Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 15, 2013

KỶ NIỆM MỘT THỜI “MÂY ĐÓT” - Bút ký Nguyễn Xuân Hòa

Tác giả Nguyễn Xuân Hòa (người thứ 2 từ phải sang)

                                          
                Đã hơn 30 năm, hình ảnh vùng Bãi Hà (thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh) vẫn hiện về trong tôi với biết bao kỷ niệm. Ngày đó, sau khi nghỉ Tết âm lịch, đầu xuân 1982, học sinh khoá 3 chúng tôi được lệnh “hành quân” vào miền tây huyện Vĩnh Linh (thời đó còn đang huyện chung Bến Hải, gồm Vĩnh Linh và Gio Linh ngày nay và thuộc tỉnh chung Bình Trị Thiên) để khai thác đót, nhập cho Ngoại Thương. Phương tiện đầu tiên mà chúng tôi đi từ Đồng Hới vào ga Sa Lung, Vĩnh Linh là Tàu chợ, còn gọi là Tàu Thuận Lý - Huế. Đã quen với cảnh nhảy tàu thời sinh viên nên đến Sa Lung sức khoẻ của cả đoàn hầu như chẳng hề hấn gì. Vấn đề là tìm phương tiện để lên Bãi Hà, cách ga Sa Lung khoảng 10 km; số thì đón xe Lâm trường, số thì xin xe Trâu của dân địa phương đi khai thác gỗ, còn đa số cuốc bộ. Sau 5 tiếng đồng hồ, đến 7 giờ tối, toàn bộ đại quân cũng có mặt tại trường  UNESCO của xã Vĩnh Hà và nhanh chóng ổn định đội hình sinh hoạt, ăn nghỉ để sáng mai là có thể toả ra dọc đường 15 (Đường Hồ Chí Minh ngày nay) và các rẫy của dân bản để khai thác đót.

Đón và giúp đỡ chúng tôi là anh Hồ Xan, xã đội trưỏng Vĩnh Hà. Dân ở đây chủ yếu là đồng bào Vân kiều. Bản tính của bà con Vân kiều bao đời vẫn rất tốt bụng, nhưng tập tục lạc hậu và đặc biệt là ăn ở thiếu vệ sinh. Ở nhà sàn nhưng trâu bò, lợn gà lại nuôi ở dưới sàn nên rất bẩn và hôi mùi khó chịu. Ngoài nhiệm vụ chính, đoàn chúng tôi còn làm công tác giúp dân vệ sinh xóm bản, giao lưu sinh hoạt văn nghệ với Đoàn thanh niên địa phương. Mọi hoạt động diễn ra trong khoảng thời gian một tuần với đầy ắp kỷ niệm. Tôi còn nhớ lớp tôi có một cô bạn bị đau bụng quằn quại. Bệnh viện thì xa, phương tiện giao thông không có, dân bản khuyên nên đưa đến nhà thầy giáo Roàng. Tôi nghĩ đau ốm sao lại đưa đến nhà thầy giáo, nhưng không còn sự lựa chọn nào khác, sau khi hội ý chớp nhoáng, quyết định cuối cùng là đưa đến nhà thầy giáo xem sao. Khi đưa cô bạn lên nhà sàn của thầy thì điều bất ngờ nữa lại đến, thầy bị mù... Nhưng đến lỡ rồi, đành cất tiếng trình bày yêu cầu của mình. Đón chúng tôi là một người dân tộc chính hiệu, tóc xoặn, da ngăm đen, dong dỏng cao và rất nhanh nhẹn. Sau khi hỏi một số triệu chứng, thầy bắt đầu thăm khám và kết luận : không phải ruột thừa, không biết thầy chẩn đoán có đúng không, nhưng thực sự kết quả thầy nói làm cho anh em chúng tôi nhẹ cả người. Nếu bạn ấy bị ruột thừa chắc chắn phải đưa ngay đi bệnh viện Vĩnh Linh, mà bệnh viện cách Bãi Hà gần 20 km, phương tiện thì không có, chắc chắn phải gánh bộ với một quãng đường như thế…mới nghĩ mà đã nao lòng. Nghe thầy phán không phải ruột thừa…thật hú vía. Hình như thầy tự tin với “kết luận chẩn đoán” của mình nên thầy quay sang rót nước tiếp chuyện chúng tôi, những người đi theo bệnh nhân. Thầy kể, thầy tên là Roàng; người Vân kiều, Pa Kô lấy họ Hồ của Bác làm họ chung nên tên họ đầy đủ của thầy là Hồ Roàng. Quê thầy ở miền tây Quảng Trị, theo gia đình tập kết ra vùng Bãi Hà này. Thầy học sư phạm cấp tốc 3 tháng, dạy học trò người Pa Kô Vân Kiều và cả người kinh nữa từ lớp vỡ lòng đến lớp 4 với khoảng 15 em từ 6, 7 đến 12, 13 tuổi. Thầy vừa dạy chữ vừa kiêm luôn bảo mẫu, y tá… do vậy mà thầy rất rành về các loại bệnh thông thường. Ngừng lại giây lát, thầy lấy que cời cời bếp lửa giữa gian nhà lấy ra mấy củ sắn nướng, thầy bảo em nào khéo dỗ cho bệnh nhân ăn tạm để chuẩn bị uống thuốc. Thầy nói phải khéo miệng mới dỗ được người ốm ăn. Sau khi nghe chúng tôi nói bạn đã ăn lưng bát cháo ở nhà rồi, thầy đứng dậy đi về phía cuối nhà sàn, vói tay lấy một gói giấy xi măng ở trên xà nhà. Thú thật với các bạn, kiến thức y học thời đó của tôi không như bây giờ nhưng khi nhìn thấy thầy lấy gói thuốc bằng bao xi măng lại đen nhẻm khói bếp thì tôi lo lắm. Nhưng đã lỡ phải lần, đã đau tất phải uống thuốc. Tôi đứng dậy đỡ lấy gói thuốc và nói: Thầy để em. Và định bụng nếu mở ra mà thuốc mốc thì giã vờ cho bạn uống rồi vận động anh em gánh đi bệnh viện ngay. Vẫn phong cách đỉnh đạc như chưa bao giờ mù, thầy nói em mở ra giúp thầy và lấy cho thầy hạt màu đỏ ấy. Khi tôi lần lượt mở từng lớp giấy bao xi măng ra thì trong cùng là một lớp ni lông màu xanh, tôi đoán là bao gạo “4 bì” Trung Quốc viện trợ cho ta thời chiến tranh. Đựng trong đó rất nhiều loại hạt và rễ cây, thân cây, dây leo…đã phơi khô, thơm mùi…thuốc Bắc. Tôi thật sự yên tâm khi thầy nói vui: - Đó là tủ thuốc của thầy, cứu cả vùng Bãi Hà này đấy! Chữa từ bệnh đạu bụng, đau đầu; rắn, rết, bò cạp cắn và tất nhiên, sau khi sơ cứu là chuyển bệnh nhân về viện, vì thầy là thầy thuốc dân gian chứ đâu phải là Bác sĩ.

            - Nói vậy chứ cũng được việc ra phết đấy các em ạ! Nói xong, thầy lại cười rất hồn hậu.

            - Nào, chọn cho thầy hạt màu đỏ chưa, đưa đây.

            Tôi đưa cho thầy và hỏi, hạt chi rứa thầy?

            Thầy ôn tồn nói hạt vôông, theo tiếng người kinh có vùng gọi là bôông. Cây này rất hay, lá có tác dụng giãi nhiệt, hạt trị đau bụng. Nhưng cái khó khi hạt rụng lại là món khoái khẩu của loài chuột và sóc. Tủ thuốc này là công lao của nhiều học sinh cũ của thầy và thanh niên trong bản. Sau khi nghe thầy mô tả từng loại rễ, từng loại hạt, loại cây, các cậu ấy lại miệt mài tìm về giúp thầy để cứu dân bản, các cậu lại phải theo dõi cây để dự đoán khi nào hạt rụng để thu nhặt ngay trước khi lũ chuột và sóc đến kiếm thức ăn.

            Thầy bảo, em nào khéo tay bỏ hạt vôông lên tấm tôn nhỏ trên bếp rồi dùng que cời đảo qua đảo lại giúp thầy, khi nào thấy da đổi màu vàng vàng và có mùi thơm là được. Tôi làm như thầy hướng dẫn và sau khi để nguội, để xuống đất ở gầm nhà sàn( sau này tôi mới biết công đoạn đó gọi là “khử thổ”)

             Sau khi uống xong chừng nửa tiếng, tất nhiên khoảng thời gian đó là tôi áng chừng vì khi cho bạn uống thuốc xong, chúng tôi lại bị cuốn hút vào những câu chuyện kể của thầy. Bạn tôi khoẻ hẳn, không còn đau nữa và nhoẻn miệng cười theo các bạn khi thầy kể đến những đoạn vui. Suốt 10 ngày ở Bãi Hà, ngày đi đót, tối chúng tôi lại tụ họp tại nhà thầy Roàng để nghe thầy kế chuyện đời, chuyện chiến tranh và đặc biệt là truyện cổ Vân Kiều. Sau này có dịp đọc bộ sưu tập này của nhà văn - chiến sĩ biên phòng Trần Công Tấn, tôi lại phục kiến thức và trí nhớ của thầy Roàng.

           Khoảng năm 2000, tôi có dịp quay lại Bãi Hà để khảo sát tình hình Nông trường Quyết Thắng chuẩn bị sáp nhập vào Công ty Cao su Quảng Trị thuộc tập đoàn cao su Việt Nam. Tìm lại cảnh cũ người xưa, tôi lại gặp anh Hồ Xan - người Xã đội trưởng năm nào nay đã lên Chủ tịch xã Vĩnh Hà. Đường Hồ Chí Minh đi qua Bến Quan làm thay đổi nơi đây. Khi tôi viết bài này thì Bến Quan đã là một thị trấn sầm uất với bạt ngàn cao su, hồ tiêu của huyện Vĩnh Linh.

           Qua trò chuyện, anh Hồ Xan kể thời chiến tranh từ vùng Bãi Hà cho đến Bến Tắt là bãi tập kết lương thực, đạn dược…của hậu phương miền Bắc trước khi vượt hàng rào điện tử Macnamara để chi viện cho tiền tuyến anh hùng. Vì vậy nên Bãi Hà là “túi bom” của không lực Huê Kỳ nhằm huỷ diệt đường tiếp tế của Miền Bắc vào Nam và qua Lào. Hàng ngày không biết bao nhiêu trận oanh kích của B.52, F.4H, F.105. Nhưng quân và dân vùng Bãi Hà vẫn vững vàng với sứ mệnh lịch sử của mình và vinh dự mảnh đất này đã được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

           Khi tôi hỏi về thầy Hồ Roàng, mặt anh Hồ Xan đượm buồn, anh kể: Hồ Roàng mất cách đây 10 năm, tức là sau thời gian chúng tôi đến Bãi Hà khai thác đót khoảng 7,8 năm thì thầy mất. Tôi bày tỏ tâm nguyện muốn đến viếng mộ thầy. Anh Hồ Xan tâm sự, theo phong tục, người Vân Kiều chết được chôn trong khu nghĩa địa chung gọi là Rú Ma. Người dân tộc khi an táng xong rất sợ ma bám theo về nhà nên thường bỏ chạy. Hơn nữa cũng đã gần 20 năm rồi, do nhiều điều khách quan nên anh không thể xác định được mộ thầy Roàng ở đâu.

            Nhìn về xa xăm, anh Hồ Xan tiếp lời: Anh Hồ Roàng là lớp đàn anh của Hồ Xan. Anh là thầy giáo giỏi, rất thương học sinh và mọi người. Trong một trận bom B.52 Mỹ rải thảm xuống Bãi Hà, khu vực trường của thầy bị cháy. Để cứu các em học sinh, thầy đã phải hy sinh đôi mắt của mình. Thầy không lấy vợ. Từ sau ngày bị mù, thầy sống chủ yếu bằng tiền trợ cấp thương binh và tình thương của dân Bản, đồng thời làm thầy thuốc dân gian để giúp mọi người và một trong những nghĩa cử cao đẹp đó là giúp bạn tôi vượt qua cơn nguy kịch.

            Bãi Hà xưa, nay cách đường Hồ Chí Minh khoảng 5km đã về phía Tây, là một vùng cao su bạt ngàn của Nông trường Quyết Thắng, thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị. Màu xanh hôm nay như muôn vạn cánh tay che ấm những người một thời giữ yên cho mảnh đất này, cho sự thống nhất của Tổ quốc, trong đó có hương hồn của thầy giáo thương binh Hồ Roàng.
            Đầu năm 2013, có dịp về Bãi Hà công tác, tiếp tôi tại Nông trường là Giám đốc Lê Tư Thông, cùng đi với tôi có anh Trần Văn Quốc - nguyên là kế toán trưởng Nông trường, nay là Phó trưởng phòng Tổ chức Công ty và anh Văn Đức Dũng nay là Phó Tổng Giám đốc công ty TNHH MTV cao su Quảng Trị. Chúng tôi là những cựu học sinh của Trường Trung cấp Kinh tế Bình Trị Thiên (nay là Trường Cao đẳng Kinh tế Quảng Bình), lại cùng chung công tác ở lĩnh vực cao su nên có dịp đi công tác chung là trãi bầu tâm sự về trường, về lớp, về một thời “Mây, Đót”. Chúng tôi tự hào là lớp học trò đầu tiên của Trường Trung cấp Kinh tế Bình Trị Thiên. Một thời cơm độn không đủ no, áo quần không đẹp; thời gian học hơn 3 năm, lao động nhiều, cơ sở vật chất quá thô sơ đúng nghĩa “ nhà tranh, vách đất”. Thế mà thầy trò vẫn vui, coi nhau như bạn vong niên. Lớp học trò thời đó của chúng tôi có người đã nghỉ hưu, có người đang đảm đương những trọng trách của các Tỉnh, các Ngành, các Doanh nghiệp của vùng duyên hải miền Trung và cả của nước bạn Lào, Căm Pu Chia. Mỗi người mỗi phương nhưng chắc chắn trong tâm khảm mọi người sẽ không quên một thời “ Mây, Đót”.

           Lướt mạng tìm Trường Trung cấp Kinh tế Quảng Bình, thấy một chùm ảnh nóng : Ông Nguyễn Xuân Quang – UVTV, Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Bình đến chúc mừng, tặng hoa cho các thầy cô nhân ngày 20 tháng 11. Thế mới biết sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nhà với trường. Ngắm nhìn cơ ngơi trường mới khang trang qua ảnh mà không thể nào định vị được ngôi nhà ngói trát xi với một dãy giường 2 tầng của B.2/K.3 đang ở vị trí nào. Nhìn những thầy cô đông đảo, tươi trẻ. Nhìn lớp học trò hồn nhiên, ngây thơ như chúng tôi ngày nào, một liên tưởng chợt đến trong ý nghĩ: Không biết trong số các thầy cô trẻ và lớp học trò trong những tấm ảnh tôi nhìn hôm nay, có ai có mối quan hệ với những người một thời “sắn, mì”, một thời “Mây, Đót” tuy gian khổ, nhưng rất đỗi tự hào của lớp học trò chúng tôi ngày trước hay không.

              Đang miên man hồi ức thì đầu dây bên kia chuông điện thoại reo, Ngô Thanh Nghị - Nguyên B trưởng B.1/K.2, nguyên là Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong, nay là Chủ nhiệm Liên minh HTX Việt Nam tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Liên lạc Cựu học sinh Trường  TC Kinh tế nhắc tôi, chủ nhật tuần này họp mặt để chuẩn bị ngày 30 tháng 3, là ngày Hội trường kỷ niệm 35 năm thành lập. Đã ngoại ngũ tuần và trải qua bao nhiêu cuộc hội ngộ, thế mà khi nghe lời nhắc của bạn, tôi vẫn thấy nôn nao niềm vui khó tả.

                                    Quảng Trị, tháng 3 năm 2013
                                        NGUYỄN XUÂN HOÀ
                                  Nguyên B trưởng B.2/K.3
                            Trường Trung cấp Kinh tế Bình Trị Thiên

No comments: