        Một đợt rà mìn trên cồn Mò Ó do Tỉnh đội tổ chức. Sau đó một khu công nghiệp được hình thành.Từ đấy có một câu chuyện về rừng mua, vô tình biến nó  thành khu vườn quái dị như trong  chuyện cổ  tích.

        Mấy năm sau, nói thì mấy năm nhưng cũng đến gần cả chục năm, tính từ khi khu công nghiệp hóa chất bắt đầu hoạt động, vùng ruộng lúa đã từng cho bộ đội những hạt thóc vàng dần dần mất mùa liên tiếp.Có gieo, có cắt, nhưng hạt lúa thu được mùa sau ít hơn mùa trước. Những năm gần đây cây lúa không còn lên được nữa bởi những dòng nước vàng quánh hoặc đen sì  từ khu công nghiệp đổ ra. Trước đây dân Cồn Thiên chết vì chiến tranh thì nhiều bởi đây là căn cứ chìm của Cách mạng. Tiếp theo là chết vì  người dân đào xới để lấy đầu đạn. Hai cái chết tức tưởi mới hết gieo rắc trên xóm Cồn  Thiên, giờ đến lượt cái chết âm thầm đau đớn, nhưng cũng hết sức nghiệt ngã: Chết vì bệnh ung thư! Mấy năm qua số người bị căn bệnh nầy chỉ rải rác. Nhưng mỗi ngày thấy có vẻ nhiều hơn, khiến chính quyền địa phương phải quan tâm. Vừa rồi Bộ Y tế về khám sức khỏe cho người dân Cồn Thiên đã có kết luận: Số người mắc bệnh ung thư  giai đoạn đầu đã lên tới xấp xỉ con số mười. Đó là  chưa kể những bệnh nhân  giai đoạn sau đang điều trị ở các bệnh viện.

       Vợ chồng chị Lành người  xóm Cồn Thiên, trước đây ở cùng cha mẹ, nay cùng một số hộ  được Ũy ban xã cấp cho mấy lô  đất thuộc  vườn mua cổ tích, phiá ngoại vi khu công nghiệp. Hai vợ chồng chị làm công nhân cho một nhà máy hóa chất ở khu Mỏ Ó. Tính đến nay đã hơn bốn năm. Hai vợ chông đang làm ăn khỏe mạnh, dành dụm được ít nhiều, đùng một cái tai họa giáng xuống. Thằng con trai đầu của anh chị đang học lớp mười, một buổi tối ăn xong ôm bụng quằn quại. Ra trạm xá xã uống thuốc đau bụng nhưng  không bớt. Lên bệnh viện Huyện xổ lãi cũng  không có. Vượt tuyến thấu bệnh viện tỉnh chụp hình, thấy khối u trong bụng. Thế là hết! Nó mới mất tháng mười năm ngoái, tính ra đã chín tháng mười hai ngày. Đứa con trai mất, kéo theo cơ nghiệp anh chị góp nhặt gầy dựng bấy nay cũng xem như đổ xuống sông. Anh chị chỉ có một đứa con, đúng là om treo đầu giàn. Giờ đã vỡ tan tành. Từ đó đến nay, anh Lành sinh ra nát  rượu, bỏ bê công việc, chẳng hề bén mảng đến nhà máy. Chị thì bỏ cái  gì  đâu quên đó, chẳng tính toán làm ăn gì được. Một  hôm chị thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình sa sút, sức khỏe cả hai vợ chồng đều suy giảm. Chị hồi tỉnh trước anh. Chị năn nỉ anh bỏ uống rượu:                             
       -Trời thương sẽ cho mình đứa con khác.Cố gắng làm lụng tích lũy cho con cái sau nầy. Mình đang còn trẻ không thể sống hoài như thế nầy được… Chị nói với chồng như vậy. Dù ăn ở chung với nhau một nhà, ngủ chung một giường, mà như thể lần đầu tiên anh nhìn thấy mặt vợ.  Anh trông chị xác xơ mà động lòng. Lỗi nầy chẳng do ai cả, chỉ tại  số trời thôi. Anh hứa sẽ không uống rượu nữa. Một sáng nọ chị mừng khấp khởi khi thấy  anh đến nhà máy xin đi làm trở lại.                             




      Cả vùng đất quanh nhà chị bốn năm trước đây khi chị cùng chồng đặt lát cuốc đầu tiên đắp cái nền nhà, thì cỏ đuôi gà mọc phủ. Đó đây còn  một vài bụi mua tím ngắt lắt lay trước gió. Giờ thì nó biến thành một khoảnh xám xịt, cát chẳng ra cát, đất chẳng ra đất, đang lan dần  tới trước thềm nhà chị. Mấy khóm hoa vạn thọ, mười giờ, anh Lành trồng trước ngõ cho vui cửa vui nhà đều lần lượt bỏ anh chị theo gió bay lên trời. Anh Lành bàn với chị đào một cài rãnh ngăn không cho nước thải từ các nhà máy thấm qua vườn nhà mình.

        Anh Lành đi theo xe áp tải hàng vào thành phố. Ở nhà  những lúc không làm ở nhà máy, chị tiếp tục đào rãnh một mình. Đây là thứ công việc không đẻ ra đồng lợi nhưng không làm không được. Cái mùi  hắc không ra hắc, thối không ra thối, cứ xông vào mũi mỗi khi trời đứng gió. Không ai ăn ở kiểu nầy được. Vậy là phải làm. Nhưng phải làm vào ngày chủ nhật hoặc tranh thủ ngoài giờ lao động. Do vậy từ hôm anh Lành đi rồi, chị đào xới đến hơn bảy giờ tối mới vào lo cơm nước. Ăn một mình cũng khỏe.
      Hôm nay chị định nghỉ tay vì thấy đã chạng vạng tối, nhưng nghĩ còn mấy thước nữa là con rãnh ăn thông ra ruộng. Đến đó là thôi. Chị cố gằng đào thêm một chút nữa, để ngày mai có thể hoàn tất. Vừa vung mạnh lưỡi cuốc xuống chỗ đất cứng chợt lưỡi cuốc  chạm vào một cái gì đó kêu một tiếng rắc giòn như bẻ nhánh củi khô. Chị chú  mắt  nhìn xuống.  Trong thứ bóng tối nhờn nhợt của đầu hôm, chị thấy một bóng người ăn vận  y phục tím ngắt từ dười đáy rãnh lồm cồm chui lên. Chị Lành hết hồn vía, chị thét lên một tiếng, ném cái cuốc ra xa, vắt chân lên cổ chạy. Nhưng chợt có tiếng kêu cất lên từ phía dưới  rãnh:        

       -Chị kia đừng chạy, tôi không làm hại chị đâu.

      Chị Lành nghe ai đó gọi mình, thanh âm không có vẻ gì là tiếng hú dọa  ma quái, chị dừng lại và quay đầu lui nhìn. Bây giờ thì chị thấy  rõ: Một cô gái vận một thứ trang phục mầu tím kỳ lạ. Đặc biệt đôi môi đánh một loại son gì mà phát quang tím rực rỡ. Da mặt thì xanh ngắt như mầu lá.  Từng bước tiến về phía chị. Chị Lành vừa bước  thụt lùi miệng vừa lắp bắp hỏi –Cô là ma? Là Hồ li tinh?

      -Tôi không phải  ma. Cũng không phải yêu tinh -Bóng cô gái  mầu tím trả lời-Tôi là một linh hồn. Linh hồn khác với tinh ma, chị biết không.

        Chị Lành tiếp tục thụt lùi vừa lắc đầu. Bóng cô gái kỳ quái không tiến thêm nữa. Thấy vậy, chị Lành cũng đứng lại nhìn . Cô ta  cất tiếng hỏi lạnh như băng giá khiến chị  rùng mình:

        -Chỗ nầy của tôi ở đã lâu sao bỗng nhiên chị vác cuốc đến đào phá?

        -Khu đất nầy là vườn của tôi mà – Chị Lành cãi - Nhà tôi kia kìa cô  không thấy sao?               
       -Nhà chị cũng thuộc vườn của tôi –Vẫn với giọng âm u  lạnh lẽo bóng  cô gái tự xưng mình là một linh hồn trả lời.

       -Nhưng tôi được chính quyền cấp sổ đỏ kia mà.

       -Nhưng đây là đất của tôi, chị nghe rõ chưa?

       -Đây là đất hoang từ xa xưa, có phải là vườn tược của ai đâu.

       -Có đấy

       Giờ thì linh hồn mầu tím tỏ vẻ bực tức, gằn giọng 
       -Vườn của dòng họ tôi đấy.

       Rồi vặn hỏi chị Lành:

       -Vậy tôi hỏi: Chị nhận cái mà chị gọi là sổ đỏ nhà nước cấp cho chị từ lúc nào?

       -Lâu rồi .

       -Lâu là mấy năm?  Bóng cô gái  mầu tím kỳ quái vẫn chưa chịu buông tha.

       -Cũng gần năm năm nay.

       -Vậy thì trước hay sau ngày mà khu đất nầy còn là vườn hoa mầu tím?

       -Tất nhiên là sau.

       -Thế  thì được rồi, chị hãy đến đây. Linh hồn mầu tím vừa nói vừa bước đến  rãnh, chỗ chị Lành vừa đào. Nhưng chị Lành không dám tới. Bóng mầu tím giục:

       -Chị  đến đây tôi giải thích cho nghe. Tôi không bao giờ làm  hại ai cả.

       Chị Lành vẫn không dám bước tới. Thấy vậy, Linh hồn mầu tím cúi xuống rãnh lấy tay lay lay một cái gì đó rồi kéo lên.

       - Trời ơi-Chị Lành kêu lên kinh ngạc-Một bụi mua tràn đầy hoa tím sáng rực. Linh  hồn mầu tím hỏi:

        -Chị đã hiểu chưa?

       Chị Lành vẫn  lắc đầu tỏ dấu không hiểu.

       -Nầy nhé, tôi ở đây từ thuở có những  bông hoa nầy, mà theo chị nói, chị được cấp giấy phép đến ở khu đất nầy lúc không còn một bụi hoa mua mầu tím nào nữa.  Có phải vậy không?  Nghĩa là chị đến đây sau tôi. Giờ thì rõ rồi chứ.

       Chị Lành vẫn lắc đầu. Chợt linh hồn mầu tím nổi giận:

       -Hãy rời khỏi nơi nầy gấp, đây là đất  lành của hoa mua mầu tím. Bọn các ngươi đã đến đây biến nó thành một vùng đất nhiễm độc, đầy chết chóc .Thấy chưa! -Linh hồn mầu tím chỉ tay lên  những đám khói tỏa ra từ những ống khói trong nhà máy, đang vần vũ trên trời, rồi nói -Tử khí bao trùm trời đất!.Các ngươi đã tận diệt những bông mua mầu tím chúng tôi. Vừa nói, linh hồn mầu tím vừa quất mạnh những nhánh mua, làm những bông hoa biến thành những tia sáng cực tím bay thẳng  vào mắt chị. Hốt hoảng chị Lành bỏ chạy. Nhưng ở đâu chị cũng thấy những tia sáng  tím ngắt từ trên trời xuyên qua những đám khói chiếu thẳng vào chị,  khiến toàn thân chị đau đớn. Chị Lành thét lên.

       Anh Lành đang say ngủ bên cạnh vợ chợt  nghe chị Lành thét, anh giật mình vùng dậy lay vai chị.Chị Lành tỉnh giấc ôm chồng run rẩy

       -Em nằm mơ gì vậy?  Anh Lành ôm chặt vợ cho chị bớt hốt hoảng rồi dịu dàng hỏi.

        Đang cơn kinh hoàng chị Lành không trả lời chồng nổi nữa. Chị rúc đầu vào ngực anh khóc rưng rức. Một lát chị nói:

       -Ta dọn nhà đi ở chỗ khác thôi anh ạ. Giọng  chị chưa hết kinh hãi.

       Chặp lâu sau, chị Lành bình tỉnh trở lại, chị kể cho chồng nghe câu chuyện mình nằm mơ.

       Anh Lành an ủi vợ:

       -Có lẽ em buồn và lo lắng quá sinh ra mộng mị vậy thôi, ngủ đi

       Anh ôm chị thật chặt  vào đôi tay rắn chắc của mình, dỗ chị ngủ.

       Sáng  mai chị Lành nhất định đòi chồng phải ra chỗ  cái rãnh chị đào dở hôm qua, tiếp tục đào sâu hơn để coi có gì dưới đó không. Đào xuống  gần  một tấc nữa,  anh Lành kéo lên một tụm cây ruỗng mục. Nhìn lại đó là một bụi cây mua bị chôn vùi lâu ngày chưa hoai hết. Cũng chẳng có gì lạ. Vùng nầy  trước kia là khu  rừng mua  thì thân cây mua bị chôn vùi dưới đất chưa kịp mục hết là  chuyện bình thường. Có điều là  tối qua chị Lành lại nằm mơ thấy Linh hồn mầu tím kéo một bụi mua từ chỗ nầy lên. Cái đó mới lạ. Trong những câu chuyện thần thoại hai vợ chồng chị đọc hồi nhỏ chỉ có những loại cây cao bóng cả mới  có thần linh tọa. Chẳng hạn cây lê ở đầm Dược Long ,Tào Tháo vì chặt nó để làm nóc cung điện nên bị thần linh hại chét. Còn thân cây mua cao chưa quá đầu đầu gối thì thần nào mà tá túc. Hai vợ chồng chị Lành nhìn nhau  lấy làm khó hiểu.

     Câu chuyện đến tai của một cụ ông trong  xóm Cồn Thiên. Cụ đã sống qua ba thế kỷ tại khu đất nầy. Cụ giải  thích với mọi người theo một quan niệm thần học, và lấy thực tế để chứng minh hẳn hoi.Cụ bảo thằng Mỹ qua đây bào trọc rừng mua nên bị giết. Người dân xóm Cồn Thiên lên đào phá gốc mua nên  cũng gặp tai họa. Những người kinh doanh lên đây thành lập những nhà máy, thải ra chất độc hại làm cây cối bị hủy diệt, nên con cháu cũng mang những căn bệnh ngặt nghèo. Cụ kết luận: Hoa cỏ thiên nhiên cũng có linh hồn. Khi con người tàn phá thiên nhiên chắc chắn sẽ bị báo ứng.

      Ông cụ nói  vậy thì nghe vậy, còn đúng sai chỉ có trời mới biết. Có điều chắc chắn là khi con người đã đầu độc thiên nhiên, thì bằng cách nào đó, thiên nhiên cũng sẽ đầu độc lại con người.

Nguyễn Bá Trình

 bichlien101046@yahoo.com.vn


READ MORE - LINH HỒN MẦU TÍM - Truyện ngắn Nguyễn Bá Trình