TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Tuesday, August 18, 2015
LẮNG ĐỌNG HỒN QUÊ - Nguyễn Đình Nguộc
LẮNG ĐỌNG HỒN QUÊ
(Cảm nhận bài thơ “Hồn quê”)
HỒN QUÊ
Đường quê mỗi độ đi về
Bàn chân in dấu con đê cỏ vàng
Nghe lòng rạo rực xốn xang
Tiếng ru của mẹ dịu dàng bên nôi
Hồn rơm, vía rạ, tình người
Theo ta đi giữa cảnh đời lạ, quen
Đầm làng vẫn ngát mùa sen
Mương xanh- dải lụa, bóng em gương lồng
Bùn nâu ấp ủ hương đồng
Hồn quê rót ngọt vào lòng ta say
Cây đa chừng cũng vẫy tay
Mà nghe hơi ấm lan đầy chiều quê
Tác giả: Ngô Nguyên Ngần
Với đa số người Việt Nam, quê hương luôn là niềm
tự hào, là nỗi nhớ khôn nguôi khi xa cách. Quê hương- nơi lưu giữ đầy ắp những
kỷ niệm của một thời thơ trẻ; nơi những người thân yêu, ruột thịt của họ đã và
đang sinh sống... Bởi vậy, những người cầm bút không thể thiếu những trang
viết, những bài thơ về quê hương mình với những cung bậc tình cảm đặc biệt. Bài
thơ “Hồn quê” trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Ngô
Nguyên Ngần có một góc nhìn tươi mới về tình cảm đối với quê hương
qua những hình ảnh thân quen mà vẫn lay động lòng người.
Bài thơ lục bát với 12 câu như một bài ca dịu
dàng, tha thiết đưa ta về miền quê thân yêu bên dòng sông trong mát, con đê dài
hai mái thảm cỏ tươi với bao kỷ niệm một thời thả diều, chăn trâu, cắt cỏ...
cùng bạn bè nô đùa mỗi buổi chiều của những ngày niên thiếu:
“Đường quê mỗi độ đi về/ Bàn chân in dấu con đê
cỏ vàng”. Mỗi lần về quê, bàn
chân của những người con xa quê đã đi khắp miền đất nước, có người đã đi khắp
năm châu bốn bể nay về thăm quê lại “in dấu”trên “con đê
cỏ vàng” thân thuộc. Hai mái đê cỏ đã chuyển sang màu vàng báo hiệu
thời tiết đã chớm đông khi sương muối đang về. Người con của quê hương khi về
thăm quê chắc không còn trẻ nữa, đã qua những trải nghiệm cuộc đời, như lá rụng
về cội càng cảm nhận tình yêu quê tha thiết như một phần máu thịt của mình.
“Nghe lòng rạo rực xốn xang/ Tiếng ru của mẹ dịu
dàng bên nôi”. Mỗi lần về quê
những kỷ niệm thân thương lại ùa về, bao tình cảm xúc động dâng trào, ta cảm
thấy nghe được tiếng con tim mình “rạo rực xốn xang”. Và, người đầu
tiên ta nhớ đến là Mẹ! Mẹ là người “mang nặng, đẻ đau” sinh ra ta, cho ta cuộc
sống; nuôi dưỡng ta từ những ngày tấm bé để khôn lớn, trưởng thành như hôm
nay... Hình ảnh Mẹ “dịu dàng” bên nôi, cất tiếng à ơi ru con
ngủ với biết bao hy vọng và niềm mong ước về người con mang một phần máu thịt
của mình với người chồng thân yêu sẽ khôn lớn, trưởng thành, làm rạng danh gia
đình, dòng họ và quê hương yêu dấu. Với người Việt Nam, Mẹ còn là biểu tượng
của Quê hương, Đất nước. Vẫn biết rằng ta không thể biết được ngày thơ bé mình
có được nằm trong nôi như lớp trẻ sau này. Nhưng hình ảnh đẹp nhất về người Mẹ
là hình ảnh: Mẹ đang ngồi bên, tay đưa nôi nhè nhẹ, mắt hiền dịu nhìn con âu
yếm, miệng hát ru câu ca dao quen thuộc: con cò bay lả bay la... Và, ai cũng muốn
mình đã từng là đứa nhỏ nằm trong nôi đó. Phải chăng đó là một phần của“Hồn
quê” lưu giữ trong ta?
“Hồn rơm, vía rạ, tình người/ Theo ta đi giữa
cảnh đời lạ, quen”. Mỗi
cây mỗi hoa, mỗi người có cảnh ngộ khác nhau, khi trưởng thành bước vào cuộc
sống có những thuận lợi và khó khăn nhất định nhưng thường gặp nhau ở
tình cảm biết ơn quê hương yêu dấu, nơi nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn ta lớn lên,
chắp cánh cho ta bay xa... Chỉ những người con đi xa mới thấm thía nỗi nhớ quê
hương đến nao lòng! Trong cuộc sống, có những khi vấp ngã, ta gắng gượng đứng
dậy, vươn lên mỗi khi nghĩ đến quê hương. Tình yêu và niềm tự hào về quê hương
là nguồn động lực để ta vươn tới trong sự nghiệp của mình. Phải chăng đó chính
là “hồn quê” đã cho ta thêm sức mạnh? Mỗi khi về quê,
những vật thân quen tưởng như vô chi, vô giác thường ngày như rơm, rạ, cây đa
đầu làng, mái nhà thân thuộc... cũng có hồn, có tình và tình người nơi thôn quê
đã góp phần bồi đắp thêm tình yêu đối với quê hương “theo ta đi giữa
cảnh đời lạ, quen”.
“Đầm làng vẫn ngát mùa sen/ Mương xanh- dải lụa,
bóng em gương lồng”. Những
hình ảnh thân quen trong ta khi xa quê về gặp lại gợi nên những kỷ niệm ngọt
ngào của một thời tuổi trẻ: đầm sen hương thơm ngan ngát mỗi độ hè về ta cùng
bạn thân ra chơi hóng mát sau bữa cơm chiều; dòng mương đẹp như “dải
lụa”, trong mát với hàng cây xanh đôi bờ soi bóng nơi ta cùng bạn bè
bơi lội mỗi buổi chiều... Và, bất chợt nhìn cô thôn nữ soi
bóng xuống dòng mương xanh trong, ta giật mình nhớ về người xưa ấy đã một thời
cùng ta soi bóng... lâu rồi chưa gặp lại để lòng thêm bối rối, bồi hồi...
“Bùn nâu ấp ủ hương đồng/ Hồn quê rót ngọt vào
lòng ta say”. Vẫn màu bùn nâu của đất
Mẹ đã ấp ủ, nuôi dưỡng những cánh đồng lúa xanh mơn mởn để quê hương có những
mùa vàng... Hương lúa, hương đất, hương rơm, hương rạ... tỏa mùi hương đồng
quen quen lạ lạ đưa ta về sống lại những ngày chăn trâu, cắt cỏ sao mà hồn nhiên,
vô tư biết mấy. Về quê, được thả hồn giữa thiên nhiên, hít thở hương trời đất
trên cánh đồng làng thân thuộc sao ngọt ngào đến thế? “Hồn quê rót ngọt
vào lòng ta say”. Đúng vậy! Câu thơ đẹp, đầy tâm trạng và tình cảm của
tác giả làm xúc động lòng người. Ta không thể “nhìn thấy” được “hồn
quê” nhưng ta “cảm thấy” trong người cứ dâng lên, dâng lên... tình yêu
quê hương vừa tha thiết, vừa ngọt ngào... đến say lòng mà không sao diễn tả
nổi. Phải chăng đó là“hồn quê” được hình thành trong mỗi tâm
hồn nặng tình nghĩa với quê hương?
Hai câu kết của bài thơ thật đẹp: “Cây
đa chừng cũng vẫy tay/ Mà nghe hơi ấm lan đầy chiều quê”. Cây đa, cây
muỗm là những cây sống lâu năm, bốn mùa lá xanh tươi thường được trồng ở đầu
làng Việt. Mỗi khi về quê, đến đầu làng gặp cây đa như người thân đang chờ đợi
ta về. Những cành đa xum xuê, lá xanh ngăn ngắt phấp phới bay theo làn gió thổi
như những bàn tay vẫy vẫy chào, mừng vui đón ta về. Tác giả đã nhân cách hóa
thật sinh động:“Cây đa chừng cũng vẫy tay”để nói lên tình cảm của quê
hương đối với những người con đi xa lâu lâu mới trở về làng. Ta cảm nhận tình
quê cứ thấm vào, thấm vào lòng mình thật tự nhiên... Những lời người quen chào
hỏi gặp trên“đường quê”; bạn bè, người thân đến thăm... niềm vui cứ lan
tỏa trong ta, cảm xúc ấm áp dâng trào không ở nơi nào ta có được. Câu kết của
bài thơ: “Mà nghe hơi ấm lan đầy chiều quê” đọc lên cảm thấy xúc
động lạ thường. Tôi linh cảm rằng “hơi ấm” ở đây chính
là“hồn quê” mà tác giả đã “nghe” thấy được?
Bài thơ có tứ đẹp, hình ảnh chọn lọc, với thể
lục bát thiết tha, tình cảm nhà thơ Ngô Nguyên Ngần không chỉ nói lên tình cảm
của mình đối với quê hương mà còn góp tiếng nói lý giải một cách sinh động về
khái niệm “hồn quê”. Đọc xong bài thơ ta cảm thấy ấm áp,
gần gũi như được trở về quê mình, được “nghe hơi ấm lan đầy chiều quê”.
Hà Nội, Mùa thu 2015
Ts. Nguyễn Đình Nguộc
CHIM ƠI HÃY BAY VỀ PHÍA MẶT TRỜI - Thơ Nguyễn An Bình
CHIM ƠI HÃY BAY
VỀ PHÍA MẶT TRỜI
1-Muốn ngồi từng đêm nghe bạn kể về loài chim thần thoại(1)
Một loài chim có chớp cánh thần
kỳ
Mới sinh ra đã sải cánh lên bầu
trời cao rộng
Bay không mệt mõi về hướng
mặt trời lồng lộng
Về ngọn núi đầy cành gai sắc
nhọn
Như một lưỡi gươm bén ngót
Lao thẳng mình vào vách đá
cheo leo
Bỗng tiếng hót vút lên với
bao thanh âm kỳ vĩ
Khi dòng tinh huyết bắt đầu
tuôn chảy không thôi
Rồi gục chết trước cảnh huy
hoàng của buổi bình minh rực rỡ .
2-Sao lại là loài chim chỉ có trong truyền thuyết
Dâng hiến đời mình bằng lời ca
rất tuyệt
Hừng hực trái tim chàng Đan-Kô
cháy hoài ánh lửa(2)
Thành ngọn duốc soi đường
giữa đêm tối thẳm sâu
Như một phép lạ nhiệm mầu
Vượt qua khu rừng ma thuật
Vượt qua lũ người quỉ ám
Đưa bộ tộc thoát khỏi kẻ thù
hung bạo hồi sinh từ cõi chết
Thanh thản ra đi khi hoàn thành sứ mệnh
Của một con người yêu xứ sở
quê hương.
3-Hãy biến giấc mơ thành hy vọng yêu thương
Và ai đó trao cho ta niềm tin
sự sống
Chấp cho ta sức mạnh bay về
phía mặt trời cao rộng
Bằng đôi cánh của loài chim báo
bão
Đi vào dông tố bằng tuổi
thanh xuân táo bạo
Như loài chim huyền thoại chỉ
có trong lời kể dân gian
Dâng hiến trái tim rực lửa
của chàng Đan-Kô kiêu hảnh
Cho cuộc sống hôm nay
Cho hạnh phúc ngày mai
Để đất nước lại được một lần hồi sinh
Khi khói phần thư vừa tắt.
Nguyễn An Bình
14/8/2015
...............................................................................................
(1)
Theo truyền thuyết của phương Tây có một loài chim mới
sinh ra đã sải đôi cánh bay về ngọn núi thật xa có đầy những bụi gai nhọn như
những lưỡi gươm và đâm vút vào đó, khi những dòng tinh huyết chảy ra nó cất cao
tiếng hót thật kỳ vĩ lay động cả đất trời trước khi gục chết vì những dòng tinh
huyết đã cạn.
(2)
Đan- Kô: tên một người anh hùng trong một truyền
thuyết mà nhà văn MaXim Gorki(Nga) đã kể
lại trong một truyện ngắn: Đan-Kô dùng trái tim biến thành ngọn đuốc soi đường
đưa bộ tộc mình thoát khỏi kiếp nô lệ tìm về vùng đất tự do.
THĂM LÀNG DỤC TÚ - Thơ Nguyễn Khôi
Tác giả Nguyễn Khôi. Sinh 1938.
Quê: Phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Đ/c: 39/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội.
Email: khoidinhbang@gmail.com
THĂM LÀNG DỤC TÚ
(Tặng các bạn Nguyễn Quang Khả, Đào Xuân Xuyên, Đào Dục Tú)
"Làng tôi hai tiếng tơ lòng
Có người ôm mảnh trăng rằm chờ tôi"
(Thơ Nguyễn Quang Khả)
Bao năm chưa về Dục Tú
Làng xưa cùng huyện Đông Ngàn
Nao nao ngắm dòng Ngũ Huyện
mang mang đâu lối chợ Vòng ?
Đường An thuở nào Trang cổ
phía nào chợ Núi, chợ Sa ?
Khí thiêng ngời ngời sông biển
Dục chung anh tú hải hà !
Bạn học từ thời chống Pháp
ra tìm ở bãi Nghĩa trang !
Nén nhang bái chùa Tiên Cảnh
lòng vang một tiếng chuông ngân...
Vào Đình "Nam giao học tổ"
thêm yêu đất học Đông Ngàn !
Ao xanh in bờ Liễu rủ
bến yêu xây gạch Bát Tràng.
Con cháu làm ăn đây đó
giữ quê dựng nếp khang trang.
Buồn vui với Làng lên Phố
Đình còn gốc Thị xanh um.
Trưa hè nắng 36 độ
mát đầu tựa gốc Hoa Hiên...
Bạn bè thơ văn hội ngộ
hàn huyên ôn cố tri tân
Thênh thênh trên "đường Trung Số"
Tàu xe tiện lối về thăm
nhớ lần sau về Dục Tú
cỗ bàn "tuyệt " bát Chuối bung ?
Bánh Khoai quà người ngoài phố
"thả chim" hẹn hội mừng xuân...
Bao năm mới về Dục Tú
xa rồi vẫn thấy bâng khuâng.
Hà Nội 16-8-2015
NGUYỄN KHÔI
Thơ Trúc Thanh Tâm - ĐÀ LẠT KHÓI SƯƠNG
ĐÀ LẠT KHÓI SƯƠNG
Mấy năm trở lại đồi thông
Mới hay người cũ sang sông mất rồi
Tôi về soi lại nụ cười
Nghe chiều Đà lạt, ngậm ngùi khói sương !
Ngày đi, lá nhớ hoàng hôn
Đâu mùi tóc quyện góc hồn tương tư
Ai mua, tôi bán nỗi sầu
Ai mua, tôi bán những câu vỗ về !
Em đi mang cả đam mê
Tôi về đốt lá hẹn thề tháng năm
Đêm nay Đà Lạt mưa dầm
Tôi nghe da diết trong ngần tiếng chuông !
TRÚC THANH TÂM
(Châu Đốc)
Châu Thạch - Đọc “Thề Non Nước” của Tản Đà
Nhà thơ Tản Đà |
Châu Thạch
Đọc “Thề Non Nước” của Tản Đà
THỀ NON
NƯỚC
Tản Đà
Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi, không về cùng non
Nhớ lời “nguyện nước thề non”
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.
Lời bình:
Với câu thơ mở đầu “Nước non vẹn một lời thề” tác giả đã tóm
lược chủ đề của bài thơ là nói đến tính thủy chung. Hai hiện tượng biểu
hiện chủ yếu của trời đất được thể hiện trong hình tượng nước và non.
Nước và non thường là hình ảnh của tính cao rộng sau trời và biển, tính bền
vững, tính keo sơn gắn bó. Ở đây nước và non trong bài thơ không những được
nhân cách hóa thành hai nhân vật mà còn hóa thân hai nhân vật nầy có linh hồn
cao ngang tầm với chính nó. Tiếp theo câu thứ hai “Nước đi đi mãi không về cùng
non” chỉ sự phân ly giữa hai nhân vật vì hoàn cảnh bó buộc. Từ các chữ “vẹn một
lời thề” đến các chữ “đi mãi không về” cho ta biết được hai nhân vật nầy vì
hoàn cảnh ngang trái nào đó đành phải xa nhau nhưng lời thề hẹn ước vẫn còn giữ
vẹn trong lòng. Qua câu ba và bốn “Nhớ lời nguyện nước thề non / Nước đi chưa
lại, non còn đứng không” khẳng định giả thuyết nêu trên là đúng. Hai câu thơ ba
và bốn cho ta hình dung bầu trời cao rộng, bát ngát của nước và non. Hình ảnh
nước đi và non đứng trông theo gợi nhớ đến toàn thể những cuộc chia ly giữa đời
người. Dùng hình ảnh nước và non làm nhân vật chính của cuộc chia ly, tác giả
gởi được vào đó tất cả sự cao cả trong tính cách chia ly, nó thể hiện cho những
mối tình lớn của con người với con người, thể hiện cho mối tình lớn của con
người với tổ quốc hoặc thể hiện cho non sông với chủ quyền của dân tộc.
Sáu câu thơ kế tiếp tác giả tả về người trong sự khắc khỏai ngóng trông, những biểu hiện bên ngoài bày tỏ tâm can ngưởi ở lại:
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương
Trời tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha
Trong vế thơ nầy, người ở lại được tác giả tạc trong hai
hình ảnh: Hình ảnh thứ nhất là hình ảnh mình hạc xương mai chỉ vóc dáng hao gầy
vì nhớ thương cũng như mái tóc mây vì ưu tư mà trở nên màu sương tuyết.
Hình ảnh liên tưởng là hình ảnh thứ hai của rừng mai, của suối, của mây, của
tuyết trên ngọn núi kia là những bức tranh sinh động tuyệt hảo hay đó là sự miêu
tả một quần thể nước non vừa diễm lệ vừa trữ tình mang nỗi buồn
triền miên bất tận. Đọc đoạn thơ nầy với những hình ảnh của sông, của
núi, của suối, của ghềnh khiến cho những thắng cảnh trong thiên nhiên mơ hồ ẩn
hiện trong ta, lòng ta cảm thấy được thích thú thưởng thức một bức tranh sơn
thủy hữu tình buồn, đẹp mà tim ta lại co thắt vì nỗi nhớ nhung vừa đầy vơi
vừa cao rộng xa vời là tâm tư của con người lồng trong cảnh vật. Đây là một
đoạn thơ với những hình ảnh thường dùng trong Đường thi nhưng tiếng thơ lại
trong veo, tinh khôi và song suốt như tiếng thơ của dòng thơ mới Tự Lực Văn
Đoàn. Nhiều người cho rằng ở đây tác giả dùng “Non” để tượng trưng cho
người nữ và câu thơ “Càng phơi vẻ ngọc, nét vàng phôi pha” khẳng định thêm cho
điều đó vì “vẻ ngọc” thường nói về dung nhan nữ phái. Cũng có thể,
“Non” chỉ tượng trưng cho người ở lại mà thôi và “vẻ ngọc” thể hiện
cho thần thái tươi vui trên khuôn mặt khi nước và non còn đoàn tụ cùng nhau. Chữ “non”
thường để thể hiện cho chí lớn, chí nam nhi. Vậy chữ “non” ở đây nếu không dùng
cho người nam thì chỉ dùng chung cho người ở lại mà không phân biệt giới tính nào.
Bốn câu thơ kế tiếp tác giả nhắc lại cụ thể lời thề
giữa hai nhân vật Nước và Non:
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
“Non cao” thể hiện một mối tình rất lớn. “Tuổi vẫn
chưa già” thể hiện một tình yêu luôn tươi thắm, trẻ mãi với thời gian. Câu thơ
“Non thời nhớ nước, nước thời quên non” thì chữ “quên” không phải để chỉ sự
phản bội của Nước mà để chỉ sự hy sinh của Nước tạm quên tình riêng của mình vì
mãi mê đi theo một lý tưởng cao đẹp hơn. Hai câu thơ kế tiếp”Dầu cho sông
cạn đá mòn / Còn non còn nước hãy còn thề xưa” chứng tỏ lập luận nêu trên là
đúng.
Nhiều người cho rằng vế chót của bài thơ là một đoạn
kết có hậu của “Thề Non Nước” vì nước đã quay về cùng non. Cũng có người cho
rằng, đọan cuối của bài thơ chỉ là lời phủ dụ, lời phân tích của tác giả
để an ủi sự đau buồn của nhân vật Non:
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Câu thơ “Nước đi ra bể lại mưa về nguồn” có thể hiểu đây
không phải là hình ảnh của sự đoàn tụ đầy niềm vui, bởi vỉ Nước trở về trong
thể trạng khác xưa. “ Nước đi ra bể” là nước đã hoàn thành ước vọng, chính nó
không còn quay về được nguyên hình. “Lại mưa về nguồn” là nước hóa thân trong
dạng khác để quay về . Đây là lời an ủi khích lệ của người ngoại cuộc chỉ làm
cho Non nhẹ lòng nhưng chắc chắn không làm cho Non vui lại được như xưa.
Chính câu thơ nầy làm cho “Thề Non Nước” trở nên éo le và buồn vô tận vì sự
quay về của nước chỉ hy vọng mong manh trong những đám mây vần vũ, trong lời
khuyên nhủ của người đến chia buồn, hoặc hiểu xa hơn nữa, mưa chỉ là linh hồn
của nước đã ra đi, nay theo hư không quay về với núi. Sự quay về của nước
chỉ có thể hiểu là sự quay về trong tâm tưởng của hai linh hồn hòa hợp cùng
nhau, gặp nhau trong sự chung thủy tinh thần hoặc gặp nhau trong sự thành
công của sự nghiệp lớn mà hai người hiến dâng tình mình cho nó. Chính vế
thơ nầy xác minh cho lời “Thề Non Nước” là lời thề của những tâm hồn cao đẹp,
hy sinh tình yêu trăm năm cho tình yêu lớn hơn và sự đoàn tụ là ý nghĩa còn
nhau mãi mãi trong tinh thần nên đã trở thành “Nghìn năm giao ước kết đôi”. Câu
thơ “Nước kia dầu hãy còn đi/Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui” nói rõ thêm sự
phân ly giữa Non và Nước để thực hiện cho những điều tốt đẹp hay đúng ra cho
đất nước, quê hương. Bài thơ được sáng tác trước, sau đó đưa vào truyện ngắn
cùng tên cũng nói lên được phần nào ngụ ý của tác giả trong thơ. Ở câu kết tác
giả nhấn mạnh “Còn non còn nước vẫn còn thề xưa” chứ không phải là “Vẫn còn gặp
nhau”. Hiểu như trên lời “Thề Non Nước” thêm lâm ly và cao đẹp. Ở một
khía cạnh khác thì bài thơ có ý nghĩa bao trùm, cao xa của giáo lý nhà Phật. Lẽ
vô thường có có, không không như dòng nước chảy dưới chân núi là có, chảy đi là
không rồi mưa về là có, rồi lại chảy đi là không và cứ thế luân hồi. Chia ly,
đoàn tụ rồi lại chia ly ngàn đời vẫn thế, cũng giống như nước trôi đi, nước bốc
hơi quay về rồi nước lại trôi đi nhưng nước đã giữ vẹn lời thề dầu trải
qua cam go và dầu nước rơi ở đâu vẫn làm cho non ngàn đời ấm áp, cây cối mọc
xanh tươi.
Bài thơ “Thề Non Nước” của Tản Đà sáng tác cách đây gần trăm
năm đã làm rung động lòng người qua bao thế hệ:
Đọc thơ ta có thể hòa mình trong bức tranh sơn thủy
hữu tình.
Đọc thơ ta cảm xúc với tình yêu keo sơn gắn bó của con
người.
Đọc thơ ta cảm phục những con người chia tay ra đi vì sự
nghiệp lớn lao, vì lý tưởng cao đẹp.
Đọc thơ làm bùng lên trong ta tình yêu thủy chung giữa nam
và nữ, giữa người và gia đình, giữa ta cùng đất nước quê hương.
Đọc thơ ta còn chiêm nghiệm thêm quy luật hợp tan
trong trời đất, qua đó ca ngợi sự thủy chung và niềm tin là hai điều đơm bông
kết trái cho hy vọng đạt được ước nguyện sau cùng.
CHÂU THẠCH
CHỈ LÀ HẠT CÁT - thơ Trương Thị Thanh Tâm
Chỉ là hạt cát mà thôi
Tình yêu rồi cũng rong chơi thưở nào
Tình tang ai giữ được nhau
Bao mùa xuân cũ, buồn vào trang thơ
Đêm đêm tựa gối nằm mơ
Cái đêm hạnh phúc bây giờ còn đâu
Thì thôi cũng mối tình sầu
Cho cơn buồn đến nghẹn ngào chia xa
Tôi về nhặt hết tình ta
Phủ lên nấm đất, giấu xa tủi hờn
Men tình ngây ngất liệm chôn
Hành trang cũng chỉ nỗi buồn ta thôi
Tình tang tang tính tình … ơi
Cho nên hạt cát mù khơi đâu còn!
Trương Thị Thanh Tâm
HOA HỌC TRÒ - thơ Hồng Duyên
Tác giả Hồng Duyên |
HOA HỌC TRÒ
Tháng
tám ngây thơ nhặt tuổi hàng cây
Cành
phượng vĩ thơm hoài theo kỷ niệm
Em
đến lớp nắng hiền hòa thân thiện
Trời
trong xanh hòa quyện với thương yêu
Tháng
tám thu về gió thổi hắt hiu
Từng
khóm trúc thiu thiu mình ngủ gật
Hương
trứng cá thoang thoảng mùi gió bấc
Mang
nét thơ ngây đặt cửa sân trường
Áo
trắng làm duyên e ấp dễ thương
Nửa
vành nón che nghiêng cười chúm chím
Một
chút thẹn thùng như chùm phượng tím
Hoa
học trò kiều diễm lắm em ơi!
Tựu
trường!
Từng
cánh hoa nhỏ rạng ngời
Tôi say mộng với khung trời mơ ước
Thu
trải rộng theo con đường em bước
Gió
giao mùa lả lướt áo dài tung bay
Hồng
Duyên
nguyenhongduyen0605@gmail.com
BÊN SÔNG TRÀ KHÚC - thơ Huy Uyên
Chiều chảy về đâu sông Trà
thuyền lưới cá mái chèo trôi êm ả
gió ngược dòng, chải tóc em xa
phía núi Long Đầu đậm đầy thương nhớ.
Phố đèn giăng ngang chợ
quán rượu nghèo khách vắng thêm buồn
quặn lòng khúc bên bồi lỡ
tiếng chuông xa đổ tím hoàng-hôn.
Gởi sầu về Cổ-Lũy cô thôn
sóng bờ lên thuyền chì làng mạc
thành quách xưa máu nhuộm trong hồn
nơi ngày cũ điệu Champa đền tháp .
Sầu bao đời đám dân chài đơn độc
ngậm ngùi xưa xóm vắng mồ-côi
hàng cây chiều nhớ ai muốn khóc
về Quảng-Ngãi người đã đi rồi.
Lạnh bóng chiều chờ đợi ai về
mùa đông lay hoa lau đầu núi
bếp lửa hồng cháy đỏ miền quê
ngõ lá phơi đầy quanh bóng tối .
Đêm có lạnh sắt tình con gái
người đàn bà dấu buồn trong tim
khói vương lên cay hai mắt đỏ
mùa đi quạnh vắng mấy bờ nương.
Hạnh-phúc chao vàng kín đời cây
giấc mơ đêm trở về vội vã
em gái quê nghèo rưng gió bay
chầm chậm bước cùng đông lạnh giá .
Em hoang mê hồng lên hai má
đêm pha nghiêng "quán trọ Jamaica"(*)
hoa dã quỳ vàng rơi lay cùng gió
đồi xưa xưa Quảng-Ngải đợi em về.
Bếp đêm đông ấm bụng chén rượu ngô
tiếng khèn đêm xa đâu vọng lại
Quảng-ngải nhớ ai mà nước chia bờ
em đi tím cả đời con gái
Bềnh bồng mây trời pha tuyết trắng
nắng bên hiên rót nhẹ tơ vàng
những cơn mưa phùn rơi
bên thềm lắng đọng
hỏi bao giờ em tới chở tôi sang.
Sân ga chia tay em mờ sương
cầm tay hôn môi người yêu dấu
mùa đông qua lặng lẽ hơi buồn
mái lá quán nghèo rớt lòng tiếc nhớ.
Mây sương trời, nước dòng sông lảng đảng
người đi đâu để Quảng-Ngải đợi chờ
xa hết rồi con đường chiếc bóng
bên sông Trà tôi lòng dạ ngẫn ngơ.
(mong)
Huy Uyên
(*) Jamaica Inn
Subscribe to:
Posts (Atom)