Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 19, 2015

NHỚ MẸ KHI MÙA VU LAN VỀ - thơ Uyên Khuê



NHỚ MẸ KHI MÙA VU LAN VỀ

Con nhớ mẹ rồi... mẹ kính yêu của con
Đôi mắt nhăn nheo, thân hình mẹ gầy còm
Tóc người điểm sương, bàn tay nhiều khô ráp...
Ngoài sáu mươi rồi mẹ vẫn nặng lo toan...
Mắt mẹ trĩu buồn vì nhớ các con ngoan
Chặng đường gánh gồng khi chồng không còn nữa...
Mẹ luôn bên con, tình người luôn chan chứa
Đi khắp chân trời con luôn nguyện khắc ghi
Mẹ kính yêu ơi! xin mẹ đừng nghĩ suy...
Lòng mẹ bao la con thương mẹ nhiều lắm
Công dưỡng sinh thành người nuôi dạy cho con
Mùa Vu Lan về con thương mẹ mỏi mòn...


Mùa Vu Lan, tháng 7.2015
Uyên Khuê
READ MORE - NHỚ MẸ KHI MÙA VU LAN VỀ - thơ Uyên Khuê

LỐI VỀ LA-HAI - thơ Huy Uyên



Lối Về La-Hai

Một mình em chèo thuyền trên sông Cái
sớm mai về kịp chợ La-Hai
nhịp cầu quê bao năm soi bóng lẻ
bể dâu xa chia bến đường dài.

Nắng về ngập trên những cành non 
đỏ màu hoa trang cháy đỏ
lá xanh che tóc ai trong vườn
cây đa già ngủ một mình bên chợ.

Mưa sương sớm mai xám lá
chìm khuất sân ga gió bồng bềnh
chờ hoài lời yêu người chưa tỏ
em gánh đôi ky, má bán chợ bên sông.

Thấm đẩm nắng mai hai má em hồng
mười tám tuổi theo người làm đám cưới
môi em cười hoài hỏi có nhớ gì không?
(hạnh-phúc bên người mà anh còn hỏi).

Ngày tháng sương non giăng vườn cũ
em vui chim hót cạnh chồng con
nhà trên đồi tiễn người xứ nẫu
mai xa ly cà-phê đắng ngắt hơi sương.

Chợ La-Hai rẽ rề lá chuối
em tháng năm chờ đợi đứng ngồi
ngày xưa đó giá mà tôi theo nói
khổ cực giờ em dành để riêng tôi.

Kỳ-lộ sâu hoài tình với người
trao cạn chưa nổi niềm thương nhớ
bên mái tranh xưa em lặng lẽ cười
một mình em cùng La-Hai thương khó!

Xa nhau trong đời đâu dễ gặp
tình tan bong bóng giữa mùa mưa
cuối đông đồng ao ngập lụt
vĩnh viễn tình ai gói mấy cho vừa.

La-Hai về, đến, nhớ và yêu
một nắng hai sương đèn đường đầu chợ
thương em mùa cơ cực đã nhiều
tháng năm chìm sầu theo con xóm nhỏ.

Tôi gởi về em
có kịp niềm thương nhớ.

Huy Uyên


READ MORE - LỐI VỀ LA-HAI - thơ Huy Uyên

TRỞ VỀ - chùm thơ Huy Cận Đông Hà




trở về

nếu một ngày không ai khi thức dậy
đừng một mình ngồi đếm lá thu rơi
đừng hắt hiu, tim lạc lối rã rời
người hãy nhớ về bên ta lặng lẽ

ta sẽ xóa vết thương lòng nhè nhẹ
những giọt buồn uất nghẹn cứ trào dâng
những muộn phiền khắc khoải những bâng khuâng
hãy òa vỡ rồi quên đi người nhé

ta sẽ hát ru người lời khe khẽ
cho bờ môi ánh mắt hết hoang sơ
cung trầm buồn giờ còn chỉ trong mơ
đời yêu dấu ấm nồng bao mộng ước

người về nhé về cùng ta sánh bước
giữa thiên đường ngây ngất vạn tình ca
những yêu thương rưng rức mãi bên ta
và nhung nhớ mênh mông như thuở trước

về đây nhé người nồng nàn tha thướt
nồng ái ân nồng cháy những ngất ngây
ta bên nhau quên hết những đắng cay
cho tình mãi ủ hương hoài người nhé...

                                          HCĐH


nỗi nhớ vô tình

em tinh khiết mong manh như sương khói
trắng trong ngần giữa vạt nắng ban mai
ta nhìn em, hồn ngỡ lạc thiên thai
lộng lẫy giữa ngàn nắng vàng lấp lánh

nét ngài kia thời gian mòn mỏi tránh
dáng hình này năm tháng mịt mù xa
tóc dài ơi ngày tình ái hoan ca
đôi mắt đó ta làm sao quên được

bao kỷ niệm thênh thang ngày nắng ngược
hương tình nồng chín đỏ một bờ môi
ta tê lòng vất vưởng trái tim côi
tình lặng lẽ trôi vào miền trăn trở

ta vất vả yêu thương rồi dang dở
em vô tình tạc nỗi nhớ trong ta
tháng năm qua sao tình vẫn phôi pha
cho lữ khách chông chênh sầu vạn thuở...

                                           HCĐH


ru tình

đêm mưa lạnh ta một mình trăn trở
hạt giống tình vừa chớm nở tim côi
hồn chơi vơi bao khắc khoải bồi hồi
tình man mác dịu dàng khe khẻ đến


gió ru nhẹ, tim gầy bừng xao xuyến
trăng nghiêng hồn, nhung nhớ dáng hình xưa
làn hương người thấp thoáng dậy trong mưa
ta ngơ ngẩn nhìn ngàn sao lấp lánh


ta rạo rực đong men tình sóng sánh
lời tự tình vương vấn khúc du dương
đời thênh thang óng ả nhịp yêu thương
đợi người đến, tình mênh mông đêm trắng

người đến nhé mang ngọt ngào sâu lắng
ru cuộc tình cho ân ái đong đưa
tình nhân ơi đêm huyền hoặc trong mưa
ta nhớ mãi dẫu tình trong giấc mộng.
                       

                          Huy Cận Đông Hà
READ MORE - TRỞ VỀ - chùm thơ Huy Cận Đông Hà

HAI HẠT BỤI - Truyện ngắn Trương Đình Phượng




HAI HẠT BỤI
Truyện ngắn Trương Đình Phượng

Mưa. Những con đường chìm trong màn nước bàng bạc. Những chiếc xe lao qua vội vã. Những bàn chân tất tả bước trong im lặng. Con bé ăn mày đứng nép mình bên một mái hiên nhìn mưa rơi. Nó đưa tay hứng những hạt mưa, miệng lẩm nhẩm hát.
“Mưa rơi
Rơi đến bao giờ
Gió mưa
Mưa gió
Mịt mờ lòng đau
Những bàn chân lạc
Dấu nhau
Chiều qua phố
Mưa buốt nhàu tâm tư…”
Hôm trước nó dừng chân xin ăn bên một quán phở nghe một ông nhà thơ ngâm nga mấy câu đó, nó thấy hay hay nên nhẩm nhẩm học thuộc. Là đứa trẻ không được học hành nó cũng chả hiểu mấy câu thơ ấy nói về cái gì…
Chiều nay trời mưa. Mấy câu thơ đó phát ra từ bờ môi non dại của nó như những nốt nhạc u trầm len qua màn mưa lan dần trên phố. Khung cảnh đã buồn càng thêm thê lương.
Mưa càng lúc càng lớn như muốn nuốt chửng cả khu phố. Con bé ăn mày uể oải ngồi xuống tựa người vào bức tường lem lở, nghe tiếng mưa. Rồi chầm chậm, chầm chậm nó đi vào giấc ngủ. Nụ cười bình thản he hé trên hai cánh môi hồn nhiên.
Trong giấc ngủ mơ màng nó thấy mình trở về ngày xưa, trở về căn nhà nhỏ bé nhưng đầy sự ấm áp tình yêu thương của cha của mẹ nó. Năm năm trước khi mẹ nó còn sống, cha nó chưa đi tù. Cuộc sống gia đình nó tuy khó khăn về vật chất nhưng lúc nào trong nhà cũng đầy ắp tiếng cười.
Nó vẫn nhớ như in cái đêm hôm ấy, cái đêm đen tối, sự bất hạnh như cơn bão lớn tràn về phủ phàng trùm xuống mái nhà đang yên bình của tuổi thơ nó. Từ khi cưới mẹ nó, bố nó luôn là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình, vợ con. Hôm ấy, trời vừa nhá nhem bố nó về và dẫn theo năm sáu người đàn ông lạ mặt, họ nhậu nhẹt chè chén đến tận khuya lắc khuya lơ. Khoảng mười hai giờ đêm khi những người đàn ông ấy đã ra về, nó bị đánh thức bởi tiếng tranh cãi của bố mẹ nó. Nó len lén mon men nấp sau cánh cửa gian buồng nhìn ra. Bố nó gay gắt nói :
-Em đừng ngăn cản anh nữa, đây là cơ hội để gia đình mình thoát khỏi cảnh khốn nạn này. Chỉ có như vậy em và con bé Ngọc mới có tương lai, em hiểu không?
Mẹ nó lo lắng nói:
-Nhưng anh à, liệu như thế có mạo hiểm quá không?
-Mạo hiểm cũng phải làm, sống kiếp trâu chó mãi rồi, nhục nhã lắm em ạ. Đời chúng ta đã khổ quá nhiều phải để đời con nó sống cho ra con người chứ.
Mẹ nó cúi đầu nhìn xuống đất, vẻ như đang đấu tranh tư tưởng dữ lắm. Mười lăm phút trôi qua, mẹ nó ngẩng đầu lên quả quyết nói:
-Thôi đành vậy, nếu anh thấy làm thế là đúng thì em sẽ đồng ý.
Bố nó bước lại gần ôm mẹ nó vào lòng, cả hai người cùng khóc. Bảy tuổi đầu nó chưa hiểu đời nhưng phút giây ấy nó bỗng thấy mắt mình cay cay, những giọt lệ ứa ra bờ mi nó, chảy dài…
Rồi một hôm mẹ nó và nó đang ăn dở bữa cơm chiều thì có người xồng xộc đi từ ngoài cổng vào, vừa tới cửa người đó đã hớt hải nói :
-Chị Yến, chị biết tin gì chưa?
Mẹ nó đặt bát cơm xuống hỏi dồn :
-Có chuyện gì vậy bác?
Người đó nói :
-Anh Khúng bị bắt rồi, người ta nói anh ấy bị bắt vì có liên quan tới vụ vận chuyển ma túy gì đó lên mạn bắc.
Đôi đũa trên tay mẹ nó rơi xuống nền nhà. Mẹ nó ngồi đờ ra như gỗ đá. Lúc bấy giờ tâm trí non nớt của nó cũng bấn loạn lên. Nó lay mẹ nó hỏi :
-Kìa mẹ, mẹ ơi !
Mẹ nó dường như đã kiệt hạn tâm hồn. Hai bàn tay mẹ nó run lên bần bật như người trúng phong. Bất ngờ mẹ nó òa lên khóc:
-Anh Khúng ơi, anh ơi !Vậy là hết thật rồi sao, anh ơi!! Rồi ôm chầm lấy nó, mẹ nó rấm rức, như có cái gì uất nghẹn nơi cuống họng :
-Ngọc ơi, con ơi !Bố con, bố con… Trời ơi !!
Nó cũng òa lên, nó khóc, nó khóc bằng tất vả nỗi thống khổ của tâm hồn thơ dại.Trong giây phút nó chừng như hiểu ra từ nay bố nó sẽ phải rời xa mẹ con nó, rất lâu, lâu lắm. Và có thể bố nó sẽ không còn quay trở về bên mẹ con nó nữa….
Sau hôm người ta xử bố nó án chung thân. Mẹ nó như người mất hồn, từ sáng tới chiều mẹ nó cứ đi ra lại đi vào, đôi mắt lúc nào cũng ướt trũng, miệng cứ lẩm bà lẩm bẩm những từ vô nghĩa. Cú sốc quá lớn dường như đã rút kiệt sinh lực sống của mẹ nó. Rồi một đêm, trời mưa to lắm. Nó tỉnh dậy, cả căn nhà bao trùm một màn tăm tối, câm lặng như bãi tha ma. Nó quờ quạng trên giường, mẹ nó không thấy đâu, nó hoảng hồn vùng dậy lao ra nhà ngoài, tĩnh vắng… Không có mẹ. Nó khóc rống lên gọi lớn:
-Mẹ ơi !Mẹ, mẹ đâu rồi, mẹ ơi !!!
Nó lao ra sân, những hạt mưa như trút nước quăng tạt vào người vào mặt nó lạnh cóng, nhưng không lạnh bằng cái lạnh lẽo cô độc của cõi lòng ngây thơ của nó. Mẹ nó đâu rồi? Mẹ nó đã đi đâu ?
Nó chạy trong mưa, chạy như một con thú con bị loài ác thú săn đuổi. Những dòng nước mưa vẫn phủ phàng dội xuống thân thể bé bỏng của nó. Nó chạy về phía nhà chú ruột nó….
Suốt đêm hôm ấy người ta lùng hết hang cùng ngõ hẻm tìm kiếm mẹ nó. Mãi tới sáng hôm sau, mọi người mới phát hiện ra cái xác mẹ nó nằm quắp queo gần bờ sông. Miệng đầy bùn đất, hai bàn tay ở trong tư thế như đang cố níu kéo một cái gì đó… Phải chăng mẹ nó muốn níu lại những ngày êm ấm đã qua của gia đình nó?
Đám tang mẹ nó diễn ra chóng vánh và đơn giản trong sự cô đơn. Cái việc bố nó tham gia vào vụ buôn bán hàng quốc cấm đã gây ra trong tâm trí mọi người ở cái làng bé nhỏ một dư chấn không hề nhẹ.Và từ sự căm hận kẻ buôn cái chết trắng người ta thù lây sang cả nó và mẹ nó. Chỉ mươi lăm người đến giúp đưa mẹ nó đi chôn, xong người ta vội vã ra về….
Sau năm mươi ngày mẹ nó, chú nó đã lừa đưa nó lên thành phố và bỏ rơi nó giữa khu chợ ồn ào. Bà nó đã chết từ lâu, nếu bà nó còn sống hẳn bà sẽ không để đứa cháu của bà bị chính người thân bỏ rơi như vứt đi một phế phẩm. Chú nó và những người thân khác không ai muốn bị mang tiếng nuôi nấng cưu mang đứa con của kẻ phạm tội tày trời nên họ đã bàn bạc và tính kế đem xô đẩy nó ra giữa dòng đời vô định. Còn căn nhà và mảnh đất của gia đình nó họ hùa nhau bán đi và chia chác. Sau này nghĩ lại nó không thấy thù hận họ mà chỉ cảm thấy chua chát cho số phận của mình vì đã sinh ra trong một tổ hợp những con người vô nhân tính ấy. Bảy tuổi đầu mất cha mất mẹ, nó như con chim non dạt trôi giữa muôn ngàn bão tố. Ba ngày đằng đẵng nó chỉ biết quanh quẩn nơi cổng chợ, đói rã đói mòn, nó không biết ngay cả việc chìa tay xin sự bố thí của người đời. Những người thành phố ai ai cũng nhìn nó bằng ánh mắt nghi kỵ, ngờ vực. Nơi đây đã xảy ra bao nhiêu vụ những kẻ “khốn nạn” dựa vào những đứa trẻ con hành nghề ăn xin đổi lốt. Rồi nhân cơ hội ai đó sơ hở sẽ trộm cắp.
Nó tỉnh dậy và thấy mình ở trong một túp lều tềnh toàng. Một thằng bé ăn mày đã cứu nó khi nó gục ngã trước những đôi mắt vô cảm của người đời vì cái đói cái rét.
Thằng bé kia chỉ có thể giúp đỡ nó qua cơn khốn khổ vài bữa, vài ngày sau thằng bé ấy bày dạy cho nó cách làm một kẻ ăn mày.Từ hôm đó nó thành đứa trẻ ăn xin. Nó phải sống dựa vào bản thân nó,hai mảnh đời như hai hạt bụi trên lề đời u ám, không thể bám víu vào nhau mà tồn tại, bọn chúng chưa đủ trí khôn để nảy sinh lòng trắc ẩn “đồng cam cộng khổ”. Với chúng tình yêu thương chỉ thoáng qua như chút gió chiều lướt trên mặt sông gợn lên một chút sóng rồi tan biến đi.
-Ngọc,Ngọc ơi !!!
Tiếng ai đó vẳng lại từ một cõi xa xăm dội vào tai nó, nó giật mình choàng giấc.Trời vẫn còn mưa. Đã vào đêm. Những ánh đèn đủ màu sắc đã được bật lên trên những con đường phố thị. Nó dụi mắt nhìn quanh, không có ai bên cạnh, ngoài nó.Tiếng gọi vừa rồi có lẽ chỉ là sự tưởng tượng của nó về tiếng gọi yêu thương của mẹ vọng về qua giấc chiêm bao. Năm năm rồi. Năm năm nó sống giữa cõi đời thiếu vắng tình thân…. Hằng đêm mẹ nó vẫn về trong tâm tưởng ngồi bên vuốt ve mái đầu nó, mẹ nó vẫn như ngày xưa, đôi mắt hiền từ,bàn tay êm dịu, tiếng nói trìu mến thiết tha.
Nó rời mái hiên, lầm lũi bước đi. Đêm cuối đông từng cơn giá buốt quất vào thân thể nó,nó run lên như cây non trước gió. Nó đưa tay khép lại cổ áo, chiếc áo khoác cũ của một người phụ nữ nghèo cho nó, không đủ che chắn sự khắc nghiệt của mùa đông. Nó lại lẩm nhẩm những câu thơ cho quên bớt đi sự hành hạ của thời tiết…
Thành phố vẫn thế,ồn ào náo nhiệt. Nhịp sống nơi đây về đêm còn ồn ã hơn cả ban ngày. Nó cứ đi như vậy, qua từng con phố, bơ vơ như một con thú con không nơi chốn tìm về. Những chiếc lá vàng lần lượt từ giã cành phủ đầy mặt đất, trước mắt nó một màn mưa lá gợi lên những xúc cảm u hoài mơ hồ. Mười hai tuổi, năm năm hành nghề ăn xin, với nó cuộc sống không có gì ngự trị trong tâm hồn ngoài sự lo lắng cái ăn cái mặc bình phàm. Trước đây mỗi lần đứng trước căn nhà của những người giàu nhìn cảnh vợ chồng con cái họ quây quần bên nhau trong tiếng cười nói hạnh phúc nó thường khóc và mơ về những ngày còn được ở trong vòng tay cha mẹ,nhưng dạo gần đây lòng nó đã lạnh lẽo đi khi chứng kiến những điều đó. Nó đã biết suy nghĩ và chấp nhận với số phận hẩm hiu của mình.
Mưa đã tạnh. Bước chân vô định đưa nó tới gần cổng một bệnh viện. Đêm lạnh, nơi này cách xa khu vực sầm uất của thành phố, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe máy lao qua, ném vào không gian một chút âm thanh, rồi tất cả lại chìm vào im lặng. Bất chợt nó nghe chừng như văng vẳng có tiếng khóc, tiếng khóc của trẻ con. Nó nhìn quanh tìm kiếm.Tiếng khóc phát ra chỗ gốc cây bên kia đường. Nó bước nhanh lại. Cúi xuống lật tấm vải ra nó nhìn thấy ngay một đứa bé trai khoảng vài tháng tuổi.Thằng bé bụ bẫm trông đáng yêu làm sao, không hiểu vì đâu người ta lại đang tâm vứt bỏ nó nơi này. Con bé tự hỏi: Chắc là mới bị bỏ ở đây, chứ nếu là lâu hẳn đã chết lạnh vì mưa rồi. Nó bồng đứa bé lên, khe khẽ ru.Tiếng ru ngây thơ mà đượm buồn,vang lên trong đêm như tiếng đời vô vọng, ngấm dần vào quãng thinh gian…
“À ơi !!
Ai làm gió ai làm mưa
Ai phân chia những sớm trưa. Cõi người
Ai làm đứt nối nụ cười
Ai gieo nên nỗi héo tươi nghĩa tình…”
Những câu hát ngày xưa mẹ vẫn thường ru nó, bây giờ nó đem ra ru thằng bé bị bỏ rơi. Nó còn nhỏ nên nó làm sao hiểu được những nỗi niềm day dứt tái tê ẩn khuất trong lời ru, nó chỉ biết ngày nào nó đã nghe những lời ru ấy và đắm chìm vào giấc ngủ tuổi thần tiên. Bây giờ đây thằng bé lại bị chính những lời ru ấy dụ mị đi vào giấc nồng say. Nó ôm thằng bé và tiếp tục bước đi. Đêm mùa đông vẫn giăng mắc những nỗi niềm tái tê lên từng thớ thịt phố phường.Lúc này đây nó chẳng nghĩ ngợi gì về tương lai của nó và thằng bé.Trong trái tim thơ dại của nó chỉ hiện hữu một tình yêu thương, cái thứ tình yêu không vụ lợi, sáng trong như giọt sương mai của một con bé ăn mày không cha không mẹ. Những gió sương chốn chợ đời đen bạc không làm mất đi bản chất thiện lương trong con người nó, thậm chí còn khêu dậy trong cõi lòng cô đơn của nó sự đồng cảm với những số kiếp bọt bèo. Đã bao lần nó khóc trước những mảnh đời bất hạnh, đã bao lần nó ước mơ về một miền chân trời xanh thẳm, nơi đó có những mái nhà bình dị mà ấm áp tình đồng loại, nó và những con người hẩm hiu sống quây quần bên nhau ….
Chỉ còn ít hôm nữa là tết. Mấy ngày nay khắp thành phố người người đổ xô đi mua sắm. Con bé bồng thằng bé bị bỏ rơi lặng lẽ đi qua những dòng người, thiên hạ nhìn chúng bằng ánh mắt đầy nghi hoặc lạ kỳ. Chắc là họ thấy tò mò vì khôn g biết đứa nhỏ kia có mối quan hệ gì với con bé ăn mày. Có một bà cụ bán hàng nước gần cổng chợ vẫy tay gọi nó lại, lâu nay bà vẫn thường thấy nó lê la ăn xin ở đây.
-Này cháu,đứa bé em cháu đấy hả? Tội nghiệp, bố mẹ đâu mà để hai chị em lang thang thế này.
Nó ngước mắt nhìn bà cụ, nhỏ nhẹ nói :
-Không phải em cháu đâu bà ạ, đứa bé này bị bỏ rơi, cháu nhặt được ạ.
Bà cụ thở dài, nhìn xa xăm bà nói :
-Ai mà thất nhân ác đức vậy giời, đẻ con ra lại đang tâm vứt bỏ đi, mô phật…
Bà móc túi, nhét vào tay nó mười ngàn đồng:
-Đây bà cho ,lát mua cái gì mà ăn.Bà lấy một hộp sữa tươi trao cho nó .Cầm lấy đi cháu cho em nó nút khỏi đói,tội nghiệp quá…
Rồi bà quay đi lau vội mấy giọt nước mắt xót xa.
Con bé cảm ơn rối rít. Nó rời chợ đi ngược ra ngoài đường cái.Trời lại lay phay mưa,cái thứ mưa lập xuân se se lạnh. Nó kéo tấm áo khoác cũ nát che cho thằng bé con.
Đêm.
Mấy hôm nay con bé thấy đời nó không còn cô độc nữa, bên cạnh nó đã có thêm hơi ấm của con người, dẫu rằng đứa bé kia chưa thể cùng nó xớt chia những tủi cực trên bước đường “trôi nổi”.
Đứa bé đã ngủ say. Con nhỏ tựa lưng vào bức tường lem lở, khẽ khẽ hát. Những giọt mưa xuân rây rây trên những ngả đường. Những ánh đèn đủ màu sắc lờ mờ sau màn nước bàng bạc… Những chiếc xe lao qua vội vã. Những tiếng rao khắc khoải của những người bán hàng rong,vẳng ra từ những ngõ nhỏ, buồn da diết.Tiếng cười nói rôm rả của những cặp tình nhân say sưa trong men nồng hạnh phúc. Con nhỏ thẫn thờ nhìn mưa. Bất giác mắt nó ứa lệ, nó thấy tủi thân cho nó, rồi nó lại thấy thương thằng bé bị bỏ rơi. Rồi đây nó sẽ lấy gì để nuôi nấng thằng bé này? Nó chưa đủ khả năng lo cho cuộc sống của nó nói gì tới chuyện đèo bòng chăm sóc một đứa bé còn măng sữa… Hai hôm nay có lúc nó ngây thơ nghĩ hay là đưa đứa bé này bỏ trước nhà một ai đó, phúc trời khiến xui họ sẽ nhặt và nuôi nó, nhưng nó lại nghĩ biết đâu người ta lại chẳng thèm để tâm tới việc sống chết của thằng bé.Cũng có khi nó tình tới chuyện trả đứa nhỏ về nơi nó nhặt được nhưng nó lại lo sợ thằng bé xảy ra mệnh hệ gì… Rốt lại nó cũng chỉ là đứa bé mười hai tuổi, dẫu trong trái tim luôn đầy ắp tình yêu thương nhưng trí nghĩ lại chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn.
Giấc ngủ se sẽ tìm về mơn man hai bờ mi mỏi mệt. Con bé lại mơ. Nó mơ về một cánh đồng lúa xanh mơn mởn. Bầu trời cao vợi, những cánh diều no gió, những áng mây bay,những con chim chao liệng tấu lên những khúc nhạc tươi vui. Nó bồng thằng bé đứng cạnh mẹ nó,mẹ nó cúi xuống ôm nó và thằng bé vào lòng hôn lên trán cả hai,khe khẽ ru những lời ru chan chứa tình thương. Rồi mẹ nó bồng vả hai chị em bước trên một con đường trải đầy hoa. Mẹ nó nói :
-Mẹ sẽ đưa hai chị em tới một miền chỉ có niềm vui và hạnh phúc ngập tràn. Ngọc đồng ý không ?
-Có ạ !!!Nó hét lên sung sướng.Con yêu mẹ nhiều lắm.
Nó tỉnh dậy. Đêm vẫn sâu hun hút. Cơn gió tràn qua con đường vắng,lá vàng lại rơi…. Nó kéo tấm áo che chắn cho thằng bé. Xa xa từ ngõ nhỏ lấp loáng ánh đèn….

Tháng 7 năm 2015
TĐP






READ MORE - HAI HẠT BỤI - Truyện ngắn Trương Đình Phượng

SÔNG VÀM QUÊ MẸ - thơ Đan Thuỵ



SÔNG VÀM* QUÊ MẸ
Đan Thuỵ


Nắng tháng sáu như bỏng từng gốc rạ
Cánh đồng xa
Hương lúa đẫm mồ hôi
Dáng mẹ gầy nghiêng nghiêng
Chiều hối hả
Năm tháng chênh vênh giữ kín một thời ...


Trưa tháng sáu trên dòng sông Vàm Cỏ
Nắng luênh loang xanh thắm lục bình trôi
Cô gái nhỏ chèo ghe về Trường Huệ**
Em chở gì ?
Nhớ chở nắng dùm tôi !


Nắng xoã tóc rặng trâm bầu trước ngõ
Kẽo kẹt võng đưa
Hương lựu sau hè
Con bìm bịp thao thức chờ nước lớn
Giấc mơ trưa
Nắng bổi hổi mấy hàng tre


Đêm tháng sáu vọng mênh mang tiếng Cuốc
Thương nhớ gì?
Gọi bạn suốt canh thâu
Lá xào xạc lùa sương choàng thức giấc
Con nước ròng quên nỗi nhớ trôi mau


Trời tháng sáu cơn mưa rào vội vã
Cánh cò chao nghiêng
Nỗi nhớ ... vơi đầy
Ta yêu em
Yêu miền Đông quê mẹ
Yêu sông Vàm
Yêu hương nắng ngà say!

ĐT

* Tên gọi đầy đủ: Sông Vàm Cỏ Đông
** Trường Huệ một địa danh bên bờ sông Vàm Cỏ Đông (Hoà Thành, Tây Ninh)



READ MORE - SÔNG VÀM QUÊ MẸ - thơ Đan Thuỵ

Thơ Trúc Thanh Tâm - MƯA YÊU




MƯA YÊU

Nắng bốc cháy trên bờ môi tình tứ
Trời tháng tư sắc phượng rực rỡ thêm
Em qua ngõ, áo hoa vàng hoàng hậu
Nắng trên cành, qua vai áo anh nghiêng ! 

Một chút nhớ và chút hương ngày cũ
Anh bâng quơ trong giấc ngủ trưa hè
Em chợt đến rồi chợt đi, không rõ
Một lúc nào, những hờn dỗi, vuốt ve !

Chút ấm áp, chút nồng nàn dáng nhỏ
Chút thần tiên hiền hiện mắt trong veo
Chút mưa lạ và đất trời xao xuyến
Anh lặng nhìn em khóc, chút mưa yêu !


TRÚC THANH TÂM
READ MORE - Thơ Trúc Thanh Tâm - MƯA YÊU

TRAO ĐỔI VỚI ANH THÁI QUỐC MƯU - Chu Vương Miện





TRAO ĐỔI VỚI ANH THÁI QUỐC MƯU
Chu Vương Miện

Trong Bản Dịch “Thuật Hoài” của chí sĩ Đặng Dung, câu thứ ba anh Thái Quốc Mưu dịch như sau:
-“Gặp thời giặc cỏ luôn vênh váo.”
Người viết sẽ trở lại vấn đề này ngay bây giờ, trước nhất xin có đôi dòng về tác giả.
“Thuật Hoài” là bài thơ của Đặng Dung, con Đặng Tất. người huyện Thiên Lộc, Nghệ An (nay là Huyện Can Lộc, Hà Tĩnh). Sau khi vua Hậu Trần Giản Định Đế giết chết cha ông, ông đón Trần Quí Khóach lập lên làm vua, đánh nhau với quân nhà Minh nhiều trận, sau bị quân địch bắt, ông tử tiết.
Nguyên văn:
Thế sự du du nại não hà!
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
Thời lai đồ điếu thành công dị
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
Trí chủ hữu hoài phù địa trục
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
Kỷ độ long toàn đái nguyệt ma

DỊCH NÔM
Việc đời bối rối tuổi già vay?
Trời đất vô cùng một cuộc say
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay
Vai khiêng trái đất mong phò chúa
Giáp gột sông trời khó rạch mây
Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rầy

Phan Kế Bính dịch
Đại Nam Nhất Thống Chí
(Đông Dương tạp chí, lớp mới, số 116)
*
Ở trang viết này, chúng tôi không làm công việc của nhà phê bình, không khen là bản dịch này hay bản dịch kia không hay, mà chúng tôi chỉ lựa câu thứ ba mà trong câu thơ bảy chữ này, chúng tôi tách tiêng chỉ chọn hai từ là “đồ điếu” để trao đổi với dịch giả Thái Quốc Mưu. Bản dịch của cụ Phan Kế Bính không dám lạm bàn làm gì vì đã qua trên cả trăm năm và ngay lúc bấy giờ chữ Quốc Ngữ còn phôi thai, coi như bản dịch tài liệu của lịch sử, coi để tham khảo. Bây giờ xin trở qua câu thứ ba của dịch giả Thái Quốc Mưu:
- "Gặp thời giặc cỏ luôn vênh váo."
Hai từ “đồ điếu” theo nghĩa thông thường mà ai cũng hiểu là:
"Đồ" là đồ tể, người chuyên sống bằng nghề sát sanh, giết heo bò ...
"Điếu" là người đi câu cá.
Nguyên nghĩa của bài thơ “Thuật Hoài” với hai từ “đồ điếu” vốn là binh thường, qua ngòi bút uyên thâm của cụ Phan kế Bính thì từ danh từ chuyển thành tĩnh từ, đương chủ từ biến thành tĩnh từ. Câu này bây giờ mà viết như vậy là bất thành cú.
Nếu tạm dịch như vầy thì coi như đúng văn phạm:
-Được thời ăn mày lên cũng dễ.
Chớ bần tiện, keo kiệt, rộng rãi, cao thượngtĩnh từ, dịch như vậy là không chuẩn.
Qua anh Thái Quốc Mưu thì hai từ “đồ điếu” được chuyển dịch thành “giặc cỏ”.
Xin diễn giải lại “giặc cỏ” trong các bộ truyện Tàu thường gọi là Lạc Thảo hay Thủy Bạc.
Ngay cái nghĩa ban đầu: “Đồ” là đồ tể, chỉ Trần Bình, có nghề đồ tể, sau thành thừa tướng cho Hán Lưu Bang và “điếu” là ám chỉ Hàn Tín, lúc chưa thành đạt thì ngồi câu độ nhật ở con sông gần chợ Hoài Âm, sau trở thành nguyên soái phá Sở. Ngoài hai vị trên thì thiếu gi người thuộc vào loại “đồ điếu” như Khương Thượng Tử Nha câu ở cầu sông Vị, nào Bách Lý Hề chăn trâu, Ninh Thích chăn ngựa, Tô Vũ Chăn dê, về sau toàn là anh hùng hào kiệt cả.
Còn chuyển dịch sang thành từ “giặc cỏ” thì không có nghĩa gì cả.
Sau năm 1975, chúng tôi hùn hạp anh em mở một quá cà phê ở đường Lê Văn Duyệt gần ngã ba Chí Hòa và rạp hát Thanh Vân.
Anh em cũ và mới tụ lại, trong số này có một vị giáo sư nguyên dạy ở trường Trung Học Nguyễn Du tọa lạc trong Cư Xá Sĩ Quan Chí Hòa, ban ngày thì anh đứng lớp, ban đêm thì anh đi giao mối đường cho các tiệm cà phê ăn hoa hồng (anh em gọi anh là Giáo Đường), tên thật của anh là Nguyễn Văn Sang. Tình cờ nhắc đến bài thơ “Thuật Hoài” của Đặng Dung, anh tóm tắt như sau:
Theo anh,“đồ” là đồ tể, danh từ, “điếu” là động từ, có nghĩa: “Được thời đồ tể đi câu, công danh phú quý tước hầu tước vương”, câu này theo thể nghi vấn. Không gặp thời thì ngư phủ thứ thiệt có đi câu cũng chẳng có con cá nào. Mà gặp thời thì anh chàng đồ tể (giết heo bò) đi câu cũng trúng như thường.
Đôi dòng trao đổi cùng anh, chia sẻ lúc tuổi già.

Chu Vương Miện

*****


Phụ lục: 
(Sưu tầm của Văn Nghệ Quảng Trị)
(Nguồn: http://gocsanchoihd.blogspot.com.tr/)

感懷
世事悠悠奈老何,
無窮天地入酣歌。
時來屠釣成功昜,
運去英雄飲恨多。
致主有懷扶地軸,
洗兵無路挽天河。
國讎未報頭先白,
幾度龍泉戴月磨。

Diễn giải:

Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đã bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng.
(Theo Wikipedia)

NỖI ƯU HOÀI

Việc nước cưu mang đến tuổi già.
Tận cùng trời đất mộng bình ca.
Gặp thời – giặc cỏ luôn vênh váo.
Hết vận – phận mình ngậm xót xa
Những tưởng chuyển lay vầng nhật nguyệt
Ngặt không quét nổi dãy Ngân Hà
Mái đầu nhuộm trắng mà quên phắt
Bóng nguyệt mài gươm vụt xế tà.

Đặng Dung
Thái Quốc Mưu 
phỏng dịch.

READ MORE - TRAO ĐỔI VỚI ANH THÁI QUỐC MƯU - Chu Vương Miện