LẮNG ĐỌNG HỒN QUÊ
(Cảm nhận bài thơ “Hồn quê”)
HỒN QUÊ
Đường quê mỗi độ đi về
Bàn chân in dấu con đê cỏ vàng
Nghe lòng rạo rực xốn xang
Tiếng ru của mẹ dịu dàng bên nôi
Hồn rơm, vía rạ, tình người
Theo ta đi giữa cảnh đời lạ, quen
Đầm làng vẫn ngát mùa sen
Mương xanh- dải lụa, bóng em gương lồng
Bùn nâu ấp ủ hương đồng
Hồn quê rót ngọt vào lòng ta say
Cây đa chừng cũng vẫy tay
Mà nghe hơi ấm lan đầy chiều quê
Tác giả: Ngô Nguyên Ngần
Với đa số người Việt Nam, quê hương luôn là niềm
tự hào, là nỗi nhớ khôn nguôi khi xa cách. Quê hương- nơi lưu giữ đầy ắp những
kỷ niệm của một thời thơ trẻ; nơi những người thân yêu, ruột thịt của họ đã và
đang sinh sống... Bởi vậy, những người cầm bút không thể thiếu những trang
viết, những bài thơ về quê hương mình với những cung bậc tình cảm đặc biệt. Bài
thơ “Hồn quê” trong tập thơ cùng tên của nhà thơ Ngô
Nguyên Ngần có một góc nhìn tươi mới về tình cảm đối với quê hương
qua những hình ảnh thân quen mà vẫn lay động lòng người.
Bài thơ lục bát với 12 câu như một bài ca dịu
dàng, tha thiết đưa ta về miền quê thân yêu bên dòng sông trong mát, con đê dài
hai mái thảm cỏ tươi với bao kỷ niệm một thời thả diều, chăn trâu, cắt cỏ...
cùng bạn bè nô đùa mỗi buổi chiều của những ngày niên thiếu:
“Đường quê mỗi độ đi về/ Bàn chân in dấu con đê
cỏ vàng”. Mỗi lần về quê, bàn
chân của những người con xa quê đã đi khắp miền đất nước, có người đã đi khắp
năm châu bốn bể nay về thăm quê lại “in dấu”trên “con đê
cỏ vàng” thân thuộc. Hai mái đê cỏ đã chuyển sang màu vàng báo hiệu
thời tiết đã chớm đông khi sương muối đang về. Người con của quê hương khi về
thăm quê chắc không còn trẻ nữa, đã qua những trải nghiệm cuộc đời, như lá rụng
về cội càng cảm nhận tình yêu quê tha thiết như một phần máu thịt của mình.
“Nghe lòng rạo rực xốn xang/ Tiếng ru của mẹ dịu
dàng bên nôi”. Mỗi lần về quê
những kỷ niệm thân thương lại ùa về, bao tình cảm xúc động dâng trào, ta cảm
thấy nghe được tiếng con tim mình “rạo rực xốn xang”. Và, người đầu
tiên ta nhớ đến là Mẹ! Mẹ là người “mang nặng, đẻ đau” sinh ra ta, cho ta cuộc
sống; nuôi dưỡng ta từ những ngày tấm bé để khôn lớn, trưởng thành như hôm
nay... Hình ảnh Mẹ “dịu dàng” bên nôi, cất tiếng à ơi ru con
ngủ với biết bao hy vọng và niềm mong ước về người con mang một phần máu thịt
của mình với người chồng thân yêu sẽ khôn lớn, trưởng thành, làm rạng danh gia
đình, dòng họ và quê hương yêu dấu. Với người Việt Nam, Mẹ còn là biểu tượng
của Quê hương, Đất nước. Vẫn biết rằng ta không thể biết được ngày thơ bé mình
có được nằm trong nôi như lớp trẻ sau này. Nhưng hình ảnh đẹp nhất về người Mẹ
là hình ảnh: Mẹ đang ngồi bên, tay đưa nôi nhè nhẹ, mắt hiền dịu nhìn con âu
yếm, miệng hát ru câu ca dao quen thuộc: con cò bay lả bay la... Và, ai cũng muốn
mình đã từng là đứa nhỏ nằm trong nôi đó. Phải chăng đó là một phần của“Hồn
quê” lưu giữ trong ta?
“Hồn rơm, vía rạ, tình người/ Theo ta đi giữa
cảnh đời lạ, quen”. Mỗi
cây mỗi hoa, mỗi người có cảnh ngộ khác nhau, khi trưởng thành bước vào cuộc
sống có những thuận lợi và khó khăn nhất định nhưng thường gặp nhau ở
tình cảm biết ơn quê hương yêu dấu, nơi nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn ta lớn lên,
chắp cánh cho ta bay xa... Chỉ những người con đi xa mới thấm thía nỗi nhớ quê
hương đến nao lòng! Trong cuộc sống, có những khi vấp ngã, ta gắng gượng đứng
dậy, vươn lên mỗi khi nghĩ đến quê hương. Tình yêu và niềm tự hào về quê hương
là nguồn động lực để ta vươn tới trong sự nghiệp của mình. Phải chăng đó chính
là “hồn quê” đã cho ta thêm sức mạnh? Mỗi khi về quê,
những vật thân quen tưởng như vô chi, vô giác thường ngày như rơm, rạ, cây đa
đầu làng, mái nhà thân thuộc... cũng có hồn, có tình và tình người nơi thôn quê
đã góp phần bồi đắp thêm tình yêu đối với quê hương “theo ta đi giữa
cảnh đời lạ, quen”.
“Đầm làng vẫn ngát mùa sen/ Mương xanh- dải lụa,
bóng em gương lồng”. Những
hình ảnh thân quen trong ta khi xa quê về gặp lại gợi nên những kỷ niệm ngọt
ngào của một thời tuổi trẻ: đầm sen hương thơm ngan ngát mỗi độ hè về ta cùng
bạn thân ra chơi hóng mát sau bữa cơm chiều; dòng mương đẹp như “dải
lụa”, trong mát với hàng cây xanh đôi bờ soi bóng nơi ta cùng bạn bè
bơi lội mỗi buổi chiều... Và, bất chợt nhìn cô thôn nữ soi
bóng xuống dòng mương xanh trong, ta giật mình nhớ về người xưa ấy đã một thời
cùng ta soi bóng... lâu rồi chưa gặp lại để lòng thêm bối rối, bồi hồi...
“Bùn nâu ấp ủ hương đồng/ Hồn quê rót ngọt vào
lòng ta say”. Vẫn màu bùn nâu của đất
Mẹ đã ấp ủ, nuôi dưỡng những cánh đồng lúa xanh mơn mởn để quê hương có những
mùa vàng... Hương lúa, hương đất, hương rơm, hương rạ... tỏa mùi hương đồng
quen quen lạ lạ đưa ta về sống lại những ngày chăn trâu, cắt cỏ sao mà hồn nhiên,
vô tư biết mấy. Về quê, được thả hồn giữa thiên nhiên, hít thở hương trời đất
trên cánh đồng làng thân thuộc sao ngọt ngào đến thế? “Hồn quê rót ngọt
vào lòng ta say”. Đúng vậy! Câu thơ đẹp, đầy tâm trạng và tình cảm của
tác giả làm xúc động lòng người. Ta không thể “nhìn thấy” được “hồn
quê” nhưng ta “cảm thấy” trong người cứ dâng lên, dâng lên... tình yêu
quê hương vừa tha thiết, vừa ngọt ngào... đến say lòng mà không sao diễn tả
nổi. Phải chăng đó là“hồn quê” được hình thành trong mỗi tâm
hồn nặng tình nghĩa với quê hương?
Hai câu kết của bài thơ thật đẹp: “Cây
đa chừng cũng vẫy tay/ Mà nghe hơi ấm lan đầy chiều quê”. Cây đa, cây
muỗm là những cây sống lâu năm, bốn mùa lá xanh tươi thường được trồng ở đầu
làng Việt. Mỗi khi về quê, đến đầu làng gặp cây đa như người thân đang chờ đợi
ta về. Những cành đa xum xuê, lá xanh ngăn ngắt phấp phới bay theo làn gió thổi
như những bàn tay vẫy vẫy chào, mừng vui đón ta về. Tác giả đã nhân cách hóa
thật sinh động:“Cây đa chừng cũng vẫy tay”để nói lên tình cảm của quê
hương đối với những người con đi xa lâu lâu mới trở về làng. Ta cảm nhận tình
quê cứ thấm vào, thấm vào lòng mình thật tự nhiên... Những lời người quen chào
hỏi gặp trên“đường quê”; bạn bè, người thân đến thăm... niềm vui cứ lan
tỏa trong ta, cảm xúc ấm áp dâng trào không ở nơi nào ta có được. Câu kết của
bài thơ: “Mà nghe hơi ấm lan đầy chiều quê” đọc lên cảm thấy xúc
động lạ thường. Tôi linh cảm rằng “hơi ấm” ở đây chính
là“hồn quê” mà tác giả đã “nghe” thấy được?
Bài thơ có tứ đẹp, hình ảnh chọn lọc, với thể
lục bát thiết tha, tình cảm nhà thơ Ngô Nguyên Ngần không chỉ nói lên tình cảm
của mình đối với quê hương mà còn góp tiếng nói lý giải một cách sinh động về
khái niệm “hồn quê”. Đọc xong bài thơ ta cảm thấy ấm áp,
gần gũi như được trở về quê mình, được “nghe hơi ấm lan đầy chiều quê”.
Hà Nội, Mùa thu 2015
Ts. Nguyễn Đình Nguộc
No comments:
Post a Comment